Cô gái lạ ở tòa án

     rong lúc ngồi dự những phiên tòa, tôi rất hay gặp một phụ nữ. Lúc đầu tôi không để ý lắm sự có mặt của cô ta nhưng rồi sự chạm mặt nhiều lần khiến tôi phải chú ý. Đó là một phụ nữ ăn mặc xuềnh xoàng nhưng có gương mặt khá ưa nhìn. Cô ta hay ngồi ở hàng ghế trên cùng nhưng cũng có đôi khi tôi thấy cô ta chui vào trong một góc khuất của phòng xử án, ngồi thu mình lại như thể sợ bị người quen bắt gặp.
Lần đầu tiên tôi trò chuyện với cô ta là hôm xử vụ án bốn bị cáo can tội chống người thi hành công vụ. Trong tình hình rất cần tuyên truyền cho mọi người công dân “sống và làm việc theo pháp luật” thì viết về những vụ án như thế rất dễ được đăng bài, vì vậy tôi rất chú ý tới vụ án. Bốn bị cáo đứng trước vành móng ngựa mang đầy vẻ chân chất, quê mùa, gồm một ông già bị cụt một chân, một bà già và hai thanh niên. Hóa ra đó là một gia đình. Theo cáo trạng, khi tổ chống buôn lậu chặn bắt một xe chở hàng lậu thì Nguyễn Minh Tâm, con của ông Nguyễn văn Lum (là ông già cụt chân, thương binh 1/4 nói trên), đã tích cực chạy ra tuôn hàng xuống, sau đó đánh trả cán bộ của tổ. Xô xát xảy ra, ông già đã hành hung, rượt đuổi, đập phá xe cộ của đội kiểm tra. Thanh - anh ruột của Tâm chạy ra và bị trúng đạn vào chân. Bà già - cùng với cô con gái nhỏ - vì nghe la là chồng và con mình bị đánh chết nên chạy ra và cũng tham gia vào cuộc xô xát. Luật sư - bằng những câu hỏi đặt ra với một số cán bộ của tổ kiểm tra có mặt tại phiên tòa hôm đó - đã đưa ra một số nghi vấn như “chẳng lẽ một ông già cụt chân, một bà già già yếu như thế này - trong tay không có vũ khí - lại có thể rượt đuổi những cán bộ kiểm tra là những thanh niên trẻ khỏe, có mang súng?”. Ngoài ra còn tình tiết là lúc đó dân chúng rất đông, trời lại chập choạng tối, nên chính những cán bộ của tổ kiểm tra có mặt tại tòa cũng đã không xác định được có phải chính ông già là người đã đập phá xe hay không? Sau đó tòa có cho công bố một số lời khai của các nhân chứng khác.
Tôi đang lúi húi ghi chép thì cô gái từ đâu bất thần đến ngồi bên cạnh bắt chuyện khiến tôi giật thót mình.
- Luật sư nói hay quá hả chị?
Tôi chỉ ậm ừ, nhìn cô ta đầy cảnh giác. Cô ta nói tiếp, chừng như không thèm để ý tới thái độ của tôi:
- Chắc chị là phóng viên? Em chẳng biết sự thực thế nào nhưng cho dù những người này có thật sự dữ dằn quá mức như vậy đi nữa thì em vẫn không chịu nổi khi phải nhìn thấy cái cảnh cả gia đình họ phải ra tòa. Mà họ đâu có được lợi lộc gì trong việc bảo vệ chủ hàng, họ chỉ là người vô can mà...
Tôi không dừng được câu hỏi:
- Cô là sao với gia đình ông Lum vậy?
- Không! - Cô ta lúng túng - Em chỉ là người qua đường thôi.
Chắc là cô ta nói thật nhưng dẫu sao thì tôi cũng nghi ngờ. Tôi vốn không thích những người hay chen vào chuyện của người khác.
Một buổi chiều cuối tháng 10, năm chín tư, tôi sang Tòa án Thành phố để dự một phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn văn Mót can tội truyền bá văn hóa đồi trụy. Phòng xử nhỏ hẹp, vốn dành cho những vụ án dân sự, lại đang buổi chiều nóng bức, không khí hết sức ngột ngạt. Tôi vừa kiếm một chỗ ngồi ở cuối phòng để cho thoáng, cầm tờ báo quạt lấy quạt để, vừa thầm nghĩ nếu chẳng phải vì công việc, chẳng ai ngồi đây vào lúc này. Đúng lúc đó thì tôi thấy cô ta. Mồ hôi ướt lấm tấm trên mặt, cô ta ngồi tuốt ở hàng ghế trên cùng, cũng chiếc áo màu xám trắng có điểm hoa nhạt trang nhã. Trong lúc Hội đồng xét xử thẩm vấn, cô ta nhìn như dán mắt vào bị cáo Mót. Mà thái độ của bị cáo này cũng rất lạ lùng. Đầu tiên, khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi một câu nào đó chỉ đơn giản là để thẩm tra lý lịch thôi, vậy mà anh ta cũng im lặng như ngẫm nghĩ rất lâu, mãi không thấy trả lời. Sau đó, hầu như câu hỏi nào Hội đồng xử án cũng phải lặp đi lặp lại vài lần mới nhận được câu trả lời của anh ta. Hầu như không có lúc nào bị cáo ngẩng mặt lên, đầu cúi gằm như đang lạc vào một thế giới nào khác. Nhưng tôi còn đang để ý tới một người khác. Thái độ của bị cáo đã vậy, cô gái còn lạ lùng hơn. Cô ta như ngồi phải ổ kiến, hết nhìn như dán mắt vào bị cáo đến quay nhìn lên Hội đồng xử án, vẻ bồn chồn, bứt rứt. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng cô ta sắp nhảy xổ ra giữa phiên tòa. Giờ nghị án. Tôi xếp sổ tay lại ngao ngán. Chỉ có mấy cuốn băng sex cũ mua lại từ đống đổ nát ở Lăng Ông, cho mướn dạng lối xóm rỉ tai biết với nhau và bị cáo - “nhân vật trung tâm” của các ký sự pháp đình - thì lại thảm hại như thế kia! Tôi nhìn thấy cô gái đứng lên, tôi cứ tưởng cô ta sẽ tới gặp bị cáo Mót. Anh ta đang ngồi ở đó, đầu cúi gằm xuống, trơ trọi, trong khi người tù cùng ra phiên tòa với anh ta hôm ấy đang chuyện trò vui vẻ với người thân. Nhưng cô gái tiến thẳng tới chỗ đồng chí công an làm nhiệm vụ áp giải tù nhân, đang ngồi gần tôi. Tôi nghe cô ta hỏi là có phải người bị cáo này bị bệnh không? Và ở trong trại giam anh ta có như vậy không? Dường như anh công an gật đầu. “Anh ta cứ vậy đó, kỳ kỳ...”.
Tòa tuyên án bị cáo Mót 18 tháng tù giam và quản chế tại địa phương 2 năm. Cái án dường như có làm cho anh ta tỉnh ra hơn đôi chút. Tôi có cảm giác như anh ta đã giật nẩy mình. Nhưng lúc quay ra để đi về chỗ đậu của xe tù, tôi nhìn vào mắt anh ta cố tìm thử xem trong đó những cảm xúc gì, chỉ thấy một cái nhìn đờ đẫn.
Tôi chạm phải cô gái ngoài sân. Cô ta nửa như có vẻ muốn đi theo bị cáo Mót, nửa như không. Cuối cùng cô ta dừng lại và bắt gặp mình đang bị quan sát nhưng cô ta tỏ ra chẳng quan tâm. Cô ta nói, khi tới gần tôi:
- Chị... có tính đưa tin không?
Bình thường thì tôi đã nổi cáu lên. Tôi rất không thích ai chen vào công việc của tôi một cách đường đột như thế, nhưng hôm đó thì không: Gương mặt cô gái buồn thảm đến mức tôi chẳng dám nhìn vào. Tôi lúng búng trong miệng:
- Thì cũng định đưa, nhưng chắc thôi.
Tôi có cảm giác cô gái nhẹ nhõm đi, mặt giãn ra. Hình như cô ta định nói điều gì đó nhưng thôi. Thật lòng mà nói vụ này đưa tin thì cũng được nhưng từ trong thâm tâm tôi cũng thấy tội nghiệp cho bị cáo. Anh ta không bà con, thân thích, chẳng bạn bè, không địa vị, chức quyền, tài sản... đưa tên anh ta lên mặt báo hay không chắc cũng chẳng có hại gì cho anh ta. Nhưng trong tôi dường như có một tiếng nói nào đó bảo tôi rằng hãy nên để cho con người đó được yên, cộng thêm cái nhìn khẩn khoản của cô gái nữa. Đã đi được mấy bước rồi, tôi quay lại, thấy cô ta vẫn còn đứng đó nhìn theo chiếc xe tù. Hoặc cô ta là người làm báo hoặc là người ngớ ngẩn (hoặc vừa làm báo vừa ngớ ngẩn), nhưng trông cô ta không có vẻ gì của cả hai loại người đó. Chẳng hiểu cô ta làm gì mà cứ thấy có mặt tại tòa suốt. Tôi quyết định hỏi thăm. Cô ta nói:
- Em không viết báo nhưng em có cộng tác với một số tờ báo. Thôi em phải đi nhé!
Cô gái dợm bước đi. Tôi vội hỏi:
- Khoan đã, cô có thể cho tôi biết tên được không?
- Em tên Huyền, còn chị?
- Cúc. Thủy Cức.
Cuộc làm quen hôm đó đã khiến cho tôi và cô gái trở nên quen biết nhau hơn, mặc dầu vẫn không thân. Càng ngày tôi càng thấy Huyền rất dễ mến. Huyền giúp đỡ tôi một số chuyện, thí dụ như cô rất dễ làm quen với những người thân của những bị cáo thuộc loại “trời ơi đất hỡi”, hoặc những người hàng xóm mà cách ăn mặc và cử chỉ chứng tỏ họ thuộc một tầng lớp rất thấp trong xã hội. Nhờ vậy mà chúng tôi rất dễ được nghe những con người khốn khổ này thố lộ tâm tình. Ngược lại, đôi khi tôi làm le, bày cho Huyền một vài bài học làm báo vỡ lòng nào đó. Tàn phiên tòa nào - nếu Huyền có mặt - tôi thường cố tình dừng lại chờ Huyền để trao đổi đôi câu. Có lúc cô rất vui, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng cũng có khi cô chỉ gật đầu chào tôi, chẳng nói tiếng nào, lại có khi vừa ra khỏi phiên tòa, cô đã mất tăm.
Một hôm, khi đang ngồi với tôi tại phiên tòa, Huyền bỗng thấp giọng hỏi tôi:
- Có bao giờ chị sợ rằng mình ngồi đây riết rồi sẽ không còn cảm xúc không?
Điều này tôi đã nghĩ tới từ lâu nhưng thuộc dạng “tuyệt mật” không nói với ai, nay lại nghe một người lạ hoắc lạ huơ hỏi. Tôi giật mình, nhưng rồi trấn tĩnh lại:
- Sao Huyền hỏi vậy?
Huyền lắc đầu:
- À không. Em chỉ muốn biết... Tại em nghe nói. À mà không. Có một số anh làm báo lớn tuổi nói với em là làm báo lâu năm cũng dễ bị chai cứng cảm xúc nên em muốn hỏi chị cho biết.
Sau đó Huyền không đề cập gì đến vấn đề ấy nữa nhưng tôi thì cứ miên man suy nghĩ. Rõ ràng Huyền đã chống chế, thế nhưng có lẽ nào câu hỏi đó chỉ là một sự tình cờ?
Tôi định kể cho Huyền nghe, nhưng chưa kịp kể. Chẳng những tôi chưa bị chai lì cảm xúc mà còn bị chê là cảm xúc nhiều quá nữa. Bài “Qua song sắt nhà giam” (Báo Phụ Nữ TP. HCM ngày 22/10/1994) của tôi viết đã được một đồng nghiệp - một người anh lớn tuổi - lưu ý rằng bài viết tốt, gây nên sự xúc động nơi người đọc về hoàn cảnh đáng thương của những nguời tù, nhưng coi chừng tôi đã quên đi một điều rằng những người tù này đã phạm pháp - đã có những hành động chẳng phải vừa - như giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác hàng trăm triệu đồng... Thoạt đầu, tôi đã rất hăng hái cãi lại anh, nhưng sau đó, về nhà ngẫm nghĩ lại, thấy cũng đúng. Nhất là khi anh nói nếu như tôi đặt mình vào trong hoàn cảnh của người bị hại, liệu tôi có còn thương xót được cho những người tù như vậy nữa hay không? Tôi bèn nhớ lại cách đây mấy năm, lần tôi là người bị hại: Vừa mới lãnh lương trọn tháng xong, lại nhận giữ thêm một số tiền lớn của bạn bè (nhờ đóng hụi giúp), lại tháo luôn chiếc đồng hồ đeo tay - nữ trang duy nhất mà tôi có được - cất vào trong ví để rồi bị mấy tay anh chị ở đường Đoàn văn Bơ giả bộ đụng xe, lấy mất, khiến cho tôi mấy tháng sau đó vẫn còn khốn đốn. Từ đó, quả tình khi dự những phiên tòa mà các bị cáo can tội cướp giật tài sản công dân - dù là những bị cáo vị thành niên mà tôi vẫn rất thường hay không chịu nổi khi phải nhìn những gương mặt trẻ thơ ra đứng trước vành móng ngựa - tôi cố giữ cho lòng mình lạnh lùng.
Hôm tôi cãi nhau với Huyền là hôm TAND TP. HCM xử vụ án các nguyên thẩm phán, nguyên hội thẩm nhân dân và nguyên chấp hành viên của Tòa án Nhân dân quận 3 can tội môi giới hối lộ. Tôi quan tâm tới bị cáo Q - người bị cáo buộc là đã đưa hối lộ. Ông Q đã ký giấy bán một căn nhà tọa lạc trên một miếng đất rộng cho ông H, nhưng sau đó đã đổi ý, chấp nhận đền gấp đôi tiền cọc (dư luận cho rằng vì lúc đó, giá đất bỗng vọt lên rất cao nên ông Q thấy mình bị hớ nặng). Phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Thủ Đức, ông Q thất kiện. Sau đó, có người môi giới giới thiệu cho ông quen biết với một số cán bộ TAND quận 3, ông đã có nhờ những người này giúp đỡ để ông được thắng kiện trong phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP. Theo quan điểm của tôi, tất cả những chuyện đó - kể cả chuyện hối lộ để mong được thắng kiện của ông Q hay chuyện làm môi giới hối lộ của các cán bộ TAND quận 3 - đều là những chuyện có thể hiểu được. Ai chẳng muốn phần lợi về mình? Duy có điều làm tôi băn khoăn đó là khi luật sư của ông Q nói rằng ông Q hầu như đã mất cả tài sản (miếng đất) trong vụ kiện dân sự - mà lẽ ra theo bà, trong trường hợp giấy tờ sang tên chưa đầy đủ như thế hoàn toàn có thể xử cho hủy hợp đồng. Nay nếu lại bị xử tù tội thì thật là “tuyệt đường sinh lộ”, mất hết cả hai thứ quan trọng của một con người đó là tiền bạc và sự tự do. Cho nên, bà xin Hội đồng xét xử quan tâm xem xét điều đó. Hội đồng xét xử sau đó đã nói vụ án trước là một phần khác, không dính tới vụ án hôm nay và việc bị cáo phạm pháp (đưa hối lộ) thì phải được xét xử theo luật pháp.
Tôi không biết phải viết sao về trường hợp này. Thông thường, những người đưa hối lộ cũng được tôi ghét ngang bằng với kẻ nhận hối lộ. Có khi còn ghét hơn vì trong vài trường hợp, họ - ý thức được sức mạnh của đồng tiền của mình - đã dùng tiền để mua lợi lộc cho mình và đẩy sự bất công cho người khác. Nhưng trường hợp này...(Tại phiên tòa còn có ý kiến là ông Q đã bị gài bẫy, nhưng vì ý kiến này đưa ra mà không có bằng chứng, nên không được ghi nhận).
Giờ nghị án, Huyền rủ tôi ra gặp bà V - vợ ông Q - cũng bị cáo buộc về tội đưa hối lộ, nhưng được tại ngoại. Theo lời bà V mô tả thì chồng bà thuộc loại người hào phóng - rất đông bạn bè, sống hết mình với bạn bè. Ông đã ký giấy bán đất trong một tiệc nhậu. Tôi thấy hình như Huyền cũng muốn khóc theo bà V. Tôi thì tỉnh táo hơn, nghe thì nghe vậy chớ có gì bảo đảm để tin rằng bà V nói một cách khách quan? Lúc trở lại phòng xử, Huyền nói với tôi:
- Chị đừng viết vụ án này. Em thấy có cái gì đó không ổn lắm.
- Cái gì đó là cái gì? - Tôi hỏi.
Huyền nói:
- Em có giở lại báo cũ, thấy các báo trong thời gian đó, đều đồng loạt đưa tin rằng ông Q đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng mua bán nhà, rồi sau đó còn đi hối lộ để được thắng kiện.
- Thì đúng rồi?
- Nhưng trong phiên tòa hôm nay thì ông ta không hẳn là một người như vậy.
Tôi cãi lại:
- Nhưng mình cũng đâu có bằng chứng gì để nói ngược lại rằng ông ta đúng?
- Em chẳng biết, chỉ thấy tội tội cho ông ta thế nào ấy. Nhất là ý kiến của luật sư về bản án sơ thẩm. Cho dù thoạt tiên ông ta có ý đồ xấu trong chuyện bán đất đi nữa thì giờ đây ông ta cũng đã mất hết...
Cũng cái giọng ấy nữa. Trong khi tôi bực mình không biết phải viết như thế nào thì Huyền cứ lải nhải bên tai tôi. Tôi quạu quọ thốt lên:
- Chuyện đó để cho luật sư, hay những người nào có chuyên môn đi điều tra cho ông ta, còn tôi, tôi chỉ là người viết báo thôi, tôi không có nhiệm vụ phải làm chuyện đó.
Liên tiếp nhiều phiên tòa sau đó, không thấy Huyền đến tòa án. Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần, tôi bắt đầu lo lắng. Đến giờ tôi mới nhớ là mình đã không hỏi địa chỉ của Huyền. Sự vắng mặt của cô, khiến tôi thấy tòa pháp đình như trống trải hẳn đi. Một thời gian sau đấy, tôi không viết được bài nào đáng kể, ngoại trừ một vài cái tin lẻ mẻ.
Nhiều ngày sau đó, tôi nằm mơ thấy mình gặp lại Huyền trong tòa án. Cô nói tên cô không phải là Huyền. Cô cũng không phải là người. Tôi lạnh toát cả người. Nhưng Huyền không có vẻ gì là ma quái. Trông cô dịu dàng, xinh xắn như một thiên thần. Cô nói cô là hiện thân của lòng nhân ái.
Bây giờ tôi mới chợt nhớ lại có lần cùng với cô chứng kiến cảnh một người tù đột nhiên nổi nóng, cãi lại lệnh của các công an. Cô đã bảo tôi rằng, lúc đó trái tim cô như muốn thót lên, vì lo sợ rằng người tù sẽ bị trừng phạt. Tôi đã phải bảo để cô an tâm rằng, chuyện đó không đáng lo. Vả chăng anh ta có bị phạt cũng đáng thôi. Cô nói nỗi lo của cô không biên giới. Lúc đó, tôi cứ nghĩ đó chỉ là một câu nói đùa.
Tôi hỏi - đau đáu nỗi sợ mất cô: “Cô là của tôi phải không?”.
Cô mỉm cười dịu dàng: “Phải, nhưng em cũng là của tất cả mọi người”.
Phải, và tôi đã hiểu vì sao khi vắng cô tôi đã không làm việc được. Nếu ở tòa án mà không có mặt cô, cuộc sống thật buồn thảm.