Chương 3

     ột tràng pháo nổ bên hàng xóm làm Nhung giật mình mở mắt. Trên bàn thờ đèn nến sáng trưng, khói trầm ở trong đỉnh đồng tỏa ra như một làn mây là là bay lùa trong cành đào đầy hoa. Nhung mở mắt mà tưởng như đương bắt đầu một giấc mơ.
Thấy bà Án ra bàn thờ rót rượu cúng, Nhung hỏi:
- Thưa mẹ đã đến giao thừa rồi cơ ạ? Con ngủ một giấc ngon quá!
Bà Án quay lại nói:
- Thôi con dậy thôi, cúng rồi, còn sắm sửa ra chùa lễ. Năm nay xuất hành giờ Sửu tốt.
Nghe bà Án nói ra lễ chùa, Nhung mừng rỡ.
Nàng nhớ lại một năm khi còn ở nhà cùng em ra chùa hái lộc, lúc trở về gặp một chàng trai trẻ tuổi lạ mặt buông lời đùa cợt:
- Mùa xuân, cây đương nẩy mầm, các cô nỡ nào dang tay bỏ đi như vậy.
Mất mấy hôm, Nhung quanh quẩn nghĩ đến người lạ mặt đó là lần đầu tiên nàng được thấy lòng rung động về thứ tình mơ màng, êm ái thường bắt đầu nhóm trong lòng các cô thiếu nữ đến tuổi dậy thì khi mùa xuân đã tới. Đã mấy năm, Nhung không nghĩ đến việc đi hái lộc nữa, mỗi năm tết đến không mang lại cho nàng chút mong mỏi gì. Nhưng tết năm nay đối với nàng hẳn là vui, vì có Nghĩa ở lại đây để ăn tết với nàng.
Nhung vào buồng đánh phấn và mặc thêm chiếc áo nhung. Thấy lạnh, nàng lấy tấm khăn san phủ quàng lên đầu.
Hòa đẩy cửa vào, hỏi:
- Chị sắm sửa đi đây à? Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ xuất hành kia mà.
Nhung lấy làm khó chịu thấy Hòa không đánh phấn. Nàng đưa mắt nhìn bóng mình trong gương, gần màu trắng của tấm khăn, màu hồng phấn trên đôi má nàng nom rõ quá. Nàng vội rút khăn tay lau cho nhạt bớt, Hòa nói:
- Chị có lạnh ra mà sưởi.
Nhung lại gần lò sưởi ngồi hơ tay lên lửa. Lịch loay hoay xếp lên bàn một chai rượu sâm hanh và sáu cốc. Chàng nói với Nhung:
- Uống một cốc rượu này rồi ra chùa tha hồ ấm.
Nhung hỏi:
- Nhưng sao lại sáu cốc?
- Mẹ này, chị với tôi, nhà tôi, anh Hai, anh Nghĩa.
Nhung đã biết trước rằng cốc thứ sáu để phần Nghĩa và đã đoán trước câu trả lời của Lịch, nhưng nàng cũng cứ hỏi thế, vì nàng chỉ thích nghe nhắc đến tên Nghĩa, Nhung nói giọng thờ ơ:
- Ừ nhỉ, còn ông giáo nữa.
Nhung lắng lai nghe. Ngoài sân có tiếng bà Án hỏi:
- Ông giáo còn thức à?
- Thưa cụ vâng. Con không sao ngủ được.
Bà Án cười, nói đùa:
- Hay ông giáo nhớ nhà đây... Nhưng mà ăn tết ở đây cũng vui chán.
Nghĩa đáp:
- Thưa cụ con có nhà cửa gì đâu mà bảo nhớ.
Nhung nóng ruột muốn ra ngoài sân. Thấy Lịch cầm bánh pháo ra vườn đốt, nàng cũng đứng dậy bước vội theo.
Tiếng pháo nổ ran khiến Nhung phải bịt hai tai lại, lờ mờ trong đám khói xanh, nàng thấy Nghĩa đương nhìn nàng. Sau tiếng pháo nổ, cảnh ban đêm như yên lặng hẳn: một lúc lâu mới lại nghe thấy xa xa tiếng pháo liên tiếp nhau ở các nhà trong làng.
Không có hơi một ngọn gió. Trên sân, những làn khói của chiếc pháo chưa hẳn bay là là như quấn lấy chân người, những đám lá cây con phản chiếu ánh đèn nổi bật lên nền trời đen sẫm trông như bằng thủy tinh pha màu. Mấy cánh hoa đào lỏa tỏa bên chỗ Nhung đứng, rồi rơi xuống lẫn với xác pháo rải rác.
Nhung bước ra sân, lại đứng gần bên Lịch và nghiêng mình chào Nghĩa.
Nghĩa cất tiếng nói:
- Năm mới...
Chàng ngập ngừng không biết nên chúc câu gì. Nhung vội tiếp ngay theo cho Nghĩa đỡ ngượng:
- Năm mới, chúc ông giáo được mạnh khỏe quanh năm.
Rồi hai người quay đi, mỗi người nhìn về một phía. Như muốn diễn cái sung sướng ấm áp trong lòng, Nhung nhìn lên trời thẫn thờ nói:
- Đêm giao thừa năm nay trời sáng và êm ả quá.
Bà Án tiếp:
- Không có tiếng gà gáy, chó cắn nào. Năm nay chắc dễ làm ăn.
Hòa ra mời mọi người vào uống rượu. Nhung thấy Lịch cầm lấy cánh tay Nghĩa rồi hai người cùng đi, Lịch nói:
- Xong rồi ta ra chùa chơi. Anh đi không?
Nhung đi lùi lại sau cùng. Khi vào trong nhà, nàng đến bên cạnh lò sưởi, cầm lấy cốc rượu của Hòa đưa cho, và nhắm mắt cố uống mấy hụm để cho bàng hoàng say.
Hòa nói:
- Vừa lúc nảy có bốn bông hoa thủy tiên nở, giờ đã thành năm. Hoa nở trông thấy.
Nhung nhìn bông hoa thủy tiên và tưởng như thấy nó đang nở. Lúc đó nàng muốn cho thì giờ ngừng lại để nàng được mãi mãi hưởng những giây phút êm ái nàng đương sống. Nàng thấy hạnh phúc của nàng đẹp đẽ như ánh lửa lấp lánh trong cốc rượu đương sóng sánh trên tay nàng. Nhưng cái hạnh phúc ấy nàng đã biết rằng nó chỉ mong manh như một cái ảo mộng. Không biết tại sao nàng có cái cảm tưởng rằng Nghĩa sắp phải rời bỏ nhà này, và đã thấy trước những mùa xuân khác trong đời nàng lạnh lẽo nối tiếp nhau mà đến.
Khi ra đến ngoài đường làng, Nhung thấy lạnh buốt, nàng phải đi sát bên Hòa và giục Hòa đi mau cho ấm.
Hai bên đường, ánh đèn cúng ở các nhà lấp lánh sau rặng cây. Thỉnh thoảng một ít khói pháo thơm còn rớt lại đưa thoáng qua. Cứ đi một quãng đường lại gặp một bọn người ra hái lộc chùa về, tiếng cười nói trong bóng tối mỗi lúc một to dần. Tay người nào cũng cầm một bó hương để soi đường, khi đi ngang qua, tiếng chúc mừng nhau ồn ào nổi lên một loạt lẫn với mùi nhang thơm thoang thoảng.
Đến chùa khi lễ xong, bà Án bảo Nhung:
- Con ra vườn nhà hái lộc, mẹ còn dở bận.
Nhung rất mừng vì nàng đã biết Nghĩa đợi mình sau vườn chùa. Thấy Lịch và Hòa đương đứng ở bén gian thờ Long thần, Nhung đi lánh xuống dưới sân rồi qua một cái cổng ngách, đi khuất sau giậu dâm bụt, mạnh bạo cúi mình đi luồn qua một rặng ổi, đến chỗ nàng đã hẹn trước với Nghĩa, Nghĩa cầm lấy tay Nhung và hôn nhọ lên trên má. Nhung bất giác quay lại nhìn về phía chùa sáng.
- Lỡ ai biết thì chết.
Nghĩa cười nói:
- Em bao giờ cũng chỉ được cái hay sợ hão. Thế nào em đã nhất định chưa?
- Nhất định? Em chưa nhất định gì cả.
Nàng buồn rầu nói tiếp:
- Em đã bảo anh mấy lần đừng nhắc đến làm gì. Năm mới anh chưa chúc mừng em được lấy nửa câu...
Nghĩa nghĩ đến lời Lịch nói với chàng hôm trước, nắm chặt lấy tay Nhung, khiến Nhung giật mình hỏi:
- Gì thế anh?
Nghĩa ngập ngừng một lúc rồi mới nói:
- Anh thấy em đương vui nên không dám nói, sợ làm buồn lòng em. Nay mai có lẽ anh phải rời bỏ em đi khỏi nhà này.
Nhung thấy quả tim đập mạnh, nàng đoán có sự gì rất không hay đã xảy ra vội nói:
- Vì cớ gì thế, anh?
- Không vì cớ gì cả. Nhưng anh đã đoán thì chắc đúng. Anh rất có lỗi với em, anh phải đi trước khi xảy ra những chuyện rất không hay cho em... làm hại đến danh tiếng em.
Nhung lo lắng hỏi dồn:
- Có ai nghi ngờ, có ai biết hở anh?
Nghĩa nghiệm thấy Nhung lo sợ có người biết hơn là buồn phải xa chàng. Chàng tức tối nói:
- Hình như thế... mà em cũng chẳng cần phải nhất định gì nữa. Nếu yêu nhau chỉ khổ vì nhau thì thà xa nhau mà quên đi. Thế là hơn. Anh không thể nào cứ yêu em mà không có ngày để tiếng xấu cho em.
Nhung thấy mặt mày tối tăm. Hình bóng các cây trong vườn biến đi hết, chỉ còn một màu đen như mực trước mắt nàng. Nàng nói như người liều:
- Em sẽ đi với anh.
Nghĩa sung sướng. Chàng vội nói để cho Nhung vững tâm:
- Thế nào anh cũng đi khỏi. Nhưng vì ông Hai sắp đổi đi xa, đem cả mấy đứa cháu đi, chứ không phải có ai nghi ngờ gì đâu. Em đừng vội lo.
Trong lúc đó, bà Án đứng nấp sau một cây ngọc lan. Bà vờ giơ tay níu cành bẻ lộc, mắt nhìn đăm đăm về phía vườn tối, lúc nãy nhìn theo bà thấy Nhung đi về phía ấy, nhưng vì khuất cây nên bà không rõ Nhung đứng chỗ nào và có Nghĩa ở đấy không. Bà toan vào hẳn vườn, nhưng bà sợ Nhung bắt gặp sinh ra nghi ngờ.
Cũng may vừa lúc ấy có tiếng Lịch gọi Nghĩa. Bà nghe tiếng lá cây động và một bóng đen đi quặt ra sau chùa. Bà đoán chắc đó là Nghĩa. Một lúc lâu, bà lại thấy một bóng đen nữa ở trong rặng cây đi ra. Bà Án nhìn rõ biết là Nhung, liền vội vàng quay trở vào chùa. Bà mỉm cười vì thấy mình đã đoán trúng, nhưng trong lòng lo lắng, bối rối:
- Còn độ mười ngày nữa thì ông giáo đi.
Nghĩ vậy, bà hơi yên tâm. Điều cần nhất đối với bà là phải giữ kín câu chuyện này không để cho một người nào ngoài bà ra được biết. Bà lẩm bẩm tức tối:
- Thật là nuôi ong tay áo. Hai đứa đốn mạt!
Biết là Nhung đã vào đến hiên chùa, bà quay ra cố giữ vẻ bình tĩnh hỏi:
- Con đã hái lộc chưa?
Thấy Nhung cầm một cành ổi trong tay, bà mỉm cười:
- Ai lại hái lộc ổi bao giờ. Sao con không ra cây đa mà bẻ?
Bà cúi mặt xuống ngay vì bà sợ Nhung nhìn vào mặt mình lâu nhận thấy vẻ nghi ngờ chăng. Bà ngẫm nghĩ:
- Phải làm thế nào cho nó không biết được rằng mình đã rõ chuyện. Nếu nó biết đâm ra liều thì nguy lắm.
Bỗng bà nghĩ đến nỗi buồn của bà trong mấy năm sau khi ông Án mất, bà đưa mắt nhìn theo Nhung đi lẹ làng dưới sân, dáng người mềm mại uyển chuyển.
- Tội nghiệp. Nó còn trẻ mà góa bụa đã mấy năm rồi.