Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 2

     ôi chưa hề lần nào nghe mẹ tôi nói dài dòng đến như thế. Thật ra mẹ tôi ít nói lắm, ngoài trừ những lúc phải sai bảo hoặc quở mắng người nhà. Mẹ tôi có quyền sai bảo và rầy la, vì ở trong phạm vi khu nhà dành cho đàn bà con gái trong gia đình chúng tôi, mẹ tôi là người đứng đầu, là người vợ chánh thất, là bà Cả, địa vị cũng như phẩm chất hơn hẳn các người vợ khác của cha tôi. Chị đã trông thấy mẹ tôi rồi đó. Chắc chị còn nhớ, mẹ tôi gầy lắm và gương mặt mẹ tôi vừa xanh xao vừa bình thản, chẳng khác gì như đúc bằng ngà voi vậy. Tôi được nghe nói thời hoa niên trước khi về nhà chồng mẹ tôi đẹp lắm, hang long mày dài rủ bong chớp chớp như cánh bướm đêm và đôi môi hồng mơn mởn như nụ hoa. Ngay giờ đây, tuy nhan sắc tàn phai với tuổi tác, gương mặt mẹ tôi vẫn giữ nguyên hình thon trái xoan như trong các bức tranh cổ vậy. Còn đôi mắt của người thì người thiếp thứ ba của cha tôi một hôm bảo tôi rằng: "Đôi mắt của bà Cả là hai hạt huyền chết mòn đi vì chứng kiếm quá nhiều đau khổ!".
Ngày tôi còn thơ ấu, tôi thấy chẳng ai sánh kịp với mẹ tôi cả, mẹ tôi hiểu biết nhiều, dáng đi khoan thai chững chạc tự nhiên, khiến các bà thiếp và lũ em khác mẹ của tôi rất kính nể. Gia nhân hầu hạ trong nhà kính trọng mẹ tôi, nhưng không thương. Tôi nghe chúng xầm xì oán trách mẹ tôi vì chúng ăn cắp món gì trong nhà bếp là mẹ tôi biết ngay. Tuy nhiên, mẹ tôi không lớn tiếng rầy mắng chúng như các bà thiếp vẫn làm khi giận dữ. Khi mẹ tôi thấy việc gì không vừa ý, mẹ tôi chỉ nói vài lời thôi nhưng đầy ý khinh miệt, chém xuống người có lỗi như dao bàn cắt da vậy.

*

Mẹ tôi rất đối tốt với anh trai tôi và với tôi, nhưng lúc nào người cũng nghiêm trang lạnh lung, đúng theo cốt cách một người giữ địa vị cao trong gia đình. Mẹ tôi hạ sanh được sáu người con thì bốn qua đời từ lúc còn bé dại, nên đặt hết quí mến vào cậu con trai thừa tự duy nhất là ông anh tôi. Mẹ tôi đã có đứa con nối dòng cho gia tộc, vậy là cha tôi không còn lý do gì để buồn phiền mẹ tôi nữa.
Lại nữa, trong thâm tâm, mẹ tôi cũng lấy làm kiêu hãnh đã sinh ra được người con trai như anh tôi.

*

Chị đã thấy ông anh tôi rồi đấy. Anh ấy giống mẹ tôi, mình dây, mảnh mai, cao và thẳng như thân tre non vậy. Ngày còn thơ ấu, hai anh em tôi sống chung với nhau. Chính anh tôi là người đầu tiên dạy cho tôi viết những nét chữ Hán. Nhưng anh tôi là con trai, tôi là phận gái "nữ sanh ngoại tộc". Khi anh tôi được chín tuổi và tôi lên sáu, anh tôi dời chỗ ở từ khu nhà dành cho đàn bà trẻ con sang bên phía tư thất dành cho cha tôi. Anh tôi cho rằng lui tới thăm nom đàn bà con gái là điều xấu hổ, còn chính mẹ tôi cũng chẳng muốn anh tôi lui tới chỗ đàn bà con gái nữa.
Tự nhiên là tôi không được phép bén mảng đến khu nhà của đàn ông. Thời gian đầu khi anh em tôi mới xa nhau, một buổi tối, tôi nương bóng đêm lần mò đến tận bờ rào hình bán nguyệt nhìn sang khu nhà dành cho đàn ông. Tôi núp vào tường, đưa mắt nhìn khoảng sân bên kia bờ rào, mong thấy anh tôi ngoài vườn. Nhưng tôi chỉ thấy lũ gia nhân bưng thức ăn bốc khói vội vã bước đi mà thôi. Khi chúng mở cửa tư thất cha tôi, tiếng cười tiếng nói từ bên trong vọng ra chen lẫn với một giọng hát đàn bà trong trẻo và cao vút. Khi cánh cửa nặng nề khép lại, chỉ còn trơ lại cảnh vắng lặng tịch mịch của hoa viên.
Tôi đứng ở đó lâu lắm rình nghe tiếng cười hể hả của thực khách, hy vọng phân biệt được tiếng cha tôi lẫn trong cảnh vui vẻ ấy. Bỗng nhiên có người kéo cánh tay tôi. Thì ra vú Vương, người nô tì thứ nhất của mẹ tôi. Vú nói lớn:
"Nếu tôi còn bắt gặp tiểu thơ ở đây lần nữa, tôi sẽ mách bà. Đàn bà con gái dù có hạng tiện dân chăng nữa, có ai lại đứng rình nhìn lén đàn ông như thế bao giờ!"
Tôi xấu hổ quá, nói láp dáp:
"Đâu có, tôi tìm anh tôi mà"
Vú Vương nói chắc nịch:
"Anh của tiểu thư bây giờ cũng là người lớn rồi."
Thế là tôi đành họa hoằn lắm mới được gặp anh tôi.
Nhưng tôi nghe nói anh tôi ham học tập và sớm đạt được nhiều tiến bộ với bộ Tứ Thư và Ngũ Kinh, đến nỗi cha tôi đành phải chiều theo ý anh tôi, cho phép anh theo học một trường ngoại quốc ở Bắc Kinh. Vào lúc sắp cưới vợ, anh tôi đang theo học trường Đại học quốc gia Bắc Kinh, và trong thư từ gửi về nhà, anh tôi cứ khẩn nài xin phép được sang Mỹ du học. Thoạt tiên song thân tôi không bằng lòng, mẹ tôi thì quyết liệt bài bác. Nhưng cha tôi vốn không thích chuyện rắc rối phiền phức nên tôi biết rằng nếu anh tôi cứ van nài mãi, rốt cuộc cha tôi cũng cho anh tôi du học để tránh bực mình.
Trong hai lần bãi trường về nhà trước khi tôi đi lấy chồng, anh tôi cứ nói đến cuốn sách gì đó mà anh gọi là "khoa học". Mẹ tôi bực lắm, vì người cho rằng những kiến thức Tây phương như thế chẳng đắc dụng gì cho cuộc sống một nhà nho Trung Hoa cả. Lần cuối cùng về nhà, anh tôi ăn mặc như một người ngoại quốc, khiến mẹ tôi hết sức phật ý. Khi anh tôi bước vào nhà với dáng dấp như mới từ nơi xa lạ nào về, mẹ tôi đập cây gậy trúc xuống nền nhà, quát:
" Cái thói ở đâu ra vậy? Từ rày về sau, con chớ bao giờ ra trình diện mẹ với bộ đồ quái gở như vậy nữa, nghe chưa!"
Vậy thì anh tôi buộc lòng phải mặc bộ quốc phục như cũ. Tuy nhiên, anh tôi cũng cứng đầu tiếp tục mặc bộ Âu phục hai ngày nữa, đến lúc cha tôi rầy mắng, anh tôi mới đành chịu phép. Mẹ tôi nói đúng. Mặc quốc phục Trung Hoa, anh tôi có vẻ oai phong đúng mức sinh viên; chứ còn mặc bộ quần áo kỳ cục nọ, anh chẳng giống bất luận một ai trong gia đình tôi từ xưa đến nay.
Ngay như trong hai lần bãi trường về nhà ấy, anh tôi cũng ít trò chuyện với tôi. Tôi không biết loại sách gì, vì không phải loại quốc ngữ. Vả lại tôi bù đầu lo bao nhiêu công việc chuẩn bị đám cưới tôi.
Trong những lúc họa hoằn lắm anh em tôi trò chuyện với nhau, hiển nhiên anh tôi không hề nói tới việc vợ con gì cả. Nói chuyện vợ con như thế giữa một thanh niên và một thiếu nữ là không phải phép. Tuy nhiên bọn nữ tỳ nghe lén nói lại cho tôi biết rằng anh tôi bướng bỉnh nhất định không chịu cưới vợ mặc dầu mẹ tôi đã tìm cách định ngày cử hành hôn lễ. Mỗi lần như thế, anh tôi lại khẩn nài cha tôi dời ngày cưới lại để cho anh tôi tiếp tục học tập. Tự nhiên là tôi được biết việc anh tôi hứa hôn với thiếu nữ nhà họ Lý, một gia đình giàu có và địa vị cao trong tỉnh. Ba đời trước đây, vị trưởng tộc gia đình họ Lý và vị trưởng tộc gia đình tôi làm tri huyện hai huyện kế cận nhau trong cùng một tỉnh.
Chúng tôi chẳng biết mặt mũi cô dâu ra làm sao cả. Đó là chuyện dĩ nhiên. Nội vụ đã được cha tôi hoàn tất ngay từ khi anh tôi chưa đầy một tuổi. Gia đình tôi cũng chẳng hề ai nói đến bà chị dâu tương lai của tôi cả. Có một lần tôi nghe vú Vương nói chuyện với các ả nô tỳ khác như sau:
"Có điều đáng tiếc là tiểu thơ nhà họ Lý lớn hơn công tử nhà mình những ba tuổi. Người chồng phải hơn người vợ cả về mọi mặt, kể cả về tuổi tác. Được cái gia đình ấy giàu có và thuộc hàng danh gia vọng tộc lâu đời, và…" Chợt thấy tôi, vú Vương nín bặt, tiếp tục công việc.
Tôi không hiểu vì sao anh tôi không chịu lấy vợ. Bà thiếp thứ nhất của cha tôi cười giòn khi hay tin ấy, bà nói lớn:
"Chắc cậu ấm nhà mình phải lòng một ả Mãn Thanh xinh đẹp nào ở Bắc Kinh rồi."
Nhưng tôi nghĩ anh tôi chỉ say mê sách vở mà thôi.
Thế là tôi cứ cô đơn lớn dần lên trong khu nhà dành riêng cho nữ giới.
Đành rằng có lũ con các bà thiếp của cha tôi, nhưng tôi biết mẹ tôi chỉ coi lũ em một cha khác mẹ ấy của tôi như những miệng ăn phải nuôi thêm, khi bà phân phát hằng ngày phần gạo, dầu và muối. Ngoài ra mẹ tôi chỉ còn lo nghĩ đến chúng là khi đặt mua số vải xanh trơn cần đến để may quần áo cho chúng mà thôi.
Còn các bà thiếp của cha tôi, thật ra là những người thất học, cứ gây gổ với nhau về đủ mọi chuyện và tỏ ra ghen tức gay gắt về mức độ các bà ấy được cha tôi sủng ái. Lúc đầu thì nhan sắc các bà ấy gợi được khoái cảm nơi cha tôi, nhưng nhan sắc ấy cũng at2n lụi đi mau chóng như hoa xuân người ta đem hái chưng vậy, và khi nhan sắc ấy phai tàn thì lòng mến chuộng của cha tôi cũng tàn lụi theo. Nhưng làm như các bà thiếp không hề biết mình xấu đi và trước khi cha tôi ghé thăm các bà cứ bỏ đi rất nhiều thì giờ để tô điểm phấn son, thay đổi quần áo là lượt. Cha tôi cho tiền các hầu thiếp vào những ngày lễ hoặc khi cha tôi đánh bạc ăn. Các bà thiếp cứ tiêu hoang món tiền vào bánh kẹo và rượu trà, rồi đến lần sau cha tôi ghé thăm không cho gì cả, các bà thiếu tiền đâm ra vay mượn lũ nô tỳ để mua hài mới, trâm cài tóc. Lũ nô tỳ khinh rẻ các bà thiếp kho6nh còn được cha tôi sủng ái nữa, nên tha hồ cho vay ăn lời.
Bà thiếp thứ nhất là một bà mập ú nú, chỉ được cái có đôi tay nhỏ và đẹp khiến bà ta mãn nghuyện rất nhiều. Bà ta rửa tay trong dầu, thoa phấn hồng lợt lên lòng bàn tay và sơn móng tay đỏ tươi. Sau đó bà ta sức nước hoa mộc lan lên bàn tay.
Có khi mẹ tôi đâm bực về sự kiêu hãnh trống rỗng ấy của người thiếp nọ và mẹ tôi ranh mãnh nhờ bà ta giặt giũ chút ít quần áo hoặc vá may. Bà thiếp thứ nhất ấy không dám cãi lời, nhưng khóc thầm và than thở lén lút với các bà thiếp khác rằng mẹ tôi ghen với bà ta và muốn hủy hoại nhan sắc của bà ta.
Từ lâu rồi cha tôi không còn lưu luyến gì với bà thiếp ấy nữa, nhưng vẫn cho tiền mỗi lần ghé ngủ đêm tại nhà bà ta để cho bà ta khỏi la lối trách móc om sòm khiến cha tôi bực mình. Vả chăng cha tôi cũng có ý nể bà ta, vì bà ta đã có hao đứa con trai với ông.
Hai đứa bé này giống mẹ và chỉ ăn uống suốt ngày. Chúng dung những bữa ăn thịnh soạn cùng với con của các bà thiếp khác, nhưng sau đó lần xuống khu nhà của nô tỳ để giành phần thức ăn dư. Chúng phải khôn khéo ghê lắm, sợ mẹ tôi biết vì mẹ tôi ghét nhất là cái tật tham ăn. Chính mẹ tôi chỉ dùng một chén cơm với ít cá khô và một miếng nhỏ thịt gà hoặc vịt nguội và một hớp trà ướp hoa nữa là xong bữa.
Bà thiếp thứ nhất của cha tôi lại còn cái thói sợ chết nữa. Bà ta ăn rất nhiều bánh mè trộn đường và dầu, rồi đến khi ngã bệnh, bà ta gọi mấy ông thầy cúng đến và hứa tặng lược cẩn ngọc nếu thần thánh chữa khỏi bệnh cho bà ta. Mạnh rồi, bà ta lại ăn bánh mè và quên lời hứa.
Người thiếp thứ nhì là một người đàn bà ủ rũ, ít nói và ít chú ý đến cuộc sống gia đình. Bà ta có năm đứa con, gồm bốn gái, một trai. Vì chỉ có một đứa con trai, bà ta lại càng buồn rầu hơn nữa. Bà ta chẳng thiết gì đến bốn đứa con gái. Chúng bị bỏ rơi hoàn toàn và chỉ được coi như lũ gia nô chúng tôi mua về làm công việc nhà. Suốt ngày bà ngồi ở một góc sân có ánh nắng, vạch vú cho đứa con trai bú. Thằng bé xanh xao, ba tuổi rồi mà chẳng biết nói biết đi, suốt ngày chỉ nhai cặp vú mướp của mẹ.
Bà thiếp thứ ba là người mà tôi ưa hơn hết. Nàng vốn là một vũ công sống ở Phúc Châu, tên là Lã Mai, và nàng cũng xinh đẹp như đóa hoa mai nở cánh ửng hồng trên cành cây trụi lá mùa xuân. Nàng cũng mảnh dẻ như cánh mai tai tái hồng hồng. Nàng không tô má hồng như các bà thiếp khác, chỉ vẽ cho đậm thêm đôi chân mày mỏng và điểm một chút hồng lên vành môi dưới mà thôi. Lúc cha tôi mới rước nàng về, chúng tôi ít gặp mặt nàng vì cha tôi hãnh diện có một hầu thiếp đẹp nên đi đâu cũng dắt nàng theo.
Tuy nhiên nàng ở nhà với chúng tôi suốt năm cuối cùng trước khi tôi về nhà chồng. Đó là vì nàng mang thai đứa con đầu lòng: thằng bé rất dễ thương, đẹp và bụ bẫm. Nàng bồng đứa bé đặt vào lòng cha tôi, gọi là đền đáp lại công ơn cha tôi đã bao bọc, yêu thương nàng.
Trước khi đưá bé chào đời, tâm thần nàng bấn loạn dữ lắm, và nàng cứ cười sằng sặc mỗi ngày. Thiên hạ ai nấy đều tấm tắc khen nhan sắc nàng, mà quả thật tôi chưa hề thấy người đàn bà nào đẹp như nàng. Nàng mặc áo gấm màu ngọc thạch, viền nhung đen, tai đeo bông ngọc thạch. Nàng hơi coi thường hết thảy chúng tôi, tuy nàng vẫn phân phát cho chúng tôi khá nhiều kẹo bánh người ta tặng nàng tối tối, khi nàng cùng cha tôi dự các bữa yến tiệc. Chính nàng lại ăn rất ít. Nàng chỉ dung một miếng bánh mè vào buổi sáng, lúc cha tôi rời khỏi nhà nàng, và đến trưa nửa chén cơm với miếng măng hoặc miếng thịt vịt muối. Nàng thích những loại rượu lạ. Nàng nào nỉ cha tôi mua loại rượu vàng lợt nổi bọt từ đáy chai. Uống vào, nàng cười nói tươi tính hẳn lên khiến cha tôi rất hả hê và cha tôi mời nàng múa hát cho ông thưởng thức.

*

Trong khi cha tôi vui chơi thỏa thích, mẹ tôi ngồi trong phòng riêng đọc các điều giáo huấn của Khổng Tử. Riêng tôi tò mò muốn biết những gì xảy ra trong buổi dạ hội ấy, và tôi nhìn qua khe cửa hình vành trăng sang bên phòng đàn ông, tuy tôi biết mẹ tôi nghiêm cấm và tôi xấu hổ về sự lén lút của mình.
Một buổi tối, tôi lén mò đến tận bờ rào nhìn sang nhà cha tôi. Tim tôi đập mạnh khi thấy cánh cửa lớn mở rộng và hàng trăm ngọn đèn lồng tỏa ánh sáng vào trong không khí êm đềm. Trong nhà, nhiều người ngồi ăn uống quah những cái bàn vuông. Bọn gia nhân hấp tấp lui tới mang thức ăn. Đứng sai mỗi ghế là bóng dáng một người đàn bà mảnh mai như liễu. Chỉ có duy nhất một người đàn bà duy nhất được ngồi vào bàn tiệc bên cạnh cha tôi, đó là Lã Mai. Tôi thấy rõ rang nàng cười, gương mặt rạng rỡ như một cánh hoa bằng sáp khi nàng quay lại nhìn cha tôi. Nàng mấp máy đôi môi nói thầm gì đó với cha tôi, và thế là đám thực khách đàn ông cười rộ lên. Nụ cười của Lã Mai không nở tung ra, cứ giữ nguyên vẻ dịu nhẹ và tế nhị.
Lần này thì chính mẹ tôi bắt gặp tôi tại trận. Ít khi bà ra khỏi nhà, dù cho là đi dạo trong hoa viên, nhưng đêm ấy trời nóng bức đã lôi cuốn bước chân bà ra ngoài sân, và đôi mắt sắc sảo của bà đã nhận ra tôi ngay. Bà ra lệnh cho tôi phải trở về phòng tôi ngay lập tức, và bà đi theo vào trong nhà, dùng chiếc quạt giấy xếp lại đánh vào lòng bàn tay tôi mấy cái, đoạn khinh bỉ hỏi tôi có phải tôi muốn xem bọn gái đĩ giở trò ong bướm hay chăng. Tôi xấu hổ quá, khóc ròng.
Tuy vậy mẹ tôi vẫn đối xử tử tế với bà thiếp thứ ba của cha tôi. Bọn nô tỳ khen mẹ tôi là người đàn bà rộng lượng, nhưng tôi nghĩ rằng các bà thiếp lại muốn mẹ tôi xử sự độc ác như các bà chánh thất vẫn thường làm đối với các bà vợ bé của chồng. Có lẽ mẹ tôi đã đoán được việc xảy ra sau này.
Sau khi hạ sanh đứa con xong, bà thiếp thứ ba nghĩ cha tôi lại cho nàng đi theo như cũ. Cho nên nàng không cho con bú, sợ làm hỏng sắc đẹp của mình đi. Nàng giao con cho một gia nhân to lớn có đứa con gái mới sinh mà yểu tử. Thằng bé đêm ngủ với bà vú, ngày nằm trong tay bà vú. Mẹ nó gần như chẳng nghĩ gì đến nó, cho nó mặc quần áo đẹp những ngày lễ, đi giày cho nó và đùa giỡn một lát với nó. Thằng bé vừa khóc là nàng vội vàng trả lại cho người vú.
Đứa con trái ấy không giúp nàng được cha tôi sủng ái thêm. Dù cho đã làm tròn nhiệm vụ sanh con trai nối dòng vẫn còn chưa đủ, cũng như mọi người phụ nữ khác chúng tôi, nàng còn phải mỗi ngày mỗi tìm cách thu hút giác quan của cha tôi nữa, bằng những mẹo riêng. Nhưng sự khéo léo của nàng không còn đủ hiệu lực nữa. Nàng kém đẹp hơn hồi nàng chưa có con. Gương mặt trắng như ngọc của nàng đã xụ xuống vừa đủ để làm tan biến nhan sắc mơn mởn đào tơ thưở nào. Nàng mặc áo gấm màu cẩm thạch, nàng thốt lên những tiếng cười dịu dàng. Cha tôi dường như hài lòng về nàng hôn bao giờ hết. Duy có điều là ở chuyến đi xa đầu tiên của người, cha tôi không cho nàng cùng đi theo.
Nỗi ngạc nhiên và giận dữ của nàng thật là ghê gớm.
Trong th6am t6am thích thú, nhưng ngoài mặt, các bà thiếp khác vẫn làm ra vẻ an ủi nàng bằng nụ cười, tiếng nói. Mẹ tôi đãi ngộ nàng tử tế hơn nữa. Tôi nghe vú Vương giận dữ cằn nhằn:
"Thấy chưa! Bây giờ lại có thêm một miệng ăn hại nữa phải nuôi. Ông ấy chán con nhỏ này rồi".
Kể từ hôm ấy, bà thiếp thứ ba của cha tôi cứ rũ người xuống. Quá bực bội về kiếp sống nhàm chán của cảnh hầu thiếp bị bỏ rơi, nàng trở thành cáu kỉnh và thường nổ ra những cơn thịnh nộ ầm ĩ. Quen cảnh yến tiệc, quen thói được đàn ông nuông chiều, nàng đắm mình vào trong buồn tủi, và sau này lại còn toan quyên sinh nữa. Nhưng đó là sau khi tôi về nhà chồng kia. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng chúng tôi kéo dài một cuộc sống vô vị, buồn thảm trong nhà. Trái lại, chúng tôi rất sung sướng, và nhiều người lân cận thèm thuồng địa vị của mẹ tôi.
Cha tôi trọng nể óc thông minh và khiếu điều khiển việc nhà của mẹ tôi. Về phần mình. Mẹ tôi chẳng hề trách móc cha tôi lấy một lời.
Cứ thế, cha mẹ tôi sống trong cảnh đường bệ, yên vui.

*

Chao ôi là căn nhà yêu dấu của tôi! Cả thời thơ ấu trải dài trải dài trước mặt tôi với bao nhiêu hình ảnh lung linh trước ánh lửa hồng: hoa viên vào buổi tinh sương tôi nhìn sen nở trong hồ và những bông mẫu đơn nở ngoài hiên; những căn phòng với đám trẻ con vui đùa dưới nền nhà; những ngọn nến lung linh trước bàn thờ ông Táo; căn phòng riêng của mẹ tôi với gương mặt khắc khổ nghiêng nghiêng xuống trang sách và cái giường lớn phủ rèm kê ở cuối phòng.
Nhưng căn phòng khách lộng lẫy mới là nơi tôi thương nhớ nhất, với dãy sập gụ và ghế bành bằng gỗ mun, cái bàn dài chạm trổ tinh vi và những bức màn cửa bằng xa-tanh đỏ chói. Bức chân dung Đức Cao Tổ nhà Minh ngự trị trên mặt bàn với gương mặt uy nghi và chiếc cằm vuông như tạc trong đá. Hai bên bức chân dung là những lá số bằng vàng. Cuối phòng là một hàng cửa sổ mắt cáo. Đến trưa, ánh sáng xuyên qua lớp rèm bằng giấy bằng giấy bản hắt vào phòng khách một thứ ánh sáng dìu dịu như ánh trăng soi rọi đến tận lớp kèo cột chạm trổ sơn son thếp vàng.
Ngồi tại căn phòng thờ tổ tiên mà nhìn ánh chiều tà tắt dần trong khi bóng tối tịch mịch dâng lên, tôi cứ mường tượng như mình đang nín nghe một khúc nhạc ru êm vậy.
Đến ngày mùng hai tết là ngày được hàng mạng phụ phu nhân chọn làm ngày đi chúc mừng nhau năm mới, căn phòng khách vui nhộn hẳn lên một cách trang trọng. Một đoàn phu nhân ăn mặc sang trọng nối gót nhau nghiêng mình bước vào bên trong căn phòng cổ kính ánh sáng mờ mờ. Đèn nến được thắp sáng lên, tiếng cười tiếng nói thoát ra theo đúng cốt cách nghiêm chỉnh của hàng trâm anh thế phiệt. Đám gia nô bưng ra những khay bánh mứt bằng sơn mài. Mẹ tôi ngồi tiếp khách với vẻ lịch thiệp nghiêm trang. Từ hàng trăm năm nay, những hàng cột kèo trong phòng vẫn chứng kiến y nguyên một cảnh tượng cũ: những mái tóc đen, quần là áo lượt màu lam, lược giắt trâm cài cẩn ngọc xanh ngọc trắng và những bàn tay thon nhỏ ngọc ngà.
Chao ôi là căn nhà yêu dấu! Tôi có hình dung rõ được tôi ngày bé nắm chặt lấy tay anh tôi đứng nhìn người nhà làm lễ tống tiễn ông Táo, đốt ông Táo bằng giấy và những lễ vật làm hành trang về trời của ông. Người ta còn thoa mật lên môi ông Táo giấy nữa, để khi về trời ông chỉ tâu lên Ngọc Hoàng những lời ngon ngọt mà quên những chuyện cãi cọ giữa đám nô tì và những vụ ăn cắp vặt. Thưở ấu thơ ấy, anh em chúng tôi cung kính đến lặng người đi trước lễ tống tiễn sứ giả nhà Trời trở về trời.
Đến bây giờ tôi còn hình dung rõ được dịp Tết Trung thu tôi mặc tấm áo lụa hồng mới thêu cánh hoa đào, đứng ngồi không yên, thấp thỏm chờ cho đến tối để anh tôi dẫn tôi đi xem đám rước rồng trên sông. Tôi còn nhớ rõ đêm Trung thu năm ấy, bà vú già phải phì cười lên trước cảnh tôi mừng quýnh run run đốt ngọn nến hồng trong chiếc đèn lồng tròn như quả bóng. Tôi còn nhớ rõ tôi bước chân chậm bên cạnh mẹ tôi, đi về phía ngôi đền lớn. Tôi đứng nhìn mẹ tôi trút trầm vào lư hương. Tôi cung kính quỳ xuống bên cạnh mẹ tôi, trước tượng Phật, mà lòng run sợ trước cảnh tôn nghiêm.
Chị thử nghĩ xem, tôi được dưỡng dục suốt bao năm ròng như thế thì làm sao tôi thích ứng với người đàn ông hiện giờ là chồng tôi cho được? Bao nhiêu cái tài cái khéo của tôi chẳng giúp ích được gì cho tôi cả. Tôi thầm nhủ rằng tôi sẽ mặc tấm áo bông ngự hàn bằng lụa xanh với hàng nút đen viền bạc. Tôi sẽ giắt hoa lài lên mái tóc và tôi sẽ đi đôi hài nhọn mũi bằng xa-tanh đem thêu chỉ tơ xanh. Nhưng đến khi đối diện với chồng tôi, chồng tôi chưa kịp nhìn lướt qua tôi lấy một chút, đã vội quay tầm mắt đi nơi khác, nhìn vật khác – nhìn xấp thư từ trên bàn, cuốn sách – và thế là chàng quên hẳn tôi mất rồi.
Tôi sợ lắm, một nỗi sợ dằn vặt cứ gặm nhấm mãi tâm can tôi. Tôi còn nhớ rõ cái ngày trước hôm cử hành hôn lễ cưới tôi. Ngày hôm ấy, mẹ tôi tự tay thảo vội hai lá thư, một cho cha tôi, một cho bà mẹ chồng tương lai của tôi và truyền cho người lão bộc đem thư đi ngay.
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi băn khoăn lo ngại như thế. Cũng ngày hôm ấy, tôi nghe được bọn nô tì xầm xì rằng người chồng chưa cưới củ tôi toan hồi lễ cưới, bởi vì tôi thất học và đôi chân tôi bó nhỏ. Tôi òa lên khóc nức nở khiến đám nô tì hoãn sợ thề sống thề chết rằng việc xảy ra đến không phải cho tôi mà là cho ái nữ của bà Tào thị.
Nhưng đến bây giờ hồi tưởng lại chuyện cũ ấy, tôi vẫn còn thấy xót xa trong lòng. Biết đâu không phải là tôi? Bọn nô tì xưa nay vẫn quen nói láo! Tuy nhiên nào tôi đâu có thất học cho cam. Tôi đã được giáo dục kỹ lưỡng về mọi việc trong nhà và về cách ăn mặc trang điểm cho bản thân tôi. Còn đôi bàn chân của tôi, hiển nhiên là không một ai lại thích chúng ô dề kệch cỡm như đôi chân của hạng con gái tá điền. Không, không phải tôi – chắc chắn không phải bọn nô tì nói về tôi đâu!