107 - 108

     ính Lạc Đạo của linh mục Nguyễn văn Chỉnh đêm nào cũng hành quân ở An Tập. Họ tác yêu tác quái, không coi ai ra gì. Những gia đình có chồng con, anh em theo kháng chiến, vào bộ đội, họ đều kê họng súng vào cổ, tra vấn quái đản, nói năng xách mé. Nhiều người bị báng súng giáng xuống thân thể. Họ còn tịch thu đồ đạc của dân, bảo làm chứng cớ. Lính Lạc Đạo gọi đó là những cuộc hành quân tiễu trừ cộng sản. Thực ra, họ đi càn quét hôi đồ.
Chính quyền Bảo Hoàng muốn làm sáng chính nghĩa quốc gia, cứ ngó ngơ chuyện này. Pháp cũng thế. Họ chỉ bắn nhau với kẻ thù ngoài trận địa, để chính trị cho Bảo Hoàng thao túng thị xã.
Một đạo quân do Pháp cung cấp đầy đủ súng đạn ra đời, không cần đến chính sách, sắc luật, sắc lệnh của Bảo Hoàng; không thèm biết luật pháp, tòa án của Bảo Hoàng, luôn luôn, xử tội đám giặc cỏ và bắt chúng nó xử tử, tù đầy, thú nhận tội ác chúng nó gây ra. Quận trưởng Vũ Tiên đành bó tay. Lính Lạc Đạo đã đâm sau lưng Bảo Hoàng và Pháp những nhát dao chí mạng. Dân chúng ngoại đạo, xưa nay, vẫn quý mến dân chúng nội đạo. Linh mục Nguyễn văn Chỉnh và Lạc Đạo đã tạo nên cảnh chia rẽ tôn giáo trầm trọng ở những làng lân cận Vũ Tiên.
Ngoài thị xã, dân chúng đã khổ vì lính Bảo Chính, lính Lạc Đạo. Trong thị xã, dân chúng khổ hơn; Nguyễn văn Chỉnh, linh mục chính tòa, Vương văn Chừ, đại úy Bảo Chính, Trần Ngự Chiêu, trưởng ty công an... Mỗi vị là một sợ hãi lớn dần. Hôm nay, tháng 4, trời ấm áp, dân thị xã bắt đầu lo ngay ngáy: Lính Bùi Chu - Phát Diệm của linh mục hoàng Quỳnh đã sang Thái Bình.
Bùi Chu - Phát Diệm là vùng đất tự trị. Lính của linh mục Hoàng Quỳnh sao không đồn trú khu tự trị, giữ gìn an ninh, trông chừng giặc giã, lại kéo nhau sang Thái Bình làm gì? Chắc bên kia sông Trà Lý nổ lớn, thiếu quân án ngữ, Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp phải thuê lính Bùi Chu - Phát Diệm sang đây đánh mướn? Những chiếc xe căm nhông chở lính Bùi Chu - Phát Diệm, từ Nam Định qua phà Tân Đệ, vào thị xã. Đến ngã tư Vũ Tiên, xe chạy từ từ để lính Bùi Chu - Phát Diệm ngắm cảnh Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Dân chúng phố chính ra tận vỉa hè xem.
Khoa và Luyến cũng ra xem đạo nghĩa binh Bùi Chu - Phát Diệm. Họ mặc quần áo như lính Pháp xông trận, chân đi giầy xăng đá, đầu đội mũ cao bồi, bẻ một nửa vành làm duyên. Lon lá của họ khác với lon lá Bảo Chính Đoàn. Khuôn mặt họ đặc sệt chất Bùi Chu - Phát Diệm, giấu cách nào chả nổi. Lính Bùi Chu - Phát Diệm đứng lên, quay mặt hai bên thành căm nhông, vẫy tay lia lịa, cười rất tươi. Dân thị xã cười lớn hơn, cười chế nhạo lính Bùi Chu - Phát Diệm, họ không hiểu.
- Hoan hô lính Buôi Chu - Phát Riệm!
Một người chào mừng họ bằng chính giọng họ phát âm. Trên xe, lính Bùi Chu - Phát Diệm móc thuốc là Gauloises Pháp mới phát cho, ném xuống, y hệt thuốc lá Tây quăng.
- Đừng để Việt Minh bắn tan xác. Các anh về với em nhé, Phát Riệm - Buôi Chu!
Một cô gái khôi hài đen. Chỉ khoáai lính đánh thuê Bùi Chu - Phát Diệm chết hết.
Người này:
- Phát Riệm cương quyết không đánh thuê!
Người nọ:
- Tiền nhiều hãy đánh thuê nghe, Buôi Chu!
Đoàn xe căm nhông đi hết. Nó rẽ vào giáo đường. Lính Bùi Chu - Phát Diệm sẽ đóng quân chung quanh nhà thờ thị xã. Linh mục Nguyễn văn Chỉnh sẽ hài lòng ghê. Dân chúng tản mạn về nhà. Họ bàn tán về lính Bùi Chu - Phát Diệm.
- Chẳng hiểu lính Bùi Chu - Phát Diệm có hỗn láo như lính Lạc Đạo không?
- Chúng nó như nhau.
- Cố đạo Hoàng Quỳnh cũng là cố đạo Nguyễn văn Chỉnh.
- Cố đạo Nguyễn văn Chỉnh ra cái thớ gì.
- Đúng. Cố đạo Nguyễn văn Chỉnh xách dép cho cố đạo Hoàng Quỳnh không đáng.
- Chúng nó là kiêu binh Bùi Chu - Phát Diệm đấy.
- Như kiêu binh thời chúa Trịnh, hả?
- Sợ còn hơn.
- Kiêu binh thời chúa Trịnh toàn dân Nghệ An. Kiêu binh Bùi Chu - Phát diệm toàn dân Ninh Bình.
- Kiêu binh mà đi đánh thuê?
- Đánh thuê nộp tiền cho cố đạo Hoàng Quỳnh.
- Pháp nó nghĩ gì về lính Bùi Chu - Phát Diệm đánh thuê cho nó?
- Dùng có lợi thì cứ dùng. Chứ Pháp nó khinh ra mặt!
Dân thị xã lạ lắm. Những người chung một dòng máu Thái Bình, khi bị úc hiếp, cam đành chịu ức hiếp. Sự ức hiếp đến mức nào ngừng lại, dân thị xã không bao giờ chống đối. Sự ức hiếp quá độ, sẽ bị chống đối theo từng giai đoạn. Dân thị xã về tề, đương nhiên quy thuận Pháp rồi, theo Pháp chống cách mạng thì chưa. Họ trung lập giữa Pháp và cách mạng, nghiêng cảm tình về cách mạng. Dân thị xã coi Bảo Hoàng bằng nửa con mắt. Chính phủ Bảo Hoàng bù nhìn rõ rệt. Dân chúng trọng chữ tín vô cùng. Người lớn đã nói, phải trung thành với lời nói, dân mới theo. Bảo Đại tuyên bố: Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. Lời nói chưa kịp nuốt nước bọt, Bảo Đại đã làm quốc trưởng một nước nô lệ rồi. Cái chính nghĩa quốc gia không đời nào sáng tỏ nổi. Pháp chia sẻ quyền bính nát bấy. Và, phi luật pháp. Lính Lạc Đạo do Pháp ở Thái Bình nâng đỡ và dung túng. Lính Bùi Chu - Phát Diệm được gọi sang đánh thuê. Dân thị xã mất niềm tin vào Pháp.
Giá như Bảo chính đoàn, Pác ti dăng, Phật giáo hay Thiên Chúa giáo đánh phá cách mạng, chẳng ai nói gì. Đằng này lính Lạc Đạo và Bùi Chu - Phát Diệm toàn những người đi đạo, đánh phá cách mạng, đánh phá luôn dân chúng đi đời sống trong vùng tề. Hỏi sao dân chúng không chịu nổi? Sự ức hiếp đã dài quá một năm, lính Lạc Đạo chưa thay đổi cung cách sống. Tự mấy trăm năm, ngày các linh mục Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp... sang nước ta truyền giáo, đạo Thiên Chúa sáng rực bầu trời Việt Nam, ngang hàng cùng đạo Khổng-Mạnh, đạo Lão, đạo Phật. Các vua u tối nhà Nguyễn đã sát đạo Thiên Chúa một cách dã man, tàn bạo. Đạo thầm lặng đã thắng vua hung bạo. Đạo Thiên Chúa có võ trang chống triều đình đâu? Người ta theo cái đức bác ái, vị tha của Chúa Giê xu mà thờ phụng Ngài. Hãy tìm kiếm trong tiếu lâm, ca dao xem có truyên, có câu thơ nào châm biếm, mỉa mai đạo Thiên Chúa? Ca dao đã chết từ trăm năm nay, nhưng mấy trăm năm về trước, ngay cả khi đạo Thiên Chúa gặp nạn, cảm hứng nào đã bắt thi sĩ ca dao lặng thinh trước Chúa? Không thể riêng đi đạo mới tôn vinh Chúa, đi đời còn tôn vinh Chúa nhiều hơn. Một đêm Giáng Sinh của người đi đời nồng thắm gấp bội 365 ngày của người đi đạo cầu nguyện. Người ta vẫn vui vẻ sống chung, chẳng hề chia rẽ tôn giáo.
Linh mục Nguyễn văn Chỉnh và linh mục Hoàng Quỳnh không học lịch sử. Càng không học Thiên Chúa giáo sử ở Việt Nam. Các ông mới võ trang người công giáo thành những kiêu binh trong đạo quân Lạc Đạo và Bùi Chu - Phát Diêm, và xúi giết cách mạng, trong khi cách mạng không tàn sát, không thể tàn sát người công giáo như Minh Mạng.
Chuyện lính Bùi Chu - Phát Diệm dân thị xã nói chưa hết. Thì lại một tin mới: Mỹ qua Thái Bình. Buồn đi vui tới. Tấp nập. Mỹ chưa sang Thái Bình, chỉ nhân viên Việt Nam làm ở cơ quan viện trợ Mỹ đến thị xã thôi. Những người này đem chiếc xe mới toanh, láng bóng, sơn trắng y như xe của ty thông tin về thị xã, làm phương tiện lưu thông. Xe kín mít, hai bên viết chữ VIỆN TRỢ Mỹ, dưới vẽ hình hay bàn tay nắm chặt lấy nhau trên cờ sao sọc. Hai bàn tay thẳng hàng. Bàn tay nắm to hơn và mạnh hơn bàn tay bị nắm. Chắc bàn tay nắm là Mỹ, bàn tay bị nắm là nước nhận viện trợ. Cái bàn tay của chính phủ Mỹ đã kiêu ngạo và phách lối rồi! Không hiểu người Mỹ có phách lối và kiêu ngạo? Người Mỹ còn ở Sàigòn, Hà Nội, chưa thèm về Thái Bình đâu.
Xe viện Trợ Mỹ chạy khắp phố thị xã, oang oang phát thanh tại những chỗ dừng lại. Người ta nói: Mỹ giầu có và nhân đạo, viện trợ cho cả thế giới, cả Pháp và Đức, cả Ý và Nhật... Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam đủ thứ. Bây giờ, Mỹ viện trợ Thái Bình thực phẩm và thuốc DDT diệt trừ muỗi. Ngày mai, Mỹ sẽ viện trợ dân thị xã sữa bột, phó mát, vải vóc và DDT. Đồng bào chú ý. Mi cô của Mỹ tối tân, hô pác lơ của Mỹ vô địch, tiếng nói đâm vào lòng dân thị xã. Tuyên truyền nhân đạo của Mỹ giản dị, mộc mạc và có sữa, phó mát, thế là siêu đẳng. Sau đó, người ta mở cửa sau, phát sách in bằng song ngữ Anh-Việt: Vài nét đan thanh về nước Mỹ và cờ Mỹ giấy. Lần đầu tiên, dân thị xã chiêm ngưỡng quốc kỳ Mỹ. Đợi ngày mai, lĩnh sữa bột, phó mát và vải vóc, thị xã mới hoan nghênh Hoa kỳ giầu tình thương.
Khoa chạy sang nhà Luyến:
- Anh biết tin Viện Trợ Mỹ đã đến thị xã chưa?
Luyến cười tủm:
- Thị xã bé nhỏ, cách xa năm cây số còn nghe được alô alô của máy phóng thanh Mỹ mà.
Khoa nói:
- Nó cho em cuốn sách Vài nét đan thanh về nước Mỹ, song ngữ, em học tiếng Anh bằng cuốn này sẽ giỏi, anh ạ!
Luyến gật đầu:
- Ừ. Cần một cuốn tự điển thật tốt nữa.
Luyến ưu tư. Chẳng biết người Mỹ sang Thái Bình làm gì? Tại sao Mỹ không giúp Pháp ổn định tình hình bên kia sông Trà Lý? Tiên Hưng, Duyên Hà, Hưng Nhân, Phụ Dực, Quỳnh Côi... chiến trận đang nặng. Pháp phải thuê lính Bùi Chu - Phát Diệm tăng cường. Thế mà Mỹ lại đem sữa bột, phó mát, vải vóc viện trợ dân thị xã. Thì lạ lắm.
Thị xã Thái Bình bé nhỏ, trước ngày 9 tháng 3 năm 1945, đã bị đè lên đầu mình hai ông khách Pháp và Nhật. Khách Nhật chán ông chủ Việt Nam làm nô lệ cho hai người. Bèn đảo chính đuổi ông khách Pháp đi cho đỡ bẩn mắt. Ông khách Pháp đi, rồi ông khách Pháp lại về, một mình một chiếu thảnh thơi ngồi. Vẫn Bảo Đại làm nô lệ cho khách. Bình cũ thay đổi rượu mới cho hợp thời đại. Bây giờ, ông khách Mỹ cũng lò dò tới đây. Ông khách Mỹ có bắt chước ông khách Nhật không? Người Mỹ giầu có và nhân đạo. Không, chẳng có thằng ngoại quốc nào thưong mình cả. Sữa bột và phó mát là bước đầu trong âm mưu gì đó của người Mỹ.
Luyến cứ lặng thinh suy nghĩ. Để mặc Khoa đọc sách.
108
- Mỹ giầu có khác, cho bao nhiêu thứ.
- Chơi sang như Mỹ mà.
- Mỹ viện trợ, chứ không cho, không bố thí bệ rạc.
- Nó nói tiếng gì, mày?
- Tiếng Anh.
- Nó thiếu chữ nghĩa, phải nhờ nước Anh cho mượn chữ nghĩa đấy. Mỹ nói tiếng Anh, khôi hài quá nhỉ?
- Khôi hài chó gì. Mỹ đông bạc, thế là đủ.
- Mỹ viện trợ sữa bột, phó mát.
- Cả vải may quần áo nữa.
- Còn thuốc diệt muỗi là đằng khác.
- Phó mát ăn với gì, mày?
- Ăn vã.
- Chả lẽ ăn vã. Ăn với gì chứ?
- Lát nữa, Mỹ phát quà viện trợ, tha hồ hỏi.
- ừ, tao sẽ hỏi: Sữa bột có đường không?
- Mỹ nó ở đâu? Người ngợm nó ra sao?
- Nó ở đâu, biết làm chi? Dân mũi lõ như Tây ấy. Nó đã phát cuốn sách Vài nét đan thanh về nước Mỹ, mày không đọc à?
- Đêm qua, tao xé mấy tờ đi ỉa rồi! Mày có đọc không?
- Tao gói đường đen cả. Tổng thống sẽ ngọt lắm. Hình ông ấy ướp đường.
- Nó cho mỗi người một khúc vải à?
- Sẽ hỏi.
Người ta cười nói ồn ào, thắc mắc nghẹn họng, quanh chiếc xe Viện Trợ Mỹ, chờ đợi giờ giấc nhân viên làm việc. Xe Viện Trợ Mỹ đậu ở đầu phố chính. Phát đủ số quà viện trợ, xe sẽ xuống cuối phố. Những người đi lĩnh viện trợ, đa số nghèo và không được học, nóng ruột lắm rồi. Mỹ tặng họ trò chơi one, two, three. Oẳn tù tì cho cái gì cho cái này. Họ muốn nhìn thấy sữa bột, phó mát và vải vóc Mỹ. Thuốc DDT họ không cần. Càng trông đợi, thì giờ càng dài ra. Đến nỗi, người ta quên cả đợi. Nửa tiếng đồng hồ sau, nhân viên Việt Trợ Mỹ khiêng cái bàn tới, kê trên vỉa hè. Hai nhân viên ngồi trên ghế. Máy phóng thanh loan tin tức:
- Đồng bào thân mến! Sáng nay, Viện Trợ Mỹ sẽ trao một trăm phần quà tặng đồng bào. Buổi chiều Viện Trợ Mỹ sẽ trao tặng quà tiếp. Xin đồng bào xếp hàng, ghi tên trật tự. Không đồng bào nào thiếu quà cả...
Người ta chen nhau xếp hàng trên hết. Cảnh hỗn loạn xảy ra mất tình nghĩa. Người ta đấm đá nhau, xô đạp nhau, chửi bới nhau. Ở đâu, lĩnh đồ phước thiện tập thể cũng giống nhau cả. Đầu tiên trong cuộc đời lam lũ, nhận quà Mỹ viện trợ, con người bỗng hết làm con người. Mỹ viện trợ hay Mỹ mua rẻ bản chất của con người?
- Đồng bào trật tự, trật tự tối đa. Nếu đồng bào mất trật tự, Viện Trợ Mỹ không phát quà được...
Máy phóng thanh tung ra một câu đe dọa. Hiệu nghiệm trăm phần trăm. Người ta thôi chen lấn, thôi đấm đá, thôi xô đạp, thôi chửi bới nhau. Trật tự hoàn toàn.
- Đồng bào sẽ mỗi người nhận một kí lô sữa bột, một kí lô phó mát, một kí lô DDT, hai thước vải đen may quần, hai thước vải trắng may áo. Đồng bào mua đường cát trắng về pha với sữa, mua bánh mì ăn với phó mát...
Có nhiều tiếng thở dài.
- Thưa đồng bào, sữa và phó mát rất cần thiết cho sức khỏe con người...
Cửa sau xe Viện Trợ Mỹ đã mở. Hai nhân viên phụ trách thu giấy ghi tên, địa chỉ người nhận quà, và phát quà. Quà Viện Trợ Mỹ gồm bốn món, đựng chung vào một cái túi, dán chặt lại. Túi làn bằng giấy dầu, in chữ đen. Hàng chữ thứ nhất: Mỹ quốc viện trợ. Bức hình duy nhất: Hai bàn tay, nắm chặt lấy nhau, trên cờ sao sọc. Bên dưới hình vẽ, hàng chữ thứ hai: Nhân dân Mỹ quốc thân tặng. Hàng chữ thứ ba: Để dùng, không được bán.
- Mỗi người đại diện mỗi gia đình, mỗi gia đình lãnh quà đựng trong một cái túi...
Lại nhiều tiếng thở dài.
- Thưa đồng bào, Mỹ giầu có và nhân đạo, văn minh nhất thế giới...
Người ta chán nghe tuyên truyền Mỹ rồi. Tất cả sự giầu có, nhân đạo, văn minh nằm gọn trong cái túi Viện Trợ Mỹ bịp bợm. Dân Thái Bình đã lợm giọng chuyện người Mỹ và nước Mỹ. Những người đã to lời suy tôn Mỹ lúc nãy, giở túi quà bố thí bốn món, hạ bệ Mỹ lúc này.
- Mỹ giầu thật. Giầu theo kiểu trọc phú. Cơm thiu thối nó mới cho người nghèo. Một bát thì nói mười bát.
- Đểu như Mỹ mà.
- Cho cứ nói là cho, còn bầy đặt viện trợ.
- Mỹ nó bố thí sữa bột lại bắt mình mua đường pha với sữa. Mà đường trắng cơ. Đường đen đíu được. Mình mẩu dẩu xìn, sữa bột Mỹ chỉ cho chó uống. Chưa chắc chó đã uống. Chó măng giê ca ca sướng hơn sửa bột, Mỹ lôi ở vũng lầy ra viện trợ.
- Phó mát của Mỹ vàng khè, trông phát tởm. Phó mát phải ăn với bánh mì. Dân nghèo đói, tiền Mỹ viện trợ không có, lấy đâu ra mua bánh mì?
- Phó mát của Mỹ còn thua phó mát Tây quăng một trời một vực. Phó mát của lính Tây trắng và thơm.
- Này, vải của Mỹ cho, nhìn kỹ mà xem, nó hồ bột kỹ quá. Vải này may quần mặc một lần đã nhão, phí tiền may, công may.
- Phải, tôi đã nhúng vải của nó xuống nước, vò sơ sơ đã thấy bột tan dần [1].
- Đây, ông ngắm vải Mỹ.
- Giá nó chỉ cho mình gạo và nước mắm mới thức thời.
- Ở với Pháp thì sướng, ở với Mỹ chỉ uống sữa bột không đường!
Buổi chiều, xe Viện Trợ Mỹ đậu ở cuối phố chính. Đến nhận quà tặng loe ngoe mấy người. Viện Trợ Mỹ thất bại. Đau đớn..
Thị xã vốn hiền lành. Từ xưa, vẫn êm đềm dưới chân đê sông Trà Lý. Cầu Bo thân mến làm chứng cho mộng ước đơn sơ của dân Thái Bình. Là không muốn đổi thay, suốt đời cứ sống cuộc đời bình thản tiêu cực. Thời đại nào cũng giống nhau. Thời đại sau còn tệ mạt hơn thời đại trước. Những đổi thay nhanh chóng quá và bất chợt. Người ta chưa kịp thay đổi đã, bất chợt, có đổi thay. Nhiều tin không vui đã đến thị xã.
Tin buồn nhất là lính Bùi Chu - Phát Diệm sang Thái Bình. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội công giáo Việt Nam có đạo nghĩa binh võ trang tân kỳ. Lính Bùi Chu - Phát Diệm chỉ qua đây án ngữ nhiều nơi để cách mạng giảm bớt khí thế, dân chúng vô tội đỡ chết thê thảm vì chiến tranh. Thì được. Lính Bùi Chu - Phát Diêm qua đây đánh thuê cho Pháp, tàn sát cách mạng, làm khổ cực dân lành ngoại đạo. Thì không được. Bởi vì, chưa hề có thánh chiến ở Việt Nam. Người ta không nghĩ lính Bùi Chu - Phát Diệm của linh mục Hoàng Quỳnh, mà nghĩ Giáo hội công giáo Việt Nam. Điều đẹp nhất, cao thượng nhất, đáng ca ngợi nhất là linh Bùi Chu - Phát Diệm biến thành lực lượng trung gian giữa Pháp và cách mạng. Trọng tâm của Bùi Chu - Phát Diệm là cố gắng làm hai bên chống đối nhau ngồi xuống hòa đàm trong tư thế nhường nhịn lẫn nhau. Lính Bùi Chu - Phát Diệm còn cấm trại. Họ sang Thái Bình chưa biết hành động ra sao. Người ta chờ đợi họ.
Tin buồn ngoại hạng, Viện Trợ Mỹ đã đổ vỡ ở thị xã. Thái Bình đang đánh nhau với Pháp, sẽ không có một chiến thắng nào ngoạn mục như sông Lô, sông Đà, sông Đuống... Hồ Chí Minh đã tiên đoán, năm xưa, tại sân vận động thị xã: Pháp về Thái Bình là có thái bình. Thái Bình trở thành vùng đất đáng sợ. Ngày tiêu thổ kháng chiến, cách mạng để lại thị xã khẩu hiệu: Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp.
Pháp ơn ớn, không chiếm gọn như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh... năm 1946, phải đợi đến năm 1950 mới tràn qua Thái Bình, cách nhau dòng sông Hồng. Giá Thái bình dễ nuốt như bên đây Trà Lý, vấn đề đã khác. Bên kia Trà Lý làm Pháp mắc nghẹn. Pháp không biết Vệ quốc quân tiểu tư sản đã bị giải tán. Cách mạng mới thành lập Quân đội nhân dân, lính giai cấp nông dân. Có lẽ Pháp biết mà kinh thường. Lính nông dân chiến đấu dũng cảm trường kỳ, khác hẳn lính tiểu tư sản dũng cảm có giai đoạn. Lính tiểu tư sản biết suy tư, chỉ hại cho cách mạng. Lính nông dân không biết suy tư, chỉ chết vì cách mạng. Quỳnh Côi, Phụ Dực... lính nông dân đã tham trận. Và, Pháp phải thuê lính Bùi Chu - Phát Diệm can thiệp.
Thái Bình gây băn khoăn cho Mỹ. Có lẽ, Mỹ băn khoăn đến ngày nào Thái Bình đánh tan giặc Pháp, ngày nào ba kỳ thống nhất. Mấy năm trước, Mỹ đã không chiến với Nhật trên vùng trời Quỳnh Côi. Một chiếc máy bay Mỹ tan xác, cũng đủ làm thành tích viện trợ sữa bột, phó mát vàng khè cho dân thị xã Thái Bình. Mỹ đã lộ nguyên hình Mỹ. Thái Bình chê bai Viên Trợ Mỹ. Chẳng bao giờ Mỹ được phép viện trợ cho Thái Bình. Khi Thái Bình đã trở nên địa linh nhân kiệt, không còn ai sợ nữa.
Tin buồn đi qua, tin vui thoáng đến. chắc chắn tin vui không làm dân thị xã phiền muộn: Sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định sẽ đấu giao hữu với thanh niên thị xã một trận bóng tròn tuyệt vời. Pháp đưa sinh viên sang. Tòa tỉnh trửng phải thuê người dọn dẹp sân vận động vài hôm nay. Còn hai tuần lễ nữa mới gặp mặt sinh viên Trường Sĩ Quan Nam Định. Dân thị xã vẫn nôn nóng trông đợi, tự bây giờ...