89 - 90

     hoa tới nhà, trời đã khuya. Gà gáy canh hai rồi. Cha mẹ ngủ say, Khoa không dám đánh thức mà báo tin vui. Tin vui thật. Vì Vọng còn sống, đi bộ đội vẫn sống. Thì Vũ còn sống và vẫn sống. Từ ngày Pháp về Tường An, gia đình bặt tin Vũ. Chỉ một mình Vũ là thần tượng bóng tròn của Khoa. Trường Monguillot còn có Luyến mít sơ lanh, Côn đánh tết hết bắt, và sau này, Vọng ngả bàn đèn. Thần tượng cả đấy. Khoa yêu nhất Vũ trên đời nên thần tượng anh nó cứ hay nhất trên đời.
Những thần tượng đã xa Khoa cả. Vì chiến tranh. Chiến tranh tạo chia ly. Chiến tranh cũng còn làm ra đoàn tụ trong khoảng khắc. Như Khoa gặp gỡ Vọng. Ngày mai hay ngày mốt, Vọng lại lên đường. Chắc chắn thế. Bởi chẳng cái gì vĩnh cửu ở thời chiến. Chẳng cái gì hứa hẹn ở thời chiến. Có lẽ, cái vĩnh cửu là kỷ niệm, cái hứa hẹn là tương lai. Khoa nghĩ đến kỷ niệm, nghĩ miên man về kỷ niệm. Ai dâng hiến ta kỷ niệm, người ấy vĩnh cửu. Vọng là kỷ niệm của Vũ. đã vào đội bóng của Vũ, đã đẩy Vũ lên cao vút, đã đưa An Tập xuống bùn đen. Kia kìa, An Tập đang dẫn bóng lên cao...
Thằng Sơn dập dờn trái bóng trước mặt Vũ. Nó lừa, khẩy nhẹ qua hai chân Vũ, rồi một mình nó tiến sâu xuống vùng đất cấm. Thằng Sơn chuyền cho thằng Minh. Thằng Minh chuyền cho thằng Cử. Dũng sĩ giữ thành cho Monguillot bị bọn cổ võ An Tập làm cho xuống tinh thần đoán đường bóng sai. Thủ môn Luyến, nhựa mít sơ lanh của hội nhà, không nao núng. Thằng Cử nhằm khe hở của Monguillot, sút một trái như búa bổ. Luyến mít sơ lanh nhảy lên, từ góc phải qua góc trái, bắt gọn trong tay và ngồi xuống sân cỏ lăn ba vòng.
- Hoan hô Luyến mít sơ lanh!
- Hoan hô nhựa và săm ô tô!
- Đến tết, An Tập mới phá màng trinh của Monguillot!
Bọn cổ võ hội nhà hò hét long cả phổi. Luyến nhằm chỗ Vịnh đá bổng bóng lên. Vịnh được bóng, chuyền cho Côn. Vịnh đá nhẹ, chưa tới chỗ Côn, khiến thằng Phát được tặng trái bóng ăn không một cách dễ dàng. Nó dẫn bóng xuống. Hải ra chèn. Thằng Phát chuyền bóng cho thằng Sơn. Thằng Sơn trả lại thằng Phát, thọc mạnh xuống góc phải. Thằng Phát dẫn sâu thêm, đưa bóng vào giữa cho thằng Cử. Con nhà này lại sút sệt, trái bóng nặng chín tấn. Luyến phải bông nhông chộp bóng.
- Hoan hô Luyến mít sơ lanh!
- An Tập hết làm ăn rồi!
- Còn tí thớ nào, Luyến mít sơ lanh cho mất tí thớ ấy!
Hội nhà vỗ tay xưng vù. Vẫn vỗ. Đội An Tập tưởng bở, lên cao cả lũ. Luyến lợi dụng sự khinh địch của đối phương, đá bổng bóng lên.. Vịnh chạy nhanh theo bóng. Hậu vệ An Tập đuổi theo. Vịnh dẫn bóng một mình, vào đất địch trống. Có mỗi thằng Mai nhựa đường muốn chạy ra, lại muốn đứng yên xoay sở. Bọn cổ võ hội nhà ngỡ chắc ăn rồi, mỡ để miệng mèo, khung thành An Tập tự nhiên to bằng cửa biển Trà Lý, chỉ đợi Vịnh tống bóng vào. Thằng Quýnh, thằng Tâm đuổi Vịnh cách xa hai bước. Đến chỗ sút pê nan ti, Vịnh sửa bóng và sút. Mai nhựa đường bông nhông bắt. Khốn nỗi, nhựa đường dính sân cỏ, và trái bóng vô duyên chạy nhởn nhơ ngoài cột gôn! Bọn cổ võ An Tập nói xỏ xiên bọn cổ võ Monguillot.
- Thằng Vịnh cừ thật!
- Nó cố tình đá ra ngoài đấy mà!
- Cứ sút thế, sẽ thành vô địch Monguillot!
Bọn cổ võ Monguillot tức điên lên, nhè Vịnh mà dũa.
- Đuổi thằng Vịnh ra!
- Tống cổ nó ra rìa ngay!
- Sút bóng như củ cải ấy!
- Như củ thìu biu!
Vịnh không bị đuổi ra ngoài. Nó tiếp tục biểu diễn nghệ thuật nhồi bóng. Chỉ bất tài thôi. Vịnh thầm thì trên sân cỏ: Có tài ngả bàn đèn như thằng Vũ, đánh cú tết hết bắt như thằng Côn, mà bóng không tới chân, cũng đành chịu. Đá bóng có số cả đấy!
Lần này, nó cướp bóng trong chân hậu vệ Quýnh, không bị thằng này cộp cho ngã. Ấy tại Quýnh ỷ tài, cách khung thành chẳng mấy xa xôi, lại đợi Vịnh chạy hết tốc lực tới toan cướp bóng, bấy giờ còn mầu mè riêu cua, vời vẽ những bước lừa bóng. Bị mất. Thằng Quýnh đuổi theo. Nó bị vấp ngã lăn kềnh trên sân cỏ. Chó ngáp phải ruồi, Vịnh ta sẽ ăn cỗ một mình một chiếu. Vịnh vừa dẫn bóng vừa nghĩ: Tao đem vinh quang cho trường Monguillot. Những thằng đòi đuổi tao ra rìa sẽ xấu hổ. Không gì xấu hổ cho bằng những kẻ khinh ta, chửi bới ta buổi sáng, lại đón rước ta, ca ngợi ta buổi chiều. Vịnh nhìn Mai nhựa đường mỉm cười. Nhớ chụp bóng phải có bóng, chụp bóng mà tay không sờ bóng thì chuế người đó, con ạ! Trái bóng đúng điểm pê nan ti, Vịnh toan sút làm bàn. Hỡi ơi, nó nằm trên cỏ. Nó bị chuột rút bất thình lình. Thằng Mai nhựa đường thong thả ra lượm bóng.
Bọn cổ võ Monguillot tuyệt vọng trong tiếng cười chế riễu của bọn cổ võ An Tập. Người ta khiêng Vịnh ra. Và người ta cho thằng cầu thủ mới vào. Nó là ai? Thằng Vọng ghẻ tầu đấy.
- Hoan hô Vọng!
- Có Vọng vào, An Tập sẽ nát thây!
- Bravo, bravo...
Khoa tù từ mở mắt. Nó ngạc nhiên thấy cha mẹ cùng đứng trong phòng của nó.
- Đêm qua, con về muộn lắm phải không?
Cha Khoa hỏi.
- Con đi chơi đâu?
Mẹ Khoa hỏi.
- Con lên hồ Mơ?
Khoa đáp.
- Hèn chi con chả nằm mộng. Bravo ai đấy?
Cha nó cười. Khoa đã ngồi dậy.
- Anh Vọng! Bố mẹ ơi, anh Vọng còn sống. Anh ấy làm chính ủy trung đội, hiện đang đóng ở làng ta.
Mẹ Khoa tươi nét mặt:
- Thế thì thằng Vũ nhà ta không việc gì đâu.
Cha Khoa mắng yêu:
- Con nằm mơ anh Vọng tự hai giờ khuya, tới sáng bạch bành banh hãy còn mơ. Anh Vọng ra sao?
- Anh ấy đã hết ghẻ tầu!
- Chính ủy giỏi chính trị lắm, hả?
- Anh ấy nói chuyện chính trị thao thao...
- Anh Vọng có muốn gặp con không?
- Anh ấy hẹn chiều nay con đến thăm anh, tâm sự nhiều.
- Ở đâu?
- Nhà chị Thi.
- À, chị Thi bán bánh cuốn. Con gặp anh Vọng, đừng nên nhắc chuyện ghẻ tầu, dĩ vãng nghèo nàn, đau khổ của anh ấy. Bố sợ anh ấy buồn.
- Con chỉ nói chuyện anh Vọng đá bóng ba chê, khiến anh Vũ phải bốc về trường
- Ừ. Hôm qua, bố mới cất vó ao nhà bắt vài con chép để mốt giỗ ông. Con sẽ mang hai con biếu anh Vọng, bảo anh ấy đến nhà mình chơi.
- Vâng.
Mẹ Khoa dặn dò:
- Con không được làm anh Vọng buồn phiền. Nhớ đấy.
Và thêm:
- Từ nay đi đâu, con phải cho bố mẹ biết. Và về sơm sớm, kẻo em con lo ngại.
Khoa nhỏ nhẹ đáp:
- Vâng ạ!
Cha mẹ ra khỏi phòng. Khoa cười thèn thẹn. Nó không ngờ ngủ đến nằm mơ. Có bao giờ Khoa nằm mơ đâu? Nằm mơ mới gặp Vọng, tưởng Vọng chết rồi, Khoa mừng rỡ vô cùng. Nỗi mừng của Khoa đã tạo ra giấc mơ. Khoa đã mơ thấy Vọng lừng lững trên sân cỏ ấu thời. Nó sung sướng quá, vỗ tay bravo, bravo to đến nỗi cha mẹ nó tưởng đi chơi về khuya nó đau ốm mất rồi...
90
Nếu con ngòi là biển bao vây chung quanh, nhà Thi sẽ là một hòn đảo tuyệt vời. Tuyệt vời vì Vọng, thần tượng ngả bàn đèn bóng tròn của tuổi ngọc Thái Bình, đang ngự trong đó. Vào nhà Thi phải qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con ngòi. Khoa mang hai chú cá chép máng toòng teng bằng sợi lạt tre, bước trên hai khúc cây bập bềnh của cầu khỉ. Một tay cầm cá, một tay vịn tay cầu, Khoa thong thả bước từng bước. Đường đã sang bên kia đợi Khoa. Cầu khỉ chắc khỉ đi nhanh nhẹn lắm. Khoa không phải khỉ nên đi thận trọng. Rồi cũng tới nơi.
Xế trưa, Đường đã vội vàng đến nhà Khoa hỏi chuyện chính ủy Kỳ Bá. Nó nóng ruột muốn biết ngay tại sao Khoa lại quen biết Kỳ Bá. Đường đã khôi hài chính ủy mà Khoa thì thân với chính ủy nên rắc tối to. Đường có ý tránh gặp Kỳ Bá. Nhưng những hôm chưa thấy Kỳ Bá, Khoa chẳng chê Kỳ Bá là gì! Khoa không nỡ hại Đường đâu. Nghĩ vậy, nhưng Đường vẫn ham biết Kỳ Bá, trước khi gặp Kỳ Bá.
- Khoa ơi, mày thân với anh chính ủy bao giờ?
- Tao không thân với anh ấy, anh Vũ tao mới chơi thân với anh ấy. Mà anh Vũ cũng không chơi thân với chính ủy Kỳ Bá, chỉ chơi thân với anh Vọng thôi.
- Mày quen anh Kỳ Bá vậy.
- Tao không quen Kỳ Bá. Tao mê anh Vọng.
- Thế Kỳ Bá là cái gì?
- Kỳ Bá là tên làng của anh Vọng.
- À, ra thế đấy.
- Hiểu rồi chứ?
- Tại sao mày mê anh Vọng?
- Vì anh Vọng ghẻ tầu và đá bóng hay nhất nước.
- Tao hỏi một câu nữa, mày nói thật, nhé!
- Tao có nói dối mày bao giờ đâu?
- Mày có mê chính ủy không?
- Không.
- Chính ủy Vọng thì sao?
- Tao mê anh Vọng, không thèm mê chính ủy.
- Hề hề, chính ủy là cái bề hê gì! Tao vững dạ rồi.
Lũy tre già đánh đai nhà Thi nên kín đáo lắm. Cha mẹ chị làm ruộng, còn chị bán bánh cuốn ở đầu làng, những hôm nghỉ việc đồng áng. Chị của Thi lấy chồng bên Đồng Đức. Hai đứa em, một trai, một gái, còn nhỏ, ở nhà săn sóc những công việc lặt vặt.
Bộ đội đã rời Tường An lâu rồi. Bộ đội thường đến năm bữa nửa tháng và chia tay dân làng vội vã, để sang Nam Định hay Hải Phòng giết giặc. Thái Bình còn yên ổn, bộ đội dùng làm chỗ dưỡng quân.
Nay bộ đội lại về Tường An, khi giặc Pháp gần kề. Và bộ đội mới chê bộ đội cũ lạc hậu! Khoa sẽ không đụng chạm tới Kỳ Bá. Mà chỉ thăm Vọng và nói chuyện về Vọng, làm theo ý muốn của cha mẹ Khoa.
Đi một khúc đường mòn ngắn, Khoa và Đường tới căn nhà ba gian hai chái, tường đất, mái rạ của cha mẹ Thi. Chọn một gia đình để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, chính ủy Ký Bá, chắc chắn, đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Gia đình Thi thuộc thành phần bần nông trong giai cấp công nông. Không thể để chính ủy ở nhà bần cố nông được. Vì bần cố nông cơm đâu mà cùng ăn, nhà đâu mà cùng ở, việc đâu mà cùng làm. Cũng không để chính ủy sống với phú nông hay địa chủ gian ác. Thành phần bần nông lý tưởng nhất cho chính ủy và bộ đội. Cho cả cán bộ nữa.
Kỳ Bá đã nhận ra hai đứa bé đêm qua. Anh bước ra ngoài sân, vui vẻ:
- Em Khoa và em Đường đúng hẹn quá nhỉ?
Đường nhanh miệng:
- Chúng em không làm gì, rảnh rỗi lắm.
Khoa nói:
- Em đã thưa chuyện gặp anh với bố mẹ em. Bố mẹ em vui lắm, hỏi em anh Vọng ra sao. Em đáp anh Vọng khỏe. Thưa anh, bố em bảo em biếu anh hai con cá chép, cất vó ao nhà. Anh nhận cho bố mẹ em vui lòng.
Kỳ Bá tươi tỉnh:
- Cám ơn bố mẹ em. Em giữ giùm anh!
Khoa tưởng Kỳ Bá nói thật, thản nhiên xách hai con cá trong tay. Kỳ Bá dẫn Khoa và Đường vào nhà, mời hai thằng bé ngồi trên ngưỡng cửa. Hôm nay, Kỳ Bá vẫn mặc quần áo nâu, đi đôi dép Bình-Trị-Thiên. Tuy ở trong nhà, Kỳ Bá cứ thích đội mũ và đeo xặc cột. Chắc lúc nào và ở đâu, Kỳ Bá cũng chuẩn bị mang hết vật phòng thân chạy giặc. Khoa nhìn kỹ hơn đêm qua. Cái mũ của Ký Bá được bọc bằng ny lông mầu đen. Cả chiếc xặc cột vải cũng thế.
- Nhà không có bàn ghế, hai em ngồi tạm trên ngưỡng cửa. Anh ngồi chung với hai em.
Kỳ Bá cười xòa:
- Không có nước trà mời hai em đâu, nhé!
Khoa thành thật:
- Em đi tập kịch, ngồi trên ngưỡng cửa và nằm trên nền nhà đất không chiếu có sao đâu, anh.
Đường tiếp Khoa:
- Nhóc con như chúng em uống nước trà không thú vị, anh ạ!
Kỳ Bá hỏi Đường:
- Bố em làm gì?
Đường đáp:
- Nông dân.
- Khá chứ?
- Đủ ăn anh ạ!
- Có đóng góp đều đều cho cách mạng không?
- Có.
- Thí dụ?
- Thóc nuôi quân năm nào nhà em cũng đóng trước nhất. Bố em đi dân công hai lần rồi.
- Tốt, tốt.
Kỳ Bá vỗ vai Đường thân mật:
- Em Đường ra sân chơi. Anh muốn nói riêng với Khoa chuyện gia đình.
Đường đứng dậy, bước ra khỏi nhà. Kỳ Bá ngồi sát Khoa, vuốt tóc nó:
- Nào, nói về anh Vũ, anh Côn, anh Luyến, anh Vọng đi, Khoa!
Khoa đặt hai con cá xuống nền nhà:
- Em nói về anh Vọng trước cơ?
- Không thích Kỳ Bá à?
- Không.
- Tại sao?
- Vì anh Vọng mới là thần tượng của em, của học trò trường Monguillot, của bọn nhóc thị xã Thái Bình. Anh, a văng xăng cừ khôi của đội Kỳ Bá, chiếm giải Cam tích tán với những cú ngả bàn đèn tuyệt cú mèo. Anh, cầu thủ chiến của đội bóng lớp nhì 1 của anh Vũ, cho An Tập ba cái hột gà về luộc chấm củ cải. Anh đã bắt tay em, và những nhãi ranh Monguillot hò hét, vỗ tay xưng cả cổ, chảy cả máu tay. Đời người chỉ có một lần như thế. Anh đã cho em một lần ấy, anh Vọng! Đi vào kỷ niệm đẹp rực rỡ ấu thời của em là Vọng tuyệt vời, là anh Vọng đang ngồi cạnh em, không bao giờ là Kỳ Bá.
Kỳ Bá chớp mắt:
- Là Vọng ghẻ tầu, là Vọng đói khổ!
Khoa muốn khóc:
- Vọng ghẻ tầu và đói khổ, hay bất cứ cái gì dính vào Vọng, đã thành kỷ niệm rồi, anh ạ!
Kỳ Bá đưa tay lên mặt, che giấu một cảm xúc thật người:
- Còn Kỳ Bá?
Khoa không ngờ nó nói hay đến thế. Cách mạng tháng Tám và các anh bộ đội tiểu tư sản đã dạy Khoa. Nó thấm vào hồn thằng nhóc con lúc nào không biết. Nó chờ dịp mà tuôn ra.
- Kỳ Bá là cách mạng. Cách mạng không cho em nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm trên sân cỏ, giữa đội nhà đấu với đội khác, Kỳ Bá không cho em được, anh Vọng ơi!
- Em nói về thằng Vọng nữa đi...
- Cú bóng trồng cây chuối, cách mạng có dạy anh đá không? Cú bóng ngả bàn đèn, cách mạng có dạy anh đá không? Cú bóng xuyên chỉ qua kim, cách mạng có dạy anh đá không? Không, cách mạng không làm được việc ấy! Trời phú cho anh tài đá bóng, tự nhiên anh biết anh đá bóng cừ; tự nhiên anh hiểu anh đá bóng ba chê. Chẳng một ai huấn luyện nổi thiên tài, chẳng trường nào huấn luyện nổi thần tượng.
Khoa ngừng lại giây lát. Rồi không cần Kỳ Bá giục, nó tiếp tục:
- Anh có biết ai thương anh nhất trên đời này không?
- Ai?
- Anh Vũ em. Ai thương anh nhất trên đời này nữa?
- Ai?
- Anh Côn. Ai thương anh thứ nhất trên đời này nữa?
- Ai?
- Anh Luyến.
Im lặng. Khoa nhìn thẳng Kỳ Bá:
- Trên đời được ba người đá bóng tuyệt cú mèo thương yêu đã thừa rồi. Cần gì người thứ tư, thứ năm, thứ sáu... Nhớ hồi chết đói năm Ất Dậu, ba người thương anh nhất đã nhiều lần mang cơm bánh vào Kỳ Bá nuôi mẹ con anh. Lần nào cũng bị người đói vồ cướp. Đến hôm họ nghĩ kế mang thức ăn vào được tận nhà anh, thì mẹ anh đã chết rồi. Và anh mất tích. Ai nấy bảo anh chết đói rồi. Anh Vũ khóc hu hu, quát tháo Nó không chết, thằng Vọng không chết. Anh Côn, anh Luyến, anh Lộc, anh Long khóc theo nức nở. Một tháng sau, anh Luyến trách các bạn: Giá chúng mình rủ thằng Vọng về nhà chúng mình ở, chắc nó không thể bị chết đói. Anh Côn, anh Vũ ân hận dễ quá mà không nghĩ ra. Anh Vọng ạ, em nói để anh hiểu lòng những người đã thương anh.
Nước mắt đùn lên ngập khuôn mặt đôn hậu của Khoa. Kỳ Bá ôm chầm lấy Khoa, sụt sịt khóc. Kỳ Bá kể lể:
- Anh mất tích vì thầy Hoan, Nguyễn Công Hoan, cứu anh, sau khi mẹ anh chết thê thảm. Thầy Hoan đưa anh đi xa. Và anh trở thành người cách mạng. Anh lấy tên là Kỳ Bá làm bí danh, cũng coi như tên thật luôn. Anh quên thằng Vọng, quên dĩ vãng u tối của nó, để sống cuộc đời mới, hết đau khổ, em ạ! Kỳ Bá, tên một nơi cha anh đã sinh ra, rồi chết vì bệnh ho lao. Kỳ Bá, tên một nơi mẹ anh đã sinh ra, rồi chết đói. Kỳ Bá, tên một nơi anh đã sinh ra, chịu đựng oan khiên và thống khổ. Anh muốn quên Vọng ghẻ tầu, anh muốn nhớ mãi Kỳ Bá cách mạng.
Khoa khẽ lắc đầu:
- Anh có quyền là Kỳ Bá. Em có quyền coi anh là Vọng. Em mong muốn người cách mạng yêu bóng tròn, người bóng tròn yêu cách mạng. Thế thôi.
Kỳ Bá đưa ống tay áo thấm nước mắt:
- Chẳng biết đởi sống có giản dị, cho mình yêu cả hai thứ không?
Để chấm dứt câu chuyện làm mình suy nghĩ miên man, Kỳ Bá chuyển mục:
- Khoa chưa nói với anh vể Vũ?
- Anh Vũ làm liên lạc viên cho đại đội 4, trung đoàn 44. Bây giờ, anh đã vào bộ đội rồi. Dạo nọ, anh viết thư cho nhà hay anh theo quân chuyển về Tiền Hải dưỡng sức, sau khi đánh giặc tại Hưng Yên.
- Còn Thúy?
- Chị ấy về Trực Nội, bên kia sông Trà Lý.
- Côn?
- Anh Côn đã lên Sơn Tây, học lớp sĩ quan ở trường Trần Quốc Tuấn.
- Luyến?
- Anh Luyến tản cư về Đống Năm. Chả hiểu Luyến mít sơ lanh vào thị xã chưa!
Kỳ Bá thở dài:
- Mới có năm năm, mà thay đổi tất cả. Thời cuộc như ngọn gió heo may trải dài trên ruộng lúa vào mẩy. Thị xã Thái Bình giống hệt nước Việt Nam. Chết đói. Chết no. Nhật đảo chính Pháp. Cách mạng làm cuộc tổng khởi nghĩa. Giết Việt gian. Lụt lội. Tầu tước võ khí Nhật. Tiêu thổ kháng chiến. Tản cư. Pháp sang Thái Bình...
Vẻ buồn tỉnh lỵ cũng là vẻ buồn dân tộc. Em thấy chưa? Một mai, em sẽ oán trách người này, bênh vực người nọ. Rồi em sẽ ân hận, vì oán trách sai, bênh vực sai nốt. Con người này chống đối con người nọ không phải con người thích chống con người. Mà hoàn cảnh nó dìu đi.
Khoa ngạc nhiên đến thích thú. Nó tưởng gặp Kỳ Bá là bị nghe danh từ chính trị khó tiêu. Những là giai cấp vô sản, nắm vững vấn đề, vượt chỉ tiêu, đấu tố địa chủ, nhờ ơn Bác, Đảng, và Nhà nước...
Kỳ Bá không hề nói tới. Anh ta chỉ nói đơn giản mà sâu sắc, cảm động, bên trong muốn chứa một cái gì, tâm sự nào. Kỳ Bá vẫn là Vọng lớn lên. Con người thật của Vọng là tiểu tư sản. Con người thật của Kỳ Bá không phải là vô sản.
- Em Khoa ạ, giờ này anh lại đi công tác. Hôm nào, anh em mình tâm sự thật lâu.
- Vâng ạ!
- Em giỏi quá, anh còn kém em.
Kỳ Bá và Khoa cùng đứng dậy. Ban đầu, Kỳ Bá bảo Khoa em giữ giùm anh hai con cá chép, để lúc chia tay, Kỳ Bá từ chối khéo không nhận. Câu chuyện với Khoa ăn sâu vào tình cảm, Kỳ Bá cầm cá lên, nói thành thật:
- Em về thưa bố mẹ rằng, anh cám ơn nhiều nhé! Nay mai đỡ bận rộn, anh sẽ vào nhà em kính thăm bố mẹ.
Kỳ Bá ra sân gọi Đường. Khoa đảo mắt xuống bếp. Không thấy Thi và cha mẹ. Chắc làm việc đồng sắp về. Hai đứa em Thi đang ăn khoai nướng. Kỳ Bá đưa Khoa và Đường tới khúc đường mòn. Anh vẫy tay và đi vào.