65 - 66

     ại một lớp vôi mới quét khắp đường phố thị xã. Những khẩu hiệu cũ được quên đi. Cách mạng làm cho những bức tường dầy thêm, nhờ những lớp vôi mới. Nét chữ của các anh ở phòng thông tin, mỗi ngày, một đẹp, vì viết khẩu hiệu luôn luôn. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu máu lửa này đã bị khẩu hiệu Tản cư là yêu nước đè lên. Toàn dân kháng chiến là yêu nước, khẩu hiệu xoáy vào da thịt từng người. Khẩu hiệu gợi đổ vỡ và chia ly. Người Hà Nội, người Hải Phòng, lác đác, tản cư về Thái Bình. rồi, người Thái Bình tản cư về đâu? Nỗi buồn không thấy diễn tả trong những khúc hát, câu thơ. Kháng chiến như một viên ngọc đánh bóng rực rỡ, như một phép tích mầu nhiệm. Chung quanh nó, được vây kín bởi lớp sương mầu lãng mạn, và cùng những rung động tuyệt vời:
Lúc kháng chiến xa nhà nhịp theo đời sống mới
Người đi tìm chân trời nơi miền quê
Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu
Quên hết u sầu
Và đoàn người đi miên man không ngại gian nan
Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không
Lớp sương mầu lãng mạn ấy, không thể làm yên tâm những người còn ở lại với thành phố nguyên vẹn của họ. Giã từ là chuyện cam đành, không bao giờ là ước vọng. Giã từ thành phố kỷ niệm của mình, giã từ đống gạch vụn, hàng cây gục đổ, như giã từ một tình yêu thắm thiết. Dân Thái Bình sẽ đau đớn lắm, nếu phải phá hết phố phường, theo nhịp chân không, lang thang trên nẻo đường gian nan vô định. Mái nhà tượng trưng cho gia đình. Không người Việt Nam nào không yêu mái nhà. Bán nhà đã rỏ máu mắt, phá nhà sẽ quặn thắt ruột gan. Bên Nam Định, dân chúng đang thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến. Nhiều cây cầu trên đường Phủ Lý-Nam Định đã bị giật sập. Nam Định chưa tiêu thổ xong, thì giặc Pháp đã kéo về, chiếm thành phố một cách dễ dàng. Nam Định mất. Hà Nội mất. Hà Nam mất...
Thái Bình hoảng sợ. Cả thị xã náo động. Chợ búa nghỉ họp. hiệu buôn đóng cửa, trường học khép kín. Thị xã biến thành thị xã chết. Không một nụ cười. Những khuôn mặt ngơ ngác nhìn nhau. Trong nhà Vũ, mọi người đi lên, đi xuống. Cha Vũ ngồi yên, đưa tay bóp trán hàng giờ. Dì Vũ tìm kiếm va ly, sắp xếp quần áo, rồi lại giỡ tung ra. Mới đầu, bà tính chỉ mang theo những thứ cần thiết. Cuối cùng, thứ nào cũng cần thiết, nên không biết mang theo thứ nào. Bà lấy tiền chia cho chồng một khoản, mỗi đứa con một khoản, dặn cất kỹ, nếu chạy giặc thất lạc, thì có tiền mà ăn. Dì Vũ khóc. Thằng Khoa bình tĩnh nhất. Nó an ủi mẹ:
- Tụi nó không dám sang đây đâu.
Mẹ nó mắng:
- Ranh con, mày biết cái gì!
Khoa nói:
- Nó sang Thái Bình là nó chết. Mồ chôn thực dân Pháp ở Thái Bình. Con không chạy giặc đâu. Con ở lại với anh Vũ chiến đấu.
Vũ vỗ vai Khoa:
- Có lẽ anh ở lại.
Khoa hỏi:
- Còn em?
Vũ đáp:
- Em tản cư với bố mẹ.
Dì Vũ quát ầm ỹ:
- Câm mồm hai đứa ngay. Chúng mày có nước đánh chó!
Cha Vũ đã dời khỏi ghế. Ông nói:
- Xem tình hình ra sao, mai mốt gia đình mình về Tường An. Vũ không được cãi dì.
Vũ lễ phép:
- Thưa dì, con đã lớn.
Dì Vũ dịu giọng:
- Con đừng dại dột học đòi làm anh hùng rơm.
Vũ muốn nói cho cha và dì hiểu rằng, Vũ không thích làm anh hùng thật hay anh hùng rơm. Vũ đã xem xử tử ông Ban, đã chứng kiến anh phụ trách thiếu nhi thị xã đâm chết Tầu phù, và Vũ ghê rợn. Vũ yêu thị xã, yêu mái nhà, yêu những người thân thiết, nên Vũ sẽ ở lại, cùng mọi người chung tình yêu với Vũ, bảo vệ thị xã Thái Bình. Vũ biết dì Vũ thương Vũ, cha Vũ thương Vũ, và không bao giờ để Vũ ở lại. Nên Vũ không nói. Vũ lẳng lặng ra phố. Thằng Khoa chạy theo:
- Anh ở lại chiến đấu chứ?
Vũ gật đầu:
- Anh sẽ ở lại.
Như năm nào, đội bóng của Vũ trả thù đội bóng An Tập, Khoa đi cổ võ anh, dặn dò đơ dzê rô nhé, Khoa lại dặn dò:
- Hạ hết tụi dân mũi lõ, anh nhé!
Vũ vẫy tay:
- Em vào nhà, kẻo mẹ quýnh lên. Anh đi nghe tình hình.
Vũ tới ngã tư, gặp đủ mặt bạn bè đang tụ họp, bàn chuyện đánh Pháp. Luyến huênh hoang:
- Mình chờ sẵn chúng nó ở bến đò Tân Đệ rồi. Yên chí đi, tụi nó sẽ chết ngập sông Hồng.
Lộc xăn tay áo:
- Dân Nam Định hạng bét mới để mất thành phố. Tao sẽ noi gương Tự vệ thành.
Vũ kéo Côn, bỏ rơi bạn bè. Hai đứa lên cầu Bo, thả tầm mắt, ngắm nóc nhà thờ Sa Cát. ổi Bồ Xuyên mùa này ngon lắm. Dòng sông trước mặt, dường như, rộng ra, mênh mông. Vũ khoác vai bạn:
- Mày có ở lại không?
- Có.
- Chúng mình sẽ đục thủng tường xuyên qua nhà nhau.
- Mẹ tao về Ô Mễ rồi. Mai bố tao về. Tao sẽ trốn ở lại. Thị xã lập đoàn Thiếu niên xung phong. Chúng nó ghi tên tấp nập.
- Tại sao mày ở lại?
- Vì mày ở lại, chúng nó ở lại. Chúng mình không thể xa nhau. Ở lại, để được gần nhau.
- Mày cũng sợ xa nhau à?
- Ừ, tao không muốn xa mày, Vũ ạ! Có nhiều thứ làm tao khó lòng xa thị xã. Trường mới đóng cửa, tao đã buồn rồi. Ở lại, tao chẳng sợ gì, chỉ sợ tiêu thổ kháng chiến. Cầu Bo bị giật, chắc tao điên mất. Chúng mình đã đi mòn cả cầu. Mấy hôm nay, xe hàng không chạy, tao nhớ mùi khói quá. Mày có gia nhập đoàn Thiếu niên xung phong không?
- Không. Tao giữ phố nhà tao, và hàng hồi...
Vũ sợ Côn buồn, không nói rõ hàng hồi nhà Thúy. Vũ tiếp:
- Mà, đã chắc gì phải đánh nhau.
Côn nắm tay bạn:
- Vũ này...
Vũ chớp mắt:
- Gì?
- Tao hỏi mày một câu, nhé!
- Hỏi đi.
- Nếu chúng mình không được ở lại, mọi người không được ở lại, chúng mình sẽ xa nhau bao nhiêu lâu?
- Chịu.
- Thí dụ xa nhau năm năm, gặp nhau, chúng mình còn thân nhau không?
- Vẫn thân nhau.
- Còn mày tao không?
- Còn.
- Tao sợ xa nhau lâu, chúng mình thành người lớn, gặp lại nhau sẽ ngỡ ngàng.
- Chúng mình không xa nhau.
- Vũ ạ!
- Gì?
- Rồi chúng mình sẽ xa nhau.
Câu nói của Côn giống câu nói của Thúy. Ngân hơn hai tiếng. “Mình sắp xa nhau”. Thúy đã nói với Vũ thế. Và, vũ buồn khôn tả. Vũ phải chạy trốn nỗi buồn. Rồi chúng mình sẽ xa nhau. Côn lại bắt Vũ buồn thêm. Vũ chợt nhớ thầy Đàn, nhớ những người bỏ đi, sau những đêm lùng bắt Vencuzenđơ. Từ cách mạng, xảy ra vô số chia ly. Trước đó, không ai nghĩ chuyện chia ly hay dời bỏ thị xã, phiêu bạt phương trời mù mịt. Tỉnh lỵ như một cái nôi êm ái, ru ngủ đời sống. Cái nôi đu đưa nhẹ nhàng, đều đặn. Đời sống ít phiền muộn, nhiều thiết tha. Và, hạnh phúc bình thường, đơn giản. Bây giờ, phiền muộn nhiều, sót sa lắm. Ngay cả những người mình tưởng sống gần gũi nhau tới già cũng nói chuyện sẽ xa mình, mãi mãi, xa đến ngỡ ngàng vời vợi.
Vũ ghì chặt bạn:
- Tao không muốn xa mày.
Côn lặng thinh. Gió thổi tung tóc hai người niên thiếu. Một lát, tưởng chừng rất lâu, nỗi buồn như gió lướt nhẹ trên mặt nước. Nỗi buồn dàn trải dài hun hút, thầm sâu vô tận. Côn kéo tay Vũ:
- Về đi. Đứng đây, tao khóc mất.
Đến giữa phố chính, Côn chia tay bạn, dặn dò:
- Tối nay, sang nhà tao chơi.
Vũ men theo vỉa hè, lầm lũi bước, định rẽ vào nhà Thúy. Tới đầu phố, Vũ ngập ngừng. Vũ sợ buồn. Tỉnh lỵ dang ngập lụt nỗi buồn, và Vũ là chiếc bè trôi lênh đênh trên nỗi buồn đó. Những người khác đang chới với dưới dòng nước lụt. Ôi, tỉnh lỵ của Vũ, quê hương của Vũ! Nô lệ, tù đầy, chết đói, chết no, roi vọt thực dân, kiếm thép phát xít, chân phù đồng minh, đảo chính, tai họa chiến tranh, dông bão, lụt lội, cách mạng, thù hận, nghi ngờ, kháng chiến, tiêu thổ, và còn nối tiếp những gì nữa? ồn ào đã lắng đọng. Hoan hô đã chìm khuất. Đả đảo đã biến lặn. Lúc này, chỉ còn cô đơn, mòn mỏi, hãi hùng. Vũ thưong tỉnh lỵ Thái Bình, thương quê hương muôn vàn. Quê hương Vũ đó, muốn an phận chẳng xong. Cựa mình thoát số kiếp hẩm hiu, lại thấy hẩm hiu hơn trong cuộc đổi đời. Vũ cúi đầu đi. Nghẹn ngào.