49 -50

     uổi tối thật buồn tẻ. Không nghe thấy tiếng rao của hàng lục tầu xá, hàng canh bún cá. Mà chỉ có tiếng rao bán bánh khoai, bánh nếp từ chiếc thuyền nan leo lét ngọn đèn dầu. Vũ lén lội ra cửa. Nó cởi bè, chống sào, đẩy đến nhà con Thúy. Trăng mờ trên đầu Vũ. Mặt nưóc yên lặng. Vũ nghe rõ tiếng bè lướt trôi. Nó còn, mơ hồ, nghe rõ cả tiếng con Thúy trách móc nó, tại sao, từ hôm đê vỡ, Vũ chả chịu đến chơi với Thúy.
Vũ nuốt ực một cơn sung sướng. Nó chống sào mạnh để bè lướt nhanh, thật nhanh. Tới gần nhà Thúy, Vũ rút sào đặt lên trên bè. Chiếc bè trôi từ từ. Vũ ngồi giữa bè, móc túi rút cái kèn ác mô ni ca. Nó thổi bài mới nhất, vừa học thuộc:
Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít
Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu
Kim Đồng, quê hương Việt Bắc xa mù
Kim Đồng, thay cha rửa mối quốc thù
Anh Kim Đồng ơi
Anh Kim Đồng ơi
Tuy anh qua đời
Gương anh sáng ngời
Đoàn tôi cố noi
Bao phen giao thông trong rừng
Gian lao nguy nan muôn trùng
Xung phong theo gương anh hùng
Đùng đùng đùng
Đoàng đoàng đoàng
Anh vẫn đi
Kim Đồng, tên anh muôn kiếp không mờ
Kim Đồng, tên anh lừng lẫy chiến khu...
Vũ thổi hết bài Kim Đồng, bè của nó trôi tới cửa nhà con Thúy. Và, hết đà, chiếc bè dừng lại. Cánh cửa sổ nhà Thúy hé mở, một khoảng ánh sáng của đèn điện ùa ra, cùng lúc tiếng kèn ác mô ni ca tan trong mênh mông.
Thúy đứng giữa vùng ánh sáng giới hạn đó. Con bé mỉm cười, thò tay qua chấn song cửa, vẫy lia lịa, tựa hồ người đứng trên bờ vẫy chào người thân yêu trên boong tầu sắp ghé bến. Vũ nhét vội chiếc ác mô ni ca vào túi quần. Nó cầm sào, đứng dậy, chống bè táp vô cửa nhà Thúy.
- Chiến không?
Thúy ngơ ngác:
- Chiến cái gì?
Vũ chỉ chiếc bè chuối:
- Cái này.
Thúy chẳng hiểu chiến ra sao, cũng khen rối rít:
- À, cái bè chuối chiến lắm. Vũ mua ở đâu thế?
Vũ đã xuống bè, rón rén bước tới cửa sổ. Nó khoe:
- Vũ làm Tác Dăng, ngậm dao bơi vào Kỳ Bá chặt chối đóng bè đấy. Vũ đóng năm chiếc. Vũ đem tặng Thúy một chiếc.
Thúy khẽ reo:
- Thích quá.
Con bé giục:
- Vũ vào đây với Thúy, đi!
Vũ lắc đầu:
- Vũ đứng gần Thúy được rồi. Vũ tới xin lỗi Thúy.
Thúy nắm lấy bàn tay Vũ:
- Vũ có làm Thúy giận đâu, mà phải xin lỗi?
Vũ thấy bàn tay lạnh lẽo của nó ấm dần. Và, nóng ran. NHư thể được xoa dầu Nhị thiên đường.
- Vũ muốn đứng bên ngoài.
- Sao tay Vũ lạnh thế?
Vũ bối rối:
- Chả biết tại sao nữa.
Thúy hơi nhăn nhó:
- Đưa tay kia Thúy xem, nào.
Vũ đặt nốt bàn tay lên thành cửa sổ. Con Thúy đã nắm bàn tay nó. Hai bàn tay trong hai bàn tay. Hai con mắt nhìn hai con mặt. Vũ cảm giác, như trong ngày mùa đông, nhiều nắng hanh vàng khát nước. Nó bê cái ấm tích nước lạnh tu ừng ực. Nước thấm lạnh từ cổ họng, xuống tận dạ dầy. Nước đến đâu, lạnh đến đó. Hả hê vô cùng. Vũ đang đứng giữa nắng hanh vàng. Nắng hanh vàng của những ngày vàng thần tiên của Vũ. Thúy là ấm tích nước lạnh. Tâm hồn Vũ được tưới bằng nước mưa ngâm hoa bưởi.
- Tay Vũ lạnh ghê ghê là...
- Tay Thúy ấm lắm.
- Tại Thúy ở trong nhà, Vũ ở bên ngoài, Vũ chèo bè đấy mà...
Vũ nhìn Thúy. Bốn bàn tay đã tạm xa nhau.
- Thúy ơi!
- Hở?
- Có thật Thúy bảo Vũ cừ không?
- Vũ ném phi tiêu cừ hơn Côn.
- Vũ không ném phi tiêu?
- Vũ mà ném, Vũ sẽ cừ hơn Côn.
- Có thật...
- Thật gì hở, Vũ?
- Thật Thúy... nhớ Vũ không?
- Thật chứ. Thúy nhớ cả gói táo tầu Vũ cho Thúy, nhớ cả chiếc lồng bẫy chim khuyên Vũ cớp của thằng Hội. Thúy ghét thằng Hội. Thúy nhớ cả lần Vũ đánh thằng Dương bênh Thúy...
Bỗng, Thúy hỏi:
- À, bố thằng Dương có bị cách amng tát tai không?
Vũ thích chí:
- Lão phó cẩm bị tù rồi. Thằng Dương, thằng Hách, thằng Huấn, bây giờ, lủi thủi, chả ai thèm chơi. Giá thằng Vọng còn sống, nó sẽ trả thù thằng Dương, thằng Hách.
Thúy bùi ngùi:
- Thằng Vọng ghẻ tầu tốt lắm. Nó cứ gọi Thúy bằng chị, cho Thúy nhiều cánh cam.
Vũ không muốn nghe chuyện thằng Vọng nữa, dù nó rất thương Vọng. Tai nó nóng bừng. Cái gì đó làm Vũ khó chịu, Vũ không hiểu, nó chỉ thích nghe Thúy nói với nó, về nó.
- Thúy ơi!
- Gì, Vũ?
- Má Thúy hết nóng chưa?
- Hết rồi.
- Thúy nói dối.
- Chả tin, rờ má Thúy đi...
Vũ đưa bàn tay áp vào má Thúy. Xuân hồng của Vũ lại bừng nắng rực rỡ, tràn ngập tiếng chim ca ánh ỏi. Và, bướm muôn mẩu rợp bay.
- Ừ, hết nóng rồi.
- Vũ tin Thúy chưa?
- Vũ tin. Mà, Thúy ơi!
- Gì hở, Vũ?
- Tóc Thúy thơm quá.
- Thúy có bôi nước hoa đâu!
- Sao thơm thế?
- Vũ lại không tin Thúy à?
Con bé cúi đầu thấp sát chấn song cửa sổ. Vũ thấy rạo rực tâm hồn. Nó muốn hôn lên tóc Thúy, nhưng sờ sợ. Thúy dục:
- Ngửi tóc Thúy xem, có phải Thúy bôi nước hoa không nào?
Vũ định bắt chước thằng bé trong phim ca nhạc, quàng tay qua cổ con bé Deanna Durbin, và hôn nhẹ lên trán con bé. Mà, Vũ ngại ngùng khôn kể.
- Vũ ơi, à, mày ở đây!
Cả Thúy lẫn Vũ cùng bối rối. Vũ quay mặt lại, Con nhà Luyến cười hô hố:
- Tìm mày toát mồ hôi. Chúng nó tưởng mày xuống An Tập.
Vũ cáu sườn. Nó lẩm bẩm:
- Thằng chó chuyên phá đám.
Vũ mừng, vì thằng Luyến bắt gặp nó ở đây, chứ không phải thằng Côn. Thúy dặn khẽ:
- Mai, Vũ tới nhé!
Con bé khép cửa sổ. Vũ lội ra vỉa hè, leo lên bè của thằng Luyến. Con nhà Luyến hỏi:
- Mày bảo mày ghét con bà cô Thúy. Sao mày còn chơi với nó?
Vũ phiệu:
- Tao cho nó cái bè, mai nó sẽ bị ngã, uống nước sặc sụa. Đừng nói tụi thằng Côn biết, nghe chưa.
Luyến vỗ tay:
- Hay quá. Hoan hô mày, Vũ ạ!
- Tìm tao làm gì?
- Đi cớp bè của tụi Tầu.
Vũ vừa tặng Thúy chiếc bè, nó thấy cần cớp chiếc khác, kẻo thằng Côn nghi ngờ. Vũ giậm chân mạnh, làm chòng chành bè:
- Cớp hết. Nhi đồng cầu Kiến Xương chiến nhất. Mỗi thằng một chiếc bè.
Chiếc bè lướt đi. Hai đứa nói chuyện vang vang mặt nước. Vũ không biết con Thúy vẫn đứng, ở cửa sổ, hé một chút, nhìn theo chiếc bè xa dần con phố nhà mình.
50
Nước đã rút dần, sau mấy tuần đứng yên không thèm nhúc nhích. Khi nước rút, lại rút thật nhanh. Mỗi ngày vài tấc. Đến hôm nay, nước chỉ còn cao đến đầu gối người lớn, ở những con đường thấp nhất trong thị xã. Nhi đồng hết trò chơi thủy chiến bằng bè chuối, hay thả bè câu cá, hay lênh đênh cả buổi trên mặt nước, rồi, hễ chán, họp nhau chống bè qua Câu lạc bộ đả đảo Nhật lùn. Dân chúng bớt thở dài. Vẻ thê lương mờ nhạt, nhường chỗ cho nắng vàng tương lai. Thị xã chợt nổ bùng một phẫn nộ mới: Thực dân Pháp đã theo quân đồng minh, đổ bộ lên miền Nam.
Dân chúng biểu tình tuần hành dưới nước, đả đảo thực dân Pháp. Phát xít Nhật được quên đi, như thể đã chiến thắng rồi. Tám mươi năm đô hộ khơi dậy bao nỗi căm hờn. Chẳng ai muốn Pháp trở lại. Những cuộc biểu tình rầm rộ, tưởng muốn nghiêng đất, hất nước lụt ra biển cả. Cô Yến, con gái ông Hậu Hòe, nhân vật nổi tiếng của Thái Bình, lần đầu tiên, xắn quần lội nước, đi đả đảo giặc Pháp xâm lăng. Vài hôm sau những cuộc biểu tình chống Pháp, nước rút hẳn. Thị xã khô ráo. Ở khắp phố, bài hát mới hâm nóng lòng yêu nước của mọi người:
Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang sông núi miền Nam vì mưu lấy miền Nam
Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn
Người Việt Nam, giống anh hùng từng tranh đấu
Đã từ lâu đứng lên phá tan u sầu
Người Việt Nam, giống anh hùng từng tranh đấu
Tới ngày nay toàn dân quyết chiến không lui
Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam
Tiếng súng vang sông núi miền Nam giục ta ra tranh đấu
Cả ngày, cả đêm, bài hát ầm vang, cơ hồ tiếng súng Nam Bộ kháng chiến ầm vang của người miền Nam yêu nước. Tất cả đều đứng lên. Tin tức chiến sự toàn loan những chiến thắng. Dân miền Nam đã anh dũng chống trả liên quân Anh, Ấn, Pháp bằng dáo, mác, và gậy tầm vông. Ngay những người xẩm bến đò, bến xe cũng từ bỏ những bài hát cũ rích, và hát bài Tiếng súng Nam Bộ. Thanh niên Thái Bình tình nguyện vào Nam kháng chiến chống Pháp. Phương hen, người bạn già bán bánh mì thịt quay cửa trường Monguillot, đã ghi tên vào Nam. Thanh niên mười hai phủ, huyện lũ lượt kéo nhau lên thị xã, chờ đợi ngày lên đường vào Nam. Phải giành độc lập, phải đuổi thực dân Pháp khỏi quê hương Việt Nam yêu dấu. Tiếng súng Nam Bộ thức tỉnh tình đoàn kết, làm sôi sục máu nóng của dân chúng.
Bọn thằng Vũ đã dự buổi lễ tiễn những người thanh niên tình nguyện vào Nam đánh Pháp. Những người này được quàng hoa kín cổ, được hoan hô nồng nhiệt. Vũ và Côn vỗ rát cả tay, khi Phương hen giơ tay vẫy vẫy. Những người tình nguyện không được tuyển chọn, khóc sướt mướt. Khuôn mặt họ ủ rũ, buồn hiu, y hệt trẻ con mong mẹ về chợ mà chẳng có quà bánh.
Vũ đã nuốt nước bọt, thèm khát cái vinh dự đánh đuổi xâm lăng Pháp. Giá nó lớn, chắc chắn, nó đã ghi tên vào Nam. Nó sẽ cho giặc Pháp biết tay. Đoàn người vào Nam lên đường, tỉnh lỵ thêm mùa nước lũ. Nước lũ cuồn cuộn, hung hăng hơn con nước lũ vừa tàn phá đê điều. Kể từ đó, bọn thằng Vũ căm thù thực dân Pháp. Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn.
Dân chúng hướng vào Nam bộ, mong tin chiến thắng. Không ai thiết lo thóc cao, gạo kém. Tương lai sẽ gần như mùa lúa chiêm sắp tới, mùa lúa chiêm vàng đầy đồng, nhờ phù sa bồi bón. Riêng Vũ, Vũ chỉ lo nó chưa kịp lớn, giặc Pháp đã bị đánh thua tan nát. Vũ mơ ước chóng lớn. Niềm mơ ước ấy làm quên xuân hồng của nó. Vũ chỉ còn nhớ Thúy sau mỗi cuộc biểu tình. Vũ ngồi dựa lưng vào tường, bực tức, từa tựa nỗi bực tức của Trần Quốc Toản. Nó đứng dậy, đá tung cái hộp sữa bò. Côn đến đúng lúc. Nó ngạc nhiên:
- Mày giận ai đó?
Vũ mím môi:
- Ông đét được vào Nam. Phương hen được vào Nam, tao không được vào!
Côn rút trong túi quần xoóc ra một tờ báo gấp nhỏ:
- Trong Nam có thằng chiến hơn Kim Đồng. Báo đăng đây này.
Vũ chộp vội tờ báo. Cái tít to tướng đập vào mắt Vũ: Một em bé tẩm xăng tự đốt, rồi nhảy vào kho đạn của giặc Pháp. Vũ say sưa đọc báo. Nó cười ha hả:
- Ừ, chiến hơn Kim Đồng.
Tin em bé Nam Bộ tẩm xăng, tự đốt, rồi nhảy vào kho đạn của giặc Pháp, ở Saigòn, đã xôn xao thị xã. Đi tới chỗ nào cũng thấy kể chuyện em bé Nqm Bộ, được coi như anh hùng cứu quốc. Nhi đồng cầu Kiến Xương, khối đứa, mơ thành em bé Nam Bộ. Chúng nó tưởng rằng, kho đạn của thực dân Pháp nổ tung, giặc Pháp sẽ hết đạn bắn. Quân ta sẽ giết hết chúng nó. Báo Cứu Quốc không ngày nào không nhắc gương can đảm của em bé Nam Bộ, cùng với tin Thanh niên tiền phong giết Pháp ở cầu Quay, cầu Mống, Khánh Hội, Gò Vấp, Bình Xuyên, Gò Công... Những địa danh xa lơ xa lắc bỗng gần gũi lạ thường. Vũ đã thổi ác mô ni ca không biết mệt, cho nhi đồng cầu Kiến Xương hát bài:
Bình xuyên,
Bình Xuyên oai hùng ngàn năm
Đoàn dũng sĩ máu sôi lòng hờn căm
Khi quân ta tiến ra
Vung gươm chói lòa
muôn đầu rơi sát khí
ầm vang hát chốn sa trường
không tiếc thây
Bình Xuyên,
Gò Công bao lần diệt Tây...
Vũ tưởng tượng Bình Xuyên, Gò Công như là Đống Đa, Chi Lăng, nơi các dũng sĩ miền Nam đang chém ngang thây thực dân Pháp, nơi tổ tiên ta đã chém ngang thây giặc Trung hoa. Nó thấy Nam Bộ thật gần gũi, và mến yêu lạ lùng. Nam Bộ không phải là tân thế giới xa xôi, toàn rừng cao su, roi da quật trên thân thể người Việt Nam, miền lưu đầy cu li đồn điền, dời quê hương đến sống khốn khổ, và chẳng bao giờ trở lại. Nam Bộ anh dũng. Nam bộ cháy bừng lửa chiến đấu giết thù. Trái tim thằng Vũ, thằng Côn, thằng Luyến, thằng Long, thằng Lộc cháy theo. Lần đầu tiên, những đứa trẻ biết quê hương chúng nó không phải chỉ có Thái Bình. Quê hương chúng nó còn ở Khánh Hội, Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Bình Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Chợ Mới. Nơi ấy, chú bác chúng nó đang tập làm Nguyễn Trung Trực, Phan Tôn, Phan Liêm, Nguyễn Tri Phương... Và em bé Nam Bộ đã soi gương anh Kim Đồng. Nơi ấy, đồng bào chúng nó đang kháng chiến bằng gậy tầm vông. Tự nhiên, Vũ ước ao được đứng trên cầu Mống, rút súng thủy tinh đầy nước, chĩa thẳng vào mặt liên quân Anh Ấn Pháp, như nó đã chĩa thẳng vào mặt Nhật lùn.
Vũ đút vội kèn vô túi quần, đùng đùng nổi giận:
- Mẹ bố tụi Tây đen bán vải!
Nhi đồng cầu Kiến Xương nhôn nhao hỏi:
- Tại sao lại chửi tụi Tây đen?
Vũ nghiến răng ken két:
- Tụi nó là Ấn Độ đánh giết quân ta ở Nam Bộ.
Nó hét:
- Đi tẩn bỏ mẹ tụi nhãi con Ấn Đô trả thù cho đồng bào Nam Bộ.
Nhi đồng cầu Kiến Xương reo hò. Chúng nó đi lùng nhãi con Ấn Độ. Nội buổi chiều, có năm thằng nhãi Ấn Độ bị đánh, sưng vều mặt mũi. Mấy hiệu bán vải của Tây đen Ấn Độ bị ném đá, không dám mở cửa. Nhi đồng cầu Kiến Xươhng đứng trước các hiệu Tây đen, hét lớn:
Ông Tây đen nằm trong cái bồ
Đánh cái rắm làm bánh ga tô
Tây đen không hiểu tại sao bọn nhãi ranh lại nghịch ngợm tinh quái thế. Bọn thằng Vũ không thèm nghịch ngợm, chúng nó đang tưởng tượng vào Nam bộ kháng chiến. Nam Bộ nằm giữa trái tim thằng Vũ.