51 -52 - 53

     ắng bừng lên, gay gắt. Mùa thu dịu hiền, dường như, bị cách mạng đốt cháy. Nắng trả thù mưa, lụt. Nắng muốn làm khô cạn nước, còn mênh mông ruộng đồng. Người ta quên những giọt nắng ngoan, những giọt nắng đượm gió lạnh năm ngoái, năm xưa. Nắng đã dậy mùi thuốc đạn miền Nam. Nắng chiếu chói chang vào những khẩu hiệu phản đối thực dân Pháp xâm lăng niềm Nam, treo đầy đường phố thị xã. Thực dân Pháp đã chiếm Sàigòn. Tin đó tung ra. Cả thị xã phẫn nộ. Khúc ruột trong cơ thể Việt Nam bị cắt đứt. Thị xã biểu tình tuần hành. Những cánh tay giơ lên. Những mái tóc hất tung. Những đôi mắt áng lửa căm hờn. Những tiếng nói vỡ phổi. Cùng hát:
Tiếng súng vang sông núi miền Nam vì mưu chiếm Việt Nam
Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn
Vũ ngước nhìn khẩu hiệu mới lạ Vietnam to the Vietnamese, nó hỏi Côn:
- Việt Nam to thế Việt Nam mẹ sề hở, mày?
Côn không hiểu Vietnam to the Vietnmamese [1] là gì. Nó gật đầu bừa:
- Ừ, Việt Nam to thế, Việt Nam là mẹ của thực dân Pháp.
Vũ khoái quá:
- Việt Nam là mẹ Pháp. Tao là bố tụi Tây con.
Côn chợt nhớ Vọng, nhớ hôm đảo chính Nhật, Vọng đã nhạo báng Tây, Đầm, và Côn không thích Vọng trả thù Tây. Hôm nay, Côn thấy Vọng đã trả thù Tây đích đáng, vì Tây dám xâm lăng miền Nam. Tây là bọn vô ơn. Hồi chúng nó chạy Nhật, dân Thái Bình thương hại chúng, chỉ chỗ cho chúng trốn nấp Nhật. Thế mà chúng nó nỡ hại người Việt Nam. Lớn lên, nếu Tây chưa thua trận, Côn sẽ đi lính đánh đuổi Tây về nước của chúng nó. Tự nhiên, Côn có hai kẻ thù, Vọng chết đói là do Tây và Nhật. Côn phải trả thù giùm Vọng. Côn nắm chặt bàn tay, hét lớn:
- Ai sinh ra cái xe bò
Để cho Tây phải kéo gò lưng tôm
Vũ đọc to một khẩu hiệu:
- Thực dân ơi hỡi thực dân,
Đàng nào thì cũng một lần về thôi
Việt Nam của Việt Nam rồi
Cướp làm sao nồi đất người Việt Nam.
Vũ tách khỏi hàng ngũ, lấy giọng:
- Kèn cứu quốc thét vang... Hai, ba...
Nhi đồng Kiến Xương hát vang:
... Xung phong, xung phong! Giết, giết!
Đùng đùng đùng đùng...
Giết, giết!
Ta đi tiên phong giết loài sói hung
Kèn cứu quốc thét vang giục người chiến sĩ
Cùng tiến, cùng hô
Giết hết quân thù...
Đoàn biểu tình dừng lại trước phòng thông tin, gần cầu Bo. Người ta chen nhau vào phòng thông tin, xem tranh triển lãm tội ác của thực dân Pháp. Những bức tranh vẽ thực dân Pháp nấp sau đít liên quân Anh, Ấn, vào Sàigòn đã làm nhiều người khinh bỉ. Thực dân Pháp mộng chiếm lại Việt Nam, đặt lại nền đô hộ, được ví như thằng bé mũi lõ thổi bong bóng xà phòng. Đặc biệt, bức tranh vẽ mấy thằng mũi lõ quăng trẻ thơ vô lửa, dưới ghi hai câu: Trẻ thơ nào tội tình gì, Bị quăng vào lửa chỉ vì thực dân, đã khiến dân thị xã đau đớn, căm hờn. Thực dân đang tàn sát đồng bào miền Nam.
Tỉnh lỵ chưa bao giờ buồn thảm như bây giờ. Dân thị xã ngủ vùi trong giấc ngủ an phận. Thức từ sáng sớm, hôm Nhật đảo chính Pháp. Nỗi buồn mất nước thức dậy theo. Từ đó, chỉ thêm buồn đau, sót sa. Mỗi buồn đe dọa một kinh hoàng đẫm máu. Không ai muốn buồn. Phải đứng lên đập tan nỗi buồn. Xích xiềng nô lệ đã chặt đứt. Xích xiềng ấy không thể buộc vào chân người Việt Nam, như đã buộc tám mươi năm cũ. Gậy tầm vông vót nhọn thách thức súng đạn của thực dân Pháp. Là đã trả lời nhân loại rằng, người Việt Nam không muốn sống buồn thảm trong nô lệ, đói rách, dốt nát. Căm hờn đã thấm vào tim phổi, và thoát ra:
Việt Nam, bao năm ròng rên siết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Nhật với Pháp cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu nhục hình
Đồng bào tuốt gươm vùng lên
Đã đến ngày trả mối thù chung
Mau mau mau. vai kề vai
Không phân già trẻ trai hay gái
Cố tiến lên, ta đi lên
Ta tiến lên ta diệt quân thù
Việt Nam, Việt Nam muôn năm...
Việt Nam muôn năm. Chỉ Việt Nam muôn năm. Chiến đấu cho Việt Nam. Cho độc lập. Cho tự do. Cho hạnh phúc. Người lớn đã lên đường chiến đấu. Trẻ con sẽ lên đường chiến đấu, bảo vệ quê hương. Những trang sử quật cường của nòi giống bị cấm học từ lâu, được mở ra, được nhắc nhở. Vũ và bạn bè nó mới biết Nguyễn Tri Phương đắp thành Kỳ Hòa chống Pháp, bị bắt, nhất định noi gương Trần Bình Trọng; Nguyễn Trung Trực đốt tầu Espérance của Pháp, trên sông Nhật Tảo; Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Nội thất thủ; Phan Đình Phùng mộ quân đánh Pháp; anh em Phan Tôn, Phan Liêm anh dũng ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu; Đề Thám vẫy vùng miền Yên Thế; mười ba anh hùng Việt Nam quốc dân đảng lên máy chém cười ngạo nghễ, tung hô Việt Nam muôn năm...
Những trang sử rạng ngời ấy đang được viết tiếp. Bằng gậy tầm vông vót nhọn thấm máu quân thù. Những Nguyễn Trung Trực, những Phan Tôn, Phan Liêm, những Huỳnh Phan Hộ đã làm sống lại lịch sử tranh đấu, ở bên kia cầu Quay, cầu Mống, ở Gò Vấp, ở Bình Xuyên, ở khắp Nam Bộ. Và, ở Bắc Bộ, ở thị xã Thái Bình nhỏ bé, những con mắt áng nhiệt tình, và kiêu hãnh hướng cả về Nam Bộ kháng chiến, Nam Bộ thần thánh, Nam Bộ đương nổi lửa đốt cháy mộng xâm lăng của giặc Pháp.
Vũ cố nhìn những bức tranh triển lãm tội ác của thực dân Pháp, thật lâu. Để nhớ, để in sâu vào trí nhớ hình ảnh nuôi thù hận, đợi chờ một mai khôn lớn. Vũ dời phòng thông tin, ra về một mình. Suốt buổi chiều, Vũ hì hục vẽ lại những bức tranh, tô mầu rực rỡ. Những bức tranh sẽ đem tặng con Thúy.
Vũ phải nói thật với Thúy rằng, Vũ thèm lớn, Vũ thèm băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn. Vũ yêu Nam Bộ, yêu người Nam bộ.
52
Tỉnh lỵ đã mất hẳn sự bình tĩnh cố hữu. Luôn luôn có những ồn ào sinh động. Người tỉnh lỵ bị lôi cuốn bởi thác lũ cách mạng. Nam Bộ đang kháng chiến, tưởng chừng đã chiến thắng. Báo Cứu quốc, mỗi ngày, mỗi đăng tin giặc Pháp thua to, ở khắp mặt trận Nam Bộ. Tiếng súng Nam Bộ tạm im trong lòng mọi người dân thị xã, nhường cho tiếng réo sôi của một hân hoan mới. Cụ Hồ Chí Minh sắp về thăm dân Thái Bình. Tin đó làm cả thị xã vui mừng, và hãnh diện. Nhi đồng học thêm một bài hát mới. Vũ lại được đứng dưới cột đèn điện, thổi ác mô ni ca, dạy nhi đồng cầu Kiến Xương bản:
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng
Ai yêu bác Hồ Chí minh hơn thiếu Nhi Việt Nam
Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài
Bác chúng em nước da nâu vì sương gió...
Trong khi thị xã vang lừng tiếng hát, suy tôn chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:
Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà
Khiến dân Việt Nam thoát ách xưa
...
Thắng gian nguy
Tranh công đầu
Giải phóng cho dân Việt Nam yêu dấu ngàn thu
Lúc này, Vũ quên Thúy, quên cả gia đình. Vũ chỉ còn nhớ bác Hồ. Bác Hồ không phải là người. Bác Hồ là thánh. Mắt bác sáng như sao, vì có những bốn đồng tử! Vũ đã học thuộc lòng bài thơ:
Hồ Chí Minh mặt người như nước Việt
Thấm thía mang một sức sống phi thường
Vừng trán rộng Trường Sơn trong sớm biếc
Mắt tinh anh sâu thẳm Thái Bình Dương
Vũ chiêm ngưỡng bác Hố, dù Vũ chưa hề gặp bác Hồ. Tháng sau, bác Hồ về thăm dân Thái Bình, thế nào Vũ cũng nhìn rõ vầng trán rộng bao la của bác, và đôi mắt bốn đồng tử! Vũ ngừng thổi kèn, hoan hỉ:
- Chúng mày hát chiến lắm. Vài hôm nữa hát thi, hễ khu nào hát hay, sẽ được chọn làm nhi đồng danh dự, đứng gần bác Hồ, hát bản này.
Một nhi đồng cầu Kiến Xương hỏi:
- Rồi bác Hồ có cho mình cái gì không?
Vũ đáp:
- Có chứ. Bác Hồ tặng mày sợi râu!
Nó nói tiếp:
- Được bác Hồ xoa đầu là sướng mê con ông cụ, sướng rên mé đìu hiu. Bác Hồ tuyệt lắm.
Vũ chỉ nghe các anh thanh niên, từ chiến khu về, nói rằng bác Hồ là hồn thiêng sông núi. Chiến khu được mô tả như vùng đất mầu nhiệm. Kim đồng đã lên chiến khu, quê hương Việt Bắc xa mù. Người về từ chiến khu đều là những người phi thường, là những chiến sĩ, là những trang nam nhi quyết chiến sa trường, sống thác coi thường, mang xác trong da ngựa bọc thân thế trai... Người về từ chiến khu ca ngợi bác Hồ là hồn thiêng sông núi, là những tinh hoa của dân tộc đúc kết thành, nên mắt bác Hồ mới có bốn đồng tử. Chẳng riêng gì nhi đồng, người lớn cũng tin tưởng bác Hồ xuất chúng, bác Hồ đã đuổi Nhật, đánh Tây. Hồ Chí Minh, chỉ Người là có thể đưa con thuyền tổ quốc đến vinh quang. Bác Hồ dạy điều này, bác Hồ dạy điều nọ. Mỗi lời của Bác Hồ là mỗi câu kinh nhật tụng. Và, chỉ cần thời gian ngắn, trong những ồn ào sinh động liên tiếp, không cho con người kịp suy nghĩ, bác Hồ đã ngự trị ở tâm hồn đám dân chất phác, đã trở thành ngọn đuốc, luôn luôn sáng ngời trong đôi mắt thủy tinh của nhi đồng.
- Bác Hồ tuyệt như gì?
- Tuyệt cú mèo!
Bác Hồ tuyệt cú mèo. Bác Hồ nhất hạng. Bác Hồ đã làm nhi đồng quên bài học thuộc lòng: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Vũ đã quên Thúy, quên hẳn Thúy, khi nó thổi ác mô ni ca, tập hát để đợi ngày đón rước bác Hồ. Cả thị xã nôn nóng, chờ đón rước cụ Hồ. Đêm đêm, tiếng hát vang trời. Ngày ngày, tiếng cười rộn rã. Đêm, dưới chân cột điện, nhi đồng tỏ tình: Ai yêu bác Hồ Chi Minh hơn chúng em nhi đồng. Ngày, giữa sân vận động, nhi đồng vẽ chân dung bác Hồ theo trí nhớ. Vẽ trên giấy. Vẽ trên trái tim. Kể tự đó, chân dung bác Hồ ngự trị hẳn, ở tâm hồn niên thiếu. Chăm học vì bác Hồ. Làm việc vì bác Hồ. Yêu nước vì bác Hồ. Thù hận vì bác Hồ. Hy sinh vì bác Hồ. Đôi mắt bốn đồng tử của bác chiếu rõi quanh đời sống niên thiếu. Đôi mắt bốn đồng tử ấy nhìn rõ hàng triệu nụ cười, và nhi đồng, mơ hồ, thấy một nụ cười hiền dịu của bác Hồ ban phát cho tất cả.
Vủ đã nằm mơ được nắm tay bác Hồ. Vũ đã nắm tay Thúy, đã xao xuyến, bâng khuâng. Nó nghĩ rằng, bác Hồ sẽ cho nó cái cảm giác xao xuyến, bâng khuâng ấy. Vũ nóng ruột gặp bác Hồ, như trẻ con nóng ruột ngóng mẹ về chợ. Nó đưa kèn lên miệng, lướt nhanh câu nhạc mở đầu. Rồi nói:
- Hát nữa đi, chúng mày! Nhi đồng cầu Kiến Xương sẽ là đội nhi đồng danh dự.
Tiếng hát thoát ra. Lên cao. Bay xa. Tiếng hát tha thiết của một đoạn đời chưa biết ngờ vực.
53
Bác Hồ chưa kịp về, để nhi đồng Thái Bình chiêm ngưỡng, và để Vũ được bác nắm tay, vuốt tóc mà nghe lòng dậy nhũng xao xuyến, bâng khuâng, thì quân Tầu đã từ Nam Định tràn sang, tước khí giới của quân Nhật. Thị xã rợp cờ sao trắng chen lẫn cờ sao vàng. Ở phố chính, bọn Tầu treo những lá cờ sao trắng to tướng. Nhiều khẩu hiệu viết bằng chữ nho giăng ngang đường. Bọn nhãi Tầu mặt mũi vênh váo, một tay cầm cờ sao vàng, một tay cầm cờ sao trắng, phất lia lịa. Ngày Tây chưa bị Nhật đuổi, một tay cầm cờ tam tài, một tay cầm cờ sao trắng. Tây bị Nhật đuổi rồi, một tay cầm cờ mặt trời, một tay cầm cờ sao trắng. Và, bây giờ, tay cầm cờ sao vàng, tay cầm cờ sao trắng. Đó là bọn Tầu sinh sống trên đất Việt Nam. Vũ rất ghét bọn nhãi Tầu. Lúc này, nó càng ghét hơn. Vũ không tin quân Tầu đánh bại nổi quân Nhật. Chỉ có bọn nhãi Tầu tin thôi. Mà, bọn nhãi Tầu thì Vũ coi như mỡ tép.
Hôm đón quân Tầu ở ngã tư Vũ Tiên, Vũ phải hô Tưởng Giới Thạch muôn năm, nó ức ghê quá. Tưởng Giới Thạch hạng bét, vì quân Tầu lôi thôi, lếch thếch, từ sĩ quan đến lính. Thằng nào thằng ấy, mặt mũi hốc hác, tóc mọc lởm chởm, thân thể gầy còm, mắt trũng sâu như dân tháng ba đói. Đoàn quân chiến thắng Nhật lùn phục sức mới khiếp chứ! Chỉ sĩ quan là có mũ đội, giầy đi. Còn lính đầu trần, chân bó cói. Thằng mặc quần áo bó sát người, thằng bơi trong bộ quần áo rộng thùng thình.
Quân Tầu vô trật tự, vừa tiến bước vừa khạc nhổ. Có thằng bóc bánh chưng ăn vội vàng. Có thằng ngoạm dưa chuột sột soạt. Lính Tầu bước chậm chạp. Như thể chân chúng đeo đá. Mấy hôm sau, Vũ vàbbạn bè của nó mới hay, lính Tầu bị bệnh phù thũng. Quân Tầu sang Thái Bình, thị xã sặc mùi sâu quảng, đường phố nhầy nhụa đờm rãi. Thế mà dân thị xã phải đón rước đoàn quân ô hợp này, đã chiến thắng Nhật lùn, qua Việt Nam tước khí giới của Nhật lùn!
Không khí cách mạng bỗng hôi mùi Tầu Phù. Bài hát Tiến quân ca, bài hát thiêng liêng của cách mạng tháng tám, bị đổi lời, để mỉa mai quân của tướng Lư Hán. Đoàn quân Tầu ô đi, sao mà ốm thế, bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam. Cờ sao trắng phất phới như giẻ váy. Thằng nào sang không ốm cũng phù chân... Dân thị xã nhỏ to trách móc chính phủ, tại sao lại rước Tầu phù sang. Tầu phù đúng là bọn ăn hại. Chính phủ Việt Nam nuôi báo cô chúng. Quân Tầu hưởng đầy đủ tiện nghi, như quân Nhật hồi chưa đầu hàng đồng minh. Sĩ quan Tầu chiếm Câu lạc bộ, và đuổi sĩ quan Nhật ra ngoài. Nhật lùn căng lều vải quanh sân vận động. Ban đêm, họ mới ngủ trong lều. Ban ngày, họ lang thang ngoài phố, chơi với trẻ con.
Nhật không còn một tí khí giới nào. Tự nhiên, họ hiền lành, dễ thương. Dân thị xã bắt đầu tội nghiệp lính Nhật; tội nghiệp những kẻ đã từng treo dốc cổ người Việt Nam, chặt chân tay người Việt Nam, chỉ vì dám ăn cắp một đấu thóc nuôi ngựa Nhật; tội nghiệp những kẻ đã tra tấn người Việt Nam dã man, đã bắt người Việt Nam uống hàng lít nước mắm, hàng chậu nước xà phòng, vì dám yêu nước Việt Nam; tội nghiệp những kẻ đã bị kết tội làm ngót hai triệu dân Việt Nam chết đói...
Vũ hết muốn dắt tay đồng tâm trừ giống giặc lùn rồi. Nó thích tham dự các cuộc biểu tình, mít tinh đả đảo Tầu phù, nhưng không hề có các cuộc biểu tình căm thù Lư Hán. Tầu phù sang Thái Bình đông gấp hai mươi lần Nhật lùn. Chúng đóng quân tại trường Monguillot, cùng với khí giới tịch thu của Nhật.
Tầu phù hèn nhát. Những hôm mới sang đây, chúng không dám bước ra ngoài doanh trai. Ở cổng trường Monguillot, một bên năm thằng lính Tầu bồng súng trường, lưng mỗi thằng đeo thêm hai khẩu pạc hoọc, co ro, sợ hãi; một bên trần xì chú Nhật lùn, tay cầm khúc gỗ ngắn, đi đi, lại lại, cười nói với nhô con. Vũ đã thấy ba thằng sĩ quan Tầu, đeo kiếm tước của Nhật, nghênh ngang giữa đường. Lính Nhật gặp, hét lớn, đứng nghiêm, giơ tay chào. Ba thằng sĩ quan Tầu phù hoảng quá, bỏ chạy. Chạy một lát, chúng hoàn hồn quay lại. Lính Nhật vẫn đứng nghiêm. Ba thằng Tầu phù bèn giận dữ, tiến tới. Một thằng vung tay tát tên lính Nhật. Một thằng đá đít. Thằng thứ ba tỉu nà ma ầm ỹ. Rồi, cút nhanh. Tên Nhật lùn đưa bàn tay sờ má, mỉm cười. Vũ khoái tên Nhật lùn, khinh bỉ Tầu phù cậy đông bắt nạt. Những cảnh Nhật lùn trêu Tầu phù, để Tầu phù thị uy, không diễn ra lâu. Nhật lùn rút khỏi Thái Bình. Chẳng biết đi đâu. Thị xã chỉ còn Tầu phù lổn ngổn. Tầu phù la cà khắp nơi, ăn quỵt, cướp giật. Chúng lần mò xuống cả Vũ Tiên chọc ghẹo cô đầu. Dường như, Tầu phù không thích trở về nước.
Tước khí giới Nhật xong xuôi, và lính Nhật cũng đã cuốn gói, tại sao Tầu phù chưa cút? Dân thị xã bàn tán, tối ngày. Mọi người coi Tầu phù là một tai họa. Người ta mải đề phòng Tầu phù, quên cả chuyện Nam bộ kháng chiến, quên cả chuyện đón rước Hồ chủ tịch. Từ hôm Tầu phù xuất hiện, thị xã mất hẳn sự sôi động. Thác lũ cách mạng ngừng cuốn chảy. Mầu xám đã phết kín tỉnh lỵ. Nỗi buồn dâng lên, cùng với niềm lo ngại. Không có một cuộc mít tinh tuần hành nào. Tất cả đều héo hắt. Thị xã im tiếng hát, ngoài câu hát nhạo báng: Đoàn quân Tầu ô đi, sao mà ốm thế, bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam. Cờ sao trắng phất phớ như giẻ váy. Thằng nào sang không ốm cũng phù chân... Ở những xóm đèn đỏ Vũ tiên, bọn cô đầu ngồi đầy cửa, chờ Tầu phù đi qua, đùa giỡn:
Ngộ là ngộ ở bên Tầu
Ngộ là ngộ mới sang
Ngộ sang Nam Việt với đôi chân phù.
Hoặc huýt sáo bản Tango chinois, nghe Tầu phù ê a tiếng Tầu mà cười, mà chửi. Thị xã gần giống như một thị xã chết. Ngày hé cửa bán hàng, đên đóng cửa kím nít. Tầu phù mua hàng, toàn trả bằng tiền quan hỏa và súng đạn tước của Nhật. Đây là đạo quân ô hợp, vô kỷ kuật, chuyên môn cướp giật, ăn quỵt. Bộ chỉ huy không hề biết quân số của mình bao nhiêu. Cho nên, Tầu phù lớ ngớ vào Kỳ Bá, bị giết chết, không ai điều tra. Thằng nào chết kệ xác nó. Người ta giết Tầu phù để cướp súng pạc hoọc. Thời cách mạng, có khẩu pạc hoọc đeo là oai nhất. Mà, Tầu phù thiếu gì súng.
Vũ ghét Tầu phù vừa vừa thôi. Nó và bạn bè nó chúa ghét bọn nhãi con Tầu lăng xăng, ra vào trại lính Tầu, dẫn Tầu phù đi chơi, làm thông ngôn cho Tầu phù. Vũ và Côn nhiều lần đem nhi đồng cầu Kiến Xương qua phố khách, hát vang câu Đoàn quân Tầu ô đi, sao mà ốm thế... Hễ nhãi con Tầu lơ mơ gây sự, bọn thằng Vũ sẽ khiện ngay. Chúng nó đã thề rằng, khi Tầu phù cút, tụi thằng Coóng, thằng Sùi sẽ nhừ đòn. Vũ và các bạn tìm cách trả thù Tầu phù ăn quỵt. Chúng nó thường nấp một chỗ, đợi Tầu phù ngang qua, tia súng cao su đạn sỏi. Luyến bắn trứ danh. Tầu phù ăn đạn sỏi, kêu la inh ỏi, co giò chạy.
Một hôm, Vũ thơ thẩn ở Kỳ Bá chơi. Nó gặp hai thằng sĩ quan Tầu phù đứng trên cống Kỳ Bá, bụng mỗi thằng giắt hai khẩu pạc hoọc. Tầu phù làm quen với Vũ. Anh phụ trách nhi đồng từ vườn dâu đi ra. Anh vỗ vai Vũ thân mật, hỏi Vũ muốn trở thành Kim Đồng không. Vũ vẫn mơ làm Kim Đồng, quê hương Việt Bắc xa mù, tên tuổi lừng lẫy chiến khu. Nó gật đầu. Anh phụ trách nhi đồng thị xã kéo Vũ ra một chỗ. Anh bảo, anh sắp vô Nam Bộ diệt thực dân Pháp. Anh sẽ chiến đấu cùng đồng bào Nam Bộ. Anh lại hỏi Vũ có yêu Nam Bộ không. Vũ gật đầu. Anh nói, anh cần súng đạn, bắn vỡ óc quân xâm lăng. Anh nhờ Vũ dắt hai thằng sĩ quan Tầu phù vào vườn dâu, để anh cướp súng. Anh nghiến răng ken két: Tầu là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta. Anh nắm chặt tay Vũ: Em phải yêu nước Việt Nam. em sẽ là Kim Đông! Vũ sướng quá, nó nhận lời.
Anh phụ trách trở vào vườn dâu xanh um, kín mít. Vũ bước tới cống, nói chuyện bằng tay với Tầu phù. Nó quay lưng, chỉ vườn dâu, rủ hai thằng Tầu phù vào chơi. Hai thằng Tầu phù thích Vũ, bằng lòng liền. Đến giữa vườn dâu, hai thằng Tầu phù bị vây kín bởi một tốp người Việt Nam có súng. Chúng run sợ, quýnh cả lên, không dám rút pạc hoọc chống trả. Hai thằng vội quỳ xuống, lạy như tế sao. Người ta đập báng súng ngay ót chúng. Hai thằng ngã gục. Anh phụ trách nhi đồng lật ngửa từng thằng, vung dao găm. Vũ nhắm mắt, đưa tay che mặt. Nó không nghe thấy gì. Khi Vũ mở mắt, nó nhìn rõ hai vòi máu phun cao. Nó thét một tiếng hãi hùng, rồi ù té chạy ra khỏi vườn dâu.
Vũ chạy thẳng về nhà. Nó leo lên giường, đắp chăn kím mít. Vũ rên hừ hừ. Nó bị sốt. Vũ mê sảng. Lúc Vũ tỉnh, nó cầm tay cha nó, khóc sướt mướt. Vũ nằm trên giường bệnh. Nó quên Tây, quên Nhật, quên Tầu, quên anh Kim Đồng, quên luôn cả bác Hồ mắt hai đồng tử. Vũ chỉ còn nhớ con Thúy, bọn thằng Côn.