Chương 23

     au bốn tháng làm việc trong văn phòng ở Rex, tôi được sở đổi qua làm cho Brink BOQ. Ông xếp ở Brink là một trung uý hải quân Mỹ trẻ tuổi, tên là Richard Salter. Ông Satter đã được học tiếng Việt trước khi sang Việt Nam, nên khi làm việc tại Brink ông quyết định nói tiếng Việt với hơn sáu chục nhân viên người Việt. Tiếng Việt của ông có tiếng bể, tiếng gẫy, thiếu sót rất nhiều. Tôi nói với những người làm chung sở rằng có lẽ khi ngủ mơ ông cũng nói tiếng Việt. Nhân viên Việt Nam ít người hiểu ông, vì ông đã dùng sai chữ, lại phát âm không đúng, người ta không kiên nhẫn để tìm hiểu ông định nói gì. Khi nào phòng ăn vắng khách, ông tại trước quầy thu ngân để nhờ tôi dậy thêm tiếng Việt. Rồi tôi trở thành cô giáo của ông xếp.
Trung uý Satter là một học trò ngang bướng, lúc nào cũng thích ra lịnh, dù ông làm học trò. Học tiếng Việt và cai quản câu lạc bộ, đối với ông đều quan trọng như nhau. Là nhân viên của ông, lại nhỏ hơn ông một tuổi, nên tôi đành chịu lép vế. Vì vậy, làm cô giáo mà tôi chẳng có một chút quyền hành gì với học trò. Nhưng tôi cũng có một niềm vui, là ông “học trò” này rất thông minh và có khiếu về sinh ngữ, học tới đâu nhớ ngay tới đó. Ông thường tìm hiểu nguồn gốc của mỗi chữ, hay mỗi câu nói, hoặc tiếng địa phương. Chẳng hạn, tại sao có người nói là “về”, lại có người “dìa”. Tại sao có người nói “vâng”, lại có người “dạ”. “ “muỗng” lại là “thìa” v.v… Có lần tôi dậy bài học đi chợ, ông bắt tôi phải đi chợ với ông ngay. Tôi đành phải đưa ông đi chợ Sài gòn, để ông thực hành bài vừa học. Đến khu bán cá, ông hùng hồn nói: “Tôi muốn mua thằng cả lóc”. Mọi người cười rộ lên. Người ta nhìn tôi chằm chặp, làm tôi mắc cỡ muốn độn thổ. Nào có ai biết tôi là cô giáo của ông; tôi nghĩ người ta tưởng tôi là bạn gái của anh chàng lố bịch này. Tôi vội đứng xích ra xa, ông trung uý kêu tôi lại gần, để dậy ông cách trả giá. Chỉ tiếc tôi chưa kịp “hành nghề” cô giáo, bà già bán cá đã khen ông học trò của tôi là dễ thưong, và tặng không ông hai con cá. Ông Satter tức lắm, vì không được thi thố tài năng. Đến khi chúng tôi sắp ra khỏi chơh, ông bỗng gọi một người đang đi vô, để cho hai con cá, quay ngược trở lại hàng cá. Tôi không chịu theo ông, viện cớ ông đã nói giỏi tiếng Việt, có thể mua bán một mình. Tôi đợi ông ở ngoài cửa chợ. Nửa giờ sau, ông trở ra, mỗi tay xách một “ông gà” và một “con gà”.
Không biết bỏ hai con gà này vô đâu, tôi đành đề nghị đem đến nhà tôi cho dì giúp việc làm thịt. Nhưng về đến nhà tôi mới biết ý kiến này sai bét; vì ông đi theo tôi về nhà, khiến đám con nít hàng xóm bu lại nói chuyện với “ông Mỹ”.
Rồi từ đó ông Satter trở thành người bạn của gia đình tôi. Khi nhớ nhà, ông lại tới nhà tôi cho khuây khoả. Gia đình ông ở Hampshire bên Mỹ, nên về cuối năm ông thường nhắc đến tuyết, Tuyết khắp mọi nơi: trên nóc nhà, trên đồi, trên sân cỏ, và nơi ông truợt tuyết. Khi nhắc đến quê hương, mắt ông mơ màng nhìn vào xa xôi. Đôi khi tôi ngầm ganh tỵ với ông, khi tôi bằng ông cũng trạc tuổi tôi, mà sao ông có tuổi thơ tươi đẹp trong khi tôi lận đận đủ mọi bề. Tôi mơ ước được đi học lại, cũng như ông trung uý Mỹ mong cho hết nhiệm kỳ ở Việt Nam để trở về New Hampshire tiếp tục học đại học.
Cuối năm 1966, Hải quân bàn giao tất cả câu lạc bộ cho lục quân quản trị; ông xếp của tôi được về Mỹ. Tôi mất ông học trò, Brink BOQ cũng mất đi bầu không khí vui vẻ, sang trọng của hải quân. Vào dịp đó, BOQ Splendid có chỗ trống, tôi liền xin đổi đến đó để được gần nhà hơn một chút.
Xếp mới của chúng tôi là một ông chuẩn uý chừng 45 tuổi. Ông làm việc không ngừng. Ông lại nghĩ là ông có bổn phận phải “quản” nữ nhân viên trẻ chúng tôi. Ông cấm chúng tôi đi chơi với sĩ quan Mỹ. Ông nhắc nhở chúng tôi: đi với họ rồi hết hạn trở về Mỹ, các cô ở lại một mình. Lỡ có cô nào mang một “bầu tâm sự”, thì thật là một tai hoạ. Ông cấm nhân viên dưới quyền không được nhờ các sĩ quan mua hàng trong PX.
- Nếu các cô muốn gì trong PX cứ ra chợ trời là có hết. - Ông mỉa mai.
Nhân viên đều kính trọng và tuân lệnh của ông. Ông rất tử tế và thành thật với tất cả mọi người.
Tôi còn độc thân, lại khá tiếng Anh hơn những người cùng làm; ông xếp thay đổi giờ làm việc của tôi mấy lần, để đáp ứng nhu cầu của những người có gia đình, bận bịu con cái. Cuối cùng ông cho tôi làm supervisor của 5 có giữ két.
Một trong những việc làm của tôi, là bán phiếu cho sĩ quan để họ dùng phiếu đó trả tiền ăn uống. Tất cả các câu lạc bộ Mỹ vào thời đó không xài tiền Mỹ kim, vì nạn chợ đen. Suốt hai tuần lễ liền, một đại uý Hải quân trẻ, ngày nào cũng ghé qua quầy tôi mua phiếu 10 Mỹ kim, đi thẳng vào bar uống rượu, rồi không thấy ông ghé phòng ăn bao giờ. Ngày qua ngày, ông đại uý ốm đi. Bộ đồ bay của ông mỗi ngày một rộng hơn. Tôi thắc mắc, không ăn, chỉ uống rượu thôi, làm sao có đủ sức khoẻ để bay.
Một hôm, ông lại mua một phiếu 10 đồng để uống rượu. Tôi cất 10 Mỹ kim vô tủ, nhưng không đưa phiếu cho ông, nói:
- Ông đi ăn trước đi, rồi tôi sẽ đưa phiếu cho ông đi uống rượu.
Đôi mắt xanh như nước biển Thái Bình của ông nhìn vào mắt tôi, làm tôi choáng váng, vội nhìn xuống bàn. Ông nói:
- Tôi không thích ăn một mình.
- Thì ông nói mấy bạn nhậu của ông đi ăn với ông.
- Ồ, mấy thằng đó xấu như ma. Nếu cô hứa mai đi ăn trưa với tôi, chiều nay tôi sẽ vào phòng ăn ngay cho cô vui.
Ông vừa nói vừa nhìn chằm chặp vô mắt tôi, hai bàn tay đặt nhẹ lên bàn, như hối thúc tôi phải trả lời ngay. Tôi lúng túng đáp:
- Tôi không thể đi ăn với ông được.
- Tại sao?
- Tôi không được phép đi ra đường với người Mỹ.
- Lịnh của ai?
Vừa lúc đó, ông chuẩn uý Lugent, xếp của tôi, vô phòng và đi lại bực cashier của tôi. Tôi chỉ ông, đáp:
- Lịnh của ông này.
Ông đại uý bèn nhìn thẳng mặt ông Lugent, rồi đột ngột nói:
- Ngày mai, ông cho phép cô này đi ăn trưa với tôi nhen? Tôi hứa sẽ trả cô về đây an toàn và nguyên vẹn.
Ông Lugent cười, đưa tay sửa cặp kiếng cận thị dầy cui của ông, và có vẻ hơi lủng củng, đáp:
- Đại uý Krall cứ hỏi thẳng có ấy coi!
Đại uý Krall trịnh trọng nói:
- Tôi có thể sẽ nhịn đói cho tới khi cô chịu đi ăn với tôi. Bấy giờ, xin cô đưa phiếu cho tôi.
Tôi lúng túng không biết nên phản ứng thể nào. Đại uý Krall làm cho ông xếp của tôi khó chịu, lại vừa làm tôi sượng người. Giá lúc ấy có thể độn thổ được, tôi đã chui ngày xuống đất. Tôi lúng túng nói để ông đi cho khuất mắt:
- Sợ chết đói, tôi nhận lời đi ăn trưa với ông, ngày mai.
Hôm sau, tôi đến sở sớm 2 tiếng, mặc cái áo đẹp hôm áo đi làm hàng ngày. Tôi vừa bước chân lên thềm của BOQ Splendid, đại uý Krall đã đứng khoanh tay dựa lưng ở cửa, một chân dựa vách tường, một chân dưới đất. Ông nhanh nhẹn dẫn tôi lại gần xe Jeep mui trần đậu ngày trước cửa, gần chỗ người quân cảnh Mỹ đứng gác. Mặt tôi nóng hơn vỉa hè buổi trưa nắng đó. Tôi vừa bối rối, vừa vui vừa sợ, vừa tự trách mình đã nhận lời đi với người lạ, ngang hơn cua. Rồi tôi thầm tự hỏi, tại sao mình mặc đẹp, trong khi người ta chỉ mặc bộ đồ phi công rộng thùng thình? Nhưng dù thế nào, tôi vẫn nghĩ đến cặp mắt xanh như Thái Bình Dương. Đôi mắt làm cho mặt ông sáng rỡ lạ kỳ.
Tôi ngồi trên xe Jeep mà cứ phấp phỏrng sợ người quen bắt gặp. Nhưng tôi lại nhớ ngay ra rằng, ở cái đất Sài gòn này tôi có quen ai đâu mà sợ. Rồi tôi lại nghĩ tới các em tôi. Rủi Hải Vân trông thấy tôi ngồi cạnh một sĩ quan Mỹ thì sao? Có thể nhỏ sẽ đòi hối lộ: “Chị biểu anh chàng sĩ quan Mỹ practice tiếng Anh với em đi”. “Không được, cưng ơi. Chị chỉ đi ăn trưa bữa nay thôi để cứu mạng anh ta, không có lần thứ hai đâu. Kiếm thằng Mỹ khác để practice tiếng Anh cưng nhe”. Đại uý John Krall vừa lái xe vừa bắt tay tôi, rồi từ giới thiệu:
- John, John Krall.
Tôi đang ngầm nổi sung, cũng không biết tại sao lại nổi sung. Tôi cầm thẻ của sở Mỹ đưa lên cho John biết tên tôi. Ông liền nói:
- I already know your name. Cô Dung.
Ông phát âm tên tôi thật đúng. Tôi liền hỏi:
- Tại sao ông nói tên tôi đúng quá vậy?
- Biết mà. - Ông trả lời bằng tiếng Việt lơ lớ.
Tôi nói một tràng tiếng Việt, vì nghĩ rằng ông cũng giỏi như người học trò cũ của tôi là Richard Satter trước kia. Nhưng John lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Ông đề nghị tôi gặp ông hàng ngày và dậy ông tiếng Việt. Tôi trả lời liền: “Không có chuyện đó ông ơi”. Nhưng ông không hiểu.
Xe vừa tới cổng Cercle Sportif thì tôi cảm thấy bực mình, vì tôi ghét cái gì có dính líu tới thằng Tây. Ở cái thủ đô Việt Nam này, hết chỗ ăn trưa sao, mà lại chui đầu vô tiệm của thằng Tây. Nhưng ngay sau đó, tôi lại nghĩ rằng, tha chui đầu vô đây còn hơn là chạy dông dài ngoài đường phố. Tôi đã từng thấy nhiều cô gái Việt đi với Mỹ. Họ ngồi đầy trong các nhà hàng, như tiệm Đô Thành trên đường Hàm Nghi, hay tiệm Mỹ Cảnh bên bờ sông Sài gòn.
Sau lần ăn trưa hôm đó, tình cảm của tôi đối với đại uý phi công John Krall đã thay đổi rất nhiều. Vì thế, tôi nghĩ rằng John có mua hai ổ bánh mì thịt, rồi rủ nhau ra ngoài đồng cỏ ngồi ăn, tôi cũng sẽ đi theo ông hết ngày này qua ngày nọ.
Vào mùa thu năm 1967, Hải Vân bỗng trở thành phát ngôn viên của trái tim tôi. Nó tuyên bố:
- Chị Dung yêu rồi. Đừng có ai lo chị ế chồng nữi. Chị làm cách mạng, yêu một anh chàng Mỹ mắt xanh. Em ghét Mỹ lắm, nhưng cái anh chàng Mỹ này là phi công, nên cũng OK.
Cho tôi lúc này, John chỉ biết sơ về gia đình tôi, vì mỗi lần anh hỏi, tôi lại nói lảng sang chuyện khác. Nhưng tôi biết, đã đến lúc tôi phải, hoặc là nói thật về ba tôi, hoặc là tôi cắt đứt hoàn toàn với John. Đằng nào thì mối tình này cũng phải chết yểu. Có thể anh đại uý phi công Mỹ sẽ hết hồn, khi biết ba tôi là một cán bộ cộng sản. Không chừng anh xin về Mỹ sớm hơn thời hạn. Nhưng làm sao tôi có thể nói dối với người tôi yêu được. Thì thôi, phó mặc cho ông trời; tôi không nên ôm cái bí mật này nữa. Tôi quen với John cũng gần một năm rồi, chớ đâu phải mới hôm qua hôm kia!
Hôm đó, tối thứ sáu, John đến nhà rước tôi đi ăn ở nhà hàng La Cigale, trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao. Chúng tôi vui vẻ nói cười suốt buổi. John còn lên yêu cầu cô nhạc sĩ đàn cho tôi nghe bài Greensleave. Trong lúc chúng tôi ngồi cho ăn tráng miệng. John nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói:
- Cô không bao giờ nói về ba cô cho tôi nghe?
Tim tôi thắtt lại. Bây giờ phải nói gì đây? John vô cùng quan trọng đối với tôi. Nhưng tôi không trả lời anh ngay mà xin phép vào toilet rửa tay. Đóng cửa lại, tôi nhìn tôi trên kiếng, tìm một câu trả lời. Tôi nhớ, đã có lần một người trong gia đình cho là tôi “muốn chết”, vì tôi nhứt định không bao giờ chịu nói ba tôi chết, khi ai hỏi tới Người. Các chị tôi nói “ba chết” một cách dễ dàng. Bây giờ a, khoảng cách giữa tôi và câu trả lời đó chỉ có một bức tường. Chắc là tôi sẽ chết thiệt cho không phải “muốn chết”, vì tôi không thể nói dối được với John.
Khi tôi trở về bàn, John đứng dậy kéo ghế cho tôi. Anh im lặng chờ tôi trả lời. Khi bão tố nổi lên trong lòng tôi, thì vẻ mặt anh cũng tươi vui như đứa con nít trong ba ngày Tết. Tôi bối rối cầm ly rượu chát uống cạn, rồi vội vàng nói thật nhanh:
- Ba tôi hiện đang ở ngoài Hà Nội. Ông là đảng viên cao cấp Đảng cộng sản. Nếu anh không muốn gặp tôi nữa, tôi sẽ hiểu.
John bình tĩnh vừa cười vừa nói:
- Tại sao tôi lại muốn làm cái việc dại như vậy?
Rồi anh hôn lên ngón tay trỏ của anh, đặt ngón tay đó lên trán tôi. Đó là một cử chỉ quen thuộc anh vẫn thường làm, khi anh gặp tôi ở sở, trước mặt đông người.
Đám mây đen bao phù thế giới nhỏ bé của tôi từ lâu, hôm nay bỗng tan biến nhanh chóng. Tôi say sưa nói về ba tôi. Từ 1954 cho tới năm 1967, tôi không kể cho ai nghe về ba tôi và anh Khôi. Nhưng tối nay, một đại uý phi công Mỹ có đôi mắt như biển Thái Bình, phải ngồi im lặng nghe tôi nói! Thỉnh thoảng, trong khi kể, tôi ngừng lại, tìm trong mắt anh một tia nghi ngơ, nhưng không thấy. Anh chăm chú nghe như nghe một chuyện thần thoại, một chuyện khó tin nhưng có thật. Mà nghe thì cứ nghe, còn có dám chấp nhận không lại là chuyện khác. Chấp nhận, có nghĩa là tiếp tục đi bên cạnh tôi suốt cuộc đời này.
Với anh John, tôi có thể vui cười, nghiêm trang, bướng bỉnh, hay ngây thơ một cách tự nhiên. Bay giờ, ngoài An ninh quân đội, chỉ có anh biết về gia đình tôi, mà tôi không sợ bị phán đoán hoặc nghi ngờ, hoặc bị vu oan cho cái tội làm tay sai cho VViệt Cộng, đặc công, nằm vùng.
Tôi chợt nhớ tới lời em trai tôi có lần đã nói: “Anh Mỹ kiểu này thông minh hơn em, chị ơi”. Thỉnh thoảng tôi thấy John khai toán, lý, hoá cho nó. Thì ra hai người đã thích nhau nhưng tôi không biết. Có một lần, hai chị em đi chơi với John Hải Vân hỏi mượn xe Jeep của John để “chạy thử một vòng”. Tôi biết em tôi chưa biết lái xe. Tôi nhìn nó, thì nó nói nó không biết lái xe cho nên nó mới mượn xe để học lái. Nửa tiếng đồng hồ sau, Hải Vân trở lại, mắt sáng trưng “em lái được rồi đó”. Lúc đó John mới hiểu, và mới hết hồn vì đã đưa xe của nhà binh cho thằng nhỏ chưa biết lái xe. Tôi không dám kể lại cho má chuyện này, mà Hải Vân cũng không méc tôi đi chơi với John.
Đêm đó, John và tôi là hai người khách cuối cùng của nhà hàng La Cigale. Vợ chồng ông Tây đi tới bàn chào chúng tôi để họ đóng cửa. John vội nâng ly, nói:
- Tôi sẽ không đi hỏi cưới ông bỏ cộng sản của cô, nhưng tôi rất muốn cưới con gái của ông. Làm ơn “dạ“ cho tôi nhờ.
Tôi không rõ anh đã học được ở đâu cái câu nói đó. Đêm hôm đó và nhiều đêm tiếp theo, tôi thức giấc khuya, rồi băn khoăn tự hỏi: “Đây là thật hay là mộng”. Rồi tôi từ trả lời: “Mà dù cho là mộng, rồi nó cũng sẽ biến thành sự thật ”. Tôi tin như vộiy, vì nhiều mộng của tôi đã thành sự thật. Nhưng tôi là con người lệ thuộc gia đình rất nhiều, vì thế tôi không thể không hỏi ý kiến má, dù má lúc nào cũng sẵn sàng cho chúng tôi tự do quyết định cuộc đời mình.
Vào một buổi trưa nóng nực của mùa xuân Sài gòn, má và tôi ngồi nói chuyện trên bậc thêm trước nhà, trong khi mọi người đang ngủ trưa. Hai mẹ con nói đủ mọi thứ chuyện, bắt đầu từ chuyện thời tiết, so sánh giữa Sài gòn với Cần Thơ. Rồi chuyển sang chuyện chánh trị. Mà chánh trị là thể nào cũng có ba tôi. Má nhắc lại lời của ông ngoại, cho rằng các cậu và ba tôi bị Hồ Chí Minh và đàn em của ông ta lừa gạt. Các cậu và ba đều những người yêu nước, thật thà, chỉ biết chống Tây để giành độc lập cho nước nhà. Cũng theo ông ngoại, cộng sản phá vỡ mọi luân lý gia đình, rồi sẽ đưa Việt Nam đến suy tàn… Má cũng biết Hải Vân có ý định gia nhập Không quân. Khi tôi đang loay hoay tìm cách đổi hướng câu chuyện sang vấn đề hôn nhân giữa tôi và John, nói lòng vòng mà không nói được hết ý trong lòng mình, má tôi nhẹ nhàng nói:
- Con lập gia đình với ai cũng được, miền đừng có lấy chồng vì tiền, thì ba không trách ai được.