119 - 120

     goài kia lời non nước đang nhắc ta
mau mến yêu giống nòi
yêu mến muôn giống người
Ngoài kia công nhân ơi
Quốc tế đang giơ tay đón mời bầy con đoàn kết
Từng nhớ những phút chiến thắng
tiền phong đua tranh bao năm
lầm than đau thương trong khốn cùng
Giải phóng thống nhất tiến tới
Việt Nam ra công chen vai
cùng thế giới mới sẽ sống chung
Tranh đấu cuối cùng là đời sống với giang sơn
Công nhân Việt Nam tiến tới
Cùng sống tập đoàn
toàn thế giới công khai
và kiến thiết xã hội ngày mai
Lúc đế quốc đang sắp tan rã dần
Ta tiền phong tiến tới
Sức chiến đấu đi tới miền Đông Nam
Lúc đế quốc đã tàn
- Mày thấy giai cấp công nhân của thằng Vọng đáng sợ chưa?
- Bài hát mày thuộc ở đâu?
- Sơn Tây.
- Tên gì?
- Công nhân kiến thiết xã hội.
- Chỉ có công nhân biết kiến tiết xã hội thôi à?
- Công nhân là xương sống của cộng sản. Thiếu nó, cộng sản đâu còn gọi là cộng sản. Cộng sản phải dùng giai cấp nông dân vì công nhân ít người. Giai cấp công nông, chứ không giai cấp nông công. Mày chú ý xem, cờ cộng sản vẽ Búa Liềm vàng trên nền đỏ máu. Búa đè trên Liềm. Và, Búa to hơn Liềm, mạnh hơn Liềm. Cộng sản dùng giai cấp nông dân, nhưng ghét giai cấp này nhất hạng.
- Tại sao?
- Mày viết văn nên chỉ dọc văn chương, triết lý, sử địa là cùng. Tao chiến sĩ chống cộng sản, thành thử tao tìm sách báo viết về cộng sản để đọc. Mấy tháng chữa bệnh sốt rét rừng, tao đọc vô số sách chống cộng và thân cộng. Tao đọc sách của cộng sản viết nữa. Cộng sản đã giết hàng triệu nông dân Kiev bên Nga. Trùm Staline bán lúa mì cho Tây Âu để dân Kiev chết đói. Người Nga đi đếm xác chết như dân Thái Bình năm Ất Dậu.
- Chỉ ghét nông dân mà bắt nông dân chết đói?
- Tao nghĩ xa hơn. Giai cấp công nhân không có của chìm, chẳng có của nổi. Nhà máy thì của... nhân dân, nhà nước cộng sản quản lý. Nhà ở cộng sản cũng quản lý luôn. Công nhân có tư hữu gì đâu, mà đòi làm chủ tư hữu của mình? Cơm ăn, áo mặc cộng sản lo giùm hết. Quyền sống, công nhân không cần lo. Công nhân mới là người nghèo nhất nước. Giai cấp nông dân khác hẳn. Mảnh vườn, cái ao, thửa ruộng là tư hữu của nông dân. Quốc hữu hóa, nông dân đòi quyền tư hữu đến nơi đến chốn. Thế thì giai cấp nông dân giống hệt giai cấp tiểu tư sản. Cái Búa phải to hơn cái Liềm. Khi cần, cái Búa sẽ đập cái Liềm nát bấy.
- Nông dân có biết chính mình là tiểu tư sản không?
- Không.
- Tách nông dân tiểu tư sản ra khỏi nông dân, cộng sản hết làm ăn.
- Ý kiến hay.
- Như thế là đấu tranh chính trị. Tư tưởng chống cộng sản tiêu diệt tư tưởng cộng sản. Tao cho như thế mày mới thắng cộng sản, không cần đổ máu. Cái cung cách chống cộng sản của Bảo Hoàng, tao thấy chỉ làm cho cộng sản vươn lên.
- Mày thấy Bảo hoàng chống cộng sản ra sao?
- Vu dân vô tội là cộng sản, tra tấn họ và làm tiền họ. Rồi chống cộng sản bằng mồm. Đả đảo cộng sản. Đả đảo riết, rồi chết. Cộng sản vẫn sống nhăn răng.
- Ở Hà Nội, toàn những thằng chống cộng sản kiểu ấy.
- Tao không chống cộng sản và thân cộng sản. Tao rửng rưng chuyện thiên hạ. Mày đã biết tao theo thuyết... đợi thời đại xoay vần. Côn ạ, mày phải làm lãnh tụ chống cộng.
- Tao làm lãnh tụ?
- Tại sao không? Đã lãnh tụ Hồ Chí Minh, phải lãnh tụ Đặng Xuân Côn. Người cộng sản, người chống cộng sản.
- Mày giúp tao không?
- Không.
- Tao làm một mình à?
- Engels viết bài Tuyên ngôn đảng cộng sản có một mình. Khi ấy, Marx chết rồi. Engels hô hào Vô sản trên thế giới hãy vùng lên cũng một mình. Đặng Xuân Côn, dân Thái Bình, năm 1952, hô hào Tiểu tư sản trên thế giới hãy vùng lên xem sao. Mày nên nhớ rằng, tiểu tư sản đông kinh khủng, ăn đứt tư bản và cộng sản về kiến thức, tài năng. Buồn một nỗi, tiểu tư sản chuyên làm nô lệ cho tư bản và cộng sản, bị tư bản và cộng sản khinh bỉ. Mày nghĩ cách làm cho tiểu tư sản đoàn kết lại. Ấy là mày giải quyết cả thế giới, không riêng gì Việt Nam.
- À, mày đọc sách chính trị, hả? Thế mà tao dám chê mày!
- Thỉnh thoảng. Vớ được quyển nào, đọc quyển đó. Què cụt chỉ còn thú đọc sách thôi, mày ạ!
- Tiểu tư sản là vấn đề ăn nhất, cộng sản sẽ điên cuồng, bấn loạn.
- Mày phải làm lãnh tụ cơ.
- Để tao nghĩ.
- Trong khi mày nghĩ có làm lãnh tụ hay không, tao góp chút ý kiến.
- Nói đi.
- Thằng Vũ đang theo kháng chiến, thằng Lộc đang theo kháng chiến. Hhư chúng ta, chúng nó chỉ mơ ước Pháp thua sớm, trở về thị xã, xây dựng lại căn nhà cũ. Giấc mơ thật đơn giản. Chúng nó chiến đấu vì thị xã, nơi chúng nó sinh ra, lớn lên, hưởng trọn tuổi vàng hoa mộng. Chúng nó mong về để chết với thị xã. Bảo chúng nó đánh nhau cho cộng sản, tội nghiệp chúng nó. Thiên hạ đã chia rẽ nhau, thù hận nhau, chúng nó gây chi nên tội mà chúng ta phải chia rẽ chúng nó? Thằng Vọng gần chết đói, có người đến cứu nó và dạy nó thành người cộng sản. Chuyện rất thường. Nếu chúng ta đến sớm ba ngày, Vọng sẽ theo chúng ta. Vọng ở rất xa chúng ta bằng giai cấp. Lời nói của nó thì rất gần, êm ái như thuở Monguillot. Thằng cộng sản Vọng đã nói một câu, khiến thằng què cụt Luyến phải tôn nó lên làm bậc thầy. Côn ạ, hôm nay, mày cần nghĩ xa cuộc chiến đấu tiêu diệt cộng sản bằng tư tưởng của mày, để ý chi đến súng đạn và máu, để ý chi đến thằng Vọng, thằng Vũ, thằng Lộc, những ngươi bạn thân yêu của mày...
Côn không trả lời. Nó lái sang bài hát Công nhân kiến thiết xã hội.
- Cộng sản Việt Nam đã hé mùi quốc tế cho người ta sợ nó. Nó đòi sống tập đoàn với thế giới cơ! Đế quốc Mỹ sắp tan rã. Khi nó chiếm được các nước vùng Đông Nam Á, là đế quốc Mỹ tàn lụi. Còn nằm trong hang đá, cộng sản đã mơ đô hộ Thái lan, Mã lai, Tân gia ba...
Luyến không thích nghe chuyện đàm tiếu người cộng sản của Côn nữa. Nó nói:
- Đến cầu Báng rồi. Dừng xe ăn một cái bánh chưng. Lâu lắm không được ăn bánh chưng cầu Báng.
Người lái xích lô ngưng lại. Hai đứa bước vào quán. Hôm qua, Côn rủ Luyến về Ô Mễ thăm mộ cụ Hào Điền. Luyến không cuốc bộ được sáu cây số liền một lúc, đi xe đạp chưa quen. Côn thuê chiếc xích lô, bao nửa ngày để chở khứ hồi. Con huyện lộ số 24 đã lấp hết hố chữ chi, sửa sang bằng phẳng. Cầu Báng bị phá sụp đổ, quân Pháp phải bắc chiếc cầu mới kế cận, xe cộ nhà binh mới lưu thông dễ dàng.
Cây cầu Báng của làng Đồng Thanh. Làng này nổi tiếng nhờ bánh chưng ngon. Vì hai quán bánh chưng bán cho người đi qua đường sát cây cầu, nên không ai gọi bánh chưng Đồng Thanh. Mà, bánh chưng cầu Báng. Miền Bắc, mỗi địa danh thường cung cấp cho con người một món ăn đặc biệt. Như bánh gai ở Ninh Giang, cá rô ở đầm Sét, ổi ở cầu Bo... Nhiều người biết tiếng nó quá, nó đi vào vè. Bánh chưng cần Báng chẳng hạn:
... Tương Bần Yên Nhân
Nước mắm Vạn Vân
Bánh chưng cầu Báng...
Cầu Báng không bao giờ làm bánh chưng tết, hình vuông, kiểu bánh chưng báo hiếu của Lang Liêu, hoàng tử thứ 16, con vua Hùng Vương thứ 6. Có lẽ, bánh chưng để bán, cầu Báng làm khác đi. Một người ăn một chiếc, vẫn còn thòm thèm, ăn hai chiếc thì hơi no. Chiếc bánh chưng cầu Báng như chiếc bánh giò, to hơn và gói bằng lá de.
Là de lạ lắm. Khi luộc bánh, người ta tính thì giờ vào cây hương đốt. Cầu Báng khỏi cần hương, chỉ cần thói quen. Bánh chín, lá de đổi mầu sắc bên ngoài, thành mầu lá cây mùa thu. Bên trong, lá de như một cặp môi ngậm đầy sữa, hôn lên bánh đều đặn, khiến bánh xanh từng hạt nếp bìa. Bánh chưng ai chẳng tẩm đỗ với thịt? Thịt và đỗ cầu Báng mới ngon! Bánh chưng cầu Báng ngon tất cả. Toàn diện.
Luyến và Côn đã ăn bánh chưng xong. Tự thị xã tới Đồng Thanh phải qua Đoan Túc, Tri Lai, Thắng Cựu. Ngồi trên xích lô, xe chạy tới làng Chành, đến Ô Mễ.
- Cây đa làng Chành sống lâu lắm, Luyến ạ! Lụt năm 1945, nước phủ trắng xóa đến nửa tháng, nó không chết.
Luyến nhìn cây đa lành Chành. Nó nghĩ rằng cây cổ thụ sống lâu đã thành thần thánh rồi. Nó cần sống lâu thêm nữa. Để xem thời đại xoay vần.
- Mình xuống đây.
- Phải băng qua con đường mòn này à?
- ừ. Ngắn thôi. Đồn Pháp đóng ở chợ, mất lối vào cổng chính của mình.
Côn dặn người phu xích lô đậu tại gốc cây đa làng Chành chờ đợi. Hai đứa vào con đường mòn. Côn đi trước, Luyến chống nạng theo sau. Một lúc, hai đứa vào làng Ô Mễ. Nhà Côn xây ba từng, rộng rãi thênh thang. Bây giờ càng rộng rãi. Luyến cảm tưởng cảnh đìu hiu đã trùm kín căn nhà. Con chó nằm ỳ một chỗ, chẳng chạy ra mừng chủ về, không sủa thấy khách lạ tới. Đó là dấu hiệu của sự đi xuống thảm bại. Người nhà tíu tít hỏi thăm Côn. Lát sau, dân làng kéo tới, và trẻ con lũ lượt đến xem mặt chú Côn có khác ngày xưa không. Côn vẫn được cụ Hào Điển che chở trong tình thương dân làng. Côn bảo họ hàng mang khăn tang cho Côn quấn để Côn ra lễ ông nội ngoài mộ.
Đứng trước ngôi mộ cụ Hào Điển, Côn khóc rưng rưng. Nó thầm nguyện cầu những gì, Luyến không biết. Khi về, Côn lau nước mắt, nghiến răng, và giọng nó chứa đầy phẫn nộ:
- Cháu sẽ trả thù cho ông, từng đứa một. Không gì cản nổi cháu, cản nổi mối huyết thù của cháu.
Côn nhìn họ hàng:
- Mọi người nhớ cho kỹ, kẻ thù của chúng ta là cách mạng, kháng chiến, cộng sản. Ba thứ đó đều một phường khốn nạn!
Luyến và Côn trở lại căn nhà tiêu điều cũ. Côn chỉ cho Luyến cái rổ xề cộng sản bắt nhốt cụ Hào Điển trong đó và trả tự do về huyệt mộ, cũng trong đó. Nó là chiếc rổ lớn, đựng bèo đã giã nhỏ cho lợn ăn. Con người ví với con vật. Luyến hỏi:
- Tao muốn ngắm cống Hào Diển, được không?
Côn đáp:
- Nó ở ranh giới giữa làng Ô Mễ và làng Thụy Bình, xa lắm, mày không đi được.
Luyến nói:
- Không ai để gì cụ thể cho nước non, dân tộc cả. Chỉ cụ Hào Điển để lại cái cống Hào Điển cho dân Ô Mễ là cụ thể nhất thôi. Chả ai nhớ những người đã xưng hùng xưng bá làm hay cho dân tộc cả. Cụ Hào Điển thì khác. Chỉ một cái cống cho dân Ô Mễ. Đời đời, kiếp kiếp, nông dân Ô Mễ còn cần nước sông Trà Lý, còn nói tới cống Hào Điền. Cụ sống với nông dân mãi mãi, cụ có chết đâu?
Côn mỉa mai:
- Cụ có chết trong rổ đựng bèo cho lợn đâu!
Luyến không nói năng gì nữa. Hai đứa về thị xã. Đến cây đa làng Chành, chỗ người phu xích lô đang neo xe đợi, Côn bảo Luyến:
- Mày về trước nhé! Sáng mai, tao sẽ có mặt ở nhà mày. Tao còn một số việc cần giải quyết với họ hàng. Có một điều tao nói riêng với mày: Trường Sĩ Quan Nam Định di về Thủ Đức, miền Nam. Tao tình nguyện học ở Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tao nản Thái Bình lắm rồi.
Côn trở lại con đường mòn. Một mình Luyến ngồi trên xích lô, nghĩ ngợi về bạn mình. Côn không thể làm lãnh tụ đối nghịch với lãnh tụ Hồ Chí Minh được. Chẳng phải riêng Côn, mọi người, kể cả trí thức khoa bảng, đều nghĩ như Côn. Không ai dám làm lãnh tụ. Đi làm nô lệ phục vụ cho lãnh tụ sướng hơn. Cho nên, chỉ một người xưng mình là lãnh tụ duy nhất trên đất nước khốn khó này. Mọi sự chống đối của thiên hạ, lãnh tụ coi thường và khinh thường. Côn rồi cũng bị lãnh tụ cộng sản khinh thường thôi. Mỗi người có một cuộc đời. Côn xoay xở lấy cuộc đời của nó. Bằng thù hận.
120
Côn không ghé Luyến, không ghé Khoa. Từ Ô Mễ, nó vào thị xã sớm, mua vé xe Con Voi lên Hà Nội. Côn chẳng muốn liên hệ gì với Thái Bình nữa thì phải.
Ở Thái Bình, Côn gặp lại Luyến, thấy Luyến đã què quặt, tâm hồn hơi hướng về bên kia vì có em kháng chiến, Côn chán nản. Còn bốn thằng bạn: Long đã chết trận, Vũ và Lộc đang chiến đấu trong hư vô, Vọng thì cộng sản đứt đuôi con nòng nọc. Những thằng bạn còn sống đã là cộng sản hay đổ máu cho cộng sản, đều là kẻ thù của Côn. Cộng sản chia xã hội Việt Nam thành từng giai cấp để hận thù nhau. Côn không hạ cộng sản bằng chống chia giai cấp để thương yêu nhau. Côn ghim thù hận trong máu, làm mau, nếu mình có thể, chứ không chịu đợi lâu. Chống đối tư tưởng, người ta mất hàng trăm năm. Côn ngỡ tư tưởng nó lòi lên, cứ chém là đứt, là thành công. Thù hận làm lóe mắt Côn. Luyến vẫn yêu Côn. Vì, Côn chỉ là một con người yếu đuối.
Côn bỏ thị xã Thái Bình ngót ba tháng rồi, chẳng nhận được bức thư nào của nó. Sắp nghỉ hè. Khoa chuẩn bị sang Nam Định thi trung học phổ thông. Hôm qua, Luyến gặp Khoa, nó tâm sự với Luyến đủ thứ chuyện. Những chuyện về Côn, Luyến để trong lòng, Khoa cũng biết.
- Anh đã khôn khéo khuyên anh Côn đừng thù hận anh Vọng, anh Vũ, anh Lộc, chứ gì!
- Sao em biết?
- Nhìn ở đáy mắt anh.
- Em nghĩ về anh Côn còn đẹp như ngày xưa không?
- Anh Côn bao giờ cũng tốt, cũng đẹp. Em thương anh ấy lắm. Vì thù hận, anh Côn mất trí. Vì mất trí, anh ấy mất suy nghĩ. Anh ấy giống những nhân vật đi tầm thù trong truyện kiếm hiệp. Bố mình bị nó giết, tìm nó trả thù. Con nó thấy bố chết, tìm mình tuyết hận. Cháu mình thấy ông chết, tìm con nó... Cứ đi tìm suốt đời nọ sang đời kia mà trả thù. Đời sống chỉ vậy sao?
- Em nghĩ thật đi, mình phải làm gì, Khoa?
- Bố em bị cường quyền giết, mình không thể trả thù nổi. Cường quyền đông lắm và khỏe lắm. Mình đành im lặng. Bố em bị người tầm thường giết, mình tha thứ. Sẽ không có thù hận đời sau. Có vẻ Quốc văn giáo khoa thư, anh nhỉ?
- Không, cuộc đời lắm chứ.
- Anh Côn chẳng nghe ai đâu. Anh thường bảo mỗi người có một cuộc đời, anh Côn có một cuộc đời thù hận, anh ấy sẽ sống bằng thù hận, cô đơn vô tả. Em lại thương anh ấy thêm lên.
- Khoa, em là thằng bé đi hia bảy dặm.
- Nhờ anh chỉ dạy.
- Em đang nghĩ gì?
- Về một chuyện tình...
Khoa nhớ con Liên từ lâu, từ ngày hồi cư thị xã. Nếu Khoa về thị xã, cố xin bố mẹ, cho lên Hà Nội chơi, nhé! Nhà Liên ở số 42, phố cửa Bắc. Liên đã nói với Khoa thế. Nó đã về thị xã, ngay cả một bức thư viết dễ dàng, nó cũng không viết. Cha nó đi Hà nội luôn, nó chả thèm nhắn lời hỏi thăm Liên. Hỏi thăm Liên, nó phải cho cha nó địa chỉ của Liên. Cha mẹ nó tưởng nó đã quên con Liên rồi, chuyện hai đứa quen nhau, chơi với nhau, hồi tản cư.
Khoa đâu có quên Liên. Nó yêu say đắm, yêu Liên còn hơn Vũ yêu Thúy. Thời đại của Vũ náo động và sôi nổi thật, song thua hẳn thời đại của Khoa lãng mạn và tình tự. Thời đại của Khoa có trống đồng thôi thúc dân gian đừng quên giặc Pháp xâm lược sẽ đến; có trận giả làm những đứa bé biết mơ thành người sông Lô; có bao nhiêu bộ đội tiểu tư sản ở Hà nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định về dạy thiếu nhi học, thiếu nhi hát; có những đêm kịch ve vuốt tài năng tuổi ngọc; có những lớp Bình dân học vụ, biến bà nội, ông ngoại, dì cô, chú bác thành học trò của Khoa, của Liên, xui Khoa và Liên cảm động như đĩa đèn dầu lạc thắp bấc long lanh những giọt nước mắt... Thời đại Vũ làm gì có. Vũ đã theo kháng chiến, xa hẳn tuổi thơ bồng bế để lại cho Khoa những ngày vàng hoa mộng.
Khoa quen Liên trong thời đại ấy, rực rỡ dân tộc của chu kỳ đất vỡ chiêm bao. Khoa đã đưa Liên về đường mòn thấm ướt trăng sao, những đêm tập kịch. Mùa đông, hai đứa đi sát bên nhau, tay đứa này trong túi đứa nọ, móc lạc rang nhai cho trời hết lạnh. Khoa đã đeo lên tai nhụy hoa mẫu đơn cho Liên, bắt Liên đừng quên hoa ngâu. Trời ơi, Khoa còn rủ Liên ngồi trên cầu Chờ chờ đợi một nỗi niềm gì đó; lên quán Nghỉ, hẹn hò người bâng quơ...
Làm sao Khoa có thể quên Liên? Nó nhớ Liên âm thầm. Đã nhiều lần, Khoa muốn viết thư cho liên. Rồi, tự lòng nó đã nói: Gượm đã. Khoa lại sợ Liên quên hết chuyện Tường An, nghèo xơ nghèo xác. Ở Tường An đi chơi với cu khoa được, ở Hà Nội thì không. Khoa sợ hãi tiếng không ghê lắm. Sợ hãi rồi ngờ vực. Chả biết Liên Hà Nội đã thay đổi gì chưa! Đời có nhiều mùa. Mùa vào tuổi lớn, Khoa cáu ghét cái mùa vào tuổi; và Khoa cảm thấy nhớ âm thầm, yêu âm thầm là để yêu người không bị thất vọng. Điều đau khổ nhất trên đời, Là yêu người mãi mà người chẳng yêu. Ai đã nói thế? Có phải vậy không?
Luyến tủm tỉm cừi:
- Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết?
Và nói tiếp:
- Tình yêu chỉ đến với em thôi. Em là người hạnh phúc, đụng tới đâu, hạnh phúc trào ra tới đó. Đẹp giai, học giỏi, giai cấp... cao thượng, con gái mê mệt, vất đi không hết, tội gì đau khổ nhất trên đời.
Khoa bịn rịn:
- Em yêu Liên như thời hoa mộng của em, đánh mốc chu kỳ rực rỡ của dân tộc. Chu kỳ ấy có bốn niên. Nếu sống thêm nhiều tháng năm buồn nhạt, bây giờ chẳng hạn, đổi lấy bốn năm huy hoàng, em đổi ngay. Em đã yêu Liên vào lúc đó.
Luyến thở, khói thuốc lá bay:
- Em đã nói yêu Liên chưa?
Khoa bẻ bão tay:
- Chưa.
Luyến hít đẫy đà thuốc Cotab:
- Em đã cảm giác yêu Liên và Liên đã mơ hồ yêu em. Tình yêu thế mới gọi là thơ mộng. Lúc nào tình em yêu Liên, tình Liên yêu em cũng bảng lảng. Em đừng sợ hãi mùa vào tuổi nữa. Mùa ấy làm Liên yêu em hơn, dù xa cách. Tháng chín, năm nay, em lên Hà Nội học ban tú tài, tìm Liên còn sớm chán.
Khoa hơi cúi đầu:
- Em đỗ trung học, sẽ bỏ đệ tam, nhảy đệ nhị, anh ạ!
Luyến nhìn Khoa:
- Tùy ý em. À, anh chưa biết Liên họ gì?
Khoa cười:
- Nguyễn. Nguyễn Kiều Liên.
Luyến khen:
- Hay quá, tên nàng hay qua, chàng ạ!
Khoa sung sướng quá, im lặng. Đó, tâm sự của Khoa, tâm sự tình yêu đẹp hơn thơ của nó.
Luyến vẫn nhớ đến Côn nhiều hơn. Đường như Côn là nỗi ám ảnh của Luyến. Mỗi người có một cuộc đời. Cuộc đời của Côn không bình thường, cuộc đời Côn bị thù hận mới định cư. Tưởng chừng nó đồn trú trong tim Côn từ đời nào. Khoa nhận xét đúng, Côn đã mất trí. Côn mất trí, cuộc đời Côn sẽ lạc hướng. Côn xa Luyến, xa Vũ, xa Vọng, xa Lộc vĩnh viễn. Luyến thở dài: Chiến trnanh và chủ nghĩa! Chiến tranh làm con người xa nhau, rồi làm con người gần nhau, dù con người có mù, quẻ, câm, điéc hay chết mất tích, chết thảm thương. Vẫn không xa nhau. Chủ nghĩa làm con người đoạn tuyệt con người. Là người không theo chủ nghĩa, không chống chủ nghĩa, biến thành nạn nhân của chủ nghĩa, Luyến đấy. Chính Côn đã xa lìa Luyến. Chính Luyến đã lìa Côn. Không phải vì bất đồng chính kiến. Mà vì không có chính kiến.
Thời đại này oái oăm thật. Những người mơ thị xã Thái Bình sống êm đềm bên sông Trà Lý, có cầu Bo thơ mộng, hàng hồi phố chính tỏa hương thơm ngát, chắc chắn sẽ tuyệt vọng. Nước lũ không chảy xiết gầm cầu vào tháng Bảy. Nước lũ chảy quanh năm. Mỗi ngày. Luyến ngồi im. Suy nghĩ...