Phần V - 83 - 84
Thấp thoáng chia ly

     hế là tháng 7 năm 1950, Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng, ba nơi cuối cùng của huyện Vũ Tiên quy thuận người Pháp. Mỗi làng cử một hội đồng đến đồn Pháp đóng ở Ô Mễ, xin vào Hội Tề. Tự đó, Pháp không câu đại bác, ô buy về làng nữa. Và cảnh càn quét cướp của, bắt dân đi phục dịch cũng không còn. Dân Tường An yên ổn sống như thời Pháp thuộc. Họ không dám quên cách mạng và trường kỳ kháng chiến. Vì ban ngày, Tuờng An chịu sự bao bọc của Pháp; ban đêm, họ chịu sự bảo vệ của cách mạang. Hội đồng tề ngoài ánh sáng, Ủy ban kháng chiến và hành chính trong bóng tối. Người Pháp chẳng biết gì, các thuê má Pháp miễn đóng hết. Thóc gạo nuôi quân, dân làng phải nộp đầy đủ cho cách mạng. Và dân công làm việc phục vụ cách mạng, Hội tề răm rắp tuân lệnh. An ninh vùng tề cay đắng vô cùng. Dân làng chịu đựng lối sống một cảnh đôi ba tròng. Khổ sở quen rồi, có khổ thêm chả sao.
Cho nên, ruộng lại cầy sâu cuốc bẫm. Để lúa xanh con gái, trải heo may đầu thu và chín ửng vàng cuối thu, khi trời không bão táp, vỡ đê lụt lội. Vườn lại săn sóc trồng tỉa. Để cây ăn trái nở hoa mùa xuân, tình tự mùa hè và kết trái mùa thu. Ao lại nuôi cá trắm, cá chép, cá mè. Để hy vọng giấc mơ cá chóng lớn, cho tết vui vẻ cuộc tát ao. Vào tề, dân làng thở toát ra nỗi thống khổ chạy giặc hàng ngày, cứ sáng tinh mơ, nghe tiếng súng nở ở đầu làng Thọ Bi. Chấm dứt chạy giặc, sợ giặc, dân làng hết bị lên miễu Vang hay lên đê Trà Lý thả mắt về phía quốc lộ 10, nhìn xe căm nhông nhỏ xíu đang từ phà Tân Đệ chạy vào Thái Bình mà giật mình sợ hãi.
Khoa có nỗi buồn riêng. Thằng bé vừa lớn chợt tỉnh, sau những ngày Pháp chiếm Thái Bình và lính nhảy dù răn đe dân làng đừng hòng chống trả. Lính nhảy dù tới Tường An. Du kích Da, du kích Nhẫn vất lựu đạn, quăng dây mìn, trốn tránh. Còn Khoa hoảng quá, chạy sang vườn dâu ông Hạch. Nó đã rõ cô Nhài bị lính da den hãm hiếp. Khoa thực sự khôn lớn ra, từ hôm du kích Da, du kích Nhẫn đã hối hận vì mình hèn nhát, nên xung phong vào bộ đội; từ hôm, chia tay tưởng tượng con Liên bên hồ Mơ. Thằng Khoa đã, mơ hồ, cảm giác nó là chiến sĩ cách mạng, sẽ về giải phóng cứu quê hương thoát khỏi bàn tay thô bạo của giặc Pháp. Và Hà Nội, nơi con Liên đang cư ngụ, đang héo hon vì vết thù in cùng khắp, nó mơ ước tiến tới. Chưa bao giờ Khoa mê bài ca Tiến về Hà Nội như bây giờ.
Trùng trùng say trong câu hát
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay dưới phố
Trùng trùng quân đi như sóng
Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây
Năm cửa Ô đón mừng
đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón ngày
nở năm cánh đào
chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa
sắc hương phai ngày qua
Ơi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai
đón tương lai về tay
đang xuân đời mỉm cười vui hát lên
Khi đoàn quân tiến về
là đêm sáng dần
Qua màn sương lá cành
vẳng nghe gió về
Hà Nội bừng tiếng quân ca
Bài ca có sức mạnh nhiệm mầu, lãng mạn cực tả khiến tâm hồn thằng nhóc16 tuổi rộng mênh mông, sâu thăm thẳm. Khoa nghĩ như thể nó đang trùng trùng say trong câu hát, đang lớp lớp tiến về, khi giặc Pháp đã thua trận xâm lược và đầu hàng tái tê, đau đớn. Qua màn sương thần thoại, không những Hà Nội chỉ bừng tiếng quân ca theo gió lùa vào lòng người mà còn rạng rỡ những nụ cười mừng rỡ đẫm nước mắt của tình nhân. Như con Liên của thằng Khoa, ôm chầm lấy nó. Khoa thấy ướt áo bên phải. Liên thấy ướt áo bên trái. Vì những giọt lệ giải phóng quê hương. Ôi, Khoa mơ mộng quá. Anh Kim Đồng và em bé miền Nam không mơ mộng nổi. Phải hai tuổi nữa Khoa mới dệt xong ước mơ, bằng cách vào bô đội chiến đấu tới giọt máu cuối cùng.
Hôm nay, Khoa 16, đang sống ê chệ trong làng vùng tề, hít không khí nô lệ Pháp, thở muôn vàn nỗi chua chát của thanh bình giả tạo. Mỗi người dân đội lên đầu một chính phủ. Là thừa thãi rồi. Làng Tường An đội hai chính phủ lên đầu. Pháp buổi sáng và cách mạng buổi tối. Khoa muốn chỉ có cách mạng thôi. Pháp cứ bắn phá, cứ càn quét, vẫn còn Liên để cùng ngồi bên nhau, trên cầu Chờ, đợi giặc đến, chạy tới bến Đợi tránh giặc, dừng chân ở quán Nghỉ, suy nghĩ vẩn vơ, ra hồ Mơ thả hồn bay cao vút.
Vào tề, những nơi sinh hoạt của nhi đồng lạnh ngắt, vắng vẻ như làng Tường An trước 19-8-1945. Cái chốn vinh hạnh nhất của đời nhi đồng là những lớp Bình dân học vụ diệt giặc dốt. Nhi đồng đã chiến thắng oanh liệt. Khoa và Liên đã thắng trận đầu trong trường kỳ kháng chiến. Chốn ấy còn đó, song thầy giáo nhóc con và học trò phụ nữ, lão ông, lão bà không lai vãng tới nữa. Bộ trống đồng của thiếu nhi Tường An cất ở đâu? Chắc người ta đã giấu giếm thật kỹ ở nơi nào hay vất xuống sông. Đêm tập kịch, tập hát chẳng tìm thấy nữa. Cũng như ngày mít tinh, biểu tình tuần hành đả đảo thực dân Pháp. Sân khấu biểu diễn kịch ở trong đình đã phá đi. Những khẩu hiệu của cách mạng viết đầy tường, đầy ngõ đã xoá bằng vôi cả rồi. Tất cả cho chiến thắng, ngày xưa; ngày nay, tất cả cho Hội Tề!
Khoa lớn lên trong cách mạng. Nó đau đớn nhìn cuộc dâu biển phũ phàng tàn nhẫn. Khác với những đứa trẻ con Tường An, Khoa hiểu biết thật nhiều và cảm giác thật mạnh chu kỳ rực rỡ 1945-1950. Chu kỳ rực rỡ đó đã hoá thành bọt xà phòng, hỏi sao Khoa chẳng tiếc nhớ. Lịch sử sẽ nói gì về người dân vùng tề? Dân tộc sẽ kết tội làng Tường An và người Tường An. Khoa nghĩ vậy. Xa hơn, nó nghĩ tới những khẩu hiệu, những vở kịch mà nó thường diễn mỉa mai quân bán nước cầu vinh. Làng Tường An đã quy thuận giặc Pháp vì làng Tường An đã sợ giặc Pháp bắn phá, đã sợ khổ... Thế thì làng Tường An đã bán nước, bán dân như làng Ô Mễ. May cho anh Vũ của nó đã thoát khỏi thật sớm, đi liên lạc cho đại đội 4, trung đoàn 44. Lúc này, anh nó thành bộ đội rồi. May cho anh Côn, rời Ô Mễ, đi học lớp sĩ quan Trần Quốc Tuấn. Vũ và Côn không hề bị tề ám ảnh, ray rứt giống Khoa.
Còn Khoa phải làm gì? Không thể làm gì được. Một thằng bé ở làng tề trốn nhà phiêu bạt, vẫn bị cái quá khứ nó giầy vò chẳng chịu nổi. Huống chi, nó lại xin làm liên lạc viên như Kim Đồng, trở thành bộ đội như Vũ. Quá khứ vùng tề đã chụp lên đầu đứa bé sớm hiểu biết một cách bất nhẫn. Nó sống trong làng tề mấy tháng liền, tự nhận nó là dân tề, dù không một ai khinh bỉ nó. Dân tề là dân nô lệ cũ, nô lệ 80 năm. Vùng tề lại mở ra một chân trời buồn thảm để người dân bước vào làm nô lệ mới. Khoa chán nản tuyệt vọng. Nó không mơ chóng lớn để vào bộ đội, đi giết quân thù. Nó lại mơ mãi mãi còn bé để chẳng dấn thân vào mù khơi thời đại.
Khoa không cần vận dụng trí nhớ, mà kỷ niệm xếp hàng dọc trước mắt nó. Những ngày thiếu nhi tập trận giả giữa hai phe quân Pháp và quân Việt Nam. Sôi nổi và hồi hộp. Bao giờ quân Pháp cũng thua to, dẫu Henri Rivière Huệ nhiều tài trí, thông minh chỉ huy quân Pháp và Việt gian. Khoa chỉ huy quận Việt Nam thắng quân Pháp bằng mưu mẹo. Tưởng nhớ đến những ngày nhi đồng tập trận giả; nhi đồng tát ao, tát ngòi bắt cá đem bán lấy tiền mua trống đồng; nhi đồng dạy các lớp Bình dân học vụ chống giặc dốt; nhi đồng diễn kịch yêu nước; nhi đồng ca hát thương nòi; nhi đồng đánh trống đi quanh làng cổ súy bầu cử và mời dân tham dự biểu tình... Tưởng nhớ đến thế thôi, cũng đủ nói lên rằng, nhi đồng đã làm rộn ràng cách mạng, làm sinh động trường kỳ kháng chiến. Nhi đồng là linh hồn cách mạng. Mà hầu như cách mạng quên điều đó. Chẳng có nữa, nhi đồng trong vùng tề. Và, chẳng còn nữa, nhi đồng trên vùng trời sầu muộn Việt Nam.
Bởi thương tiếc nhi đồng súng gỗ, Khoa mơ ước đời sống bình thường không khi nào thay đổi. Làng Tưòng An cứ mãi mãi là làng Tường An. Giặc đến thì chạy. Giặc lui thì về. Khi nào đánh được giặc thì đánh. Như vậy, Tường An sẽ ròng rã khổ sở. Khổ thì chịu khổ, khổ mà danh dự của làng được bảo toàn, còn hơn làng đã mang tiếng nhục Hội Tề ấm ớ, muôn kiếp không rửa sạch. Mấy ngày liền, Khoa chỉ một mình suy nghĩ vẩn vơ không mạch lạc, ý tưởng chống đối lẫn nhau như thế. Hôm nay, Khoa đang buồn bã nhớ Liên, Đưòng tới phá đám.
- Khoa ơi, mày biết chuyện gì chưa?
Khoa cáu kỉnh:
- Chuyện gì là chuyện gì?
Đưòng làm ra vẻ quan trọng:
- Bộ đội...
- Sao?
- Bộ đội về làng mình!
- Thật hay phiệu?
- Thật trăm phần trăm, chính hiệu thuốc ho bà lang Trọc...
- Nói đi!
- Bộ đội về làng đêm qua.
- Mày đã gặp bộ đội chưa?
- Rồi. Mày mừng không?
Khoa đã sai lầm. Nó tưởng Ủy ban kháng chiến và hành chính trốn lui trốn lủi, đêm mới dám bò về làng thu lúa và bắt dân đi dân công. Bây giờ, bộ đội về làng, Khoa tin rằng, Ủy ban kháng chiến và hành chính vẫn công khai hoạt động.
- Mừng chứ.
- Mày biết Hội Tề ra sao không?
- Bị bắt hết.
Đường cười:
- Ai cũng tưởng vậy. Hội Tề đã không bị giải tán mà đồng chí chính ủy còn tuyên dương các cụ Hội Tề đã chơi chính trị cao. Chính phủ gửi lời nồng nhiệt khen các cụ.
Khoa ngẩn người:
- Tao không hiểu chữ mày nói!
Đường lại cười:
- Hề hề... Các cụ Hội Tề chơi chính trị cao, nếu chơi chính trị thấp, mấy cụ đã chết ngỏm, bác Hồ đâu thèm khen.
Khoa hỏi:
- Chính trị là gì?
Đường dõng dạc đáp:
- Chính trị là... chính trị! Bộ đội mới nói toàn... chính trị và bảo bộ đội cũ lạc hậu rồi. Những bài hát chúng mình đã hát cũng lạc hậu tuốt.
Khoa thành thật nói:
- Đầu óc tao rối tinh về danh từ của bộ đội mới.
- Ai nấy đều rối tinh như mày vậy. Rồi mình học ở anh chính ủy.
- Chính ủy là gì?
- Là... chính ủy! Chính ủy về Tường An để chỉnh cán rèn quân
- Là gì?
- Là tao không hiểu!
- Này, nói thật bác Hồ cho phép các cụ Tường An lập Hội Tề, hả?
- Thật đấy. Chẳng tin hỏi anh chính ủy mà xem.
Khoa chới với. Tại sao bác Hồ lại cho phép dân làng Tường An lập Hội Tề? Hội Tề là bước những bước chân đầu tiên vào cảnh nô lệ mới. Khoa nghĩ thế. Tường An chưa đóng góp công lao vĩ đại cho cách mạng, chưa tạo ra những con người xuất chúng dẫn đến cách mạng. Tường An làng sạch, dân sạch. Không thể đem sạch nhúng bẩn và rửa lại để nó sạch hơn, thơm hơn và đẹp hơn. Ôi, người lớn đã thoát ra khỏi chu kỳ con nít nên làm việc gì, nghĩ việc gì đều khác con nít. Bởi chính trị của bác Hồ cao lêu nghêu lên tận sao Mai chăng? Mà biến Tường An, làng độc lập, thành làng nô lệ!
- Để rồi tao sẽ hỏi... đồng chí chính ủy.
- Vào ban đêm đấy.
- Ừ, đêm mai.
84
Tháng 9, trung đội 23, thuộc đại đội 6, trung đoàn 84, vượt sông Trà Lý sang Tưòng An, Đồng Đức và Đại Đồng. Bộ tham mưu trung đoàn 84, đóng ở Hưng Nhân, đã nghiên cứu tình hình ba làng trên. Thấy xác thực từ ngày thành lập Hội Tề, quân Pháp đóng đồn ở Ô Mễ đã bỏ ngỏ Tường An, Đồng Đức và Đại Đồng. Ba làng này ăn liền nhau gắn bó, có Đồng Đức nằm trên huyện lộ số 24, ráp ranh huyện Thư Trì bằng cây cầu xi măng cốt sắt. Đại Đồng quy thuận Pháp, Tường An, Đồng Đức phải quy thuận theo. Pháp chỉ cần giữ yên Thọ Bi, Đại Hội, Thụy Bình, Đồng Thanh, Tri Lai, Thắng Cựu, Đoan Túc, là các làng bên đây quốc lộ số 10, an ninh sẽ tuyệt đối. Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng theo Pháp thì Pháp đỡ tốn đạn đại bác, moọc chê bắn răn đe. Pháp đóng đồn ở chợ Ô Mễ ngay trên huyện lộ số 24, đầy ưu thế. Bỏ ngỏ Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng tức là bỏ rơi, với điều kiện, mỗi tháng một lần, Hội Tề phải tới Ô Mễ báo cáo tình hình sinh hoạt của ba làng đó.
Từ đầu năm 1950, Đảng lao động và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thay đổi một loạt chính sách. Đầu tiên, quân đội biến thành Quân Đội Nhân Dân, giải tán Vệ Quốc Quân đã chiếm hết tình yêu mến của đồng bào từ Bắc vào Nam.
Vệ quốc quân xuất thân tiểu tư sản. Quân đội nhân dân tuyển chọn ở giai cấp vô sản: công nhân và nông dân. Người vô sản không yêu nông dân hơn công nhân, vì nông dân nặng quyền tư hữu. Khổ cho họ, nông dân đông gấp bội công nhân. Nên nông dân chia thành phần tứ tung. Thành phần bần cố nông trên hết. Người lính trong Quân đội nhân dân đa số là nông dân.
Ta là người nông dân
mặc áo lính
chiến đấu vì giai cấp bị áp bức
từ bốn nghìn năm
Đau khổ giai cấp là đau khổ của ta
Cũng như là máu của máu
xương của xương
máu của máu
xương của xương
Nhiệm vụ này
toàn thể bộ đội
phải lao mình vào cuộc đấu tranh
Chúng ta là bức tường đồng
Là lực lượng tiên phong
Cùng nông dân tranh đấu
nhất định thành công
Thay đổi chính sách quân đội, đồng thời xóa bỏ kháng chiến là của toàn dân. Người vô sản độc quyền chiến đấu với xâm lăng Pháp. Và một chu kỳ rực rỡ của thi ca và âm nhạc 1946-1950 cũng bị xóa bỏ. Thứ đến, chính sách đấu tố địa chủ.
Hờn căm địa chủ gian ngoan
địa chủ tham tàn
già tay bóc lột bần cố nông
Hay:
Ta là người có mắt có tai
Tay ta làm mà hàm ta chẳng nhai
Vì đâu
Vì đâu
Ta nghèo
Đó là cách bóc tô bóc tức
trăm điều oan ức
căm tức
Của ta làm ra phải trở về ta
Những bản nhạc này làm từ đầu năm 1950. Các nhà văn, nhà thơ phải chịu chính sách chỉnh huấn. Nghĩa là văn nghệ sĩ phải thú tội trên giấy trắng mực đen những tác phẩm mình sáng tác trước năm 1945 nhảm nhí! Các chính sách nối tiếp các chính sách. Đấu tố phát động bây giờ, nhưng khi hòa bình mới áp dụng. Phải thực hiện những điểm cần thiết nhất. Chỉnh cán rèn quân, một khẩu hiệu nằm lòng sẽ tung vào nông thôn. Cùng với chỉnh cán rèn quân, tuyển lính trong hàng ngũ nông dân cũng cần thiết. Vì thế, bộ đội mới về Tường An, Đồng Đức và Đại Đồng.
Chính ủy trung đoàn 84 mời chính ủy trung đội 23 tới thảo luận.
- Đồng chí Kỳ Bá, chắc đồng chí đã hiểu chính ủy trung đội cao cấp hơn trung đội trưởng. Đồng chí bao quát mọi vấn đề, trung đội trưởng chỉ làm theo lệnh của đồng chí.
- Bá cáo, rõ.
- Đồng chí có biết tại sao đồng chí có quyền uy vậy không?
- Bá cáo, biết.
- Biết đồng chí là đảng viên trung kiên của Đảng ta. Thế tốt. Đồng chí phải nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của Bác và Đảng. Bác và Đảng luôn luôn sáng suốt, không bao giờ nhầm lẫn. Đồng chí phải để nhiệm vụ lên trên hết, không vì tình cảm ủy mị của bọn tiểu tư sản mà vấp ngã một điều gì có thể làm cho Bác và Đảng buồn.
- Vâng.
- Nhiệm vụ đã trao cho đồng chí rất hệ trọng, không được sai lầm.
- Vâng.
- Đẩy các lão ông ra hàng Pháp làm Hội Tề là mục đích của Bác, Đảng và Nhà nước ta. Pháp ngây thơ không hiểu điều này. Trường hợp của đồng chí nằm ở Tường An, Đồng Đức và Đại Đồng. Ba làng này bên ngoài theo Pháp, bên trong, nơi hoạt động hữu ích của ta. Tới đó, đồng chí bắt tay ngay vào việc tuyển quân và huấn luyện họ, càng sớm càng tốt. Khi đưa họ vào quân đội, họ chiến đấu ngay, khỏi lãng phí thời gian. Đồng chí đã hiểu quân đội ta là Quân đội nhân dân. Nhân dân phải từ nông dân ra. Và nông dân hiền lành, chất phác. Hiền lành, chất phác nên triệt để kỷ luật cao. Quân đội có kỷ luật cao sẽ chế ngự địch và đem về chiến thắng lẫy lừng.
- Vâng.
- Song song với rèn luyện quân, công tác hệ trọng của đồng chí là chỉnh đốn cán bộ địa phương và nhân dân. Ta mất năm năm tiêu diệt nội thù. Năm 1950, Đảng ta mới độc quyền lãnh đạo nhân dân. Đảng ta chuyên chính chứ không chuyên chế. Những gì làm trước 1950, của bất cứ ai, đều lạc hậu rồi.
- Vâng.
- Đồng chí nên để mắt đến chính ủy tiểu đội, những người đang tranh đấu với bản thân để xin kết nạp vào Đảng.
- Vâng.
- Vấn đề phát động đấu địa chủ gian ác và cường hào ác bá.
- Vâng.
- Như thế là đủ. Đồng chí có hãnh diện về trung đoàn 84 không?
- Bá cáo, tôi rất hãnh diện.
- Điều chót tôi muốn phổ biến cùng đồng chí: Bác và Đảng biết đồng chí còn trẻ tuổi, ra lệnh cho tôi khuyên đồng chí nên thận trong về luyến ái quan.
- Vâng.