Dịch giả: Trần Văn Nuôi
Chương 2

     rong căn buồng vắng chủ, D chốt cửa, bật đèn, mở lò sưởi. Anh nghĩ có đúng là anh sắp giết người không? Cô Glover này thật rủi ro. Căn nhà của một người bao giờ cũng có cái gì đó trong trắng, vụng dại. Sau một trận bom, khi tường sập mái đổ, một cái giường sắt lộ ra, bộ bàn ghế chỏng gọng, những bức tranh thủng rách, run rẩy trong khung... Ta cảm thấy như có ai đó vừa bị cưỡng hiếp. Đột nhập một căn buồng lạ là một kiểu cưỡng ép phũ phàng. Nhưng ta vẫn cứ phải dùng phương pháp ấy, như kẻ thù của ta: ném những quả bom tương tự, hạ sát những sinh linh tương tự, ở phía bên kia. Anh quay lại K đột ngột nổi nóng:
- Những gì xảy ra bây giờ là do chính anh gây ra đấy nhé.
K lùi lại chiếc đi văng và ngồi lên đấy. Phía trên đầu hắn có một cái kệ sách nhỏ. Những quyển sách thánh gáy da mềm, gia tài của một người đàn bà ngoan đạo:
- Xin thề là tôi không tham gia những chuyện đó...
- Anh và mụ ấy là người của phe ta. Tại sao các người lại tìm cách hại tôi?
- Ông đã bị tước hết mọi nhiệm vụ.
- Có lần anh đã nói.
Anh tiến tới bên K. Đã tới lúc có quyền nổi xung, có quyền giáng một cú đấm vào giữa mặt địch thủ: hôm nọ, bọn chúng đã dạy anh cách đấm đá như thế nào. Nhưng anh không làm được chuyện đó. Chạm vào người K tức là giao thiệp với hắn, anh thấy tởm quá.
- Anh nói thực thì tôi để cho anh sống. Anh và mụ ta đã bị chúng mua, đúng không?
Đôi mục kính của K rơi xuống đi văng, hắn đưa tay sờ soạng tìm lại:
- Làm sao chúng tôi biết được. Chính ông cũng bị chúng mua thì sao?
- Không thể biết, đúng vậy.
- Nếu ông được hoàn toàn tín nhiệm thì người ta còn dùng đến chúng tôi làm gì!
D nghe hắn nói, tay đặt lên khẩu súng trong túi. Khi mình vừa là quan tòa vừa là bị cáo, kiêm trạng sư nữa, thì hãy nên sòng phẳng. Anh nói:
- Tiếp tục đi.
K lấy lại can đảm. Đôi mắt ngầu đục nhìn lên cao để tập trung tư tưởng, hắn nhếch mép như người đang cười:
- Với lại, hành động của ông cũng lạ lắm, chúng tôi nghĩ là ông đã bị mua chuộc, bằng một giá cao.
- Có thể nghĩ như vậy.
- Mỗi người phải bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu ông đã bị mua, thì... chúng tôi còn được đồng xu nào nữa!
Bản tóm tắt ghê gớm về sự sa đọa của loài người! Khi K sợ, khi hắn cúi đầu thì còn dễ coi... Bây giờ, khi hắn đã lấy lại can đảm thì...
- Tình thế phe ta chẳng còn mảy may hy vọng, dại gì mà để bị ru ngủ. Hắn tiếp tục nói.
- Chẳng còn mảy may hy vọng?
- Ông không đọc báo sao? Chúng ta đã thua trận, bao nhiêu là tổng trưởng đã trả cờ, ông không biết sao? Đâu phải họ không biết kiếm chác!
- Chúng đã trả giá cho các người bao nhiêu?
K tìm được mục kỉnh, hắn chuyển mình trên đi văng. Hắn đã hết sợ, hắn ra vẻ láu cá:
- Sớm muộn gì rồi ta cũng đi tới kết luận đó.
- Anh nên nói hết ra.
- Nhưng ông cũng chẳng được phần đâu, dù tôi có ưng thuận chăng nữa.
- Anh bán mình, mà lại bán chịu sao?
- Đối với một người như tôi, họ cần gì đưa tiền trước.
D chẳng còn hiểu ra sao nữa, anh hỏi:
- Nghĩa là anh không nhận được xu nào?
- Nhận được trên giấy. Do L ký.
- Không dè anh ngu đến thế. Nếu chì cần hứa hẹn thì chúng tôi cũng có thể cho anh ngang như bọn chúng.
- Không phải là hứa hẹn, mà là bổ nhậm. Do Viện trưởng ký. Ông biết rằng, L bây giờ đang là Viện trưởng. Không phải như thời ông.
- Viện trưởng gì?
- Viện trưởng Viện Đại học, tất nhiên. Tôi được bổ nhậm Giáo sư Đại học. Sau này, khi họ cầm quyền, tôi có thể trở về quê.
D cười lớn. Anh không nhịn được, nhưng cái cười là để che giấu một sự tởm lợm. Đây này, đây là nền văn minh của tương lai, sự uyên bác của tương lai.
- Hay lắm. Như vậy nếu tôi giết chết anh tức là tôi giết chết Giáo sư K. Thích thật.
Anh thấy cả một thế giới gớm ghiếc những nhà thơ, nhạc sĩ, bác học, nghệ sĩ đeo kính gọng thép, mắt ngầu đục với bộ óc của những tên phản bội, chúng đang giảng dạy cho lớp trẻ sự hèn hạ vô lương. Anh rút súng.
- Tôi đang nghĩ xem chúng sẽ bổ nhậm ai để thay thế anh.
Anh nghĩ thầm, chắc sẽ có cả trăm đứa.
Ông đừng đùa với súng, nguy hiểm lắm. Hắn nói.
- Lúc này mà ở trong nước thì anh sẽ bị đưa ra tòa án quân sự và anh sẽ lãnh án tử hình. Đừng nghĩ rằng ở đây anh thoát được cái án đó.
- Ông hay đùa quá. K cố gắng nhếch mép cười.
D rút băng đạn: chỉ có hai viên. K đâm hoảng:
- Ông có nói rằng nếu tôi không phải là người giết cô gái thì ông không giết tôi...
- Thì sao?
D lắp băng đạn.
- Tôi không giết cô ấy. Tôi chỉ truyền lệnh cho Marie.
- Marie? À, mụ quản gia.
- L bảo tôi truyền lệnh. Ông ta gọi điện thoại từ Sứ quán. Ông ta bảo: “Cứ nói với Marie: Hãy làm như thế!”
- Anh có hiểu rõ thế là thế nào không?
- Không rõ lắm. Tôi chỉ biết họ âm mưu tạo ra một cái cớ để ông bị khép tội ở đất Anh là dụ dỗ gái tơ. Không dè nhật ký của cô gái lại khớp quá. Ông đọc báo ông biết.
- Các người biết nhiều chuyện thật đấy!
- Khi cô bé chết, Marie có nói lại cho tôi hay. Chúng tôi tìm cách xóa vết tích.
Hắn lại vụng về làm ra vẻ cười cợt:
- Đấy chỉ là một cô bé. Ở nước ta bây giờ hàng ngàn đứa như thế chết mỗi ngày. Chiến tranh mà!
Gương mặt D lộ nét gì đó làm cho hắn vội vàng nói tiếp:
- Marie nói như vậy.
- Anh trả lời thế nào?
- Tôi thì tôi chống.
- Anh chống trước khi mụ ta quẳng cô bé xuống đường?
- Vâng, à không, không. Sau đó. Khi tới gặp lại Marie.
- Chuyện không nghe được. Các người mưu tính với nhau từ đầu.
- Xin thề là tôi không có tham dự vụ ném cô gái...
- Cái đó thì tin được. Anh không có gan. Anh để mụ ta làm.
- Ông nên trị mụ ta, tôi đâu có tội gì!
- Tôi không có gan giết đàn bà. Với lại tôi chỉ có hai viên đạn còn để dành cho một đứa khác.
Anh mở chốt an toàn.
Chúng ta đang ở nước Anh!
Hắn mếu máo đứng lên, đầu đụng vào cái kệ sách. Một tập thánh thi rơi xuống đi văng, bung ra. Những bài thơ xưng tụng viết bằng chữ hoa... Đúng, họ đang ở nước Anh - nước Anh, đó là chiếc đi văng, cái sọt giấy bọc vải hoa, tấm bản đồ cổ tô màu bằng tay... Không khí xa lạ như níu tay D ngăn anh thực hiện ý dịnh.
- Bước ra ngoài kia.
K run rầy bước mấy bước.
- Xin ông cho tôi đi.
Viện sĩ D có thể là một quan tòa giỏi, không thể là tên đao phủ giỏi.
- Sao ông không xử tội L?
- Tôi sẽ trị hắn một ngày nào đó. Bây giờ phải trị những tên phản bội trước.
K đưa hai tay van xin. Tay hắn vẫn còn lấm sơn.
- Nếu ông biết rõ cuộc sống của tôi ở đây, chắc ông không nỡ. Hẳn khóc nức nở. Ông thương xót cô bé, nhưng còn tôi... còn tôi... Hắn nghẹn ngào không nói được nữa.
- Vào trong nhà tắm kia!
Sự tởm lợm làm bàn tay cầm súng run run. Bọn chúng đã hành hạ anh khi anh không có gì để tự vệ.… bây giờ đến lượt anh. Anh bắt đầu sợ. Sợ hành hạ người khác, cuộc đời của họ, những đau khổ riêng tư của họ... Như một nhà văn mắc bệnh thương vay.
- Nào, nhanh lên!
K bắt đầu lùi, va vào đồ đạc. D định nói một câu pha trò độc ác... ở đây không có một bức tường nghĩa trang để anh tựa... Nhưng anh không nói được. Có thể đùa cợt về cái chết của bản thân ta. Cái chết của kẻ khác là thiêng liêng.
Cô bé ấy chưa trải những gì tôi đã trải. Năm mươi năm ngắc ngoải như thế này... Sáu tháng nữa thôi, vậy mà chẳng còn tý hy vọng gì.
D cố gắng không nghe hắn nói. Với lại anh hết hiểu nổi rồi. Anh bước theo K. Tay cầm khẩu súng, lòng dạ trống không.
Nếu ông còn sáu tháng để sống, ông có thu xếp để hưởng một chút sung sướng không? Bác sĩ cho biết tôi chỉ còn sống được sáu tháng.
Đôi mục kinh tuột ra khỏi mũi hắn, rơi xuống đất. Hắn nức nở.
Tôi mơ có một ngày... Viện Đại học... ít lâu nữa thôi...
Hắn sờ soạng bước vào trong buồng tắm, mồm lầm bẩm những câu rì rầm liên tục. Những câu nói làm hắn có vẻ một người còn sống. Kẻ bị lên án tử hình đã chết trước khi bị xử.
- Im đi! D ra lệnh.
Cái đầu K quay bên này bên nọ như đầu rùa. Đôi mắt mờ mịt tìm người đao phủ.
- Sao ông lại trừng phạt tôi? Được sống sáu tháng ở quê nhà... Giáo sư...
D nhắm nghiền mắt, bóp cò. Tiếng nổ làm anh giật mình. Có tiếng kính vỡ rơi loảng xoàng. Một tiếng chuông reo đâu đó.
Anh mở mắt. Anh bắn sai rồi. Tấm gương trên bàn vệ sinh vỡ một mảnh cách đầu K đến một gang. K vẫn đứng, mắt chớp liên hồi. Có tiếng gõ cửa ngoài kia.
D lùi ra, khép cửa lại nói:
- Đứng im đấy, không được kêu!
Anh nép bên cạnh cái đi văng, lắng nghe tiếng gõ cửa ngoài kia. Nếu là cảnh sát thì anh sẽ làm gì với viên đạn sau cùng này. Im lặng. Quyển sách vẫn mở trên mặt đi văng.
Ánh sáng của Chúa
Ở trong nắng trời
Nơi con bướm vàng bay múa
Ánh sáng của Chúa
Ở nơi ngọn đèn
Đang chờ sau cửa.
Bài thơ in vào óc anh như in lên mảnh sáp. Anh không tin Chúa, anh không có nhà. Bài thơ như lời tụng nguyện của một bộ lạc mông muội. Tốc, tốc, tốc, rồi một hồi chuông. Một người bạn của chủ nhà chăng? Hay chính là chủ nhà?
Anh từ từ bước ra, tay vẫn cầm khẩu súng. Anh quên khẩu súng giống như lần trước đã quên con dao cạo đàn bà. Anh mở cửa, nghĩ: Nguy rồi, thôi thế là hết! Đấy là Rose.
- Tôi quên là đã cho cô địa chỉ. Anh chậm răi nói, mắt nhìn phía sau cô chờ thầy cảnh sát xuất hiện, hoặc Forbes.
- Tôi tới cho ông hay những gì Furt nói.
- À vâng...vâng...
- Ông không làm điều gì... dại dột chớ?
- Không.
- Khẩu súng kia?
- Tôi nghĩ có khi cô là cảnh sát. Câu đùa làm anh thấy yên tâm.
Họ bước vô nhà, chốt cửa lại. Anh nhìn cánh cửa buồng vệ sinh. Anh biết rằng anh hết bắn nổi phát nữa. Chiến tranh làm ta xơ cứng tim gan, nhưng chưa tới mức đó. Anh khoác trên vai, không phải xác con hải âu (1) mà là những công trình về ngôn ngữ rôman, khúc tráng ca Roland, bản viết tay Bérne.
- Anh bạn ơi, anh thay đổi nhiều quá, trẻ ra... Nàng nói.
- Bộ râu...
- Đúng rồi. Như thế này hợp với anh hơn.
- Furl nói gì? Anh sốt ruột hỏi.
- Họ ký rồi.
- Tôi biết, nhưng như thể là trái luật cám vận.
- Họ không ký trực tiếp với L. Họ vận dụng luật. Than đá sẽ xuất sang Hà Lan...
Anh thấy thế là thất bại hoàn toàn: một tên phản bội mà anh cũng không trừng trị nổi nữa.
- Anh phải đi ngay, trước khi cảnh sát chộp được.
Anh ngồi xuống đi văng, khẩu súng hờ hững đặt trên đùi, lơ đãng nói:
- Còn một việc nữa, tôi sẽ thử làm xem.
Nàng hoàng hốt nhìn khẩu súng. Anh nói:
- Ồ, không, tôi không nghĩ tới cái đó. Tôi nghĩ tới công nhân mỏ, tới công đoàn, nếu họ biết rõ than đi về đâu, có thể là họ sẽ...
- Sao?
- Họ sẽ làm một cái gì đó.
- Làm cái gì? Anh không biết tình hình ở đây. Anh chưa trông thấy một cái làng mỏ khi hầm vừa ngừng hoạt động. Các anh sống giữa một cuộc cách mạng - các anh hò hét, phất cờ nhiều quá. Có lần tôi đã tới thăm một vùng mỏ cùng với ba tôi. Làng mạc chết lặng.
- Và cô thấy động tâm?
- Có chớ! Ông nội tôi ngày xưa...
- Cô có quen ai trong đám thợ mỏ không?
- Bà vú nuôi tôi ngày xưa có chồng thợ mỏ. Ba tôi cấp cho bà một khoản tr ợ cấp, bà sống khá hơn những người khác.
- Được rồi. Ta khởi đầu từ đó.
- Anh vẫn chẳng hiểu gì cả. Không thể vận động họ được đâu. Anh sẽ bị bắt ngay. Người ta đang truy nã anh kia mà!
- Tôi không muốn bỏ nửa chừng.
- Anh nghe tôi. Chúng tôi có thể thu xếp cho anh trốn khỏi nước Anh. Tiền bạc đôi khi cũng được việc lắm...
Anh nhìn nàng chăm chú.
- Cô muốn như vậy sao?
- Bởi vì tôi không thể yêu một người đã chết, anh ơi, hoặc một người ngồi tù. Tôi yêu anh khi anh còn sống. Anh mà chết đi, chỉ tháng sau, tôi chẳng còn yêu anh nữa. Tôi không thể trung thành đối với một người đã khuất. Tôi không làm như anh được.
Anh nghịch khẩu súng. Nàng nói:
- Đưa cho tôi cái của nợ kia đi. Tôi không thể...
Anh lẳng lặng trao khẩu súng. Đấy là cử chỉ tin cậy đầu tiên từ khi lên bờ.
- Chúa ơi! Nàng kêu lên. Đúng là cái mùi tôi ngửi thấy. Tôi biết là có chuyện gì rồi. Anh vừa mới giết người.
- Tôi thử làm chuyện đó mà không xong. Tôi quả là một thằng hèn.
- Ngay lúc tôi nhấn chuông phải không?
- Đúng.
- Tôi có nghe thấy tiếng nổ xa xa. Tôi nghĩ là xe nổ ngoài đường... Người đó đâu?
- Ở đây.
Cô đẩy cửa. K quỳ trên gối, đầu chúi về phía trước.
- Xin giới thiệu, đây là Giáo sư K. D nói.
- Ông ta bị ngất. D lại nói.
- Có chắc là anh bắn trật không?
- Chắc. Cô trông mảnh gương kia.
Cô nhìn tấm gương, rồi cúi xuống nhìn kỹ gương mặt K. Cô nói:
- Hắn chết rồi!
Chú thích:
  1. Gợi ý trong bài thơ “Tiếng hát của ông già thủy thủ” của thi sĩ Anh Goleridge.