Dịch giả: Nguyễn Sỹ Nguyên
Chương 7

     n lại ngày xưa, bây giờ tôi mới nhận ra rằng kể từ buổi tối hôm ấy, chồng tôi mới bắt đầu lưu tâm đến tôi.
Cho đến lúc ấy, vợ chồng tôi làm như chẳng có chuyện gì để nói với nhau cả. Tư tưởng chúng tôi không hề gặp nhau. Tôi ra công quan sát chàng mà ngạc nhiên chẳng hiểu gì cả. Còn chàng chẳng để ý đến tôi chút nào. Vợ chồng tôi nói chuyện với nhau như hai người xa lạ lịch thiệp, tôi thì rụt rè thưa thốt, còn chàng nói năng với cái vẻ cố tình lịch sự như thê tôi không là vợ chàng. Nhưng giờ đây tôi cần đến chàng, thì chàng mới nhận ra sự hiện diện của tôi, mới hỏi han tôi, để ý đến những câu trả lời của tôi. Phần tôi, niềm thương yêu tràn ngập trong lòng mạnh mẽ thêm, biến thành thiết tha rung động. Tôi không thể nào nghĩ được rằng một người đàn ông lại có thể cúi xuống bên người đàn bà âu yếm đến thế được.
Khi tôi hỏi chàng cách thức phải làm để thao gỡ băng chân ra, tôi đinh ninh chàng chỉ nói qua loa vài lời theo kiến thức thầy thuốc của chàng mà thôi. Tôi ngạc nhiên thấy chàng đích thân chạy đi lấy một thau nước nóng và một cuộn băng trắng. Tôi đỏ mặt lên. Tôi không thể nào chịu được để chàng trông thấy bàn chân tôi. Kể từ ngày tôi đủ lớn đế tự săn sóc lấy, tôi vẫn giấu kín đôi bàn chân mình. Toàn thân tôi nóng phừng phừng khi chàng đặt thau nước xuống đất và quì gối xuống.
Tôi nói lí nhí:
"Mình đứng dậy đi, để mặc em làm lấy một mình".
Chàng nói:
"Không sao đâu,em đừng ngại. Em nên nhớ tôi là y sĩ".
Tôi nhất định không nghe. Chàng nhìn thẳng vào mặt tôi, nghiêm trang nói:
"Quí Lan à, tôi biết vì tôi mà em đành phải làm việc này. Em hãy để cho tôi dốc toàn lực giúp đỡ em. Tôi là chồng em".
Tôi đành ưng thuận. Chàng cầm lấy chân tôi, nhẹ rút chiếc hài ra, lột vớ và tháo lớp băng quấn bên trong. Vẻ mặt chàng rầu rầu và nghiêm nghị. Chàng nói nho nhỏ, xúc động:
" Tội quá, như vầy đau lắm. Suốt bao năm niên thiếu em phải chịu như vầy mà nào có ích lợi gì đâu".
Nghe chàng nói, nước mắt tôi trào ra. Chàng cho rằng tôi hy sinh như thế là vô ích và nay lại bắt tôi phải chịu một hy sinh mới nữa!

*

Thật vậy, sau khi được ngâm rửa và băng trở lại bằng một lớp băng lỏng hơn, đôi chân tôi mới bắt đầu nhức không sao chịu nổi. Thật ra bàn chân quen bó chặt bây giờ được nới lỏng, cũng đau nhức như lúc bắt đầu bó. Bàn chân quen bị bó chặt từ lâu rồi, nay máu lại bắt đầu lưu thông làm bàn chân dài ra chút ít.
Suốt ngày hôm sau, mấy lần tôi lấy băng ra, tính siết chặt chân lại như cũ. Nhưng nghĩ đến chồng tôi về thấy vậy phiền lòng. Tôi lại cất băng đi. Tôi phải ngồi chồm hổm cho bớt nhức.
Khi có mặt chồng tôi ở nhà, tôi không còn bận tâm đến dáng dấp của tôi như trước nữa. Tôi không còn liếc nhìn vào trong gương xem tôi có giữ đựơc vẻ tươi trẻ và ăn mặc có chỉnh tề không nữa. tối đến, tôi nhức chân quá, không sao nín khóc được và đôi mắt tôi sưng lên. Có điều lạ là chồngt ôi dửng dưng khi dung nhan tôi tươi đẹp, nay lại xúc động trước cơn đau nhức của tôi. Chàng dỗ dành tôi như dỗ trẻ con, và trong cơn đau, tôi cứ níu chặt lấy chàng, tuy chẳng biết bám víu vào như thế để làm gì.
Chàng nói:
Cả hai vợ chồng mình chung chịu đau với nhau. Thấy em đau nhức như vầy tôi khổ lắm. Em cứ nghĩ rằng chúng ta chịu như vầy không phải cho riêng chúng ta mà thôi, mà còn cho người khác nữa: đây là một hành động phản kháng lại một hủ tục".
Tôi nức nở:
"Không, em chỉ làm như vầy là vì mình mà thôi, em muốn thàng người đàn bà tân tiến cho vừa ý mình".
Chàng cười. Gương mặt chàng sáng lên một chút như khi chàng nói chuyện với bà khách nọ, đó là phần thưởng cho cơn đau nhức của tôi. Từ đó về sau, cơn đau làm như không còn ác liệt như trước nữa

*

Mà thậy vậy, cùng với bàn chân ngày càng trở nên bình thường, tôi cũng cảm thấy thảnh thơi, thoải mái hơn. Tôi còn trẻ, nên bàn chân tôi chưa thành tật. Nơi những bà cụ già, bàn chân bó teo lại và có khi rụng đi nữa. Nhưng bàn chân tôi chỉ mới hơi đơ đơ thôi. Tôi bắt đầu đi đứng tự nhiên, lên xuống thang lầu dễ dàng hơn trước. Toàn thân thôi mạnh mẽ hơn xưa. Một buổi tối tôi vô ý vừa đi vừa chạy vào trong phòng chồng tôi đang ngồi viết. Chàng ngẩng đầu lên, ngạc nhiên và nụ cười tươi làm sáng lên gương mặt chàng.
Chàng nói lớn:
"Em chạy được rồi! Vậy là xong, qua được giai đọan khó chịu nhất rồi."
Chàng ngẩn ngơ nhìn đôi bàn chân tôi. Tôi nói:
"Nhưng bàn chân em chưa to bằng bàn chân bà Liêu, phải không?’.
Chàng đáp:
"Đúng vậy, bàn chân của bà ta là bàn chân nảy nở tự nhiên. Bàn chân em chỉ có thể lớn thêm ra được đến thế thôi".
Tôi hơi buồn vì chân tôi không giống như chân bà Liêu. Nhưng tôi đã có cách. Mấy đôi hài của tôi không dùng được nữa, tôi sẽ đi mua giày da mới giống như giày của bà Liêu. Ngay hôm sau, tôi cùng con hầu đến tiệm giày lớn theo ý tôi muốn. Đôi giày dài hơn chân tôi đến năm phân, nhưng tôi dồn bông gòn vào mũi giày thật cẩn thận. Đến khi đi giày vào, chẳng còn ai biết chân tôi từng bị bó nữa.
Tôi muốn cho bà Liêu thấy sự thay đổi nơi bàn chân tôi, tôi hỏi chồng tôi chừng nào đến thăm bà ta được.
Chồng tôi nói: "Ngày mai tôi đi cùng với em."
Tôi ngạc nhiên thấy chàng muốn cùng ra đường với tôi. Trước tới nay, tôi không hề cùng đi với chồng một lượt bao giờ nên tôi băn khoăn nhiều về đề nghị của chàng, nhưng tôi đã bắt đầu quen với các hành động kỳ dị của chàng rồi.
Vậy là ngày hôm sau vợ chồng tôi đến nhà bà Liêu và trước mặt bà ta, chồng tôi đã xử sự rất tốt với tôi. Một vài lần chàng còn làm tôi ngượng ngập lúng túng nữa. Chẳng hạn như khi bước vào phòng khách nhà bà Liêu, chàng nhường tôi đi trước. Đến khi về nhà, chàng giải thích cho tôi biết rằng đó là một tập tục ở Tây phương.
Tôi hỏi:
"Tại sao vậy? Phải chăng vì ở bên đó đàn ông thấp kém hơn đàn bà?".
Chàng cười, đáp:
"Không phải vậy."
Rồi chàng giải thích đó là một lối xử thế lịch thiệp đã có từ xưa, khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi không ngờ lại có những dân tộc lâu đời khác ngoài những dân tộc văn minh như chúng tôi. Nhưng hình như người ngoại quốc cũng có lịch sử và văn hóa của họ. Vậy là họ không chỉ toàn là hạng man ri mọi rợ.
Chồng tôi hứa sẽ đọc tôi nghe những cuốn sách về vấn đề ấy.
Tối hôm ấy khi đi ngủ, tôi cảm thấy sung sướng. Tự cải tạo con người mình cho tân tiến lên, kể cũng vui, vì không những tôi đi giày da như đàn ông, tôi lại còn không son phấn gì cả, không được giắt trâm cài lên mái tóc, tôi giống bà Liêu rất nhiều. Tôi tin chắc chồng tôi có để ý thấy như thế.

*

Liền ngay khi tôi bằng lòng đi theo chiều hướng thay đổi, làm như một cuộc sống mới mở rộng thênh thang trước mắt tôi. Chồng tôi bắt đầu chuyện trò với tôi vào bữa tối. Tôi thấy những câu chuyện chồng tôi nói ra thật hấp dẫn. Cái gì chàng cũng biết. Chao ôi! Bao nhiêu là chuyện tức cười chàng kể cho tôi nghe về các xứ lạ và về dân chúng ở đó!
Khi tôi ngạc nhiên quá, cười ồ lên, nói: "Vui quá! Sao mà kỳ quái vậy!?" chàng cũng cười bảo tôi:
"Thì họ cũng thấy mình kỳ quái như mình thấy họ lạ đời vậy, có khác gì đâu!".
Tôi càng ngạc nhiên hơn:
"Ủa! Họ mà thấy mình kỳ quái à?".
Chàng vẫn cườ, đáp:
"Chứ sao. Mình cứ đặt địa vị mình vào họ, tất hiểu. Y phục chúng ta, nét mặt chúng ta, lối ăn uống của chúng ta, và mọi việc chúng ta làm đều có vẻ lạ đời đối với họ. Họ không hề nghĩ rằng với cái vẻ ngoài và tập tục như vậy, chúng ta lại có thể cũng là người như họ."
Tôi càng ngẩn ngơ. Sao họ lại có thể cho là thông thường tự nhiên cái vẻ ngơ ngác của họ, lối ăn mặc của họ và lối xử sự của họ cho được! Tôi bất bình nói:
"Thì từ ngàn xưa đến giờ, chúng ta vẫn hành động như vầy, vẫn giữ thói tục của chúng ta và cả mái tóc đen của chúng ta..."
"Đúng vậy. Họ cũng thế."
"Em cứ tưởng họ đến nước ta để học cách văn minh của chúng ta chứ. Mẹ em nói với em như vậy mà."
"Mẹ lầm rồi. Theo tôi nghĩ thì ngược lại, họ đến đây với ý định dạy khôn cho chúng ta. Đành rằng họ gặp ở nước ta nhiều điều có lợi cho họ thật đấy, nhưng họ cũng đinh ninh rằng có nhiều điều ta phải học hỏi họ".
Tôi thấy những điều chàng nói chứa đầy hay ho mới lạ. Tôi cứ mải mê nghe nói chuyện về những người ngoại quốc ấy và nhất là về những phát minh lạ đời của họ: cái nắm tròn mình xoay đi một vòng là chảy nước nóng hay lạnh; cái bếp lò chẳng thấy củi lửa đâu cả mà vẫn nấu ăn được, cả đến những chuyện tôi thấy quá quắt như máy móc đi xuống biển và bay lên trời và nhiều chuyện lạ khác nữa!
Tôi lo ngại hỏi:
"Mình có chắc đó không phải là chuyện hô phong hoán vũ của thầy pháp chăng? Trong sách cổ vẫn có những chuyện như vậy, nhưng chỉ toàn là chuyện thần thoại."
Chàng đáp:
" Chuyện có thật. Khi biết được cách thức họ chế tạo những thứ ấy, ta thấy giản dị lắm. Khoa học là vậy".
Cũng vẫn cái mửng khoa học khoa hiết ấy! Tôi nghĩ đến ông anh trai tôi. Chính vì khoa học nên anh trai tôi đang sống tại xứ người xa lạ, ăn thức ăn của họ, uống nước của họ, toàn những thức anh tôi không quen ngay từ thưở lọt lòng. Tôi hết sức tò mò muốn biết cái khoa học ấy là thế nào, nó giống cái gì, khi tôi ngỏ ý ấy với chồng tôi, chàng cười phá lên, nói lớn:
"Mình trẻ con quá?! Khoa học không phải là một đồ vật có thể sờ mó được, không cầm trong tay mà ngắm nghía như món đồ chơi được."
Đạon thấy tôi không hiểu lời chàng nói, chàng bước lại kệ sách lấy mấy cuốn sách có hình vẽ xuống và kể cho tôi nghe nhiều chuyện.
Sau đó, mỗi tối chàng mỗi giảng giải cho tôi ít nhiều về thứ khoa học ấy, tôi không hề ngạc nhiên về việc anh trai tôi bị bùa mê thuốc lú nên khăng khăng đòi vượt Thái Bình Dương đi tìm học, chẳng kể gì đến ước nguyện của mẹ tôi. Phần tôi, tôi khoái chí lắm, tôi bắt đầu cảm thấy mình thông thái rất nhiều, đến nỗi thiết rồi tôi phải tìm người tâm sự. Chẳng còn ai khác hơn nữa tôi đành phải thổ lộ tâm tình với và vú già. Tôi nói:
"Bà vú có biết không, quả đất tròn, đất nước to rộng của chúng ta ở trung tâm trái đất như tên nước ta là Trung Quốc đâu. Đất nước chúng ta cùng với nhiều miền đất khác nữa chỉ là một phần đất và nước trên mặt địa cầu mà thôi."
Bà vú vo gạo trong bếp. Ngừng tay lắc lắc rá gạo, bà nghi ngại nhìn tôi, hỏi:
"Ai nói vậy?"
Tôi đáp chắc nịch:
"Ông chủ nói chứ ai. Bà vú đã chịu tin chưa nào?".
Bà vú chưa tin:
" Ông chủ biết nhiều hiểu rộng thật đấy, nhưng chỉ nội thoáng nhìn một cái cũng biết ngày là quả đất không tròn rồi. Bà chủ cứ nghĩ xem, nếu bà trèo lên chùa cao trên núi Bắc Đẩu, bà trông thấy ngay hàng trăm dặm nào núi nào đồng ruộng, nào hồ nào sông, và ngoài những quả núi chẳng ai dám nói tròn cả, còn thì tất cả đều phẳng phiu như mặt nồi tàu hủ đặc vậy. Còn nước ta thì nhất định là ở giữa rồi, nếu không các cụ có bao giờ gọi là Trung Quốc đâu!".
Tôi chẳng cãi lại, vì còn hấp tấp nói thêm:
"Còn nhiều chuyện khác nữa, quả đất lớn đến nỗi phải hết một tuần trăng mới đi hết một nửa quả đất. Khi một nửa mặt trăng tối thì mặt trời chiếu sáng vào nửa mảnh trăng bên kia."
Vú già reo lên:
" Rõ ràng là bà chủ nhầm rồi. Nếu phải mất tất cả một tuần trăng mới đi đến xứ khác được thì làm sao mặt trời đi trong một giờ đồng hồ trong khi phải mất cả một ngày dài mặt trời mới xê dịch từ núi Đỏ đến núi Tây!".
Nói rồi, bà vú lại tiếp tục lắc lắc rá gạo trong thau nước.
Nhưng thật tình tôi không quở trách sự dốt nát của bà vú được, vì trong số các điều kỳ lạ chồng tôi nói cho tôi nghe, có điều kỳ lạ nhất là các dân tôc Tây phương cũng có mặt trời, mặt trăng và các vì sao như chúng ta, vậy mà bao lâu nay tôi cứ tưởng ông Bàn Cổ đã tạo ra ba thứ ấy cho người Trung Quốc mà thôi. Chồng tôi là bực hiền tài. Chàng biết hết mọi chuyện và chỉ nói ra những điều có thật mà thôi.