127 - 128

     ôm nay, thanh niên thị xã làm cuộc biểu tình tuần hành, rất sôi nổi. Để bài trừ văn hóa nô dịch. Những băng đờ rôn, những pa nô viết những dòng chữ ngút lửa căm hờn. Tiểu thuyết, thi ca, âm nhạc, báo chí vùng tề, xuất bản từ 1947, bị liệt vào hạng văn nghệ nô dịch. Những nhà văn theo kháng chiến, về tề năm 1950, viết những tác phẩm không chống cách mạng, còn nói hay cho cách mạng, cũng chịu nhận danh từ cay đắng: Nhà văn nô dịch, tiểu thuyết nô dịch. Những người viết nổi danh như Ngọc Giao: Nhà quê, Đất, Mưa thu, Cầu sương; như hồ Dzếnh: Chân trời cũ, Quê ngoại, Ông lái đò; như Nguyễn Minh Lang: Trăng đồng nội, Hoàng tử của lòng em; như Hoàng Công Khanh: Trên bến Búng, Đất tân bồi, Bến nước Ngũ Bồ; như Sao Mai: Nhìn xuống; như Trúc Sĩ: Kẽm trống; như Triều Đẩu: Trên vỉa hè Hà nội... cùng chung một số phận. Báo chí, những tờ đáng kể, như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Thế Kỷ, Phổ Thông đều bị di dưới chân cách mạng.
Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết bằng thơ Đồi thông hai mộ của Vũ Đình Trung, thanh niên thị xã được lệnh phải tịch thu cho hết và đốt cháy ngay lập tức. Thanh niên thị xã vào từng nhà nói về sự nguy hiểm của văn hóa nô dịch, yêu cầu nhân dân tiếp tay, nhất là quyển thơ Đồi thông hai mộ.
Đứng nhìn thanh niên làm công tác cách mạng, Vũ hỏi Luyến:
- Mày đọc Đồi thông hai mộ chưa?
Luyến đáp:
- Rồi.
Và nói:
- Thơ song thất lục bát, xoành xĩnh lắm. Tao đọc mấy câu đầu, mày nghe xem nó nguy hiểm đến chừng nào! Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ? Anh của em yêu quý nhất đời. Anh đi mù mịt xa khơi, Đại bàng tung cánh phương trời nào hay... Nó nguy hiểm chưa, nô dịch chưa?
Vũ lắc đầu:
- Chả nguy hiểm tí nào.
Luyến cười:
- Nguy hiểm và nô dịch ở chỗ hội Khai Trí Tiến Đức phát giải thưởng Văn học toàn quốc của Bảo Đại cho tác giả Đồi thông hai mộ. Mày thấy chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn cay cú quốc trưởng Bảo Đại. Chưa có giải thưởng Văn học toàn quốc của Hồ Chí Minh, mà Bảo Đại dám phát giải thưởng văn học à? Không mắng được Bảo Đại, đành tát ông Đồi thông hai mộ. Vui không, Vũ?
Vũ không ngờ kiến thức của Luyến sâu rộng thế. Hôm qua, đi xem thanh niên thị xã làm tổng vệ sinh với khẩu hiệu Nhà sạch nhà, phố sạch phố, Vũ có vẻ buồn bã, Luyến thì lại vui mừng. Vũ nhìn các cậu học trò mảnh khảnh kéo xe bò, các cô nữ sinh chân yếu tay mềm đẩy xe tới những nơi bẩn thỉu hốt rác và dọn dẹp chung với thanh niên lao động đạp xích lô, vác hàng bến xe, bán tôm cá ở chợ Vọng Cung. Và thấy các cô mặc nguyên quần áo, nhảy xuống ao tù, vớt bèo tây lưu cữu hàng năm; các cậu xúc phân chó, phân người trong những góc phố bị bỏ quên lâu ngày. Các cô, các cậu mặt sũng ưu phiền. Vũ tiếc rằng không còn đủ sức chia miếng cay đắng với thanh niên thị xã. Luyến khác hẳn, thanh niên thị xã cần lao động cho quen, để biết giá trị của lao động. Chấp nhận giải phóng là chấp nhận con người. Con người bình đẳng với con người. Về lao động. Chỉ tiếc, rất tiếc, con người không bình đẳng với con người. Về tư tưởng. Đó mới khó thực hiện. Còn lao động bằng tay chân là thường, quá tầm thường. Vũ suy nghĩ. Và Luyến nhận xét đúng. Văn hóa nô dịch sẽ chẳng nô dịch chút nào, nếu Đồi thông hai mộ đừng được Bảo Đại phát giải thưởng văn học!
- Chúng mày say mê bài trừ văn hóa nô dịch lắm, hả?
Vũ quay mặt lại:
- Trời ơi, Lộc!
Luyến cũng quay mặt lại:
- Lộc pha trò nhạt phếch đã về đấy ư?
Lộc đưa hai tay nắm lấy tay hai đứa bạn:
- Tao bị tù, nay mới đưọc về. Mày kháng chiến ra sao mà cụt chân phải thế, Luyến?
Luyến vỗ vai Lộc:
- Vào trong nhà, nói chuyện nhiều...
Ba đứa xuống phòng Luyến. Khi đã ngồi xong xuôi, Luyến thẩy gói thuốc Du Kích mời bạn:
- Hết sạch Cotab ngoài chợ, bây giờ tao mời chúng mày hút thuốc Du Kích giải phóng.
Lộc pha trò:
- Hút thuốc giải phóng nó phỏng lung tung...
Luyến khen:
- Mày hết nhạt phếch rồi. Hút thuốc giải phóng không phỏng dế đâu.
Và mở đầu:
- Chúng mình xa nhau bảy năm, vẫn nhớ nhau thuở Monguillot như thường. Sâu sắc hơn là khác. Chuyện thì chúng mình rất nhiều chuyện. Tao đã kể cho thằng Vũ nghe. Nó bảo rặt chuyện buồn, chia rẽ với phân ly, đừng nên kể nữa. Tao cũng không muốn kể nữa. Bởi vậy, tao tóm tắt cho mày hiểu.
Lộc gật đầu:
- Tao không có thì giờ, mày tóm tắt mau lên!
Luyến nói:
- Thằng Long chết trận ở Duyên Hà. Thằng Côn đã về thị xã, hiện nay, nó ở miền Nam. Thằng Vọng còn sống, nó đi kháng chiến, chưa về. Tao không kháng chiến kháng chung gì hết, bị Pháp bắn gẫy chân, hôm Pháp dánh chiếm Thái Bình.
Luyến nhìn Vũ. Hiểu ý, Vũ kể về nó:
- Còn tao, kháng chiến ồn ào nhất thiên hạ, bị thuơng ở trận Thụy Anh. Pháp khiêng vể chữa chạy và bảo tao đã trở thành người tàn phế. Pháp không sợ, cách mạng không dùng. Tao về nhà như một thằng đào ngũ. Trong những ngày giải phóng thị xã, tao cố tình mong cách mạng đến an ủi tao, cách mạng không đến, không bao giờ đến nữa.
Lộc hỏi Vũ:
- Gia đình mày bình yên chứ?
Vũ thở phào khói thuốc:
- Bình yên, bình yên lắm. Gia đình tao đã di cư vào Nam.
Lộc hỏi Luyến:
- Gia đình mày?
Luyến hơi cười:
- Di tản chiến thuật vào Sàigòn rồi.
Lộc đập điếu thuốc, xoa tay sung sướng:
- Chúng mày không phải họ Bôn [10], tao hoàn toàn vững bụng, có thể tăng thêm thì giờ, nói về tao... Ở đời, có nhiều bất ngờ, không thể tưởng tượng nổi. Tao đã, bất ngờ, thấy gia đình tao vào họ nhà Bôn, năm tao 18 tuổi. Cũng, bất ngờ, người ta không bảo ta là thằng pha trò nhạt phếch như thằng Côn đã chê tao. Họ nói tao pha trò đả kích cách mạng! Tao đả kích cách mạng thật, coi cách mạng là trò khôi hài rẻ tiền. Mà bố mẹ tao là cách mạng củ, anh chị tao là cách mạng rễ. Tối ngày họ chỉ lải nhải cách mạng, cách mạng và cách mạng. Tao pha trò: Cách mện, cách miệng và cắt một miếng!
Tự nhiên, tao biến thành con lươn phản động trong hang cách mạng. Bố mẹ tao ghét tao cay đắng. Đưa tao vào bộ đội để tao sớm hy sinh cho tổ quốc. Chao ôi, ông bà chủ hiệu xe đạp có lòng yêu nước tràn trề. Tiếc rằng, tao không đi bộ đội. Anh chị tao đẩy tao làm cán bộ. Tao không thích cán bộ. Chỉ nằm nhà, chạy giặc và ăn bám. Bố mẹ tao sợ tao vào tề, mất hết thành tích cách mạng, nên coi chừng tao như thằng tù giam lỏng. Hôm nay, tao tự do vào tề, vì thị xã giải phóngg rồi. Tao cho tại Trời cả. Trời bắt bố mẹ tao say mê cách mạng. Trời bắt tao phản cách mạng, phản kháng chiến, phản bội họ hàng nhà Bôn.
Tao không thù ghét tụi Bôn chính cống. Mà chỉ thù ghét những kẻ theo đuôi Bôn loe ngoe, hãnh diện theo đuôi voi gặm bã mía. Bố mẹ tao, tao cũng thù ghét. Tao đố chúng mày giải thích được hoàn cảnh của tao, của bố mẹ tao? Bố mẹ tao tưởng tao hết đường đi, lại trở về như cóc chết ba năm quay đầu về núi. Bố mẹ tao quên rằng còn đường di cư vô Nam. Đó, đời tao bất ngờ như thế đó.
Lộc rút điếu Du Kích, quẹt diêm châm thuốc. Vũ và Luyến thương Lộc biết bao. Chậm rãi, Vũ nói:
- Bất ngờ cả. Tao đi kháng chiến, chỉ mong ngày về giải phóng thị xã. Bất ngờ, tao bị tàn phế. Ngỡ rằng mình sẽ sống với bố mình mãi mãi. Bất ngờ, gia đình tao di cư vào Nam. Bất ngờ, bất ngờ, và bất ngờ nó thay đổi hẳn cả cuộc đời mình. Nhưng thôi, chúng mình còn yêu nhau là đủ rồi, Lộc ạ!
Luyến thêm:
- Bất ngờ, tao bị cụt chân. Bất ngờ, Ngọc lấy tao. Bất ngờ, không đám cưới, khi đã định tháng 9 này sẽ làm đám cưới, đông đủ cha mẹ, họ hàng, bạn bè. Bất ngờ, chúng tao ở lại Thái Bình. Bất ngờ, mày ra đi. Ôi, bất ngờ, tổng khởi nghĩa, bất ngờ, cách mạng, bất ngờ, đảng tranh, bất ngờ, chiến tranh, bất ngờ, kháng chiến, bất ngờ, cộng sản, bất ngờ, giai cấp, bất ngờ, chia ly... Thời đại nó xoay vần quê hương Thái Bình của chúng ta, nó biến đổi những thằng học trò nghịch ngợm Monguillot thành những thằng què cụt, tàn phế, phản động, hận thù... Mình chịu đựng những bất ngờ để chờ đợi một bất ngờ. Hơi đâu mà giải thích bất ngờ?
Lộc cảm động;
- Quả thật, gặp chúng mày, tim tao nồng ấm. Buồn thay, tao phải ra đi. Đi thật nhanh. Kẻo, bất ngờ, bố mẹ tao giữ lại, cầm tù tao, bắt tao nhận họ Bôn là thánh tổ, nhận phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Hưng của bố tao là to, chủ tịch Hội phụ nữ huyện Tiên Hưng của mẹ tao là lớn... Thì tao sẽ cắn lưỡi tự tử. Gặp chúng mày ít phút để nhớ chúng mày trọn đời, tao không mong gì hơn. Bây giờ, cho tao chút tiền còm, và có thể cho tao cái xe đạp thì nhất.
Vũ đứng lên:
- Có ngay cả hai điều mày muốn. Lên Hà Nội, mày ghé 42 Cửa Bắc, xem thằng Khoa đi chưa. Nếu nó chưa đi, mày sẽ vào Nam với gia đình tao. Ngồi đây chờ tao, tao về lấy xe đạp cho mày.
Một lát sau, Lộc nhận những thứ cần thiết xong, lên đưòng ngay.
Vũ dặn:
- Tới Nam Định, mày cứ theo quốc lộ số 10 mà đi. Đến Phủ Lý, có Pháp canh giữ, tự do vào Hà Nội.
Lộc khóc sướt mướt, chia tay Vũ và Luyến. Trở và nhà, nước mắt hai đứa ứa ra...
128
Nữ đồng chí Vương Viên Thúy đi vào trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã. Nàng cắt tóc cao, đầu đội chiếc mũ y hệt mũ bộ đội, mầu xanh lá cây thẫm. Nữ đồng chí Vương Viên Thúy mặc cái áo nâu ngắn nhuộm gụ và quần đen. Chân nàng mang đôi dép Bình-Trị-Thiên, đế làm bằng vỏ bánh tầu bay, Trên vai nàng, túi xặc cột đeo lủng lẳng. Nếu Vương Viên Thúy đóng lớp quân phục đại quân, nàng sẽ giống nữ đồng chí Trung quốc. Nàng vô Ủy ban nhận dân để hỏi rõ nơi nào nàng sẽ phổ biến vài điệu nhảy đoàn kết, hòa bình và văn nghê mới cho thanh niên thị xã, sáng nay.
Trước kia, Vương Viên Thúy cũng ở thị xã. Nhà nàng có hàng cây hồi thơm hăng hắc. Không một thành phố, tỉnh lỵ nào trồng cây hồi. Chỉ riêng thị xã Thái Bình bảng lảng mùi hoa hồi. Người thị xã hãnh diện về hoa hồi thơm ngát và yêu quê hương của họ muôn vàn.
Thuở còn bé, Vương Viên Thúy quen thân với anh chàng Trần Vũ và yêu chàng, trong tình yêu ngây dại ấu thơ. Nàng đã quên dĩ vãng, quên luôn cả chuyện ái ân sáng như trăng sao, mềm như nhung lụa. Quá khứ, đối với Vương Viên Thúy, cần đốt hết đi, phủi tay cho sạch. Vì nàng là cách mạng, là cộng sản. Hiện tại mới nghĩ tới. Để tương lai vút bay trong xã hội nàng mơ ước.
Nhà văn Nguyễn Tuân đòi hủy bỏ những văn phẩm rực rỡ của mình. Chúng là sản phẩm của dĩ vãng, trước năm 1945. Nhà thơ Xuân Diệu đòi hủy bỏ những thi phẩm kiệt hiệt của mình. Chúng là sản phấm của dĩ vãng, trước năm 1945. Dĩ vãng, trước năm 1945, những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ lừng danh đem chôn sâu dưới huyệt mộ. Thì dĩ vãng của nàng, trước hay sau 1945, không đáng đếm xỉa. Vương Viên Thúy muốn mọi người nhìn nàng từ 1950 đến 1954 trở đi. Hôm nay của nàng đấy, sôi sục và nóng bỏng.
Tản cư về Trực Nội, Thái Ninh, hai năm sau, cha Vương Viên Thúy bệnh nặng chết sớm. Năm 1950, Trực Nội bị máy bay quân đội Pháp oanh tạc khủng khiếp, mẹ nàng ăn đạn đồng khắp mình mẩy, chết vì giặc Pháp dã man. Nàng thù hận giặc Pháp, tung mình bay theo kháng chiến. Người cộng sản âu yếm nàng, nâng đỡ nàng, chỉ dẫn con đường đi vào chủ nghĩa vô sản cho nàng. Nàng quên hết dĩ vãng, từ đó. Nhờ nàng thông minh, đầy người năng khiếu, nàng được kết nạp vào Đảng, đầu năm 1954. Và nàng lấy chồng hồi tháng hai. Chồng của Vương Viên Thúy chức tước cao: Bí thư Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Bình
- Chào các đồng chí.
- Chào đồng chí.
- Đồng chí nào phụ trách thanh niên thị xã nhỉ?
- Thưa đồng chí, tôi ạ!
Vương Viên Thúy tự kéo ghế, ngồi xuống. Nàng tháo cái xặc cột ra.
- Lát nữa, tôi gặp họ ở đâu?
Đồng chí phụ trách thanh niên thị xã đáp:
- Thưa đồng chí, ở bến ô tô.
- Rộng không?
- Đủ chỗ đứng 200 người.
- Tập họp chưa?
- Bây giờ đồng chí đến là vừa.
- Ta đi thôi.
Vương Viên Thúy đứng dậy, máng xặc cột lên vai, rời khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân. Nàng đi bên cạnh đồng chí phụ trách thanh niên thị xã. Hai người cuốc bộ một lát, tới bến ô tô. Thanh niên thị xã đã tập họp đông dủ. Họ vỗ tay hoan hô nữ đồng chí Vương Viên Thúy. Nử đồng chí Vương Viên Thúy cũng vỗ tay đáp lễ. Đồng chí phụ trách thanh niên thị xã giới thiệu:
- Các bạn thân thương. Hôm nay, tôi trân trọng giới thiệu với các bạn đồng chí Kiều Nhị, cán bộ cao cấp của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình, Đồng chí Kiều Nhị phụ trách công tác toàn tỉnh, 12 huyện lỵ Thái Bình. Đồng chí Kiều Nhị về thị xã để phổ biến những điệu nhảy đoàn kết, hòa bình và văn nghệ mới, nền văn nghê dân tộc miền Nam ra miền Bắc. Trước khi đồng chí Kiều Nhị phổ biến văn nghệ, tôi đề nghi các bạn hát một bài lấy khí thế. Hôm qua đồng tôi... Một... Hai... Ba...
Thanh niên thị xã hát vang:
Hôm qua đồng tôi lúa mùa lên bông
cháy ngụt trời
bom na pan
dấu xa càn còn vết trong lòng dân
Hôm qua vì bom của bọn thực dân
phá tan tành
gây đau thương
vết căm thù đời đời phơi trong nắng
Raymonde Dielle [11] chắn xe cho ngừng máu rơi
ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng
Ta nhớ ghi tên người tươi sáng...
Đồng chí Kiều Nhị, bí danh của đồng chí Vươg Viên Thúy, vỗ nhịp tay theo bài Hôm qua đồng tôi, rồi khi tiếng hát dứt, đồng chí Kiều Nhị vỗ tay rân ran, cười rất tươi. Đồng chí Kiều Nhị nói:
- Các bạn thân thương. Hôm nay, tôi cảm động lắm. Nhân danh Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình, tôi biểu dương các bạn đã hoàn thành những công tác vệ sinh thị xã, bài trừ văn hóa nô dịch, ngăn cản khéo không cho nhân dân vào miền Nam, theo lời thằng địch dụ dỗ...
Vỗ tay.
- Chúng ta sẽ nhảy đoàn kết trước
Vũ Cẩm Ngọc, từ lúc đồng chí phụ trách thanh niên thị xã giới thiệu đồng chí Kiều Nhị, đã nghi nghi, đôi mắt không muốn rời Kiều Nhị. Đúng rồi, Kiều Nhị là con Thúy của thằng Vũ đây mà. Con Thúy già đi nhiều. Tóc nó cắt ngắn giống mụ Xẩm nghèo nàn. Nó mặc quần áo tã, đi dép Bình-Tri-Thiên, đội nón bộ đội, đeo xặc cột, khác hẳn con Thúy ngồi chơi rải gianh với Ngọc, chơi tam cúc với Luyến và Côn. Nó ăn nói sặc mùi cộng sản! Nó đấy ư? Con Thúy của thằng Vũ đấy ư? Nó lại làm cán bộ cao cấp của Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình nữa! Ngọc muốn chạy về nhà, bỏ rơi tập họp, học nhảy đoàn kết với hòa bình, báo cho Luyến và Vũ hay con Thúy đã về thị xã. Nghĩ sao, Ngọc lại ở lại. Vũ mà biết Thúy hôm nay, nó sẽ điên lên vì buồn. Để sẽ gặp Thúy, hỏi Thúy đã.
- Nhảy đoàn kết đơn giản thôi. Đồng chí Kiều Nhị nói. Chúng ta xếp vòng tròn, càng đông bao nhiêu càng đoàn kết bấy nhiêu. Xích xa một chút. Bài hát thật ngắn. Chúng ta vỗ tay theo nhịp điệu mà hát. Bất kể câu ngắn hay câu dài. Cứ dứt câu, chân phải giơ lên. Vẫn vỗ tay. Rồi chân trái giơ lên. Hết bài. Chúng ta nhảy vòng tròn. Hát, vỗ tay và giơ chân. Hết bài. Chúng ta nhảy tại chỗ. Hết bài. Chúng ta nhảy vòng tròn. Cứ thế nhảy mãi. Nào, chúng ta nhảy, nhé!
Thanh niên thị xã hát và nhảy:
Chúng mình cùng đoàn kết tiến lên
Xây cuộc đời tươi mới hòa bình
Đời ta
bừng sáng
Nắm tay nhau cùng vui liên hoan
Đồng chí Kiều Nhị hồ hởi phấn khởi:
- Các bạn nhảy có khí thế lắm. Có vẻ hơi hơi mệt. Để thay đổi không khí, tôi phổ biến văn nghệ mới. Rồi lại nhảy hòa bình.
Ngưng vài giây, đồng chí Kiều Nhị nói:
- Văn nghệ của ta là văn nghê nhân dân. Nó bình dị như giai cấp nông dân. Ai cũng có thể tự biên tự diễn được. Các anh em trong Nam tập kết ra Bắc phổ biến hò lơ cho chúng ta. Chúng ta sáng tạo thêm cho nó dễ và văn nghệ chỗ nào cũng được. Ở đây, có anh em nào biết làm thơ lục bát không?
Thanh niên thị xã:
- Như Truyện Kiều chứ gì?
Đồng chí Kiều Nhị:
- Phải.
Thanh niên thị xã:
- Khó vô cùng.
Đồng chí Kiều Nhị:
- Mỗi bài hò lơ chỉ làm hai câu thôi. Thí dụ: Hôm qua, anh đi đánh Tây, Cửa nhà cậy có bu mày trông coi. Thế là xong, dễ mà.
Thanh niên thị xã:
- Giống ca dao, chúng tôi làm được.
Đồng chí Kiều Nhị nói về cách chơi hò lơ một chập, thanh niên thị xã hiểu rồi. Văn nghệ bắt đầu. Một người đọc thơ. Nhiều người hỏi làm sao, cái gì. Chấm dứt câu lục bát. Cả làng hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ.
- Quê em mãi tận Thụy Anh
- Làm sao?
- Ngó anh du kích...
- Cái gì?
- ... Thái Bình diệt Tây.
- Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ.
- Hành quân Trái Quít Trái Chanh
- Làm sao?
- Chanh chua Quít đắng...
- Cái gì?
- ... Pháp ăn nhầm thực dân...
- Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ.
Đồng chí Kiều Nhị vui vẻ khôn cùng. Văn nghệ nhân dân thật tuyệt tác. Nhân dân thị xã có thể sáng tác hàng vạn câu thơ hò lơ, nói lên tâm sự vùng tạm chiếm. Thanh niên thị xã tiến bộ nhanh, say sưa trong những câu lục bát xuất khẩu. Đồng chí Kiều Nhị giơ hai tay lên trời biểu dương thanh niên:
- Các bạn đạt chỉ tiêu hơn 12 huyện Thái Bình, thắng lợi lớn, đáng ghi vào thành tích. Các bạn hò lơ phấn khởi quá, vượt thời gian hạn định. Nhảy hỏa bình đề đồng chí phụ trách thanh niên thị xã phổ biến cho các bạn. Tôi có công tác đột xuất, chiều nay phải rời thị xã. Tôi bế mạc cuộc gặp gỡ hôm nay và gửi các bạn lời chào thân thương.
Vỗ tay. Đồng chí Kiều Nhị ra về. Được một quãng, có tiếng gọi:
- Đồng chí Kiều Nhị!
Đồng chí Kiều Nhị quay lại.
- Thúy ơi, Vương Viên Thúy ơi, Ngọc đây mà...
Đồng chí Kiều Nhị cười:
- Vũ Cẩm Ngọc, có chuyện gì đấy?
Ngọc thấy xót xa câu hỏi của Thúy. Xa nhau rồi, vĩnh viễn rồi. Ngọc nghiêm trang nói chuyện như hai người quen nhau bình thường.
- Tôi muốn hỏi thăm bạn về hai bác.
- Bố tôi chết năm 1949, mẹ tôi chết luôn, năm 1950.
- Chị ở một mình?
- Không, tôi đi kháng chiến với nhiều người.
- Chị có gặp anh Vũ?
- Vũ nào?
- Vũ đánh thằng Dương hộc máu mồm bênh chị ấy mà. Anh Vũ cũng đi kháng chiến!
- Tôi quên hết mọi chuyện cũ, từ lâu. Đời sống phải nhìn thẳng về phía trước mặt, không bao giờ ngoái đầu lại, ngó sau lưng. Chỉ có bọn tiểu tư sản mới lạc lõng trong dĩ vãng của họ. Tôi đã có chồng. Chồng tôi là Bí thư Đoàn thanh niên Hồ Chí Minh Thái Bình.
- Chức to ghê. Con gái nào không yêu anh ta là ngu!
- Tôi có công tác đột xuất, phải đi ngay. Chào chị Ngọc.
- Chào đồng chí Kiều Nhị!
Ngọc đứng ngây người ra. Nước mắt đùn lên, chảy lênh láng trên khuôn mặt. Ngọc không thể tượng tượng người cách mạng như Thúy lại tàn nhẫn như vậy. Cái gì xa xưa của Thúy, đối với Thúy, là dĩ vãng thối nát, đáng phỉ nhổ, không thương xót, kể cả bạn rải gianh, bạn tam cúc, bạn tình ấu thơ.
Ngọc lững thững bước về.