Chương 30

     ôi không bao giờ có thể quên được cái ngày 23 tháng năm 1975, là ngày tổng thống Ford tuyên bố người Mỹ chấm dứt cuộc tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Đó cũng là ngày tôi nhận được điện thoại của Hoà Bình, em tôi, báo tin má và hai em tôi đã ra khỏi Sài gòn. Giọng nói của em buồn như em khóc. Mấy tuần lễ trước, tôi nóng lòng mong đợi cái tin này, và cứ nghĩ rằng tôi sẽ reo hò mừng rỡ. Vậy mà bây giờ tôi lại cảm thấy tê tái trong lòng. Hai chị em tôi im lặng một hồi lâu. Tôi đang ở Honolulu, em tôi ở bên kia ba đại dương. Cả hai chúng tôi cùng có nỗi buồn mất nước. Cuối cùng, tôi hỏi để cho có hỏi:
- Má với tụi cưng mạnh ha?
Hoà Bình cho biết là tất cả đã tới nơi bình yên. Má mong sớm được gặp con cái của má ở Hawaii. Tôi cho Hoà Bình rất có thể tất cả phải ở Guam một thời gian ngắn để lo thủ tục nhập cảnh. Em cho biết đã ra khỏi Sài gòn thì ở đâu cũng tốt, và chờ đợi bao lâu cũng không sao. Nhưng tôi nghe trong tiếng nói em chứa chất một điều gì mà em con giấu kín trong lòng. Tôi hỏi thì em đáp:
- Em bỏ lại hết trơn chị Dung ơi!
Em tôi khóc. Tôi an ủi:
- Rồi mình sẽ có nhau.
Tôi không biết nói gì khác. Hoà Bình bật khóc nức nở.
- Mình mất Việt Nam vĩnh viễn rồi!
Tôi nghe được niềm đau đó, vì tôi cũng như em, khóc cho đất nước lọt vào tay con cháu bác Hồ. Tôi cũng biết má tôi còn đau hơn chị em tôi nhiều. Vì trong một buổi sáng má tôi đã bỏ Sài gòn hai mươi năm chờ đợi, ước mong ngày tái ngộ cùng chồng và người con trai đầu lòng của má. Không những thế, bà còn bỏ lỡ cơ hội gặp lại anh em ruột và các cháu của bà. Họ trở về trong chiến thắng, trong khi bà phải vội vã chạy trốn cộng sản. Rồi từ nay, hàng tuần má tôi sẽ không còn có thể đi thăm mộ Hải Vân ở nghĩa trang quân đội được nữa. Trái tim tôi nghẹn ngào, cổ họng tôi khô rát, xót thương cho má. Những trong thâm tâm, tôi phải kính phục má là người can đảm ra đi.
Em tôi chết; chỉ trong một thời gian ngắn, má tôi già đến hai chục tuổi. Bây giờ bỏ lại mồ mả không thể viếng thăm được nữa, làm sao má tôi có thể sống vui được. Gia đình tôi ai cũng biết trước, rồi đây cộng sản sẽ làm gì mồ mả kẻ thù của họ.
Tin tức về Việt Nam đều là hung tin, nhưng chúng tôi vẫn thức khuya dậy sớm theo dõi từng giờ. Đêm đêm, vợ chồng tôi thường thức giấc nửa khuya, mở TV nghe tin một vài phút, rồi đi ngủ lại. Ai cũng biết rằng hôm này, ngày mai hay một vài tuần nữa, Sài gòn sẽ hoàn toàn thay đổi. Rồi Sài gòn sẽ mất những tên đường cũ, mất cả những tượng đài ghi nhớ công ơn các bậc anh hùng dân tộc. Lá cờ chính nghĩa của dân tộc Việt cũng sẽ không còn nữa. Rồi từ đây, người Việt Nam của tôi sẽ phải dùng ngôn ngữ của kẻ thù, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng.
Có khi nằm trên giường tới hai giờ sáng mà tôi vẫn chưa ngủ được, suy nghĩ lan man đủ mọi chuyện có thể xảy ra sau khi miền Nam sụp đổ.
Năm ngày sau khi má và hai em tôi tới Guam, chúng tôi nhận được điện thoại của Hoà Bình lúc nửa đêm, báo tin má và hai em đã tới phi trường Honolulu, vợ chồng tôi vội vã thay quần áo, rồi gọi cho chị Cương, hẹn gặp nhau ở phi trường. Tội nghiệp Lance, nửa đêm bị dựng dậy, nhưng nó còn tỉnh táo hơn cả tôi, nó reo lên:
- Sướng quá! Bà ngoại qua, con được ngủ với bà. Ngày mai được nghỉ học, phải không mommy?
Tôi cố nhịn cười hỏi:
- Bà ngoại qua có dính dáng gì tới việc đi học của con đâu mà đòi nghỉ học?
Nó vừa cầm đôi giầy sandale vừa chạy nhanh ra garage như để trốn tôi, rồi đáp:
- Tại mommy bắt Lance thức dậy nửa đêm, sang mai Lance buồn ngủ lắm, sao đi học được!
Trong những ngày cuối cùng buồn thảm của Việt Nam, nếu không có thằng con kháu khỉnh và thông minh này, chắc vợ chồng tôi chơi vơi lắm. Nhờ nó mà trong nhà vẫn có tiếng cười, nhất là những tiếng cười vô tư của tuổi thơ.

*

Khi đến phi trường, tôi thấy má và hai em tôi đang xếp hàng bên quầy của sở di trú. Má tôi trông già hẳn đi, già hơn hồi tháng 2 vừa qua tôi mới về ăn Tết. Hình như tất cả những đau thương, phiền muộn đã hiện lên mắt má. Tôi bỗng chột dạ, tự hỏi không biết tất cả những cố gắng của vợ chồng tôi từ mấy tuần nay để to cho má qua Mỹ có phải là một việc làm đúng không? Tôi muốn ôm má tôi, nhưng nhân viên sở di trú ngăn lại. Chị Cương thì bật khóc khi vừa nhìn thấy má và hai đứa em. Trong khi đó, bọn con nít, như Lance, con chị Cương Tina, Ten và Kenneth bất chấp nhân viên sở di trú, chui luồn xuống dưới để ôm bà ngoại và hai dì của chúng nó. Cả nhân viên sở di trú lẫn hải quan bất lực trước đám con nít, nên đã cho má và hai em đi ra một cách mau chóng, hành lý chỉ phải xét qua loa. Gọi là hành lý, chớ thật ra cũng chẳng có gì.
Ba cãi vã-li nhỏ xíu chỉ vỏn vẹn có mấy thứ như: hai bộ quân phục không quân của Hải Vân, một kaki, một mầu xanh, một cái nón, một cuốn tập vở của Hải Vân hồi em học lớp Đệ thất, có cả cuốn truyện “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, mấy cuốn dậy nấu ăn, hình của ông bà ngoại tôi mà má lấy trên bàn thờ, một cây đàn guitar cũ của Hải Vân… Nhìn những đồ vật đó, tôi nghẹn ngào, tim tôi rã rời. Tôi ôm mặt để giấu tiếng khóc, rồi vội bước ra khỏi đám đông. Chị Cương kêu tôi trở lại, nhưng John nói:
- Để cho Dung yên vài phút.
Tuy nói vậy, những John lại dìu tôi trở lại với má và hai em Hoà Bình và Minh Tâm. Tôi chỉ đứng cách mà có vài bước, mà sao tôi thấy chân tôi nặng nề không bước nổi. Tôi không muốn chứng kiến nét đau đớn trên gương mặt già nua của má. Thật tôi cũng không biết nói gì với má, không lẽ hỏi thăm những câu tầm thường khách sáo. Mất nước, mất nhà, mất mồ mả cha mẹ. Tôi ôm lấy má, nhưng hai mẹ con không nói nên lời một hồi thật lâu… Rồi chúng tôi lên xe đi về nhà.
John và Wray, anh rể của chúng tôi, đi một xe. Còn tất cả chui vô ngồi chung một xe với má. Chỉ có Minh Tâm ngồi băng trước với tôi, mọi người còn ngồi chồng lên nhau ở băng sau, Kenneth và Lance mỗi đứa ngồi một bên bà ngoại. Kenneth, lúc đó mới bốn tuổi, ôm cánh tay bà ngoại rồi nói:
- Ken mừng bà ngoại sống.
Hoà Bình khóc:
- Dì Bình cũng vậy nữa, Ken ơit!
Tôi nhìn má tôi qua kiếng chiếu hậu, rồi hỏi:
- Má à, mình có làm đúng không, má?
- Mình đâu con đường nào nữa, con. Má sẽ tự vẫn trước khi cộng sản hành hạ má. Ai cũng biết, không ai có thể lọt khỏi bàn tay của cái đám Hà Nội khi họ chiếm được miền Nam của mình!
- Con nghĩ tới ba. - Tôi nói.
- Ba con có đảng của ông. Ông sẽ bình yên với Cách mạng ông. - Má tôi trả lời, giọng buồn hiu. Tôi nói:
- Mấy đêm con ngủ không được, cứ nghĩ tới ngày về của ba. Chắc ba đau khổ và thẹn thùng với họ lắm, vì khi về tới thì má đã đi rồi!
- Con dằn vặt lương tâm của con không trúng chỗ. Khốn nạn, mình phải bỏ đi. Tụi con tin má đi. Đây là một quyết định khôn ngoan nhứt trong gia đình mình. Tốt cho má, cho tụi con; nhứt là cho ba của tụi con nữa. Nếu má ở lại, má sẽ tiếp tục chỉ trích, phê bình Chánh phủ của ông. Rồi có thể vì má, ba bị mất mặt, sẽ khó ăn khó nói với đảng, với đồng chí của ông, vì vợ con toàn là một đám chống cộng.
Từ hôm đó cho tới ngày Sài gòn rơi vào tay cộng sản, chúng tôi cùng ngồi dựa vào nhau trước cái TV mà ngậm đắng nuốt cay, cái đắng cay của người bị cướp nước. Mỗi chiếc trục tháng bị đẩy xuống biển từ các chiến hạm, là một lần tim chúng tôi tan nát, trực thăng gợi cho chúng tôi nhớ đến Hải Vân. Em yêu nó và đã từng lái nó. Nó chính là biểu tượng lòng yêu nước của em với ý chí diệt quân thù.
Khi tướng Nguyễn Cao Kỳ dang tay cho người lính Mỹ xét thân thể của ông, lần đầu tiên tôi nếm cái đắng cay, nhục nhã của kẻ đưa hai tay đầu hàng. Tôi thầm tự hỏi: “Ở lại để chiến đấu đến cùng, hay ra đi rồi phải chịu nhục trước đồng minh của mình. Đàng nào hơn?”. Rồi tôi tự đáp: “Danh dự của một con người, liêm sỉ vẫn quan trọng”.
Tôi thao thức nhiều đêm, nghi hoài đến tương lai, đất nước sau khi cộng sản chiếm trọn miền Nam. Rồi tất cả mọi người sẽ phải sống dưới gọng kim sắt máu của cộng sản. Tôi thầm hận “đồng minh” Mỹ. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy nhục nhã đã làm công dân của một nước tháo chạy trước nguy cơ.
Bốn tuần sau ngày cuối cùng của Việt Nam, ông Bob Jantzen mời hai vợ chồng tôi đến sở của ông. Văn phòng của ông trong căn cứ hải quân ở Pearl Harbor. So với văn phòng của các sĩ quan cao cấp của John khác xa nhau, như một trời một vực, nhà trải thảm dầy mầu cam sáng rực. Bàn ghế toàn bằng gỗ quý, chớ không phải bàn ghế kiểu nhà binh bằng sắt mầu xám. Trên bàn trong phòng tiếp khách có một bình bông tươi, chân dung bà Từ Hi thái hậu chiếm khoảng một phần ba bức tường.
Đây là lần đầu tiên ông Jantzen bắt tay John. Ông khen John đã thành công trong việc cứu má tôi. Rồi quay về phía tôi, ông nói thêm:
- Vợ anh cũng là người can đảm.
Tôi ngạc nhiên về lời khen này, vì có thấy mình can đảm đâu. Chẳng lẽ nói chuyện với một sĩ quan tình báo là hành động can đảm? Hay còn một cái gì nguy hiểm chờ đợi tôi đây? Tôi nghe những chuyện đường rừng thú vị do các chị bà con Việt Cộng kế về tội ác của CIA. Tôi cũng đã đọc sách và tiểu thuyết về tình báo Mỹ v.v…
Sau vài lời thăm hỏi xã giao, ông Jantzen hỏi tôi có lòng gặp “case officer” của CIA không? Kinh nghiệm của tôi lúc bấy giờ là sáu năm làm vợ một phi công đã từng vào sanh ra tử. Ngoài ra, tôi cũng có kinh nghiệm nuôi dưỡng thằng con chưa đầy sáu tuổi. Tôi hỏi ông về “case officer”, ông cho biết đó là một sĩ quan có trách nhiệm cộng tác với một người thường dân hoạt động cho CIA; là một người gián điệp của CIA. Nghe xong tôi gật đầu đồng ý.
Hôm sau, vợ chồng tôi trở lại văn phòng ông Jantzen, tôi được giới thiệu với ông Robert Hall, gọi tắt là Rob. Ông Jantzen bỏ đi, để chúng tôi ở lại nói chuyện với nhau. Có điều tôi thắc mắc, là trước đây ông Jantzen cho biết ông Robert Hall là “case offfcer” của CIA, bây giờ ông Robert Hall lại tự giới thiệu là thiếu tá không quân? Tôi sẽ tìm cách để hiểu rõ ông ra.
Sáng hôm sau, chúng tôi lại gặp nhau để tôi nói hết về gia đình tôi. Đến 12 giờ trưa thì ông đã rành về gia đình tôi hơn cả những người quen biết chúng tôi từ mấy chục năm này. Tôi cho ông biết về đời sống của ba tôi. Ông làm nghe dậy học, những bí mật hoạt động chống Pháp, nên bị Tây đầy ra Côn Đảo. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông đi thẳng vô bưng, rồi trở thành tỉnh uỷ Cần Thơ. Anh vợ, em vợ của ông đều là đồng chí của ông. Sau đó tất cả cùng đi tập kết ra Bắc. Mãi mới dậy tôi mới biết ông làm đại sứ của của Mặt trận giải phóng miền Nam tại Moscow. Tôi cũng cho ông Hall biết những ai là bạn chí thân, là đồng chí của ba tôi, gồm các “chú”, các “bác”: Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Lê Đức Mai… và nhiều người khác nữa. Tôi nói nhanh khiến ông viết không kịp, nhưng tôi cứ tiếp tục nói. Tôi tưởng chỉ nói qua một lần là đủ, không ngờ ngày kế tiếp ông hỏi tôi nhiều câu ông đã từng hỏi hôm trước. Trí nhớ của ông thua tôi hay ông là cái máy dò sự thật? Dù sao tôi cũng không ngại, vì những điều tôi kể đều là sự thật. Chuyện gì không muốn cho CIA biết, tôi không nói ra. Tôi không dại gì mà nói không thật với những người này.
Tôi không muốn má tôi biết có sự đổi chác với CIA để má và hai em tôi được thoát khỏi Sài gòn, nên mấy ngày gặp ông Hall, tôi đưa má và hai em tôi sang nhà chị Cương ở Pearl City, để má và chị Cương tâm tình với nhau.
Sau nhiều ngày nói chuyện với ông Hall, tôi như cuốn sách để ông lật trang nào cũng tìm thấy sự thật thà của một người không có kinh nghiệm đương đầu với CIA. Tôi chỉ biết ông có vợ và hai con, một gái, một trai. Ông là một trong những nhân viên CIA từng hoạt động tại Lào, Việt Nam và Cao Miên. Chúng tôi không còn khách sáo nữa, mà gọi nhau là Rob và Dung.
Cuối cùng, tôi cho Rob biết một điều quan trọng, mà không hỏi tới trong những buổi phỏng vấn: tôi hãnh diện làm con của một nhà cách mạng chống Pháp, nhưng tôi là người Việt Nam yêu nước, chưa bao giờ nối giáo cho giặc cộng sản Việt Cộng, và cũng sẽ không bao giờ phản bội dân tộc hay đất nước của tôi. Tôi cũng cho ông biết, tôi mang ơn CIA suốt đời, vì đã cứu má và em tôi. Những cũng không vì vậy mà tôi sẽ làm một điều gì có hại đến ba tôi và anh tôi. Ngoài ra, nếu làm gì hại cho cộng sản để cứu người dân Việt Nam, tôi sẵn sàng phục vụ cho CIA, đến khi nào họ không cần tôi nữa. Rob hứa là ông giữ liên lạc; khi nào cần sẽ cho tôi biết. Ông cũng dặn tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để có dịp thuận tiện bay tới Washington, D.C. dự một lớp “huấn luyện”. Nhưng, qua mấy ngày họp với Rob, biết một điều: lời hứa vội vàng với trung tướng Gaylor trong những ngày hấp hối của Sài gòn đã như một định mệnh; chỉ trời mỗi thay đổi được hướng đi này.