- 19 -20 - 21 -

     ũ dặn Côn và Vọng:
- Bây giờ, hát từ đầu chí cuối, gần hết thì hát chậm dần nghe chưa?
Hai thằng bạn trẻ gật đầu, lắng tai nghe tiếng ác mô ni ca dạo nhạc của thằng Vũ. Chúng nó bắt giọng thật đúng nhịp:
- Bao tháng ngày xa vắng trôi
Còn đâu nếp trường xưa
Xa vắng càng thiết tha mong
Bên mấy khung song thưa
Say ngắm từng gian lớp xinh
Lòng xao xuyến tình thơ
Bao tình thơ ngây lúc vui chơi
Cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười
Cây soài xưa kia lá tốt xanh tươi
Trạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi...
Vũ đặt kèn lên bàn, khen lia lịa:
- Hay lắm, nhớ trường lắm, chúng mày ạ. Tao muốn khóc.
Côn và Vọng cũng muốn khóc. Mắt chúng nó mọng lên sự thương nhớ. Tuy còn hai tuần lễ nữa mới nghỉ hè, mới xa mái trường. Chúng nó đã mơ hồ thấy những gian lớp đóng kín mít, suốt ba tháng. Sân trường cỏ mọc đầy. Vắng vẻ. Mùa thu nhuộm đỏ lá vằng, và gió thổi lìa khỏi cây. Cảnh đìu hiu ấy, chẳng còn bao lâu nữa, sẽ đến. Chúng nó sẽ xa thầy, xa bạn, tản mạn về đồng quê hóng mát. Chúng nó sẽ tương tư tiếng phấn khô, viết ken két trên bảng đen. Chúng nó sẽ thèm những ngọn roi, vụt quắn đít, và sẽ ao ước, chóng được nghe thầy mắng mỏ.
Bài Trường cũ, bọn thằng Vũ sắp trình bầy, hôm mãn niên học, chắc chắn sẽ làm cả trường khóc. Khi đã lìa mái trường, nếu niên học sau có kẻ nào bất hạnh không được trở lại học nữa, kẻ ấy phải đau khổ, suốt quãng đời thơ ấu. Bài Trường cũ sẽ là liều thuốc an ủi họ, để hát lên cho tiếc, cho thương. Ai sáng tác bài này truyền cảm thế! Điệu nhạc chân thành, giản dị, chứa chan tình cảm. Đến nỗi, hát lên, là muốn khóc rồi.
Côn hỏi Vũ:
- Bài này của ai hở, mày?
- Tao quên rồi. Bố tao bảo của một anh học trò trường Bưởi.
- Bố mày, ngày xưa, học trường Bưởi à?
- Ừ.
- Chắc bố mày không nghịch như chúng mình đâu nhỉ?
- Ai bảo mày thế?
- Tao đoán.
Vũ có dịp nói về cha nó, nét mặt nó hớn hở. Vũ say sưa kể:
- Bố tao nghịch bằng mười chúng mình bây giờ ấy.
- Sao mày biết?
- Mỗi lần dì tao mắng tao hay thằng Khoa cái tội nghịch ngợm, bố tao bênh anh em tao. Bố tao bảo nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, đứa nào còn bé đi học không nghịch, chết xuống âm phủ xếp hàng thứ mười, không được ghi tên lên bảng danh dự nữa, và bị quỷ sứ bắt nạt.
Con nhà Vũ phiệu chuyện này, khiến hai thằng bạn nó ngứa chân, muốn đi đá bóng ngay lập tức. Vũ chúa hay phiệu chuyện. Cha nó bênh nó, chỉ nói gọn ba tiếng kệ chúng nó, thế mà Vũ dám bịa thêm lời, gán tội cha nó. Vũ kể tiếp:
- Hồi bố tao đi học trường Bưởi, có cái trò đi xe đạp vòng quanh Đông Dương.
Vọng chen thắc mắc của nó vào chuyện:
- Trường Bưởi ở đâu hở, mày?
- Ở Hà Nội.
Côn giục:
- Xe đạp vòng quanh Đông Dương ra sao, hở mày?
- Lạ lắm.
Vọng hỏi:
- Bố mày làm cua rơ à?
- Không. Họ vẽ cái bản đồ Đông Dương to tổ bố trên sân cỏ, bằng vôi trắng, có năm miền, Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao và Cao mên. Một đoàn xe đạp đi trên cái vệt vôi trắng, vòng quanh Đông Dương, rồi ghé thăm từng miền. Vừa đạp, vừa hát bài Vành xe chắc chắn tiến trên đường xa vời. Cùng gò lưng vui tươi ta đạp đi hoài. Ngàn tia nắng chiếu sáng trên đường xa vời. Vành xe bon bon lăn toàn cõi Đông Dương. Tới Nam kỳ thì dân Nam kỳ ra hát vọng cổ, tiếp đón; tới Trung kỳ thì mọi Trường Sơn nhảy nhót, hoan hô, chúng mày ạ! Toàn học trò trường bưởi chơi.
- Bố mày chơi gì?
Vũ cười hô hố:
- Bố tao chơi đàn bà mọi. Bố tao mặc váy, dắt lông ngỗng lên tóc, bôi vôi đầy má, nhảy van, mà lại hát bài tăng gô si noa!
Côn đập bàn:
- Tuyệt, bố mày tuyệt!
Vũ vung tay:
- Tuyệt cú mèo!
Vọng thúc Vũ:
- Kể nữa đi mày!
- Thôi, kể chuyện bố tao hàng tháng chưa hết. Nghỉ tập hát nhé! Tao đưa chúng mày đi chén phở, rồi đi xem kịch là vừa.
Ba thằng dắt nhau đến hiệu Phớn, gọi ba bát phở nóng hổi. Chúng nó vừa húp, vừa thổi phù phù. Bên ngoài nắng đã tắt. Đường phố bắt đầu đông đúc. Tiếng trống kịch cũng bắt đầu réo gọi khán giả.
Ăn phở xong, ba thằng đi tha thẩn chung quanh trường. Vũ chỉ mua có mỗi tấm vé, mầu xanh, hai đồng. Nó không dám mua ba vé, còn tiền để ăn kem với con Thúy, chiều mai chứ.
Bảy giờ rưỡi diễn kịch, mà bảy giờ rồi. Tiếng trống mỗi lúc một dồn dập, thôi thúc tâm hồn hai thằng Côn và Vọng. Hướng đạo Hải Dương sang đây diễn kịch, đốt lửa trại, chắc phải hay lắm. Không hay, mà vô số người mua vé. Cứ nghĩ tới kịch hay, đàn hay, hát hay, múa hay, người hai thằng bạn của Vũ nôn nao. Còn con nhà Vũ vẫn tỉnh bơ.
Ba thằng bách bộ vòng quanh trường ba bốn lượt rồi. Cách tường độ năm thước, lại có một lão đội xếp cầm dùi cui, mặt mày hung ác, đứng canh. Còn mỗi cổng phía nhà bà xơ, có thể nằm rạp xuống chui vào, qua cầu tiêu, qua nhà bác tùy phái, tới sân trường được, cũng có lão dội xếp già chễm chệ trên cái ghế đẩu.
Đúng bảy giờ rưỡi, tiếng trống ngừng đánh. Bản nhạc mở màn khởi xướng. Ngực thằng Côn đập mạnh. Nó hỏi:
- Thế nào, Vũ?
- Yên chí.
Vọng nói:
- Kế gì hở, Vũ?
- Chúng mày cứ rối lên, ghé tai tao nói kế của tao cho mà nghe...
Hai thằng nhãi sướng rên. Chúng nó sắp mạo hiểm để vui thích, để cười, để kiếm những giọt sương mai cho mát tuổi thơ. Vũ níu Côn:
- Vé đâu?
- Đây.
- Đưa cho tao. Thôi, chúng mình vào là vừa.
Vũ nói dứt câu, bỏ chạy. Để nó chạy cách hai mươi thước. Côn và Vọng đuổi theo. Khi tới gần cổng sau, nơi lão đội xếp già chễm chệ trên cái ghế đẩu, Vũ luồn hai tay vào áo, cơ hồ giấu giếm vật gì. Côn và Vọng hớt hơ hớt hải chạy thẳng vào chỗ gác, vừa thở hồn hển, vừa chỉ thằng Vũ. Côn vờ nói không ra lời, khiến lão đội xếp mắng:
- Cái gì thế ranh con?
- Ăn... că... cắp...
- Đâu, ăn cắp đâu?
- Nó chạy kia kìa, ông đuổi bắt nó đi, nó ăn cắp đồ của ông phó cẩm đấy, ông ạ!
Lão đội xếp trông theo thằng Vũ. Lúc này, Vũ chạy chần chậm, có vẻ sợ sệt, nhìn lão đội xếp. Đúng ăn cắp rồi, lão đội xếp đuổi Vũ. Côn khuyến khích lão:
- Ông bắt tù bỏ mẹ nó đi ông, nhé!
Rồi, nhanh như cắt, hai thằng nằm rạp xuống cánh cổng, chui vào.
Lão đội xếp tóm được thằng Vũ, liền hỏi:
- Này ăn cắp cái gì đấy? A lê về bóp!
Vũ van lậy:
- Cháu có ăn cắp gì đâu. Hai thằng kia bắt nạt cháu, định giật vé xem kịch của cháu. Chúng nó đuổi cháu, cháu phải giấu vé ở ngực. Đây, ông xem này, tấm vé hai đồng của cháu, cháu có ăn cắp gì đâu?
Lão đội xếp thấy thằng bé nói đúng. Lão thả nó ra, toan về chỗ, dần tụi ôn con vài cái bợp. Chúng nó đã biến nmất. Lão ngoảnh nhìn Vũ. Nó vù khá xa, bèn đứng lại réo:
- Ông ơi, hai thằng ấy là bạn cháu đấy. Chúng nó chui cổng vào xem kịch rồi. Chào ông nhé!
Vũ toét miệng cười. Nó giơ tay, chào lão đội xếp già. Trong nháy mắt, Vũ đã vù vào sân trường, bằng lối cổng soát vé, tìm hai thằng bạn của nó.
20
Hai đứa đã ăn kem, uống nước dừa... Vũ vẫn chưa dám nắm tay Thúy. Quang cảnh như trong giấc mơ ban đầu của Vũ. Nắng chiều chỉ còn đọng lại từng mảnh, trên những lùm cây xa tắp bên kia sông. Trời mát mẻ. Gió từ dưới sông thổi lên, làm phất phơ mái tóc hai đứa bé. Chỉ khác một tí, là nước sông đã pha ít nhiều phù sa. Hai đứa đi sóng đôi. Thỉnh thoảng, đứa đi trước, đứa đi sau. Sang tới bên kia cầu, Thúy gặp thằng Dương.
Dương là con ông phó cẩm. Nhà nó nuôi hai con chó bẹc giê. Cha nó thay mặt ông chánh cẩm Tây, trông coi hết đội xếp trong tỉnh. Đội xếp trông thấy cha nó, đứng nghiêm, chào kính cẩn. Dương là đứa con cầu tự, cha mẹ nó chiều nó lắm. Nó muốn cái gì được cái ấy. Dương học lớp ba, cùng lớp với Thúy. Thầy giáo không bao giờ gọi nó đọc bài. Nó học dốt, lại lười. Thế mà tháng nào thầy cũng cho nó lên bảng danh dự. Nó giữ sổ luân chuyển, làm đổ mực bẩn hết sổ. Ông Đốc cũng chẳng mắng nó. Ông Đốc và các thầy giáo chơi mạt chược với cha nó, nên càng dung túng nó.
Dương hay văng tục, giống hệt con nhà Hách. Tính nó thô lỗ và thích bắt nạt bạn bè. Có lần, nó đánh con thầy lớp tư, chảy máu mũi. Trong lớp, nó thường trêu con Thúy. Giờ ra chơi, nó lẻn vào lớp, đổ mực lên ghế chỗ Thúy ngồi, khiến áo quần con bé dính đầy mực be bét, khóc sướt mướt. Có khi nó bẻ ngòi bút của Thúy, làm Thúy cắn bút giờ ám tả, bị ăn dzê rô oan uổng. Nó cậy con ông phó cẩm, gây sự cả lớp, trừ thằng Hài, thằng Phiệt, là hai thằng ngồi cạnh nó, chuyên môn cho nó cóp pi tính đố và vẽ hộ nó.
Thình lình, gặp Thúy đi cạnh Vũ, con nhà Dương ngứa mắt, lật đật tới, hất hàm hỏi:
- Thúy, Thúy, đi chơi với tao không?
Thúy nhăn mặt:
- Đừng gọi tên người ta.
Dương cười híp cả mắt lại:
- Tao cứ gọi, mày làm gì?
Thúy khó chịu:
- Đừng mày tao với người ta.
Dương đưa trái ổi lên gặm một miếng, nhai rau ráu. Vũ lộn tiết. Nó muốn tát tai thằng súc sinh này quá. Tát tai nó thì hết đi chơi với con Thúy. Vũ cố nhịn. Dương tưởng thằng Vũ sợ hơi cha nó, không dám bênh con Thúy, nó toan nắm lấy tay con Thúy. Nó phải rút tay lại ngay, vì thằng Vũ đã kéo con Thúy đứng sát nó. Dương vừa nhai ổi, vừa nói đểu:
- Con gái chơi với con trai
Về sau cái vú bằng hai quả dừa...
Vũ xắn tay áo lên. Thúy ngoắt Vũ đi về. Vũ hỏi:
- Thúy sợ nó à?
- Ừ.
- Sợ cái gì, đã có Vũ.
- Ba nó làm phó cẩm. Thúy sợ lắm. Hôn mọ, nó lấy cỗ chuyền của Thúy. Nó cốc Thúy hai cái, giật con bướm bạc gài đầu của Thúy nữa. Thúy mách thầy, thầy chả nói gì.
Vũ tức sôi ruột. Đang vui vẻ, bị con nhà Dương phá đám, không tức sao được. Vũ hậm hực theo Thúy, bước thật nhanh. Con nhà Dương không tha hai đứa. Nó theo sát Vũ, nói nhảm nhí. Đến giữa cầu, Dương gọi:
- Ê Thúy, lọ lem Thúy!
Thúy nín thinh. Dương lại lải nhải câu mất dậy Con gái chơi với con trai, Về sau cái vú bằng hai quả dừa. Thúy vẫn nín thinh. Vũ không chịu được thật rồi. Nó đứng sững lại, như xe đạp đang phóng nhanh hãm phanh thật mạnh. Thúy nắm bàn tay Vũ. Vũ gỡ vội bàn tay nhỏ nhắn ấy ra. Máu hiệp sĩ trong cơ thể nó rạo rực. Dương khiêu khích:
- Ê Thúy, tao gọi mày câm hở, con lọ lem?
Thúy run rẩy, nép sát bên Vũ. Vũ nhớ rằng, nó đã kể cho Thúy nghe những câu chuyện giang hồ vùng vẫy của nó. Nó nỡ để thằng oắt Dương bắt nạt đứa bạn gái thân thiết của nó hay sao? Bây giờ, Vũ mới lên tiếng:
- Dương, sao mày mất dậy thế?
Dương dang hai chân, đút hai tay vào túi quần, nhổ nước bọt xuống cầu:
- Tử tế cái củ khấm, á! Việc gì đến mày, hở thằng lái buôn?
Bị xỉ nhục, Vũ trả miếng ngay:
- Im mồm đi, thằng phó cẩm!
- À, thằng lái buôn dám nói xấu bố tao, hả?
- Ừ, ông nói đấy phó cẩm, ạ!
- Thằng lái buôn.
- Thằng phó cẩm.
- Thằng lái buôn cứt chó.
- Thằng phó cẩm cứt chó.
- Thằng lái buôn ăn cứt chó.
- Thằng phó cẩm ăn cứt chó.
Dương đổi giọng, nó đọc tên cha thằng Vũ:
- Thằng Hùng, ha ha ha, anh hùng lái buôn. Anh anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi buôn cứt!
Khoái chí, nó cười ha hả. Vũ nhổ bọt vào mặt nó:
- Thằng Đinh, Đinh hói, Đinh Trọc đầu lông lốc bình vôi, Mẹ ngồi mẹ ỉa mẹ bôi lên đầu thằng Đinh!
Con nhà Dương gờm thằng Vũ. Nó chỉ dám đấu võ miệng. Thúy run rẩy, thương hại quá. Vũ phải choảng thằng Dương ngay mới được. Ở trường, mỗi lần thầy xử tội đánh nahu, thầy thường hỏi đứa nào đánh trước. Hễ đứa nào đánh trước, đứa ấy có lỗi. Vũ sợ thằng Dương hèn nhát, mách thầy, nó muốn thằng Dương đánh nó trước. Nó mến con Thúy, chiều con Thúy, cho con Thúy tất cả những gì nó có. Nó không thể để thằng Dương bắt nạt con Thúy. Dù thằng Dương là con lão phó cẩm, nó cũng moa phú.
Thấy Vũ im lặng, Dương chửi tiếp:
- Thằng lái buôn ăn củ khấm!
- Thằng phó cẩm ăn củ thìu biu!
Dương to tiếng:
- À, mày bảo bố ông ăn củ thìu biu hả?
- Ừ đấy, ông đét sợ.
- Mày nói lại xem nào?
- Ông nói rồi.
- Tiên sư thằng lái buôn!
- Tiên sư thằng phó cẩm!
Dương lồng lộn:
- À, mày chửi bố tao hả?
- Ông chửi, mày có giỏi chơi ông đi.
- Mày chửi lại ông xem nào.
- Ông chửi rồi.
- Mày giỏi chửi lại đi?
- Ông chửi rồi, chơi đi phó cẩm!
- Mày chửi lại, ông đánh bỏ bố mày ngay.
- À, mày thách, hở?
- Ừ, ông thách mày chửi bố ông đấy?
- Ông sợ đét gì!
- Thì mày chửi đi.
- Tiên sư thằng phó cẩm! Ông chửi nữa, mày chơi đi, chơi mau đi phó cẩm con!
Chưa bao giờ Vũ đánh võ mồm lâu thế. Con nhà Dương đứng lâu e thằng Vũ dám tẩm nó lắm. Nó giả vờ hùng hùng hổ hổ, đe dọa:
- Mày nhớ nhé! Mai ra trường biết tay ông!
Rồi, nó cắm cổ chạy. Vũ, từ từ, kéo tay áo xuống. Cuộc vui của nó bị đứt quãng. Thúy đòi về. Nó nắm chặt tay Vũ. Vũ không gỡ ra. Bây giờ, nó mới thấy tay con Thúy êm ái, mát rượi. Bàn tay ấy làm tiêu tan cơn tức giận của Vũ.
Gió thổi mát hơn. Vũ dìu Thúy đi, với một niềm kiêu hãnh của hiệp sĩ. Đêm nay, chắc nó nằm mơ thấy con Thúy.
21
Chúng nó ngồi dưới gốc cây soan tây, từ lúc tan học, tiếng ve sầu rên rỉ sao mà buồn thế. Vũ ngẩng mặt lên, nhìn những chùm soan đỏ rực. Nắng trưa làm chói chang mầu hoa, khiến Vũ chớp mắt mau. Nó dựa hẳn người vào thân cây soan, vòng tay bá vai bạn.
Vũ bị đuổi học từ hôm qua. Nó đánh thằng Dương chảy máu mũi, bênh thằng Vọng. Sau hôm bị thằng Vũ thách thức, rồi cong đuôi chạy, con nhà Dưong để bụng thù thằng Vũ. Nó muốn choảng thằng Vũ. Thằng Phiệt, thằng Hài sợ bọn thằng Vũ hỏi tội, khuyên thằng Dương đừng gây sự với Vũ.
Chúng nó biết Vũ được thầy yêu, bạn quý, nhờ nó học giỏi, và cũng nhờ đội bóng của nó đá mả. Có thằng Vọng mới hạ nổi tụi An Tập, chứ những trận trước thua bét tĩ. Bây giờ, con nhà Vọng nghỉ đá, thằng Vũ sẽ mang xe bò đi chở bóng của tụi An Tập.
Bọn thằng Dương bàn nhau, xúi thằng Vọng rút chân khỏi đội bóng của thằng Vũ. Dương nói xấu Vũ, tấm tắc khen Vọng cừ hơn Vũ. Vọng nín thinh. Nó không thể quên những phút vinh quang của đời nó trên sân cỏ, hay những phút vui vẻ hồn nhiên trên sân trường, nhờ thằng Vũ nó mới được hưởng. Chỉ có thằng Vũ mới mang lại cho thằng Vọng những trận cười vỡ bụng hay những giọt nưóc mắt sung sướng. Vọng mặc kệ bọn thằng Dương, nói chán nói chê. Nó lắc đầu nguây nguẩy.
Dương là thằng đểu. Trong lúc đứng gần Vọng, nó dúi vào cặp sách của Vọng tấm giấy bạc một đồng. Nếu Vọng nghe nó, nó sẽ tặng Vọng. Nếu Vọng khăng khăng chơi với thằng Vũ, nó sẽ đổ tội Vọng ăn cắp tiền của nó, để làm nhục Vọng. Quả nhiên, Vọng bị mắc bẫy. Dương mách ông Đốc. Vọng chối. Dương xin ông Đốc khám Vọng.
Ông Đốc sai tùy phái lục cặp sách của Vọng, và tìm thấy tiền giấu trong đó. Ông Đốc tát Vọng một cái nẩy đom đóm. Vọng run rẩy, mặt mày tái mét. Nước mắt nó ứa ra, chảy xuống mồm mằn mặn, cay đắng.
Thằng Long biết chuyện, mách Vũ. Vũ chạy tới hỏi Vọng. Vọng khóc thút thít. Nó nói đứt khúc từng quãng:
- Thằng Dương... xúi tao bỏ... đội bóng của mày... Tao không nghe... Nó nhét... tiền vào cặp... sách tao, vu oan cho tao... ăn cắp. Ông Đốc... tát tao... Chắc tao bị đuổi mày ạ! Bị đuổi... vì ăn cắp... mẹ tao buồn lắm... Tao chưa ăn cắp bao giờ... Vũ ạ!
Vũ hiểu ngay con nhà Dương khốn nạn đã trả thù nó, bằng cách vu oan cho thằng bạn đá bóng tuyệt cú mèo của nó. Vũ thương Vọng hơn cả mọi lúc. Nó an ủi bạn:
- Mày đừng lo, đã có tao. Mày không bị đuổi học đâu. Mày tội tình gì mà ông Đốc đuổi. Tao mới có tội. Hôm nọ, tao chửi bố thằng Dương, suýt tao tẩn bỏ mẹ nó, nó thù tao, bắt nạt mày đấy. Mày đừng lo, Vọng ạ! Tao đi gặp ông Đốc đây.
Vũ bỏ Vọng ngơ ngác, nhìn theo bóng dáng chàng hiệp sĩ tí hon. Vũ mon men lên phòng ông Đốc. Nó đẩy cửa bước vào. Gặp đông đủ các thầy, Vũ giả vờ cúi gầm mặt, thú nhận nó đã lấy tiền của thằng Dương, nhét vào cặp của thằng Vọng. Thầy Đàn ngạc nhiên, ông Đốc ngạc nhiên. Vũ nói nó trót dại. Nó trót dại, chỉ bị quỳ là cùng, chứ thằng Vọng trót dại, chắc chắn bị đuổi. Thầy Đàn không tin Vũ. Thầy gặng hỏi:
- Thật con lấy tiền của thằng Dương, hay con nhận vì thương thằng Vọng?
Vũ chẳng cần suy nghĩ lâu la, nó trả lời ngay:
- Thưa thầy, con lấy, ạ!
- Tại sao con làm thế?
- Thưa thầy, con trót dại.
Ông Đốc nghe Vũ sám hối thành tâm quá. Ông ngỡ thực. Ông mắng mỏ Vũ, đánh nó năm cái thước bảng, rát cả mông, bắt nó quỳ một tiếng đồng hồ. Bọn thằng Dương đứng nhìn, cười hả dạ.
Vũ nghiến răng căm tức. Nó chửi thầm Tiên sư mày phó cẩm ạ! Chốc nữa ộng đánh bỏ mẹ mày. Hết hạn quỳ, hiệp sĩ Vũ lồng lộn bổ đi tìm thằng súc sinh Dương. Nó phóng tới, đấm đá thằng Dương tơi bời. Đến nỗi con nhà Dương ôm mặt khóc hu hu.
Ngay chiều hôm đó, lão đội xếp già gõ cửa nhà thằng Vũ, mời cha nó ra sở cẩm. Cha nó đã lên Bắc Cạn, dì nó phải thay việc cha nó. Chuyện thằng Vũ đánh chảy máu mũi con ông phó cẩm quan hệ lắm. Ông phó cẩm bảo dì nó đợi ba nó về hẵng hay. Sáng hôm sau, ông Đốc xuống tận lớp nhì 1, đuổi thằng Vũ khỏi lớp.
Vũ thản nhiên khi biết mình bị đuổi học. Trước khi cắp cặp bước ra khỏi lớp, nó còn toét miệng, nhấm nháy đôi mắt, khôi hài với bạn bè. Thầy Đàn nhìn nó thương hại. Con nhà Vũ chẳng cần ai thương hại. Nó cho rằng bênh vực thằng Vọng, đánh thằng Dương là bổn phận của hiệp sĩ. Vũ đọc truyện Đường kiếm họ Triều, thấy Triều Dương Hiệp thường rút kiếm, đâm lòi ruột bọn vua quan bắt nạt người cô thế, nó khoái chí lắm. Nay, nó đánh thằng súc sinh Dương chảy máu mũi, cũng là bênh vực thằng Vọng, khác chi Triều Dương Hiệp. Nó lại nhận nó là Triều Dương Hiệp nữa, nó còn sợ cái nỗi gì. ối dà, đuổi học càng thích, tha hồ chạy nhảy. Sắp hè rồi, không cần.
Về nhà, nó nói cười ầm ỹ, coi chuyện bị đuổi học là trò chơi. Suốt ngày, nó thổi kèn, hay luyện võ hiệp cho thằng Khoa. Dì nó lắc đầu, thở dài. Cơ sự này phải đợi ba nó; chứ trách nó, sợ nó giận, nó bỏ nhà thì rắc rối to. Thành thử Vũ thả cửa chơi nghịch, dì nó không mắng mỏ. Vũ càng tưởng bị đuổi học là trò chơi. Nó chắc mẩm con Thúy đã phục nó cừ hết chỗ nói. Vũ dám tẩn thằng Dương chảy máu mũi. Vũ thật đáng tay giang hồ hảo hán. Giang hồ phải cừ chứ. Vũ luôn luôn nuôi cái mộng cừ ấy. Nó bất chấp phải trái, nó moa phú lão phó cẩm. Bốc máu, nó choảng hết. Choảng xong, bị đuổi học, con nhà Vũ không thèm hối hận. Nó vẫn cười hô hố, ba hoa chích chòe, cả ngày.
Trong khi ấy, thằng Côn buồn rầu vô hạn. Ông Đốc bảo, sang năm, chưa chắc con nhà Vũ đã được học trường công. Vũ không được học trường công, nghĩa là nó phải xa thằng Côn, thằng Vọng, xa đội bóng, từng đè bẹp tụi An Tập 4-0, của lớp nhì 1. Vũ xa nó, lấy ai làm chánh đảng, ai bày mưu tính kế sang sông ăn cắp vải, ăn cắp ổi? Nhất là, mấy hôm nữa bãi trường, ai sẽ thổi ác mô ni ca, để nó hát bài Trường cũ. Côn thương thằng Vũ bao nhiêu, nó lại ghét con Thúy bấy nhiêu. Tại con bà cô này, chứ không làm sao thằng Dương thù thằng Vũ, vu khống thằng Vọng, khiến thằng Vũ nổi giận, đánh nó chảy máu mũi. Côn ức con gái thậm tệ. Ức con gái chán, nó đâm ra ức thằng Vũ.
Côn véo vào tay bạn một cái thật mạnh. Vũ kêu ơi ới:
- Gì thế này? Gì mà mày véo đau thế?
Côn trách móc:
- Sao mày dại thế hở, Vũ?
Vũ gắt:
- Mày cứ luôn miệng nói câu ấy.
- Đánh con ông phó cẩm mà không dại à?
- Dại gì, mày nói cho tao xem nào?
- Thầy bênh mày, mà mày còn bướng.
Vũ sực nhớ buổi chiều trước hôm bị đuổi, thấy Đàn gọi riêng Vũ ra hành lang. Thầy ân cần dặn:
- Ông Đốc và thấy thương con lắm. Lát nữa, ông phó cẩm tới, con đừng nói gì, mặc thầy lo liệu. Con xin lỗi ông ta, nhé Vũ, nhé!
Vũ vâng lời thầy. Khi ông phó cẩm tới, ông ta xồng xộc vào lớp. Học trò đứng lên. Ông ta không thèm vẫy. Ông ta hầm hầm, dữ tợn. Con nhà Dương theo gót bố, mặt vênh vang, như chó con vừa được chủ vuốt ve. Vũ ức quá, quên mất lời thầy dặn. Ông phó cẩm hỏi Vũ:
- Mày ăn cắp tiền của con tao, hả?
Vũ nắm chặt tay, bóp hai ngón kêu răng rắc. Nó ưỡn ngực, rất kiêu hãnh:
- Vâng.
Thằng Dương nói leo:
- Không phải nó. Thằng Vọng cơ, bố ạ!
Vũ cãi:
- Đồ súc sinh, tao đấy!
Thầy Đàn lắc đầu thương hại thằng học trò ngoan, bướng bỉnh. Ông phó cẩm quát:
- Im mồm, thằng ôn con!
Dương mách bố:
- Hôm nọ, nó gọi bố là Đinh hói, bố ạ!
Vũ sửng cồ:
- Ai bảo mày hát anh hùng buôn cứt?
Ông phó cẩm hạch sách:
- Tại sao mày đánh con tao?
- Tại nó bắt nạt bạn cháu.
- Nó bắt nạt, mày cũng không được đánh nó!
- Đứa nào bắt nạt bạn cháu, cháu cũng đánh, cháu không sợ.
Thầy Đàn kiếm lời can ông phó cẩm bớt giận, tha tôị Vũ, nó còn nhỏ. Thầy bắt Vũ khoanh tay xin lỗi ông phó cẩm. Ông phó cẩm bắt Vũ khoanh tay xin lỗi thằng Dương. Vũ ngước lên, nó thấy ông phó cẩm chẳng khác gì ông ba bị dọa trẻ con, và thằng Dương lơ láo như thằng đánh côn trong đám múa sư tử. Vũ nhìn thầy, ngần ngại. Thầy Đàn dục nó:
- Xin lỗi đi con, xin lỗi ông phó cẩm, không con bị ông Đốc đuổi học.
Vũ đứng im. Chân nó chôn chặt một chỗ. Nó bị xử ức quá. Nước mắt nó giàn giụa. Mãi nó mới mở miệng, thổn thúc:
- Thưa thầy, con không xin lỗi ạ!
Ông phó cẩm tát nó hai cái, chỉ tay vào mặt Vũ, xỉ vả một lúc. Đoạn ông bước khỏi lớp. Thấy Đàn không trách Vũ, thầy rút mùi xoa thấm nước mắt cho Vũ. Thầy vỗ nhẹ lên vai Vũ, giọng thầy trầm trầm:
- Thầy hài lòng lắm, nhưng con sẽ bị đuổi, Vũ ơi!
Và, Vũ bị đuổi. Nhớ lời thầy nói, Vũ ngồi ngay người vung tay:
- Tao đét cần học.
- Thế cần gì?
- Đét cần gì.
Côn mỉa mai:
- Bênh cái con bà cô Thúy ở cầu Bo, có lợi lắm hở, mày?
Vũ câm miệng, nó ngượng nghịu không dám nói cho thằng Côn hiểu tại sao, chiều hôm ấy, nó bênh con Thúy, chửi thằng Dương thậm tệ vậy. Côn ngỡ Vũ bí, rỉa rói thêm:
- Con Thúy thì ra cái thớ gì?
Ra cái thớ gì. Vũ không cần biết, Vũ chỉ cần biết, lần nào, gặp con Thúy vui vẻ, Vũ thấy tâm hồn mình lâng lâng, mát rượi; lần nào, con Thúy cau có, dù vui mấy, Vũ cũng cảm thấy buồn bã vu vơ. Vậy, con Thúy ra cái thớ gì. Có lẽ thằng Côn không biết cái thớ của con Thúy, chỉ có Vũ mới biết cái thớ đó ra gì thôi. Côn hoạnh họe:
- Ừ, nó ra cái thớ gì hở, mày?
Vũ xua tay:
- Thôi, đừng nhắc chuyện ấy nữa.
- Thế nhắc chuyện gì?
- Chuyện gì thì chuyện!
- Mày bị đuổi học rồi, còn chuyện gì nữa?
Côn ngồi im lặng, nhớ những kỷ niệm nghịch ngợm hơn hai năm trời, bên cạnh Vũ. Nó ngỡ rằng những kỷ niệm đó sẽ theo thằng Vũ đi mất, chẳng bao giờ trở lại. Ôi, những chiều chơi kiếm hiệp, ở bãi tha ma, những chiều vẫy vùng, ở hồ Phúc Khánh, những trận cười vỡ bụng, ở cống Kỳ Bá, những lần hả hê, sau mỗi lần đá bóng thắng tụi trường đạo, thế là hết. Thằng Vũ đi khỏi cái trường này là hết cả. Nó sẽ mang tới trường khác, cho tụi nhãi khác hưởng. Còn thằng Côn, thằng Vọng, và đội bóng lớp nhì 1, buồn thiu, mất chúa đảng Vũ rồi. Côn rầu rầu hỏi bạn:
- Ông Đốc dọa, sang năm, không cho mày học, mày học ở đâu hở, Vũ?
Vũ tặc lưỡi:
- Cần cái đét gì, học ở đâu chả được.
- Mày định học ở đâu?
- Tao học trường bà xơ.
- Nhỡ lão phó cẩm bắt bà xơ đuổi mày thì sao?
- Thì tao học trường Kỳ Bá.
- Kỳ Bá làm đếch gì có lớp nhì 2.
- Ừ nhỉ, tao thôi học vậy.
- Thôi học mày làm gì?
- Tao ở nhà.
- Ở nhà bố mày đánh chết.
- Đánh thì tao trốn đi.
- Mày lại giang hồ nữa à?
- Ừ, lần này tao đi xa lắm.
- Mày đi đâu?
Vũ bèn đọc một câu vọng cổ, mà nghe mãi nó đã thuộc lòng:
- Muôn dặm trùng dương, lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn...
Côn ngớ ngẩn hỏi:
- Rồi, mày ăn cơm ở đâu?
Vũ trả lời bừa:
- Tao ăn cơm hàng.
- Tiền đâu mà ăn cơm hàng?
Vũ bị dồn vào nước bí, nó cáu:
- Tiền cái củ thìu biu, giang hồ cần đét gì tiền. Hễ được tụi súc sinh bầu làm đại ca, có cơn ăm. Tao ở cống Đậu, đã từng ăn chim sẻ rán của bọn tổ sư ăn cắp.
Vũ cười:
- Hà hà, giang hồ có ai mang tiền. Mày xem chuyện kiếm hiệp, có thằng hiệp sĩ nào mang tiền đâu.
Côn bỗng lây cái thú giang hồ của Vũ, nỗi buồn của nó như chui đâu mất. Nó đập vai Vũ:
- Thật hở?
- Ừ!
- Mai, mày có đến đây nữa không?
- Không.
- Sao thế?
- Phải lẩn mặt ông Đốc, tao đét thích.
Côn ngẫm nghĩ một lát, rồi bàn:
- Hay là hai đứa mình giang hồ tối nay, đi!
Vũ lắc đầu:
- Đợi bố tao về, xem bố tao có đánh tao không đã.
Vũ nói cho sướng miệng, chứ đời nào nó chịu đi giang hồ. Bây giờ, con Thúy với nó thân thiết đến độ hai đứa rủ nhau hóng mát cầu Bo, dại gì Vũ trốn nhà đi giang hồ. Côn cụt hứng, lảng sang chuyện khác:
- Mày có được thổi kèn hôm bãi trường không hở, Vũ?
Vũ chìa khuỷu tay:
- Thổi cái này này!
- Nhỡ ông Đốc cho mày thổi kèn, mày có thổi không?
- Không.
- Không có mày, tao đếch hát nữa.
- Mày đét hát, ông Đốc đuổi bỏ mẹ!
- Đuổi thì đuổi.
Vũ dỗ Côn:
- Hát đi mày, bảo con nhà Ngân thổi kèn thay tao. Chúng mày hát, chắc được bravo ghê lắm.
Côn thè lưỡi liếm môi:
- Cần đếch gì bravo!
- Thế mày cần gì?
Côn nắm chặt tay Vũ:
- Tao cần mày cơ...
Hai đứa bé nhìn nhau. Thương mến. Tiếng ve sầu rền rĩ nhiều hơn. Không bảo nhau, hai đứa cùng đứng lên, bá vai nhau sóng bưóc. Thoắt cái, chúng nó đã nhảy ra khỏi cổng.