Vụ án Đào Xuân Thu

     hiên tòa diễn ra ngày 31/10/1995, vào lúc chỉ còn mấy ngày nữa là đúng... 17 năm kể từ ngày xảy ra vụ án.
Tòa hỏi bị cáo Đào Xuân Thu: “Anh có đâm ông Bảy không?”. “Có!”. “Đâm mấy nhát?”. “Dạ thưa tôi không nhớ”. “Đâm ở đâu?”. “Không nhớ”. “Bị cáo có thấy ông Bảy nằm chết trên vũng máu không?”. “Thưa có”. “Cháu bé con ông Bảy, bị cáo khai là bị D bóp cổ nhưng giám định cho thấy có những vết dao đâm”. “Thưa, bị cáo không có đâm em bé”.
Nếu xét theo một số tiêu chuẩn được hầu hết nhiều người thừa nhận thì có thể nói Đào Xuân Thu là một người hạnh phúc. Anh có một người vợ đẹp, một đứa con ngoan, học giỏi. Anh có việc làm ổn định với thu nhập khá: đánh máy văn bản, đơn từ. Anh có nhà cửa - dù là nhà bên vợ - một ngôi nhà mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão.
“Tại sao anh ra đầu thú?”. “Trong thâm tâm bị cáo lúc nào cũng thấy bứt rứt chuyện mình đã gây ra. Bị cáo mồ côi cha từ năm 3 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi mấy anh em (khóc). Một mai mẹ chết, bị cáo sẽ không còn mẹ nữa. Bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều, quyết định ra đầu thú để nhận lãnh sự trừng phạt của luật pháp”.
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) hỏi bị cáo: “Anh khai rõ những ai tham gia việc giết ông Bảy?”. “Chỉ có bị cáo đâm ông Bảy”. “Khi án mạng xảy ra có mặt D và P”. “Bị cáo kêu P tới nhà ông Bảy để chở bị cáo về, vì bị cáo đến đó bằng xe buýt”. “Tôi nhắc anh nhớ tôi có toàn bộ hồ sơ vụ án trước đây. Anh khai nghe không lọt tai được. Anh muốn tôi nói diễn tiến từ đầu tới cuối không? Anh không muốn nói lên sự thật. Chính anh là người chủ mưu, đi xem xét địa hình và hoạch định kế hoạch”. (Cáo trạng nêu đây là một vụ giết người có tổ chức, bị cáo Thu đã hẹn cùng với D và P đến nhà nạn nhân thực hiện ý định, nhưng Thu không nhìn nhận là có tổ chức).
Đào Xuân Thu đã trải qua gần 16 năm sống ngoài vòng pháp luật. Chỉ có thời gian đầu vất vả nhưng khoảng thời gian 11 năm sau đó, anh sống khá an toàn. Sau ngày gây án mạng (8/11/1978), Thu trốn tại nhà một người bạn. Anh làm một chân vấn thuốc lá điếu cho một cơ sở ở quận 4. Nghề này thường làm vào ban đêm, ban ngày được chủ cho ngủ để lấy lại sức. Anh cảm thấy an tâm, vì sau hai năm chưa bị phát hiện. Sau đó, Thu làm quen với các bạn ghe đậu ở bến sông Tôn Thất Thuyết. Thấy anh có sức khỏe lại nhanh nhẹn, nên họ cho anh đi theo ghe buôn bán khắp vùng sông nước miền Tây. Thời gian này, anh có nhiều dịp để trốn đi nước ngoài. Đi vượt biên trót lọt thì coi như xong. Gia đình Thu trong một thời gian dài không được tin tức gì của anh, cũng nghĩ rằng anh đã vượt biên, thế nhưng anh đã không đi. Chỉ vì nghĩ thương mẹ, thương em đang ngồi tù, mà không đành. (P là em ruột của Thu và D - bạn P - đã bị bắt một tháng sau khi gây án, và đã bị TAND TP. HCM tuyên án P 18 năm tù, D tù chung thân).
Không trốn đi, nhưng cũng không đủ can đảm ra đầu thú - Thu thú nhận - mặc dù lương tâm anh luôn cắn rứt. Cho nên anh quyết định phải bằng một cách nào đó để tự cải tạo bản thân. Thu gia nhập Lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) với đúng tên họ thật - chỉ khác địa chỉ cư trú. Sau đó, Thu được đưa lên Đắc Nông. Thu đăng ký vào tổ xung kích, khai hoang những vùng đất trước đây là vùng oanh kích tự do, còn đầy dẫy bom mìn, nhưng anh không sợ, bởi anh nghĩ nếu có phải cuốc nhầm mà chết thì coi như trả xong tội lỗi. Vì phấn đấu tốt, Thu được đề nghị kết nạp Đoàn. Mặc dù tổ chức cố xác minh lý lịch nhiều lần không ra - vì Thu khai địa chỉ không chính xác - nhưng vì có thành tích và đã trải qua thử thách nên tổ chức đã đứng ra bảo lãnh cho anh. Ngày 6/9/1984, anh đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đoàn và trở thành đối tượng Đảng sau đó.
Tôi cầm trong tay một xấp giấy khen của Lực lượng, bằng khen của Thành Đoàn, một giấy chứng nhận là Chiến sĩ thi đua năm 1985 mà Thu đã được tặng trong thời gian anh ở Đắc Nông, cùng với một cái thẻ Đoàn, bìa đã bị phai màu. Anh rất trân trọng, dặn mẹ gìn giữ cẩn thận những tài sản tinh thần đó. Năm 1989, Thu được bổ nhiệm làm nhân viên Phòng cung tiêu, Nông trường cây công nghiệp Xuất khẩu số 7. Sau đó anh chuyển sang Tà Nung (Lâm Đồng).
Đại diện VKS (thẩm vấn tiếp): “Anh đưa cái quần tây cho P bán lấy 60 đồng, dùng tiền đó để đến nhà ông Bảy”. “Xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, vì lương công nhân viên lúc đó chỉ có 32 đồng môt tháng, cái quần không thể bán được 60 đồng”. “Chuyện đó các anh khai chớ làm sao tôi biết được? Cơ quan điều tra không lẽ bịa ra?... Sau đó, các anh làm gì?”. (Bị cáo nói gì đó nghe không rõ). “Tôi hỏi sau đó các anh làm gì nữa? Các anh lấy giẻ lau chùi máu sợ bị phát hiện. Lúc đó mới 2 giờ sáng, các anh không dám đi, sợ bị dân phòng bắt nên chờ tới 4 giờ mới đi. Trong lúc đó, các anh lục soát tiền bạc, lấy súng... Anh dám ra nhận tội mà không dám khai sự thật, như vậy con người anh quá hèn. Anh là người có học, tôi nói vậy để anh hiểu”.
Chủ tịch HĐXX công bố lời khai của P cách đây 17 năm. P có mặt tại phiên tòa (anh đã được xét giảm án nên đã thi hành án xong). Trả lời chủ tọa HĐXX, P nói những lời khai trước đây của anh có cái đúng, cái sai, do anh bị biệt giam nên nhận hết để mong được xử sớm. P thừa nhận việc giết ông Bảy, nhưng nói rằng anh, Thu và D không cướp của.
Thu cưới vợ. Gia đình bên vợ anh là gia đình cách mạng. Anh không dám khai thật lý lịch của mình. Năm 1989, anh có con. Tháng 10/1990, Thu được giải quyết cho xuất ngũ vì hoàn cảnh gia đình. Có một thời gian anh làm việc tại công ty Thương mại Bình Tây (1991- 1992). Thời gian làm việc tại đây, theo như lời mẹ anh kể, anh giữ của đơn vị hàng trăm triệu đồng, nhưng không hề làm mất mát một đồng. Cả hai đơn vị Nông trường 7 và Công ty Bình Tây đều có giấy xác nhận Thu không vi phạm chế độ tiền bạc và thâm lạm công quỹ. Gia đình muốn chứng minh rằng anh không cướp của. Những món đồ các bị cáo lấy đi từ nhà ông Bảy là một cây súng colt 45 (công an đã thu hồi khi bẳt D và P), một radio (mà người vợ không đăng ký kết hôn của ông Bảy nói của bà nội cho, đã cũ lắm không có giá trị bao nhiêu), một đồng hồ (Thu nói của anh cho ông Bảy mượn nên anh lấy lại) và một số quần áo.
Tôi đến công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, nơi Thu cư ngụ. Công an khu vực cho biết những năm qua Thu sống tốt, không vi phạm gì ở địa phương.
Chủ tọa HĐXX đọc lời khai “... Tôi biết anh Thu có ý định giết ông Bảy, vì ông Bảy đã có rút súng hăm dọa anh Thu... Bé T, con của ông Bảy la. D chạy vào siết cổ, Thu đâm hai nhát vào sườn, sau đó em bé chưa chết, D vào đâm tiếp một nhát nữa....” và nhận định “Các bị cáo giết em bé rất dã man”. Thu: “Bị cáo không có đâm em bé”. (D - đang thi hành án - gửi một tờ đơn tới tòa nói rằng chính anh ta đâm em bé ba nhát, nhưng HĐXX không chấp nhận lời khai này).
Ngày 7/2/1994 - 27 tết Giáp Tuất, Thu ra đầu thú. Vì sao anh lại đi nộp mình chịu sự trừng trị của pháp luật vào cái ngày gần Tết, vốn là những ngày dành cho sự sum họp gia đình? Vì hôm qua (6/2) là sinh nhật lần thứ 6 của con anh. Sau khi đọc báo Công An TP, bài của ông Mai Chí Thọ từ “Vấn đề tội phạm ra tự thú” và “Nỗi đau buồn và lối thoát của những gia đình có người thân phạm pháp”, Thu nghĩ đã đến lúc phải tự ra trình diện để lương tâm không bị dày vò và mong được hưởng sự khoan hồng. Anh nói tại phiên tòa “Bị cáo thấy có lỗi với xã hội, với công ơn sanh dưỡng của cha mẹ, với dì (dì bà con của Thu là vợ của nạn nhân). Bị cáo nghĩ tới mẹ và gia đình, chỉ sợ mẹ mất mà không nhìn mặt được - và nghĩ tới tương lai của con bị cáo sau này”.
Thu nhắc nhiều tới mẹ. Tôi cũng đã gặp mẹ anh, bà mẹ đã một hai khuyên con ra đầu thú. Chính bà đã cùng đi với con ra công an phường vào cái ngày con quyết tâm làm lại từ đầu. Sau khi Thu bị bắt giam, trong họ hàng có người nặng nhẹ, cho rằng bà đã giết con trai mình. Có người quen còn nói bà điên khùng, ngu dại. Có người đã hỏi nhau “Bà này có triệu chứng thần kinh không, sao tự nhiên lại đem con ra đầu thú vậy?”. Nhưng bà nói bà vẫn tin rắng mình đi đúng đường, bà vẫn “tin tưởng vào sự cứu xét khoan hồng và anh minh của Hội đồng nghị án để cứu giúp cho một gia đình của một người phạm tội đã có lòng hướng thiện...”.
Tôi cũng tin như bà. Mục đích quan trọng nhất của hình phạt là để giáo dục, cải tạo những người phạm tội trở thành người tốt. Những trường hợp không còn khả năng cải tạo mới phải dùng đến mức án tử hình, loại trừ phạm nhân vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Với tội trạng của Đào Xuân Thu, nếu bị bắt ngay từ năm 1978, có thể anh đã bị kết án tử hình, nhưng anh đã không bị bắt, và 16 năm qua anh đã sống - chẳng những như một người lương thiện bình thường, mà còn sống tốt. Như vậy - tôi nghĩ - chẳng có lý do gì luật pháp lại không khoan hồng cho anh, một khi anh đã tự cải tạo mà chưa cần đến sự trừng trị của hình phạt và nhà tù.
Nhưng HĐXX của phiên tòa hôm đó đã tuyên phạt Đào Xuân Thu mức án tù chung thân.