Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 14

     ôi không chờ được đến giờ chị rảnh, tôi lội bộ đến đây. Tôi bỏ thằng con trai ở nhà với chị vú, kệ cho nó khóc khi thấy tôi đi. Thôi, chẳng pha trà nước làm chi! Tôi phải về liền lập tức. Tôi chạy vội lại đây báo tin chị biết đó thôi.
Hai người về đến đây rồi. Ông anh tôi và cô ngoại kiều nọ đến vừa được hai tiếng đồng hồ. Hai người dùng bữa với vợ chồng tôi. Tôi nhìn cô ta, nghe cô ta nói, nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Cô ta kỳ lạ đến nỗi dù không muốn, mắt tôi cứ dán chặt lấy cô ta.
Vợ chồng tôi đang ăn cơm thì hai người bước vào. Người gác cổng hơ hải chạy vào chẳng kịp chào hỏi gì cả, nói ngay:
"Có một người đàn ông và một bà đứng ở cửa. Tôi chưa hề thấy ai như bà ta bao giờ. Bà ta cao lớn như đàn ông, nhưng mặt thì giống đàn bà".
Chồng tôi nhìn tôi và buông đũa xuống. Tôi ngạc nhiên nhìn chàng. Chàng bình tĩnh nói:
"Họ về tới đó".
Chàng bước ra tận cửa và liền dẫn họ vào nhà. Tôi đứng dậy đón hai người, nhưng khi nhìn thấy hình dáng dềnh dàng của cô ngoại kiều nọ, tôi chẳng nói được một lời nào. Gần như tôi chẳng nhìn ông anh tôi nữa, mà chỉ thấy có cô ta với thân hình cao lớn, thon thả, tấm áo màu xanh dương đậm phủ dài thẳng băng xuống tận đầu gối.
Nhưng chồng tôi thì chẳng bối rối chút nào. Chàng mời hai người ngồi vào bàn dùng bữa với chúng tôi và bảo người nhà rót nước trà và dọn thêm chén đũa ra. Tôi cứ ngồi ì ra đó mà nhìn cô ta.
Ngay như bây giờ đây, tôi vẫn chỉ biết lặp đi lặp lại mãi câu hỏi:
"Cô ta về tới thì mình phải làm thế nào đây? Làm sao cô ta chung sống với gia đình mình cho được?"
Tôi quên mất rằng ông anh tôi yêu cô ta. Bỗng nhiên thấy cô ta nhảy xổ vào nhà tôi như vầy, tôi đâm ra lúng túng. Cũng như một giấc chiêm bao dù đang diễn ra trước mắt mình, mình vẫn thấy nó chỉ là nhất thời thôi, vì tự bản chất của nó, nó đã không thực rồi.
Chị hỏi cô ta giống cái gì ư? Thú thật với chị rằng tôi chẳng biết nói sao bây giờ, mặc dầu từ lúc cô ta bước chân vào nhà tôi, tôi không ngớt nhìn vào mặt cô ta. Chị để tôi nghĩ lại thêm nhé.
Cô ta cao lớn hơn ông anh tôi. Tóc cô ta không để dài để bới, nhưng cũng không cắt ngắn quanh tai mà để xõa lòng thòng tung bay trước gió và mái tóc ấy lại nâu nâu như màu rượu hổ cốt. Mắt cô ta xanh xám như nước biển trong cơn giông bão và cô ta không mau tiếng cười.
Thấy cô ta, tôi liền tự hỏi: Cô ta có đẹp không? Chẳng đẹp tí nào. Lông mày cô ta thay vì cong như thường thấy ở nơi phụ nữ chúng tôi, lại rậm và đậm màu trên đôi mắt tư lự. Sánh với khuôn mặt cô ta, khuôn mặt anh tôi trẻ hơn nhiều, hình dáng thon thả hơn, má tròn hơn. Ấy vậy mà cô ta mới hai mươi tuổi, kém anh tôi những bốn tuổi.
Nếu che thân hình đi, chỉ để ló hai bàn tay ra thôi, tôi sẽ nói bàn tay anh tôi mới là tay đàn bà con gái vì trắng trẻo và mềm mại hơn. Sánh với tôi, cô ngoại kiều nọ có đôi cổ tay to hơn, xương tay lộ rõ dưới làn da căng thẳng. Khi cô ta bắt tay tôi, tôi cảm thấy lòng bàn tay cô ta sần sùi và cứng hơn lòng bàn tay tôi.
Dùng bữa cơm trưa xong, tôi nói nhận xét trên cho chồng tôi nghe, khi chúng tôi ở trong phòng riêng một lát. Chồng tôi cho rằng đó là vì cô ta chơi trò chơi gọi là quần vợt, là thứ trò chơi đàn bà con gái ngoại quốc cùng chơi với đàn ông của họ. Theo tôi nghĩ, họ chơi trò chơi ấy chắc là để làm vui lòng đàn ông của họ và như vậy thì cách thức đàn bà Tây phương mua lòng chồng quả là kỳ lạ.
Bàn chân của cô ta ít lắm cũng dài hơn bàn chân của ông anh tôi đến năm phân. Chân tay như thế kể cũng phiền cho cả hai không ít.
Anh tôi mặc Âu phục và có nhiều điều khác hồi xưa lắm. Cử chỉ hấp tấp, dáng điệu vội vàng. Trên đường đời anh tôi chẳng còn sót lại chút gì phong thái khoan hòa của hàng con ông cháu cha ngày trước nữa. Bây giờ đây, khi anh tôi làm thinh thì gương mặt đâm ra đăm chiêu tư lự. Anh không đeo vòng đeo cà rá gì cả, chỉ có mỗi một chiếc nhẫn trơn ở ngón áp út. Bộ Âu phục sậm màu và cứng ngắc làm da dẻ anh tôi thêm xanh xao.
Ngay như cách ngồi của anh cũng theo lối Tây phương, một chân bắt chéo ngoải qua chân bên kia. Anh thông thạo ngôn ngữ của vợ anh khi anh nói chuyện với nàng hoặc với chồng tôi. Lời lẽ cứ tuôn ra ngoài miệng anh như sỏi lăn trên bờ đá vậy.
Anh tôi hoàn toàn thay đổi. Anh nhìn thẳng, không cúi mặt xuống, mắt anh linh hoạt, không sợ sệt, nhìn thẳng vào mặt người đối diện khi nói chuyện với người ấy. Anh tôi đeo kính trắng khiến anh già đi.
Nhưng miệng anh vẫn giống miệng mẹ tôi với đôi môi mỏng, khép chặt vào nhau khi không nói. Khi nhìn vào đôi môi ấy, tôi bắt gặp lại cái thói bướng bỉnh của anh ngày nhỏ mỗi lần anh bị cấm cản không cho làm điều gì anh muốn làm. Tôi nhận ra anh tôi chính là ở điểm ấy.
Tôi và thằng con trai tôi là hai người Trung Hoa duy nhất trong nhà. Vợ chồng anh tôi ở tại nhà tôi như hai người lạ với lối y phục kỳ quái và ngôn ngữ kỳ quái. Tôi và con tôi không hiểu được họ.
Hai vợ chồng anh tôi ở tạm nhà tôi cho đến khi nào cha mẹ tôi nhìn nhận họ. Chừng mẹ tôi biết tôi đùm đậu vợ chồng anh tôi trong nhà, hẳn bà sẽ nổi giận. Tôi lo sợ. Tuy nhiên, tôi vẫn phải làm theo ý muốn của chồng tôi. Và xét cho cùng, anh tôi cùng chung máu mủ ruột thịt với tôi chứ nào đâu phải là người dưng nước lã.

*

Ngồi vào bàn ăn cơm, cô vợ anh tôi không biết cầm đũa. Tôi cứ che miệng cười thầm vì cô ta cầm đũa còn vụng hơn cả thằng con trai tôi nữa. Cô ta cau mày mím môi cố học sử dụng đôi đũa. Nhưng cô ta không quen với những việc tế nhị. Cô ta chẳng biết gì cả.
Giọng nói cô ta chẳng giống giọng nói một người đàn bà nào. Chúng tôi thích giọng nói dịu dàng, mềm mỏng. Giọng cô ta ồ ồ, cô ta lại ít nói, nên mỗi lần cô ta nói, chúng tôi đều lắng nghe.
Khi trò chuyện với ông anh tôi, cô ta nói mau. Cô ta không nói chuyện thẳng với tôi bao giờ, vì tôi chẳng hiểu gì cả.
Hai lần cô ta cười; nụ cười ngắn và tươi xuất phát từ đôi mắt, lúc ấy tôi chợt hiểu cô ta muốn nói: "Liệu chúng ta có thân thiết được với nhau chăng?" Và chúng tôi ngập ngừng nhìn nhau.
Tôi mặc áo choàng ấm bằng lụa đỏ, quần xanh cho con tôi, đi giày thêu cho nó. Tôi đội lên đầu nó cái nón thêu một hàng tượng Phật bằng kim tuyến, và đeo một sợi dây chuyền bạc vào cổ nó.
Ăn mặc như thế, trông nó chẳng khác gì ông hoàng tử nhỏ. Tôi dẫn con tôi đến trước mặt cô ngoại kiều nọ. Con tôi đứng trước cô ta, hai chân dang ra, chăm chú nhìn cô ta với vẻ ngạc nhiên. Tôi bảo con tôi chào. Nó vòng hai tay lại, cúi mình xuống, mất thăng bằng loạng choạng muốn té.
Cô ta nhìn con tôi mà cười mỉm. Đến khi con tôi cúi chào, cô ta cười lớn lên, đoạn nói một tiếng gì đó rất ngọt ngào, bồng con tôi lên ôm vào lòng mà hôn vào cổ nó.
Cái nón rơi xuống. Cô ta nhìn tôi qua mái đầu con tôi. Ánh mắt cô ta đẹp quá, chị ơi! Ánh mắt cô ta nói: « Tôi cũng muốn có một đứa con y như vầy! »
Và tôi cười với cô ta: « Chúng ta là chỗ thân tình »
Hình như tôi bắt đầu hiểu tại sao anh tôi yêu cô ta.

*

Vợ chồng anh tôi đến nhà tôi đã được năm ngày nay. Hai người chưa đến trình diện mẹ tôi. Chồng và anh tôi nhiều lo âu bàn bạc với nhau bằng tiếng ngoại quốc. Tôi không biết hai người đã quyết định thế nào. Dầu sao cũng không thể hấp tấp được. Trong khi ấy tôi quan sát cô ngoại kiều nọ.
Nếu chị hỏi tôi nghĩ gì về cô ta, thật khó cho tôi trả lời. Chắc chắn cô ta khác hẳn phụ nữ Trung Hoa chúng tôi. Không một cử động nào của cô ta lại gò bó ; trái lại thong thả, tự nhiên, đượm phần duyên dáng của sự nhanh nhẹn. Đôi mắt nhìn thẳng của cô ta chẳng e dè sợ sệt gì cả. Cô ta liếc mắt đưa tình với anh tôi không chút e lệ. Cô ta nghe đàn ông nói chuyện, thêm vào một câu, một tiếng gì đó, thế là họ cười rộ lên. Cô ta cũng quen giao thiệp với họ như bà thiếp thứ ba của cha tôi vậy.
Tuy vậy cung cách hai người có khác nhau. Cái vẻ dạn dĩ của bà thiếp thứ ba trước đàn ông vẫn còn ít nhiều e dè sợ sệt. Ngay giữa lúc được tán tụng nuông chiều, bà ta vẫn lo ngại ngày sắc đẹp phai tàn đi, không còn lôi cuốn được lòng người nữa.
Còn cô ngoại kiều kia thì hoàn toàn tự nhiên, chẳng chút gì e ngại cho mình cả. Dù cho cô ta không đẹp bằng bà thiếp nọ, cô ta vẫn thản nhiên. Người ngoài chú ý đến cô ta, cô ta cho đó là việc tự nhiên và cô ta cũng chẳng cố tình làm cho thiên hạ chú ý đến mình. Chẳng khác gì như cô ta muốn nói: « Con người thật của tôi như vậy đó. Tôi không muốn khác hơn thế ».
Tôi có cảm giác như cô ta kiêu kỳ. Dù sao, cô ta có vẻ như dửng dưng với việc cô ta đem đến bao nhiêu khó khăn phiền toái cho gia đình tôi. Cô ta biếng nhác chơi đùa với thằng con tôi, rồi đọc sách – cô ta đem theo cả thùng sách – rồi viết thư. Cái vụ viết thư này mới là ly kỳ! Tôi nhìn qua vai cô ta, thấy nguyên một trang giấy dày đặc những nét chữ dính nẹo vào nhau, chẳng còn biết đâu mà rờ nữa. Nhưng điều cô ta thích nhất là ngồi không ngoài vườn mà mơ mộng. Chẳng bao giờ tôi thấy cô ta cầm món đồ thêu trong tay cả.
Một hôm từ sáng sớm, cô ta đã cùng anh tôi ra khỏi nhà, đến trưa trở về đầu cổ dính đầy bụi đất. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi chồng tôi hai người đi đâu, làm gì mà người ngợm thấy ghê vậy. Chồng tôi đáp:
« Người phương Tây họ vẫn có cái lệ đi chơi lang thang vậy đó ».
Tôi lại càng tò mò:
« Đi chơi lang thang như vậy là nghĩa làm sao? »
« Là đi chơi xa, mà đi thật nhanh, đến một nơi xa nào đó. Hôm nay hai người leo núi Hồng Lĩnh đó ».
« Để làm chi? »
« Họ coi việc đó như một thú vui ».
Lạ thật! Ở đây, ngay như con gái dân dã tá điền cũng ngại phải đi bộ xa và lâu đến thế. Khi tôi hỏi ông anh tôi về việc đó, anh tôi đáp:
« Ở bên xứ vợ tôi, cô ta quen sống tự do ngoài trời, cô ta cảm thấy tù túng trong vườn sau lớp tường cao nhà ta ».
Tôi lại càng lấy làm lạ. Lối sống của vợ chồng tôi, tôi đã cho là tân tiến lắm rồi. Bức tường quanh sân chỉ dùng để bao che cuộc sống riêng tư của chúng tôi mà thôi, để tránh con mắt tò mò của người bán rau, bán kẹo đi qua nhìn vào mà thôi. Tôi nghĩ thầm:
« Nếu cô ta phải sống cấm cung trong dãy nhà dành cho nữ giới, thì mới làm sao đây? »
Nhưng tôi không rỉ hơi về việc đó.

*

Cô ta ngang nhiên tỏ tình với anh tôi.
Hồi hôm, chúng tôi ngồi ngoài vườn hóng mát. Tôi ngồi ở chỗ cũ, trên cái đôn bằng sứ, tách riêng khỏi chỗ đàn ông. Cô ngoại kiều nọ ngồi trên bao lơn hàng hiên bằng gạch. Cô ta tươi cười dùng tay chỉ hết vật này đến vật khác mà hỏi tên từng món một, rồi lặp lại lời tôi nói cho cô ta biết. Một khi hiểu rõ, cô ta học mau lắm và nhớ dai. Cô ta học nói, lặp đi lặp lại nhiều lần cách phát âm và cười khi tôi sửa lại giọng nói cho cô ta. Chúng tôi vui vẻ dạy nhau học như vậy trong khi chồng tôi và anh tôi chuyện trò với nhau.
Nhưng đến khi trời tối hẳn, chúng tôi không còn phân biệt được cây cỏ hoa trái trong vườn nữa, cô ta quay nhìn anh tôi. Cuối cùng cô ta đứng dậy bước về phía anh tôi, thân áo cô ta bay bay quanh người cô ta như mù sương vậy. Cô ta cười, nói nhỏ vài lời vào tai anh tôi, đoạn cầm lấy tay anh tôi.
Tôi quay mặt đi chỗ khác.
Đến khi tôi liếc nhìn về phía họ, tôi thấy cô ta ngồi phệt xuống nền gạch hàng hiên, sát vào bên ghế chồng cô ta, dựa má vào bàn tay chồng cô. Tôi thấy tội nghiệp anh tôi. Chắc hẳn anh tôi phải xấu hổ về cái cung cách tỏ tình như thế nơi một người đàn bà, nhưng trời tối quá tôi không nhìn rõ mặt anh tôi. Không ai nói chuyện gì nữa, chỉ còn tiếng côn trùng rả rích trong sân mà thôi. Tôi đứng dậy vào nhà.
Lát sau chồng tôi vào theo. Tôi nói:
« Đàn bà con gái gì mà sống sượng đến thế là cùng! »
Chồng tôi cả cười:
« Em nghĩ khác, người ta nghĩ khác thì sao »
Tôi bất bình quay lại phía chàng, nói:
« Vậy mình có bằng lòng cho em đeo cứng lấy mình như sam trước mắt mọi người không? »
Chồng tôi lại nhìn tôi mà cười hóm hỉnh:
« Đành rằng không rồi đó, nhưng phần em, em có dám làm như vậy không đã nào? »
Tôi kịp hiểu là chồng tôi trêu chọc mình, nên không nói gì thêm nữa.
Tôi vẫn không sao hiểu nổi cái cung cách sỗ sàng như vậy. Nhưng có điều ngồ ngộ là khi tôi nghĩ đến chuyện ấy, tôi không thấy có ẩn ý xấu xa mờ ám nào. Cô ta tỏ tình với anh tôi cũng tự nhiên giản dị như một đứa trẻ tìm bạn chơi đùa vậy.
Cô ta cũng như một đóa hoa cam dại vậy, mơn mởn, hấp dẫn, nhưng không hương.

*

Rốt cuộc, vợ chồng anh tôi thỏa thuận về cách thức phải làm. Cô ta sẽ mặc tấm áo Trung Hoa và hai người ra mắt cha mẹ tôi. Anh tôi đã dạy cô ta cách nghiêng mình thi lễ trước mẹ tôi. Phần tôi, tôi phải đi trước vợ chồng anh tôi để dâng lễ vật lên cha mẹ.
Đêm đêm, tôi không ngủ được, trằn trọc nghĩ đến giờ phút hướng dẫn vợ chồng anh tôi vào ra mắt cha mẹ. Môi tôi khô, và khi le lưỡi ra liếm môi, lưỡi tôi cũng khô luôn. Chồng tôi ra sức khích lệ tôi bằng tiếng cười tiếng nói, nhưng cứ vắng mặt chồng là tôi lại lo âu. Tôi công khai chống lại mẹ, tuy rằng từ tấm bé đến giờ tôi không hề cãi lại ý muốn của bà.
Từ đâu tôi có can đảm làm như vậy? Tôi vốn là con người rụt rè nhút nhát và giá như chỉ có mình tôi, hẳn là tôi đã thấy mẹ tôi xử sự đúng theo thói tục của dân tộc mình.
Chính chồng tôi đã làm thay đổi con người tôi, đến nỗi tôi dám chống lại cha mẹ ông bà mà bênh vực tình yêu. Tuy vậy, tôi vẫn run sợ.
Trong nhà chỉ có một mình cô ngoại kiều nọ là bình thản mà thôi.