Chương 13

     ỹ viện trợ Việt Nam, gởi cố vấn Mỹ qua càng ngày càng nhiều. Những ngôi nhà rộng lớn cất hồi thời Pháp thuộc, bấy giờ chủ nhà sửa sang lại cho Mỹ mướn. Gia đình tôi có biết chú Tư là người trước kia theo Việt Minh. Hết giặc, chú về thành làm ăn lương thiện để nuôi vợ, nuôi con. Thím Tư có sập bán cá ở chợ Cần Thơ, còn chú làm nghề thợ mộc cho hãng cây ở gần cầu Cả Đài. Hãng mộc của chú trúng thầu sửa dẫy nhà gần phòng mạch bác sĩ Chuẩn. Chú Tư tới sửa nhà cho hãng thầu không đầy hai ngày thì bị bom nổ, chết tại chỗ khi chú đang cưa cây. Người dân vô tội chết vì miếng cơm manh áo. Chú Te chết, nhưng việc sửa nhà cho Mỹ mướn vẫn được tiến hành. Rồi người Mỹ cũng dọn vô ở, mướn người Việt giữ an ninh cho họ. Việt Cộng bắt người vô tội hy sinh tánh mạng để dằn mặt người Mỹ, và chống lại sự tham chiến của quân đội Mỹ.
Lúc đó tôi còn nhỏ quá, nên không có ý kiến gì về cuộc chiến này. Tuy nhiên tôi cũng muốn gia đình tôi được đoàn tụ, không kẻ thắng người bại, mà chỉ mong cho hai bên ngừng bắn giết lẫn nhau.
Những người theo Việt Cộng tuyên truyền “Mỹ là kẻ thù của dân tộc Việt Nam”, nhưng tôi lại thấy người Mỹ đem ánh sáng văn minh tới cho người Việt. Chỉ riêng trong tỉnh Cần Thơ, tôi đã thấy các Hội thiện nguyện Mỹ giúp xây cất công viên. May cái ghế đá ở bến Ninh Kiểu đều có dấu tích của tổ chức CARE với hai bàn tay nắm lấy nhau. Họ xây cầu, sửa đường lộ, mở rộng, cất thêm trường học, chủng ngừa cho học sinh. Mức sống của người dân từ thành thị đến thôn quê được thoải mái hơn qua những chương trình viện trợ này. Trong khi đó, ban đêm Việt Cộng lại đặt mìn phá bỏ những công trình này để đưa đời sống người dân trở lại tối tăm, u ám như những hang hố họ đào cho họ.
Tôi không muốn cũng không đòi hỏi gì ở người Mỹ. Họ muốn gì? Họ sẽ làm gì tới dân tộc Việt Nam? Họ có xúc phạm tới nền văn hoá cổ truyền của người Việt không? Nhiều người tự nhận là đồng chí hoặc bạn của ba tôi cảnh giác chúng tôi là Mỹ sẽ xâm lăng Việt Nam như Tây đã làm hồi thế kỷ trước. Do đó, tôi phải có trách nhiệm cộng tác với họ để chống lại cuộc xâm lăng của Mỹ. Nhưng tôi là một đứa con nít cứng đầu, không tin những lời tuyên truyền đó. Tôi cũng không tin ai hết, tôi muốn tự mình nhận xét coi ai thật sự yêu nước, và ai đang hại dân. Tôi khi dễ những hành động phá hoại của Việt Cộng. Tôi hãnh diện về dân tộc mình, nên không muốn bất cứ ai nhảy vào Việt Nam. Mỹ hay Nga đều là ngoại bang, làm gì có chuyện thương xót dân mình. Tôi tin rằng khi có hoàn cảnh thuận lợi, khi người dân có quyền tự chủ và tự do, Việt Nam sẽ vươn lên sánh vai với các nước văn minh trên thế giới, không thua kém ai.
Tôi không tin Hoa Kỳ với truyền thống dân chủ lại đem quân xâm chiếm một nước nhỏ bé, xa xôi, cách nhau cả một đại dương. Vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai, chính tổng thống Roosevelt là một trong các lãnh tụ thế giới chủ trương khuyến khích các nước thực dân như Pháp, Bỉ, Hoà Lan… nên trả lại độc lập cho các thuộc địa mà họ đang cai trị. Vậy thì không lẽ ngày nay Mỹ lại đi ngược với trào lưu mới của thế giới. Tôi nghĩ tg dân Mỹ không thể quên lời nói bất hủ của tổng thống Abraham Lincoln: “Stand with anybody that stands right. Stand with while he is right and part with him when he goes wrong“. Chủ nghĩa cộng sản là phi nghĩa, là làm trái lòng dân. Đứa nhỏ như chị em tôi đã hiểu như vậy rồi, tại sao những người biết yêu nước lại bị mê hoặc vì cái thuyết này. Tôi ví họ như những người theo đạo khùng, như mê tín dị đoan.
Ba tôi đã làm tròn bổn phận của một người cha đời với chúng tôi, ông dậy chúng tôi yêu quê hương, yêu dân tộc Việt Nam. Tôi tin tưởng ở người, tôi hãnh diện được làm con một nhà cách mạng, người đã hy sinh đời sống cá nhân của mình để tham gia cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Nhưng bước qua thập kỷ 1960, Việt Minh chỉ còn là một bóng mờ của dĩ vãng. Trên thực tế, Mặt trận giải phóng miền Nam mới được thành lập sau cuộc “Đồng Khởi”. Mặt trận chỉ là một cánh tay vươn dài của Cộng sản Hà Nội mà thôi.
Bên này của con sông Bến Hải là Chánh phủ của ông Ngô Đình Diệm. Hồi còn học tiểu học, học trò chúng tôi thường phải đứng hai bên đường từ cầu Cái Khế tới đại lộ Hoà bình để đón chào tổng thống khi ông xuống thăm Cần Thơ. Chờ đợi từ sáng cho đến trưa, tay cầm cờ, lòng nôn nóng, bụng đói, khát nước. Một hôm một ông cán bộ Việt Cộng lớn tuổi, tôi kêu bằng chú, đánh đố đám con nít chúng tôi xem có đứa nào can đảm dám nhổ nước miếng vô mình tổng thống, khi ông xuống xe nhận hoa do học trò choàng cho ổng không? Sau một hồi suy nghĩ, tôi trả lời ông:
- Tôi là con ông Đặng Văn Quang chớ không phải vừa ở lỗ nẻ chui lên, nên không ngu dữ vậy đâu, chú.
Chị Yvonne vội lấy tay bụm miệng tôi lại, rồi bắt tôi xin lỗi. Tôi đã không xin lỗi, mà còn nói thêm:
- Chú hy sinh con của chủ đi, cha cháu có huy chương rồi!
Ông giận tái mặt, hỏi:
- Cháu làm gì mà được huy chương?
Tôi vênh mặt đáp:
- Cháu sống ở rừng U Minh mấy năm mà không bị ai kêu là quân rừng, vì quân rừng mới ngu đi nhổ nước miếng vô mình người mà phe quốc gia coi như ông trời!
Tối hôm đó, chị Yvonne kể lại cho dì Bảy nghe câu chuyện tôi trả môi trả miếng ông cán bộ. Tôi bị dì Bảy cho là “đồ khó bảo”, không kính trọng người lớn, làm mất mặt ba tôi, mất mặt đi. Dì còn cấm không cho tôi về vườn nữa. Tôi tủi thân việc không được dì binh vực, mà dì còn nghe lời chị Yvonne, rầy tôi trước mặt mọi người làm tôi mất mặt. Tôi khóc lóc, giấy giụa, ói mửa cho đã giận. Khi đã hết khóc, tôi làm bịi rên rỉ cho cả nhà sợ một phen. Chị ba Hồng Nga dẫn tôi ra sau vườn vỗ về.
Ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã hiểu những lời tuyên truyền lừa dối của cộng sản là mị dân. Họ hứa hẹn sẽ chia cho tá điền nghèo ruộng đất mà họ tịch thâu của chủ điền giầu. Những dân nghèo tin Việt Cộng, nghèo là phải, vì họ là những người khờ dại lắm, làm biếng, không có tinh thần tự lập.
Giữa năm 1954, hơn 800 ngàn người Bắc di cư vào Nam Hiệp định Geneve. Họ là những người cần cù, đáng làm gương cho những kẻ làm biếng. Sự chọn lựa “đi Nam” của họ là một chọn lựa mạo hiểm nhưng khôn ngoan. Họ đã dám lìa bỏ quê cha, đất tổ để vô Nam tìm tự do, tìm cuộc sống thoải mái, hơn là ở với cộng sản. Trong khi đó, chỉ có chừng khoảng 180.000 người Nam tập kết ra Bắc.
Nhân chi sơ, tính bổn thiện, cho nên lúc đó tôi chưa biết kỳ thị “Bắc kỳ di cư”. Tôi còn hãnh diện vì có nhiều người Bắc kỳ chọn Cần Thơ là quê hương thứ hai của họ.

*

Giữa đường Võ Tánh, từ nhà tôi tới trường nam tiểu học có một cái nhà ngói đỏ. Sáng nào đi ngang, tôi cũng đứng lại nhìn thật lâu. Sao mà giống cái nhà ở Ong Vèo vậy, dù bốn cái cột trước nhà không phải bằng gỗ mun! Tôi nói với má tôi về cái nhà này, nhưng má không tin, vì hồi ở Ong Vèo tôi mới có 5 tuổi, làm sao mà nhớ được. Nhưng má cũng đi coi, rồi công nhận tôi nhớ dai. Tôi còn nhớ chính tôi tiếp chị Hiển giăng một cái võng trước nhà, giữa hai cây cột mun. Ba tôi thường đưa Hải Vân ngủ trên cái võng đó. Những kỷ niệm êm đềm ấy, làm sao tôi quên được. Có thể đây là lần đầu tiên ở Cần Thơ, má tôi và tôi nhắc đến Ong Vèo, nhắc đến ba tôi, và những ngày vui ở đó.
Từ ngày em Minh Tâm tôi bị bịnh, hầu như không bao giờ má tôi cười nữa. Nhưng khi tôi nhắc tới Ong Vèo, má tôi sẽ kể lại những kỷ niệm cũ, cứ một điều “ba con” hai điều “ba con” như một người vợ trử nhắc đến chống.
Trong tiệm may Mỹ Dung, chúng tôi không có những phút riêng tư. Cuộc sống chung chạ với các chị học may làm gia đình tôi mất đi phần nào tự do. Tôi không dám nhắc tói ba tôi trước mặt mọi người, vì ai cũng tin là ba tôi mất tích.
Dù còn là con nít, tôi quen nhiều người trên đường Võ Tánh. Vì vậy, những chuyện xảy ra trên con đường này, vui buồn, như những đổi thay, tôi đều biết. Một hôm, có người cho tôi biết ông chủ của căn nhà số 18 trên đường Võ Tánh là một ông cai ngục sắp đổi ra Phú Quốc, nên muốn bán căn nhà đó trước khi khi đến nhiệm sở mới. Tôi về cho má hay. Vì muốn ở căn nhà đó, tôi “tán” má:
- Má à, có khi mình dọn vô nhà này mình gặp hên đó, má… nó giống y như cái nhà hồi đó mình ở với ba. Không chừng khi mình nhà này ba với anh Khôi về.
Nghe tôi nói, má chỉ cười, nhưng cũng bằng lòng đi coi căn nhà ông cai ngục. Rồi má quyết định mua căn nhà đó, không phải vì lời tán tỉnh của tôi, mà vì mà muốn được sống thoải mái hơn. Má bán tiệm may Mỹ Dung cho một người làm nghề giặt rũ, cho học trở về nhà nghỉ xả hơi hai tuần, trong khi dọn tới nhà mới. Nhà có sân trước thật rộng, nên má mướn người sửa cái sân đó thành một tiệm may. Khi tiệm mở cửa má còn giữ sổ sách.
Vì sửa nhà quá tốn kém, má tôi thiếu tiền để trả nốt cho người bán, mà đã đáo hạn. Má sai tôi về vườn xin phép bà ngoại cho tôi bán đôi bông, hai chiếc vòng đeo tay, và sợi dây chuyền mà bà cho tôi. Má tôi thì luôn luôn coi những gì ông bà cho là bảo vật, là kỷ niệm quý báu. Riêng tôi, tôi cho những thứ đó chỉ là những của cải vật chất, không cần thiết, vì tôi có đeo nó bao giờ.
Kỷ niệm đối với tôi là nụ cười vị tha, hiền hoà của bà, là đôi tay ba vuốt mái tóc che hai con mắt của tôi: “Tóc dài sao con không hớt?”. Ba thường hỏi tôi: “Có nghe chừng nào ba con về không?”. Còn bảo vật đối với tôi là tình yêu vô bờ bến của ông bà.
Chiều chúa nhựt, tôi đem vàng ra bán cho tiệm kim hoàn Mỹ Trang ở bến Ninh Kiểu để có tiền trá cho ông chủ nhà.