Nước mắt

     hị ngừng lại không nói, chuyến xe lửa từ Trung vào đang thét còi đi qua phía cầu, tiếng rung động của bánh sắt ran lên khô khan nhức nhối dần dần trôi xa lãng đãng. Nhị ngả người vào thành ghế, Lưu nhồi thuốc vào tẩu mồi lửa. Trương đứng dậy đi về phía cửa sổ nhìn ra con rạch và khu ruộng muống. Đêm đen sâu khỏa kín, con nước ròng rút hết phơi hai sườn rạch cao lên giữ lấy dòng nước con nhỏ uốn éo như một con rắn hổ đất, khu nhà sàn phía bên kia đứng lơ lửng trên những chiếc cột đen, những ánh đèn thấp thoáng và vài tiếng động khô khan từ phía xưởng cưa máy, chừng như tiếng những thanh gỗ được sắp xếp. Một chiếc ghe nhỏ có một người đàn ông đang bơi ngược dòng về phía chiếc cầu xi-măng, tiếng Nhị buồn bã:
- Có những sự tình cờ mà người ta không thể ngờ được. Có những chuyện người ta không thể quyết định và buông trôi cho ra sao thì ra, và lúc đó người ta nhìn nhau nói một cách ôn tồn: Có số cả.
- Thế chuyện đó bây giờ cậu tính sao?
- Tính sao? Cậu bảo mình tính sao?
- Còn Trương?
Chiếc ghe đã ra khỏi bóng tối của chiếc cầu và đang khuất dần vào bóng tối phía xa. Không khí lặng lờ trôi chung quanh những ý nghĩ giấu kín của ba người đàn ông. Trương để hai tay vịn lên cửa sổ.
- Mình mong rằng cậu nên suy nghĩ kỹ vì là chuyện của cả một đời cậu, nó là hạnh phúc hay là bất hạnh. Tôi nhớ cậu đã nhắc đi nhắc lại với tôi: người ta sinh ra để sống chứ không phải để dự định cuộc sống, tôi bảo: chưa phải hẳn, có những điều người ta phải dự định, tình cờ không nhất thiết tốt đẹp.
Lưu trở vào bàn cầm lây bao thuốc rồi nói với Trương:
- Tôi phải về đây. Tiện chiều nay cậu ghé lại trường gặp mình.
Trương đứng lên theo:
- Tôi cũng phải về.
Hai người cùng đi ra. Nhị nói:
- Tối mai tôi sẽ lại cậu.
Nhị khêu nhỏ ngọn đèn, buông người xuống ghế, gác hai chân lên bàn. Không khí yên lặng bưng bít. Tiếng Hà khóc thút thít trong đầu tỏa ra bốn bề bóng tối: “Anh có tha thứ cho em không?”. Nhị lặng người đi không biết nói sao.
Chuyến xe lửa mang chàng đi qua trên đường sắt hơn một ngày trời đã dừng lại giữa ánh sáng của sân ga. Trương đứng trong hành lang nhướn mắt nhìn ra chuyến tàu đang từ từ trườn nốt quãng cuối cùng rồi dừng lại. Nhị xách va-li bước xuống ôm lấy vai người bạn cũ. Trương cười vồn vã quay lại phía cô gái đứng bên nói: “Đó, anh Nhị đó em”. Nhị sững người ngạc nhiên: “Hà đó sao?”. Hà cười chúm chím và cúi đầu chào. “Trời, sao cô ấy chóng lớn thế, mới ngày nào còn bé tí”. Chàng yêu Hà từ ngay lúc gặp gỡ, Hà đã hồn nhiên đưa bàn tay cho Nhị lồng những chiếc vòng đồng vào cổ tay thon nhỏ: “Quà của xứ Mọi đó”. Thời gian đã trôi đã trôi, thời gian lờ lững như một bà già kém mắt lần chiếc gậy bên lề phố. Một người đàn ông thứ hai xuất hiện vào đúng ngày ăn sinh nhật năm 20 tuổi của Hà.
Hắn đứng dậy bắt tay Nhị và tự giới thiệu: “Tôi là Luân, anh là anh Nhị nếu tôi không nhầm” - “Vâng”. Bàn tay Luân chắc nịch ấm áp, khuôn mặt hơi vuông, chiếc cằm đầy vẻ cương quyết và đôi mắt lớn, đen lanh lợi. “Tôi có nghe Hà nói về anh”. Nhị lặng người bàng hoàng. Quanh chiếc bàn dài những người bạn của Hà và bạn của Trương đã đủ mặt. Nhị đứng ở đầu bàn phía ngoài nói: “Lê văn Nhị kính chào quý vị”. - Những tiếng cười ồ vang lên. Lưu hỏi lớn: “Sao muộn mằn thế?” - Nhị vỗ vai Trương nói: “Tôi bao giờ cũng đến từ đầu, nhưng cứ khi nào vào cuộc thì tôi lại muộn mằn. Nhưng có lẽ cũng chưa muộn”. Hà lộng lẫy duyên dáng đứng yên và Luân chăm chú nhìn nàng rồi mỉm cười. Trên cổ tay thon nhỏ của Hà chiếc vòng đồng đã tuột đi. Trong bữa ăn Nhị nói với Trương về việc thất bại của chàng. Trương nói: “Tôi biết từ đầu cậu sẽ thất bại vì: làm với ai, làm thế nào. Việc trước nhất là người. Chúng ta không có người muốn làm”. Trương hỏi: “Bây giờ cậu định sao?” - “Tôi đi xa ít lâu”. Trương nhìn thẳng vào mắt Nhị: “Có chuyện gì vậy, tôi không tin” - “Không tin?”. Nhị lúng túng nhìn về phía Hà. “Vậy cậu còn bảo chuyện gì nữa” - “Tôi biết”. Trương nhìn sững một lúc lâu. Nhị đứng dậy và nói lớn cho cả bàn tiệc nghe. “Tôi mong năm nay cô Hà sẽ cho chúng mình ăn một bữa tiệc lớn hơn thế này nhiều, và mong rằng tôi không bị bỏ quên”. Hà ngồi cúi mặt. Nhị kéo Trương đứng lùi ra phía cửa và nói: “Mai tôi đi sớm, tôi đã thu xếp và nói chuyện với hai bác rồi. Tôi phải nói một câu khách sáo với cậu, đó là một câu khách sáo thành thực: tôi không có gì để cám ơn cậu, tôi đã nhờ cậu quá nhiều, nhưng tôi đã không có một chút may mắn nào cả. Cậu hiểu cho tôi sự khổ tâm này, nhưng lúc nào tôi cũng vẫn nghĩ tôi là em của cậu. Cậu nói với Hà cho mình: mình chúc Hà được hạnh phúc, mình mong mỏi như thế...” Tiếng Lưu nói: “Cậu định chạy hay sao đây Nhị”. Nhị bỏ dở câu nói trở vào bàn: “Xin lỗi các chị và các anh, tôi có chút việc bận, phải về trước”. Sau khi bắt tay từ giã mọi người, Nhị nói nhỏ cho Hà đủ nghe ở bậc cửa: “Mai anh đi, chúc Hà may mắn”. Hà lặng yên.
Nhị đi vì chàng nghĩ đã thất bại. Khuôn mặt của lão hiệu trưởng lại hiện ra với vẻ bỉ ổi, nham nhở và lòng dạ con buôn của lão; lão mở trường học mà từ căn bản không nghĩ đến việc giáo dục mà chỉ nghĩ đến việc kinh doanh. Gã dung túng học sinh, mua lòng học sinh bằng những lối hạ cấp, kỷ luật không được áp dụng, không bằng lòng cho giáo sư nghiêm khắc trong lúc giảng dạy khiến cho lớp học trở thành một chỗ ngồi chơi, nói bậy, suồng sã. Nhị đã phản đối lại. Chàng đề nghị đuổi một số học sinh, nhưng lão hiệu trưởng đã nói thẳng vào mặt Nhị: “Ông đuổi chúng đi thì ai trả lương cho ông, chúng nó không học thiệt thân chúng nó chứ thiệt thân gì ông hay tôi, hãy gác bỏ lương tâm sang một bên. Chỉ có tiền, tiền là việc quan trọng. Học sinh họ đã yêu cầu tôi đổi người khác thay ông, nhưng tôi nghĩ ông sẽ hiểu chuyện này và vẫn chờ có thể tiếp tục được, làm vui họ đâu phải chuyện khó, vả tôi cho ông mới vào đời nên chưa quen vậy thôi, ông phải biết có nhiều người đang đợi để thay ông”. Nhị tức nghẹn lên tận cổ không cần suy nghĩ chàng nói ngay: “Thà tôi không có việc làm hơn là tôi phải làm công việc đốn mạt đó. Tôi trả giờ dạy lại cho ông”. Nhị thất nghiệp trở lại. Trương buồn bã nói: “Sao cậu lại anh hùng rơm như vậy. Người ta làm như vậy cả chứ riêng gì mình. Còn nhiều chuyện bẩn bằng vạn nữa. Cậu thế thì cậu chết đói”. - “Cậu mà cũng còn nói với mình như thế được sao? Mình không thể làm khác được sao. Mình cũng như cậu còn trẻ, còn chút trong sạch tối thiểu mà cũng không giữ được thì còn nói ai nữa. Tôi sẽ làm cho cậu coi”. Sau đó chàng cùng với mấy người bạn hùn sức mở trường nhưng cuối cùng đã thất bại. Nhị thu mình trở lại một góc tối trong cuộc sống. Hà phóng mình lên những cao vọng chung quanh. Hà đã hỏi Nhị: “Anh định làm gì cho tương lai em?” - “Anh không biết phải làm gì ngoài tấm tình yêu của anh. Anh không muốn làm gì. Anh không muốn làm gì hết”. Luân đến với Hà trong vẻ rạng rỡ những hứa hẹn. Luân sắp ra trường. Luân gặp Hà trong một buổi dạ hội và Nhị thấy mình trôi xa thêm cuộc sống. Chàng tự an ủi mình còn trẻ. Chàng vẫn tự cho rằng một cuộc sống lý tưởng vẫn có thể thực hiện được dù trong hoàn cảnh nào. Chàng làm cho cuộc sống bỏ dần quá khứ quẩn quanh trong cuộc đời thị dân tạm bợ những cạnh tranh, man trá mà vật chất chi phối. Chàng xếp hình ảnh Hà vào một góc kỷ niệm êm đềm. Chàng thương và yêu Hà hơn lên, chàng tự nghĩ là con gái ai cũng cần phải nhìn thấy cuộc sống của mình được bảo đảm, việc Hà lấy Luân là một lẽ tất nhiên không có gì đáng trách. Con đường vắng hút xa, Nhị đi chậm bên Hà:
- Tại sao em lánh mặt anh?
Hà đưa chiếc cặp sách ôm lên ngực lặng thinh một lúc lâu, không khí đằng đẵng nặng nề.
- Em không thể nói được sao? Như hồi nào anh đã nói với em. Anh chỉ mong sao cho em được hạnh phúc: Anh cưới em, hai đứa sẽ chung sống trong một căn nhà nhỏ. Sống nghèo một chút liệu em có chịu được không - Em đã bằng lòng như thế - Chắc em còn nhớ: không sao cả đâu, anh biết rồi em sẽ thay đổi, không sao cả, anh mong em sẽ sống hạnh phúc với Luân.
- Em không thể theo được cuộc sống của anh.
Nhị buông người vào một cơn nước xoáy, đang cuốn mình vào một cơn gió lốc. Thế nào là an phận? Thế nào là tầm thường? Nhị thấy chàng ra đi là hợp lý lắm. Dù chàng vẫn yêu Hà. Nhưng tại sao Nhị yêu Hà, tạo sao Nhị không yêu một người khác?
Lưu, khoác lấy vai Nhị và đi chậm lại, gió lạnh thổi cuốn từ cuối con đường dốc lên. Nhị hơi chếnh choáng hơi men nên rùng mình, dãy phố thưa của thị trấn đã im lìm hẳn xuống, hai dãy nhà mỏng ôm lấy quốc lộ mang hình ảnh đầy đủ của một thị trấn vừa được dựng lên, nó là quán nghỉ chân cho xe đò lưu thông giữa đồng bằng và cao nguyên, những chuyến xe dừng lại chốc lát rồi lại lên đường, vài chiếc quán dựng lên đó sinh hoạt theo với những đoàn người dừng lại uống một ly nước, ăn một đĩa cơm, sốc lại cổ áo thở ra nhẹ nhàng trong cuộc hành trình. Lưu đã dừng lại với Nhị. Lưu hỏi:
- Cậu còn yêu Hà nữa không?
- Anh cũng yêu Hà chứ riêng gì tôi.
- Nhưng cậu là người có nhiều may mắn, cậu còn trẻ, tôi già rồi.
- Ngay từ khi yêu Hà, tôi đã cảm thấy rằng tôi mất Hà, như tôi đã mất tất cả vậy, thôi năm nay anh lập gia đình đi, tôi cũng sẽ lập gia đình. Vợ có lẽ không phải là một người yêu...
- Có lẽ... tôi thấy đời sống tôi thật là một trò đùa, hơn là một trò đùa nữa. Năm mười bảy tuổi cùng với một đứa bạn bỏ nhà ra đi không nói nửa lời, bà mẹ nói một câu nhắn với một người quen: nó như bố nó, tôi biết nó sẽ đi, nó sẽ còn lưu lạc cho tới lúc nó không còn biết lưu lạc đi đâu nữa, lúc đó nó sẽ nhớ tôi, nó sẽ khóc với vợ nó. Tôi mong sao còn sống được tới khi đó... Mẹ tôi đã biết rõ tôi quá, nhưng khi nghe người ta nói lại câu đó tôi đã cười để lảng đi. Và tôi đã tiếp tục dấn thân vào cuộc phiêu lưu với lòng hăng hái của một thanh niên mất nước, lưu vong ngay trên quê hương, tự nghĩ không có nhà cửa, anh em... Tôi đi tìm anh em mong lấy lại quê hương giải phóng đất nước, lập lấy nhà cửa... nhớ lại những vụ bãi khóa, lại những việc làm mạo hiểm rồi tung mình vào cuộc tranh đấu giành độc lập... trước đó đâu như tôi sắp đặt để sang Tàu... Rồi ngày vinh quang đã đến, chúng ta đã thắng, đã đuổi được giặc, chúng ta đã được hét lớn như vỡ lồng ngực sau bao năm kìm hãm. Thật là một vinh dự, một vinh dự tột đỉnh...
Lưu bỏ vai Nhị và khoa chân múa tay, hò hét như đang sống lại những ngày hào hùng của tuổi trẻ. Gió từng cơn thốc lên như cơn gió của một âm vang lịch sử còn vọng lại. Nhị choáng váng nghiêng ngả trong cảm giác chờn vờn những giấc mơ không thành hay đã lỡ...
-... Chúng tôi với tấm lòng lửa bỏng góp lại với nhau, và chúng tôi tin tưởng tuyệt đối chúng tôi có một tương lai gần gũi, chúng tôi sẽ sống hạnh phúc, hạnh phúc được phác họa nằm kề một bên không có gì là viển vông nữa. Chúng tôi chỉ nghĩ đến tranh đấu, đến xây dựng cho cả một dân tộc, một thế hệ và chúng tôi quên hạnh phúc riêng tư, quên yêu...
Lưu loạng choạng và ôm chầm lấy Nhị. Lưu xúc động như sắp khóc. Nhị dìu Lưu đi nốt quãng đường ngắn vào nhà, Nhị lựa cho Lưu ngồi xuống ghế, men rượu đã ngấm vào người đàn ông bốn mươi ấy.
- Các cậu thế mà sướng, các cậu có thì giờ để chăm sóc đến hạnh phúc riêng tư của mình, để yêu đương mơ mộng. Tôi đã lỡ chạy theo bao nhiêu ảo ảnh, đã hiến thân cho một cơn cuồng nộ để rồi bây giờ trở về nhìn mình lãng đãng phiêu du như một vật thừa, như một tế bào chết. Thấy thì như vậy, nhưng cũng cùng đó tôi nghĩ mỗi thời có một vấn đề lớn cho con người của thời đó, kẻ nào sống ở thời nào phải tham dự vào những vấn đề đó mới là người, mới xứng đáng làm người. Vấn đề lớn của thế hệ tôi là: tham dự cuộc cách mạng và kháng chiến đánh xâm lăng. Tôi tự hào vì tôi tham dự biến động hào hùng và vinh quanh đó. Dù sau đó tôi thua nhẵn như kẻ vận đen trong canh bạc về sáng. Nhưng mà... Nhưng mà nói chi những điều ấy nhỉ... ô sao mình lại không nói đến cô Hà của cậu... Thế cậu không yêu cô ấy nữa sao? Hay là cô ây bỏ rơi cậu... Thế là thế nào... Có lẽ tôi không thể hiểu được các cậu.
Lưu gục xuống lòng ghế và im lặng như ngủ. Nhị ra hiên kiếm chậu nước và áp mặt vào đó cho tỉnh táo. Sương lạnh phả xuống những rừng cây. “Tôi không thể nào chịu được lối sống an phận và tầm thường của anh”. Hình ảnh Hà của sân ga hôm nào, và khuôn mặt, tiếng nói những ngày tiếp theo đó... Hà kém chàng mười năm, và như thế có thể coi như một lớp người mới, chỉ cách nhau mười năm mà bao nhiêu biến cố đã xảy ra. Hà không biết khói lửa, không biết chuyện quê hương, không nhìn, không cảm thấy được những lo âu chung quanh, những bất trắc dồn dập, những thiếu thốn khát khao, hoài vọng của tuổi Nhị, của một thanh niên là Nhị... đó là nguyên do của sự xa cách chăng? Có phải Nhị yêu Hà là để được sống như Hà, để thấy không có gì phải lo âu, băn khoăn thắc mắc? Nhị đã nhầm. Nhị là Nhị với những sự thật trong lòng chàng.
Lưu đã quên hạnh phúc, quên yêu... để sống. Nhưng có lẽ Nhị lại muốn quên sống để yêu, để nghĩ đến hạnh phúc vì sau đó, nhưng quên sống không được, nghĩ đến hạnh phúc không được... một vòng lưới bủa ra rối bời lo âu lớn lao khắc khoải của hoàn cảnh... và Nhị co rúm lại như một con bệnh. Nhị nhủ thầm: không được, không thể lựa chọn như thế này được phải làm khác...
Nhị trở ra ngoài sân rộng nhìn lên trời tìm sao để định hướng. Đây là phía quê, đây là đồng bằng: phía có Hà. Nhưng núi rừng bít bùng bốn phía một màu đen sẫm. Nhị bất giác nghĩ đến mẹ đến các em. Nếu bây giờ được về sống trong căn nhà đó, được vui đùa với em. Hoặc bây giờ được nhìn thấy Hà ngồi học phía trong cửa sổ... Nhị muốn khóc.
Trở vào nhà chàng nhìn Lưu ngủ, chàng nhẹ nhàng khoác chiếc áo lên ngực Lưu và chàng ái ngại cho Lưu. Có phải Nhị đang tiếp tục cuộc sống cho Lưu không?
Sáng hôm sau khi thức dậy mặt trời đã lên cao, Lưu đang thơ thẩn ngoài vườn. Lưu thấy Nhị đã dậy thì gọi lớn:
- Ra đây, nói cái này hay lắm.
Nhị bước ra ngoài hỏi:
- Cái gì vậy?
- Ở phía dưới này có thể cất được một căn nhà tuyệt đẹp, rồi có một cô vợ nữa... Tối qua mình say phải không?
- Sơ sơ thôi, lâu lâu say một lần như vậy cũng hay, khi say anh đẹp hẳn ra.
- Cậu lại nịnh an ủi tôi rồi.
- Thật đó chớ. Anh nói nhiều điều hay quá... nhưng bây giờ tôi quên gần hết rồi.
- Thật phúc là người ta còn có thể ngủ, còn có thể quên được nhỉ, nếu không chắc sẽ thành một lũ điên cả.
Lưu ở lại thêm hai ngày rồi trở về, ba tháng sau Nhị được tin báo: Lưu lập gia đình. Lưu vừa gặp Nhị đã kêu lớn:
- Tôi chờ cậu quá, vào đây để tôi giới thiệu với nhà tôi và các cháu.
Chị Lưu là một người đã đứng tuổi, chị đã có một đời chồng và hai đứa con, một đứa trai bảy tuổi, đứa gái năm tuổi, Lưu nói:
- Tôi tự thấy mình đã có hạnh phúc.
Chàng cầm chặt lấy tay Lưu, Nhị cảm thấy cùng một lúc những ý tưởng đối nghịch nhau xuất hiện. Hơn hai mươi năm trôi nổi, những náo động hùng vĩ và bi đát. Bây giờ là một người vợ và hai đứa nhỏ. Cùng với những ảo ảnh rực rỡ trong trí nhớ. Giữa khi đứng lại trong khoảng bao la rạng rỡ, chói lòa sự hùng vĩ Nhị lại như một kẻ quáng mắt, và muốn tìm kiếm một góc tối ẩn thân lựa chiều mở đôi mắt ngắm nhìn, và khi ở trong bóng tối nặng nề thì Nhị lại mong được thoát ra tìm một chút ánh sáng. Trong những lúc rộn ràng giữa cuộc sống chàng thấy chỉ có những gì nhỏ bé vây quanh như công việc làm, vợ, con... là cần thiết... nhưng rồi cùng đó chàng lại thấy không cần thiết xem những điều đó chẳng phải là lẽ sống của chàng, một lẽ sống cao rộng bao hàm toàn thể cuộc sống như một sứ mệnh thiêng liêng mà khi sinh ra con người đã nhận lãnh. Lui vào một cuộc sống yên lặng, xa rời những sinh hoạt vây bủa gần gũi với thiên nhiên nuôi dưỡng cuộc sống nội tâm đã mang lại cho Nhị nhiều thay đổi. Cẩn thận nhẹ nhàng chiết một cành cam, sục tay vào đất đỏ ươm một hạt giống, tưới một gáo nước vào hàng dậu, mỗi sáng đứng trong sân rộng nhìn qua sườn đồi xuống thung lũng ngó những làn sương tan dần trong ánh nắng ngát của ban mai, Nhị thấy con người có quá nhiều hạnh phúc... Hay mỗi tối đứng trong căn nhà thấp trước những nhân công thất học, đám trẻ nhỏ hồn nhiên chàng nhận ra giá trị lớn lao của nhiều công việc tưởng chừng như nhỏ bé. Lúc đó chàng nhớ mẹ, em, yêu mến Hà, nhớ Trương, Lưu trong tình cảnh bao la êm mát, bao dung. Nhị giữ chặt lấy tay Lưu như mong mỏi những đầm ấm trong tâm hồn mình truyền cho người bạn lớn tuổi:
- Tiếc qua nếu đồn điền đó của tôi, tôi sẽ để anh làm một căn nhà rồi mang chị và các cháu lên đó.
Hôm đó Nhị ở lại ăn một bữa cơm thường với gia đình Lưu.

*

Những biến cố chung quanh vồ vập kéo đến. Nhị lại đối diện với những sự việc thúc bách, những điều phải nghĩ và phải lo. Bao nhiêu băn khoăn kéo đến với những bộ mặt không tên chồng chất đảo lộn, những mâu thuẫn đối nghịch. Có thực chàng là một người tầm thường và an phận không? Nhị lại du mình phiêu lãng vào những mung lung mù mịt. Những giá trị nào? Những sự thật nào? Công việc nào trước nhất, lý tưởng cao xa và thực tế bình thường? Những cao cả bay vút và những thấp hèn nhem nhuốc? Cơn lốc nội tâm xoáy lên trong bầu trời ám khói.
Chiếc xe buổi sớm mai thét còi chạy qua, Nhị thức dậy vào lúc đó, chàng nằm im ngó đình màn nghe những tiếng động vây quanh. Tin tức chiến sự kéo dài, đường xe lửa bị giật mìn liên tiếp... người ta tiên đoán những ổn định với nhiều năm còn kéo dài. Đến bao giờ? Bao nhiêu ý nghĩ lại đổ dồn vào đầu óc Nhị và chàng có cảm tưởng sắp chết đi.
Hà gõ cửa và bước vào. Nhị tung màn ngồi dậy đi ra ngoài bao lơn:
- Em chờ anh chút nghe, em đến sớm có việc gì vậy?
- Không, muốn ghé thăm anh.
Nhị múc nước rửa mặt, trở vào thay quần áo rồi trở ra bàn, Hà ngồi ở chiếc ghế dựa hỏi:
- Sao anh về đây mà không lại đằng nhà chơi?
Nhị lặng im thu xếp một vài thứ lặt vặt rồi hỏi:
- Anh mời em đi ăn sáng nghe.
Chàng tới bên tấm lịch bóc một tờ và kêu lên ngạc nhiên:
- A hôm nay chủ nhật.
- Anh vẫn không thay đổi gì.
Hà nói và đứng lên. Hai người đi ngược ra con đường tắt. Trở về đã ba tháng, Nhị lánh mặt không lại nhà Hà. Trương không hề hỏi chàng một điều nào. Có lẽ Trương nghĩ Nhị không muốn nhắc lại chuyện cũ, đó là mối tình của Nhị và Hà. Lưu còn nói: “Xưa Hà yêu cậu một thì bây giờ Hà yêu cậu mười, bởi vì cậu có một vẻ đẹp chín, Hà nói với mình vậy đó nhưng cũng vì thế Hà thấy cậu xa cách Hà nhiều vì yêu cậu khổ quá, nhọc nhằn quá. Tôi chắc cậu vẫn còn yêu Hà, cậu là một thứ bền chặt rất đáng ghét”.
Bây giờ thì Hà đang đi bên cạnh chàng ngoan ngoãn như một con chiên ngoan đạo.
- Sao anh về đây mà không lại đằng nhà chơi?
Hà nhắc lại câu nói mà Nhị chưa trả lời. Nhị tìm điếu thuốc châm hút.
Hai người vào một chiếc quán vắng. Nhị uống một ly cà phê sữa, Hà uống một ly sữa nóng. Nhị lại lan man vào những ý nghĩ đâu đâu. Cha chú chàng đã sống trong nô lệ nhưng có thái bình, cuộc sống bình thường yên ổn. Thế hệ của Nhị khác hẳn. Lứa tuổi của chàng đứng trước những vấn đề khúc mắc lớn lao, không thể sống để mà nghĩ ngợi. Nhị để tay lên bàn tay của Hà và nói:
- Anh vẫn yêu em như độ nào, nhưng anh không thể làm khác được những điều anh phải làm.
Và Hà đã khóc.
1963