Nửa đường công lý

     ầu như trong chúng ta ai cũng biết câu nói nổi tiếng: “Một nửa bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không là sự thật”. Sau phiên tòa ngày 9/2/1995 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang, tôi còn rút ra cho riêng bản thân được một điều, đó là: Nếu chỉ mới đi được nửa đường công lý thì gọi đó là công lý cũng được, mà gọi chưa phải là công lý thì cũng chẳng sai.
“Căn cứ điều 141, 142 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Căn cứ quyết định khởi tố bị can số....”. Vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đang đọc cáo trạng. Trước đó, tôi đã được nghe đồn đại rằng đây là phiên xử “một vụ phản động”, còn nói theo ngôn ngữ chính thống thì bị cáo bị buộc hai tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội”. Nội dung sự việc đại để như sau: Từ cuối năm 1992, bị cáo Dư Ngọc Nguyên liên tục viết đơn, làm thơ gởi đi nhiều nơi trong tỉnh Khánh Hòa và Trung ương với nội dung nói xấu và chửi những vị lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa (trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND), và Nguyên cho rằng những người này trù dập và đẩy gia đình Nguyên vào con đường cùng quẫn. Đặc biệt, từ ngày 19/8/1994 đến ngày 11/10/1994, Nguyên đưa đi photo nhiều đơn thư nói xấu các vị lãnh đạo tỉnh, và mang đi nhiều nơi trong thành phố Nha Trang phát cho nhiều người, hoặc đi đến nhiều nhà, Nguyên bỏ vào nhà họ qua khe cửa. Vào các đêm 7 và 8 tháng 10/1994, lúc khoảng 0 giờ - 1 giờ sáng, Nguyên la hét chửi các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đêm 9/10/1994, Nguyên dùng thùng tôn gõ, la hét chửi những cán bộ, Đảng viên chi bộ chung cư A (nơi Nguyên cư ngụ) và các vị lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Khoảng 0 giờ ngày 11/10/1994, Nguyên lại tiếp tục gõ thùng tôn và chửi bới như trên thì bị công an phường bắt giữ.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án tổng hợp từ 24 - 36 tháng tù cho cả hai tội, Hội đồng xét xử đã tuyên 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Tội như thế - hình phạt như thế. Mặc dù vị luật sư đề nghị “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” cho bị cáo, nhưng bản án treo chừng như thỏa đáng. Hầu như mọi người đều hài lòng, không ai có thể phản bác được gì. Đó là chưa kể ấn tượng tốt đẹp của phiên tòa. Bị cáo được phép trình bày đầy đủ những tâm tư suy nghĩ của mình, và thái độ đúng mực của những vị trong Hội đồng xét xử, oai nghiêm nhưng không đàn áp.
Nếu như không tính tới những gì còn nằm khuất đàng sau phiên tòa.
Tòa đã hỏi bị cáo Nguyên “Anh có bị bệnh tâm thần không?”. Bị cáo dõng dạc trả lời: “Không, tôi không bị tâm thần. Tôi làm vậy có chủ đích”. Vậy thì cớ gì một người có trình độ đại học - đã từng là giảng viên của trường công nhân kỹ thuật - lại có những hành động càn quấy như trên? Nguyên nhân nào đã khiến người công dân trí thức này phải ra trước vành móng ngựa vì một tội không lấy gì làm đẹp đẽ là “gây rối trật tự công cộng”, một người đã từng là Đảng viên lại chửi lãnh đạo Đảng và chi bộ? Trong phần thẩm vấn, bị cáo đã nói rằng cáo trạng chỉ nêu phần hiện thực mà không nêu nguyên nhân, và trong suốt diễn tiến của phiên tòa cho thấy nguyên nhân đó thoạt đầu chỉ là một việc cụ thể, nhưng qua năm tháng đã lớn dần lên và biến dạng. 6/9/1988, bị cáo Nguyên làm đơn tố cáo sự tham nhũng của một số người trong Ban giám hiệu trường CNKT - nơi anh công tác. Sau đó, anh bị cắt giờ giảng dạy. Tháng 7/1991, anh bị buộc thôi việc. Trong 6 năm 1 tháng - kể từ lúc khởi đầu cho tới khi bị bắt, Nguyên đã gởi đi tổng cộng 285 đơn thư, nhận được 25 lần “phiếu chuyển” hoặc báo tin đã nhận được hồ sơ của các cơ quan, 10 lần tới nhà riêng của lãnh đạo X (vì đăng ký xin gặp ở trụ sở không được), 2 lần tới nhà vị lãnh đạo Y, vài lần lặn lội ra tận Hà Nội... 4 lần làm đơn tố cáo (năm 1988 -1990) tuyệt nhiên không được xử lý. Người công dân khốn khổ đã kiên trì một cách kỳ lạ với những lá đơn của mình, và ở một mức độ nào đó, anh ta cũng đã thành công. Cuối cùng rồi cũng có kết luận thanh tra rằng những người anh tố cáo đúng là có phạm tội, và đã bị truy tố nhưng vì cả hai người đều chết - vì những lý do khác nhau - nên vụ việc được xếp lại.
Gần như toàn bộ Hội đồng xét xử không ai không cho rằng hành động chống tiêu cực nhiệt tình của Nguyên là đáng trân trọng, nhưng giá như mà anh ta bình tĩnh hơn. Nếu được vậy thì đâu có gì để nói. Than ôi, nếu rơi vào trường hợp phải gởi 285 tờ đơn và 25 lần phiếu chuyển thì không biết có mấy người giữ được bình tĩnh?
Không ai bênh vực những hành động càn quấy của bị cáo. Phạm pháp thì phải bị trừng phạt, đó là lẽ đương nhiên - cho dù vì lý do gì đi nữa. Nhưng cũng như bị cáo đã nhiều lần lặp đi lặp lại trước tòa rằng pháp luật phải bình đẳng, tôi tin rằng ai dự phiên tòa cũng đồng tình với bị cáo khi nghe anh lý luận tại sao những người không làm đúng pháp lệnh về giải quyết khiếu tố khiếu nại của công dân, lại không bị xử lý? Rằng có luật pháp nào cho phép đơn của anh bị chuyển lòng vòng trong một thời gian quá dài? Rằng quyền khiếu tố khiếu nại của anh đã bị xâm phạm nghiêm trọng, và sự việc đã được tiến hành quá sức bê trễ. Nếu như những tố cáo của anh mà được làm ngay thì anh đâu có phải bị buộc thôi việc, bị khai trừ Đảng, và bây giờ lại phải ra trước vành móng ngựa!
Việc không giải quyết kịp thời đúng mức khiếu tố khiếu nại của công dân thật ra không phải là chuyện riêng của một đơn vị, tổ chức nào, và cũng sẽ không phải là một lỗi lầm gì nghiêm trọng lắm nếu như không tính đến ở đây thân phận của một con người. Không kể bản án treo - việc bị cáo làm sai thì phải chịu hình phạt đã đành - nhưng còn một cuộc sống vất vả suốt 6 năm qua - mà Nguyên nói rằng đã có những lúc ba đứa con nhỏ của anh phải ăn cháo cầm hơi hàng tuần liền - còn một tinh thần bị kích động căng thẳng đến mức không còn phân biệt được đứng sai, và cuối cùng là một nhân thân xấu: bị khai trừ Đảng, bị buộc thôi việc? Nguyên có nói rằng anh sẽ kháng cáo tiếp. Tôi cố giải thích rằng theo tôi bản án như vậy là thỏa đáng, nếu anh tiếp tục là tiếp tục kiện để được phục hồi công việc và danh hiệu Đảng viên, chứ không nên kháng cáo, nhưng đó là việc về sau. Trước mắt, tốt hơn hết anh nên lãng quên - à không - tạm gác mọi chuyện để tìm một việc làm lo cho vợ và ba con nhỏ chứ đừng đi theo con đường cũ - dồn hết cả cuộc đời cho mỗi việc viết, photo và gởi đi các tờ đơn. Nhìn anh, tôi biết là những lời nói của tôi chỉ rơi vào khoảng trống.
Anh đang đứng ở nửa đường công lý mà cột mốc là phiên tòa 9/2/1995 - nơi anh vừa là bị cáo với hai tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”. Anh đang xăm xăm muốn đi tiếp về phía trước - ở cuối đường - nơi anh tin rằng mình sẽ gặp được một phiên tòa, mà ở đó đứng trước vành móng ngựa sẽ là những viên chức nhà nước không làm tròn trách nhiệm, những cơ quan, tổ chức đã quay lưng, ngoảnh mặt với khiếu tố khiếu nại của người dân. Ý định đó của anh hoàn toàn có thể hiểu được, chỉ ái ngại mỗi điều, nếu tình thế vẫn tiếp tục như 6 năm về trước, tôi e rằng trên con đường công lý đó, anh lại tiếp tục chỉ bước có một mình và vì không ai góp sức, không ai hướng đạo - biết đâu quẫn trí rồi lại cũng bị hụt chân?