Chương 39

     gày ba tôi rời Paris. Thái và tôi đưa ông đến phi trường. Trong khi Thái còn chạy kiếm chỗ đâu xe, ba tôi và tôi đi vô để trình vé ở quầy của hãng máy bay Aeroflot. Tôi không hiểu hết, khi ba tôi nói tiếng Nga với người đàn bà Nga ở sau quầy. Thái muốn ba tôi đi máy bay của hãng Air France, Nhưng ba tôi không chịu, chỉ muốn Aeroflot thôi. Điều này khiến tôi nhớ lời Rob, dặn tôi chỉ nên đi máy bay Mỹ thôi.
Chúng tôi ngồi chơi với ba tôi ở phòng đợi cho đến khi ông lên đường. Khi nhân viên hàng hàng không kêu tên ba tôi, ông không nhúc nhích mà nắm chặt tay tôi như không muốn rời.
Ông nhắc lại:
- Con săn sóc má giùm ba.
Chúng tôi cùng đứng lên, rồi ông ôm tôi thật lâu trước khi lên máy bay.
Tôi thấy mình như đứa trẻ mồ côi. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn chiếc máy bay sắp sửa đưa ba tôi đi mất. Thái đứng cách tôi vài mét để chờ tôi. Trên đường về, tôi không biết nói gì với Thái.
Trước khi tôi rời Paris, Phan Thanh Nam đưa tôi đến gặp ông đại sứ của Hà Nội ở Paris. Nam dặn tôi kêu ông là “chú”. Càng tốt, có chú làm đại sứ của Cộng sản, có cơ hội lấy tin tức cho CIA.
Chúng tôi uống trà trong một phòng ấm cúng của toà đại sứ, và lắng nghe tất cả những câu hỏi của ông đại sứ. “Chồng cháu phải là người Mỹ tốt không?”. (Đối với cộng sản, một người Mỹ “tốt” là người chống chiến tranh). “Anh ấy làm nghề gì?” (việc tốt đối với cộng sản là không làm gì hại đến họ). Không thể nói đối với họ, nhưng tôi quan niệm là không nên nói ra nếu không nói thật được, thì đừng nói; không ai đánh mà sợ.
Tôi trả lời ông đại sứ:
- Thưa chú, chồng cháu yêu nước của anh như cháu yêu nước của mình. Điều an ủi là cháu biết anh ấy thông cảm, buồn cho đất nước mình.
Võ Văn Sung và Nam có vẻ phấn khỏi khi biết chồng tôi là một nhà khí tượng học, và đang làm việc cho đài khí tượng ở Honolulu. Đại sứ Võ Văn Sung nói:
- Một ngày nào đó, chồng cháu có thể giúp ba cháu khi ông cần.
Đại sứ Võ Văn Sung không để mất thì giờ nói chuyện quanh co, mà đi thẳng vô vấn đề. Ông hỏi tôi đã có bao giờ tham gia hoạt động của Mặt Trận chưa? Cũng như đối với mọi người, tôi cho ông biết cả gia đình tôi ở miền Nam đều hoạt động cho Mặt trận. Mặt Trận đã từng lấy đất của ông bà tôi làm căn cứ hoạt động, và vì thế người anh bà con rất trẻ của tôi đã bị giết. Tôi biết rằng những mất mát này chẳng có nghĩa lý gì đối với ông đại sứ. Có chăng, là máu của tôi hoa với máu của kẻ thù của cộng sản và trở thành thương binh một giò đứng trước mặt ông, thì may ra tôi mới là người có công với “Cách mạng”. Nhưng ông cũng cho tôi một dịp nữa, là cho tôi bắt đầu đóng góp, ông nói:
- Chú có một người bạn rất tốt ở Mỹ. Ông ta sống ở Francisco. Chú muốn cháu gặp ông ta ngay khi cháu về Mỹ.
Tôi tự hỏi, không biết các viên chiếc cao cấp của chính Hà Nội có xem bản đồ của nước thù địch của họ không. Ông cán bộ khoảng cách từ Hawaii đến San Francisco là bao xa không. Tuy vậy, tôi vẫn hỏi địa chỉ của người bạn tốt đó, và ghi vào sổ tay. Tôi còn xin ông đại sứ viết mấy chữ vô sau danh thiệp ông để giới thiệu tôi với người “bạn tốt”. Ông viết ngay, tôi có đủ mọi thứ cần thiết để có thể liên lạc với mạng lưới cộng sản ở nước Mỹ.
Người bạn mà ông đại sứ muốn tôi gặp ở San Francisco chính là người thành lập là chủ tịch của “Hội Việt kiều yêu nước” ở Mỹ. Một năm sau, tôi bay qua San Francisco gặp ông và thâm nhập vào hội này. Tôi còn hỏi ông đại sứ có “bạn nào ở Honolulu muốn tôi gặp không?, ông hãnh diện trả lời:
- Có thể mình cũng có nhiều nguồn ở Honolulu, nhưng hoạt động bí mật nên chú không rõ.
Tôi rời Paris về Hawaii với sự tin tưởng rằng tôi vẫn được cộng đồng người Viột thân Cộng tại Paris đón tiếp nồng hậu, và chắc chắn sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ với Nam, Thái. Tôi không hứa hẹn gì trước khi từ biệt, nhưng tôi biết, Nam tin rằng tôi đã lọt vô lưới hoạt động của ông. Hôm tôi đến chào ông để về Mỹ, Nam nói:
- Chú biết rằng sự đóng góp sau này của cháu cho Cách mạng sẽ được những người có trách nhiệm trong nước biết. Điều này sẽ làm cho ba cháu vui lắm đó!

*

Mấy tháng sau khi tôi trở về Hawaii, CIA thương lượng với hải quân, cho John đổi về Ngũ Giác Đài. Sau đó, CIA cho tôi sang Paris theo lời mời của ông chủ tịch của Hội Việt kiều yêu nước Huỳnh Trung Đồng. Trước đó. Thái có dặn tôi nên kêu chủ tịch bằng “anh”. Thế là tôi tới trụ sở gặp anh Huỳnh Trung Đồng. Đồng là một người cô đơn, trầm lắng, dáng người khắc khổ. Mỗi lần gặp anh, tôi có cảm tưởng như thân của anh ở đó, mà hồn của anh ở một nơi nào, đố ai biết, anh như một người phản chiến tranh, một người hết nghị lực. Anh còn có cái tật nói nhỏ, thì thầm như sợ có ai rình nghe.
Vào một buổi sáng tôi đến gặp anh Đồng, anh cho tôi xem tờ “Đoàn kết” do hội của anh xuất bản. Báo phát hành hai tuần một lần. Anh xin địa chỉ của tôi để anh gởi báo cho tôi sau đố. Tôi đề nghị anh gởi về hộp thơ của tôi ở Washington, D.C, cho tiện.
Như sực nhớ một điều gì quan trọng, anh lục lời trong hồ sơ”USA” cho đến lúc tìm ra một danh thiệp có đánh dấu ở một góc, lẩm bẩm đọc mấy chữ trên đó, rồi hỏi tôi có biết một người đàn bà Nguyễn Thị Ngọc Thoa không? Ba Thoa hiện sống ở Washington. D.C. Tôi trả lời rằng tôi mới dọn tới đó, nên chưa biết ai hết. Anh đọc tấm thiệp một lần nữa, rồi cho tôi biết về bà Thoa:
Bà này có chồng Mỹ, nhưng ông ấy là bạn của chúng ta. Bà tham dự phong trào chống chiến tranh rất sớm, vào đầu thập niên 60.
Tôi giả bộ khờ khạo nói:
- Vào những năm đó, em con ngủ kỹ, không có làm gì hết.
Đồng nói:
Tôi muốn cô gặp chị Thoa, kết bạn với chị ấy trước cái đã.
Tôi không mấy thích chuyện bắt con cá, nhử con tôm, nhớ lời dặn của Thái là phải kiên nhẫn, nên tôi gật đầu và giũ im lặng.
Trong buổi thăm viếng đó, anh Đồng đưa tôi đến trụ sở hội. Đó là một thư viện ở tấng dưới hầm, chứa đầy “Nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản”, và một nhóm thanh niên nghe một người đàn bà diễn thuyết. Nữ diễn giả dùng những từ cộng sản đầy mầu mè nhưng vô nghĩa, để giảng giải về cuốn sách mà mọi người đã đọc.
Trong một tủ kiếng gần lối ra vào của một phòng lớn lầu chánh, Đồng hãnh diện khoe với tôi “cây viết đã từng ký hiệp định Paris”. Sau đó, anh cầm một miếng kim loại mầu trắng đưa cho tôi xem. Trên miếng kim loại do có vẽ hình một nữ chiến sĩ, quần xắn lên tới đầu gối, vai mặt đeo một khẩu súng, tay bên trái có một sợi dây kéo một vật phía sau. Đồng giải thích:
- Đây là xác máy bay B-52 của Mỹ.
Rồi ông đưa cho tôi mảnh kim loại đó để xem cho rõ hơn. Tôi bỗng thấy hơi run run, nên không đưa tay ra đón nhận. Tôi chợt nghĩ tới các phi công Mỹ và những chiến binh khác. Tôi giận mình, vì không thể nói gì thay cho sự hy sinh của họ cho đất nước Việt Nam của mình.
Anh Đồng đưa cho tôi nhiều tài liệu để đem về Mỹ, đa số sách báo tuyên truyền của cộng sản bằng Anh ngữ. Tôi cám ơn ông về những tài liệu này, và nghĩ ngay trao hết cho CIA cùng với địa chỉ của bà Nguyễn Thị Ngọc Thoa, một người hoạt động cho phong trào phản chiến ở Washington D.C.
Ba tuần lễ tôi tiếp xúc với cộng sản và người Việt thân Cộng ở Paris, là thời gian xa nhà dài nhứt của tôi. Không ngày nào là tôi không gặp gỡ, chung đụng, chuyện trò, ăn uống với cộng sản. Tôi học ăn, học nói, hành động như một người thân cộng sản.
Qua chung trà, tách nước, tôi được tiếp xúc với người tỵ nạn Cộng sản, và những người trước kia đã nhiệt tâm ủng hộ Mặt trận giải phóng miền Nam, nhưng sau 1975 họ đã biết sự thật phũ phàng, thì trở lại giúp đỡ những người tỵ nạn còn chân ướt chân ráo.

*

Trở về Washington, D.C, tôi cho Rob biết là chúng tôi nên liên lạc với những người mà ông chủ tịch của Việt kiều yêu nước ở Paris giới thiệu, vì đây là những điệp viên của Cộng sản Hà Nội hoạt động tại Mỹ, đặc biệt là Nguyễn Thị Ngọc Thoa. Nhưng Rob cực lực phản đối. Ông nói:
- Phản gián không phải là việc của chúng ta. CIA không có trách nhiệm về chuyện này.
Tôi không đồng ý với Rob vì hai lý do. Một là, ông đại sứ Võ Văn Sung và chủ tịch Huỳnh Trung Đồng đã giới thiệu họ cho tôi. Thứ hai, họ là cái chìa khoá để mở những cửa ra vào những nơi mà CIA và tôi muốn thâm nhập. Nếu tôi không gặp những người này, thì khi trở lại Paris gặp họ, tôi đâu có đề tài gì để trao đổ với mấy ông Cộng sản này. Rob thì nghĩ khác, anh nói chừng đó tính sau, tuỳ cơ ứng biến, phản gián là việc của FBI, không phải chuyện của mình.
Tôi nói:
- Rác sau nhà mình, nếu mình không quét, thì việc làm của mình có lợi ích gì cho nước Mỹ, khi mình cứ chạy hết cái địa cầu này đểsăn tin của địch?
Nhưng ông lại nói:
- CIA không được phép tuyển dụng người Mỹ để hoạt động trên đất Mỹ, nếu không được phép đặc biệt của Bộ tư pháp!
Thì ra CIA đã làm trái luật khi tuyển dụng tôi, một công dân hoạt động tại nước Mỹ. Luật của người lập ra khác hẳn vấn đề thiên nhiên; bởi vì người lập ra, thì người có thể thay đổi, để thích ứng với hoàn cảnh. Tôi cho Rob biết ý nghĩ của tôi, và khuyên anh nên bàn lại với thượng cấp của anh, để họ thương lượng với Nộ Tư pháp.
Rob hứa sẽ suy nghĩ về đề nghị của tôi, và dặn tôi cứ theo đúng nguyên tắc. Có thể tôi vẫn phải nghe lời ông, nhưng muốn ông hiểu tầm quan trọng của vấn đề. Vì vậy, tôi nói:
- Nếu anh không báo cho FBI biết về người đàn bà Việt Nam đó, tôi sẽ báo. Nếu không được, tôi sẽ nhờ chồng tôi chuyển tin tức này đến cho FBI.
Có lẽ như vậy dễ dàng hơn, vì John đang làm cho cơ quan tình báo Hải quân, dưới quyền đô đốc Bobby Inman. Rob phản ứng:
- Nếu có làm như vậy, tôi sẽ đuổi cô.
Ông nói bằng một giọng cứng rắn. Tôi liền phá lên cười:
- Trước hết, anh phải chánh thức mướn tôi, rồi mới có thể đuổi tôi được.
Trên thực tế, dù đã làm việc cho CIA và cung cấp nhiều tin tức giá trị, tôi vẫn chỉ là một nhân viên không lương, căn bản là tự nguyện. Làm gián điệp không phải là cái nghề để sinh nhai. Có thể lời nói thẳng của tôi đã làm Rob chột dạ, nên đáp:
- OK, có lẽ cô và tôi nên ngồi xuống để nói chuyện việc làm của cô.
- Có như vậy anh mới có quyền đuổi tôi khi công việc không xuôi chèo mát mái. Nghề tình báo không phải lúc nào cũng xuôn sẻ, êm ru như ba tuần vừa qua đâu. Tôi có thể vui vẻ làm với anh, nhưng tôi cũng là một con chồn hôi khi bị ăn hiếp đó! Anh nên nhớ cái tánh xấu này của tôi.
Hải quân chuyển chồng tôi về Washington. Anh làm việc ở Ngũ Giác Đài dưới sự lãnh đạo của đô đốc Bobby Inman trùm tình báo của Hải quân Mỹ. Ở Washington, tôi và Rob Hall thường gặp nhau ít nhứt mỗi tuần một lần, khi thì ở tiệm ăn Marco Polo, trong vùng Vienna để ăn trưa, khi ởe Springfield ăn điểm tâm ở McDonald; lại có khi chỉ gặp ở bãi đậu xe của một trung tâm buôn bán thuộc quận Fail để trao đổi với nhau một vài tin tức. Chúng tôi thảo luận về việc đối phó với Phan Thanh Nam, Huỳnh Trung Đồng và Phạm Gia Thái ở Paris cùng những người khác, để chuẩn bị cho những công tác tương lai. Chúng tôi nghiên cứu một kế hoạch lợi dụng chỗ quen biết với Huỳnh Trung Đồng, như một cây cầu để gặp ngoại trưởng Hà Nội Nguyễn Duy Trinh và thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi hai ông sắp tới Paris. Cuộc viếng thăm này có thể quan trọng đối với chánh phủ Hà Nội, vì họ muốn tái lập mối quan hệ với Pháp. Tất nhiên, CIA cũng quan tâm đến chuyện này.
Trong một buổi gặp gỡ, tôi nhắc lại chuyện “dọn dẹp rác rưởi” bằng cách báo cho FBI biết mấy cán bộ cộng sản nằm vùng tại Mỹ. Có thể Rob đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này, ông trả lời ngay rằng ông không đồng ý với tôi, dù đây là một vấn đề quan trọng.
Tôi không thể dễ dàng chấp nhận một chuyện như vậy được. Gián điệp của Cộng sản và nhóm “Việt kiều yêu nước” chính là hậu thuẫn của phong trào phản chiến trong những năm 1960. Ngay cả bây giờ đã hoà bình, họ vẫn có thể tuyển dụng người Mỹ cộng tác với họ trên danh nghĩa “Phục vụ hoà bình qua tình hữu nghị“. Họ có thể đánh cắp những bí mật quốc gia, kể cả về công nghệ lẫn kỹ thuật mới. Họ cũng có thể xâm nhập vào ngành tình báo, phản gián, và Bộ quốc phòng. Một chiến thuật khác của họ là tung những tin vịt trong ngành báo chí, để gây hoang mang và hiểu lầm trong các cộng đồng thiểu số, tạo nên sự căng thẳng giữa các chủng tộc. Cao hơn nữa, họ có thể gây nên rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa các nước đồng minh với nhau, nếu họ moi được những mật mã trong sự liên lạc. Chiến tranh có thể bùng nổ giữa hai nước bạn.
Tối hôm đó, tôi thảo luận với chồng tôi về mối lo này. Tôi nói với John rằng tôi thông cảm với Rob về ý nghĩ của ông, khi cho rằng FBI chỉ là “bọn cảnh sát”, nhưng tôi thực sự muốn ý kiến của một chuyên gia khác về vấn đề này. Tôi muốn biết đô đốc Bobby Inman, một “siêu gián điệp suy nghĩ gì về chuyện này. Riêng John thì anh cũng nghĩ rằng ngành phản gián phải biết rõ những gián điệp đang hoạt động trên đất Mỹ. Hôm sau, John gặp ngay đô đốc Bobby Inman. Ông cho biết ông sẽ tìm hoàn toàn tình trạng này. Nhưng chỉ mấy ngày sau, John cho biết “họ không quan tâm” đến chuyện này. Tôi không thể tin như vậy được. Tôi nghĩ rằng nước Mỹ đang sai lầm quan trọng, mà tôi có bổn phận phải kiếm cách giúp đỡ để sửa đổi. Tôi vật lộn với những ý nghĩ ấy, rồi tôi lại xin chồng tôi tiếp tôi một tay, muốn anh dàn xếp cho tôi được gặp riêng đô đốc Bobby Inman, biết đâu người phương Tây học được cái khôn của người phương Đông và tôi tin rằng tôi có thể trình bày thẳng với ông một cách rõ hơn. John chiều ý tôi, và hai vợ chồng tôi đã được gặp đô đốc của Ngũ Giác Đài. Đô đốc Bobby Inman ngồi lắng nghe cẩn thận lời trình bày của tôi về hoạt động của Cộng sản trên đất Mỹ. Ông hứa sẽ trình bày chuyện này với ông giám đốc FBI Clarence Kelley ngày hôm sau, John lại chờ tôi vô Ngũ Giác Đài để được yết kiến giám đốc của FBI.
Cuộc gặp gỡ này chỉ có tôi và ông giám đốc của FBI trong một phòng hội nghị có cái bàn thật dài và hơn 10 cái ghế chung quanh bàn đó. Tôi bắt đầu kể lại cho ông Kelley cũng như đã trình bày với đô đốc Bobby Inman. Ông chăm chú nghe, cuối cùng, ông bắt tay tôi với hai bàn tay của ông, to ý hài lòng về cuộc gặp gỡ này.
Tôi không biết rõ sau đó chuyện gì đã xảy ra giữa FBI và CIA, nhưng chỉ mấy ngày sau, Rob loan báo:
- Bây giờ thì cô hợp pháp rồi!
Rob Hall cho biết “họp pháp có nghĩa là tôi đã được Bộ tư pháp cho phép CIA và tôi hoạt động ngay trên đất Mỹ. Rồi tôi sẽ được gặp một ông nhân viên FBI. Ông là người tôi sẽ tiếp xúc thường xuyên trong những hoạt động tay ba: là FBI, CIA và tôi.
Ông cho tôi biết tôi sẽ phải qua một lớp huấn luyện đặc biệt, và sẽ phải làm việc với một nhân viên CIA mới. Tôi giựt mình, vì với một người khác thì tôi lại mất biết bao nhiêu thì giờ dậy ông ta về Việt Cộng nữa, như tôi đã mất biết bao nhiêu thì giờ huấn luyện Rob Hall. Tôi ngao ngán vô cùng. Tôi hỏi Rob Hall tại sao tôi phải làm việc với một người khác, ông chữa lại:
- Có muốn gặp nhân viên FBI, thì cô sẽ gặp, sẽ toại nguyện. Cô còn đời hỏi gì nữa?
Vì sẽ cộng tác với FBI, Rob Hall không được làm việc với tôi. Điều này, tôi hoàn toàn không hiểu lý do bên trong của CIA, những tôi chú trương là không hỏi, khi tôi nghi là câu trả lời sẽ không được thành thật. Thà không biết, hơn là biết tin không đúng. Rob cũng có vẻ ngạc nhiên, tại sao tôi không hỏi anh câu nói đó, mà chỉ chấp nhận làm việc với người khác. Tôi hỏi ông về người mới, thì ông cho biết người này không hiểu gì mấy về Viễn Đông, và ông ta đang chờ đợi được cử sang Bangkok làm việc.
Mấy hôm sau, tôi gặp nhân viên mới của CIA. Ông tên là Bill Reardon, tuổi chừng bốn mươi. Ông lịch sự, dịu dàng, ít nói. Ông không hề hỏi tôi một điều gì trong những buổi gặp gỡ. Thật ra ông đâu có quan tâm đến những hoạt động của tôi. Ông nói thằng tôi biết là ông đang chờ đợi sự vụ lịnh đổi qua Bangkok. Được đổi đi Bangkok hai năm trước khi về hưu, là một cái post lý tưởng, còn hơn là được cơ quan thưởng tiền. Có một vài lần ông đã ngủ gục, khi tôi đọc cho ông nghe những lá thơ tôi mới nhận được từ Paris và giải nghĩa cho ông hiểu. Tôi không muốn mất thì giờ với một người chỉ tạm thời làm; với tôi: thân của ông ở đây, mà tâm ở Thái Lan. Tôi cũng có cảm tình với ông, vì ông yêu gia đình. Tôi tin rằng nếu ông thực lo cho dự án của tôi, ông sẽ là một người cộng tác đắc lực. Chúng tôi vẫn gặp nhau để ăn trưa và trao đổi ít rau tươi trong vườn chúng tôi trồng. Chỉ có vậy thôi.
Một buổi trưa nóng nực tháng 6 năm 1976, tôi được gặp một nhân viên đặc biệt của FBI tên là William Fleshman, ông còn trẻ, trạc tuổi tôi, trầm tánh, dáng thư sinh, lịch sự. Đôi lúc trong ông có dáng dấp của tài tử màn ảnh Robert Redford, nhưng mỗi lần gặp ông, tôi lại nhớ tới một ông giáo sư dậy lịch sử. Khi đã hiểu ông, tôi rất quý ông, một con người ngay thẳng, chính xác, có tinh thần hợp tác và dễ chấp nhận các đề nghị. Ông cầò là một người chân thành hiếm có, sẵn sàng thú nhận mình không biết gì hết, và ông không ngại học hỏi rèn nghề. Ông có vẻ dịu dàng và hơi lệ thuộc vào sách vở, vào kỷ luật của FBI, những theo tôi, ông đúng là một nhân viên FBI chuyên nghiệp.
Hill Fleshman là một người kiên nhẫn, hiểu biết và nhạy cảm. Chúng tôi cùng quan điểm cho rằng công tác tình báo thực sự cần nhiều thời gia để đối phó với những nghiên cứu, điều tra khô khan không thú vị, từ ngày này qua tháng khác. Nó chẳng có vẻ nhộn nhịp như trong ciné (cinéma). Nó không có kết quả trong vòng hai tiếng đồng hồ như James Bond 007, và cũng không có gì vui, hay hấp dẫn. Có hồi hộp, có cô đơn, lương tâm có bị dày vò.
Cuộc liên lạc đầu tiên của tôi với các cán bộ nằm vùng của Việt Cộng trên đất Mỹ là việc tôi gặp Nguyễn Thị Ngọc Thoa ở Washington, D.C, mà Huỳnh Trung Đồng chú tâm đến rất nhiều. Tôi yêu cầu FBI bảo vệ tôi khi tôi đến chỗ hẹn gặp chị ấy, vì tôi chưa hề đến vùng này ở Washington D.C, cũng như chưa bao giờ nghe đến tên Nguyễn Thị Ngọc Thoa.
Cầm lá thơ giới thiệu của anh Huỳnh Trung Đồng, tôi gặp Nguyễn Thị Ngọc Thoa tại địa chỉ 1300 đường 18, ở lầu 2, khi Tây Bắc Washington. D.C. Lúc tôi tới, có một người đàn ông Việt Nam đang ngồi nói chuyện với chị. Những khi thấy tôi, chic tiễn ông ta ra cửa và với vẻ e ngại, dò xét, mới tôi vô nhà và cho biết ông khách vừa rồi là một người tỵ nạn muốn nhờ chị kiếm việc giùm.
Chị Thoa người rất nhỏ, không son phấn, ăn mặc đơn sơ, ít nói và tỏ vẻ dè dặt với tôi. Tôi ráng tỏ ra thân mật với chị nói rằng đáng lẽ tôi phải đến thăm chị từ lâu, nhưng bận dọn nhà, Lúc đầu chị chẳng nói năng gì, làm cho bầu không khí thật khó chịu, chị lẳng lặng nhìn tôi từ đầu xuống thân. Cuối cùng, chị nói:
- Có nhiều người tới đây nói với tôi là họ cùng phe với mình, nhưng chỉ ít lâu sau chúng tôi khám phá ra họ là những tên phản động.
Tôi nói:
- Tôi hiểu chị muốn nói gì. Chị muốn biết tôi thiệt hay giả, phải như vậy không?
Chị nói, trong khi vẫn nhìn tôi chăm chú:
- Tôi lấy làm tiếc phải cẩn thận như vậy.
Tôi ra giọng người trên khen người dưới:
- Tôi rất hài lòng khi thấy chị cẩn thận như vậy. Tôi tin rằng chúng ta sẽ cộng tác với nhau rất dễ dàng
Vừa nói tôi vừa mở bóp lấy lá bài tủ, là thư giới thiệu của anh đưa cho chị. Thơ này đã được nhân viên FBI chụp làm bản sao trong hồ sơ của chị. Đọc hết lá thơ, chị để lại vô bao, bỏ vô túi áo, rồi bắt tay tôi với một vẻ hài lòng.
Trong buổi đầu gặp gỡ này, chúng tôi không nói chuyện ng. Tôi nói với chị là tôi thường sang Paris và sẵn sàng giúp bất cứ việc gì nếu có thể. Chị ngỏ lời cảm ơn và cho biết có nhờ tôi “mang mấy thứ” qua Paris.
Lần thứ hai hẹn gặp chị, chị đề nghị đi ăn trưa. Chị hẹn tôi ở tiệm Old Stein, một nhà hàng Mỹ ở gần khu chị ở. Tôi báo cho FBI biết để họ cho người tới canh chừng khi chị và tôi ngồi ăn.
Chị cho tôi xem to nguyệt san “Người Việt đoàn kết”. Thực ra không phải là một tờ báo theo đúng nghĩa của nó, mà chỉ là những bản tin lấy từ những tờ báo của cộng sản ở Hà Nội, được cát dán in lại rất công phu. Tôi tự hỏi chị lấy tiền đâu để in và gởi cho gần 5.000 người, vì đó là tờ báo biếu. Chị không nói cho tôi biết về nguồn tài chánh, nhưng chị lại đề cập tới sự giúp đỡ của một linh mục, cha Trần Tam Tinh ở Canada. Chị nói thỉnh thoảng chị qua Canada thăm vị linh mục thân Cộng đó.
Chị tin tưởng hoàn toàn vô chánh phủ của Mặt trận giải phóng và hãnh diện đã tham gia vào những hoạt động của Mặt trận giải phóng trong suốt thời kỳ chiến tranh. Chị không hề quan tâm tới những tiện nghi vật chất. Chị làm việc, ăn, ngủ và hoạt động chính trị trong căn phòng nhỏ xíu đó. Tấm đệm chị ngủ để ngay trên mặt sàn nhà. Căn phòng thiếu ánh sáng, bạn ghế ọp ẹp, lung lay. Cái bàn chị viết rung rinh, chị lấy hai chân kep lại cho vững khi chị viết. Chị pha café không cần đồ lược; lược bằng răng, vậy mà cũng ngon! Quần áo thì chị cho biết toàn là đồ mua ở các tiệm bán quần áo cũ. Tất cả những thứ xa xỉ không làm chị bận tâm, miễn là có đủ sức khoẻ và cơ hội để phục vụ Mặt trận giải phóng.
Khi tôi mô tả chị một cách trung thực, có ý phục sự đắc lực, kiên tâm của chị, có vài người trong cơ quan FBI chau mày. Bill hỏi tại sao tôi khen ngợi “Việt Cộng ”. Tôi nghĩ rằng tôi không làm ngơ trước một con người xuất sắc, dù người đó ở một chiến tuyến khác.
Thoa không thích nói chuyện lâu qua điện thoại. Sau khi chúng tôi đã quen biết nhau, mỗi lần gọi tôi, chị kín đáo và ngắn gọn. Chẳng hạn như: “Nè, tôi đây. Ngày mai mình có thể gặp nhau vào giờ mọi khi và ở chỗ cũ không?”. Giờ mọi khi là 10 sáng và chỗ cũ là quán ăn Old Stein. Cứ gặp nhau hoài ở nơi này, tôi quen dần và thích đồ ăn của người Do Thái. Tôi hiểu tâm trạng chị Thoa hơn. Chị hoạt động cho cách mạng thời kỳ phản chiến ở Mỹ; bây giờ chị có cảm tưởng bị cách mạng bỏ rơi. Tôi là sợi dây liên lạc giữa chị với những người đại diện cho chánh phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Paris và cả ở Việt Nam nữa. Chị nhờ tôi nói cho Huỳnh Trung Đồng ý nghĩ và cảm tưởng của chị. Nhưng chị Thoa đâu biết là Huỳnh Trung Đồng cũng ở trong hoàn cảnh của chị, nghĩa khi Mặt trận giải phóng miền Nam giúp cho Hà Nội cưỡng chiếm miền nam Việt Nam, thì trái chanh chỉ còn có cái vỏ. Bây giờ là tới lúc Hà Nội ngồi thưởng thức nước chanh; Mặt trận giải phóng miền Nam chỉ là một đống vỏ chanh thôi.
Theo tục lệ Việt Nam, tôi có thể không lịch sự với chị Thoa nếu tôi không mời chị về nhà chơi, trong khi tôi vẫn đi ăn với chị. Nhưng cả hai chúng tôi cũng không muốn dây đưa đến đời tư của nhau. Về tôi, chị chỉ biết số điện thoại của tôi, và sự kiện quan trọng: ba tôi là một nhân vật trong Mặt trận giải phóng miền Nam. Không bao giờ tôi hỏi chị về chồng con, không muốn chị hỏi về chồng con tôi. Những người đồng chí của chị ở Paris đã cho tôi biết về hoàn cảnh riêng tư của chị rồi. Họ còn nói: chồng chị là một “người Mỹ tốt”. Chồng tôi chắc không được các cán bộ cộng sản đánh giá là “tốt”.
Sau nhiều lần nói chuyện với chị, tôi biết khá nhiều về những phần tử thân cộng ở nước Mỹ. Tổ chức của họ rất hạn chế, nhưng họ mạnh, nhiệt tình và đa số có học. Nhiều người trong tổ chức là những sinh viên trốn động viên dưới thời tổng thống Thiệu, tìm cách không về nước sau khi đã tốt nghiệp đại học, và những sinh viên được học bổng rồi kẹt lại sau 30 tháng 4 năm 1975. Hầu hết những người này tham dự phong trào chống chiến tranh vào những thập niên 60 và 70.
Thoa giới thiệu với tôi một người trong nhóm sinh viên đó, tên là Trương Đình Hùng. Chị cho biết, anh là con của luật sư Trương Đình Dzu. Ở Việt Nam, ông Trương Đình Dzu là một người có tiếng tăm, giầu có và năm 1967 đã từng tranh cử tổng thống với ông Thiệu. Cuộc tranh cứ này khiến ông gặp tai hoạ: ông Thiệu đã ra lệnh bắt giam ông, vì ông dám chống lại ông Thiệu. Một hơn, chúng tôi tình cờ gặp nhau ở cầu thang trong nhà của chị Thoa. Chị liền giới thiệu chúng tôi với nhau. Lúc đầu Trương Đình Hùng không thèm nhìn tôi, những khi chị nói: “Chị Mỹ Dung là người do anh Huỳnh Trung Đồng ở Paris giới thiệu”. Trương Đình Hùng bỗng rối rít bắt tay chào tôi.
Mùa thu năm ấy, CIA lại cứ tôi sang Paris lần nữa. Một tuần trước khi lên đường, tôi báo cho Thoa biết. Chị muốn nhờ tôi đem mấy thứ sang Pháp giùm chị. Nhưng chị không trao cho tôi ngay những thứ đó, mà hẹn tôi cận ngày đi ghé lấy. Tôi đành phải nghe lời chị dù rằng CIA và FBI đều cũng muốn biết vật đó là vật gì Tôi tin rằng hai cơ quan tình báo và phản gián này có dư khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh, cho nên tôi không hối thúc chị Thoa đưa đồ cho tôi sớm hơn.
Hai ngày trước khi rời Washington, D.C. tôi tại gặp Thoa để lấy mấy “món đồ”. Thường thường, Hùng không bao giờ có mặt khi tôi gặp chị, nhưng lần này, anh đợi tôi ở đó. Tôi đậu xe ngày trước cửa, rồi chạy lên căn phòng chị ở trên lầu hai. Tôi hết hồn trông thấy món đồ chị nhờ tôi đem sang Paris. Đó là hai thùng lớn và rất nặng, toàn những giấy tờ, gồm bản tường trình các buổi họp của quốc hội và mấy chục cuốn sách bòa cứng về chính trị và kỹ thuật: có một quyển Jimmy Who? Năm đó là năm Jimmy Carter ra tranh cứ tổng thống; quyền sách viết về ứng cử viên Jimmy Carter. Trước khi tôi ra về, Hùng đưa cho tôi một bao thơ dán kín. Tuy ngoài bao thơ đề tên người nhận là ông Nguyễn Ngọc Giao, nhưng Hùng bảo tôi đưa cho anh Đồng, đừng đưa cho anh Giao.
Hai tiếng đồng hồ sau, các nhân viên FBI và CIA đến nhà tôi xem xét hai thùng đồ của Thoa. Họ ghi lại tên các cuốn sách, nhưng họ không mở thơ dán kín của Hùng, vì họ chưa được phép của Bộ tư pháp để mở thơ của Thoa hay Hùng. Đó là thủ tục con rùa hành chánh và cũng là luật lệ của một xã hội có nhân quyền. Tôi đành phải trao cho anh Đồng lá thơ nguyên vẹn.
Tháng 4 năm 1976, tôi viết thơ cho ông Nguyễn Văn Luỹ, chủ tịch Hội người Việt yêu nước ở Hoa Kỳ, người mà ông ông đại sứ Võ Văn Sung của Hà Nội muốn tôi gặp. Ông Luỹ ngỏ ý mời tôi sang San Francisco gặp ông và các hội viên điều hành tổ chức Việt kiều yêu nước do ông làm chủ tịch. Không những vậy, ông còn đề nghị tôi tới Christianburg, tiểu bang Virginia bí mật gặp hai “hội viên rất tích cực”, đang là sinh viên trường Đại học Virginia Tech. Tôi biết Luỹ điều hành tổ chức của cộng sản dưới quyền điều khiển trực tiếp của ông bộ trưởng Bộ ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó tôi muốn dồn hết nỗ lực vô việc này, và cần có người chỉ dân tích cực hơn Bill Reardon, người chỉ mơ đến chuyện đi Bangkok.
Tôi định thử thời vận, nên liều kêu cho cấp trên của Rob, ông Roger McCarthy, xin được gặp ông. Ông đồng ý gặp tôi ở tiệm McDonald, ở Vienna, Virginia để ăn sáng. Khi gặp ông, tôi đề nghị ông cho Rob thay Bill Reardon, dù Rob và tôi nhiều lần bất đồng với nhau về cách làm việc, cũng như về ai làm chủ tình hình, nhưng Rob rành việc, như anh rành lòng bàn tay mình.
Ông Roger mỉm cười và chỉ đầu hói của mình nói:
- Rob là nguyên nhân làm cho tôi rụng gần hết tóc rồi!
Tôi cười theo ông.
Thế là Rob trở lại làm việc với tôi. Công việc của tôi trôi chảy hữu hiệu hơn.

*

Tháng Chạp năm đó là tôi bù đầu với cái việc của người làm gián điệp, Cứ mỗi thứ Sáu, tôi lại phải gặp hai nhân viên FBI và CIA để báo cáo về hoạt động của tôi với mấy người Việt Nam thân cộng trong vùng Virginia và Washington, D.C. Từ ngày John là một sĩ quan tuỳ viên liên lạcquốc tế, chúng tôi thường đến các toà đại sứ để dự tiếp tân, kể cả các toà đại sứ của các nước như Liên Xô, Úc, Ấn Độ, Thái Lan, Thuỵ Điển, Triều Tiên, Nam Phi, Nam Tư và Phi Luật Tân.
Trong khi đó, ở nhà, tôi phải sửa soạn tổ chức hai buổi kỷ niệm quan trọng. Thứ nhứt, là mừng sinh Lance lên sáu tuổi, vào ngày 9. Lance đòi rủ tất cả bạn trong lớp; có tất cả hai mươi hai đứa con nít học lớp Một. Tôi thầm nghĩ, một đứa con nít học lớp Một mà có khi chạy theo nó không kịp. thì hai mươi hai đứa, không biết có làm xuể không? Nhưng việc gì cũng bây giờ bằng lần thứ nhứt mới rút ra được kinh nghiệm. Kế đó, buổi kỷ niệm lớn nhứt là mừng lục tuần của má tôi. Em tôi phụ lập một danh sách gồm những người được mời, gồm có các bà mẹ của các bạn tỵ nạn của chúng tôi trong vùng Washington và một cô hàng xóm sát vách của chúng tôi hồi còn ở Sài gòn. Chúng tôi âm thầm tổ chức và giữ hết sức bí mật. Đến ngày 16 tháng Chạp, đại lễ. Má tôi vừa ngạc nhiên, vừa ngỡ ngàng trước đông đảo bạn bè cũ từ Sài gòn và con cháu đến chúc thọ bà.
Đến tuần lễ đầu tiên của tháng Giếng, tôi mệt mỏi quá, nên dặn các em tôi: nếu “Việt Cộng gian ác” kêu, thì cho họ biết tôi nghỉ ngơi, không họp hành gì trong tháng này.
Nhưng sự nghỉ ngơi này cũng không thể thực hiện được, vì tôi vì tôi nghe đồn rằng có một bà tên là Thu Novax đi hỏi loanh quanh tìm “người con gái của ông đại sứ Việt Cộng ở Mạc Tư Khoa”. Vào thời gian đó, ngay cả những người bạn thân của tôi cũng không biết gì về ba tôi. Tôi gọi điện thoại cho Trương Đình Hùng, hỏi anh có biết ai tên là Thu Novax không? Hùng là người biết rất nhiều. Anh khuyên tôi không nên giao du với “hạng người ấy”. Anh và chị Thoa còn nói rằng Thu Novax lợi dụng sự quen thân mật với đại sứ của Việt Cộng tại Liên hợp quốc là Đinh Bá Thi, để khoe khoang là chị thân Cộng. Cả hai còn e ngại rằng Thu Novax có thề làm những người trong tổ chức của Việt kiều yêu nước bị tai tiếng. Tôi nói với Hùng rằng tôi muốn gặp Thu Novax để tìm cách ngăn cản bà ta tiết lộ bí mật riêng của tôi. Do đó Hùng mới cho biết, Thu Novax là một thành viên trong Hội người Việt Nam yêu nước mà Nguyễn Văn Luỹ là chủ tịch. Tôi gọi ông Luỹ, xin ông số điện thoại của bà ta.
Tôi gọi Novax và tự nhận tôi là người bà đang kiếm, thì bà vô cùng mừng rỡ. Bà cho biết bà vừa gặp ông Đinh Bá Thi, đại sứ Việt Nam ở Liên hợp quốc; chính ông Thi yêu cầu kiếm “con gái của ông đại sứ Minh”. Ông tin rằng con gái ông đại sứ thế nào cũng hợp tác, hoạt động với những người theo phe cộng sản. Tôi yêu cầu bà từ nay đừng nhắc tên tôi với bất cứ ai, vì “tôi muốn ẩn danh”. Tôi không chấp nhận hay phủ nhận là tôi có hoạt động trong tổ chức của Việt kiều yêu nước không.
Bà ngỏ ý muốn gặp tôi, vì bà tin rằng tôi có thể dậy bà về xã hội chủ nghĩa. Không biết những người thân cộng có hiểu chủ nghĩa Cộng sản không là một bịnh di truyền, mà là một bịnh của xã hội? Sau khi nói chuyện với bà Novax, tôi nói với nhân viên phụ trách, là tôi có thể xâm nhập phái đoàn Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc. Rob tỏ ý không thích tôi làm việc nhiều cho FBI. Trong khi đó, tất nhiên FBI cho đó là một ý kiến rất hay. Tôi đề nghị để tôi điện thoại với ông Đinh Bá Thi xem ý ông ấy ra sao, rồi mình sẽ tính nên làm gìsau đó.
Khi tôi gọi ông đại sứ Thi ở New York về kêu bằng “ông” thì ông sửa ngay:
- Kêu bằng chú đi, vì chú là bạn của ba cháu.
Ông cho biết ông mới về Việt Nam và nghe các nhân viên trong Bộ ngoại giao nói chuyện về “gia đình đồng chí Đặng Quang Minh hiện ở Mỹ”. Ông đề nghị tôi đến thăm, phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc, ông nói:
- Cháu có thể tới càng sớm càng tốt. Tất cả các nhân viên ở đây đều biết ba cháu, là đồng chí của ba cháu. Không những vậy, chúng ta đề là người đồng hương.
Tôi nghĩ rằng tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đều muốn nắm lấy cơ hội này, để biết xem các phái đoàn cộng sản hợp tác với nhau như thế nào. Nhưng một lần nữa, CIA không muốn tôi dính vô vụ này. Rob doạ sẽ “đuổi” tôi nếu tôi đi New York. Nhưng ông miễn cưỡng cho phép tôi nói chuyện với Bill Fleshman về lời mời của đại sứ Đinh Bá Thi. Tôi nói với Bill là sự xung đột giữa hai cơ quan tình báo, nên tìm cách giải quyết cho ổn thoả, đó là sự ganh ghét của hai bên có từ ngày hai cơ quan mới ra đời, không dính líu gì tôi tới, nhưng đừng để chuyện cấn đắng giữa cặp vợ chồng không xứng đôi vừa lừa này, mà cản trở việc làm của tôi. Cuối cùng, Bộ tư pháp bật đèn xanh cho tôi đi New York. Nhưng tôi tin rằng hai cơ quan đã có một cuộc tranh cãi gay go, mà tôi không được tham dự.
Tôi muốn gặp đại sứ Thi để phục vụ cho chánh phủ Mỹ. Ngoài ra, tôi cũng muốn gặp một nhân vật đã từng tham dự hoà đàm Paris, người mà Thái và Mimi, vợ chưa cưới của Thái, kể cả những người thân cộng ở Pháp nữa, rất hâm mộ. Tôi cũng muốn gặp các cán bộ cộng sản khác ngoài Phan Thanh Nam và Huỳnh Trung Đồng. Có lẽ tôi đang kiếm một tia sáng trong bóng tối dầy đặc, một chút nhân tánh trong đám độc tài thiển cận ấy.
Trước khi đem tầu ra biển đánh cá, tôi muốn biết thêm về con cá mà tôi tính đánh trong mẻ lưới tới, nên tôi kêu cho Trương Đình Hùng, hỏi anh ta có muốn tôi mang gì cho phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc không? Anh trả lời có. Anh muốn nhờ tôi đem một lá thơ khẩn cho ông đại sứ. Tôi lái xe ra Washington D.C, để gặp Hùng bên ngoài một tiệm ăn trên đường Connecticut; tất nhiên là tôi đã báo trước với CIA và FBI. Chủ trương của tôi là không một hành động nào giữa tôi và phe cộng sản thân Cộng, mến Cộng, mà không báo cho hai cơ quan này, để tránh mọi hiểu lầm, và để được bảo vệ an ninh cho cá nhân và gián điệp tôi.
Sau đó, tôi điện thoại cho ông đại sứ để báo tin tôi sẽ bay lên New York ngày 19 tháng Giêng, và muốn gặp ông ngay ngày đó. Ông đề nghị tôi không nên ở hotel; mỗi ngày phải vô ra trụ sở của ông, thì sẽ bị tình báo Mỹ theo dõi. Ông mời tôi cứ đến ở trọ trong nhà khách của cơ quan. Tôi vẽ ra dự tính của tôi với Fleshman và Rob Hall: trong ba ngày làm khách ông Đình Bá Thi, tôi sẽ không gọi điện thoại cho hai cơ quan tình báo của nhưng tôi sẽ liên lạc với gia đình tôi bằng điện thoại. Nếu trong ba ngày mà tôi không kêu cho gia đình được, thì cả FBI lẫn CIA phải biết là đã có chuyện gì không hay xảy ra cho tôi.
Tôi mong rằng sẽ không có trục trặc gì khi tôi đến thăm phái đoàn. Chỉ có năm người làm việc tại trụ sở này: ông đại sứ, ông phụ tá Phạm Ngạc, người đã từng cộng tác với ông đại sứ ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Người thứ ba là ông Phạm Dương, chuyện viên kinh tế. Rồi đến ông Hùng, quản gia kiêm đầu bếp. Người cuối cùng ông Văn, tài xế kiêm vệ sĩ của ông đại sứ.
Hai ông Hùng và Văn chắc chắn không phải là nhà ngoại giao. Ông Hùng không bao giờ một mình dám ra khỏi nhà với bất cứ lý do nào, trừ khi ông đi cùng với nhân viên trong phái đoàn. Ông không biết tiếng Anh và ông thù ghét Mỹ. Ông sợ mùa đông ở New York lắm, ghét xem quảng cáo thương mại trên truyền hình, và ghét luôn cả những tiệm bán tạp hoá lớn. Còn lái xe Văn là một người hình như pha trộn cả chất Á đông với một nông dân người Anh. Ông hút thuốc xì-gà. ăn uống và lái xe đều đội một cái nón chỉ có vành chung quanh và lưỡi trai ở phía trước, như một người đang ngồi sau tay lái một chiếc xe thể thao. Ông huênh hoang khoe “ông thích New York hơn Moscow, vì lái xe ở New York là cả một vấn đề đầy thửr thách”.
Ngay ngày đầu tiên tôi tới thăm, tất cả chúng tôi cùng ăn trưa, rồi mọi người biến mất để đánh một giấc ngủ trưa. Qua lời đại sứ Đinh Bá Thi, tôi tưởng là cơ quan có phòng cho khách trọ, nhưng ông Văn phải nhường phòng của ông cho tôi, chuyển đồ đac sang phòng ông Hùng để ngủ. Dù phòng yên tĩnh và tôi hai tiếng để ngủ trưa, mà tôi cũng không chợp mắt được. Lâu quá rồi, tôi đã mất đi cái hạnh phúc được ngủ trưa từ ngày “Đế quốc Mỹ” sang Việt Nam. Họ thay đổi giờ làm việc của hành chánh nên ai ai cũng phải thức với người Mỹ. Tôi đành ngồi đọc tờ New Yorker cho qua giờ. Ông đại sứ Thi, sau khi ngủ trưa sang phòng gặp tôi. Ông mang theo một cái ghế để ngồi nói chuyện.
Ông mở đầu:
- Chẳng mấy khi chú có thể hỏi thăm đến má cháu. Má hồi này thế nào?
Tôi đáp:
- Sức khoẻ của má cháu tốt lắm, nhưng hoàn cảnh của ba má cháu thật éo le. Mà cháu nhớ ba cháu và anh Khôi vô cùng. Nhưng mà cháu biết rằng nếu bà về Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thử thách lắm.
Tôi không hiểu sao tôi lại thành thật với ông. Có thể giấc quan thứ sáu của tôi rất nhạy, khi tôi ngồi trước mặt người đàn ông này với vẻ mặt đầy thiện cảm. Ông nói:
- Đây là giữa chú Thi và cháu thôi nhé. Má cháu đã làm đúng, khi không trở về Việt Nam. Không đâu có thể bình yên bằng Hoa Kỳ được. Cho tới nay, người ta vẫn bất bình với má cháu và các cháu.
- Có phải vì mấy chị em cháu lấy chồng người Mỹ không?
- Cả chuyện đó nữa, những đó chỉ là việc phụ.
Dù ông không nói ra, nhưng tôi hiểu rằng việc má tôi bỏ Sài gòn chạy đi Mỹ trước khi quân giải phóng vô, đã khiến Chánh phủ Việt Nam mất mặt.
Sau giờ ngủ trưa, ông đại sứ đưa tôi đi thăm ttụ sở Liên hợp quốc. Khi đi qua gian hàng bán các quà lưu niệm của nhiều nước, tôi buồn vô cùng, vì sản phẩm của các nước bày la liệt mà không có một món đồ nào của Việt Nam, ngoài mấy cái nón lá, búp bê mặc áo dài, đội nón lá, với tấm tranh sơn mài nhỏ: nếu nhà Thanh Lễ thấy tranh này, chắc động lòng mà bố thí cho họ, may ra để đẹp mặt cho ngành sơn mài của Việt Nam. Tôi hỏi ông:
- Chừng nào thì nước mình có thể trở lại bình thường như trước hả chú?
Ông nhìn tôi, rồi vội quay mặt đi mà không trả lời. Hôm sau, mọi người đi làm hết, nhưng khoảng 11 giờ, Phạm Ngạc trở về, và chúng tôi nói chuyện về cộng đồng người Việt ở Mỹ, những người tỵ nạn lẫn những kẻ thân Cộng. Anh đưa cho tôi xưm xấp hình của người tỵ nạn ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ; hình người ta sắp hàng đi biểu tình chống Cộng; hình bà con đứng chờ ở các văn phòng bảo trợ tỵ nạn như USCC, IRC, v.v… Anh nhờ tôi cố gắng nhận diện những người này. Tôi nhìn hết hàng trăm tấm hình, nhìn để biết những người Cộng sản này lên lỏi trong cộng đồng người Việt tỵ nạn sâu bao nhiêu. Hình do chính những người tỵ nạn và hội viên của Việt kiều yêu nước chụp cung cấp cho phái đoàn. Tôi hỏi Phạm Ngạc mục đích của công việc này, thì anh ta cho biết đây là “kho tàng” của họ, vì qua tấm hình này ở hải ngoại, họ sẽ tìm tại những người tỵ nạn đó, vì ai cũng xó bà con thân nhân bên nhà. Hình sẽ được gửi về Việt Nam để điều tra ai có thân nhân ở Mỹ.
- Đây là một kho tàng của Bộ nội vụ của chúng tôi chị à!
Tôi thầm chửi thề trong bụng:
- Thằng Bắc Kỳ, nó là nhân viên của Bộ ngoại giao Hà Nội, đi chụp hình người tỵ nạn Cộng sản, đưa về cho “Bộ nội vụ của chúng tôi”.
Tôi kiên nhẫn xem tiếng tấm hình mà trong bụng buồn, ngao ngán vô cùng, vì tôi biết đây rồi người tỵ nạn cũng bị chia rẽ phân hoá, sẽ nghi ngờ nhau. Kẻ hèn sẽ theo Việt Cộng, người có tri thức sẽ đứng riêng biệt ra, rồi đánh nhau. Ông ngoại tôi đã phân tích hồi chúng tôi còn nhỏ. Ông nói:
- Thằng Tây nó tổn xương, tổn máu làm chi cho uổng, để Việt Nam mình đánh nhau vài trăm năm là mất Việt Nam, rồi ung dung vô đây mà hưởng.
Phạm Ngạc cho biết, ông có một người bạn làm cây cầu liên lạc cho phái đoàn ngoài giới hạn 25 dặm theo luật của Liên hợp quốc. Nhân viên của phái đoàn trong Liên hợp quốc không được hoạt động quá 25 dặm ngoài thành phố New York. Vì vậy, ông cần có người liên lạc ngoài giới hạn đó, kể cả những người trong hội “Việt kiều yêu nước”. Ông khoẻ ông có một bà bạn người Mỹ, ông cho biết:
- Bà ta rất tốt với chúng tôi. Bà không những là một người trí thức, mà còn có tinh thần phóng khoáng. Bạn của bà có nhiều người là triệu phú, trong đó có một ông là chủ nhiều tiệm bán quần áo đàn bà, trong hệ thống dây chuyền trên toàn quốc.
Ngạc cầm một lá thơ, rồi hỏi tôi về Peter Arnett, phóng viên của hãng thông tấn AP, ông này muốn được phép đi qua Việt Nam. Tôi cười mà cho ông biết rằng các nhà báo Mỹ, cũng như các chính khách Mỹ rất thích những đề tài không bình thường vậy, nếu ký giả Arnett ủng hộ cuộc chiến tranh Việt Nam, thì giới phản chiến không thèm đọc. Tôi biết ông này đã từng ở Sài gòn mấy năm để lấy tin chiến tranh. Ngạc hỏi:
- Như vậy hắn phải biết rất rõ về Việt Nam, phải không?
Tôi trả lời ngay:
- Làm sao ổng có thể hiểu rõ về Việt Nam được, khi ổng qua Việt Nam cỡi ngựa xem hoa, đi giầy Tây, mặc đồ ký giả. Đa số đám ký giả Mỹ chỉ muốn tìm hiểu xem tiền người dân Mỹ được tiêu xài như thế nào, để đăng báo. Cũng có người muốn đề cập tới những nỗi đau khổ trong cuộc chiến. Cũng có những ký giả muốn cho người đọc của họ biết về cuộc chiến hấp dẫn kỳ lạ, những đau khổ mà người Việt Nam nghèo đói phải chịu đựng. Đa số dân Mỹ chỉ biết Việt Nam một cách hời hợt, qua mấy ông bà ký giả này. Nhiều người con tưởng Việt Nam toàn rừng rú, đầy bệnh tất, ruồi muỗi, sinh lầy, nơi nào cũng có mìn, cũng có bàn chông, và họ nghĩ rằng tất cả dân Việt Nam đều là hành khất, rách rưới, đĩ điếm; con nít thì đánh giầy, đàn ông thì làm cò mồi cho Việt Cộng. Những nông dân thiệt thà, chất phác đều ở trong vùng giải phóng và tất cả là Việt Cộng, chỉ muốn được bình yên.
Rồi tôi kết luận:
- Anh không cần biết lập trường chánh trị của Peter Arnett, vì khi nhận được thẻ nhà báo, thì nó phải quên đi lập trường riêng của nó rồi.
Ngạc nhận xét:
- Chị không ưa nhà báo, phải không?
Vào ngày thứ hai của cuộc viếng thăm, trong khi mọi người ngủ trưa, ông đại sứ Thi lại đến nói chuyện với tôi vì tôi không ngủ trưa. Tôi rất mừng được dịp này. Tôi muốn biết ông thật tình nghĩ gì về chánh phủ Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và của ông trong chánh phủ đó. Tôi và ông Thi nói chuyện về những mơ ước thầm kín của chúng tôi về tương lai nước Việt Nam. Ông tâm sự:
- Chũ đã sống xa vợ con cả nửa cuộc đời. Giấc mơ của chú là một căn nhà nho nhỏ có vườn để trồng rau và nuôi gà… và có thể nuôi cả heo nữa.
Tôi hỏi:
- Chú thích ở đâu?
- Thủ Đức, cháu à. Chú đã đi nhiều nơi xem phong cảnh đẹp ở khắp miền Nam. Cuối cùng chú mê Thủ Đức vì con sông Đồng Nai. Bao giờ xây được căn nhà trong mộng tưởng ấy, chú có thể ngắm những con gà tranh nhau ăn. Các con chú buổi chiều tan sở của Sài gòn sẽ về nhà bằng những chiếc xe gắn máy mới và cùng chú ngắm mặt trời lên trên bờ sông ngay trước nhà.
Ông say sưa nói với nụ cười trên môi, nhưng hai mắt đỏ hoe. Tôi cũng không giấu được tình cảm của tôi, nên tôi đặt tay tôi lên tay ông mà nói:
- Chú Thi, cháu hy vọng giấc mơ của chú sớm thành sự thực.
- Chú cũng mong được như vậy trước khi quá trễ. Thím không được khoẻ, và chú đã xin phép chánh phủ cho thím sang bên này để tìm bác sĩ chữa trị cho thím.
- Bao giờ thì thím sang?
Ông lắc đầu:
- Đơn của chú đã tới nơi cao nhứt trong chánh phủ rồi, chú chưa nhận được trả lời. Nước nào thì cũng có sai lầm trong hệ thống quản trị của một chánh phủ. Những ở nước ta, điều tệ hại nhứt là không tin nhau. Vợ không bao giờ được đi theo chồng khi chồng công tác ở hải ngoại.
Tôi nhận xét:
- Không riêng gì Việt Nam mình đâu, chú. Cháu thấy nhà ngoại giao Nga lẫn các nước cộng sản đều như vậy.
Ông cất tiếng cười, rồi hỏi:
- Cháu có hình dung được rằng một người ở trong địa vị của ba cháu, lại có thể bỏ trốn theo tư bản khi ba được làm việc ở nước ngoài, mà chánh phủ cho anh cháu đi theo không”
Ông vừa cười vừa lắc đầu, như cho đó là một chuyện không bao giờ xảy ra, nhưng nhà nước của chú thì lúc nào cũng sợ bị phản bội.
Lời nói của ông khiến tôi nảy ra một ý nghĩ, nên liền hỏi ông:
- Má cháu có thể xin phép được gặp anh Khôi của cháu ở hải ngoại không chú?
- Cháu cứ thử nói với má cháu viết thư cho ông Tổng bí thư Lê Duẩn xem sao; chú sẽ chuyện thư giùm má cháu.
Tôi buồn bã nói:
- Một người mẹ phải xa con trai tới hai mươi năm, đó là một thời gian dài quá chú à.
Ông sốt sắng nói:
- Nếu chánh phủ ta không đáp ứng được một nhu cầu tầm thường như vậy, thì cũng không thể thực hiện được những giấc mơ của người dân trong nước. Cháu nói với má cháu là chú sẽ hết lòng giúp má cháu.
Thux; sự cảm động trước tấm lòng của ông, tôi nói:
- Bây giờ thì cháu hiểu tại sao những người cháu gặp ở Paris đều khen chú là một người đặc biệt, có tình, không như những người i khác trong họ ngoại giao.
Nhưng ông nói như để cảnh cáo tôi:
- Cháu đừng có nghi ngờ lòng trung thành của chú với đất nước Việt Nam và con đường chú đã chọn để phục vụ tổ quốc. Nhưng, chủ nghĩa xã hội hay Cộng sản đều không ngăn cấm chúng ta đem hạnh phúc lại cho dân tộc, và đưa tổ quốc tới một tương lai rực rỡa. Chú đã thoát ly gia đình để phục vụ tổ quốc. Nay, nếu sự hy sinh đó không đem lại hạnh phúc cho dân tộc, thì chắc chắn phải có sự sai lầm nào trong hệ thống mà chú đang nói:
- Chú Phan Thanh Nam giải thích về đảng khác với chú!
- Cháu nói Nam trong phái đoàn của Mặt trận n Giải phóng ở Paris?
- Dạ.
Chú Thi lắc đầu tỏ vẻ chán nản, nói:
- Nam cũng là người miền Nam. Loại người theo khuôn luật, không cấp tiền trong quân đội. Chú ấy vừa được chuyển sang công tác mới nên hăng hái lắm!
- Cháu đã có dịp nói chuyện với chú Nam chung quanh việc “làm cái gì cho Việt Nam”. Có hai lần ông đề nghị cháu kêu chồng cháu ăn cắp những tài liệu giá trị của chánh phủ Mỹ. Ông còn nói là nếu cháu còn muốn gặp ba cháu nữa, thì cháu phải chứng tỏ cháu trung thành với Việt Nam. Chú Nam hứa sẽ bảo cấp trên ở Việt Nam là cháu đang làm việc cho chú.
Vẻ mặt bình tĩnh của đại sứ Thi biến mất. Ông hít một hơi dài rồi nói:
- Có thể má cháu biết ông Đỗ Mười, những chú chắc cháu thì không, vì hồi đó cháu còn nhỏ quá. Ông Đỗ Mười là bạn chí thân của ba cháu. Chú tin rằng ông không bằng lòng khi biết cháu liên lạc với Phan Thanh Nam.
Ông nói tiếp:
- Mỹ Dung, nghe chú nói đây. Cháu là con gái của ba cháu. Việt Nam là quê hương của chịu. Cháu không cần phải làm việc cho chú Nam để được cấp giấy thông hành về Việt Nam. Nếu chú ấy lại nhắc đến chuyện đó nữa, cho chú biết ngay. Chú Nam làm việc giỏi, nhưng đôi lúc cũng tàn nhẫn lắm.
Tôi thay đổi đề tài, để tìm hiểu thêm về những liên lạc của ông trong giới người Việt ở Mỹ:
- Chú đã gặp anh Trương Đình Hùng ở Washington chưa?
- Hùng và bạn của anh ta là chị Thoa, là hai người đã tiếp đón chú khi chú tới Washington. Có việc gì vậy?
- Cháu nghĩ anh Hùng hiện đang hoạt động cho chú Phan Thanh Nam. Thỉnh thoảng cháu có gặp anh ấy.
Tôi định nói, Thoa thì không còn được Hà Nội trọng dụng như trước nữa, vì đối với Cộng sản Hà Nội, chị chỉ là dụng cụ “chống Mỹ cứu nước”, chớ không phải là người được theo cộng sản. Khi còn chiến tranh, Mặt trận giải phóng và cộng sản Bắc Việt lợi dụng tất cả mọi người, tất cả các hội đoàn, đảng phái chánh trị, sinh viên, Phật giáo, Công giáo hay bất cứ ai. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt và họ đã thắng trận; họ thanh lọc chỉ còn bè phái băng đảng của họ thôi. Chị Thoa là một nhân vật quan trọng trong phong trào phản chiến, những bây giờ Hà Nội chỉ thích loại người như ông Luỹ, đứng đầu hội Việt kiều yêu nước. Luỹ có tiền, có sự nghiệp, có nhà ngoài bờ biển San Francisco. Ông từng là điệp viên của cộng sản từ thập niên 1960. Thoa tận tuỵ “chống Mỹ cứu nước” với hai bàn tay trắng và tấm lòng. Những quý giá này không xây được nhà lầu, không tạo ra sự nghiệp, thì hết chiến tranh rồi, nó trở thành vô dụng, về trước mặt cộng sản. Luỹ và Thoa đã từng tranh chấp quyền hành và Thoa đã thua. Anh Đồng ở Paris khuyên chị nên gia nhập tổ chức của ông Luỹ như mặt đoàn viên mới. Đã vậy, anh còn viết thơ cho tôi, nhờ tôi khuyên chị Thoa nên đi học lại để xây dựng một cuộc đời mới. Đó cũng là một hình thức chia tay nhân đạo của người Cộng sản.
Ông đại sứ Thi nói bằng một giọng trầm tĩnh:
- Chú biết Hùng. Anh ta là người có nhiều tham vọng và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để đạt tới mục đích của anh. Hùng là người tình nguyện hợp tác với cơ quan của chú. Cháu không cần phải làm gì hết, nếu cháu không muốn. Khi nào cháu gặp Hùng thì biểu hắn cứ tiếp tục gởi những thứ đó lên trên này.
Tôi hỏi:
- Liệu anh có hiểu “những thứ đó” là cái gì không?
Ông Thi nhìn tôi mỉm cười gật đầu. Tôi để yên câu hỏi đó cho thời gian trả lời.
Ngày cuối cùng ở New York, tôi mời ông đi ăn tối và đi xem Ballet, vì hai ngày trước tôi nghe ông Thi nhắc vũ Ballet ở Pháp, và ông rất thích món giải trí này: dù tôi không thích, những cũng nhận lời. Tôi kêu cho một tiệm ăn Pháp để giữ chỗ. Tôi biết, tôi có thể mua vé xem vũ Ballet qua điện thoại, nhưng tôi muốn có dịp đi ra ngoài, để kêu cho văn phòng FBI ở New York, báo cho họ biết chương trình tối nay của tôi. Vì vậy, tôi nói với Thi, tôi phải đi lấy về.
Nhưng khi tôi đã sắp sửa ra đi, ông đại sứ tới phòng tôi cho biết ông rất lấy làm tiếc không thể đi ăn tôi và xem vũ Ballet ti được. Ông nói:
- Ông Dương nghĩ rằng chú cháu mình không nên đi riêng một mình tối nay.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao lại không thể đi được chú Thi? Tiệm ăn này đâu có vượt quá hạn đã định?
Ông đáp:
- Tụi CIA và FBI sẽ chụp hình chúng ta, rồi báo chí đồn ầm lên rằng đại sứ Đinh Bá Thi đi ăn, đi uống với một người đàn bà Việt Nam ở New York.
Vừa nói, ông vừa đưa một tờ báo lên cao, chỉ vô hàng tit lớn.
Tôi liền đề nghị:
- Thế thì tất cả mọi người cùng đi cho vui.
Ông đáp ngay:
- Như vậy thì tốn nhiều tiền lắm. Không nên.
Ông đề nghị, ông Hùng và tôi đi xuống phố Tàu để mua thức ăn về nhà làm cơm ăn chung với tất cả mọi người. Thế là ông Hùng đầu bếp và tôi cùng đi với ông tài xế Văn. Tôi nhờ ông Hùng chọn mua những thứ để làm những món ăn mà ông Thi ưa thích. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị ông mua những thức ăn khô cần thiết để dự trữ như nấm Đông cô, gạo, mì, bún, bánh tráng, nước mắm và cả những đồ gia vị. Ông Hùng ngần ngại, những tôi nói tôi trả tiền.
Cuộc sống của phái đoàn ở thành phố New York nhộn nhịp này thu gọn trong căn nhà cao ốc, mọi người bảo vệ nhau, gìn giữ nhau, kiểm soát nhau. Tôi có cảm tưởng như họ không quên được những thói quen ở Hà Nội; hay là họ không được tự do để thích ứng với đời sống ở một xã hội tự do.
Đại sứ Thi nói, ngân khoản của phái đoàn rất eo hẹp; cho nên mọi người nhịn ăn sáng. Còn bữa trưa và tối thì quá nghèo nàn, nhưng theo ông, vẫn đủ chất bổ dưỡng.
Nếu có ai yêu cầu tôi sáng tác một bản nhạc mô tả bầu không khí sinh hoạt trong căn nhà của năm người đàn ông này đang sống, tôi sẽ gom góp lại tất cả những âm thanh của ba máy thu hình và ba cái radio cùng mở một lúc liên tục cả ngày, cộng với đó tiếng rào rạt của mấy tờ báo được lật qua lật lại trong nhà, là âm thanh của căn nhà ấy.
Thời gian hấp dẫn nhứt đối với họ, là giờ tin tức sáng, trưa, tối. Đổi đài radio và TV theo giờ; giờ tin tức là công tác quan trọng của mấy ông Hùng, Văn và Phạm Ngạc. Họ thu vô băng cả những tin tức, rồi chuyển về nước.
Họ không có thì giờ để giải trí. Trong nhà không có một bộ bài, hay một bàn cờ tướng. Ông Thi giải thích:
- Những thứ giải trí ấy là xa xỉ. Chúng tôi phải làm việc vì chánh phủ gởi chúng tôi sang đây để làm việc.
Hầu như không bao giờ họ ra khỏi trụ sở của phái đoàn, ngoài việc đi từ nhà đến trụ sở Liền Hiệp Quốc, đi phố Tàu mua sắm. Vì vậy, những nhận xét của họ về nước Mỹ được gởi Việt Nam chỉ là những nhận xét bị đóng khung trong một căn nhà nhỏ hẹp, với những kỷ luật khắt khe. Họ xét đoán “đế quốc Mỹ” theo những gì họ thấy trong truyền hình. Họ đã làm đúng theo cương vị của các nhân viên trong một phái đoàn Liên hợp quốc. Tôi nhớ, năm 1954, khi hoà ước Geneve đề ra Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến ở Việt Nam, ông ngoại tôi đã nhận xét:
- Tụi này chỉ làm được một chuyện, là cho giá mướn nhà và tiền mướn đầy tớ ở Sài gòn tăng vọt lên thôi
Còn ông cậu tôi thì cho rằng:
- Đám Uỷ hội này không làm được đách gì hết.
Dù tôi không có ý nghĩ hay ho nào về phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc, nhưng tôi vẫn kính phục đại sứ Đinh Bá Thi. Trước khi được nói chuyện riêng với ông, tôi đã cố gắng tìm hiểu trước, để xem có thể vạch đường cho ông đào thoát không? Nhưng sau buổi nói chuyện đó, tôi cảm thấy mắc cỡ với chính tôi, vì đã có y nghĩ đó. Tôi biết chắc rằng, với bất cứ gia nào, không ai có thể mua chuộc được ông, cũng như không ai mua chuộc được ba tôi. Vì vậy, tôi thành thực cầu chúc ông thực hiện được giấc mộng của ông, là xây dựng một căn nhà ở Thủ Đức, bên bờ sông Đồng Nai, để sống yên ổn với gia đình. Ông nhận lời chúc mừng, với một nụ cười trong mắt ông.
Nhưng, khi ông trở về Việt Nam, thì những ngày cuối cùng của ông khác với giấc mộng ông hằng ấp ủ.
Đã mười năm nay, đã có nhiều giai thoại về đại sứ Đinh Bá Thi, Tôi chỉ biết chắc chắn một điều về ông, là ông đúng là một nhà ái quốc như ba tôi. Chỉ khác hơn ba tôi, là ông dám phê bình đảng. Chỉ có người ra lịnh giết ông mới biết nguyên do cái chết của ông thôi.

*

Từ ngày tôi làm việc cho CIA, đã nhiều lần Rob muốn tôi trắc nghiệm với máy dò sự thật. Tôi không hiểu tại sao ông ta muốn vậy. Tôi không nghĩ rằng CIA có một chút nghi ngờ gì tôi. Họ biết rõ tôi là ai, và tại sao tôi cộng tác với họ. Ngoài ra, tôi không tin cái máy với những dây điện tử có thể hiểu rõ tôi hơn nhân viên chỉ huy tôi, vì ông đã cùng đi xa với tôi nhiều lần, làm việc sát cánh với tôi, rồi cùng thảo luận với nhau hàng trăm tiếng đồng hồ trong nhiều trường hợp. Rob luôn luôn nói với tôi rằng điều đó có thể làm cho sự liên lạc giữa ông và tôi dễ dàng hơn, nhưng nếu tôi không muốn làm trắc nghiệm cũng không sao. Tôi thì cực lực phản đối cách thức tìm hiểu sự trung thực cộng tác viên theo phương pháp đó.
Nhưng rồi việc phải đến đã đến. Việc thử máy nói thật trở nên bắt buộc khi tôi từ New York trở về với những bản báo cáo cuộc viếng thăm đại sứ Đinh Bá Thi của tôi. Rob nói rõ phải thử máy nói thật, nếu không thì không ai có thể chấp sự kiện tôi thản nhiên ca ngợi “kẻ thù” như vậy. Theo tôi, ở quan tình báo không sao hiểu được rằng tôi có thể tách rời con người ra khỏi ý thức hệ và Chánh phủ của họ.
Vài ngày sau khi tôi từ New York về, Rob và tôi tới gặp Bill Fleshman để thảo luận về bản báo cáo của tôi cho FBI. Bill suy nghĩ khác. Theo anh, những nhận xét trung thực của tôi với đại sứ Đinh Bá Thi giúp cho tình báo Mỹ biết cả tánh của ông đại sứ và từng người trong phái đoàn. Nhưng, ngay sau khi Bill vừa đi khỏi bãi đậu xe, Rob đã nhắc tới việc thứ máy nói thiệt. Ông nói: “Hàng năm tôi phải làm cái việc này một lần” với ngụ ý tôi không thể ra ngoài lệ thường.
Tôi giận dữ nói một cách bướng bỉnh:
- Một năm anh làm hai lần cũng kệ anh, không mắc mớ gì tới tôi. Tôi biết tôi, nhưng có thể anh không biết anh; thì việc làm trắc nghiệm cho chắc, là phải.
Khi tôi đã vô ngồi trong xe, Rob còn giữ cửa mở, nói:
- Nè nhỏ, hãy biết điều một chút! Tôi muốn cô coi việc này một cách nghiêm chỉnh hơn. Với loại tin tức như của cô, ngay cả ông lớn nhứt trong “công ty” cũng phải thử máy nói thiệt.
Tôi vẫn không chịu, nói lớn:
- Dù có cả chục ngàn người làm như vậy, cũng không có nghĩa là điều đó đúng.
Trong đời tôi, tôi chưa nhìn thấy có bộ mặt nào để lộ nỗi thất vọng to lớn bằng một ông Rob lúc này.
Nhưng chuyện này không dễ dàng bỏ qua. Sau nhiều tuần cãi cọ, tôi bắt đầu phải nhượng bộ. Tôi nghĩ rằng đây là cái lệ bắt buộc của sở; đến ngay ông xếp lớn và các nhân viên trong sở đều phải làm, thì tôi cũng phải tuân theo cho đúng lề luật. Tôi nói với Rob:
- Thôi được, nếu cần, ông cứ nói chuyên viên lấy dây mà trói tôi lại.
Nghe tôi nói vậy, Rob tỏ vẻ mừng như muốn nhảy một vòng tango.
Nhưng nói cho ngay, trắc nghiệm cũng không có gì là ghê đối với tôi hay với các nhân viên CIA dù tôi đã làm cho họ hoảng sợ. Trong các câu hỏi ngớ ngẩn, có một câu đáng chú ý là:
- Ngoài CIA, tôi còn làm việc cho cơ quan tình báo hay tổ chức phản gián khác không?
Tôi trả lời:
- Có!
Thế là Rob và nhân viên điều khiển máy cũng hoảng sợ.
Tôi phì cười, nói tiếp:
- Tôi còn làm việc cho FBI nữa!
Nhìn vẻ mặt hai người, tôi không rõ họ có coi FBI là cơ quan bạn hay không. Nhưng hai người nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Chuyên viên đặt lại câu hỏi:
- Giữa CIA và FBI, cô còn làm việc cho cơ quan tình báo hay tổ chức nào không?
Tôi đáp ngay:
- Không, tôi không làm việc cho ai hết.
Rồi từ đó, CIA không còn nghi tôi vừa làm việc cho họ vừa lén lút hoạt động cho nhóm khác, như KGB hay Mặt trận giải phóng miền Nam, cũng như cho chánh phủ Hà Nội. Có thể họ đã biết như vậy từ trước, nhưng họ vẫn muốn bắt tôi phải làm trắc nghiệm cho chắc.