91 - 92

    
ãnh đạo mặc quần áo nâu, đội nón lợp ny lông, đeo xặc cốt, đi dép Bình-Trị-Thiên. Nếu có gương soi kỹ và nếu được suy nghĩ bằng chính tâm hồn mình, lãnh đạo thấy mình chỉ là lãnh đạo mặc đồng phục như học trò hướng đạo. Lãnh đạo nói năng, lãnh đạo ăn uống, lãnh đạo tiếp xúc, lãnh đạo vui chơi, lãnh đạo hân hoan, nhất nhất đều mặc đồng phục. Lãnh đạo không được buồn, không được nhớ, không được thương vu vơ. Cũng mặc đồng phục. Lãnh đạo phải theo quyết nghị thi hành cuộc đời mình. Quyết nghị là đạo đức kinh, là luân lý giáo khoa thư, là sách gối đầu giường, chỉ đúng răm rắp, không có sai lầm. Và không được phê bình quyết nghị. Phê bình quyết nghị là đầu óc đã nhiễm tư tưởng phản động. Đầu phải làm cho rỗng. Óc phải gột rửa. Để sạch sẽ và ngây thơ mà tiếp thu quyết nghị.
Quyết nghị theo sát Kỳ Bá hiện tại là quyền lực tối cao của Bác, Đảng và Nhà Nước. Bác không lầm lẫn. Nhà nước không lầm lẫn. Bác là Hồ Chí Minh. Nhà nước là chính quyền vô sản. Hồ Chí Minh là Cha già của dân tộc, là Bác của toàn dân, là chủ tịch của Đảng và Nhà nước. Bất cứ việc gì mình sắp làm, cũng nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước. Bất cứ việc gì mình sẽ làm cũng nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước. Bất cứ việc gì thành công ít hay nhiều cũng nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước. Vậy Đảng và Nhà nước của Bác. Quyết nghị bây giờ là Bác. Bác không phải là siêu nhân. Bác chỉ là người yêu nước nồng nàn, hy sinh đời mình cho tổ quốc, không vui thú bên vợ con, vì Bác không vợ, không con. Bác sống đạm bạc nên Bác là vị Thánh sống. Bác biết tất cả. Chính trị, Bác cao vút, không người so sánh. Quân sự, Bác tài tình, khiến Pháp nể nang. Bác làm thơ hay nhất, nhà thơ lớn của dân tộc. Bác mặc quần áo đại quân, đi dép Bình-Trị-Thiên, điều khiển giàn nhạc vĩ đại ngoài trời. Bác là người hơn tất cả mọi người, trên tất cả loài người. Bác bảo là làm theo lời Bác, vâng lời Bác. Quyết nghị là lời vàng ý ngọc của Bác, chỉ tuân lệnh, không phê bình.
Thần tượng trên sân cỏ thì khác, hoàn toàn khác. Thần tượng tự do buông thả tài năng của mình trước rừng người cổ võ. Người cổ võ trẻ có, già có, nhi đồng có. Họ không thuộc một thành phần nào, một giai cấp nào trong xã hội. Chỉ là khán giả túc cầu. Họ cũng tự do nói năng, chửi thề và hoan hô, đả đảo. Họ chẳng thèm biết người ngồi bên cạnh là chức sắc trong chính quyền. Họ đứng lên, đấm mạnh vào không khí lúc thần tượng của họ làm họ thất vọng. Họ vỗ tay như điên cuồng khi thần tượng của họ làm họ say mê. Hàng chục ngàn người mở căng mắt, nhìn đôi chân của một người, nhìn cái đầu của một người. Người ta chửi mắng thần tượng, là người ta yêu thần tượng. Người ta thích thú thần tượng, là người ta thương thần tượng. Người ta cống hiến trái tim của mình. Cho thần tượng.
Thần tượng đang vẽ vời lừa bóng. Ngất ngây. Thần tượng ngả bàn đèn một cú sút trời cho thủng lưới đối phương. Tuyệt diệu. Thần tượng đá một cú xuyên chỉ qua kim, đối phương ngỡ ngàng. Lâng lâng. Thần tượng chơi cú tết hết bắt, đối phương thẫn thờ. Mơ màng. Không cần nhiều, chỉ mấy đường điêu luyện thôi, thần tượng muốn gì được nấy. Thần tượng muốn hạ thằng nào, thằng ấy đo ván; muốn khử thằng nào, thằng ấy đi đoong. Chín mươi phút trên sân cỏ, thần tượng là hoàng tử, là đại đế của đám nô lệ cổ võ. Người ta mơ ước được rờ tay vào ngực thần tượng xem thần tượng rung động tới mực nào. Ôi, cái áo của thần tượng, sau trận đấu ngập mồ hôi, cởi ra, tung vào đám nô lệ, áo của thần tượng là cơm, là công đức vô lượng đối với dân sắp chết đói. Người ta giành giật nhau. Đến máu phải đổ. Thần tượng thì không có gì đụng vào nổi.
92
Vọng sinh ra ở làng Kỳ Bá, trong căn nhà gianh, tường trét bùn rơm, liếp đan bằng nứa, che mưa gió. Nó lớn lên cùng với căn nhà càng ngày càng điêu tàn. Cha Vọng làm thợ máy điện thị xã Thái Bình. Mẹ nó bán xôi chè rong khắp đường phố. Vì nghèo quá, trời chỉ cho cha mẹ nó đẻ nổi mỗi mình nó. Còn bé, Vọng èo ọt, không lớn được. Mười một tuổi nó mới đi học. Lên lớp sơ đẳng, tự nhiên Vọng trở mình, có da có thịt, khỏe khoắn ra. Nó thông minh và chăm học. Từ dạo đồng ấu, Vọng đã bị bạn học bắt nạt. Nó biết thân biết phận, chả dám chống đối, cứ để bạn học chế riễu, làm tình làm tội. Không ai dạy mà Vọng biết chịu đựng nỗi oan khiên, từ nhỏ.
Thấy con mình trổ mã, học hành tiến bộ, cha thằng Vọng sung sướng. Ông năng nói chuyện với Vọng, tưởng Vọng hiểu ý ông.
- Con ơi, con phải học tới đậu đít lôm. Thì cha mẹ mới hết khổ và cuộc đời hết khinh bỉ.
- Đít lôm là gì ạ?
- Là đậu xéc ti phi ca, học thêm bốn năm nữa ở ban thành chung.
- Ở ban thành chung?
- Ờ, năm thứ nhất lên lớp, con học năm thứ nhì; năm thứ nhì lên lớp, con học năm thứ ba; năm thứ ba, con lên lớp, con học năm thứ tư. Rồi con thi đít lôm. Con mà đỗ đít lôm, mẹ con sẽ bỏ gánh xôi chè, bố sẽ bỏ nghề cu ly lam lũ.
- Đít lôm là hết trường học hở, bố?
- Còn.
- Gì nữa?
- Học đến tú tài. Đỗ tú tài một, thi tú tài hai. Mất tất cả ba năm.
- Hết chứ ạ!
- Hãy còn đại học. Muốn thành bác sĩ như đốc tờ Anh, thêm sáu năm nữa. Trời ơi, được làm quan đốc tờ sẽ hả hê suốt đời, muốn sao được vậy. Như tiên ấy, con ạ!
- Con sẽ học đỗ đốc tờ.
- Không được đâu.
- Sao lại không được?
- Vì bố mẹ nghèo nàn, chỉ cố gắng nuôi con đỗ đít lôm, ra làm tiền đỡ vất vả. Con học mười năm thôi. Chứ học bác sĩ, con phải học hai mươi năm mới thành tài, bố mẹ có sống hai kiếp mới làm con nên thân. Đáng lẽ chỉ mong con đổ xét ti phi ca, bố mơ mộng muốn con đỗ đít lôm cho đáng học trong nỗi khổ.
Cha Vọng đã chỉ cầu mong cho con mình đỗ đít lôm. Thiếu gì người nghèo lo cho con mình đỗ tú tài. Vọng đỗ đít lôm là gia đình nó hạnh phúc, là được trời thương. Mẹ nó ước mong như cha nó. Những khi rảnh rỗi, mẹ thằng Vọng cầu nguyện Trời Phật cho nó học giỏi và thời gian qua mau. Cuối năm sơ đẳng, Vọng thi lấy xéc ti phi ca ê lê măng te. Không cần đỗ hay trượt cũng được lên lớp nhì năm thứ nhất. Vọng đã đỗ. Cả Việt lẫn Pháp. Việt thì thi toán pháp, luận văn, sử địa, cách trí. Pháp thì viết bài ám tả. Mẹ Vọng khoe ầm với các bà bán hàng rong, nhờ mẹ nó đi cúng, dâng hương ở chùa An Tập, Phật mới động lòng cho Vọng đỗ.
Lớp nhì năm thứ nhất, Vọng học bài vở toàn bằng tiếng Pháp. Có vẻ người lớn rồi. Cha nó dành dụm tiền, may cho nó cái áo dài thâm mới toanh, cái quần chúc bâu và đôi guốc mộc. Học trò ở thị xã không nhất nhất phải mặc đồng phục. Con nhà giầu mặc âu phục. Con nhà nghèo mặc quốc phục. Thằng Vọng có mỗi bộ quần áo mồi. Nó giữ gìn cẩn thận lắm. Đi học về, nó treo áo dài lên vách nhà, xếp quần lên đầu giường. Và đánh bộ quần áo rách vá tứ tung, ngồi học bài hay đi chơi. Thằng Vọng tiết kiệm đôi guốc mới khiếp. Nó xách guốc đi bộ từ nhà đến trường và chỉ đi guốc khi nhà trường mở cổng. Tan học, nó bỏ guốc khi ra khỏi lớp. Bọn nhãi học trò chế riễu nó, đánh đấm nó cái tội đi guốc sợ mòn.
- Này cu Vọng, mày đi mấy năm một đôi guốc?
- Mười năm!
- Mày cất ở đâu?
- Trên bàn thờ!
- Gần nhà tao, người bán guốc mới nhảy xuống sông tự tử.
- Lạ nhảy!
- Không lạ đâu. Vì ông ta ế hàng, đâm ra thối chí. Mười năm mới có con nhà Vọng mua một đôi guốc!
Chúng nó chơi kịch nhạo báng thằng Vọng tàn nhẫn. Vọng im lặng chịu đựng. Cha nó đã bảo nó rằng:
- Con ơi, nhà nghèo có nhiều tội lắm. Con đến trường, học trò nhà giầu có ghét con, có đánh con, có chửi con, dù con không lầm lẫn gì cũng khép miệng lại. Cho chúng nó chán con, nghe! Cần nhất, là con phải đỗ đít lôm, mọi việc mặc kệ chúng nó.
Quà sáng của thằng Vọng hết xôi chè lại cơm nguội, hết cơm nguội lại xôi chè! Chả có món gì khác. Nó không dám nghĩ tới ngày nào mới được ăn bánh cuốn giò chả, ăn bánh mì thịt quay, ăn phở, ăn cơ roát xăng và uống cà phê sữa...
Vọng thích bóng tròn. Lúc đi xem đá bóng tròn, nó chẳng bị ai át giọng và đánh đập cả. Vọng mê bóng tròn từ niên học lớp nhì năm thứ nhất. Nó khoái những cầu thủ giỏi. Vọng thường cổ võ đội bóng Kỳ Bá và đội Lính Khố Xanh. Ở đời, sao không chỉ có sân cỏ và sân cỏ? Nơi đó, người ta hoan hô cầu thủ làm người ta say mê. Nơi đó, người ta đả đảo cầu thù làm người ta buồn bã.
Thích bóng tròn, Vọng có một mình, không chơi với ai và không ai chơi với nó, nó lấy rơm buộc thành trái bóng, sút một mình, lừa đảo một mình.
Vọng sáng tác những cú sút tuyệt vời và những cú sút mang những tên tuyệt vời ở trái bóng rơm mà ra. Nó tưởng tượng khung thành của địch thủ, phóng trái bóng lọt vào. Khi đặt chân sút, nó ngã ngửa - phải ngã ngửa cơ - hai tay nâng nhẹ thân người lên - nhớ hai tay nâng nhẹ thân người lên - nó gọi là cú sút ngả bàn đèn. Nó quay lưng về phía khung thành, nhảy cao, móc hậu trái bóng vào, đầu dựng xuống đất, chân giơ thằng lên trời, nó gọi là cút sút trồng cây chuối. Nó quan sát những đôi chân của đối thủ hướng về đường banh sắp sửa nhả ra, kể cả đôi chân của thằng gôn, bắn trái bóng vào như tia chớp cho qua chân đối thủ, nó gọi là cú sút xuyên chỉ qua kim... Những cú sút thần sầu bằng bóng rơm của thằng Vọng ra đời tại làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, mùa thu, niên học 1942-1943, không trình tòa.
Vọng chưa được hưởng những cú sút do nó nghĩ ra. Thì thầy Nguyễn Công Hoan từ Hà Nội đổi về Thái Bình, dạy học ở lớp nó, vào tháng 11. Thầy Hoan chú ý thằng Vọng ngay. Trong lớp nhì 2, chỉ có một mình nó mặc áo dài thâm, quần chúc bâu trắng. Điều đó khiến thầy Hoan có cảm tình với thằng Vọng. Một hôm, giờ ra chơi, thầy giữ Vọng lại, gọi nó lên bàn giấy.
- Con tên là Vọng, Nguyễn Hữu Vọng, cùng họ với thầy đấy. Hữu Vọng, có hy vọng, bố con đặt tên hay lắm. Ông ấy làm gì?
- Thưa thầy, bố con làm thợ ở nhà máy điện, ạ!
- Mẹ con ở nhà hay đi làm?
- Thưa thầy, mẹ con đi làm.
- Nghề gì?
- Thưa thầy, mẹ con bán xôi chè rong.
- Nhà con ở đâu?
- Thưa thấy, ở làng Kỳ Bá, rất gần thị xã. Đi thẳng từ cổng Vọng Cung là đến làng con.
- Thế nhà nằm đầu làng hay cuối làng?
- Thưa thấy, sát cống Kỳ Bá.
- Khá chứ?
- Thưa thầy, nhà con mái rạ, tường bùn rơm, xơ xác lắm, ạ!
- Không hề gì. Con nên nhớ rằng cái nhà không cần, chỉ người ở dưới mái nhà có tâm hồn hay không mới cần. Con chăm chỉ học và giỏi nhất lớp, làm thầy mừng. Bố con đặt tên con là Hữu Vọng nên hy vọng gì ở con?
- Thưa thầy, bố con hy vọng con đỗ đít lôm rồi ra làm việc. Như thế, nhà con sẽ hết nghèo, chẳng ai khinh bỉ nữa.
- Sao không đỗ tú tài?
- Thưa thầy, bố con là người cu ly, không lo cho con học thật lâu được.
- Học bằng ý chí, chứ không học bằng tiền bạc. Con nhà giầu sang không đứa nào đạt nổi sự học. Con nhà nghèo khó, nếu đi học, chúng nó đều làm vẻ vang cho học vấn. Con hiểu chưa? Xưa, có ông Thừa Cung phải đi chăn lợn kiếm ăn. Mỗi ngày, ông nghỉ chân ngoài cửa nhà thầy giáo, lắng nghe thầy dạy học trò. Bao nhiêu chữ nghĩa của thầy, ông học hết. Sau, ông Thừa Cung thi đỗ hiển hách, Vọng ạ! Thôi, sắp hết giờ ra chơi rồi, con ra chơi một lát.
Tháng 12, Vọng đứng nhất lớp, lên bảng danh dự. Bọn nhãi cùng lớp đổ những cơn ghen tị vào những cú đấm, những cú đá, những cái tát, những cái bợp tai thằng Vọng. Nó phát khóc. Câm lặng. Vọng lên bàn thầy Hoan, thưa thầy cho nó xuống hạng bét. Thầy Hoan ngạc nhiên. Thầy không biết những gì đã xảy ra cho Vọng, từ hôm nó lên bảng danh dự.
- Con không mong học nhất lớp à?
- Thưa thầy, không ạ!
- Bài con học, con làm đều chứng tỏ con chăm chỉ và thông minh. Chẳng lẽ chấm bài của con, thầy cho zéro?
- Thưa thầy, nếu thầy thương con, thầy cứ cho con nằm hạng bét đội sổ.
Thầy Hoan lắc đầu. Tháng sau, Vọng đọc bài ấp úng, chỉ thuộc có một nửa; làm bài gạch xóa nhiều, quên khá bộn. Thầy Hoan chấm bài của Vọng. Suy nghĩ. Giờ ra chơi, thầy bảo Vọng ở trong lớp.
- Con bị bạn học bắt nạt, hả?
Vọng òa lên khóc.
- Chúng nó không muốn con học nhất lớp, lên bảng danh dự, hả?
Vọng im lặng.
- Được, thầy chiều con, cho con đứng thứ 10, không lên bảng danh dự nữa, dù con học giỏi. Con không đứng thứ 10, đòi dội sổ, sang năm đâu được lên lớp mà thi đỗ dít lôm?
Vọng không nói gì. Thầy Hoan đã hiểu rõ tâm sự của đứa học trò con nhà nghèo. Trong cái xã hội đầy rẫy bất mãn này, một thầy không xóa bỏ được. Thầy Hoan chỉ nghiến răng giận dữ.
- Những thằng giầu, những thằng quyền thế, cha, con, cháu, chắt đều giống nhau. Thằng bố áp bức, bóc lột người lớn nghèo khổ; con cháu nó bắt nạt, căm tức người bé nghèo khổ. Nghèo khổ đâu phải là tội lỗi? Sẽ có ngày băm vằm tụi trọc phú, tụi quyền thế dựa hơi Pháp ra từng mảnh!
- Thưa thầy, bố con bảo nhà nghèo có nhiều tội lắm. Con đến trường, học trò con nhà giầu có ghét con, có đánh con, có chửi con, dù con không lầm lẫn gì cũng khép miệng lại. Cho chúng nó chán con!
- Bố con không tội lỗi, con không tội lỗi gì cả. Bọn trọc phú, bọn quyền thế bóc lột từ miếng cơm manh áo của người ta, khiến người ta thành người nghèo khổ. Nghèo khổ, đói rách là do trọc phú và quyền thế tạo ra. Nếu người nghèo khổ biết tống căm hờn vào bọn chúng nó, mình sẽ hết bị đánh chửi, hiên ngang đứng lên, Vọng ạ! Con ra chơi đi!
Vọng nghĩ đến cha nó bôi thuốc đỏ lên những chỗ mình mẩy nó bị đánh chảy máu, xoa dầu Nhị thiên đường lên những chỗ mình mẩy nó bị đạp đá xưng vù. Cha nó biết giấu thù hận và quên nó đi. Vọng giống cha, biết giấu thù hận và quên nó đi. Có nhớ cũng chẳng được tích sự gì. Nó, nỗi thù hận ấy mà, là sự cam đành triền miên của người nghèo khổ. Làm cho mình hết bị đánh, bị chửi, dễ chừng chỉ có thầy Nguyễn Công Hoan.
Một hôm chủ nhật, thầy Hoan đến nhà thằng Vọng, điềm nhiên ngồi trên giường của nó uống nước vối thích thú. Thầy nhìn căn nhà tiêu điều, mục rã, lòng thầy dậy chua chát. Thầy ngắm cha Vọng và hỏi:
- Ông bị bệnh phải không?
- Bẩm thầy, dạ...
- Xin coi tôi như một giáo viên, ông đừng bẩm thưa với tôi, ông nhé!
- Thưa thầy, vâng ạ!
- Ông lại thưa rồi!
- Dạ, tôi vâng lời thầy.
- Bệnh của ông ra sao?
- Tôi bị đau tháng nay, đêm nào cũng ho, ban ngày sốt.
- Nguy hiểm đấy. Ông mắc bệnh lao phổi rồi. Phải nghỉ làm việc và đi nằm nhà thương.
- Tôi nghỉ thì không có lương và tiền, kiếm đâu ra tiền nằm nhà thương?
- Nhà thương thí ấy mà.
- Nhà thương thí không cho thuốc.
Thầy Nguyễn Công Hoan nghĩ một lát:
- Ông phải nghỉ đi làm và đến nhà thương, kẻo bệnh sẽ đưa ông tới cái chết.
Cha Vọng nói;
- Tôi không nghỉ được, thầy ạ!
Thầy Hoan vỗ vai cha Vọng.
- Ông chả cần lo lắng, bệnh sẽ nặng thêm. Tôi và hai giáo viên ở trường sẽ giúp ông số tiền nằm nhà thương dưỡng bệnh, thuốc men đầy đủ. Ngày mai, ông vào nhà thương, tôi nộp tiền cho ông đến khi ông khỏi. Ông đừng từ chối nữa. Thôi, tôi về đây...
Thầy Hoan bước nhanh ra khỏi nhà Vọng. Cha nó chẳng có phản ứng gì, ngồi khóc rưng rức. Vọng khóc theo. Mẹ nó đang bán hàng trên phố, chưa biết tấm lòng vàng của thầy Hoan.
Thằng Vọng bị cả lớp khinh bỉ, ghét bỏ, nhưng có thầy Hoan thương yêu vô cùng. Vọng đã được an ủi. Như thể, nó sờ thấy niềm an ủi đó. Nó thấy cuộc đời vẫn còn người tốt, còn nhiều người tốt nữa nó chưa gặp. Biết đâu chừng, thấy Hoan chả giúp nó cơ hội sút cú thần sầu xuyên chỉ qua kim!