Một phút và một đời người

     hi bị cáo Nguyễn văn Nhứt nghe tòa án tuyên án tù chung thân, tôi có cảm giác người anh ta như rung lên. Trước đó mấy phút, lúc được nói lời nói sau cùng trước khi tòa vào nghị án, anh ta đã khóc, xin giảm án để còn được có ngày trở về với vợ con. Bản án chung thân như đã chấm dứt tất cả niềm hy vọng. Chung thân - có nghĩa là từ đây, con người này sẽ phải ở trong tù cho đến chết.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát vẽ lên bộ mặt gớm ghiếc của kẻ giết người. Bị cáo Nhứt và chị Được sống với nhau như vợ chồng năm 1986. Lúc đầu ở Đồng Tháp, sau dọn lên quê vợ Củ Chi. Trong sinh hoạt có mâu thuẫn, nên đến năm 1987, bị cáo về Đồng Tháp. Sau đó, bị cáo trở lên. Gặp T đến chơi, bị cáo ghen tức cho rằng T và vợ mình có quan hệ tình cảm. Khoảng một tuần sau, vào chiều tối ngày 22/3/1988, bị cáo đi làm về nhìn thấy T chở vợ mình bằng xe đạp về tại cổng nhà. T vào nhà nói chuyện được một lúc. Khi ra về, T đứng lại nói chuyện với Đ, anh của Được, thì bị cáo cầm cây đánh vào đầu T. Đ can, T ra lấy xe, nhưng chưa kịp lên xe đã bị bị cáo đánh tiếp nhiều cái vào đầu. T vùng bỏ chạy nhưng lại bị vấp té, chưa kịp ngồi dậy thì bị cáo chạy tới đánh liên tiếp vào đầu cho tới khi bất tỉnh. Sau đó, bị cáo bỏ trốn. T được đưa đi cấp cứu, nhưng đã chết tại bệnh viện vì chấn thương sọ não.
Phiên tòa [1] tiến hành trong khung cảnh một câu chuyện tàn bạo, nặng nề như thế. Ai nghe câu chuyện mà không căm phẫn? Chỉ gặp mặt người bị hại có một lần, chỉ thấy người ta chở vợ mình bằng xe đạp, cuộc nói chuyện cũng không gay cấn nặng nề gì, vậy mà bị cáo đã dùng cây đập liên tiếp vào đầu người bị hại cho tới khi bất tỉnh. Hành vi ấy - theo như đại diện Viện Kiểm sát - đã thể hiện rõ tính chất côn đồ, quyết tâm cao, bất chấp luật pháp.
Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bị cáo để làm rõ sự việc, nội dung chủ yếu xoay quanh lý do dẫn đến hành động giết người. Mặc dầu tại phiên tòa, bị cáo đã khai rằng trong lần gặp thứ nhất, anh ta đã năn nỉ T đừng tới lui với Được nữa, và hôm xảy ra vụ án, T đã chửi thề và hăm dọa sẽ “bắn bỏ” anh ta và đánh anh ta trước, nhưng Hội đồng xét xử không thừa nhận. Hội đồng xét xử đã công bố lời khai của các nhân chứng Được và Đ, cho thấy bị cáo đã ghen tuông vô cớ, dẫn đến hành động giết người. Kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến của mình, cho rằng đã có đủ cơ sở để xác định bị cáo Nguyễn văn Nhứt can tội giết người, hành vi của bị cáo thể hiện rõ tính chất côn đồ, quyết tâm phạm tội cao, bất chấp luật pháp, và đề nghị xét xử bị cáo theo khoản 1 điều 101 với mức án chung thân.
Tôi cảm thấy đầu óc mờ mịt. Đâu là “điểm tựa” để xác định ai đúng ai sai? Nhứt thì một mực khai lúc T hăm dọa anh ta và cả sau đó, khi anh ta và T đánh nhau - chị Được và anh Đ không có mặt, thế nhưng trong bản khai mà Hội đồng xét xử công bố trước tòa, anh Đ khai rất rõ ràng diễn biến sự việc, hành động của Nhứt? Tự nhiên tôi ao ước phải chi anh Đ., người chứng kiến duy nhất - theo một vị Hội thẩm nhân dân - có mặt tại tòa. Có thể anh sẽ khẳng định lại một lần nữa những lời khai của mình tại cơ quan điều tra, có thể không, mà cũng có thể anh chẳng giúp ích thêm được điều gì, nhưng như vậy vẫn còn hơn là không có mặt. Lúc đó thì vị luật sư đứng lên.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Phó chủ nhiệm thường trực Đoàn Luật sư TP.HCM [2], trong một lần trò chuyện khá hào hứng về nghề nghiệp, đã nói với tôi rằng dưới cái nhìn của ông, luật sư là người vẽ lại, chăm chút thêm cho bức tranh - tạm gọi là hoàn chỉnh hơn - về con người bị cáo. Do chức năng, nhiệm vụ, đại diện Viện Kiểm sát làm công việc “buộc tội”, khắc chạm những nét tối, những cái ác, còn người luật sư chuyên “gỡ tội”, dậm điểm vào đó những nét sáng, nét hiền - tất nhiên là phải khắc họa một cách trung thực. Để Hội đồng xét xử nhìn và phán xét.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nhứt là một “luật sư chỉ định” - nghĩa là ông không có thù lao từ thân chủ, ngôn ngữ bình dân gọi là “bào chữa chùa” còn nói cho lịch sự một chút là bào chữa không công. Thế nhưng nhìn cách thức ông chăm chút lại bức tranh, tôi cảm thấy đây là một họa sĩ rất nhiệt tình. Ông biết nhìn thấy ngay những chỗ nào cần nhúng cọ vào, vả khi đã xác tín rồi, cần mẫn, miệt mài, chăm chút đồ đi đồ lại những đường nét. Ông dẫn ra bút lục lời khai của những người hàng xóm để chứng minh hôn nhân của bị cáo và chị Được là hôn nhân thực tế; ông cũng dẫn lời khai để nói rằng có những chứng cứ cho thấy chị Được đã không tròn bổn phận người vợ, thái độ của chị đã dẫn tới thái độ sai của bị cáo Nhứt; ông dẫn giải sự việc để cho rằng lời khai của nhân chứng Được là không đáng tin cậy, sự ghen tuông của bị cáo là có cơ sở, là tâm lý hiểu được của bất cứ người đàn ông bình thường nào; và vì thế ông đề nghị xem xét truy tố bị cáo ở khoản 2. Luật sư đã lặp đi lặp lại lập luận của ông rằng sự ghen tuông của bị cáo là có cơ sở - ông cũng nói rõ tất nhiên không phải ai ghen cũng hành động tệ hại - bởi vì khoản 1 và khoản 2 khác nhau nhiều lắm. (Khoản 1 điều 101 là khoản có mức án nặng nhất, dành cho những tội phạm nghiêm trọng nhất trong các án giết người).
Sau phiên tòa, tôi có gặp vị luật sư ít phút. Ông có vẻ tức giận. Trong phiên tòa khi nãy đã có “sự cố”, trong lúc ông phát biểu, có người đã nhắc ông ngắn gọn vì không có thời gian. Lần thứ nhất, ông hơi chững lại, lần thứ hai ông nổi giận: “Nếu như quý tòa thấy không cần thiết nghe những lời tôi nói thì mời tôi bào chữa làm chi?”“Khi quyết định thân phận một con người thì rất cần phải suy xét kỹ, phải nghe phân tích các chứng cứ...”. Lúc tuyên án, chủ tọa Hội đồng xét xử đã có nhắc nhở thái độ mất bình tĩnh đó của luật sư.
Người luật sư bước những bước dài hấp tấp về phía chiếc xe hơi trắng của ông đang đậu trong sân, vội vã, chỉ kịp trao đổi với tôi vài câu ngắn ngủi. Có vẻ như ông đang không có thời gian? Trong thời buổi “công nghiệp” hiện đại này, ai mà không vội vã? Sức ép của cuộc sống làm cho ai cũng cảm thấy mình như không có thời gian, và phải dè sẻn từng chút một. Chỉ có người tù. Anh ta còn tới cả nửa cuộc đời còn lại sẽ không biết phải làm gì để cho hết thời gian... [3].
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 21/12/1994.
[2] Hiện nay, luật sư Nguyễn Đăng Trừng là chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM.
[3] Ngày 19/4/1995, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xét xử phúc thẩm y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn văn Nhứt mức án tù chung thân.