Chiến tranh và thân phận của một người tù

     ý lịch của người tù:
Họ tên: Đỗ Hòa. Sinh năm 1959. Văn hóa lớp 8. Cha: chết. Mẹ: chết. Nghề nghiệp: sống lang thang công viên. Năm 1987: 9 tháng tù tội trộm cắp. Năm 1988: 18 tháng tù tội trộm cắp.... Trong dòng lý lịch buồn thảm đó bỗng nổi lên một chi tiết lạ: Năm 1978: đi Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo tội ác chiến tranh.
Tôi nhìn kỹ hơn người tù, tìm dấu tích của chiến tranh. Tôi nghĩ anh ta là thương binh, nhưng không phải. Gầy, khẳng khiu nhưng lành lặn. Chiến tranh đã không đụng chạm gì đến cơ thể con người này, sự tàn phá của nó ở chỗ khác...
1.
5 giờ sáng ngày 26/3/1992, anh T.V.T. tập thể dục chạy bộ đến công viên 30/4 thì thấy hai thanh niên: một đang cắt dây điện trên một trụ điện, một ngồi phía dưới. T chạy về khu nhà tập thể của mình gọi anh S là xung kích cùng chạy Honda quay trở lại. Lúc đó, việc cắt dây điện đã xong xuôi. Đỗ Hòa đang ôm bao dây điện đi trên đường Thái văn Lung gần công viên thì bị bắt. Sau đó, công an tiếp tục bắt được một người khác tên Lê Lộc và khám thấy trong người này có một cây kềm. Tại biên bản phạm pháp quả tang, Lộc và Hòa đều ký nhận là đã cùng nhau cắt trộm 7 ký dây điện.
Đỗ Hòa sống lang thang tại công viên đã mấy năm nay. Anh ta có vợ, có một con năm nay đã lên 3 tuổi. “Vợ anh chắc cũng là dân sống lang thang?”. Anh nói: “Không, vợ tôi là con nhà lành, nghèo, làm hồ. Nhà ở Nhà Bè. Cũng không cha không mẹ, cùng hoàn cảnh, quen nhau”. Anh nói thêm: “Nhưng vợ tôi cũng bỏ tôi rồi”. “Sao anh biết chỉ bỏ anh?” “Từ hồi tôi ở tù tới giờ, vô thăm nghe nói án này ít nhứt cũng 5 năm. Hổng thấy vô nữa, chắc nó bỏ luôn rồi...”.
Từ Quảng Ngãi vô thành phố, thoạt đầu chạy xích lô, nhưng sau đó thì ra công viên, sống lang thang không nghề nghiệp, cuộc đời của con người này xem ra khó có thể mà đi theo hướng khác. Hai tiền án và lần ra tòa lần này có lẽ khá đủ để cho thấy một cuộc sống không tương lai, không nghề nghiệp, nay công viên mai nhà tù - một cuộc sống có lẽ còn khổ nhục hơn cây cỏ.
Bị cáo Đỗ Hòa khai tại phiên tòa [1], người cắt dây điện là Hùng, tự Tám Ngón - cũng là dân sống lang thang, còn bị cáo chỉ giằng lại bao đây điện từ Tám Ngón, tính đi bán kiếm tiền xài. Hòa khai chỉ biết Lê Lộc khi gặp nhau tại trự sở công an phường. Sở dĩ Hòa ký vào biên bản phạm pháp quả tang là vì bị đánh chịu không nổi.
2.
Luật sư hỏi bị cáo: “Gia đình anh thuộc diện gia đình liệt sĩ phải không? Vậy anh cho biết là gia đình liệt sĩ như thế nào?” Đỗ Hòa nói giọng đều đều, đôi lúc có chậm rãi, như thể đang nói chuyện của một ai khác: “Năm 1968, mẹ và mấy đứa em bị tàn sát trong vụ Sơn Mỹ. Năm 1969, cha là bộ đội, bị bắn chết. Chú là bộ đội đặc công bị chết. Ông nội là công an xã bị trúng mìn chết. Bị cáo về ở với ông ngoại, bà ngoại”.
Đại diện Viện Kiểm sát hỏi tại sao bị cáo ký vào biên bản phạm pháp quả tang? Bị cáo vẫn giữ câu trả lời “Vì bị ký”. Nãy giờ, những câu hỏi cửa Hội đồng xét xử nhìn chung đều xoay quanh hai chữ “tại sao” ác nghiệt đó. Nhưng dù cho bị cáo có nói đúng đi nữa thì có một thực tế là bị cáo bị bắt khi đang ôm bao dây điện. Đây đã là phiên tòa thứ 3 của bị cáo. Hai phiên tòa trước đây, phiên sơ thẩm đầu tiên, bị cáo bị kết án 3 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bị cáo làm đơn kháng cáo, xin giảm án. Phiên thứ 2 phúc thẩm, TAND tối cao quyết định hủy bỏ bản án sơ thẩm, yêu cầu tiến hành điều tra lại, làm sáng tỏ thêm chứng cứ, cần cho đối chất nhận diện... Và phiên thứ 3, phiên tòa sơ thẩm xét xử lại, lần này đại diện Viện Kiểm sát đã chuyển tội danh, truy tố bị cáo tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” với mức án đề nghị từ 10 đến 12 năm.
Việc xác định bị cáo có phạm tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” hay không, như đã nêu trên như vậy là một việc không đơn giản. Giờ nghị án, bị cáo vào ngồi đợi trong hành lang bên hông phòng xử án, chờ nghe Hội đồng xử án quyết định số phận của mình. Chuyện xảy ra cho bị cáo khá là hy hữu: Từ mức án 3 năm, chuyển thành việc anh ta có thể bị phạt tù từ 10 đến 12 năm.
3.
“Mỹ đổ bộ, bắn vòng tròn, không cho ai chạy ra ngoài vòng. Xong bắt dân tập họp giữa đồng ruộng, cho xuống một con kênh xăm xắp bùn. Lính Mỹ đông lắm, kê súng xả xuống bắn một lượt. Sau đó, một số lính Mỹ kéo đi đốt nhà, những người già chưa ra kịp bị chết thiêu. Những cô gái bị cưỡng hiếp, rồi xé xác quăng vào lửa... Mỹ quay lại lần 2, thấy con nít còn la khóc, một số người còn sống nên bắn tiếp lần nữa. Lại đi đốt nhà, đốt lúa gạo, giết hết heo, gà xong quay trở lại bắn tiếp lần 3. Coi như hết, chỉ còn tôi với hai đứa kia...”. Anh ta đang kể cho tôi nghe chuyện năm 1968. Tôi cố hình dung ra một em bé trai 9 tuổi hãi hùng như thế nào giữa cuộc tàn sát đó. Người tù ngồi đây đã sống sót nhờ nằm dưới những thây người chồng chất, trong khi mẹ và ba đứa em nhỏ của anh ta chết hết.
“Tôi bị Mỹ vớt đưa lên nhà thương Chu Lai, người máu không. Khám thấy không có thương tích gì, tôi nghe nói chuẩn bị làm giấy tờ đưa tôi qua Mỹ ở luôn, tôi tìm cách trốn về để coi mấy đứa em và bà già còn sống hay chết”. Anh ta nói thêm: “Lúc đó còn nhỏ vậy chớ tôi cũng khôn lắm, không biết đường đi nhưng cũng trốn chạy được về tới nhà...”. Tôi hỏi: “Tôi không hiểu tại sao lính Mỹ lại đưa anh đi nhà thương?”. “Vì có mấy nhà báo họ muốn phỏng vấn, quay phim vụ này” Tôi đã từng có dịp nghe kể về những tội ác kiểu diệt chủng, và xem những đống xương người chất chồng mà những người sống còn lưu giữ lại như một bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh, cũng thấy kinh hãi, thấy bức bối nhưng không trải qua thì cho dù có cố gắng đến mấy cũng sẽ không làm sao thấu hiểu được hết những nỗi thống khổ của người trong cuộc? Trong cuộc nói chuyện hôm ấy, tôi đã phạm phải một lỗi lầm: Tôi đã vô tình hỏi Đỗ Hòa rằng anh không bị thương, sao lính Mỹ lại đem anh vô nhà thương? Anh nói tại vì người anh đầy máu. Máu của những người khác, máu ngập đầy, con kênh, hầu như trở thành con kênh máu...
4.
“Ông nội làm cách mạng. Chú đi bộ đội. Sau đó, người cô ruột của tôi cũng tình nguyện đi bộ đội, nhà chỉ còn mình tôi, tôi được gởi lên bên ngoại ở. Sau giải phóng, tôi học tới lớp 7, rồi đi nước ngoài, sau khi đi về tôi nghỉ học luôn, phải nếu đi học tới lớp 12 thì có lẽ tôi tìm được việc làm, sống đỡ hơn bây giờ”. Đỗ Hòa tiếp tục những hồi ức dĩ vãng. Tôi chia sẻ với giọng nói như ngậm ngùi của người tù: “Vậy tại sao anh lại nghỉ học?” “Thấy hoàn cảnh nhà mình không được như người ta, nhà cửa lụp xụp, xiêu vẹo, sống khó khăn, ông bà ngoại vất vả, nghĩ buồn nản quả bỏ học”.
Hội đồng xét xử đã tuyên án bị cáo Đỗ Hòa 10 năm tù. Có những bị cáo ra tòa trong phiên tòa không có lấy một người thân, chuyện đó tôi cũng thường có gặp - có thể do người nhà không hay biết hoặc đã quá chán chê, nhưng không có ai như bị cáo Đỗ Hòa. Bởi những người tù kia tuy không có người thân hiện diện tại phiên tòa, nhưng ít ra họ cũng còn có mặt ở đâu đó trên cuộc đời. Bị cáo này thì không. Những người thân yêu gần gũi nhắt của anh ta đều đã nằm yên dưới đáy mồ. Không ai thăm nuôi khi anh ta ở tù. Ở tù không còn biết tin tức gì, ông bà ngoại của anh ta cũng không biết sống chết thế nào. Anh ta nói ông bà nhắn, kêu về hoài mà không có tiền về. Năm 1990, ra tù lần 2 tính tu, không phạm tội nữa. Thấy bao dây điện có thể bán kiếm được tiền nên giằng lấy. 7 ký dây, bán được chỉ trăm mấy ngàn không là tội trộm cắp đơn giản như anh ta nghĩ, mà là tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Người tù ra xe. Ấn tượng về anh ta chỉ có một điều duy nhất: anh ta một mình! Chỉ một người chờ đợi anh ta, đó là người bạn tù đang đợi để còng chung với anh ta một cái còng.
5.
Bóng đen khủng khiếp của chiến tranh dường như vẫn chưa qua khỏi trên số phận của người tù ấy.