Chương 9

     á tôi luôn luôn dặn con cái phải tiết kiệm để má có tiền mua nhà rộng hơn. Khi có nhà rộng, chị Kim, chị Cương sẽ về ở chung cho ấm cúng. Nhà hiện nay chật chội, lại xa trường hai chị đang theo học bên Sài gòn. Hai chị chỉ có thể về chơi vào cuối tuần. Má cũng vừa nhớ vừa xót xa, vì phải sống xa hai người con lớn khá lâu. Cứ đến chiều thứ sáu là chị em chúng tôi ra cổng đứng chờ hai chị về. Rồi chiều chúa nhựt, khi hai chị sửa soạn đi, Hoà Bình bắt đầu khóc thút thít cho tới khi khuất bóng hai chị ở phía xa. Hải Vân phải dỗ thật lâu em mới chịu nín. Một gia đình mà đã kẻ Nam, người Bắc, lại không được ở chung nhau dưới một mái nhà, thì con gì buồn hơn nữa. Má tôi thương và tiếc cho hai chị tôi lắm, dù vẫn biết hai chị tôi là những người biết làm và học hành siêng năng. Má tôi cũng tin ở sự săn sóc của cô Mỹ Ngọc.
Hồi đó, tôi còn nhỏ, chưa biết giá trị của đồng tiền, nên không hiểu má tôi phải để dành bao nhiêu tiền mới mua được nhà mới. Nhưng một biến cố mới xảy ra bất ngờ, làm cái mộng mua nhà của má tôi tan thành mây khói.
Cũng như mỗi cuối tuần, khi hai chị tôi về thăm nhà Hoà Bình và Minh Tâm không rời hai chị nửa bước. Hoà Bình theo chị Kim, trong khi đó Minh Tâm đeo sát chị Cương.
Chúng tôi không sao quên được buổi chiều chúa nhựt buồn ấy. Buổi trưa, chị Cương ru Minh Tâm ngủ trên võng, em thức dậy, cất tiếng khóc. Má tôi bồng em lên, thấy người em nóng như lửa. Má tôi kêu lớn hai tiếng “Trời ơi!” thật thảm thiết. Chị em chúng tôi vội chạy tới, thấy mặt em đổi khác hẳn đi, Lúc em khóc, mặt em bị méo một bên, bắp thịt bên mặt không còn cử động được nữa!
Các bác sĩ ở nhà thương Chợ Rẫy cho má tôi biết là em Minh Tâm bị bịnh polio. Tôi chưa bao giờ nghe nói tới căn bịnh này, nhưng má tôi thì hiểu hết, nên bà lo lắm. Bác sĩ cho biết mặt của em Minh Tâm sẽ bị bại luôn, và phải đợi một thời gian nữa mới biết còn bộ phận nào trong người em bị ảnh hưởng không, vì lúc đó em tôi mới có bốn tuổi. Nghe nói như vậy, cả gia đình ai cũng buồn và thương em. Nhưng, riêng má tôi, ba không chịu thua một cách dễ dàng. Bà cho Minh Tâm đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. Cả ông bác sĩ được hỏi ý kiến đều cho rằng chưa có phương thuốc trị được polio. Hết Tây y rồi đến Đông y, rồi thầy châm cứu, thầy thuốc Nam, ai cũng ráng trị cho bên mặt của em cử động lại được. Những tất cả đều vô hiệu quả. Trong thời gian ấy, bà ngoại tôi ở Cần Thơ lên ở với chúng tôi. Bà nóng ruột vì má tôi bỏ ăn, bỏ ngủ, chạy ngược chạy xuôi tìm thầy trị cho Minh Tâm. Bà khuyên không được, đành bỏ về lại Cần Thơ. Sau đó, đến lượt ông ngoại tôi viết thơ khuyên má tôi, ông khuyên má tôi hãy chấp nhận bịnh trạng của Minh Tâm, rồi dành nhiều thời gian chăm sóc cho nó. Hãy bình tĩnh lại, đừng nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc hay là mò đến đó, rồi tiền mất, tật mang, rồi thất vọng.
Bịnh hoạn của Minh Tâm đã làm má tôi suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Bà bỏ may vá, bỏ luôn giấc mộng có một mái nhà cùng sống đoàn tụ với đàn con dại. Mỗi ngày đi học về tôi lại thấy má ôm em Minh Tâm vào lòng với vẻ mặt đau khổ tột cùng, do thiếu ngủ, mắt bà có quầng đen. Giọng nói đầy nghị lực của bà không còn nữa, tiếng hát trong nhà cũng không còn nữa. Tôi giựt mình khi nhận ra vẻ già đi trên nét mặt của ba. Sự đổ thay này làm tôi nghĩ mông lung. Tôi nhớ lại ngày ba tôi đi tập kết. Hồi đó mắt ông xanh đen, bước đi của ông trẻ trung, ông tràn đầy sức sống. Khi ba tôi cười, cặp mắt sáng long lanh của ông cũng cười theo. Nhớ lại hình ảnh đó của ba tôi, tôi bỗng thấy một mối lo vu vơ thầm lén đi vào lòng tôi. Mà cực khổ quá, sẽ già trước tuổi, không xứng đôi vừa lứa với ba tôi nữa, dù bà nhỏ hơn ba hai tuổi.
Sáu tháng ròng rã, chúng tôi sống trong ác mộng giữa ban ngày. Đêm thì trằn trọc trong cái nóng như thiêu như đốt của Sài gòn và nỗi lo buồn về bịnh tật của Minh Tâm. Hằng đêm, tôi cầu nguyện sao cho có phép lạ để em khỏi bịnh, hoặc may mắn được đưa sang Mỹ chữa trị.
Cuối cùng, má tôi không sao tìm được thầy thuốc chữa bịnh cho em, mà tiền dành dụm để mua nhà mới cũng đã cạn.
Hè năm đó, hai chị Kim, Cương nghỉ học, về ở với gia đình. Tôi mừng lắm vì đã có người lo việc nhà thay tôi. Sáu tháng qua, một mình tôi chịu đựng hết những ưu phiền, những lời than thở của má. Thêm vào đó, từ ngày cho chị người làm về quê, tôi phải gánh hết mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Bấy giờ có hai chị được nghỉ ngơi đôi chút. Vườn sau nhà bà ngoại Nhuận có cây khế ngọt mà Hải Vân hay leo lên để hái trái. Một hôm, tôi theo Hải Vân, leo lên thật cao để tìm trái chín, bất ngờ vịn phải một cành khô, tôi té xuống đất. Nhưng may không hề hấn gì. Leo cây khế, nhảy lò cò trên sân xi măng chỉ là thú tiêu khiển của một đứa trẻ mới trên dưới mười tuổi. Tôi cần thú tiêu khiển đó để tạm thời thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt của gia đình đâầ buồn phiền, u uất.
Một buổi trưa chúa nhựt, ông bà ngoại dẫn Hải Vân và tôi đi sang Thủ Đức ăn sinh nhật của cháu ông kinh lý Nhơn, bạn của ông bà. Chưa bao giờ chúng tôi được dự một cuộc vui như vậy. Nhưng khi những niềm vui còn rộn rã trong lòng, vừa về đến nhà tôi đã chạm trán với nỗi đau buồn riêng tư của gia đình mình, nghe má tôi nói với hai chị Kim, Cương:
- Hồi đó, khi tụi con bập bẹ tập nói, thường gọi ba trước. Ngày nay, mà sợ Minh Tâm sẽ không bao giờ biết nói tiếng ba.
Nghe má nói như vậy, tôi hiểu rằng cả trái đất này không có ngọn núi nào cao hơn nỗi tuyệt vọng của má, kể cả đỉnh Everets trong dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Rồi má nói thêm là má kiệt sức rồi, mà không thể nào tiếp tục làm người lánh nạn được nữa, ông bà ngoại Nhuận tử tế, giúp đỡ gia đình chúng tôi, cho mấy em đi học, má biết ơn ông bà lắm. Nhưng gia đình tôi không thể sống nhờ ở đậu hoài như vậy. Dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng phải biết tự lập. Má không đi Hà Nội để tránh cảnh ăn nhờ ở đậu, sao mình lại ăn nhờ ở đậu ông bà ở đây? Vì vậy, má quyết định phải trở về Cần Thơ sống gần ông bà ngoại. Nếu hoàn cảnh bắt buộc, má sẽ phải đổi khai sanh của tụi tôi để bảo vệ ba.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, ba ở tuốt ngoài Hà Nội với ông Hồ Chí Minh, ba ngon lành quá, sao mình lại bảo vệ ba? Ai ăn hiếp được ba, mà mình phải bảo vệ? Tôi không dám hỏi má, những đó là chuyện của người lớn, bảo vệ ba suốt đời rồi, ai mà dám chất vấn nữa.
Nói xong, má tôi khóc, hai chị em khóc theo. Tôi vội vàng nắm tay Hải Vân kéo ra sân. Tôi dẫn em đi ra cửa sau. Nơi đây có một hầm nộ bỏ hoang, từ lâu không thấy ai tới thăm nom. Tôi ngồi sau lưng một cái cái mộ bia, rồi để mặc cho nước mắt trào ra. Hải Vân nhìn tôi một lúc, rồi hỏi:
- Chị có nhớ ba không?
Tôi giấu mặt vô hai đầu gối, im lặng. Hải Vân lại hỏi:
- Sao chị không trả lời em?
- Tại tao sợ!
- Sợ cái gì?
- Sợ khóc, má buồn.
Em tôi lấy tay chùi nước mắt, nói:
- Em hết nhớ bà rồi, tại ba xấu với má.
Hai chị em tôi ngồi bên nhau cạnh mấy nấm mộ hoang rất lâu nhưng chẳng nói với nhau một lời nào. Tê tái buồn, sẵn sàng khóc, một không dám nhịn. Tôi không dám trách em tôi, vì nó đã nói đúng. Đôi khi cũng như em, tôi cũng giận ba tôi.

*

Buổi chia tay với ông bà ngoại Nhuận không buồn thảm như đối với hai chị Kim, chị Cương. Má vẫn để hai chị ở lại chỗ cô Mỹ Ngọc để tiếp tục đi học. Nếu nghi hè, hai chị sẽ về nữ công.
Tôi có cảm tưởng, chuyến trở về Cần Thơ này, gia đình chúng tôi phải trốn chạy một nỗi đau khổ, mà rồi đây nó cũng đi qua sau lưng. Chúng tôi cần bà con ruột thịt để nâng đỡ lẫn nhau. Nhưng làm sao chúng tôi quên được sự cưu mang, giúp đỡ của ông bà Nhuận. Ông bà đã dậy cho tôi bài học nhân ái, mà con người phải đối xử với nhau. Tôi không bao giờ quên được bài học quý giá này. Tình thương mà ông bà dành cho chúng tôi đã dậy chúng tôi về sự đoàn kết và chung thuỷ giữa những người cùng một chí hướng. Ông bà đã dẫn Hải Vân và tôi đến những nơi sang trọng của những người “ăn cơm quốc qia, thờ ma cộng sản”.
Ông ngoại Nhuận qua đời vào năm 1972 sau một thời gian dài vật lộn với bịnh ung thư ruột già. Bà ngoại Nhuận ở một mình trong cái biệt thự rộng mênh mông đó, con trai của bà là kỹ sư Huỳnh Ngọc Châu; cậu làm việc cho hãng Esso, thường lui tới thăm bà, vào một ngày sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi nghe tin cộng sản tịch thu biệt thự của ông bà ngoại Nhuận, đuổi bà ra khỏi nơi đã dung dưỡng bao nhiêu cán bộ cộng sản.