“Tổ ấm”

     gày 15/12/1994 - Tòa án Nhân dân Quận Phú Nhuận xử vụ ly hôn của ông T.T.Đ và bà N.T.T. Một phiên tòa xử ly hôn ở một tòa án quận, nhưng lại có khá đông người tham dự: khoảng 20 thành viên hai tổ ấm H.T và T.T (nhưng sau đó một số em dưới 16 tuổi phải đi ra vì không được phép dự phiên tòa), mười mấy sinh viên của khoa Phụ nữ học (Đại học Mở - Bán công), một số đông những người làm công tác xã hội và đặc biệt, có khá đông phóng viên. Hai lần vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố nội quy, nhắc nhở những người tham dự không được quay phim, ghi âm, chụp ảnh những gì diễn ra tại phiên tòa, càng làm cho không khí thêm phần quan trọng. Tại sao? - Chịu không thể hiểu. Tôi chỉ đoán có lẽ là do “thân thế” đặc biệt của một bên ly hôn: ông T.T.Đ - là một nhân vật nổi tiếng. Cách đây mấy năm, ông đã tự bỏ tiền riêng thành lập tổ ấm H.T, đi nhặt những trẻ lang thang, bụi đời về chăm sóc, nuôi nấng, thương yêu như con ruột. Và gần đây, cũng chính ông - theo một số bài báo đã đăng - đã làm nên một kỳ tích khác: giả làm khách làng chơi để xâm nhập vào thế giới của các cô gái mại dâm, phát cho họ một cạc-vi-dít có địa chỉ của tổ ấm T.T. do ông thành lập, để rồi sau đó nếu người nào tìm đến, và có ý muốn quay trở lại cuộc sống bình thường, sẽ được ông tiếp nhận vào tổ ấm và giúp đỡ tận tình, tới nơi tới chốn. Một con người như thế, nay lại phải đối đầu với những cơn sóng gió trong đời sống gia đình quả là điều ngang trái. Phải chăng điều đó làm cho nhiều người muốn có mặt tại phiên tòa?...
Bà T được Hội đồng xét xử mời nói trước. Bà cho biết bà và ông Đ tự nguyện sống chung năm 1985, nhưng không đăng ký kết hôn. Hai tháng sau ngày cưới, giữa hai người đã phát sinh mâu thuẫn. Bà T cho rằng vì bà không chịu theo đạo, và vì có ông L - một người quen cũ của bà - tới tìm, nên ông Đ không đồng ý, hay đánh đập bà. Bà liên tiếp làm đơn xin ly hôn và tới năm 1989, TAND quận Phú Nhuận xử cho hai người ly hôn. Thế nhưng, ba tháng rưỡi sau khi ly hôn, bà T và ông Đ trở lại sống chung, và lần này có làm giấy đăng ký kết hôn hẳn hoi. Nhưng sau đó cuộc sống gia đình vẫn không hạnh phúc. Bà T nói khi trở lại với chồng, bà nghĩ đến tương lai của hai đứa con (tòa xử cho bà được nuôi, và bà đã phải đi làm nhà hàng để nuôi con) và vì tin rằng chồng bà đã biết nghĩ lại. Nhưng rồi không ngờ chồng bà vẫn không thay đổi tính tình mà còn tệ hại hơn. Chuyện “chơi bời” của ông Đ trước đây cũng có nhưng giờ thì với cả bạn bè của bà và với kẻ ăn người ở. Ông Đ vẫn tiếp tục đánh bà, bà đang có thai cũng đánh, mới sinh xong cũng đánh. Cửa hàng đồ gỗ bán trả góp một tay bà lo, ông Đ đi suốt, khi chưa có tổ ấm H.T thì nói là đi lo công việc, có tổ ấm thì bảo bận việc tổ ấm... Cuối cùng bà T cho biết lý do xin ly hôn của bà lần này là vì một nỗi lo âu lớn nhất: chồng bà vẫn luôn luôn nhắc lại quá khứ của bà. Trước khi nhận trầu cau, bà đã nói thật cho chồng biết, và ông Đ đã hứa không bao giờ nhắc lại. Khi lấy ông Đ, bà đang làm công nhân xí nghiệp Đ.X.D. số 1, bà đã tự bỏ nghề cũ, muốn xây dựng lại từ đầu. Lẽ ra ông Đ phải nâng đỡ, dìu dắt vợ, nhưng lại lấy điều đó châm biếm. Theo lời bà T, ông Đ còn nói với con của họ rằng “Mẹ con là một con đĩ!”. Có lần bà đã bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà, phải ngủ ngoài đường một đêm. Lời trình bày sau cùng của bà là: “Anh Đ coi tôi như đầy tớ không công, đánh đập tàn nhẫn, vu vạ, nói con tôi không phải là con của ảnh, đối xử với mẹ con tôi không còn tình người, nên tôi xin ly hôn”.
Tôi có cảm giác rằng tất cả những người tham dự phiên tòa đều căng thẳng chờ nghe phát biểu của phía bị đơn. Nếu chỉ nghe những lời bà T vừa trình bày trước tòa thì thấy người đàn ông này có một tính cách quá xấu xa. Thế nhưng những người nhiều kinh nghiệm đều biết rằng trong những cuộc ly hôn, mỗi bên thường có khuynh hướng nói thêm về những tật xấu của người kia. Vì vậy đừng vội đánh giá...
Ông Đ nói mâu thuẫn không phải từ năm 1988, mà là ngay từ tháng 4/1985. “Tôi lấy bà T xấu nết, tôi chấp nhận nết xấu đó, nhưng tôi không ngờ cô ấy...”. Tòa hỏi “xấu nết” là sao? Ông nói “Cô ấy là gái mại dâm...”. Cả phòng xử ồn ào. Luật sư của bà T đứng bật lên yêu cầu Hội đồng xét xử không cho phép ông Đ nói phạm đến những điều thuộc về cuộc đời riêng của người khác như thế. Sau đó ông Đ tiếp tục trình bày. Ông nói ông phát hiện bà T quen ông N.V.L., ông đã bắt ông L phải làm cam kết cắt đứt quan hệ với vợ ông. Sau đó ông còn phát hiện vợ ông quen với ông S là giám đốc của B.N.R. Tòa hỏi “Mâu thuẫn chính là gì?”. Ông nói mâu thuẫn chính là vợ ông đặt vấn đề tiền bạc trên hết - lúc đó ông quá nghèo - và vì vợ ông muốn công khai với ông S. Sau đó ông Đ trình bày tiếp rằng sau khi ly hôn lần 1, ông đã bắt gặp quả tang vợ ông bán bia ôm. Do ông đã sai lầm đi “phá” quan hệ của vợ ông với ông S, “móc” bà ra khỏi nhà hàng nên bà bực, không hài lòng, sống với ông với sự trả thủ, câu kết với đám bia ôm để vu cáo ông đi bia ôm và gài bẫy ghi âm ông với người giúp việc, nhưng không được...
Tôi không ngăn được tiếng thở dài. Ôi sao mặt trái của cuộc hôn nhân nào cũng thế. Nếu những lời lẽ nêu trên đều đúng hết thì cuộc sống gia đình của họ làm gì có cái gọi là “hạnh phúc”, vậy mà cũng sống với nhau được đến ngần ấy năm trời.
Về phần con cái, bà T trình bày nguyện vọng xin được nuôi cả 3 đứa trẻ, không yêu cầu ông Đ phụ cấp nuôi con. Phần tài sản chung của hai vợ chồng gồm một căn nhà một trệt hai lầu sang nhượng lại (diện nhà nước quản lý), một cửa hàng đồ gỗ vốn khoảng 15 triệu, khách hàng còn nợ khoảng 30 triệu nữa, một xe Dream, một cúp cánh én, một tivi, một đầu máy, một cassette, một tủ lạnh, một điện thoại. Bà T xin được chia quyền quản lý sử dụng tầng trệt ngôi nhà để tiếp tục buôn bán nuôi con, chiếc cúp (để đưa con đi học và đi làm ăn), tivi, đầu máy, xin sử dụng chung điện thoại và xin chia đôi số vốn 15 triệu. Nhưng ông Đ không chịu. Ổng cho rằng tầng trệt căn nhà là tài sản riêng của ông vì ông đã sang nhượng lại sau khi ly hôn với bà T (lần 1), cho nên ông chỉ đồng ý tính giá trị xây dựng hai tầng lầu mới xây sau này trong quá trình chung sống với bà T, rồi chia cho bà T hai phần, ông năm phần, vì công sức ông nhiều hơn. (Tòa chứng minh rằng tầng trệt là tài sản chung của hai vợ chồng vì được sang nhượng trong giai đoạn chờ ly hôn). Ông nhắc đi nhắc lại rằng nếu như sau khi ly hôn lần trước, ông không cưới lại bà T thì bây giờ lấy gì mà tranh chấp căn nhà? Và công sức của ông nhiều hơn: “Tôi đã bỏ vô một tầng trệt và một giấy phép (kinh doanh)... Tôi có một mặt tiền (nhà) tôi đủ sức lấy bất cứ người nào...”, về những tài sản khác, ông Đ chỉ đồng ý chia cho bà T cái đầu máy và cái cassette, những thứ còn lại ông không chịu chia. Lý do: Chiếc cúp cánh én ông đã quyết định chuyển tặng cho tổ ấm H.T, tivi là tài sản ông có trước hôn nhân, giấy phép kinh doanh ông có trước hôn nhân, vì vậy ông không việc gì phải chia đôi số vốn cho bà T.
Tôi quay sang bên cạnh để tìm người đồng cảm. Chẳng lẽ một người đã có thể bỏ ra vài chục triệu đồng thành lập những tổ ấm nuôi dưỡng, giúp đỡ những con người bất hạnh xa lạ..., lại không tự nguyện chia sẻ được cho một phụ nữ dù sao cũng đã từng là vợ của mình - những tài sản cả hai người đã cùng nhau đóng góp xây dựng nên? Tuy nhiên, chuyện tài sản vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Tôi và nhiều người có mặt tại phiên tòa hôm đó cảm thấy hết sức bất nhẫn cho số phận của một đứa bé: Bé V. Ông Đ cho rằng bé V không phải là con ông mà là con của ông L. Suốt phiên tòa, ông đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu tòa cho mở vụ án truy tìm cha đứa trẻ, ông, ông L và V sẽ ra Trung tâm Truyền máu và Huyết học để thử máu... Mặc dù Hội đồng xét xử đã phân tích rằng mối quan hệ giữa ông L và bà T đã chấm dứt trước khi bà T lập gia đình với ông Đ, và ông L - được mời thẩm vấn tại tòa - đã khẳng định bé V không phải con ông. Nhưng ông Đ vẫn khăng khăng.
Hội đồng xét xử đã chấp nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông Đ và bà T, cho bà T được quyền nuôi 3 con, và được chia những phần tài sản mà bà đã yêu cầu.
Chuyện ly hôn là chuyện riêng, rất riêng tư, của người ta, không là người trong cuộc thì tốt hơn đừng nên phê phán. Tôi chỉ nghĩ đến một điều khác. Một người đàn ông trước mặt đông đảo mọi người lặp đi lặp lại chuyện vợ mình là gái mại dâm, đi bán bia ôm; một người đàn ông nằng nặc đòi đưa một đứa trẻ con đi xét nghiệm, đòi mở vụ án truy tìm cha nó mặc dù nó chỉ là một đứa trẻ vô tội không có trách nhiệm gì trong lỗi lầm nếu có - của mẹ nó? Và cũng mặc dầu trong suốt thời gian dài vừa qua, nó đã sống trong gia đình ấy như một đứa con ruột thịt; một người đã không thương được đứa trẻ sống gần gũi với mình trong ngần ấy năm trời, liệu người đó có thể thương yêu được những đứa trẻ bụi đời xa lạ không?