Phần thứ hai - Chương 1

     ời chỗ bóng tối giá lạnh, Nhung cầm gương ra ngồi ở bàn về phía có ánh nắng lọt vào. Nàng thong thả chải tóc rồi mở hộp phấn mà đã lâu lắm nàng chưa dùng đến. Nàng cầm quả bỗng chấm nhẹ lên hai gò má rồi cởi cúc áo cánh chấm dần dần xuống cổ, xuống vai. Trên da lạnh, nàng khoan khoái đưa đi đưa lại cái quả bông êm ấm, trước mặt nàng bụi phấn thơm bay tỏa ra trong ánh nắng và làm mờ bóng nàng trong gương.
Nghe tiếng động trong màn, Nhung quay lại nói đùa với con:
- Thôi chú mình dậy thôi chứ. Dậy sang xem dì Phương mặc áo đẹp. Dậy xem cô dâu.
Thấy vú già vào, nàng bảo lấy quần áo mặc cho Giao. Vú già nhìn Nhung mỉm cười:
- Đã lâu lắm con mới lại thấy mợ đánh phấn. Trông mợ trẻ hẳn đi.
Nhung không ngượng vì câu bình phẩm của vú già: nhân dịp Phương về nhà chồng, nàng cho việc đánh phấn và trang điểm là rất tự nhiên, là một việc cần nữa.
Vú già nói:
- Một nhà này đi đủ hai họ.
Nhung hỏi:
- Ai đi đến nhà trai?
- Bẩm mợ, ông giáo.
Hỏi vậy, song Nhung đã biết Nghĩa đi phù rể từ lâu, hai người đã bàn bạc và đã định trước với nhau sẽ coi đám cưới của Phương như đám cưới tưởng tượng của riêng hai người. Nghĩa bảo Nhung:
- Anh sẽ là chú rể mà em sẽ là cô dâu.
Nhung may một chiếc áo mới để đi đưa dâu và nàng có ý chọn một thứ lụa màu phớt hồng tương tự như màu áo của Phương định mặc hôm về nhà chồng. Nhung mặc áo mới, ngắm nghía bóng mình trong gương, tự bảo:
- Trông mình như một cô dâu. Nhưng bao giờ cho thành cô dâu thật sự?
Thấy bà Án đứng ở hiên. Nhung dắt con ra xin phép mẹ chồng sang bên nhà. Bà Án ngắm nghía con dâu, vừa cười vừa nói, giọng thành thực cảm động:
- Con dâu tôi, bao nhiêu năm mới lại mặc chiếc áo màu.
Nhung cúi xuống xoa đầu con. Nghe câu nói khoan dung của bà Án, nàng thấy trong người nhẹ nhõm: Hình như mẹ chồng nàng chỉ mong cho nàng được sung sướng và sẵn lòng để cho nàng tự tiện muốn xoay xở cuộc đời ra sao thì xoay, bao nhiêu cái bó buộc như không có nữa, cuộc đời thành ra giản dị, dễ dãi, ai muốn sống thế nào tùy ý, miễn sao thấy được hạnh phúc.
Mắt nàng tình cờ nhìn vào đôi giày của nàng, đôi giày kiểu mới, mũi lấp lánh cườm bích và chiếc quần lụa kim cương trắng nõn, bóng loáng rủ xuống che khuất bàn chân. Vì chưa quen nên nàng thấy những thứ ấy sang trọng quá. Nàng lo lắng tự hỏi:
- Mình ăn mặc thế này thái quá chăng?
Nhung ngửng lên xem ý tứ mẹ chồng và nhấc tà áo vân vê trong hai ngón tay nói:
- Thứ nhiễu này họ bán “son” rẻ lắm mẹ ạ. Có tám hào một thước. Nhưng họ chỉ còn có hơn ba thước, vừa đủ một áo.
- Tao trông thứ hàng này hơi giống cái áo của cô Phương mới may hôm nọ.
- Thưa mẹ, giống màu nhau.
Bà Án nói đùa:
- Khéo không người ta trông mợ lại lẫn mợ với cô dâu nhé?
Tuy là câu nói đùa nhưng Nhung chắc rằng mình còn trẻ lắm, trẻ như Phương, nên bà Án mới thốt ra câu nói đùa như vậy. Bà Án sợ mình nói câu ấy không được đứng đắn, nên vội chữa:
- Hai chị em ăn mặc giống nhau như thế, cô dâu đỡ ngượng.
Ngẫm nghĩ một lát bà lại nói tiếp:
- Màu áo đẹp, nhưng phải cái rợ quá. Ngày thường không mặc được. Thôi con đi, không chậm.
Nhung đã hiểu là bà Án muốn bảo khéo nàng rằng chỉ được phép mặc hôm nay, còn những lúc khác, nàng không nên mặc chiếc áo màu rực rỡ và trai lơ ấy. Muốn tỏ cho mẹ chồng rằng mình cũng đồng ý với mẹ chồng, nên trước khi đi, nàng nhìn áo nói:
- Con mặc chiếc áo lòe loẹt khó chịu quá. Mai lại bỏ hòm thôi.
Tuy đã nói câu ấy rồi, mà nhìn vẻ mặt bà Án, nàng vẫn còn tưởng như bà Án đương lo lắng ngẫm nghĩ:
- Hình như mợ Tú độ này khác trước nhiều.
Nhung dắt con đi nhanh qua vườn, ra đến ngoài đường làng, khi đã khuất mắt bà Án, Nhung đi thong thả lại, thở dài để cho mất cái cảm giác khó chịu nó như đè lên ngực nàng.
Một người đàn bà ở trong ngõ đi ngang qua, giật mình nói:
- Chết chưa, mợ, cháu lại ngỡ cô nào.
Đi dọc đường, Nhung thấy người làng người nào cũng đứng lại nhìn nàng ngạc nhiên.
Câu nói của mẹ chồng và cử chỉ của người làng đã làm cho Nhung nhận thấy rõ ràng nàng không được tự do trong các việc hành động cỏn con của mình, việc nàng mặc chiếc áo màu không phải là một việc nhỏ, chỉ có liên can đến một mình nàng mà thôi.
Nàng cố xua đuổi cái ý nghĩ khó chịu ấy đi, ngẫm nghĩ:
- Lâu rồi cũng quen mắt.
Một lúc sau, nàng lại chép miệng nói một mình:
- Chi bằng mai không mặc nữa là xong.
Câu ấy làm cho nàng yên tâm.
Thế là ngay từ lúc ban đầu, bước lên được một bước nhỏ, Nhung lại nhút nhát muốn lùi lại ngay xuống chỗ cũ.
Đến trước cổng nhà, Nhung hồi hộp ngắm nghía xác pháo đã đốt mấy hôm trước, rải rác khắp sân. Nàng nghĩ đến Phương, em nàng, đã trải bao nhiêu lo lắng, khổ sở mới được thấy cái ngày sung sưứng hôm nay. Được như vậy một phần lớn là nhờ ở Nhung. Nàng đã nhiều lần tha thiết nói với mẹ rằng có nàng ở gần thì mẹ nàng không nên buồn về nỗi Phương lấy chồng xa. Còn như Phương lấy chồng con nhà hèn hạ, làm hại đến thanh danh nhà nàng? Nhung vẫn hiểu rằng sở dĩ mẹ nàng không để ý lắm đến điều đó nữa là vì có nàng. Cái tiếng tốt của nàng, thờ chồng nuôi con, ăn ở phải đạo trong gia đình đã như cứu vãn được cái tiếng xấu của em nàng và an ủi mẹ nàng đỡ phải buồn lòng và ngượng mặt với mọi người.
Nàng vừa thoáng buồn nghĩ đến cuộc tình duyên của nàng với Nghĩa thì những đứa cháu ở trong nhà chạy ra reo lên:
- Cô đã sang, cô đã về.
Có đứa đứng lại ngơ ngác, vì nó thấy cô nó ăn mặc khác hẳn mọi ngày nên hơi là lạ. Vú em đứng trong hiên nhìn ra, tươi cười nói:
- Cô con hôm nay đẹp quá.
Một người chị họ lấy tay chỉ Nhung bảo đứa bé ẵm trên tay:
- Em trông, dì mặc áo đẹp.
Nhung cuống quít: trong một ngày vui vẻ, nàng thấy ai nhìn nàng cũng như ân hận thương nàng, quần áo mới, xác pháo đỏ và những chậu hoa rực rỡ càng như nhắc mọi nghĩ đến và buồn cho tình cảm góa bụa của nàng. Nhung vừa bước lên thềm vừa hỏi:
- Cô dâu đã trang điểm xong chưa? Đã có cô phù dâu nào đến chưa?
Rồi nàng nói tiếp để phân trần với mọi người về sự sang trọng và việc ăn mặc đỏm dáng.
- Đi đưa dâu không lẽ lại luộm thuộm... làm dáng không quen, thành thử lúng túng mãi bây giờ mới sang được.
Mấy tiếng “làm dáng không quen” Nhung nói lướt mau qua và điểm nụ cười làm như nói đùa, để mọi người khỏi cho mình là làm bộ.
Nhung bước vào buồng cô dâu, ngạc nhiên kêu:
- Sao mà tối um thế này?
Nàng lờ mờ thấy Phướng nằm xoay mặt vào tường, chung quanh quần áo vứt bừa bãi. Nhung đến gần, sẽ hỏi:
- Lại làm sao thế?
Không thấy Phương nói gì, Nhung giơ tay lên vai, toan kéo dậy. Phương, giọng đầy nước mắt đáp:
- Chị để mặt em.
Nhung nhớ lại những việc xảy ra mấy hôm trước: Phương bị bà Nghè mắng nhiếc, Phương lại gặp nhiều chuyện làm nàng tủi nhục. Nàng phẫn uất đến nỗi không biết gì đến cái vui sướng được lấy một người yêu nữa. Nhung ngồi xuống nhắc lại câu nàng vẫn dùng để an ủi Phương:
- Thôi, em chỉ cố một tí nữa thôi. Chỉ một lát nữa là hết. Em đi xa thì rồi sẽ quên đi.
Trong lúc nói câu ấy nàng nhận thấy một cách rõ rệt, sự đè nén khốc liệt của cái xã hội nhỏ quanh mình. Em nàng vài hôm sau nữa sẽ đi với chồng xa hẳn được, nhưng còn nàng thì nàng không biết bao giờ mới thoát khỏi. Nào cha mẹ đẻ, nào mẹ chồng, nào họ hàng làng nước bao nhiều thứ bắt nàng không thể sống theo ý muốn của mình được. Nàng biết rằng mọi người đã muốn cho nàng là một người đàn bà góa ở vậy thờ chồng thì nàng phải ở vậy thờ chồng. Nàng thấy thoáng hiện ra trước mắt bức hoành phi treo ở buồng khách nhà nàng có mấy chữ “Tiết Hạnh Khả Phong” cái phần thưởng cuối cùng của những người biết ăn ở phải đạo như nàng.
Mấy cô phù dâu bước vào làm Nhung thôi nghĩ, nàng quay ra mỉm cười, nói:
- Cô dâu chưa chi đã nhớ nhà. Các cô vào dỗ giùm tôi với.
Nhung bước ra nhà ngoài giúp mẹ dọn dẹp buồng khách và bàn thờ. Nàng nóng lòng đợi họ nhà trai đến như một cô dâu đợi chú rể. Kim đồng hồ vừa chỉ mười giờ thì Nhung nghe thấy tiếng còi ô tô ở ngoài đường cái. Bà Nghè bảo Nhung giọng khẩn khoản:
- Cô phải ở luôn đây tiếp khách hộ tôi.
Trong lúc nói chuyện với khách nhà trai, bà Nghè gọi Nhung mà gọi hơi to hình như cốt cho mọi người để ý đến nàng. Nhung hiểu ý mẹ nên lại gần đứng hầu ngay bên cạnh. Nàng muốn đứng đó vì một lẽ nữa là ở chỗ ấy nàng có thể nhìn thấy rõ Nghĩa đương ngồi uống nước với mấy người phù rể ở tràng kỷ. Mấy người phù rể chốc chốc lại quay mặt nhìn nàng, rồi thì thầm hỏi nhau. Nàng đoán họ hỏi xem nàng là ai. Chắc có người biết bảo họ, một người ghé tai Nghĩa nói mấy câu làm Nghĩa cau mày khó chịu.
Nhung nghĩ thầm:
- Chắc Nghĩa ghen, không muốn họ đả động đến ta.
Nàng đứng tránh sang một bên để cột nhà che khuất bọn phù rể và để nàng được tự do nhìn Nghĩa. Hai người đang đắm đuối nhìn nhau, bà Nghè bảo Nhung:
- Cô vào nói với các cô phù dâu đưa em đi lễ gia tiên.
Các cô phù dâu đưa cô dâu ở buồng tối ra trông như một chùm sao quây quần một ngôi sao quý. Gian buồng khách bỗng như sáng hẳn lên: Hương thơm ngào ngạt của phấn và nước hoa khiến các người phù rể bàng hoàng tưởng vừa thấy hiện ra cái hình ảnh của một mùa xuân đầy hoa tươi thắm. Nhung đi lẫn các cô phù dâu cho khỏi ngượng, vì nàng thấy ai cũng chăm chú tới nàng hơn cả.
Sau một cuộc du lịch cỏn con từ nhà thờ nọ đến nhà thờ kia, và sau khi đã mỉm cười nhiều lần giễu chú rể lễ vội vàng hay cô dâu thẹn đi không vững, bọn phù rể và phù dâu bắt đầu hơi thân mật với nhau, dáng dấp đã có vẻ tự nhiên và nhìn nhau không sép nép như trước nữa.
Lúc cô dâu cuối lễ ông Nghè bà Nghè, Nhung đứng đối diện với Nghĩa. Bà Nghè nói mấy câu khuyên con về nhà chồng, nhưng bà vẫn không quên tìm mấy tiếng khéo để diếc móc con.
Nói đến mấy chữ “biết ăn ở phải đạo”, bà đưa mắt nhìn Nhung. Song Nhung không thấy lời mẹ nói, nàng đương mê nhìn Nghĩa trong lòng sung sướng và mỉm cười như hỏi thầm Nghĩa:
- Anh trông em có giống một cô dâu thực sự không?
Thấy mọi người nhìn Nhung mà Nhung không biết, vẫn cứ mỉm cười trông về phía chàng, nên Nghĩa quay hẳn lại vờ hỏi chuyện bạn đứng sau lưng. Nhung chợt hiểu và muốn tránh sự nghi ngờ, nàng mau trí khôn yên lặng ra bảo anh người nhà đem bánh pháo cắm vào chỗ khác để làm cho mọi người tưởng rằng lúc nãy nàng nhìn ra vườn, chứ không phải nhìn Nghĩa, Nhung trở vào, vừa yên tâm vừa có cái tự cao để mắt đến khắp việc lớn, nhỏ trong nhà.
Lúc đưa dâu ra, hai họ phải đi bộ một quảng mđi tới chỗ đậu ô tô ngoài đường cái. Người làng kéo đến xem đứng chật cả ngõ, trẻ con theo bám lấy cô dâu mà hò:
- Cô dâu chú rể đội rế lên đầu.
Một người phù dâu bảo Nhung:
- Chị mặc cùng một màu áo với cô dâu, vậy chị đi lẫn vào đây.
Nhung cười đáp:
- Người làng thì họ lạ gì mặt cô dâu.
Bỗng Nhung thấy lạnh toát cả người. Nàng vừa thoáng nghe thấy người đứng xem nói mấy tiếng:
- Tâm ngẫm tầm ngầm... ai biết đâu ma ăn cổ đấy.
Nhung toan quay nhìn lại, nhưng không dám, nàng lấy tay che miệng gượng cười lên mấy tiếng. Đến lúc ngồi trên xe ô tô, Nhung mới thấy tỉnh trí lại. Nàng tự mắng:
- Rõ có tật giật mình, sao lại vô lý cho là họ nói chuyện đến ta.
Nhung nhận ra rằng cái sợ của nàng khi làm lỗi không thấm đâu với cái sự thấy lỗi của mình có người biết.
Từ lúc từ biệt em, đi xe trở về, Nhung thấy buồn bã lạ thường. Nhưng không phải nàng buồn vì nhớ em hay nghĩ đến em lấy chồng nhà nghèo: nàng biết rằng Phương sẽ sung sướng. Tuy Phương vất vả nhưng sống có vợ có chồng cùng nhau hợp sức để kiếm ăn. Nhung cho cuộc đời đó có giá trị hơn cuộc đời của nàng, sống chỉ để cốt nêu lên một cái đức tính mập mờ, dối trá.
Khi khách khứa đã về hết, Nhung ở rốn lại cho mẹ khỏi buồn. Trong khi dọn dẹp nhà cửa, thấy mẹ ngồi chống tay ủ rũ rươm rướm nước mắt, Nhung cười đùa nói:
- Hôm nay nhà có việc, dọn dẹp thế này, con tưởng như khi còn là con gái ở nhà.
Bà Nghè bảo:
- Tối hôm nay cô ngủ bên này cho tôi khỏi buồn.
Nghe lời mẹ nói, Nhung nghĩ ngay đến cuộc hẹn hò của nàng với Nghĩa, từ mấy hôm trước hai người đã định đêm nay sẽ gặp nhau ngoài vườn. Nàng tìm cớ nói với mẹ:
- Con xin phép mẹ, ăn cơm xong phải về, vì vú già vừa cho biết mẹ con bên nhà hơi khó ở.
Nhung mừng rằng tự nhiên lại có được cái cớ bà Án ốm để xin phép mẹ về nhà, không mếch lòng mẹ.
Ra đến ngoài đường làng, Nhung thấy gió đêm thổi lạnh buốt. Nàng nghĩ tới Phương và mỉm cười lẩm bẩm nói một mình, có ý thèm muốn.
- Trời hôm nay chiều cô dâu chú rể quá.