Chương 4

     à Án cho Nhung trở lại chỗ cũ, cầm kim khâu rồi mới cất tiếng gọi to:
- Nhài ơi!
Gọi xong bà quay lại bảo Nhung:
- Con Nhài nó đến đây. Mẹ thấy nó lên tỉnh đã năm sáu hôm nay, bây giờ nó mới vác mặt đến.
Nhài không dám vào, đứng ở cửa, bà Án quát:
- Mày lên đây làm gì?
Nhài ngập ngừng thưa:
- Bẩm, đầu năm con lên hầu cụ, hầu mợ con.
- Con này mới học được cái thói điêu. Hôm nọ tao vừa gặp mày ở cửa chợ đi với thằng nào? Hừ thế mà nói lên hầu cụ, hầu mợ... cảm ơn cô.
Nhung khó chịu, nhưng cố mỉm cười ngồi nghiêng đầu nhìn ra cửa bảo Nhài:
- Sao mày không vào quá trong này cụ hỏi.
Nàng thấy Nhài gầy gò xanh xao, động lòng thương toan hỏi, thì bà Án đã gắt:
- Quân này lại trốn đi theo trai đây thôi. Muốn yên lành thì về với nó ngay, nếu không tao gọi nó lên lôi cổ về thì rồi không ra gì đâu.
- Bẩm cụ, con xin lên trên này để ở hầu cụ.
- Không được. Tao không nuôi đâu. Mang tiếng cả đến tao, rồi thằng chồng mày nó mất vợ, nó lại trách cả tao đây.
Bà ngọt ngào tiếp theo:
- Thôi biết điều thì về với chồng con cho phải đạo vợ chồng. Đừng có học cái thói lăng loàn ấy nữa, làng nước người ta cười cho. Chúng mày tưởng rằng nhà hạ lưu thì không cần gì cả sao? Người sang thì tiếng lớn, người hèn thì tiếng nhỏ, nhưng ở đời ai cũng có danh tiếng của mình, ai không có liêm xỉ.
Nhung vờ chăm chú đưa mũi kim. Nàng lưỡng lự, không mắng thì sợ ra vẻ bênh Nhài, mà mắng thì nàng ngượng, sợ sau này không khác gì Nhài. Nghe tiếng sụt sùi khóc, Nhung ngửng lên: Nhài vừa lấy vạt áo lau nước mắt vừa nói:
- Cụ không thương cho con ở trên này hầu hạ, con về nó đánh chết mất.
- Nó đánh là phải lắm. Còn kêu ca gì nữa. Mày thì còn chết nếu mày không chừa hẳn cái tính đĩ thõa của mày đi. Tao còn lạ gì tính mày... Rõ thật bao nhiêu năm ở với chủ mà không học được mảy may tính nết của chủ.
Bà muốn ám chỉ Nhung và khen Nhung một cách gián tiếp, vì Nhài trước kia ở hầu hạ Nhung hơn ba năm trời.
Bà Án rất yêu Nhài, con Nhài như một người trong họ nên bà tự cho mình có quyền mắng sỉ Nhài tàn tệ. Lúc mắng bà chỉ nghĩ đến Nhung. Thật là một dịp may mắn cho bà được dùng những lời mắng một người khác để cảnh tỉnh con dâu đương đi vào lầm lỗi. Nhài đợi bà Án nói xong, rồi vừa khóc vừa kể lể:
- Bẩm cụ, cụ ở xa không rõ, không có một ngày nào là nó không lôi con ra nó đánh. Con đã hết sức chiều... hồi năm ngoái, sắp đến ngày ở cữ, vì nó đá con hai cái vào bụng, con bỏ mất đứa bé. Con vẫn phải cắn răng chịu, nhưng trong những lúc con ốm, nó cũng chưa tha...
Nhài nấc lên một tiếng to nghẹn ngào tiếp theo:
- Con không hiểu làm sao con lại gặp phải số phận như thế.
Nhung nghe chuyện tức quá, nhưng làm như không để ý đến, vẫn đưa mũi kim khâu. Bà Án nói:
- Mày nói lạ! Ruột gan ai cũng là người. Tự nhiên vô cớ, mày không bêu xấu nó, làm mất tiếng nhà nó, đâu nó lại đánh mày...
Nhung đoán rằng Nhài bị chồng đánh là vì Nhài có nhan sắc, lại vẫn có tính trai lơ, gặp ai cũng cười cười nói không biết giữ gìn. Nàng phân vân cân nhắc hai cảnh mà từ trước đến nay chưa bao giờ nàng để ý tới: một đằng thả lỏng, tai hại đến luân thường, một đằng giữ gìn đè nén bằng một cách vô nhân đạo.
Nhung thấy bà Án chỉ để ý đến việc nhà Nhài làm xấu tiếng nhà chồng, mà không hề mảy may tức tối về lối dạy vợ tàn nhân của chồng Nhài.
Lịch ở phòng bên bước sang. Chàng đã nghe rõ đầu đuôi câu chuyện nên nói luôn với bà Án:
- Thưa mẹ, con tưởng cứ cho con Nhài ở đây rồi gọi chồng nó lên bảo cho chồng nó biết. Thà chúng nó bỏ nhau còn hơn để chồng nó hành hạ, đánh đập vợ như vậy.
Nhung thấy câu nói của Lịch rất hợp với ý nghĩ của mình. Nàng cũng vừa muốn khuyên bà An như vậy, nhưng không dám nói ra.
- Thà rằng Nhài bỏ chồng còn hơn. Không thể vì cái tiếng suông, bắt một người đàn bà chịu đau khổ một cách khốn nạn như vậy.
Lúc nghĩ thế, Nhung không ngờ rằng trong lòng nàng mới nảy ra một quan niệm mới đặt nhân đạo lên trên luân thường.
Nàng cũng vì một cái tiếng hão huyền mà phải chịu bao nhiêu sự đau khổ. Song những nỗi đau về tinh thần của nàng không rõ rệt bằng những nỗi đau khổ về xác thịt của Nhài.
Lắm lúc nàng muốn bà Án ăn ở ác với nàng chửi mắng nàng để nàng có cái cớ đích đáng bỏ nhà ra đi lấy Nghĩa mà vẫn giữ trọn vẹn cái danh tiếng ấy.
Sáng ngày, Nhung thấy Nghĩa rục rịch đi. Mấy đứa con ông Hai không học ở nhà nữa, thì việc Nghĩa đi là một việc rất tự nhiên. Nhung sợ mình lộ vẻ cảm động để mọi người nghi ngờ, nên từ sáng nàng đem kim chỉ ngồi khâu không ngừng tay. Mấy lần nàng đã cố nén mới khỏi sa nước mắt. Từ bữa tết, nàng đã có ý lánh không muốn gặp Nghĩa nữa, vì nàng chưa định cách xử trí ra sao. Tuy buồn, nhưng nàng vẫn thầm mong Nghĩa đi khỏi nhà này, sớm ngày nào hay ngày ấy.
Những lời bà Án mắng Nhài vừa rồi lại làm cho nàng biết rõ rằng nàng không thể nào bỏ đi theo Nghĩa được. Nàng đành chịu buồn khổ ít lâu, rồi có ngày nàng sẽ quên đi: tiếng thơm của nàng, của nhà chồng nàng, sẽ được toàn vẹn. Nàng cũng sẽ được yên thân. Nàng đã êm ả trong lòng, tự hỏi:
- Không biết có được như thế mãi không?
Nhung ngửng lên nhìn Lịch rồi cất tiếng nói mấy câu lộn xộn mắng Nhài. Nàng không rõ nói những gì, nàng chỉ biết những tiếng lẳng lơ, đĩ thõa nhắc đi nhắc lại hai ba lần mà mỗi lần nhắc đến, nàng lại thấy ngượng mồm. Thật ra nàng chỉ dùng những tiếng đó để tự mình mắng mình và giữ gìn mình trước, khỏi bị xiêu lòng về sau. Nàng cho rằng khi đã mắng một người khác là đĩ thõa thì không thể nào mình lại sa vào cái tật xấu ấy nữa.
Bà Án nghe con dâu nói, mừng rỡ vô cùng. Bà thấy những lời của Nhung rất chân thật, chân thật đến nỗi làm cho bà ngờ ngợ không biết có phải Nhung dan díu với Nghĩa thực không. Có lẽ đêm giao thừa bà đã trông lầm hay bị một sự tình cờ đánh lừa: ngoài hai bóng đen ở trong vườn, bà không có một tang chứng nào chắc để buộc tội con dâu. Bà động lòng thương Nghĩa có lẽ bị mất chỗ làm oan, nhưng bà cho là một việc bắt buộc phải thế để phòng xa.
Nhung mắng Nhài xong, thu dọn rổ khâu rồi về phòng khóa cửa lại. Nàng nghẹn ngào muốn khóc, mệt mỏi ngồi chống tay xuống bàn nhìn ra cửa sổ. Đôi mắt nàng hé mở như để đón lấy sự đau đớn và mắt nàng bị nước mắt ứa ra mờ dần dần...
Nàng cầm khăn tay vừa chấm lên mắt vừa lẩm bẩm:
- Khóc lại đỏ cả mắt, ai biết thì nguy...
Nhung thấy lau không xuể, đành để mặt cho nước mắt giọt nọ theo giọt kia chảy ròng ròng trên má.
Ngay lúc đó, ngoài nhà có tiếng bà Án nói:
- Ông giáo hãy ở lại ít lâu đã. Khi nào tìm được chỗ làm chắc chắn hãy đi.
Tiếng Nghĩa đáp lại:
- Thưa cụ, con có người anh em mách cho việc trên mỏ Tĩnh Túc ở Cao Bằng.
- Xa thế, trên ấy nước độc lắm đầy.
- Thưa cụ, con cũng không chắc đi. May ra có thể tìm được việc làm ngoài tỉnh.
Yên lặng một lát, có tiếng Nghĩa tiếp theo:
- Hôm nào tìm được công việc yên ổn, con xin lại hầu cụ.
Nhung thấy Nghĩa đứng lại nói chuyện với Lịch lâu lắm.
Nàng nghĩ:
- Chắc Nghĩa lần khần ở lại đợi ta ra.
Nhung lấy khăn lau nước mắt nhìn vào trong gương, lắc đầu. Nàng lên giường nằm, kéo chăn trùm kín không muốn nghe tiếng nói chuyện ở ngoài nhà. Vì đêm trước thức khuya nên Nhung ngủ thiếp đi. Lúc nàng tỉnh giấc, trời đã về chiều. Nàng ngồi dậy, nhìn ra mấy ngọn tre gió đưa lắc lư lên nền trời mây xám mờ lờ, Nhung như vừa tỉnh giấc mơ đau đớn, và trong người thấy nhẹ nhàng vì sự đau đớn đó đã qua rồi.
V
Nhung đương ngồi trong buồng tự nhiên thấy quả tim đập mạnh. Nàng vừa thoáng nghe tiếng Hòa ở ngoài hiên nói:
- Chào bác.
Không hiểu tại sao nghe giọng chào của Hòa nàng biết ngay người đến chơi là Nghĩa, tiếng Lịch nói:
- Mợ bảo nó pha nước. Chúng tôi đi bộ khát quá.
Nhung lấy làm tiếc rằng đã nhút nhát không ra nhà ngoài ngay lúc Nghĩa mới đến để được nhìn thấy mặt Nghĩa. Trong lúc Nghĩa ngồi nói chuyện với bà Án, Nhung không dám ra nữa vì sợ không được tự nhiên, đành ngồi lại trong buồng lắng tai nghe. Nàng mừng rằng Nghĩa đã tìm được công việc làm, nhưng cái lãng mạn của nàng lại muốn rằng Nghĩa thật khổ sở để nàng thương và để nàng có dịp cứu giúp.
Nhung khẽ ho lên một tiếng. Một lúc sau có tiếng ho của Nghĩa đáp lại, Nhung mỉm cười vì lại dùng đến cái hiệu lệnh kín đáo mà hai người trước kia vẫn dùng để hẹn nhau ra sau vườn.
Ở ngoài nhà, Nghĩa cố xoay câu chuyện để nói cho Nhung biết rõ số nhà mình ở:
- Thưa cụ, con thuê được cái nhà của người anh em nhường lại giá rẻ quá... phải cái phố con ở hơi hẻo lánh. Nhiều khi đi xe bảo kéo về ngõ 260, phu xe không biết chỗ nào mà tìm.
Ngừng một lát, Nghĩa cười rồi bảo Lịch:
- Anh cũng tài thật. Anh làm thế nào mà tìm ngay được nhà tôi ở. Cái biển số nhà treo ở cửa có hai con số bốn thì rỉ đã mất một con số rồi.
Nhung hồi hộp lẩm nhẩm
- Số bốn mươi tư, ngõ hai trăm sáu mươi.
Nghĩ được một cớ rất hay, nàng mở tủ lấy chiếc áo nhung đen mặc vào người. Nàng định sang bên bà Nghè chơi và khi đi qua buồng khách sẽ thừa dịp gặp Nghĩa. Nhung lại đứng trước tủ ngắm qua vẻ mặt mình trong gương, rồi toan mở cửa phòng. Bỗng nàng nghĩ được điều gì, quay trở lại, mở ngăn kéo tìm tòi. Nàng lấy ra cái bút chì rồi cặm cụi viết hai con số bốn lên thành ngăn kéo. Sợ lộ quá nàng lại xóa đi và ra mở cửa, nhưng nàng có ý viết số nhà một chỗ và viết số ngõ vào một chỗ khác.
Nghĩa thấy Nhung ra, đứng dậy chào. Nhung lễ phép cúi đầu chào lại, nói giọng thản nhiên:
- Ông giáo, tôi lại tưởng ông khách lạ nào, ông vẫn ở trên tỉnh?
Rồi nàng không đợi câu trả lời của Nghĩa, quay lại phía bà Án nói:
- Thưa mẹ, con sang chơi bên nhà. Hai em con có lẽ hôm nay ngược.
Nói xong, nàng đến gần bàn cầm chén nước uống để được đứng lại ít lâu nữa. Nhưng cả hai người đều không dám nhìn nhau: Nghĩa quay đầu hỏi chuyện Lịch, còn Nhung thì cúi nhìn vào chén nước, uống vội vàng.
Nhung đặt chén nước xuống, quay lại nhìn Nghĩa nói:
- Ông giáo ngồi chơi.
Nghĩa vờ giật mình, ngửng lên nhìn Nhung rồi đứng dậy chào. Nghĩa khó chịu nhìn vẻ lạnh lùng trên nét mặt Nhung.
Chàng thấy Nhung có vẻ thờ ơ và đối với chàng xa xôi như một người đàn bà chưa quen biết. Lòng ích kỷ xui chàng tiếc rằng đã bỏ mất những dịp tốt. Chàng ngẫm nghĩ:
“Ở cùng một nhà với một người đàn bà góa mà mình cũng ngu ngốc giữ gìn một cách vô lý. Biết đâu người ta đã yêu mình. Bây giờ thì thật hết hy vọng?”
Tuy nhìn thoáng qua, song Nhung cũng nhận thấy vẻ căm tức, oán hận trong hai con mắt Nghĩa.
Khi ra đến ngoài đường, một người làng cung kính chắp tay chào, nàng mỉm cười đáp lại và thẳng thắn nhìn người đó.
Từ hôm Nghĩa đi, nàng sống trở lại cái đời đầy đức hạnh trước: nhìn mọi người chung quanh nàng không thấy ngượng nghịu, và cử chỉ của nàng, nàng không phải giữ gìn nữa.
Nhung bâng khuâng nghĩ đến cuộc đời nàng cứ êm ả như thế rồi kéo dài mãi cho đến khi tóc bạc trên đầu. Nàng tự hỏi:
- Như thế để làm gì?
Nhìn giậu duối bên đường, Nhung nhớ lại một đêm trời sáng ở tỉnh về gặp Nghĩa. Hai người cùng đi song song một quãng như đi trên một con đường mơ mộng. Nàng như còn thấy rõ trước mắt cái cảnh huyền ảo đêm hôm đó, hai hàng giậu duối mới cắt, vì có những lá duối báng ướt sương đêm, phản chiếu ánh trăng, nên trông lấp lánh như nở đầy hoa trắng. Nàng thấy lại cái cảm tưởng ngây ngất khi Nghĩa giơ tay ôm lấy người nàng và bạo dạn một cách liều lĩnh đặt trên môi nàng cái hôn nồng nàng... trong khi trên đường sáng mờ mờ bóng đen của hai người hợp lại thành một.
Bất giác Nhung lẩm bẩm:
- Bốn mươi tư, hai trăm sáu mươi...
Nhung đến cổng nhà lúc nào không biết, Phương mừng rỡ:
- Em vừa định chạy sang nhà chị. May quá chị lại sang đây.
Nhìn Phương vui cười, ngồi trên phản gấp quần áo trong khi Lũy lúi húi xếp va li, Nhung có ý thèm muốn cái cảnh hai vợ chồng trẻ yêu nhau đương sắm sửa để cùng đi xa.
Bà Nghè nói:
- Bảo nó ở lại mãi, nó không chịu nghe. Vợ chồng nó cứ nhất định đem nhau đi hôm nay.
Ngừng một lát, bà buồn rầu nói tiếp:
- Mai nhà lại vắng tanh.
Phương vừa cười vừa giật lấy cái va li của Lũy vì thấy lúng túng xếp mãi không gọn mắt. Nàng nhìn chị và đáp lại lời bà Nghè:
- Đã có chị con ở nhà.
Nhung tự nhiên thấy thoáng hiện ra trong trí cái cảnh bà Nghè ngồi khóc sáu tháng trước đây khi biết tin Phương phải lòng Lũy. Nàng chắc rằng bà Nghè hiện giờ đương sung sướng thấy vợ chồng Lũy yêu nhau, hẳn đã quên cái giận ấy rồi, và không bao giờ nhìn trở lại để nhận thấy sự thay đổi đó. Ngắm hai em rồi lại nghĩ đến thân phận mình, Nhung lẩm bẩm:
- Cứ bạo là được.
Ngay từ hôm cưới, Nhung đã thấy trước rằng sẽ có cái cảnh vui vẻ như thế này, vì đó là một cảnh rất hợp lý lẽ của sự sống không câu thúc, tự nhiên. Đáng lẽ Phương phải chịu khổ nhục cả một đời - vì lấy con ông Tuần, Nhung cho là một sự khổ nhục - chỉ vì biết bạo khi nào cần phải bạo nên đã thấy được hạnh phúc.
- Mà như thế đâu có hại đến thanh danh của nhà.
Lúc đó, nàng thấy việc nàng lấy Nghĩa cũng giản dị như việc Phương, Lũy lấy nhau. Nàng ngẫm nghĩ:
- Liều, mình cũng phải biết liều mới được.
Nhung tiễn hai vợ chồng Lũy ra dể nhân tiện về qua nhà xem Nghĩa còn ngồi chơi đó chăng, Phương âu yếm nói với chị:
- Hôm nào mời chị lên chơi. Em sẽ đưa chị đi xem hồ Ba Bể. Đẹp lắm cơ, chị ạ. Để đến mùa thu sang năm, vì hồi đó tạnh ráo, đường dễ đi.
Nhung đáp:
- Chị thì đi thế nào được. Chị bận luôn.
Nói vậy nhưng nàng cũng không hiểu rõ là nàng bận gì, Phương và Lũy cùng cất tiếng chào:
- Thôi, chị ở lại.
Nhung đứng ở đầu ngõ nhìn theo cho đến khi xe khuất sau vườn cây. Nàng cúi đầu đi bước một trên con đường lát gạch, những bông hoa soan rụng rải rác khắp nơi, nàng trông như xác những con bọ sau một đêm mưa to gió lớn. Nàng buồn rầu nhắc lại mấy tiếng chào của hai em:
- Thôi, chị ở lại.
Khi Nhung về đến nhà thì Nghĩa đã đi rồi. Mọi người đương ngồi trên sập, sắp cầm đũa ăn cơm, hơi nóng ở mấy cái bát canh bốc lên nghi ngút. Cái cảnh gia đình đoàn tụ một buổi chiều mùa xuân làm Nhung nghĩ đến thân phận lẻ loi của nàng, suốt đời ở trong gia đình mà bao giờ cũng như không có gia đình.
Bà Án ngồi lùi vào, dịu dàng bảo Nhung:
- Con ngồi đây, bên cạnh hỏa lò cho ấm.
Nhung ngồi ghé xuống một mép sập, bưng bát cơm ăn. Nàng thấy mọi người từ bà Án cho đến Hòa, không ai thật lòng yêu nàng, nhưng người nào cũng cố hết sức để nàng được yên thân, có lẽ vì thế nên Nhung có cái cảm tưởng rằng mình sống ở trong nhà như một cái bóng yên lặng, và đời nàng, nàng thấy nhạt nhẽo như miếng cơm trắng nàng đang nhai trong miệng.