Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 6

     hị ơi, làm sao tôi bộc bạch cho chị biết được nỗi lòng nặng trĩu đau buồn của tôi?
Sáng sớm hôm tôi từ giã nhà mẹ tôi, trời xám và đứng gió. Lúc ấy vào tháng mười, lá úa bắt đầu rụng đầy sân và rặng tre rì rào vào lúc mặt trời lên cũng như khi chiều tà. Tôi đi dạo trong sân, cố nán lại lâu ở những nơi tôi hằng ưa thích để cho hình ảnh thân yêu in đậm thêm vào trong ký ức tôi. Đứng bên hồ, tôi lắng nghe gió vờn lũ búp sen già và lá sen úa. Tôi ngồi hàng giờ dưới cội tùng cong queo từ ba trăm năm nay ngự trị trong sân sau nhà tôi. Tại sân trước, tôi bẻ một cành hồng trúc điểm những ngọn lá xanh đậm đung đưa trước gió sớm. Tôi muốn đem theo về nhà một chút cảnh đẹp vườn hoa này nên tôi chọn tám bình bông cúc. Hoa cúc vàng trong bình mới vừa độ nở tung cánh, tôi nghĩ chúng sẽ đem lại ít nhiều thoải mái cho căn nhà chồng tôi lúc nào cũng trơn tru trống rỗng. Rồi tôi trở về nhà chồng tôi.
Khi tôi vào đến phòng tiền sảnh, tôi chẳng thấy chồng tôi đâu cả. Con hầu thưa rằng chồng tôi được mời đi từ sáng sớm chữa chạy cho một người bịnh khẩn cấp. Nó không biết chồng tôi đi đâu. Tôi chăm chú chưng cúc trong phòng khách, tìm cách chưng thật đẹp để khi về nhà chàng phải ngạc nhiên. Nhưng cặm cụi chưng hoa xong rồi, tôi lại thất vọng. Cây kiểng ở hoa viên cổ kính nhà cha mẹ tôi mỹ miều rạng rỡ khoe tươi bao nhiêu thì ở đây, giữa bốn bờ tường chật hẹp quét vôi trắng này, hoa cúc mất phần rạng rỡ sinh động, chỉ còn cái vẻ đẹp cứng ngắc giả tạo.
Cơ khổ! Đến ngay như bản thân tôi cũng như vậy nữa! Tôi mặc quần, mặc áo rộng bằng xa-tanh xanh, khoác thêm ra ngoài một cái áo choàng không tay nữa. Tôi giắt trâm ngọc lên mái tóc, đeo bông tai ngọc. Chân tôi đi hài nhung đen thêu kim tuyến. Tôi bắt chước Lã Mai, người thiếp thứ ba của cha tôi, cái cách không tô má hồng và chỉ thoa một chút son mỏng lên môi dưới mà thôi, và thoa phấn hồng thơm lên bàn tay. Tôi trang điểm cặn kẽ như thế để gặp lại chồng tôi tối nay sau nhiều ngày vắng nhà. Tôi nhận thấy tôi đẹp.
Trang điểm xong xuôi rồi, tôi ngồi chờ tiếng chân chồng tôi bước qua ngạch cửa. Phải chi tôi được khoát tấm rèm cửa bằng xa-tanh đỏ và xuất hiện trước mặt chàng dưới ánh vàng tế nhị một căn nhà Trung Hoa cổ kính, hẳn là tôi đã thành công. Nhưng tôi lại phải bước đi chập chững xuống thang lầu để tiến ra gặp chàng nơi phòng khách! Phòng khách trắng tóat, trống trơn, chẳng có gì tiếp tay tôi, phụ họa thêm vào nhan sắc của tôi. Tôi chỉ như mấy đóa cúc kia, đẹp thì có đẹp, nhưng thiếu hẳn phần duyên dáng.
Phần chồng tôi, chàng về trễ lắm, mệt mỏi hiện lên nét mặt. Phải chờ đợi mãi, nét tươi tỉnh của tôi cũng mất đi, và tuy chàng có thân ái đón mừng tôi thật đấy, nhưng chàng chẳng để ý đến con người tôi bao nhiêu, chàng thúc hối con hầu dọn ăn cho mau vì từ sáng đến giờ bận lo cho người bịnh, chàng chẳng ăn uống gì cả.
Vợ chồng tôi im lặng dùng bữa. Nước mắt tôi cứ chực trào ra, khiến tôi không sao nuốt được. Còn chàng, sau khi ăn vội chén cơm, chàng ngồi cau mày trước tách trà, chốc chốc lại thở dài. Cuối cùng chàng mệt mỏi đứng dậy, nói:
"Ta qua phòng khách".
Ngồi xuống ghế ở phòng khách, chàng hỏi thăm qua loa về cha mẹ tôi cho phải phép vậy thôi. Chàng chẳng chú ý gì đến câu trả lời của tôi, đến nỗi tôi ngập ngừng chẳng biết nói sao để lưu ý chàng và tôi đành làm thinh. Thoạt tiên chàng cũng không nhận ra tôi ngồi im nữa, đoạn chàng chợt hiểu và ôn tồn giải thích:
"Em đừng để ý gì đến tôi nhé. Em về đây, thật tình tôi mừng lắm. Nhưng suốt ngày nay tôi phải vật lộn với tệ mê tín dị đoan và ngu ngốc, cuối cùng tôi thua cuộc. Tôi khổ tâm về chuyện ấy lắm, cứ băn khoăn bứt rứt mãi không còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện khác nữa. Tôi cứ tự hỏi mãi: Mình đã làm hết mức chưa? Mình đã đưa ra hết mọi lý lẽ để thuyết phục họ chưa để cứu sống được họ? Tôi tin chắc tôi đã cố gắng hết sức, nhưng tôi đành thua cuộc!".
"Em có nhớ gia đình họ Lữ gần Tháp Canh không nhỉ. Người thiếp của gia chủ sáng nay treo cổ toan tự tử. Hình như bà ta không chịu nổi cái miệng chua ngoa độc địa của bà mẹ chồng. Người ta mời tôi đến gấp. Thật ra bệnh tình cũng còn có cơ cứu thoát được. Nàng mới vừa treo cổ thì người nhà đã hay biết rồi. Tôi liền bắt tay chạy chữa, thì một ông bác làm nghề bán rượu cũng vừa tới. Như em đã biết, ông Lữ chết rồi, cho nên người bác kia đứng ra làm trưởng tộc. Ông ta giận dữ bước vào, la lối om sòm, một hai nhất định chữa chạy cho người tự vận theo phương pháp cổ truyền. Ông ta sai người mời thầy pháp, gióng cồng gióng trống lên để gọi hồn bà thiếp nọ về. Người thiếp nằm bất tỉnh, nhưng cả nhà xúm lại dựng nàng quỳ gối dưới đất rồi lấy gòn và giẻ nhét vào mũi vào miệng nàng, lại quấn khăn quanh mặt nàng!".
Tôi nói:
"Thói tục thì xưa nay vẫn vậy mà. Gần hết ba hồn bảy vía người thiếp đã thoát đi rồi, nên phải bịt mũi, bịt miệng nàng để giữ phần hồn còn lại".
Chồng tôi rảo bước đi tới đi lui trong phòng để nguôi dần xao xuyến. Nghe tôi nói đến đó, chàng đứng khựng lại, trố mắt nhìn sát mặt tôi đến nỗi tôi nghe rõ nhịp thở dồn dập của chàng. Chàng giận dữ quát lên:
"Đến em cũng vậy nữa sao?".
Tôi bước lùi lại sau, nói nhỏ:
"Người thiếp có chết không?".
"Chứ sống làm sao được! Tôi bịt kín mũi miệng em lại một hồi lâu thì em có chết không?...".
Chàng giữ chặt hai cổ tay tôi trong một bàn tay chàng, tay kia bịt chặt khăn tay vào miệng và mũi tôi. Tôi vùng vẫy, giựt khăn tay ra. Chàng ré lên cười, giọng cười gay gắt như tiếng sủa dồn, đạon chàng ngồi xuống ghế, úp mặt vào hai bàn tay. Một cơn yên lặng phủ lấy vợ chồng tôi, nặng trĩu như một niềm đau hừng hực. Chàng chẳng trông thấy bông cúc tôi khổ công chưng trong phòng nữa!
Tôi hãi hùng và lo âu nhìn chàng. Co thể nào chàng có lý chăng?
Tối hôm ấy, tôi buồn rầu xếp nữ trang vào cái hộp bằng bạc và xếp quần áo xa-tanh lại. Những điều tôi được dạy dỗ và học tập đều sai cả. Tôi bắt đầu thấy như vậy. Chồng tôi không thuộc hạng người mà đàn bà có thể dùng nhục cảm để lôi cuốn khuất phục được. Cái vẻ mỹ miều của thân hình không đánh ngã được chàng. Tôi phải tìm cách khác để làm chàng xiêu lòng vậy. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi quay mặt vào tường nói giọng mệt mỏi:
"Thời thế thay đổi rồi".

*

Bất luận thế nào, tôi cũng không thể dễ dàng quyết định cởi bỏ lớp băng chân ra được. Thật ra bà Liêu đã giúp tôi làm việc ấy. Bà là vợ một giáo sư dạy tại một trường ngoại quốc mới mở. Tôi từng nghe chồng tôi nói đến bà Liêu như một bà bạn thân. Tôi trở về nhà được một ngày thì bà Liêu nhắn rằng nếu không có gì trở ngại cho tôi, bà ta sẽ đến thăm tôi ngày hôm sau.
Tôi chuẩn bị thật kỹ lưỡng vì đây là lần thứ nhất tôi tiếp khách từ khi về nhà chồng. Tôi sai con hầu đi mau sáu loại bánh khác nhau, hột dưa, kẹo mè và loại trà Tiên Vũ ngon nổi tiếng. Tôi mặc áo gấm hồng, đeo bông tai cẩm thạch. Trong thâm tâm, tôi xấu hổ về căn nhà của tôi. Tôi cứ sợ bà Liêu thấy căn nhà của tôi xấu và ngạc nhiên về cách thức trang hoàng nhà cửa của tôi. Tôi cứ mong chồng tôi vắng nhà để tôi bày lại bàn ghế theo lối cũ, để làm nổi bật chỗ ngồi của khách.
Nhưng chồng tôi lần này lại ở nhà. Chàng ngồi đọc sách và khi tôi bước vào, chàng ngước mắt nhìn lên mỉm cười. Tôi định bụng ngồi khoan thai trên ghế lúc bà khách bước vào, con hầu mở cửa đưa khách vào và tôi đứng dậy nghiêng mình thi lễ mời khách ngồi vào chỗ ghế long trọng nhất. Vì chồng tôi ở nhà, tôi không bày biện đồ đạc theo ý tôi được, và khi chuông reo chàng đích thân đứng dậy mở cửa! Tôi phật ý dữ lắm và quýnh quáng chẳng biết phải làm sao. Lúc ấy một giọng nói vui vẻ vẳng đến tai tôi và tôi đành ngước mắt nhìn ra phía tiền sảnh. Tôi bắt gặp ngay một chuyện lạ đời: Chồng tôi chụp ngay lấy bàn tay phụ nữ nọ mà lắc lia lịa, chẳng ra cái thá gì cả. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ.
Đột nhiên, nỗi ngạc nhiên của tôi tiêu tan và tôi cũng chẳng nghĩ đến bà khách lạ nữa, vì tôi vừa trông thấy nét mặt chồng tôi. Chao ôi! Chẳng bao giờ gương mặt chồng tôi lại hân hoan đến thế đối với tôi là vợ chàng! Thật chẳng khác gì chàng gặp lại người bạn thân thiết vắng bóng lâu ngày.
Chị ơi, phải chi chị có mặt ở đó lúc ấy để hướng dẫn tôi! Tôi chỉ cô độc một mình, không bè không bạn. Tôi chỉ còn biết khóc thầm, moi óc tìm xem nình thiếu sót những gì đến nỗi không vừa ý chồng.
Suốt thời gian bà khách ở đó, tôi chăm chú quan sát bà ta mà tự hỏi bà ta có đẹp không. Tuyệt không! Không xinh nữa, nói gì đến đẹp: bộ mặt rộng và đỏ, đầy vui vẻ, đôi mắt dễ thương nheo lại khi cười, nhưng tròn và long lanh giống như hột đá vậy. Nàng mặc tấm áo choàng ấm bằng nỉ trơn màu xám, phủ lưng chừng xuống cái váy bằng lụa đen không thêu hoa và đôi chân nàng đi giày y như đàn ông vậy. Tuy nhiên, giọng nói của nàng dịu dàng, nàng nói nhanh và dễ dàng, nàng mau tiếng cười, giọng cười lớn và ấm. Nàng nói chuyện rất nhiều với chồng tôi, trong khi tôi cúi đầu im lặng nghe.
Tôi chẳng hiểu chút gì về câu chuyện của hai người. Thỉnh thoảng họ điểm thêm một vài ngoại ngữ. Tôi chẳng hiểu gì cả, ngoại trừ tôi nhận ra nét hân hoan trong ánh mắt chồng tôi.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm, tôi im lặng ngồi bên chàng. Tâm trí tôi cứ bị ám ảnh bởi nét mặt chàng trong khi chàng tiếp bà khách nọ. Chưa bao giờ tôi được thấy nét mặt chàng linh động và rạng rỡ đến như vậy. Lời lẽ chàng cứ tuôn ra. Chàng cứ đứng trước mặt bà mà nói liên hồi, và cứ ở trong phòng khách suốt buổi, chẳng khác gì bà là đàn ông vậy.
Tôi đứng dậy, bước lại bên chàng. Chàng ngước mắt lên khỏi cuốn sách, nói:
"Gì đó em?"
Tôi nói:
"Xin mình nói chuyện cho em nghe về bà khách tới thăm hôm nay ".
Chàng dựa tay vào chồng sách và nhìn tôi với vẻ tư lự:
"Biết nói gì về chị ấy cho em nghe được? Chị ấy tốt nghiệp một trường đại học ở Tây phương gọi là Wassar. Chị ấy thông minh và có nhiều điểm đáng chú ý nơi một người đàn bà. Ngoài ra, lại có ba đứa con rất xinh, lanh lợi, sạch sẽ, ngoan ngoãn. Nhìn lũ con chị ấy mà phát thèm".
Chao ôi! Sao mà tôi ghét cay ghét đắng người đàn bà ấy đến thế. Tôi còn biết phải làm sao nữa để hài lòng chồng tôi?
-Mà người đàn bà ấy nào có xinh đẹp gì cho cam!
Tôi nói lí nhí trong miệng:
"Anh có thấy bà ta đẹp không?"
Chồng tôi đáp ngay:
"Đẹp chứ. Con người khỏe mạnh, biết điều, đôi bàn chân lành lặn, bước đi vững vàng".
Đôi mắt chàng lơ đãng nhìn vào khoảng không. Tôi đau đớn nghĩ thầm: đành rằng phận đàn bà phu xướng phụ tùy, nhưng làm sao tôi có thể cởi bỏ được thói tục từ nghìn xưa đặt ra dành cho đàn bà con gái, tuy mẹ tôi cũng đã có lần nói: "Vợ phải làm vừa lòng đẹp ý chồng".
Chồng tôi đăm chiêu ngồi đó. Tôi không biết chồng tôi nghĩ gì trong trí, nhưng có điều tôi biết chắc là: dù cho tôi có trau chuốt đến đâu đi nhữa, mặc áo gấm đào, bới tóc lên thật đẹp và có đứng nép sát vào chàng đến đâu chăng nữa, chàng vẫn không nghĩ đến tôi.
Thế là tôi cúi đầu xuống thấp hơn nữa, phó mặc thân tôi cho chàng và hoàn toàn chối bỏ dĩ vãng của tôi:
"Nếu mì!!!15030_4.htm!!! Đã xem 23557 lần.