Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 5

     hị chưa mệt đấy chứ? Tôi nói tiếp chị nghe nhé.
Tôi mới vắng nhà chẳng bao lâu, vậy mà khi bước qua cánh cổng quen thuộc, tôi mường tượng như đã trải qua hàng trăm lần trăng khuyết kể từ hôm tôi ra khỏi cổng bước lên kiệu hoa về nhà chồng. Lúc ấy lòng tôi tràn ngập bao nhiêu vui buồn lẫn lộn. Hôm nay đây là gái có chồng trở về nhà cha mẹ với mái tóc bới sau ót thay vì thắt bím và mặt không còn phủ mảnh khăn mỏng cô dâu nữa, tôi biết rõ rằng tôi vẫn còn là con gái trinh nguyên, duy chỉ có điều khác trước là bây giờ đây tôi phập phồng lo sợ hơn trước, cô đơn hơn trước và ít tự tin hơn nhiều.
Mẹ tôi chống gậy trúc bịt bạc bước ra tận sân trước đón tôi. Tôi thấy bà có vẻ mệt mỏi, già nua hơn trước, chắc hẳn bởi vì tôi không mỗi ngày mỗi gặp bà. Nhưng tôi để ý thấy nét mặt buồn rầu trong ánh mắt mẹ tôi, cho nên sau khi nghiêng mình thi lễ, tôi nắm chặt lấy bàn tay mẹ tôi. Bà đáp lại bằng cách siết nhẹ lấy tay tôi, rồi hai mẹ con tôi sánh bước vào sân trong.
Mới chẳng bao lâu mà cái gì cũng mới lạ trước mắt tôi, như vừa trải qua một thay đổi lớn. Vậy mà mọi vật trong nhà vẫn đâu vào đó, gọn gàng, trật tự như thường lệ, ngoài những tiếng cười của lũ con mấy bà thiếp và nỗi mừng rỡ của lũ nô tỳ lăng xăng chạy ra chào hỏi tôi. Ánh nắng vào thu trải dài trên dãy tường phủ hoa, trên hàng cây kiểng và hòn non bộ. Cửa ra vào, cửa sổ song mắt cáo mở rộng cánh vào buổi trưa đón ánh nắng ấm. Ánh sáng xuyên vào trong nhà thành những đốm dài trên bàn ghế.
Tôi vẫn biết chỗ của tôi không còn ở đây nữa, nhưng hồn tôi vẫn thoải mái nhẹ nhàng trong căn nhà quen thuộc suốt thời thơ ấu.
Chỉ thiếu một gương mặt người. Tôi hỏi:
"Bà thiếp thứ ba đâu?"
Mẹ tôi gọi con hầu bỏ thuốc lào vào ống điếu cho mẹ tôi, đoạn dửng dưng đáp:
"Lã Mai ấy à? Mẹ cho cô ấy về quê thăm nhà để thay đổi khí hậu".
Cứ theo giọng nói của mẹ tôi, tôi hiểu rằng tôi không được tò mò hỏi thêm gì nữa. Nhưng đến khi tôi sửa soạn đi ngủ trong căn buồng thời niên thiếu của tôi, vú già Vương đến chải tóc và thắt bím cho tôi, đúng theo phong tục cổ truyền. Bà vú già nói đủ mọi chuyện, kể lại cho tôi nghe rằng cha tôi nghĩ đến việc lấy thêm một hầu thiếp nữa, người này là cô gái ở Bắc Kinh, lớn lên ở bên Nhật. Bà thiếp thứ ba biết được chuyện ấy, đã nuốt gọn vào bụng đôi bông tai quí bằng cẩm thạch. Suốt hai ngày đêm ròng rã bà ta chịu đau đớn cắn răng không nói gì cả, nhưng mẹ tôi vẫn khám phá ra được. Bà thiếp nằm hấp hối mặc dầu thầy lang già ra công chữa chạy. Một người hàng xóm nêu ý kiến đưa bà ta vào bệnh viện ngoại quốc, nhưng mẹ tôi cho rằng không nên. Chúng tôi chẳng biết gì về người ngoại quốc cả, mà người ngoại quốc cũng chẳng làm sao biết được chuyện đau ốm nơi một phụ nữ Trung Hoa. Thầy thuốc ngoại quốc biết bệnh tình của đồng bào họ vốn là những con người đơn giản, man ri, sánh sao được với người Trung Hoa văn hóa cao. Anh trai tôi có mặt ở nhà lúc đó nhờ gặp dịp Tết Trung Thu, bèn đi gọi một bà bác sỹ ngoại quốc. Bà này đem đến một dụng cụ kỳ lạ cắm vào một cái ống dài, thọc sâu vào cổ họng bà thiếp thứ ba. Thế là đôi bông tai vọt ra. Mọi người hầu đều ngạc nhiên, duy chỉ có bà bác sỹ nọ thản nhiên xếp dụng cụ lại ra về.
Các bà thiếp khác nổi giận vì bà thiếp thứ ba lại nhè đôi bông cẩm thạch mắc tiền nhất mà nuốt vào bụng. Bà thiếp thứ nhất nói: "Sao không nuốt cái quẹt diêm mua mười xu, có phải gọn hơn không."
Bà thiếp thứ ba chẳng biết trả lời ra làm sao. Hình như trong suốt thời gian dưỡng bệnh, không ai thấy bà ta ăn và bà cũng chẳng nói gì cả. Bà cứ nằm ì trong giường phủ rèm kín mít. Từ ngày tự vẫn không chết, bà ta dao động lắm. Mẹ tôi thương hại trả bà ta về quê cũ để tránh cho bà ta khỏi nghe tiếng bấc tiếng chì của các bà thiếp khác.
Nhưng những chuyện rắc rối như vậy chỉ là loại chuyện tầm thường, không được đem ra nói với mẹ tôi. Chỉ vì tôi tha thiết với gia đình tôi nên tôi mới tìm biết mọi việc xảy ra trong nhà qua lời lẽ của vú Vương mà thôi. Vú Vương ở trong gia đình tôi lâu lắm rồi nên biết rành mọi chuyện. Vú theo hầu mẹ tôi từ khi mẹ tôi rời nhà ông bà ngoại tôi ở tận Sơn Tây về làm vợ cha tôi. Chính vú Vương đỡ đẻ cho mẹ tôi, mỗi lần mẹ tôi nằm chỗ. Chừng mẹ tôi chết, vú Vương sẽ về nhà chị dâu tôi để lo chăm sóc lũ cháu nội của mẹ tôi.
Trong số bao nhiêu điều tôi được biết, chỉ vì một điều có vẻ quan trọng là ông anh tôi quyết định sang Mỹ học tập. Mẹ tôi không nói gì với tôi về việc ấy, nhưng vú Vương bưng nước nóng lên cho tôi rửa mặt sáng hôm tôi về nhà mẹ tôi, nói nhỏ cho tôi nghe rằng thoạt tiên cha tôi không chịu nhưng sau cũng bằng lòng, vì lúc bấy giờ có phong trào gởi con trai đi du học ngoại quốc và các bạn của cha tôi cũng làm như thế. Mẹ tôi buồn rầu khi biết được quyết định của cha tôi. Theo lời vú Vương kể lại, chưa bao giờ mẹ tôi buồn rầu đến thế trong đời bà, trừ cái hôm cha tôi rước bà thiếp đầu tiên về nhà. Khi biết anh trai tôi sắp đi du học, mẹ tôi bỏ ăn suốt ba ngày, chẳng nói năng gì với ai. Rồi không sao làm khác hơn được nữa, mẹ tôi nài nỉ anh tôi cưới cô gái đã hứa hôn với anh để nàng sanh cho bà đứa cháu nội. Mẹ tôi nói:
" Con đã không chịu hiểu rằng than con không thuộc về riêng con, con cứ đòi đi cho bằng được sang bên cái xứ man ri ấy mà không kể đến bổn phận của con đối với gia đình, thì ít ra con cũng phải lưu truyền lại huyết thống của ông bà tổ tiên để ví dù con có chết đi ở nơi xa xăm nguy hiểm ấy, ít ra mẹ còn có được đứa cháu nội nối dòng cho cha con".
Nhưng anh tôi đáp:
" Con không muốn cưới vợ. Con chỉ muốn học nhiều hơn nữa môn khoa học. Con sẽ mạnh giỏi luôn luôn, không có gì mẹ phải ngại. Đến chừng con học thành tài trở về sẽ hay, còn bây giờ thì không cưới xin gì cả".
Thế là mẹ tôi gửi thư gấp cho cha tôi, thúc cha tôi buộc anh tôi cưới vợ. Nhưng cha tôi lúc ấy đang bận lo toan rước cô thiếp mới về nên chẳng để ý gì đến việc nhà, và thế là anh tôi đã mãn nguyện.
Tôi đồng ý với mẹ tôi. Cha mẹ tôi chỉ còn lại anh tôi là con trai duy nhất. Vậy nên cần là anh tôi phải có đứa con trai nối dõi, thì mẹ tôi mới làm trọn nhiệm vụ với tổ tiên. Chính vì thế nên ngay từ ngày anh tôi còn bé dại, cha mẹ tôi đã đi hỏi cô con gái nhà họ Lý cho anh tôi. Tôi chưa hề biết mặt mũi cô ta ra làm sao cả. Theo lời thiên hạ xầm xì thì cô ta không được đẹp. Nhưng điều đó không quan trọng mấy so với ý định tìm cháu đích tôn nối dõi tông đường của mẹ tôi.
Trong nhiều ngày, tôi cũng buồn lây nỗi buồn của mẹ tôi, vì tôi thương mẹ tôi lắm. Mẹ tôi chẳng hề nói gì về việc đó. Việc này cũng như nhiều việc khác, mẹ tôi cứ chôn chặt trong lòng. Xưa nay mẹ tôi không hề cậy miệng hé môi than thở một lời nào về những u buồn bà xét ra không thể nào tránh được. Thế nên sống quanh quẩn giữa bốn bức tường nghiêm trong gia đình, quen với nết âm thầm chịu đựng của mẹ tôi, tôi cũng lần lần không nghĩ gì đến anh tôi nữa.

*

Tôi đã có bầu chưa và liệu tôi có hạ sanh cho nhà chồng đứa con trai nối dõi không? Đó là ý nghĩ đầu tiên tôi bắt gặp trong ánh mắt mọi người trong gia đình tôi. Ai cũng hỏi tôi câu hỏi ấy, nhưng tôi cố tránh trả lời, tôi chỉ gật đầu đón nhận những lời mọi người chúc tụng tôi đẻ con trai. Nào ai có ngờ chồng tôi không yêu tôi. Tuy nhiên tôi không giấu được mẹ tôi!
Về nhà được một tuần thì một buổi tối, tôi biếng nhác ngồi trong bong tối ở ngạch cửa nhìn ra sân trong. Bọn gia nô và con hầu nhộn nhịp dung bữa ăn tối. Mùi cá chiên, vịt nấu thoảng trong gió.
Trời bắt đầu tối hẳn, và quanh tôi những đoá cúc vàng rộn rịp hé nở. Thâm tâm tôi tràn ngập nỗi thương yêu căn nhà tổ phụ đến nỗi tôi đưa tay lên rờ vào cánh cửa chạm trổ. Tôi yêu từ cái cánh cửa ấy yêu đi. Ở bên trong lớp cửa ấy, tôi cảm thấy hoàn toàn được che chở, đến nỗi cả một thời thơ ấu của tôi qua đi mà tôi không hề hay biết. Cái gì đối với tôi cũng đượm nỗi niềm thiết tha trìu mến: từ ánh đêm phủ lên hàng mái nhà cong cong đến những ngọn nến bắt đầu loé sáng trong dãy phòng, từ mùi hành tiêu bốc lên từ những món ăn đến tiếng trẻ con cười nói và tiếng gót giày vải của chúng chạy sột soạt trên nền gạch vuông. Chao ôi! Tôi là ái nữ một gia đình danh giá lâu đời Trung Hoa với những tập tục cổ truyền với bàn ghế cổ kính, với bạn bè người thân một lòng một dạ. Thôi, thôi tôi cứ sống ở đây được rồi.
Tôi nghĩ đến chồng tôi. Đúng vào giờ phút này chồng tôi ngồi một mình trước bàn trong căn nhà kiến trúc theo kiểu ngoại quốc, mặc quần áo theo kiểu Tây phương, tôi thấy chàng sao mà xa cách tôi biền biệt về mọi phương diện: như vậy làm sao tôi thích ứng được con người tôi với cuộc sống của chàng? Chàng không cần đến tôi chút nào. Họng tôi nghẹn lại bởi những tiếng nức nở tôi không dám thốt ra vì sợ để lộ cho người chung quanh biết đựơc nỗi bất hạnh của tôi. Tôi cảm thấy mình cô đơn bao nhiêu, còn hơn cả khi tôi còn con gái. Thời còn con gái, tôi còn hy vọng ở tương lai. Bây giờ tương lai là thế đó, chỉ chứa toàn cay đắng. Nước mắt tôi cứ len lén trào ra, dù ý tôi không muốn khóc. Tôi quay mặt về hướng bóng tối ra ngoài sân, sợ ánh nắng nến soi lên má tôi khiến người nhà biết tôi khóc. Tiếng cồng vang lên và có tiếng người gọi tôi vào dùng bữa. Tôi lén chùi nước mắt rồi ngồi vào bàn ăn.
Mẹ tôi lui về phòng đi ngỉ sớm và các bà thiếp cũng về phòng riêng. Tôi đang ngồi uống trà một mình thì vú Vương hiện ra, nói:
"Lệnh bà truyền gọi tiểu thơ vào."
Tôi ngạc nhiên, nói:
"Hồi nãy mẹ tôi bảo bà muốn đi nghỉ sớm và cũng không ngỏ ý gì muốn nói chuyên với tôi cả."
Vú Vương lặp lại:
" Bà truyền cho tiểu thơ vào, tôi vừa mới ở phòng bà ra đây mà "
Nói rồi, vú bỏ đi.
Chờ cho vú đi khuất xa ở ngoài sân, tôi mới khoát tấm rèm cửa bằng xa-tanh và bứơc vào trong phòng mẹ tôi. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, thấy bà nằm trên giường và chỉ có một ngọn nến leo lét trên mặt bàn gần bên bà. suốt đời tôi chưa hề thấy mẹ tôi đi ngủ như thế bao giờ. Trông bà sao mỏng manh và mệt mỏi quá. Hai mắt bà nhắm lại và đôi môi tái nhợt. Tôi bước rất êm đến bên giường mẹ tôi và đứng chờ. Gương mặt mẹ tôi trầm ngâm và buồn lắm.
Tôi nói nho nhỏ:
"Thưa mẹ…"
Mẹ tôi đáp:
"Con đó à!"
Tôi ngập ngừng, không biết phải đứng hay ngồi cho vừa ý mẹ tôi. Lúc ấy mẹ tôi chìa tay ra dấu cho tôi ngồi xuống giường, bên cạnh bà. Tôi vâng lời ngồi xuống và im lặng chờ mẹ tôi lên tiếng. Tôi nghĩ thầm mẹ tôi buồn phiền vì anh tôi đang ở biền biệt miền xa.
Nhưng mẹ tôi không nghĩ đến anh tôi. Bà hơi nghiêng mặt lại phía tôi và nói:
"Con à, mẹ biết con có việc không vui. Từ ngày con trở về đây, mẹ để ý thấy con không có vẻ bình thản yên ổn như trước nữa. Tâm trí con xao xuyến và con hay khóc thầm. Làm như con có điều gì đau buồn mà con không thổ lộ ra được. Có chuyện gì vậy con? Phải chăng vì con chưa mang thai? Cứ bình tĩnh. Hồi mẹ mới về với cha con, những hai năm sau mẹ mới sinh đứa con đầu lòng".
Tôi không còn biết giải thích thế nào với mẹ tôi nữa. Một sợi tơ từ t6ám rèm giường rớt xuống, tôi vo tròn sợi tơ trong đầu ngón tay, cũng như tâm trí tôi đang rối như tơ vò vậy.
Cuối cùng, mẹ tôi nói hơi gắt:
"Nói đi con!"
Tôi nhìn mẹ tôi. Cổ tôi nghẹn lại. Nước mắt dâng lên, nghẹn ngào chận lấy cổ tôi khiến tôi không thốt ra được một lời nào, khiến tôi ngợp thở tưởng đâu chết đi được.
Tôi la lên:
" Con chẳng biết chồng con nói như vậy là nghĩa làm sao! Anh ấy có nói con phải là người bình đẳng với anh ấy, mà con thì chẳng biết phải làm thế nào! Anh ấy không ưa đôi bàn chân con, bảo rằng chân như vậy xấu lắm. Anh ấy vẽ hình ra thấy ghê quá! Con không biết làm thế nào anh ấy lại biết rõ được chân con như thế, vì chẳng bao giờ con cho anh ấy thấy bàn chân con cả!"
Mẹ tôi nhổm dậy, trợn tròn mắt trên khuôn mặt xanh xao, ngạc nhiên nói:
"Bình đẳng à? Như thế là nghĩa làm sao? Nó muốn nói gì vậy? Làm sao con lại bình đẳng với chồng con cho được?"
Tôi nói thút thít:
"Ở bên Tây phương, đàn bà bình đẳng với đàn ông."
"Đành rằng vậy, nhưng ở đây chúng ta là người lễ nghĩa thì phải khác chứ. Còn bàn chân con nữa. Tại sao nó lại vẽ bàn chân con là ngụ ý gì?"
"Là để chứng minh bàn chân con xấu".
"Chân con mà xấu? Chắc chắn là tại con hơ hỏng rồi. Mẹ đã cho con hẳn hai chục đôi hài. Con không lựa đôi thật đẹp mà mang hay sao?
"Chồng con không vẽ vóc dáng bên ngoài, mà vẽ những đốt xương cong queo của bàn chân con."
"Bậy nào! Ai mà trông suốt được vào đến tận xương bàn chân đàn bà bao giờ! Bộ đàn ông họ nhìn suốt qua được da thịt người ta hay sao?"
"Mắt chồng con thì trông được, vì anh ấy là bác sỹ Tây phương. Anh ấy bảo con như thế."
"Chu choa, tội nghiệp con tôi".
Mẹ tôi thở dài nằm xuống, lắc đầu tiếp:
"Hay là nó học được thuật phù thuỷ Tây phương …"
Tôi liền kể hết đầu đuôi mọi việc cho mẹ tôi nghe, cho đến cả những lời lẽ cay đắng này của tôi.
"Chồng con cũng chẳng tha thiết gì đên việc có đứa con trai nối dõi tông đường nữa. Con khổ lắm, mẹ ơi! Anh ấy không yêu con. Con vẫn còn là con gái!"
Tôi im lặng một hồi lấu, vùi đầu vào chăn. Hình như mẹ tôi đặt tay lên đầu tôi một lát. Tôi không dám chắc có phải như vậy không, vì xưa nay mẹ tôi là người ít biểu lộ tình cảm ra ngoài. Nhưng cuối cùng mẹ tôi ngồi dậy, nói:
" Mẹ tự xét không phạm sai lầm thiết sót nào trong việc dạy dỗ con suốt bao năm qua. Mẹ chắc chắn là con dư sức làm hài lòng một nhà nho Trung Hoa chân chính. Lẽ nào con lấy phải tấm chồng man ri sao? Chồng con rõ rang thuộc dòng nhà họ Cung mà. Quả thật có ai học được chữ ngờ. Chắc đó là tại những năm dài nó đi du học ngoại quốc đó. Mẹ đã khấn vái mãi rằng chẳng thà anh con nó chết tại đất nhà còn hơn mẹ phải thấy xuất ngạoi đến miền xa xứ lạ".
Mẹ tôi nhắm mắt lại, ngả lưng ra sau, gương mặt gầy của bà lại càng them xương xẩu. Khi mẹ tôi cất tiếng nói tiếp, giọng nói mẹ tôi cao hơn và yếu hơn, làm như mẹ đuối sức hụt hơi vậy.
"Con ơi, bất luận thế nào thì đã làm thân đàn bà con gái chỉ có một con đường phải theo trên cõi đời này mà thôi. Đó là phải làm sao cho vừa lòng đẹp ý chồng. Mẹ chắt chiu dưỡng dục con từ tấm bé đến giờ con mới được như ngày nay, bây giờ thì kết quả bao năm công khó của mẹ tan tác như vầy, mẹ khổ nhiều lắm. Nhưng con không còn thuộc về gia đình nhà ta nữa rồi, bây giờ con thuộc về chồng con. Không còn cách nào khác hơn cho con nữa là con phải làm theo ý muốn của chồng con. Tuy nhiên, con đừng hấp tấp, cứ chờ them một thời gian nữa xem sao. Cứ cố làm xiêu lòng chồng con nữa đi xem sao, cứ vận dụng thêm mọi cố gắng nữa đi. Con hãy mặc áo gấm màu lam viền đen, dùng nước hoa sen. Con hãy tươi cười, không phải trắng trợn, mà với vẻ e lệ nó hứa hẹn mọi điều. Thậm chí con cầm lấy tay chồng con giây lát. Khi thấy chồng con cười, con phải vui lên. Nếu làm hết như vậy rồi mà chồng con vẫn dửng dưng thì con đành phải tuân theo ý chồng con vậy".
Tôi nói nhỏ:
"Nghĩa là thôi không bó chân nữa?"
Mẹ tôi yên lặng một lát, đoạn nói với giọng mệt mỏi:
"Thì đành thôi không bó chân nữa. Thời thế thay đổi rồi. thôi, con lui ra ngoài cho mẹ nghỉ".
Và mẹ tôi quay mặt vào vách.