105 - 106
Cuối thu đường đời

     hẳng mấy đỗi, đã tới Giáng Sinh 1950. Thị xã đón mừng Chúa xuống trần gian cứu rỗi nhân loại long trọng lắm. Nhà theo đạo treo cờ Thiên Chúa giáo khắp các phố. Nhà ngoại đạo cắm cờ vàng ba sọc đỏ, theo lệnh của linh mục Nguyễn văn Chỉnh. Đã ba năm nay, ít được nghe hồi chuông ấm áp tình người như muốn dìu trái tim đau khổ vào cõi thiên đàng cực lạc; ít được nghe tiếng kinh thổn thức linh hồn, cơ hồ trách móc chiến tranh gây nên bao cảnh đổ vỡ, chết chóc. Dân ngoại đạo giống dân nội đạo, cùng một ý nghĩ, tưởng mình gần Chúa. Thời loạn ly, con người không biết tin ai, đành tin ở Chúa, ở Phật, ở thánh thần. Tôn giáo làm con người tín ngưỡng nồng thắm. Nhiều lúc đến độ mê tín, dị đoan. Thì thôi, đành bỏ qua cho con người sống giữa thời chinh chiến. Chỉ còn nỗi đó mới bớt sầu thảm mà tin đời sẽ sáng lạn.
Thái Bình đã tiêu thổ trơ trụi, dân chúng hồi cư trên đống gạch ngói hoang tàn. Chúa thừa biết Thái Bình, một tỉnh lỵ oan nghiệt và không được cách mạng yêu thương. Dân thị xã đã khóc than đập phá nhà gạch ngói, tản cư, lại than khóc xây dựng nhà mái tranh, hồi cư. Hai hàng cây hồi phố chính, nơi bao nhiêu kỷ niệm leo lên, những ngọn dao thô bạo đã chặt ngã hết rồi. Thái Bình nhiều đau đớn vô cùng. Nhật chủ mưu cuộc chết đói lịch sử, năm Ất Dậu. Thái Bình giầu nhất miền Bắc, kho lúa của Liên khu 3, chết đói nhiều vào hạng nhất. Gần ba mươi vạn người. Con số chết bom nguyên tử, ở Hiroshima và Nagasaki, chưa bằng Thái Bình chết đói. Năm nào Mỹ cũng thả những vòng hoa ăn năn tội lỗi xuống an ủi kẻ chết. Nhật có nghĩ tới Thái Bình không nhỉ? Người cố tình không thèm hiểu người, thì Chúa hiểu người và thương người. Cho nên, năm nay, dân thị xã trông chờ ngày 24 tháng 12 hơn cả đại hạn trông mưa.
Hãy xem anh em nhà thằng Khoa ngoại đạo chuẩn bị đón Giáng Sinh. Khoa làm cái máng cỏ cho hai đứa em gái. Thoạt tiên, Khoa lấy miếng các tông tạo ra cái nền máng cỏ. Nó dán hai ba chiếc bìa mầu vào nhau, bóp nát, gắn lên miếng các tông. Thế là có nơi Chúa xuống trần gian, dơn giản hơn ở hang Bê lem. Nó cắt giấy trắng nhỏ như chỉ, giả vờ cỏ, rải đầy trong và ngoài hang lừa. Khoa đến chợ Vọng Cung mua tượng Chúa sơ sinh có Mẹ Maria và thánh Joseph đứng cạnh. Quanh máng cỏ, mấy chú mục tử chăn mấy con lừa và đàn cừu. Xa xa, ba ông vua Đông phương tới chúc mừng. Xong xuôi, anh em nhà thằng Khoa xúm nhau khen rối rít. Chúng nó hát bài Đêm đông tập từ tuần trước. Khoa đệm ác mô ni ca:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời
nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê lem
ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung
tiếng hát thiên thần vang lừng
Đàn hát
Xướng ca
Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta
Người hỡi
Đến xem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn
Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ơn phước xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê lem thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng dân an hòa
Ca khúc dứt, Khoa nói:
- Đêm nay, nghe bài này từ nhà thờ vọng lại mới cảm động. Của ông linh mục Hải Linh đấy. Ông ấy bảo Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn, còn bẩn thỉu hơn cái máng cỏ của anh em chúng mình.
Tú tiếc rẻ:
- Chỉ thiếu đèn nhấp nháy quanh máng cỏ.
Khoa vỗ vai em:
- Điện chẳng có, nói chi đèn! 1950 năm về trước, Chúa sinh ra trong máng cỏ ỏ Bê lem, nghèo nàn, bệ rạc, không có lấy một ngọn đèn dầu. Bây giờ, người ta chế ra những cái máng cỏ sang trọng, đèn nhấp nháy thật tinh vi, máng cỏ giấy bạc, tượng Chúa tuyệt đẹp... Anh nghĩ rằng, Chúa không vào nơi sang trọng đâu, Chúa chỉ vào những nơi nghèo hèn. Như mang cỏ của anh em mình.
Mai hỏi:
- Anh có chắc Chúa đến nhà mình không?
Khoa gật đầu:
- Chắc chứ.
Tú đề nghị:
- Thế thì anh đừng thắp đèn trong máng cỏ nữa.
Khoa lắc tay:
- Không, anh phải thắp đĩa dầu lạc bé nhỏ. Ngọn bấc sẽ cháy thiêng liêng lắm đây. Chúa vui, thấy nhà người ngoại đạo đón mừng Chúa. Và, Chúa sẽ nhìn rõ làng Tường An, thị xã Thái Bình, tỉnh lỵ Thái Bình chìm lấp trong chiến tranh, tiêu thổ kháng chiến nheo nhóc đến dường nào. Chúa sẽ nhìn ra anh Vũ, anh Côn, anh Vọng đang rét mướt ngoài chiến trường, cầm súng đuổi thực dân...
Tú và Mai ngồi im nghe Khoa nói, mắt đầy ngấn lệ. Như thánh Matthieu kể tích Chúa đọc Bài giảng trên Núi, Khoa cũng kể tích Chúa yêu trẻ thơ, anh Luyến đã nói với nó.
- Hãy để trẻ thơ đến cùng ta, vì nước Thiên Đàng gồm những người như thế. Chúa dạy: Nước Thiên Đàng, nước của Chúa, toàn những tuổi thơ và những người lớn tâm hồn còn trong vắt như tuổi thơ. Những người không tươi sáng, giản dị, đôn hậu và thừa tình yêu thương không được lên nước Thiên Đàng. Chúa dạy; Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu được vào nước trên Trời. Vậy thì, những người lớn độc ác, gian dối chỉ được sống ở trần gian, chờ chết, xuống Địa Ngục đền tội với Satan. Chúa giáng sinh để cứu rỗi loài người sống trong chiến tranh khổ quá, đâm ra độc ác, gian dối để được sung sướng. Chúa dạy: Hãy vào ngõ hẹp, vì ngõ rộng và đường lớn dẫn đến sự hư nát, kẻ vào đó thì nhiều. Song ngõ hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ tìm được thì ít. Những người độc ác, gian dối, háo danh lợi, địa vị, bổng lộc đều đi trên con đường rộng thênh thang...
Khoa không hiểu đã nói những gì, em nó cứ lắng tai nghe. Khoa cười, sung sướng.
- Anh đã nói gì thế?
Em nó trả lời:
- Đọc kinh Chúa!
Khoa bối rối:
- Đọc Thánh Kinh à? Anh có đi đạo bao giờ đâu? Có em nào còn nhớ và hiểu gì không?
Mai ngây thơ:
- Chẳng nhớ nổi câu nào, chẳng hiểu ý nghĩa ra sao!
Khao vờ vẫn:
- À, hôm nay nhằm ngày Giáng Sinh, Chúa cảm động thấy anh làm cái máng cỏ, ban ân sủng cho anh được giảng lời Chúa với các em đấy mà!
Nó rẽ nhanh sang chuyện Giáng Sinh:
- Anh Luyến đọc sách nhiều lắm. Anh ấy nói với anh, chỉ có hai chữ Giáng Sinh tả cảnh Chúa xuống trần gian cứu rỗi loài người mới tuyệt hay, các em ạ! Người Pháp thì Noel, bánh cũng Noel, cây cũng Noel, ông già cũng Noel. Người Anh thì Christmas. Noel và Christmas là cái gì? Giáng Sinh là nhất. Tối nay, anh và anh Luyến đi xem lễ ở nhà thờ.
Vừa khi ấy, cha mẹ anh em thằng Khoa đi cầu Kiến Xương thăm người bạn mới hồi cư về đến nhà. Mai khoe cha mẹ cái máng cỏ anh Khoa mới làm xong.
- Đẹp không, bố mẹ?
Mẹ bĩu môi:
- Ngoài chợ người ta bán thiếu gì máng cỏ! Đẹp ơi là đẹp. Sao không mua một cái, đỡ mất thì giờ và tốn tiền?
Khoa cãi:
- Cái máng cỏ của chúng con làm ra khác hẳn máng cỏ của người ta, khác hẳn máng cỏ bán ngoài chợ. Tuy nó không đẹp, nhưng Giáng Sinh là ngày thiêng liêng, chúng con làm máng cỏ chào mừng Chúa ra đời bằng hết tâm hồn chúng con, mẹ lại chê bai!
Từ hôm Khoa đi học Luyến, cha nó biết Khoa đã tiến nhanh. Nó ăn nói chững chạc và có chiều sâu. Cha nó vội vàng:
- Xin lỗi con, mẹ thương con vất vả nên nói thế. Đúng, các con làm cái máng cỏ bằng cả tấm lòng. Chúa sẽ ban phúc cho các con, cho bố mẹ, cho anh Vũ của các con.
Khoa không nói năng gì, một mình ra ngoài cửa hóng gió lạnh cuối đông. Nó đã đến nghĩa địa, định chặt một cành thông đem về gắn sao và rắc bông làm tuyết, kê sát máng cỏ. Hơi muộn, người ta đã lấy hết cành thông. Khoa chỉ muốn làm vui lòng các em thôi. Nó vào nhà, sửa soạn ăn cơm chiều.
Đến bảy giờ tối, Khoa tới nhà Luyến, rủ Luyến đi xem lễ. Vẫn limh mục Nguyễn văn Chỉnh giảng bài Giáng Sinh. Hôm kia, linh mục Chỉnh bắt dân đạo thị xã rước kiệu Chúa và Đức Mẹ, tạ ơn Chúa, tổ chức mấy tuần trước. Linh mục Chỉnh muốn làm gì thì làm. Quyền uy của llnh mục hơn cả Chúa. Cảnh rước kiệu quanh vài con phố, người ta không bằng lòng câu viết trên băng đờ rôn: Nguyện dâng nước Việt Nam cho Chúa. Nhưng, người ta im lặng. Chả một khẩu hiệu nào khuyên chấm dứt chiến tranh. linh mục Chỉnh hân hoan ra mặt, cho rằng, lễ tạ ơn Chúa Giáng Sinh đã thành công.
Thị xã giới nghiêm bắt đầu từ 11 giờ 30 đêm. Nhà thờ phải giảng lễ lúc 8 giờ và chấm dứt lúc 10 giờ. Để giáo dân còn về ăn rê vây ông. Buổi tối, ngày Giáng Sinh, trời lạnh và không trăng sao, thiếu đèn điện soi phố nên buồn lắm. Lính Pháp ở nguyên trong đồn. Lính pác ti dăng Hổ Xám và lính Bảo Chính cũng vậy. Đúng 8 giờ, Khoa và Luyến có mặt trong nhà thờ. Người nội đạo và người ngoại đạo đến chật ních cả cửa giáo đường. Nhà thờ gần hành dinh của Pháp, được Pháp cho câu điện ngày Giáng Sinh sáng choang, rực rỡ. Linh mục Chỉnh mặc quần áo, đội mũ như Giám mục, bệ vệ, hớn hở. Trên đầu linh mục Chỉnh, Chúa bị đóng đinh, khuôn mặt sầu thảm nhìn khắp mọi người, thấu tận tim.
- Mình về thôi, đủ rồi, Khoa ạ!
Luyến chống nạng tách đám đông.
- Linh mục Chỉnh chưa giảng mà?
Luyến vẫn thong thả bước ra bên ngoài. Khoa theo sau.
- Anh ngắm mặt mũi linh mục Chỉnh một tí, thế là xong rồi.
Trên đường về, Luyến hỏi Khoa:
- Em có biết người nào buồn nhất nhân loại không?
- Không, anh ạ!
- Chúa đấy, Chúa Giê xu đấy. Người đã buồn, buồn cho đến chết. Thế mà, người ta lại vui vẻ, trong khi nỗi buồn của Người mãi không nguôi. Hình như người ta lợi dụng nỗi buồn của Chúa để vui vẻ, làm những việc trái ý Chúa. Cứ xem linh mục Chỉnh hớn hở, rõ ngay tâm địa của ông ấy. Bài giảng đêm Giáng Sinh thế nào chả có tiêu diệt cộng sản!
- Vâng, em hiểu.
- Thời Pháp đô hộ chúng ta, dân nô lệ thả cửa gọi linh mục là cố đạo. Nay, chế độ Bảo Hoàng độc lập, tự do, dân chủ, chúng ta phải gọi cố đạo là linh mục hay cha. Ai gọi cố đạo Chỉnh, ông ta bắt liền! Em nên thận trọng cách ăn nói, nghe chưa?
- Vâng.
- Anh thích nhất một bài ca Giáng Sinh, tiếng Anh. Học hết cuốn L’Anglais vivant 6è bleu, thừa sức hiểu nghĩa bài hát. Ca khúc này, do một mục sư Đức sáng tác. Chắc ông đã gặp Chúa trong đêm thánh vô cùng. Anh hát Silent night cho em nghe, nhé! Anh em mình mừng lễ Giáng Sinh.
Tiếng lọc cọc của nạng gỗ trong đêm yên lặng, Luyến vừa đi vừa hát:
Silent night, holy night
All is calm, all is bright
‘Round you Virgin Mother and Child!
Holy Infant,
so tender and mild,
Sleep in heavenly peace,
sleep in heavenly
peace!
Khoa đưa tay áo, thấm nước mắt.
- Về nhà em ăn rê vây ông miến gà. Mẹ em đã nấu, bảo đảm ngon, dặn em cố mời anh.
Luyến không từ chối. Nó chống nạng đi theo Khoa...
106
Giáng Sinh 1950 vừa qua, Tết Dương Lịch 1951 đã tới. Phố chính đóng cửa kín mít. Người ta sợ lính Pháp uống rượu say sưa mừng năm mới, ra khỏi trại phá cửa, phá nhà. Hú vía, chả xảy ra chuyện gì. Thái Bình thiếu tòa án, dân chúng nhường nhịn nhau, khỏi đưa nhau sang Nam Định thuê luật sư và kiện nhau. Thái Bình không còn nhà lao nữa. Cách mạng tiêu thổ kháng chiến rồi. Bảo Hoàng lười xây cất hỏa lò nhốt người tội, thành thử chẳng ai làm điều tội để nằm hỏa lò. Những việc lặt vặt, cảnh sát lo giải quyết. Bây giờ, cảnh sát đồn trù sát cạnh Vọng Cung.
Riêng công an Bảo Hoàng là đáng kinh hãi. Nhiều nhân viên thuộc đảng Đại Việt, đảng Việt Nam Quốc dân. Họ làm việc ở giữa hiệu thuốc lào Vĩnh Thái và hiệu sách Học Hải, phố Lê Lợi. Đằng sau ty công an, một phòng tra tấn hãi hùng, ngày nào cũng xảy ra. Công an bắt được Việt Minh, đàn ông hay đàn bà, họ đều tra khảo đủ mọi đòn thù ghê tởm. Những người bị công an dồn nỗi thống khổ quyết liệt trên thân thể yếu sức quá, chết vội vàng. Công an chôn vùi ở đâu, không ai biết. Đằng trước ty công an, một phòng cấp sổ gia đình, thẻ căn cước và giấy di chuyển các thành phố miền Bắc. Người ta không muốn nhắc hai tiếng công an. Vì, công an Bảo Hoàng tàn ác vô cùng.
Mặt trận bên kia sông Trà Lý mỗi ngày một nặng. Pháp tới tấp về! Quỳnh Côi, Phụ Dực, Duyên Hà, Thụy Anh bốn nơi hệ trọng nhất. Bên đây sông Trà Lý, vắng lặng. Những huyện Thư Trì, Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải, mới đầu, Pháp đóng. Sau dần, Pháp để cho pác ti dăng đóng. Tình hình tốt đẹp. Có thể nói, bốn phủ huyện, bên đây sông Trà Lý, quy hàng Pháp hết. Cách mạng lợi dụng Pháp quá chủ quan, lấy những nơi ở Vũ Tiên, Thư Trì, Tiền Hải, Kiến Xương làm chỗ dưỡng quân, nuôi quân, tuyển quân khi bị đánh nát nhầu ở bên kia sông Trà Lý. Thực ra, cách mạng thừa hiểu mình chưa đủ sức chống Pháp ở bên đây sông. Pháp từ sông Trà Lý quay mặt lại, từ sông Hồng phóng sang; cách mạng nằm trong ổ, chờ Pháp móc ra. Ấy là chưa kể tầu Pháp cho quân đổ bộ ở các bãi biển Bồng Tiên, Bồng Lai và Đồng Châu. Bốn huyện bên đây sông Trà Lý nguy kịch. Tháng 5, 1950, Pháp đã nhảy dù xuống Lạc Đạo rồi biến nhanh sang bên ấy một trung đoàn. Trận tuyến chưa giải quyết nổi. Phụ Dực là bãi chiến trường đẫm máu. Cách mạng chết nhiều và Pháp chết nhiều. Có những hôm, trực thăng đáp ở sân vận động thị xã, chở lính Pháp bị thương nặng qua Nam Định, một giờ một lần. Bây giờ, Pháp lại tăng cường số quân bên kia sông.
Không đủ lính, Pháp cho pác ti dăng đóng nhiều nơi. Lính pác ti dăng quân đội Pháp tuyển dụng như lính khố đỏ trước 1945, cần thiết có sĩ quan Bảo Hoàng chỉ huy họ.
Lính khố đỏ, ngày xưa, lên lon tới trung sĩ, thượng sĩ, quân đội Pháp gửi họ về nước Pháp, đặc cách cho họ theo học các trường sĩ quan Saumure, Saint Cyr. Rồi, chở họ hồi hương. Phần đông, người miền Nam và Trung. Đầu 1951, Thái Bình đã có sĩ quan cấp úy pác ti dăng. Lính pác ti dăng chết đâu, mộ đó. Nhiều lính pác ti dăng Thái Bình rồi.
Đó là những tin buồn của Pháp và Bảo Hoàng. Tin vui của dân thị xã sau đây: Hãng xe Con Voi của ông Lê văn Định sẽ khai lộ vào ngày mồng 6 tháng 1 năm 1951. Xe Con Voi chạy đường số 10, Thái Bình-Nam Định-Hà Nội, và ngược lại, Hà nội-Nam Định-Thái Bình. Mỗi ngày một chuyến. Xe hàng của ông Lê văn Định đã là Con Voi, dân thị xã vẫn gọi là xe Con Voi. Có lẽ, Con Voi là niềm an ủi của dân thị xã. Con Voi chở con người đi vô sự, về bình yên. Con Voi không biết tra tấn con ngưòi đến chết. Với dân thị xã, Con Voi sẽ phục vụ rất nhiều. Hai điều hữu ích nhất: Con Voi mang nhật báo xuất bản ở Hà Nội về Thái Bình và chuyển thư của bưu điện lên Hà Nội nhanh lắm. Tin vui của dân thị xã nữa: Trung học công lập Nguyễn Công Trứ sẽ khai giảng 15-9, năm nay. Trường mới chỉ dạy hai lớp đệ thất và đệ lục. Rồi, ngày vun vút qua, xe Con Voi đã chạy và đem bốn gói báo về: Giang Sơn của Hoàng Cơ Bình, Tin Sáng của Ngô Vân, Dân Chủ của Vũ Ngọc Các, Liên Hiệp của Văn Tuyên.
Khoa sung sướng đến hiệu sách Đông A mua cả bốn tờ nhật báo đem về nhà Luyến.
- Anh đọc báo chưa?
- Chưa, báo mới vể, hả?
- Vâng.
- Ba năm chưa đọc báo.
- Báo chậm mất một ngày. Xe Con Voi về chập tối hôm qua.
- Đọc đi.
Một tiếng đồng hồ, Luyến đã đọc xong bốn tờ báo. Báo nào tin tức cũng giống nhau. Trang 4, leo bài trang 1, và toàn các rạp xi nê ma giới thiệu phim đang chiếu ở Đại Nam, ở Long Biên, ở Eden, ở Majectic... Trang 3 và 4, một cái phơi ơ tông truyện kháng chiến hay truyện lịch sử, một bài thơ hài hước, hai ba bài sưu khảo văn học, tử vi và quảng cáo. Trang 1, tin tức quốc tế, tin thiên hạ chửi nhau, tin lạ bốn phương... Không có tin chiến sự. Báo đăng Thông cáo của Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp. Báo chí không có phóng sự chiến trường. Thời luận và phim hàng ngày nhạt nhẽo. Xã luận viết vu vơ. Báo chí không dám phê bình việc sai lầm của chính phủ Bảo Hoàng và Pháp. Thời chiến, báo chí bị kiểm duyệt khéo léo chăng? Dẫu sao, có báo để đọc là vui rồi.
Một tin loan cùng một lượt trên bốn tờ báo, khiến Luyến phải suy nghĩ: Động viên sinh viên, học sinh vào Trường Sĩ Quan Nam Định. học sinh rớt trung học phổ thông, rớt tú tài 1, rớt tú tài 2, nằm trong sắc lệnh động viên. Sinh viên rớt năm thứ hai, năm thứ ba... cũng nằm trong sắc lệnh động viên. Tú tài 2 thôi học, làm công chức hay tư chức, càng động viên thật gấp. Chỉ có học mãi, học không thi rớt mới, may mắn, thoát khỏi động viên, hôm nay. Rồi, sẽ bị động viên, nhưng ngày mai cơ. Ngày mai, có thể, cuộc chiến ở Việt Nam thôi súng đạn.
Người Pháp chiếm Nam Định, đặt trường sĩ quan ở đó, chắc đã tin tưởng rằng, Nam Định an ninh hoàn toàn, Nam Định đã quy thuận Pháp. Nam Định là một trong bốn thành phố lớn nhất miền Bắc. Có ngân hàng Đông Dương, có tòa án, có nhà tù đáng sợ, có nhà hát, có sân khấu diễn kịch, có nhiều rạp cinéma,và nhà triển lãn tranh ảnh, có bãi sông trên bến dưới tầu bè... Nam định, phần nào thoát cảnh tiêu thổ kháng chiến, còn dinh thự, nhà cửa khang trang. Nam Định 1950 giống Nam định 1945. Nó vẫn là thành phố thơ mộng của đồng bằng, như Hà nội, Hải Phòng và Hải Dương. Nay, lại thêm trường sĩ quan của người Bắc. Lần đầu tiên, trong lịch sử Nan Định, trong lịch sử Việt Nam. Cách mạng đã thấm nỗi đau lòng, đứng bên kia sông Hồng, nhìn với sang bên đây, thấy Nam Định thay đổi mầu sắc. Mổi thành phố tạm chiếm, mỗi khởi sắc vươn lên, là mỗi buồn phiền của cách mạng.
Người Pháp nhất định ở lại Việt Nam rồi. Họ đã nghĩ tới tương lai quân đội của bản xứ. Pháp muốn người sĩ quan phải có học, phải trí thức một chút. Họ ngậm ngùi cho những anh lính khố đỏ lên hàng sĩ quan. Người Pháp thật tốt, quân đội Pháp thật tốt trong ý nghĩ đào tạo sĩ quan Bảo Hoàng. Thời đại đã đổi thay, Pháp cũng thay đổi theo chiều thuận. Tạm thời, Pháp dùng sĩ quan Việt Nam do họ huấn luyện để chỉ huy lính pác ti dăng do họ tuyển mộ. Khi Thái Bình quy thuận Pháp như Nam Định, tất cả thành phố, tỉnh lỵ đồng bằng trung du, Pháp đã chinh phục xong xuôi. Cách mạng sẽ bơ vơ miền thượng du. Pháp sẽ có những Bảo Hoàng Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải dẹp tan cách mạng như dẹp tan cần vương Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám... Pháp phải đè bẹp cách mạng Thái Bình.
Ông Hồ Chí Minh đã tiên tri: Pháp về Thái Bình là có thái bình. Thái bình ở chiến thắng của cách mang, ở chiến bại của Pháp. Ai sẽ chiến thắng, chiến bại? Hãy nhìn sang bên kia sông Trà Lý, quan sát trận tuyến Phụ Dực, Quỳnh Côi, Duyên Hà, Thụy Anh, và chờ đợi.
- Khoa ơi, em đọc tin động viên chưa?
- Thưa anh, rồi ạ!
- Thấy sao?
- Em sẽ cố gắng hết sức em, học để thi đỗ mãi mãi, kéo dài ngày động viên ra.
- Nếu em rớt tú tài 1?
- Số phận, em không chống lại được.
- Em trốn ra ngoài hậu phương kháng chến hay ở lại chịu động viên đánh kháng chiến?
- Đến khi chuyện xảy tới em, em sẽ quyết định.
- Hay lắm. Đồng tiền chưa ra khỏi túi, biết nhặt hay không nhặt. Bây giờ, em đã buồn rồi. Phải tập suy nghĩ, em ạ! Có thời đại nào khốn khó như thời đại này? Cái học bị chiến tranh ám ảnh cái động viên. Người ta phải cầm súng bắn giết anh em ruột thịt của mình. Khoa sẽ động viên bắn giết Vũ. Vũ sẽ kháng chiến bắn giết Khoa. Không thù hận, rất thương yêu nhau. Tại sao, tại sao?
- Thôi anh, mình còn thời gian lo liệu mà...
- Thiên hạ thì sao?
- Ngoài tầm tay của mình. Năm ngoái, em đã bất bình bộ đội tiểu tư sản bị gạt ra kháng chiến một cách phũ phàng. Năm nay, sống bên anh, học hỏi anh, em thấy thời đại nó xoay vần đúng như anh nói, bất bình chẳng ích lợi chi. Em, mơ hồ, cảm giác anh Vọng đã nói với em điều gì có liên quan tới tương lai. Tương lai, em không cần biết tương lai và chẳng một ai biết tương lai. Em bằng lòng hiện tại, dù hiện tại ngọt bùi hay chua chát. Anh ạ, em dần dần mất hết tuổi thanh niên. Chiến tranh tàn nhẫn thật! Em mới chỉ đứng ở thị xã ngắm chiến tranh, chứ chưa tham dự chiến tranh. Mà đã xót xa.
- Anh hài lòng cái chân cụt của anh! Không chính phủ nào bắt anh đi lính được. Cái tội của anh là ưa suy nghĩ. Suy nghĩ về thiên hạ hơn về mình. Em nói đúng lắm, những nỗi khổ ngoài tầm tay mình, khó với tới. Em ạ...
- Gì anh?
- Anh Tái ông thất mã lần thứ hai.
- Nghĩa là...
-... anh què nên khỏi bị động viên, khỏi biết Trường Sĩ Quan Nam Định.
- Anh Côn học trường Sĩ Quan Trần Quốc Tuấn.
- Trần Quốc Tuấn và Nam Định sẽ bắn nhau, nếu anh không mất một chân.
- Thời đại đẻ ra nhiều nghịch cảnh quá.
- Ừ. Mà mình vẫn theo thời đại. Để sống.
- Dù ở đâu?
- Phải, dù ở đâu.
Luyến xếp những tờ báo lại, lấy sách ra dạy Khoa. Câu chuyện sầu thảm của dân thị xã tạm ngừng.