Ám ảnh đen

     hi bắt đầu vào đến ngõ tối, Dung dừng lại, Thiên đi quá lên hai bước ngừng lại theo lúc không còn nghe thấy tiếng guốc.
- Anh vào làm gì trong này?
- Nhà anh, vào cho biết.
- Có phiền không, còn gia đình...?
Lúc bấy giờ Thiên mới chợt nhớ đến một điều mà từ lâu vẫn không nói ra, hay là không có dịp để nói cho Dung nghe về gia đình Thiên. Tuyệt nhiên từ ngày gặp nhau, yêu nhau Dung không hỏi Thiên một chút nào về điều đó - cả ngay đời sống, Dung cũng không muốn biết, ở Dung hình như chỉ có điều yêu Thiên thế thôi.
Thiên cúi xuống nhìn mặt ngõ nhớp nháp bùn, với ánh đèn yếu ở một căn nhà xa không đủ cho hai người nhìn thấy mặt nhau. Dung bỏ áo mưa khoác trên vai xuống khẽ rũ những hạt nước còn đọng, gập lại và cầm lấy ở tay. Thiên hất mái tóc cho gọn và nói nhẹ:
- Không có gì đáng ngại, cứ vào đi, ngộ anh chết bất tử thì em còn có thể yên tâm khỏi lo lắng vô ích.
Dung không nói, lặng lẽ bước, hai người đi song song với nhau.
Con đường dẫn đi vào hai dãy nhà lá thấp đã yên ắng, qua những vũng nước Dung phải bíu lấy tay Thiên mà bước qua. Khu xóm mới mọc lên không lâu nhưng bây giờ đã trở thành đông đúc. Xưa kia là một vũng đất của hỏa xa có một con đường sắt đi vào một nhà để đầu máy lớn - thời kỳ chiến tranh khu nhà bị tàn phá nên không còn xe lửa chạy qua, bây giờ xe lửa chạy phía ngoài trên con đường đi Nha Trang kế bên ngay ga hàng hóa Hòa Hưng, và xưởng sửa chữa phía ngoài nữa. Căn nhà của Thiên nằm trên con đường sắt bỏ không ấy. Căn nhà Thiên mua lại của một người đã chiếm đất mà cất lên như mọi người trong xóm.
Thiên dừng lại khẽ đẩy cánh cửa liếp. Dung nhìn thấy một ngọn đèn con để trên một cái bàn nhỏ kê sát vách bên trái, bên phải kê một cái giường nhỏ buông một cái màn thấp có một người nằm đắp chăn kín cả đầu. Dung bước nhẹ vào, nàng đứng xoay mặt về phía ngọn đèn nhìn xuống một chiếc ghế bành cũ đã rách hết lần bọc ngoài, mặt ghế được lót bằng bao tải hõm xuống ở giữa. Một cái tẩu thuốc lá nằm nghiêng trên mặt bàn gỗ thùng và một hộp thuốc, trên lưng ghế bành vắt một cái áo khoác màu bẩn thỉu. Dung thoáng nghĩ về người nằm trên giường. Nàng giơ hai tay vuốt mái tóc lên cho gọn nhìn vào nhà trong. Thiên đã châm một ngọn đèn sáng hơn rồi khẽ gọi Dung.
- Anh ở trong này.
Dung đứng ở cửa nhìn vào một chiếc giường cũ rộng, một cái bàn kê bên giá sách.
- Còn ai ở với anh nữa?
- Không.
- Ai nằm ở nhà ngoài vậy?
- Ông nội anh.
- Ông nội?
- Chỉ còn có thế.
Thiên hơi mỉm cười - trong cái cười đó Dung nhận ra nét gì chua xót và đau đớn.
- Thôi đừng nói nữa.
Thiên im lặng cầm lấy áo mưa của Dung vắt vào đầu giường kéo chiếc ghế ở bàn học ra chỉ vào đấy cho Dung ngồi xuống.
- Ngồi xuống cho đỡ mệt.
Dung ngoan ngoãn làm theo, nàng để ngọn đèn lại gần và dở một vài cuốn sách ra xem những gờ bìa. Thiên với bao thuốc lấy một điếu ngậm vào môi rồi kề vào ngọn đèn châm, thở ra một hơi dài. Dung ho lên sặc sụa vì khói thuốc sộc vào mũi bất ngờ. Dung nhìn ra ngoài nhà lo lắng.
Dung bỗng nghe thấy tiếng chiếc giường nhà ngoài kêu, tiếng sột soạt, rồi tiếng chân đang quờ những chiếc guốc chạm vào nhau, tiếng guốc kéo trên mặt đất mang vẻ mệt nhọc. Thiên biết ông nội đã trở dậy. Chàng đi ra, Dung đứng lấp phía trong nhìn theo.
Thiên cầm chiếc tẩu thuốc, mở hộp nhét vào một mồi, ông già đã ngồi ở chiếc ghế bành, đôi mắt mở lớn chớp lên chớp xuống luôn.
- Cháu về lâu chưa? - Ông nói to - Ông vừa mới chợp đi một phút.
- Cháu mới về.
Thiên cầm cái tẩu thuốc đưa vào tận tay cho ông, bàn tay già nua của người ông hơi run, ông khẽ để một ngón tay vào dập mồi thuốc rồi cầm đưa lên miệng, đôi mắt nhìn trâng tráo khờ khạo, ông khẽ đưa tẩu thuốc về phía trước, Thiên châm lửa kề vào miệng ống điếu, một tay đập khẽ vào tay ông để trên bàn. Ông già kéo hơi thuốc dài, khi lửa đã bén Thiên dập tắt que lửa rồi trở vào, ông già hít đến hơi thứ hai thì đứng lên một tay giữ ống điếu, tay kia vịn vào vách đi vào nhà trong. Dung hơi run, nàng thấy lo lắng nghĩ đến lúc người ông của Thiên vào thấy nàng: một đứa con gái ở trong giường của cháu ông khi đó ông sẽ nghĩ sao về nàng. Dung nhìn quanh như muốn chạy trốn. Thiên ra hiệu và nói khẽ:
- Đứng im, đừng nói lớn, ông thong manh và gần điếc.
Dung đứng im. Ông già lần theo vách đi vào đôi mắt ông nhìn chòng chọc về phía Dung nàng có cảm tưởng ông nhìn thấy. Khi ông cầm ống điếu ở miệng xuống thì chỉ vào mặt mình, nhưng ông già vẫn sờ một tay vào vách. Chân bước ngắn. Ông đẩy cánh cửa sau bước vào bóng tối. Một lúc Thiên và Dung cùng nghe thấy tiếng nước chảy, hai người nhìn nhau mỉm cười.
- Em trông mắt ông mà sợ quá, vẫn còn run. Ông biết em ở đây thì sao?
- Ông không biết đâu, phải nói lớn vào lỗ tai ông mới có thể nghe thấy.
Ông già trở lên ngồi vào chiếc ghế, co cả hai chán lên khỏi guốc. Dung nhìn khuôn mặt nhăn nheo, làn da cử động theo từng lần ông rít thuốc, ông cầm ống điếu bỏ lên bỏ xuống một cách chậm chạp chừng mực. Đôi mắt lúc nào cũng muốn cố dương ra để nhìn một vật gì cho rõ, đôi lông mày cũng bạc theo màu tóc trợn lên trợn xuống theo sự cử động của mí mắt chớp luôn, ông già với tay lấy chiếc áo phía sau lưng ghế khoác lên người, tay bó lấy gối.
Dung cầm áo mưa đứng lên.
- Cho em về kẻo khuya.
- Đi.
- Ông anh?
- Không sao, em đi nhẹ qua mặt ông không hay.
Thiên đi trước. Dung lo lắng nhón guốc rất nhẹ theo sau lòng hồi hộp khi đi qua mặt. Ông già để ống điếu trên mối hơi trễ ngồi yên như một pho tượng đá lâu năm. Bộ mặt thản nhiên tưởng mặt đức Phật lúc tịch cũng chỉ thản nhiên đến như thế là cùng.
Thiên đưa Dung về Bàn Cờ, con đường vắng Dung để cho Thiên cầm lấy tay:
- Ông anh bao nhiêu tuổi?
- Sáu mươi bảy rồi.
- Ông bị hỏng mắt từ bao giờ?
- 43 tuổi, tự nhiên mắt bị đau rồi thế. Không có tai nạn gì cả, còn tai hóa nghễnh ngãng là sau một trận dội bom của Đồng minh năm 1945. Trái bom rơi xuống gần nhà làm ông đang ngồi ẩn ở dưới hầm bị bắn lên rồi rơi xuống đất. Ông muốn ở lại ngoài quê nhưng anh không muốn ông chết một mình không ai thân thiết. Ít ra ở đây khi ông chết còn có anh vuốt mắt...
Câu chuyện đến đó thì đã tới nhà Dung - nàng ở với một người chị bạn. Thiên đứng ở lại ngoài nhìn theo Dung. Sau khi cánh cửa khép lại Thiên trở về.
Ông già vẫn ngồi trên ghế. Thiên đứng lại cầm lấy cánh tay ông rồi ghé miệng vào tai:
- Thôi ông nằm nghỉ - cháu muốn ngủ.
Ông già cầm lấy ống điếu ngược đập ở bàn cho tàn thuốc ra hết, bỏ chiếc tẩu lên, hai chân để xuống guốc rồi đứng lên:
- Trời mưa cháu về bị ướt không? Nhà mình như bị dột, ông dẫm phải một chỗ ướt, mai phải xem xem. Bây giờ mùa mưa rồi, nhà phải cẩn thận. Có lẽ nhà này dột cũng nên, đêm ông thấy gió nhiều lắm.
- Vâng cháu cũng thấy thế...
Ông già đứng dậy lại giường. Thiên cẩn thận dắt cửa màn lại. Thiên khêu nhỏ ngọn đèn bên giường. Chàng nhắc lại câu hỏi của Dung:
- Anh tính sao về chuyện của hai đứa?
Nhắc lại câu đó Thiên tự thấy mình bất lực trước đời sống, điều mà Thiên vẫn tưởng là không bao giờ, tất cả tương lai Thiên thấy chỉ còn dành cho Dung nữa thôi, nghe tiếng động trở mình của người ông già cả làm cho Thiên đau đớn khi nghĩ đến những người ruột thịt. Chàng muốn lẩn tránh khi sắp bị lôi trở lại quá khứ - tất cả là một quãng dài những ngày tháng đau đớn ê chề mà chàng tưởng không ai có thể ngờ được là con người phải chịu đựng. Gần ba mươi tuổi đầu không có lấy một thời gian hay một thanh xuân nào để cho Thiên nhớ, để ru mình vào một hoài vọng như nhớ về một mùi hương thoảng xa và thơm mát khôn cùng.
Người còn sống duy nhất - ông nội - lại là người chứng kiến tất cả những đau đớn ấy. Chàng thấy lòng mình thương xót rằng tuổi già của ông cũng không được đền đáp một cách xứng đáng. Trong thế giới của người sinh trước mình, Thiên thấy rõ rệt tấn kịch độc diễn liên hồi mà ông chàng phải trình diễn và chứng kiến - một tấn kịch không ai có thể tham dự, chia xẻ - ít ra mình cũng còn Dung.
Thiên nhắc nhẹ để thấy mình được an ủi, nâng niu vào tương lai và tin ở một đời sống dù sao cũng còn được lấy hai người. Thiên nằm một lúc lâu thấy không thể ngủ được. Nhớ còn một chồng bài vở, chàng trở dậy ngồi vào bàn và khêu lớn ngọn đèn lên để làm việc.
Một hồi còi xe lửa hú lên ở bên ga làm Thiên giật mình và thấy nhói ở nơi tim, chàng nhớ Tước. Tước chết thế là đã hơn một tháng.
Ông già lại trở dậy, tiếng ho khô buồn vang lên, ông già bắt đầu lảm nhảm. Thiên ôm lấy hai tai, bưng đầu như không muốn nghe thấy gì. Ông già quờ chân tìm guốc đến ngồi vào chiếc ghế, ông đã thuộc từng vật trong nhà này để ở chỗ nào. Cứ bước bốn bước ngắn là ông sờ thấy thành ghế và quay người ngồi xuống đó, ông sờ lên mặt bàn cầm lấy ống điếu để lên môi. Ông nhớ Tước mỗi khi nghe tiếng còi xe hú lên:
- Đấy, nó đấy, nó đang chạy đấy. Có phải nó có đổi mắt gớm chết đi không? Ông biết mà. Thế sao cháu không coi chừng gì cả. Gớm con vật quái ác hung dữ đến thế là cùng, nó hằm hè, nó lại la thét như vậy mà cháu không nghe, ông điếc như vậy mà còn nghe rõ kia mà. Ông nghe thấy từ đằng xa kia! Thấy nó là phải tránh cho xa, nó vô tri giác mà. Nó thì nó biết gì là ông chỉ còn có cháu. Quân khốn kiếp, khốn kiếp, ông muốn dập nát đầu nó ra. Không làm gì được nó thì ông cũng nguyền rủa cho Trời Phật hại nó, giết nó. Trời Phật đâu có sinh ra nó. Nó mà có cha mẹ à? Không, chỉ có quân không có cha mẹ, ông bà tổ tiên thì mới thế! Mà có. Trời ơi nếu có thì cũng là thứ cha mẹ, ông bà mà giời đất không dùng đã sinh ra nó. Cháu nghe thấy tiếng nó chưa, anh Thiên cháu nó tinh hơn cháu chứ. Anh cháu đã dặn mà - coi chừng. Bây giờ thì cháu nói sao với ông, với anh Thiên. Ông thì sống được bao lâu nữa với anh cháu. Quân khốn, thật quân khốn...
Ông già nói lớn rồi nhỏ dần thành những tiếng lẩm bẩm kéo dài hàng chuỗi âm thanh mệt mỏi, đều đều, buồn nản, chốc chốc ông lại cất lên một vài tiếng lớn “... quân khốn... quân khốn...” điều này xảy ra từ sau khi Tước chết, Thiên mới thấy. Trong óc ông già tất cả tấm thảm kịch xảy ra qua sự tưởng tượng về cái chết của Tước. Cái cảnh Tước bị xe lửa cán ở đầu ngõ ông không thấy nhưng cứ nghe tiếng còi hú, tiếng bánh xe chuyển rầm rầm rùng cả đất đủ cho ông thấy khủng khiếp, ông già có cảm tưởng như đứa cháu nhỏ ấy còn lẩn quất bên ông, chỉ có bây giờ không còn nó để châm cho ông một mồi thuốc, những khi Thiên vắng nhà, hay mỗi buổi tối nó đấm lưng cho ông đi ngủ. Ông nói lảm nhảm những điều diễn ra trong đầu có hơn sáu mươi năm những quá khứ chồng chất lên đầu não ông. Ông muốn nói tất cả. Ngay những điều đã nói ông cũng tưởng là chưa hề nói cho đứa cháu nghe hết mà bây giờ ông mới bắt đầu, Thiên thấy kinh hoàng điều đó, chàng không muốn phải chứng kiến tấm thảm kịch ấy. Chàng muốn rời khỏi căn nhà, không khí này, nơi mà những kỷ niệm buồn ôm khít như không thể cựa quậy mà thoát ra được.
Chàng đã tính để tháng thứ hai - sau khi dạy học, trả nốt được nợ nần trong những ngày thất nghiệp trước, chàng sẽ bán nhà và kiếm chỗ khác ở. Căn nhà cũng chẳng đáng mấy đồng khi nó đã mục nát xiêu đổ thế này. Thiên cố gạt bỏ mọi ý nghĩ nhìn xuống từng trang bài. Ông già co chân lên lòng ghế, ông mệt mỏi để trễ tẩu thuốc không xuống cằm, đầu ngả vào thành ghế mà thiếp đi.
Trong đám cưới vẫn còn ồn ào vui vẻ. Thu và Liên tiếp chuyện bạn hữu và thân quyến với nét mặt hân hoan đầy hạnh phúc - Nhìn cảnh ấy Dung thấy mình cô đơn và buồn tủi. Tối hôm nay rồi mãi không bao giờ Dung còn được chung sống tình bạn như chị em ruột của Liên nữa, thấy bạn tìm được hạnh phúc thì thấy vui, nhưng trong niềm vui ấy Dung buồn vô kể.
Dung cùng đứng lên với Thiên từ biệt mọi người, có tiếng nói đùa.
- Còn anh Thiên và chị Dung bao giờ cho chúng tôi uống rượu mừng đây?
- Còn lâu lắm - Dung đỏ mặt trả lời, nàng thấy bối rối lạ thường không dám nhìn lên Thiên.
- Ở một mình mãi buồn lắm đấy.
Hai người len khỏi hàng ghế. Thu và Liên tiễn hai người ra tận cửa.
- Cám ơn anh chị, này chị Dung ạ, chị phải khuyên anh Thiên làm việc ít chứ nhé, hồi này anh ấy gầy đi nhiều lắm đấy.
Liên mỉm cười cầm tay Dung:
- Tối nay chị về đó ngủ một mình buồn quá thỉnh thoảng nhớ lại thăm chúng tôi. Bận quá không thì phải đưa chị về, tôi nhờ anh Thiên đấy.
- Vâng tôi giúp chị việc đó.
Dung và Thiên chào hai người một lần nữa rồi bước trên hè phố, cả hai không biết nói gì. Thiên lấy bao thuốc rút một điếu châm hút.
- Tiệc vui quá phải không em. Hai người thật xứng đôi. Bây giờ, chị Liên đi rồi thì em ở một mình sao?
- Chứ còn ai?
- Giá có người bạn nào ở chung chắc đỡ buồn.
- Em cũng không còn ai nữa.
- Anh định cố gắng làm việc để chúng ta ở với nhau. Trước hết là anh phải dọn nhà đi chỗ khác. Giờ dạy của anh bây giờ cũng khá. Anh không muốn em ở một mình. Giá còn chị Liên...
- Cố thì vẫn cố, nhưng anh cũng phải coi chừng sức khỏe của anh đấy.
- Không ở với nhau khổ lắm, nhất là đối với ông anh. Anh đi dạy ở nhà ông có một mình đến không thể hút được một điếu thuốc. Ăn cơm hàng mãi khổ quá, về nhà nước không muốn đun, mà không đun thì lấy gì uống. Khi mạnh đã vậy khi nhức đầu sổ mũi...
Hai người đi qua những dãy phố đã bắt đầu đóng cửa. Dung thấy yêu Thiên hơn bội phần, nàng thấy Thiên cũng khổ như mình và có khi hơn nữa.
- Tối nay chắc em không ngủ được mất.
Nghe Thiên nói Dung thấy mắt mình ướt át, những giọt nước mắt lăn xuống gò má mà Dung không thể ngăn lại được. Nàng bặm môi để khỏi khóc hay thổn thức. Nàng cúi đầu cho khuất vào bóng tối để Thiên khỏi thấy. Dung không muốn Thiên phải buồn thêm nhiều nữa.
- Anh biết chứ, giá đẻ em vào được thì em đâu phải ngủ một mình bao giờ. Cứ gọi là tha hồ mà nhõng nhẽo, thầy em cũng chiều em ghê lắm. Chỉ có hai anh em, anh Hùng lớn hơn em nhiều lắm vì trước em còn có chị gái, nhưng mất sớm, em nhỏ lại là con gái nên được nâng niu như hòn bột đất, từ độ thầy em mất không còn ai chiều nữa...
- Cả anh nữa phải không?
- Nhất định rồi.
- Thế sao thầy mất?
- Vì thầy em buồn rồi bệnh mà mất đấy. Nhớ đẻ em và anh Hùng. Em và thầy em đã xuống Hải Phòng rồi chứ, xong đẻ em lại trở về Hà Nội để đón anh Hùng em ở ngoài về - thế rồi nghẽn luôn, không có tin tức gì. Thầy em đã nhất định đi vì ở lại sao được nên đành gạt nước mắt xuống tàu. Tưởng rồi sẽ khuây khỏa dần, song mỗi ngày thầy em một nhớ vợ và con không muốn ăn uống, sau dần yếu chỉ đau sơ sơ mà không thể cứu được nữa. Không hiểu đẻ và anh Hùng em có còn sống không? Nếu còn thì bây giờ thế nào?... Chuyện buồn phải không anh?
- Anh thì cũng chả có chuyện gì vui hơn để kể. Thôi để anh đưa em về không mệt. Mai anh cũng còn phải đi dạy. Và nhất là phải trở về để châm cho ông một điếu thuốc.
Hai người đi với nhau như không muốn rời nhau, họ có cảm tưởng những bất ngờ luôn de dọa họ. Chẳng có một ai muốn trở về để ôm mặt khóc một mình.
Về đến cửa ngõ Dung lấy chìa khóa mở cửa, trở vào bật đèn. Hàng xóm đều đã yên giấc. Thiên đứng ở cửa nhìn vào khung giường rộng, trống trải có một chiếc gối ở cạnh, chiếc máy khâu bừa bộn quần áo, giẻ vụn:
- Thế chị Liên còn nhận hàng may nữa không?
- Chị ấy nghỉ rồi. Có một mình em chỉ còn nhận ít thôi, sợ buồn rồi em không muốn làm nữa mất.
Thiên cầm tay Dung cảm động, chàng nói nhẹ nhàng như nựng một đứa em. Dung nhìn thấy trong mắt Thiên tất cả sự dịu dàng tha thiết.
- Ngủ đi nhé, nghe lời anh không thì ghét lắm. Mai anh lại.
- Thôi anh về đi.
Dung cố gắng bình tĩnh nói cho Thiên yên lòng, nàng khép vội cửa rồi vào úp mặt lên gối thổn thức.
Dung tắt đèn buông màn rồi cố nhắm mắt, nhưng nàng thấy căn phòng buồn đến phát khóc. Cái gì cũng bơ vơ, mặt giường như rộng ra nhiều lắm. Nàng có cảm tưởng đang nằm trên một bãi cát lạnh mùa đông rộng ngát tiêu điều. Nàng nằm rất lâu nhưng không sao nhắm mắt được, nàng trở dậy tìm ảnh của những người thân ra coi. Nàng ngồi dờ đẫn và cảm thấy không thể nào qua được một đêm như thế này. Nàng thấy cần Thiên. Dung khoác áo rồi khóa cửa ra đường.
Thiên trở về châm thuốc cho ông, chàng buông màn rồi dẫn ông đi ngủ trước khi chàng ngồi vào bàn làm việc. Chàng thấy thương Dung bội phần. Một người con gái sao lại phải chịu những khổ sở đến như vậy. Một sự bất công mà Thiên không thể chịu được. Thiên gục mặt xuống bàn nghĩ miên man. Bỗng chàng nghe tiếng gõ cửa, vội vàng trở ra:
- Ai đấy?
- Dung đây.
Thiên mở cửa, Dung ôm lấy Thiên thổn thức, chàng dìu Dung vào nhà.
- Nín đi, có anh rồi mà.
Dung muốn khóc mãi cho đỡ khổ, Thiên vỗ vai Dung và giữ đầu nàng ép vào ngực mình.
Tiếng xe lửa chạy qua, hồi còi hú lên, ông già lại thức dậy và kéo guốc sang ngồi ở ghế bành, ông cầm ống điếu để lên miệng. Dung nín nghe ông già nói:
- Lại nó rồi, quân khốn, quân khốn. Cháu thấy chưa? Nó lại đánh thửc ông dậy đấy. Sao ông không điếc hẳn đi nhỉ. Tại cháu lơ đễnh và không tinh chút nào. Những đứa trẻ khác nó tinh lắm đấy nhá. Cháu đi học có nhớ chuyện ông Lương Thế Vinh hồi nhỏ không? Không biết thì ông kể cho nghe đấy. Đồ khốn nó vẫn còn kêu lên the thé thế kia thì ai mà chịu được. Thôi câm đi, câm đi cho người ta còn kể cho cháu ta nghe chứ. Còn ám người ta đến bao giờ nữa? Chưa đủ sao? Mày biết là ta không làm gì được mày chứ gì? Đừng tự đắc con ạ, rồi Trời phạt cho mày tan rữa ra mà coi ta không nói sai đâu. Đồ khốn, tưởng mày... ấy hẳn. Cháu châm lửa cho ông đi. Thuốc còn ít, hết à? Lạ sao lần này anh Thiên cháu lại quên được nhỉ. Anh cháu có quên bao giờ đâu. Thôi để yên ông kể vậy. Ông Lương Thế Vinh, đúng rồi. Lúc bấy giờ Tàu sang ta, định thử xem trẻ con mình thông minh ra sao mà chỉ có một số dân nhỏ cũng đủ cho tụi chúng kinh hoảng, nhất là chúng không làm cho mất giống mình được. Khi chúng đi qua làng ông Lương Thế Vinh thấy tụi trẻ chăn trâu đông lắm - Đúng rồi lúc đó ông ấy cũng còn đi chăn trâu mà - chúng mới thả xuống giếng một trái bưởi, rồi đố xem lũ trẻ có lấy lên được không? Tất nhiên giếng sâu, giếng đá mà, ai có thể xuống được. Ông Lương Thế Vinh mới bảo tụi trẻ cứ việc múc nước đổ vào giếng tất nhiên giếng đầy nước bưởi phải nổi lên trên...
Tụi Tàu khiếp cái lanh trí của trẻ... Tại lúc về đến đó vội quá nên cháu bị nó đè à... quân khốn nó nặng như vậy thì cháu chống sao được - ít ra cũng phải bình tĩnh chứ... giá ông mà còn nhìn thấy và còn khỏe thì... đâu cháu lo phải không? Thôi cũng đừng khóc nữa. Ông biết cháu thương ông lắm chứ. Hồi mẹ cháu mất cháu mới lên hai thôi. Ấy chính tụi Nhật nó đánh đấy. Còn bố cháu thì tụi Tây nó bắt vì bố cháu chống chúng nó, mà thôi đừng bắt ông nói đến chuyện đó nữa. Thôi cháu, đừng nhắc nữa, không hiểu sao ông có thể còn sống đến bây giờ được nhỉ. Rồi có hy vọng được về mà gửi xương ở nơi quê nhà không... Thôi... đó đồ khốn nó vẫn còn gầm ghè đó. Dễ chừng nó muốn đè người ta ra nữa à. Cứ đè nhiều vào cho nhiều tội lỗi mà chóng chảy rữa ra như nước ông mới hả... Đồ khốn câm đi...
Ông già bỏ ống tẩu lên bàn, ông kẹp đầu vào giữa hai đầu gối, trong dõi mắt thong manh như muốn chảy máu vì ông không còn nước mắt để khóc. Ông lần sang giường nằm sấp xuống, lưng đau.
Dung nghe ông già nói lảm nhảm nhiều câu nữa, những câu không có mạch lạc. Nghe tiếng được tiếng không. Thiên nhìn Dung thương xót.
- Ông anh nói với ai vậy?
- Với ông.
- Sao cứ gọi cháu?
- Ấy cứ mỗi lần nghe thấy còi xe lửa, hay thấy đất rung chuyển là ông lại nhớ cái chết của em anh, bị xe lửa cán.
- Trời! Bao giờ? Sao không nghe anh nói?
- Từ độ... vả nói thì ích gì cho em... thôi đừng nói nữa, để anh lấy gối cho em ngủ, anh còn bận chút việc.
- Thôi đừng.
Thiên với chiếc gối bọc giấy báo ở trên chỗ mắc áo cởi ra đưa cho Dung. Dung cầm gối ngắm đi ngắm lại. Nàng thấy mình quá táo bạo khi đến đây. Bỗng nàng chợt hỏi:
- Gối của ai mà cất kỹ vậy anh?
- Của Tước đấy...
Dung ôm gối vào lòng không nói được. Bốn mắt nhìn nhau. Dung thấy mình bé nhỏ hẳn lại và thấy mình như Tước - em của Thiên, một đứa em ruột bé bỏng và yếu đuối.
Thiên và Dung cùng thức dậy một lúc. Ông già đã trở sang ngồi ở ghế và miệng ngậm ống điếu. Thiên trở ra bỏ thuốc và châm lửa. Ông già hút thở khói từ từ, thường hai ông cháu rất ít lời với nhau, phần mỗi lần phải nói lớn, ông già nghe câu được câu chăng. Thiên mua bánh mì cho ông rồi hỏi Dung xem nàng ăn gì nhưng Dung từ chối. Nàng mặc quần áo. Thiên đưa Dung về. Lúc đi qua mặt ông già Dung có cảm tưởng mình vừa phạm tội lớn. Trong đôi mắt mở lớn, ngây dại chớp lên chớp xuống luôn luôn như nhìn rõ một người lạ mặt bắt đầu có mặt ở căn nhà này. Dung đi nhẹ. Thiên nện mạnh gót giày dắt xe ra, chàng háp miệng vào tận tai ông già:
- Cháu đi dạy hôm nay về muộn, bác Tư mang cơm sang thì ông ăn trước cho khỏi đói. Cháu về cháu ăn sau.
- Được - Ông già gật cái đầu mặt ngước lên như nhìn vào mặt đứa cháu, nhưng mắt ông chẳng nhìn ra một vật gì rõ cả, ông chỉ nhìn thấy một màng ánh sáng lờ mờ có hơi gợn một cái gì chập chờn, cái gì rất xa, rất mờ mịt. Dung và Thiên ra khỏi nhà, ông già ngồi giữa cái im lặng buồn tẻ ấy. Ở ngoài cũng có những tiếng động trung bình của một xóm lao động, nhưng không qua mang tai già cả, có lẽ tiếng bom đã đủ sức phá vỡ màng nhĩ, hay sô lệch cả cái bộ máy tinh vi mà trời đã cấu tạo kia. Mồi thuốc đã tàn, ông bỏ thuốc rồi ngồi ngậm tẩu không ông linh cảm thấy một cái gì đang bắt đầu ở căn nhà này. Đêm qua ông thấy đứa cháu đi lại rất khuya. Chỉ còn có nó, ông thấy thương hại đứa cháu đích tôn vất vả, mồ côi sớm phải vật lộn với đời sống. Giá như còn ở quê hương, không loạn lạc thì nó cũng có vợ con, và ông đã có chắt mà bế trên tay cho đỡ buồn. Khi đó ông sẽ nuôi một bộ râu thật dài cho lũ chắt nó vuốt, nó đùa. Chúng nó bây giờ vất vả ngoài sức ông nghĩ. Bằng tuổi Thiên đâu ông phải thế. Còn thằng Tước cũng đỡ buồn cho Thiên. Bây giờ chẳng ai có thể giúp đỡ thêm cho Thiên, ông già chỉ thấy làm Thiên bận rộn thêm, từ việc châm một mồi lửa, buông cái màn, chan thìa canh vào bát ông đều phải nhờ - lúc nào cũng nhẹ nhàng để làm ông vui, không bao giờ đi đâu sai bữa mà Thiên không dặn. Đi đâu bận thế nào Thiên cũng nhớ cái mồi lửa. Như thế là ông đã được đền đáp một cách hậu hĩ. Tự thấy mình vô dụng nhưng ông vẫn muốn sống, nhất nữa ông còn muốn sống lâu, sống để chứng kiến tương lai của một đứa cháu mà ông nghĩ: Trời Phật phù hộ cho nó được hạnh phúc - điều mà mãi lúc này ông vẫn chưa được biết nó ra làm sao.
Ông già hút chiếc tẩu không, giá còn thằng Tước thì đâu phải thế. Những lúc thèm thuốc ông chỉ việc cầm chiếc tẩu đập xuống mặt bàn là nó sẽ về châm lửa cho ông. Thôi thì chờ, hôm nay Thiên nó lại về chậm chút nữa bác Tư mang cơm sang cho sẽ nhờ một chút vậy. Ông già để chân xuống đất, ông thấy mặt đất bắt đầu rung nhẹ ông để gậm bàn chân không xuống tìm con đường sắt ông thấy rung mạnh hơn rồi ông nghe thấy tiếng còi ông nghe thấy nhỏ thôi, nhưng ông biết nó kêu lớn lắm, nên dù kêu ở tận ngoài mà ông còn đủ sức nghe tiếng, ông già lại lẩm bẩm:
- Lại đồ khốn rồi - tại mày đó, tại mày nên tao không còn cháu Tước, bây giờ lấy ai châm lửa cho tao hút một mồi thuốc đây, lại còn hú nữa à? Mày còn cãi tao nữa à? Tao nghe cái tiếng hung dữ độc địa của mày đủ rõ mày đã giết khối người rồi. Quân vô tri giác, rồi mày sống mãi được như vậy mà nghênh ngang à? Không sao? Đe dọa tao như thế cũng không ăn thua gì, tao còn ở đây, còn ở đây mãi cho đến bao giờ không còn thở được. Cứ yên tâm, mày sẽ nhắc nhở tao kêu nguyền cùng Trời Phật chứ. Sao không đứng lại, cút rồi à, cút thật à? Quân khốn, quân khốn - Cháu, cháu Tước à, có phải chính nó không? Nếu không thì cũng là anh em đồng bạn nó cả. Rồi người ta sẽ cột chân chúng nó gần lại có đi được ra ngoài đâu. Quân khốn bị người ta dẫn dắt như thế mà không nhục, lại còn ra giọng hống hách. Nó có hai con mắt sáng phải không, đồ sáng mát mà khốn kiếp - ông mù từ bao nhiêu năm nay cũng chưa bao giờ đè phải một loài giun dế. Thế mà nó... Thật đồ khốn, nó có một lỗ mũi thôi chứ gì. Ai cho nó hút thuốc bao giờ đâu. Nó hút than đó nên mùi hôi sì như mùi ống khói. Thật quân vô tri có khác... Nó chết thì ai thèm chôn, thèm khóc... Cháu ở lại một mình chắc buồn ông cũng còn vậy nữa cháu. Này giá cháu còn mà đấm lưng cho ông một cái thì hay quá... thôi vậy, để bao giờ anh Thiên cháu lấy vợ rồi có con...
Ông tìm đôi guốc rồi xuống đằng sau đi tiểu, đến nhà trong ông ngửi thấy một mủi thơm của nước hoa nào còn vương lại, ông tiến tới phía giường của Thiên và ngồi xuống đó, ông ngả người và dang tay sờ mặt chiếu - có một mảnh rách ở giữa và hai chiếc gối - ông thấy trí óc ngu đần và không nhớ gì, có phải chính ông đã cất chiếc gối của Tước đi? Ông nhẩm chắc thằng Thiên nó vừa hớt tóc và chiếc gối ông vẫn chưa cất, chứ ai vào đây mà ông chả biết vì có bao giờ Thiên giấu, cả đến hồi xưa có một người bạn nó đi buôn lậu bị bắt trốn tù ra mà nó còn dám nói nữa là.
Ông già đứng dậy cầm chiếc tẩu xuống tay mỉm cười một mình vì sự nghi ngờ khờ dại của mình, ông lẩm bẩm:
- Nó đời nào mà bậy bạ.
Ông lấy làm bằng lòng về ý nghĩ cuối cùng này.
Sau mấy tháng làm việc êm ả Thiên dự định sẽ dời nhà đi chỗ khác xa lánh những con tàu chạy qua, chàng không muốn ngỏ ý trước cho ông Thiên biết. Sau đó Thiên và Dung sẽ chính thức lấy nhau.
Buổi sớm mai chủ nhật Thiên thức dậy giữa một không khí nhẹ nhàng cơn mưa lúc gần sáng làm ông chàng chưa trở dậy. Thiên mở cửa sau đứng nhìn nền trời cao, chàng nhớ lời hẹn với Dung và hai người sẽ đi thăm mộ Tước.
Khi Thiên đang mặc quần áo thì tiếng ông chàng đã trở dậy, tiếng ho khan buồn bã đánh thức cả cái không khí yên ắng vây quanh. Thiên trở ra vắt màn, thu lại cái gối rồi bỏ, thuốc vào tẩu đưa tận tay cho ông và bật lửa châm.
- Hôm nay cháu đi thăm mộ em Tước, cháu đi.
- Cháu nghỉ ở nhà sao?
- Dạ hôm nay chủ nhật, hay là ông cùng đi?
Ông già hút hơi thứ hai, thở từ từ, đôi mắt nhắm lại một lúc lâu rồi mới trả lời.
- Thôi, ông đi làm gì... cháu đi, mua cho nó trăm vàng bó hoa nữa càng hay. Sau những trận mưa như thế phải đắp lại mả cho nó.
- Vâng...
Thiên bước ra khỏi nhà, khi tới Dung thì nàng đang làm việc ở bàn máy, Dung nhìn ra mỉm cười và nói trước:
- Em tưởng anh nhỡ hẹn chứ, chủ nhật chắc anh hay ngủ muộn phải không?
- Ít khi, sáng nay dậy sớm đấy, bận mấy việc vặt, đã hẹn thì thế nào anh chả đến. Nhất là ra nghĩa trang. Em bận lắm sao?
- Không bận lắm, đây là áo cho người bạn láng giềng vội để đi dự đám cưới người chị. Chờ em mười phút nữa thôi.
- Thế rồi ai sẽ may áo cho em?
- May lấy chứ phải nhờ ai - anh đừng vội lo.
- Cuối năm thì em sẽ nghĩ sao? Anh định thế đấy.
Dung yên lặng nhìn xuống đường máy cuối cùng nàng tự nhiên thấy sung sướng một cách nhẹ nhàng. Cho tới mãi bây giờ nàng mới dám nghĩ đến tương lai có hai đứa. Từ ngày gặp nhau, nhìn vào mắt Thiên, lúc nào Dung cũng thấy sầu não lo lắng, một sự uất ức trầm lặng của bao mối lo âu khắc khổ vây lấy đời sống. Lúc gặp và yêu Thiên, trong thâm tâm Dung đã coi đó như một cuộc thách đố mà Dung muốn mang cả đời nàng đặt vào một ván bài chót ở đời mình. Dung chỉ thấy hình như có một mình Thiên là có thể san sẻ được với nàng những nỗi đau khổ dồn chứa. Chỉ có hai đứa mới đem lại cho nhau một đời sống, một tương lai. Đường máy hết từ lâu nhưng Dung quên đi mất, mải nghĩ làm cho Dung ngồi thừ ra rất lâu. Thiên ngạc nhiên lên tiếng:
- Kìa ngồi làm gì vậy?
Dung giật mình ngẩng lên cười với Thiên:
- Chết thật, em mải nghĩ đến ngày...
Dung ngừng lại, gập chiếc áo mới bỏ vào bao rồi lanh lẹ bảo Thiên.
- Chờ em chải đầu một chút.
- Thôi mau lên anh nhờ.
Dung nhí nhảnh làm theo lời Thiên, nàng có cảm tưởng trẻ lại đến mấy tuổi.
Thiên nhắc Dung mua vàng hương và hoa trước khi lên xe tới nghĩa trang. Hai người đi thăm mả của thầy Dung trước khi tới mả Tước, ngôi mả nhỏ cỏ xanh đã mọc. Thiên cắm hương lên đầu mộ rồi đứng im. Hai người đi vòng quanh dưới những vòm cây, bên những mồ mả.
- Tước mấy tuổi hở anh?
- Nó 12 rồi đấy.
- Chắc nó giống anh?
- Không nó giống mẹ anh. Còn anh thì chả giống ai cả. Nó mồ côi sớm hơn anh nên khổ hơn, rồi nó lại chết khổ hơn, đời sống của anh suốt từ trước đến bây giờ toàn là sự bất ngờ, những điều mà anh không bao giờ nghĩ được.
Anh chỉ cầu mong mỗi một điều cho tương lai: mạnh khỏe, có việc làm. Như vậy anh có thể trông nom ông nội, ở với em. Một đời sống có tương lai ở giữa những người thân.
- Em cũng chỉ mong thế.
Đi một vòng rồi hai người trở lại đốt vàng trước khi ra về, Thiên bảo Dung:
- Bây giờ anh đưa em đi ăn bánh cuốn nóng rồi về anh chơi. Hôm nay chủ nhật mà.
Khi về đến nhà, Dung đi vào trước nhìn thấy ông Thiên ngồi ở lòng ghế bành, Thiên bước mạnh vào, đến gần châm lửa rồi nói lớn:
- Cỏ mọc xanh rồi ông ạ.
Ông già thở lần khói đầu, đôi mắt chớp như khóc. Dung ngoảnh đi không dám nhìn vào đó nữa vì cảm động, ông già lại lẩm bẩm như nói một mình:
- Mau thật, mới hôm nào... Đồ khốn. Đồ khốn...
Những cố gắng cuối cùng không mang lại cho Thiên một chút gì và sự đe dọa tăng thêm, người bạn thân đã khuyên chàng lánh đi, công việc cấp dưỡng người ông cũng được người bạn nhận và an ủi: lánh đi ít lâu, không lâu đâu tôi tin thế. Phải giữ thân.
Những dự định êm đẹp bỗng một sớm một chiều như mọc cánh dài ra và bay đi mà Thiên không đủ sức để giữ lại được. Thiên thấy mình bất lực. Chàng có cảm tưởng như mình đã hoàn toàn bị khép vào một cánh cửa mà không cách nào cưỡng lại được. Chàng cảm thấy thương ông và yêu Dung, niềm thương yêu gần như vô vọng đối với chàng. Chỉ có niềm ước niệm nhỏ bé như thế Thiên cũng không đủ sức làm. Bây giờ Thiên đã đủ thì giờ suy nghĩ và bỏ đi, và nhất nữa chàng muốn nhìn thấy mình nhoi được lên khỏi một thực tế, khỏi những dây nhợ, chàng sẽ xa Dung, chàng thấy mình không đủ sức mang lại hạnh phúc cho Dung nên không dám nghĩ đến việc cưới Dung. Tinh yêu của Thiên đối với Dung càng tha thiết bao nhiêu thì càng cảm thấy bất lực bấy nhiêu. Phải để Dung tìm ra một đời sống hạnh phúc.
Buổi tối Dung sắp đi ngủ thì Thiên gõ cửa, Dung hơi ngạc nhiên, từ ngày Thiên mất chỗ dạy Dung chỉ biết cố gắng an ủi làm vui Thiên để chàng cố gắng. Dung thấy đau đớn, bây giờ những ý nghĩ ban đầu trở lại. Yêu Thiên, Dung đã mang tương lai mình ra đánh vào một ván bài lớn, sự thách đố chờ đợi từng giây phút, Dung mở cửa cho Thiên bước vào:
- Sao anh đi khuya vậy, làm gì cho hại sức, mấy tháng làm việc, bây giờ anh hãy coi như nghỉ dưỡng sức đấy chứ.
- Anh chán nghỉ rồi.
- Thôi anh ngồi xuống đây để em pha nước chanh cho anh uống.
Thiên yên lặng nghe theo, chàng thấy muốn ghi nhớ tất cả những cái gì dịu dàng, dễ yêu ở Dung trước khi đi rồi chàng sẽ có những kỷ niệm để nhớ và tự kể cho mình nghe. Nhìn Dung, Thiên thấy mình xa xôi như ở một thế giới khác cách với mà chàng không tới được. Ngồi lại căn nhà rất khuya Thiên mới đứng lên:
- Tương lai tan vỡ cả rồi phải không hở Dung?
- Anh chỉ được cái thế, dừng lo, rồi mai kia anh có việc, vả bây giờ em cũng có việc làm khác. Chẳng lẽ mãi thế này sao? Đừng nản em chỉ mong có thể.
- Anh chẳng đem lại gì cho em cả. Chỉ toàn sự lo âu, buồn chán. Anh bất lực. Anh thật đã dại dột để em yêu anh.
- Anh nói gì hay vậy?
- Anh nói thật mà Dung. Em nên bỏ anh - từ bỏ anh - và yêu một người khác. Anh chỉ muốn thấy em sống một đời sống hạnh phúc. Còn anh - quên anh đi...
Dung ôm lấy Thiên cho chàng thôi đừng nói nữa, nàng thổn thức rồi khóc thành tiếng. Thiên đau đớn cúi mặt vào mớ tóc rối của Dung. Dung nói nghẹn ngào:
- Anh còn yêu em không mà nói vậy.
- Sao không? Anh yêu em mãi.
- Vậy bây giờ anh phải nghe lời em, có nghe không đã. Yêu em thì phải nghe lời nhau chứ.
- Em bảo gì anh cũng nghe.
- Anh về ngủ đi, đừng nghĩ gì cả. Trưa mai lại em đi ăn cơm. Nhớ chưa?
- Nhớ.
Thiên thấy choáng váng, hình như mất hồn. Chàng cầm lấy tay Dung rất lâu rồi bỏ ra về, Dung đứng trong cánh cửa khép nhìn ra. Thiên tự nhiên giơ tay lên vẫy và nói ngập ngừng:
- Vĩnh biệt Dung!
Dung nghe tiếng nói như xa vắng hẳn đi và cảm thấy xao xuyến lạ lùng. Dung đứng lại nhìn bóng Thiên đi chập chờn trên vỉa hè, bóng khô gầy, ngã dài buồn nản. Dung nhìn cho đến khi khuất bóng Thiên mới đóng cửa trở vào.
Thiên trở về thu xếp đồ đạc, chàng nói với bác Tư hàng xóm về chuyện cơm nước, và mọi việc trông nom người ông thân yêu, chàng thấy thương ông bội phần, nhưng chàng thấy chưa tiện để mang ông đi theo.
Chàng về châm lửa cho ông chàng hút rồi chàng cầm lấy tẩu tự làm và hút một điếu cho ngây ngất. Chàng nói:
- Mai cháu phải đi xa mấy bữa, việc của trường xong mới về, chưa biết bao giờ, cháu đã nói với bác Tư trông nom ông ít lâu.
- Cháu lại đi?
- Không lâu.
- Chán quá sao không làm cách nào mà ở lại?
- Việc làm ăn không đừng được, vì người ta nhờ, và chỉ ít bữa thôi.
- Ừ đi thì đi, nhưng mau mà về. Đừng lo gì cho ông cả, đã có bác Tư.
Thiên đỡ ông già sang giường rồi vào nhà ngủ ông già thấy thương cháu bội phần, nhưng ông thấy yên tâm khi Thiên bảo chỉ đi ít ngày. Ông biết chả nỡ nào Thiên lại bỏ ông lại, chắc đó là việc không thể đừng được vậy thôi. Sáng sau Thiên trở dậy châm cho ông một điếu thuốc nữa rồi mới ra bến xe. Ông già ngồi lắng nghe tiếng giày kêu mơ hồ rồi mất đi. Buổi trưa Dung chờ mãi đến hơn một giờ vẫn không thấy Thiên đến, quá bận hàng nên Dung phải ăn cơm và tự cho là Thiên bận chắc tối thế nào cũng tới. Nhưng mãi tới khuya nằm nghe tiếng gõ cửa cũng không có. Dung lo lắng dần lên, bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu não. Nàng nhớ lại những điều Thiên mới nói tối hôm trước, nhất là giọng nói run run, yếu ớt khi nhắc lại hai chữ vĩnh biệt.
- Hay là Thiên đi đâu rồi?
Câu hỏi chợt đến làm Dung xao động, nàng ngồi dậy và chong đèn thức suốt đêm không sao nhắm mắt được. Sớm tinh mơ Dung đẩy nhẹ cánh cửa bước vào. Ông già chưa thức dậy, nàng nhẹ gót vào nhà trong. Nàng suýt kêu thành tiếng khi trông thấy giường không, đồ đạc không còn. Dung biết là Thiên đã đi.
- Vĩnh biệt Dung.
Dung nghe như tiếng đó vừa mới cất lên. Nàng trở ra ngồi vào chiếc ghế bành. Thân thể mệt mỏi vì một đêm thức trắng, Dung thấy đau đớn như không thể khóc được nữa. Thế là hết, bao nhiêu tương lai vẽ ra êm đềm bây giờ Dung mới biết rõ. Thiên đi vì không muốn Dung cũng vất vả như chàng, Dung ngồi tựa má xuống thành ghế lên cái dựa nghĩ miên man rồi thiếp đi.
Ông già trở dậy sang ghế ngồi, ông già sờ lên dựa tay và gặp phải tay Dung nóng ran thì vội rụt lại, Dung giật mình mở mắt đứng dậy:
- Ai ngồi đây vậy?
- Cháu, cháu là bạn của anh Thiên. Anh Thiên đi đâu hở cụ, đi bao giờ, sao anh ấy không nói cho cháu biết, anh ấy tệ quá.
- Ai vậy? Quen ai ở đây?
Ông già chỉ nghe thấy tiếng của mình hỏi, Dung nói nhỏ làm ông không nghe thấy gì, Dung sực nhớ ra điều đó nên vội nói rất lớn.
- Cháu, cháu là bạn của anh Thiên. Cháu đến trông nom cụ. Anh Thiên nhờ cháu như vậy.
- À, tôi nghễnh ngãng không rõ, sao tôi không nghe nó nói gì về bạn nó. Sao cô biết nhà?
- Cháu đã vào đây mấy lần.
- Đã vào mấy lần...
Dung chợt nhớ ra sự có mặt của nàng từ bao lâu nay đối với ông già là không có gì. Ông già ngạc nhiên nghe thấy tiếng một người con gái cố háp vào tận lỗ tai nói cho ông nghe, ông lấy làm bằng lòng.
Dung trấn tĩnh cầm cái tẩu thuốc rồi đưa vào tận tay cho ông già. Ông già lấy ngón tay trỏ bặp mồi thuốc trong lỗ rồi đưa lên miệng.
Dung trấn tĩnh cầm hộp diêm ngồi xuống ghế rồi nàng mới đánh diêm cho ông già hút thuốc. Ông già hơi ngạc nhiên, nhưng ông tự nghĩ:
- Bạn thằng Thiên có khác, giống như đúc - Rồi ông cất thành tiếng, tiếng ông nói lớn nghe ồm ồm nhưng đầy thân mật.
- Nó đi vài ngày rồi về, lúc nào nó cũng lo cho tôi cả. Cô ở đây cho tới khi nó về chứ?
- Vâng.
Dung chảy nước mắt ròng ròng trên gò má, nàng thấy mình có một bổn phận nặng nề đó là sự có mặt ở đây. Rồi thế nào Thiên cũng phải về nàng có bổn phận phải tìm Thiên về. Nàng thấy rõ cả đời nàng sẽ là một cuộc thách đố mà nàng không nản chí.
Chuyến xe lửa chạy qua hét còi lớn, ông già bỏ tẩu thuốc xuống bàn rồi nói lảm nhảm một mình.
- Lại đồ khốn, đồ khốn. Cháu tao nó đi vài ngày rồi về, chả phải nó sợ mày đâu... Rồi coi mày, ai mà thương đồ vô tri giác, độc thân mãn kiếp. Rồi coi có sống mãi mà hét mà la không... độc ác, đồ khốn, Trời Phật rồi cho mày chảy ra như nước không lâu đâu.
Dung đứng lặng đưa hai tay bưng lấy mặt.
9-1960
HẾT

Xem Tiếp: ----