Sự thơ ơ đáng sợ

     hiên tòa diễn tiến bình thường cho đến khi xuất hiện một bị cáo không mặc áo tù: bị cáo P.V.B. B đứng thứ 15 hay 16 gì đó trong số 18 bị cáo, chỉ đóng vai trò thứ yếu, đang được tại ngoại chớ không bị tạm giam như những người khác. Chủ tọa Hội đồng xét xử hỏi “Bị cáo có nói cô này không phải người đàng hoàng, khiến cho ba người phụ nữ kia bỏ đi, có đúng không?”. B nói “Dạ không” - “Sao không được? Thế tại sao mấy cô kia bỏ đi?” - “Bị cáo chỉ nói: Không tin! Nhà ở quận 5 mà đi lạc là không tin!”.
Người tôi nổi gai ốc. Câu nói bâng quơ, tưởng chừng vô hại đó đã đẩy em gái nhỏ mới 15 tuổi vào tấn thảm kịch khủng khiếp.
18 bị cáo bị Tòa án Nhân dân Thành phố truy tố tội hiếp dâm [1] đứng thành hai hàng dày trước vành móng ngựa, trong khi nạn nhân chỉ là một em gái nhỏ nhắn. Sự chênh lệch đó, giữa ban ngày và giữa phiên tòa như vầy mà còn tạo ấn tượng huống hồ thử hình dung cảnh tượng đêm hôm xảy ra vụ án (6/1993). Trong đêm tối mịt mùng giữa đồng ruộng vắng vẻ, một em gái nhỏ một thân một mình trơ trọi giữa hai chục gã côn đồ. Sự việc xảy ra cách nay đã gần 2 năm nhưng sự thảng thốt như vẫn còn hằn trong lời kể của L “...
Đông lắm chị ơi, bọn chúng đông lắm, đứa nào cũng cao lớn. Tụi nó đứng quây tròn chung quanh em, tất cả cởi áo quăng xuống đất thành một đống. Đứa nào đứa nấy mặt mày hung tợn. Không, không phải mấy đứa này đâu, tụi kia cao lớn lắm!”. Cô gái lặp đi lặp lại câu nói sau cùng. Bà mẹ của cô thở dài nói với tôi: “Nó lại lên cơn rồi đó cô. Bây giờ nó không còn nhớ gì nữa đâu, nói một hồi là cô sẽ nhận ra nó nói không đầu, không đuôi, lộn xộn lung tung hết...”. Rồi bà quay qua con, dịu dàng nói: “Kìa con, con nói vậy không đúng đâu.
Tất cả những người này đều khai nhận, công an cũng đã điều tra sự việc, sao con lại nói là không phải?”. Tôi xót xa nhìn L. Việc em rối loạn là lẽ đương nhiên. Làm sao em có thể nhớ rành mạch những điều xảy ra trong đêm kinh hoàng đó được? Nếu như em có hét lên rằng đêm đó vây quanh em toàn là loại người có răng nanh và sừng nhọn, tôi cũng sẽ không ngạc nhiên.
Sáng ngày 28/6/1993, một người quen của gia đình L đi lễ ở nhà thờ C.T, nhìn thấy em ngồi cuộn tròn trong góc nhà thờ. Bà hốt hoảng, không thể nhận ra cô bé quần áo tơi tả, người lấm lem đầy bùn đất và máu, hai chân sưng tấy. L đã bị xô đẩy, bị lôi, bị nhấn xuống ruộng bùn, bị hiếp đâm, ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Người đi lễ xúm lại ngày một đông, ai cũng khuyên em phải về nhà ngay. Nhưng em không chịu, nói má sẽ đánh chết. Cuối cùng người hàng xóm kêu xe đưa em về. Suốt mấy ngày sau đó, L chìm trong cơn mê sảng trong phòng cấp cứu bệnh viện N, và phải sau 3 tuần điều trị mới xuất viện được. Sau đó, gia đình đã phải đưa em đi điều trị ở chuyên khoa tâm thần. Các bác sĩ chẩn đoán em bị “loạn thần kinh lo âu sau khi bị hiếp dâm”. Tất cả thảm trạng đó có thể đã không xảy ra.
Theo lời khai tại phiên tòa và hồ sơ vụ án thì chiều ngày 27/6/1993, bị cáo B bắt gặp một cô gái trẻ chừng 15, 16 tuổi đang nói chuyện với 3 phụ nữ mặc đồng phục, có lẽ là công nhân một nhà máy nào đó. Cô gái khóc, nói mình đi lạc và xin mấy chị đưa về giùm. B đứng gần đó nghe thấy đã nói chen vào, tỏ ý nghi ngờ cô gái. Sau đó, ba người phụ nữ bỏ đi.
L nói với tôi, em không chỉ nhờ ba chị công nhân trên. Em đã đứng ở cầu Nhị Thiên Đường rất lâu, cầu cứu những người qua lại. Có một lần, tưởng đâu em đã đuợc về nhà khi một anh thanh niên đi xe đạp dừng lại, nhưng rồi sau đó không biết nghĩ sao, anh lại bỏ đi. Không ai tin rằng em đi lạc. Cho tới khi trời sụp tối thì L hoàn toàn mất phương hướng. Từ nhỏ tới giờ, L không đi đâu ra khỏi gia đình. Sáng nay sau khi bị má rầy la, L đi ra khỏi nhà, định đến chơi nhà một người bạn ở Bình Chánh, nhưng rồi em bị lạc đường.
Sau khi được đồng bọn báo cho biết tình cảnh của em L, T. V.D. đã lấy xe đạp chạy theo L, nói là để chở em về nhà. 6 bị cáo đưa L vào khu ruộng phía sau trường mẫu giáo, dùng bạo lực để cưỡng hiếp, đồng thời 13 tên khác cũng kéo tới. Một số tên sau đó đã bỏ về khi thấy L bị ngất xỉu. Đến khuya, L được hai bị cáo K và T.A. chở về nhà dì của K với ý định tiếp tục hiếp dâm L. Em đã chạy thoát ra được một quãng đường, gặp một người đàn ông đang đi soi nhái. Em quỳ xuống lạy người đàn ông (sau này mới biết tên là B) xin đưa em ra công an xã giúp. Nhưng lúc đó, bị cáo H.V.T. chạy đến bảo ông già để anh ta đưa L ra công an xã giúp cho và một lần nữa, hy vọng được cứu thoát của L bị dập tắt. L rơi vào tay của đám thanh niên. Lần này, họ đưa em vào trường cấp 1 P.P. L tiếp tục bị hiếp dâm ngất đi tỉnh lại nhiều lần.
Thảm trạng này một lần nữa đáng lẽ đã có thể không xảy ra, nếu như... Theo hồ sơ thì vì trời tối, L không nhận ra mặt của H.V.T. nên đã đồng ý đi theo anh ta, tưởng anh ta chờ giúp tới công an xã thật. Nhưng L kể với tôi rằng em nghe T và đám thanh niên hăm dọa ông B, nói nếu ông can thiệp vào, họ sẽ hành hung, vì thế ông đã bỏ đi.
Cho tới gần sáng thì anh S, một người dân sống ở gần trường cấp 1, nghe có tiếng động trong trường, đã chạy sang. Đám thanh niên bỏ chạy. Một số năn nỉ anh đừng tố cáo. Nhưng lúc này đã muộn. Người L đầy bùn và máu. Em được đưa lên một chiếc xe ba gác máy chở về quận 5, nhưng không dám về nhà, nên đã tìm đến nhà thờ.
L chỉ mới 15 tuổi, còn cả một cuộc đời rất dài ở phía trước phải mang theo một thương tật tâm hồn khủng khiếp. Hễ nhắm mắt lại là em lại nhớ về đêm ấy, những bộ mặt hung tợn, những con người cao lớn vây chặt chung quanh. Lẽ ra em đã có thể tránh được. Đã có ít nhất ba lần em có thể tránh được thảm cảnh mà nào phải đâu đòi hỏi một phép mầu, một hành động phi thường, hay một sự cố gắng quá sức cho cam. Tôi đã từng chạy qua luôn trước một cái vẫy tay xin đi nhờ, và luôn tự hào mình hành động đúng trong thời buổi quá nhiều chuyện cần cảnh giác này. Và tôi đã phải ân hận suốt sau câu chuyện của L. Lương tâm của mọi người liệu có thể yên ổn không, khi biết được rằng chỉ vì sự thờ ơ hay quá cảnh giác của mình, mà cuộc đòi của một cô gái nhỏ bị hủy hoại. Phép mầu của cuộc sống đôi khi bắt đầu từ một điều thật nhỏ.
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 11/4/1995.