Vết xám

     m hãy quyết định nếu em thấy quyết định đó mang em tới gần hạnh phúc, anh nghi ngờ anh, có lẽ anh là một người sống không dám nhận trách nhiệm.
Tôi dẫn Lê vượt qua quãng đường vắng, hai bên đường những mái nhà thấp ẩn phía sau những hàng cây so le. Chừng như Lê đang khóc. Lê không nói cắm cúi đi, mái tóc dài Lê đã cắt ngắn, thấp thoáng ánh đèn từ những cửa mở chiếu ra từng vệt cắt ngang con đường tối. Con đường chúng tôi đã đi qua bao nhiêu lần trong suốt thời gian sáu năm nay, con đường âm thầm niềm an ủi và những dự định không thành như mộng tưởng và tôi muốn phá vỡ. Khuôn mặt tôi là một địa ngục. Đôi mắt sâu lớn, ngọn đèn một thế giới vô tăm những quằn quại muốn thét lên. Em hãy khóc.
- Anh bảo em phải làm thế nào?
- Em hãy lấy Linh. Em phải được thấy hạnh phúc, sống với một người chồng. Linh yêu em, và em hiểu, anh quý mến Linh.
- Anh muốn làm anh hùng. Nếu em không làm thế, nếu em muốn anh cưới em?
- Không được, em không nên lấy anh. Anh chả là gì...
- Em biết anh không yêu em, anh yêu một người khác, anh muốn em nói tên người ấy ra không?
Lê đứng lại, tôi ngó qua trên đầu nàng phía xa ngọn đèn đỏ trên một cột sắt chói lên và toàn thân Lê khuất tối, tôi đưa tay cầm lấy tay Lê và bước đi. Con sư tử đang chồm lên muốn vượt khỏi khu rừng. Cùng một lúc trong dĩ vãng khuôn mặt tôi trôi qua trên chuyến xe lửa trở về nhìn thấy Lê trong một Hà Nội thơ ấu, Lê nhỏ chưa với tay lên khỏi mặt bàn viết của Thư, những ngày Lê học trường Thanh Quan ở Hàng Cót áo trắng dài, chơi giải gianh, con đường Sinh Từ, Hàng Da và khu chợ lộ thiên có ông chú tôi bán dừa, ông cậu tôi bán phở gánh ngâm bài tiễn chân anh khóa. Bấy giờ Lê tóc kẹp mặc áo đen lui cui trong căn nhà vách ván lửng ngó ra bái sình là bãi rác, ở đó mỗi đêm nằm ngủ trên sàn gác đứng lên đụng mái tôn, mỗi sáng thức dậy với tay lên lần tôn ướt sương tôi viết tên một loài chim hiếm với bàn tay lần tìm cuộn tóc bỏ thõng trong bóng tối bít bùng. Anh không muốn làm người tình đầu, anh muốn làm người tình cuối cùng, nhưng anh là kẻ thất bại.
- Sao anh không trả lời?
Tiếng Lê rớt xuống, một hòn đá xanh liệng trên mặt ao ký ức im vắng gợi lên những vòng dư ba lãng đãng với những ước vọng, trả lời gì, nói gì, mong gì. Tại sao con không viết thư về cho ba? Con sống thế nào? Tại sao em không về thăm anh chị? Em sống thế nào? Tại sao anh không về thăm em? Anh quên em rồi sao? Cậu lang bang quá chẳng biết chi tới bạn bè? Khá rồi hẳn? Tôi đã im lặng tỏ bày điều ân hận, xót xa hay mỉm cười làm dấu chịu lỗi. Hơn hai chục năm im lặng, miệng không còn để nói, tay chân không còn để cử động và trí óc không còn muốn ghi nhớ. Sao anh không trả lời. Mũi tên đen chưa tẩm thuốc độc từ một chiếc cung ẩn trong khu rừng tình ái bắn lên vòm trời xanh đã ngả đen trong tâm tưởng cuống quít, dò dẫm rồi rớt xuống thảng thốt bứt rứt không còn đủ sức cho tôi thét lên thành lời, tiếng nói tan biến mất hút.
- Anh hãy dẫn em đi, bất cứ đâu em có thể chịu cực khổ. Anh chịu được không?
Tôi nắm chặt lấy tay Lê. Khuôn mặt anh là một địa ngục. Trời có mắt để nhìn, có tai để nghe nhưng trời không có chân để đi, tay để cử động, miệng để ra lệnh. Trời là một thằng bị khổ sai chung thân, một thằng tù hạnh phúc nếu được giam vào một hầm kín để chết. Trời là thằng tù khốn nạn bị treo lên không trung để thấy mình không được chết. Anh là một địa ngục bị treo lên giữa một vùng những đất cấm không tìm ra một nhà tù. Thằng khốn nạn đang ngậm miệng thu dao sau lưng. Anh dẫn em đi đâu, ở đây chưa khổ sao?
- Anh sợ gì?
Tôi buông tay Lê. Khối chì nát nhẽo như đất bùn muốn chảy ra thành bọt trôi loang trên dòng sông nước đen. Hãy khóc đi em. Khóc cho anh. Thằng khốn nạn đang muốn đưa tay lên cổ anh, lưỡi dao đang tì sau gáy với kim khí tê lạnh thúc bách.
- Dù sao anh vẫn là người em yêu.
Bây giờ Lê vượt lên cao làm con gái không mặc áo dài, cất tiếng hát, đôi mắt cười với hàng mi kẻ đen đậm sắc. Trong không khí ồn ào của những điệu vỗ theo nhịp trống tiếng kèn xoáy buốt quay cuồng và thân thể một loài rắn ngang bướng uốn lên quyến rũ vồ vập những giấu diếm từ bao lâu chìm đi, dấn bước vào một phiêu lưu chói đỏ trong thực tế đen.
Con đường tối đã qua khỏi, ngọn đèn đỏ trên đầu đã khuất sau hàng cây, một ngọn đèn vàng chiếu sáng trước mặt đầy bóng tối lại phía sau:
- Anh sẽ làm gì?
Tôi đi nhanh lên cùng Lê.
- Anh đưa em về nghe, giờ này anh Thư đã về chưa?
Bước qua ngưỡng cửa tôi nhìn thấy Thư và Linh cùng một lúc, Linh cười, Thư hỏi:
- Ngủ lại đây chứ?
- Không.
- Nhà tù mới làm thêm mấy lần cửa nữa.
- Vô tận, và thằng tù sắp đội nhà tù đi tới nơi
Khác. Tủ tu tu, quan viên giấy, đố thằng tù biết mấy trăm quân.
- Một.
- Nhất định chưa?
- Rồi.
- Bây giờ anh ấy khó lắm, thôi kệ anh ấy về, còn... Bây giờ anh ấy khó lắm... anh về để khóc đấy, mà có được đâu. Hãy ngó lên, nhưng ngó lên mỏi cổ chưa nhìn thấy gì.
Khi anh ngồi viết thư này cho em thì buổi sáng đang bắt đầu lặng lẽ trở xuống thị trấn êm đềm vẻ quạnh hiu. Không hiểu lúc này em đang làm gì, em ở đâu và có nghĩ là anh đang ngồi viết thư cho em không, bây giờ anh đang cần có một người ngồi trước mặt mình, ở bên kia chiếc bàn nhỏ này, nhưng không, bên kia chiếc bàn nhỏ màu nâu chỉ là vách tường nhòa bẩn và cuốn lịch bỏ quên một tuần lễ nay chưa kịp bóc đi. Trên căn gác xép ngó ra phía sau những mái ngói màu nâu cũ kỹ, với những ngọn dừa xanh cao, phía bên trái có một căn gác với giàn nho trên gác thượng mà nửa tháng trời nay anh mong nhìn một cô con gái nào đó trở ra nhìn trời, hay hé cánh cửa sổ, nhưng đã chẳng có ai. Tiếng sóng biển vẫn dội dư vang ì ầm mông mênh vào trí não. Trước mặt anh không có ai nên anh ngồi tâm sự với em. Anh chỉ muốn nói một giọng nhẹ nhàng vừa đủ nghe như lời những cặp tình nhân tâm sự, anh chỉ nói những ngôn ngữ hạn chế để anh khỏi xúc động cho đến nỗi chảy nước mắt.
Anh vừa ở nhà ga trở về đây, con đường thị trấn còn vang bước chân anh lặng lẽ. Lê bây giờ đang làm bạn với con đường sắt để trở lại. Chuyến tàu tám toa màu đen buồn, chiếc đầu máy có ống khói than nặng nề mệt nhọc. Sáng nay trời lạnh trên đường trở ra anh đã lặng yên đi bên Lê, cả hai không muốn nói để giữ thời gian vừa đủ cho hai đứa thấm thía cảm thấy nỗi buồn vừa chợt rơi xuống. “Hôm nào anh trở vào trong ấy?” - “Có lẽ anh ở lại đây” - “Sao vậy?” - “Anh thấy không muốn trở vào nữa” - “Anh giận em rồi sao?” - “Không, anh tự buồn cho anh thì có”. Chuyến tàu suốt từ Huế đã trở vào đến sân ga. Anh cầm tay Lê lạnh giá nói qua hơi lạnh sớm mai: “Mong em trở vào bình yên”. Hơi nước trắng trên đầu tàu xịt ra mù mịt. Anh dẫn Lê lên tìm chỗ ngồi, hành khách còn ngái ngủ uể oải trên ghế, người nằm, kẻ ngồi, mùi hôi hám ẩm ướt ngột ngạt. Trên ghế Lê lại hỏi: “Bao giờ anh trở vào?” Anh đã yên, chuyến tàu đang hú còi, anh vội trở xuống và đứng dưới sân ga anh nói nhỏ cho Lê nghe: “Anh đã chết rồi”.
Bây giờ anh nhớ em, nhớ em nhưng chẳng sao hình dung được ra em. Em xa lạ nhưng lại như gần gũi với anh hơn tất cả. Em tự nhận em như một trang nhật ký cho anh ghi, nhưng anh chẳng thấy em là một cuốn nhật ký, anh muốn em là một người tình, một thần tượng cho anh tâm sự. Anh cần tâm sự như cần thở. Nhiều lúc anh muốn gặp em nhưng rồi sau đó anh lại sợ gặp em như anh sợ đối diện với một ngọn đèn ở ngoài biển khơi trong mùa hè yên tĩnh. Anh đã chết thật rồi. Anh nghĩ thế. Trước mặt anh là vách tường, cuốn lịch bỏ quên chưa xé, chiếc bàn với những trang giấy trắng. Bảy năm trời đã trôi qua trên dãy phố cũ, những căn nhà có cửa cuốn với những bờ hiên có bực cao, giàn hoa giấy, bờ hè lát gạch đã nhiều viên vỡ nát, bờ sông bến xe ngựa đã rời đi nơi khác bỏ lại chiếc quán nước trống không dưới gốc bàng trơ cành quờ quạng trên nền trời xám chì bất động. Bảy năm trôi qua cô bạn học hàng xóm đã hết làm dáng bồng đứa con gái thứ hai, đứng trên hiên mỉm cười nhìn anh lúc từ trên xe bước xuống: “Bác Mậu kia con, ạ bác đi”. Anh mỉm cười đưa tay cầm tay đứa nhỏ lắc lắc: “Lại cháu gái sao?” - “Cháu gái đó” - “Sao không đẻ con trai. Bao giờ cho bác uống rượu” - “Ờ ờ, bác chưa cho cháu ăn tiệc mà” - “Đợi bác thì chết đói, bác ở vậy nuôi thân béo tròn”. Tiếng Thu cười cúc cúc trong cổ họng. Bảy năm trời đã trôi qua. Người con gái đã trở thành thiếu phụ. Anh vẫn cô đơn, mỗi người con trai đều như trải qua mối tình đầu là cô con gái hàng xóm, hoặc người bạn học cùng lớp, hoặc cô em gái bạn mình. Anh nhớ lại hồi yêu Thu, mỗi buổi chiều cầm sách ra ngồi ở bờ hiên chờ Thu đi học về khẽ đưa mắt nhìn lên mỉm cười rồi đưa mắt trên tà áo trắng mất vào sau khung cửa, và những lá thư được viết ngượng ngùng không bao giờ gửi được cẩn thận gấp trong vở học cho đến hôm nào ngồi buồn chán, giận hờn xé đi. Và có thể khóc khi được tin cô tình nhân hờ hững đã nhận lời lấy chồng từ biệt lớp học, bạn bè... Bảy năm trôi qua, căn nhà màu vôi trắng vẫn đó. Cô anh nghe tiếng xe chạy ra nhìn đứa cháu mỉm cười sung sướng: “Con đi xe có mệt không?”. Câu hỏi rất thường đó anh đã nghe mỗi lần trở về, nhưng sao nó thân quý và trìu mến. Căn nhà vẫn bộ bàn ghế cổ chiếc sập, nền gạch ẩm thấp mùi mốc rêu của không khí thiếu ánh sáng, thưa người, ít hơi thở vắng tiếng nói, bão, rồi mưa dầm, ba má em cử kêu trời lạ quá, nhưng em vui vẻ bảo rằng: “người Bắc xa nhà, nhớ quê hương thời tiết nên trời chiều và ‘cưng’ đó chứ...” Nhớ lời em trong lá thư nào đó mà muốn khóc. Sao lúc đó anh yêu em thế. Như lúc này anh muốn được ngồi trước mặt em. Tiếng đồng hồ hàng xóm vừa điểm chuông, mấy ngày nay mặt trời lẩn trốn sau làn mây mù đục ướt sũng hơi nước và những cơn gió lốc cuốn vào thị trấn. Bây giờ Lê đang là bạn của con đường sắt trở vào. Lê đang ngồi yên trên ghế? Đang nhìn ra ngoài cửa những rừng cây chạy qua? Đang ngạc nhiên trước một hòn đá chồng? Đang mỉm cười dõi theo một con chim lạ đậu trên đường dây điện thoại? Hay Lê đang mỉm cười nghe một người trên chuyến xe đang bắt chuyện làm quen? Sáng nay Lê mặc chiếc áo màu nâu hạt dẻ, chít chiếc khăn voan trắng, đeo cặp kính cánh bướm: “Em điểm trang một chút đi đã” - “Thôi anh, đi tàu điểm trang làm gì” - “Anh muốn thấy em đẹp khi lên tàu”. Trong môi hôn buổi sớm mai buốt giá chua chát như môi một xác chết khô cứng anh là người đi trong cảm tưởng rơi xuống bờ vực tối đen của lần từ biệt: “Anh đã chết rồi”.
Bảy năm bỏ đi, mỗi năm anh trở về thị trấn một lần, nhưng hai năm trở vệ sau anh đã không về, cho mãi đến năm nay. Bờ biển mùa xuân thưa người, vắng bạn. Hình như xưa kia đã có lần anh nói cho em nghe: bờ cát như một vành lược bạc cài trên mái tóc biển đen mềm mại gợn lên những cơn sóng êm đềm mát ngọt. Hàng thùy dương bây giờ đã cao xanh biếc. Anh đã đi một vòng rồi bỏ ngồi xuống bờ cát. Tiếng Thư hỏi khô cứng như thỏi sắt nguội: “Hai mươi sáu tuổi cậu đã làm được gì?” Căn nhà những thân thiết trôi lãng đãng một con tàu ra đi với lời tâm niệm làm lấy đời sống. Thư đứng với Lê ở sân ga đón, nàng nhỏ, áo lụa, mái tóc dài, má lúm đồng tiền trên khuôn mặt nước da nâu và khóe mắt long lanh đen của tuổi mười sáu: Đời sống bắt đầu ở đây. “Tôi hoàn toàn thất bại. Anh đừng hỏi tôi nữa như những đêm nào tôi đã nằm khóc với anh. Một thằng con trai như tôi mà khóc. Hèn phải không? Người ta bảo tôi khô khan, đó là cái vỏ. Tôi như một thân củi mục mà thời gian tuổi thơ đã làm rã tan, tôi cố gắng tạo ra một lần vỏ giữ nó lại để sống, để cố gắng tin rằng mình có cuộc sống đáng sống, đòi tới một cuộc sống cao đẹp, những hành động như lý tưởng... nhưng cuộc sống tương đối lại bình thường.... Như người con gái cần một người chồng có cuộc sống đủ thường nhật. Tôi như kẻ đi buôn ảo mộng; phóng mình lên giữa hư vinh trong thực tế đen tối. Hai mươi sáu tuổi tôi đã làm được gì. Không làm được gì. Bây giờ tôi chỉ mới thoáng nhìn thấy tôi một chút: tôi đã lớn rồi”.
Thư đốt thuốc, khói trắng bay cuộn ra khỏi cửa sổ hình dáng một khuôn mặt xưa nhòe nhoẹt... cơn sóng lớn vẫn chưa vỗ vào, một con đường dài những dấu chân trên cát vẫn còn in. Hơi nước mát lạnh. Lúc ngồi đó nhìn ra anh thấy anh nằm chết trên bờ cát, anh thấy anh chết khô từ bao giờ, anh nằm co hai chân, một tay ôm lấy ngực một tay dang rộng quờ trên mặt cát, tóc rũ ướt trên khuôn mặt hốc hác, mắt khép trũng sâu, môi đen cứng nhợt nhạt mà hôm nào Lê đã hôn lên đằm thắm mặn nồng. Anh đã chết thực.
Thân thể nằm kia, những cơn sóng táp lên vồ vập leo qua thân anh như cành củi mục, những cơn sóng vẫn vỗ lên đều đều một điệu buồn bã rã rời chia cắt những cảm giác tan loãng trong trí não. Thân anh đã nằm phơi trên bãi cát dưới nền trời âm u trong thị trấn những cơn lốc xoái vào đường phố quạnh hiu. Những đàn quạ đen bay đi đâu chưa trở về sà cánh đỗ xuống trên xác chết rồi cất tiếng kêu rỉa xả da thịt. Em nhìn thấy anh nằm chết đó không? Vết chân trên bãi cơn sóng nào đã mang đi. Bây giờ Lê đang là bạn của con đường sắt bảy năm trước anh đã theo đi. Bỏ lại thị trấn.
- Tại sao anh đã bỏ đi hồi đó.
Lê ngồi trên chiếc ghế bành nhìn tôi, căn phòng nhỏ ấm cúng một vẻ nhẹ nhàng riêng biệt, căn nhà ngó ra con đường đi Trung tôi mỉm cười tìm thuốc trong bao vỗ lên góc bàn kính.
- Đừng bắt anh bỏ hút thuốc nữa nghe.
Tôi bật diêm khom tay mồi lửa và thở ra hơi khói đầu và dụi que diêm vào chiếc gạt tàn thuốc.
- Anh ấy đâu?
Lê ngó đồng hồ.
- Anh ấy sắp về rồi, sao anh biết nhà, anh về hồi nào vậy?
- Mới về, anh Thư chỉ, nếu không biết đâu mà tìm.
- Tại sao anh đã bỏ đi hồi đó?
- Thôi đừng hỏi anh nữa...
Tiếng cửa mở và Linh bước vào nhìn thấy tôi thì kêu lên:
- Trời đất ông nội ơi! Tưởng ai.
Tôi bắt tay Linh và xiết chặt, Linh già và đen đi, gương mặt khắc khổ hơn lên với đôi mắt kính với nét cười gượng gạo.
- Ở đâu mà biệt tăm tích thế, bọn này nhắc tới cậu hoài.
Linh quay sang phía vợ:
- Em thấy anh ấy có khác gì không, trông cậu vẫn thế, về bao giờ vậy?
- Về tuần trước, mình thì cứ trơ ra vậy thôi. Cô ấy vừa hạch tội mình xong, về chuyến sau chắc cậu đã có con rồi cũng nên.
- Hồi cưới không có cậu phù rể mình bực quá, chỉ định gặp cậu sẽ cho một trận.
- Bây giờ đi.
Vợ chồng Linh cùng phá lên cười:
- Cậu chẳng thay đổi gì cả. Chờ mình rửa mặt chút, phải đi làm một chầu cà phê với cậu mới được.
Linh bước vào phía sau. Lê lặng đi nhìn xuống đôi chân rồi nhìn lên với đôi mắt buồn bã. Tại sao anh đã bỏ đi hồi đó. Tôi quay đi lơ đãng. Đôi mắt nhìn lên ám ảnh trong trí óc. Có phải mỗi người sẽ tìm ra hạnh phúc. Chúng tôi ngồi im nghe tiếng động của chiếc ca sắt va vào miệng lu tiếng đổ và khua động. Khi Linh trở lên tôi đứng dậy rồi cùng bước ra cửa. Tôi nói với Lê:
- Cô cho anh mượn anh ấy một chút nhé, vài bữa sẽ lại thăm cô.
Hai chúng tôi đã trở lại ngồi nơi quán cà phê quen thuộc và nói chuyện tới khuya mới chia tay.
Một đôi mắt ám ảnh tôi những kỷ niệm cũ muốn quên và một tiếng nói vọng đến một ảm vang huyền hoặc quyến rũ tôi, trở về nằm trong căn nhà cũ hai lần trong tuần lễ giấu mặt khi Lê đến đứng ngoài cửa và gõ nhẹ không gọi. Tôi lặng im làm như xác chết. Mỗi chiều đi lang thang qua con đường Chi Lăng làm kẻ thất tình đến ngồi nơi quán cà phê cũ nhìn con đường nhỏ dẫn vào căn nhà tôi mới bước vào một lần. Cậu vẫn là một đứa con nít trong một ông già bảy mươi - Thư nói giọng cay nghiệt - Cậu là một thứ đồ bỏ còn trở về làm gì. Tôi lặng im nhìn mình với khuôn mặt địa ngục trờn trợ nổi lên trong ly cà phê đặc sánh mù mờ trong khói thuốc. Chung quanh đó gợn lên một khuôn mặt có mái tóc dài buông xõa xuống đôi vai, màu tím phủ lên một chiếc áo cũ có màu hoa nhạt êm đềm không nhớ rõ và một âm thanh vang lên những tiếng nói có nụ cười chạy theo: “Anh mê cô ấy rồi phải không, hôm đám cưới cậu Thịnh có cô ấy định mời anh mà sợ anh không đi, anh bảo em ác à. Tại anh chứ tại em đâu. Em báo cho anh biết là cô ấy có tình nhân ở Đà Lạt rồi đó nghe, anh yêu cô ấy không nổi đâu, ai chịu được anh, lì lì và kiêu như ông trời - nhưng cô ấy còn ở trên cao kia kia, anh nhìn lên coi, mỏi cổ anh chưa thấy. Em không dọa anh đâu”. Cô em cười cung cúc chế nhạo. Tôi lặng thinh. Trót rồi.
Dòng chữ của Lê viết để lại hẹn đến, tôi ra khỏi nhà đi qua con đường Chi Lăng nhiều lần trở về ngó thấy Lê ngồi ở cửa tôi lại bỏ đi lang thang qua đường Chi Lăng. Người yêu tôi có chồng, người tôi yêu khuất mặt huyền hoặc xa vời, tôi làm thằng khốn nạn chui vào ngõ hẻm ôm lấy thân thể một người đàn bà xa lạ. Sự thật rơi xuống, quần áo vắt lên. Tại sao hồi đó anh bỏ đi... Cậu là một thứ đồ bỏ. Bóng tối ập xuống mù mờ, mớ tóc rối tung xõa xuống. Khúc gỗ trắng nằm im bất động, với hơi thở nhẹ. Đôi vú trắng chảy, vành môi khô son và đôi tay bạch tuộc đang chờ đợi. Lên đi anh. Tôi ngã xuống dòng sông váng băng lạnh giá. Anh không biết nói sao, lần băng nứt ra và một dòng nước chảy xối xả. Miệng anh đâu. Bàn tay lạnh giá mơn trên xương sống mũi dao nhọn như hôm nào đang tìm kiếm lấy gáy. Ngủ đi, anh thở dài chi đó. Bàn tay chạy đi chạy lại với chút mồ hôi nhớp nháp. Sao anh buồn. Căn nhà những tiếng máy rào rào như cơn mưa đổ trên mái tôn. Chuyến xe lửa vượt lên. Em biết anh không yêu em, anh muốn làm anh hùng. Ông trời ở tù làm gì. Sao anh buồn, mắt anh đâu, định ăn vạ em đấy há, thôi mà làm bộ, lại giận vợ mò đi chứ gì, em biết quá, vợ nó rầy hay rầy vợ vậy. Thôi, ai dỗ anh cho nổi. Sao? Bướng à. Hay cô nào lấy mất hồn anh rồi. Con nước lờ đờ chảy vào khúc quanh uốn xoáy. Sao cũng được, gì cũng được miễn là có xương xảu mà gặm với một cái chuồng và một con chó cái. Ai nói gì đó. Khúc gỗ trắng cử động uốn mình vào bọc lấy một thân thể trơ trụi cứng đơ. Khúc gỗ đè lên mềm nhũn và nghẹt thở với mùi da thịt và nước hoa, chiếc lưới đen chùm lên mặt với môi, mũi, mắt má rậm rạp và hơi thở ngột ngạt.
Chiếc thuyền trôi đi. Những móc sắt cứa lên bờ sườn và lần vào mớ tóc cứng cạo trên da đầu những cảm giác gai góc. Tiếng la cố vượt lên trong im vắng. Khuôn mặt một địa ngục. Đôi môi khô cọ đi cọ lại rồi cắn lấy một bờ môi lạnh như xác chết, hơi nóng ran lên sảng sốt. Chịu anh không nổi, chịu anh không nổi. Kỳ cục, muốn xiết cổ cho chết. Con sư tử chồm lên và khúc gỗ bị đè ngấu nghiến... Và tôi trôi đi lờ lững với hai chân sợi bún, đôi tay sáp loãng tan với ánh lửa và bình nước vỡ trên sàn gạch. Đôi tay ai buông đi và ngó lên một vùng huyền hoặc có tiếng nói đã tắt. Thằng khốn nạn. Sao cầm dao trong tay. Nó yêu tôi, nó yêu hắn và bây giờ tôi ôm lấy khúc gỗ vô chủ trôi trên dòng cuồng lưu của thể xác mang mình trở vào nhà tù. Thằng khốn nạn mặc quần áo, châm điếu thuốc, bước đi và hát bài hành khúc của bọn lê dương. Hãy nhìn lên ngọn đèn đỏ đã tắt và em, em ơi. Trời là thằng chịu án chung thân khổ sai, anh làm tội nhân treo lên khỏi những vùng đất cấm.
Thư đẩy cửa bước vào, tôi rời bàn trở ra, buổi sáng lặng im còn bao quanh căn nhà. Thư cầm lấy vai và nhìn vào mặt tôi một lúc. Tôi trông Thư có nét khác thường, tôi vừa mặc áo vừa nói:
- Ăn sáng chưa, đi uống với mình một cái gì vậy. Chán quá chẳng biết làm gì cả năm rồi vẫn thế, biết vậy ở quách trên đó cho xong.
Hai đứa bước ra ngỏ. Thư hỏi:
- Sao hồi này cậu không đến đằng mình?
- Chán.
- Cậu có biết Lê nó vẫn yêu cậu không?
Tôi rợn người cảm giác của một lưỡi dao kề vào mạch máu. Sao Thư nói với tôi? Sao bao lâu nay Thư không nói?
- Ai bảo cậu vậy?
- Mình.
- Bậy, không bao giờ. Mấy năm trời ở với cậu, cậu còn phải hỏi mình thế sao. Mình là thằng thế nào?
- Nó khóc với mình, oán trách mình và cả cậu. Cậu vẫn biết là mình không bao giờ muốn phải nói với cậu hay bất cứ ai về chuyện như thế. Lê bảo hồi cậu bỏ đi là vì mình, vì mình không muốn nó lấy cậu. Tôi biết nó yêu cậu và mình nghĩ cậu yêu nó dù cậu không nói ra nhưng tại sao cậu không cưới nó.
- Tôi nghĩ Linh yêu Lê, và hai người hợp nhau. Cậu đã nói: mình là đồ bỏ. Mình biết mình như vậy nên mình đi, mình không muốn thấy người khác khổ vì mình.
- Về đây cậu có liên lạc với nó không?
- Tôi không muốn Lê là người ngoại tình. Cậu nên hiểu thế, cậu phải biết Lê là ám ảnh của tình yêu tuổi thơ, tôi ôm lấy một kẻ lạ và mang mình theo một ảo vọng, tôi khổ tâm về điều này, đó là lý do tôi lánh mặt, tôi cầu cho Lê và Linh hạnh phúc. Tôi mong thấy thế và tôi nghĩ tôi đã mãn nguyện về điều đó.
Trong quán ồn, sau ngụm cà phê Thư nói:
- Cậu biết hai đứa hạnh phúc ra sao không?
- Đứa con trai đầu lòng. Hôm gặp, Lê nói thế tôi có ghi ngày đầy tháng và hẹn đến nhưng tôi không đến.
- Cậu biết gì nữa không?
- Không.
- Linh đã buộc cổ đứa con quăng xuống lạch cho chết rồi kéo lên vứt xác đứa nhỏ vào mặt Lê và bảo: nó không phải là con tao, tao trả cho mày.
Tôi rùng mình và muốn bật kêu, tôi chảy nước mắt ràn rụa và không biết nói sao.
- Lê là vợ Linh nhưng Lê yêu cậu.
Tiếng Thư oán trách nặng nhọc vây lấy tôi.
- Cậu không tin tôi?
Tôi ngó lên với con mắt một xác chết. Thằng khốn nạn lặng câm với con dao trong tay đang quàng lên cổ. Tôi muốn làm thằng khốn nạn nhưng đã thành một Thượng đế hư hỏng sa đọa không tìm thấy thiên đường ẩn thân hối lỗi. Con mắt nào ngó tới buồn rầu. Tiếng nói nào quấn quít bay bổng và khúc gỗ trắng kẻ xa lạ mang tôi ẩn vào khu rừng hoang vu làm cây cỏ vô danh lạ mặt.
Tôi nhìn Thư với đôi mắt đỏ ngầu, nước da xanh và dáng ngồi ủ rũ.
- Cậu không tin tôi?
Tôi nhắc lại câu nói, tôi không tìm kiếm được lời bày giải nào, mỗi kẻ là một thế giới với thù nghịch và bí ẩn... Tại sao tôi còn trở về đây. Chuyến xe lửa chạy qua với khuôn mặt quá khứ. Tôi đứng dậy:
- Tôi phải đến đó.
Trong căn nhà nhỏ chiếc quan tài phủ vải trắng còn để trên bàn với hai ngọn nến trắng đang cháy. Lê ngồi khóc ở đó. Tôi ngậm câm đứng đó một lúc rồi trở ra. Linh ngồi trên đường rầy xe lửa gọi tên tôi. Tôi tiến tới nhìn vào mặt Linh và hỏi:
- Sao cậu làm vậy?
- Tôi.
- Cậu điên rồi sao? Nó là con cậu. Sao cậu làm thế?
- Tôi buộc nó vào sợi thừng, nó khóc, nó giẫy. Tôi liệng nó xuống và nó giẫy như một con cá lúc sau nó im lặng tôi kéo nó lên. Thật giản dị và dễ dàng.
Linh đứng lên cầm viên đá cọ vào tay rồi dùng hết sức liệng đi xa, viên đá xanh mất tăm sau dãy nhà lá. Tôi muốn thét lên và đập cho tan mặt nó. Thằng khốn nạn.
- Nó là con cậu sao cậu làm thế?
- Nó là con tôi. Lê ăn nằm với tôi làm vợ nhưng Lê... Cậu chối sao? Cậu chối sao?
Tôi xúc động muốn khuỵu xuống, đôi mắt hoa lên những hình ảnh một bộ mặt. Trời là một thằng tù chung thân. Chiếc lưới đen bủa xuống những sợi nhằng nhịt như những lần qua lại trên đường Chi Lăng với tiếng nói một thiên đường quyến rũ kéo tôi lên làm thằng chết treo. Hình ảnh Lê tươi mát trong ký ức, bây giờ nhòe nhoẹt, tôi dang tay ôm lấy con điếm buông trôi thân xác để thành kẻ sát nhân cầm dao giết người và tự sát, để sau cùng đem xác chết mang tên mình trở về trần dẫn đi dẫn lại làm thây ma... và mơ tưởng về một người khác...
Tôi lặng câm nghe tiếng Lê khóc, tiếng Linh, tiếng Thư hằn học và âm vang một tiếng nói thần thoại...
1962