Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Phần II - Chương X
LỜI CỦA MỘT
PHỤ NỮ TRUNG HOA

     , Chị ơi! Em cứ tưởng có con em ở bên cạnh thì từ nay trở đi, em chỉ còn những chuyện vui nói với chị thôi. Mọi việc đều được như ý, em chắc không còn điều chi có thể đến làm buồn lòng em nữa. Không hiểu tại sao cứ còn huyết thống là còn đau khổ?
Hôm nay tim em phải chịu đựng khổ sở những tiếng đập của chính nó. Không… không… không phải về chuyện con trai em đâu! Bây giờ nó đã được chín tháng rồi, nó mập chẳng khác gì ông Phật! Từ khi nó biết đòi đứng đến giờ chị chưa thấy nó đấy nhỉ. A, đến bụt cũng phải bật cười! Từ khi nó thấy nó có thể đi được, ai mà đặt nó ngồi là nó tức lắm. Hai cánh tay em thực không đủ sức để uốn gập người nó lại. Nó có nhiều ý nghĩ tinh ranh dễ thương lắm kia; mắt nó chớp sáng ngời. Bố nó thì bảo em làm hư nó, nhưng em hỏi chị nó như thế thì em làm sao mắng bảo được nó? Nó vừa bướng bỉnh vừa ngộ nghĩnh làm em mủi lòng nửa khóc nửa cười! A, không… không phải tại con em đâu!
Không, tại anh ruột em đấy, người con trai duy nhất của mẹ em đã sang ở bên Mỹ trong ba năm vừa qua. Chính anh ấy đã làm cho trái tim mẹ em và trái tim em phải nhỏ máu.
Chị có nhớ em đã nói chuyện với chị hồi còn nhỏ em mến anh ruột em như thế nào không? Nhưng những năm sau này em không gặp anh em, mà cũng nghe nói rất ít về anh em, vì mẹ em không bao giờ quên được chuyện anh ấy đã trái lời mẹ bỏ nhà đi, và cả chuyện không vâng lời mẹ cưới người con gái đã hứa hôn từ nhỏ. Vì thế cho nên ít khi thấy mẹ em nhắc đến tên anh ấy.
Đến bây giờ anh ấy lại làm xáo trộn cuộc đời yên tĩnh của mẹ em một lần nữa. Trước kia anh ấy đã trái lời mẹ một lần rồi mà vẫn chưa hài lòng. Bây giờ anh ấy còn… nhưng chị coi, bức thư đây này! Em mới nhận được cách đây một hôm do chính tay Vương Đại Ma đưa cho em. Vương Đại Ma là người vú nuôi hai chúng em, cả anh ấy và cả em lúc mới sinh ra đều bú sữa của già ấy. Chuyện trong gia đình mẹ em, không có chuyện gì mà già ấy không biết.
Vào tới nơi già ấy cúi rạp xuống đất chào con trai em. Rồi già ấy vừa trao bức thư cho em vừa khóc gào lên ba tiếng: "ay..ay..ay"
Em thì em biết chỉ có mỗi một tai họa là có thể làm cho già ấy khóc như vậy, thế là em chết sững người ra đến một phút. Rồi em la hoảng lên:
- Mẹ tôi hả… Mẹ tôi hả?
Em nhớ lại lần trước gặp mẹ em chống chiếc gậy một cách yếu đuối, và em hối hận rằng từ khi sinh nở xong em mới về thăm mẹ có hai lần, em đã mãi vui với hạnh phúc của em.
Vương Đại Ma thở dài một tiếng não nuột:
- Thưa mợ, không phải Bà nhà đâu. Nhờ Trời Bà còn thọ để Bà thấy cảnh đau lòng này.
Em đương hốt hoảng đổi ngay sang thành lo lắng và hỏi:
- Hay là cha tôi…?
Già Vương cúi đầu đáp:
- Ông nhà cũng vẫn khang kiện.
Nhìn bức thư già Vương đặt trên đùi em, em hỏi: - Thế thì có chuyện gì?
Già ấy trỏ vào bức thư nói:
- Xin mợ hãy coi đó thì rõ.
Em kêu chị ở lên pha trà cho già Vương uống ở phòng ngoài, và trao con cho chị vú ẵm, rồi ngó xuống phong thư. Thư gửi cho em và tên người gửi thư là mẹ em. Em ngạc nhiên hết sức, vì từ trước, mẹ em không bao giờ viết thư cho em cả.
Em ngẩn người ra một lúc rồi mở chiếc phong bì hẹp và dài, rút tờ giấy mỏng ở bên trong ra. Em nhận ngay thấy nét bút của mẹ em viết thành hàng rất đẹp. Em đọc lướt qua những câu thăm hỏi thường lệ ở đầu thư để đi nhanh tới đoạn chính:
"Anh con xuất ngoại ít lâu nay, bây giờ viết thư về cho mẹ ngỏ ý muốn lấy một người ngoại quốc."
Rồi bức thư kết cấu bằng những câu thường lệ. Thế là hết. Nhưng, Chị ơi, qua mấy hàng chữ ngắn ngủi ấy em cũng đã cảm thấy con tim của mẹ em đương nhỏ máu ra! Em lăn ra khóc: "Ôi là anh điên cuồng ác nghiệp, ôi là con hung tàn ác nghiệp!" Em cứ thế khóc than cho đến khi mấy con hầu vội vã chạy vào an ủi em và năn nỉ em nghĩ đến con em, vì nếu em đa sầu đa cảm quá, sữa sẽ bị độc và có hại cho con em.
Rồi thấy nước mắt em cứ trào ra em không thể nào cầm lại được, chúng nó cũng ngồi bệt ngay xuống đất và khóc rống lên với em, để xua đuổi cơn giận ở trong người em đi. Khi em đã nguôi cơn khóc và nghe chúng nó khóc đã chán tai rồi, em bảo chúng nó nín đi và cho gọi Vương Đại Ma vào. Em bảo Vương  Đại Ma: "Hãy đợi một giờ nữa chờ ba nó về để tôi hỏi ý kiến xem và xin phép về thăm mẹ tôi. Bây giờ u hãy đi ăn ít cơm cho lại sức đi. Có thịt ngon đấy."
Già ấy nhận lời ngay. Em sai cắt thêm một miếng thịt heo nữa cho già ấy ăn để an ủi già ấy đã chia sẻ cảnh tai biến với gia đình em và em thấy chính em cũng được an ủi một phần nào.

*

Trong khi chờ đợi chồng em về, em ngồi suy nghĩ một mình ở trong phòng. Em nhớ đến anh em. Em cố hết sức mà không làm sao tưởng tượng ra được hình dáng anh bây giờ, một người đã trưởng thành, mặc âu phục, đi đứng mạnh bạo trên những ngã đường xa lạ của một ngoại quốc, ăn nói với cả đàn ông lẫn đàn bà nước người ta - với đàn bà là cái chắc rồi, vì anh đã yêu một người. Em chỉ còn cách là moi ở trong ký ức, nhớ lại hình ảnh quen thuộc nhất của anh ấy, người anh trưởng bé nhỏ thời thơ ấu của em, người đã cùng em chơi đùa ở trước cổng ra vào các sân trong nhà.
Hồi ấy anh cao hơn em một đầu, cử chỉ nhanh nhẹn, thích nói thích cười. Trông anh giống mẹ: khuôn mặt trái xoan, đường môi thẳng và mỏng, cặp lông mày kẻ rõ trên đôi mắt dài. Mấy cô vợ bé của cha em thường ghen tức thấy anh em đẹp hơn mấy đứa con trai của họ. Nhưng anh em làm sao có thể khác được? Mấy cô ấy chỉ là hạng phụ nữ tầm thường, lúc trẻ làm con đòi con ở, môi dầy thô bỉ, lông mày mọc tua tủa như lông chó…Còn mẹ em là con nhà dòng dõi đại gia thế tộc hàng trăm đời nay. Sắc đẹp của mẹ em là một sắc đẹp chính xác và thanh tú đầy vẻ đoan trang, diễm lệ. Vẻ đẹp ấy, mẹ em đã truyền lại cho con trai.
Anh em đâu có chú ý đến điều đó. Anh khó chịu gạt những ngón tay của bọn con hầu vuốt ve làn má mịn của anh, chúng nịnh nọt anh để làm hài lòng mẹ anh. Anh chỉ mãi chơi, ham cười ham nghịch. Em còn nhớ cặp lông mày anh nhíu lại trong lúc chơi đùa. Bất cứ việc gì anh cũng cương quyết và không chịu nhường ai bao giờ.
Lúc hai anh em chơi với nhau không bao giờ em dám làm cho anh ấy giận, một phần vì anh ấy là con trai và một phần hình như vì em là phận gái, không nên làm phật ý anh ấy. Nhưng em nhường nhịn anh em chính là tại em rất yêu anh em và không muốn để anh em buồn.
Thực ra, không ai đành tâm thấy anh buồn giận. Tôi tớ ở trong nhà đều tôn kính anh như ông chủ con, và ngay đến vẻ trang nghiêm của mẹ em cũng dịu hiền đi ở trước mặt anh. Không phải em bảo rằng mẹ em chịu để cho anh em cưỡng lệnh, nhưng em thấy mẹ em thường tự kiềm chế để lệnh của mình ứng hợp với ý muốn của con trai. Em đã thấy mẹ em sai người nhà cất một đĩa bánh ngọt có nhiều chất dầu mỡ đi trước khi anh tới, vì anh thích ăn bánh ấy song lần nào cũng bị đau, chẳng qua là mẹ em sợ anh em trông thấy thì thèm mẹ em lại buộc lòng ngăn cấm anh ăn.
Vì thế cho nên ngay khi hãy còn nhỏ, cuộc đời của anh em đã bằng phẳng không gặp điều gì trở ngại khó khăn. Em cũng chẳng bao giờ nghĩ tới để suy bì mọi người đối với em khác, và đối với anh em khác. Cũng chẳng bao giờ em ao ước được ngang hàng với anh của em. Vô ích, vì em đâu có nhiệm vụ quan trọng bằng anh ở trong gia đình: anh là con trưởng, con nối dõi của cha em.
Hồi ấy, em yêu anh hơn ai hết. Em sánh vai đi bên anh ở trong vườn, em níu chặt lấy tay anh. Có những lúc cả hai  đứa cùng cúi xuống ngó những cái hồ nông cạn, tìm trong bóng rêu xanh một con cá vàng nào đó mà chúng em cho là của riêng chúng em. Có những lúc cả hai đứa cùng đi nhặt những hòn đá cuội nho nhỏ khác màu khác sắc để xếp thành những biệt thự xinh xinh của bầy tiên đồng ngọc nữ, rập theo kiểu những biệt thự của nhà song rất bé nhỏ và phức tạp. Khi anh ấy cầm tay dạy em nắn nót tô lên những chữ trên cuốn tập đồ đầu tiên của em, em coi anh như một vị thông thái nhất  đời. Khi anh đi chơi trong những biệt phòng của phụ nữ trong nhà, em cũng đi theo sát anh ấy như một con chó con! Nhưng khi anh đi quá sang chiếc cổng tò vò để vào biệt thự dành riêng cho nam giới ở trong nhà mà em không được phép lui tới, em đứng băn khoăn chờ anh ra.
Rồi bất chợt một hôm anh đủ chín tuổi; anh được đón ra khỏi biệt khu của nữ giới sang ở trong biệt khu của cha em và của nam giới; cuộc sống chung của hai đứa bị cắt đứt từ đó.
Ôi, mấy hôm  đầu! Chẳng hôm nào là em không khóc rấm ra rấm rứt suốt ngày. Đêm em cũng khóc đến mệt người rồi ngủ thiếp đi và mơ thấy một nơi chúng em vĩnh viễn là con nít và vĩnh viễn không rời xa nhau. A, em buồn phiền và thấy phòng ốc trống rỗng vì thiếu anh ấy như vậy không biết bao nhiêu ngày, sau mẹ em thấy thế phải bảo em:
"Con gái của mẹ nên hiểu rằng lòng con tưởng nhớ anh con lâu như vậy không thích đáng một chút nào, con phải để dành tình cảm ấy cho những tình liên hệ khác. Chỉ trong trường hợp hai năm mươi của cha mẹ chồng con mới nên đau buồn như vậy. Con phải nhận định cho đúng ý nghĩa và giới hạn của từng sự việc ở đời và tự kiềm chế mình. Hãy lo học kinh sử và học thêu thùa đi. Đã đến lúc phải chuẩn bị cẩn thận để về nhà chồng rồi đấy."
Từ đó cái ý tưởng sắp tới ngày cưới cứ lởn vởn trong đầu óc em. Em lớn lên và hiểu ra rằng cuộc đời của em không bao giờ có thể đi song song với cuộc đời của anh em. Trước hết em không thuộc về gia đình anh mà thuộc về gia đình vị hôn phu của em. Em nghe lời mẹ em và quả quyết làm tròn bổn phận.
Em lại nhớ rất rõ ngày anh em ngỏ ý muốn đi Bắc kinh theo học. Lúc anh đến xin phép mẹ em thì em cũng có mặt ở đấy. Vì anh đã được cha cho phép, nên việc anh đến xin phép mẹ chỉ là việc làm cho phải đạo thôi. Mẹ chúng em khó có thể ngăn cấm những việc cha chúng em đã chấp thuận. Nhưng anh em bao giờ cũng cẩn thận xử sự cho đúng phép.
Anh đến đứng trước mặt mẹ em, lúc ấy trời mùa hạ, anh mặc chiếc áo dài bằng lụa mỏng màu xám. Ngón tay cái anh đeo một chiếc nhẫn bằng ngọc thạch. Anh vốn tính thích những đồ vật đẹp. Trông vẻ đẹp trai của anh hôm ấy em liên tưởng tới cây ngân thảo. Anh hơi cúi đầu, mắt nhìn xuống, nhưng từ chỗ em ngồi trông ra, em thấy khóe mắt anh long lanh sáng. Anh nói:
"Thưa Mẹ, nếu mẹ cho phép, con sẽ theo học thêm ở Đại Học tại Bắc-Kinh."
Đương nhiên mẹ em biết không thể từ chối được. Anh em cũng biết nếu có thể thì mẹ anh cũng không cho anh đi. Thay vì than thở, khóc lóc như người khác, mẹ em nói một cách bình tĩnh và cương quyết:
"Này con, con thừa biết ý cha con muốn thế nào thì phải theo đúng như vậy. Mẹ chỉ là mẹ con ngoài ra chẳng là chi cả… mẹ biết như vậy. Mặc dầu mẹ không thể ra lệnh ngược lại với ý muốn của cha con, nhưng mẹ cũng phải nói. Mẹ thấy việc con đi xa nhà không có ích lợi gì. Cha con, ông con đều học thành tài ở nhà, chứ có cần phải đi đâu xa! Con cũng có những vị danh sư hàng tỉnh dạy dỗ con ngay từ khi còn bé. Cha mẹ lại mời cả cụ Đường, nhà bác học uyên thâm ở Tứ Xuyên về để dạy con làm thơ. Cái học ngoại lai đâu có cần thiết đối với một người ở địa vị như con. Đi tới những đô thị xa như vậy con có thể gây nguy hại cho cuộc đời của con, cuộc đời ấy chỉ có thể hoàn toàn thuộc về của riêng con sau khi con sinh được một đứa con trai để nối dõi tông đường. Nếu con có thể lấy vợ trước đi đã…"
Anh em tức giận, gấp chiếc quạt anh đương cầm ở tay trái. Rồi anh lại vụt mở ra nghe đánh xoẹt một tiếng. Anh trừng mắt lên, tia ra những ánh chống đối. Mẹ em xua tay nói:
"Con khỏi phải nói, con ạ. Mẹ đã bắt con làm đâu, mẹ chỉ mới nói cho con hay thế thôi. Con nên thận trọng."
Rồi mẹ em cúi đầu xuống, cho phép anh rút lui.

*

Sau đó, em rất ít gặp anh. Trước ngày cưới em, anh về nhà có hai lần, và chúng em chẳng có gì để nói với nhau, vả chăng có lúc nào hai chúng em được gặp riêng nhau cả. Thường thường anh vào trong biệt khu nữ giới chỉ để thăm hỏi hay chào từ biệt mẹ, và em thì không được phép nói chuyện tự do với anh trước mặt các bậc bề trên.
Em chỉ thấy anh cao lớn, thẳng người, và khuôn mặt mất đi vài nét thanh tú của thiếu thời. Anh cũng mất cả cái dáng mảnh khảnh, ẻo lả, con nít hồi bé đã khiến cho anh trông chẳng khác gì một thiếu nữ  đẹp. Em nghe anh kể với mẹ em rằng ở trong trường ngoại quốc này hàng ngày anh phải tập thể thao, cho nên người anh cứng cáp nở nang to lớn lên. Tóc anh cắt ngắn theo kiểu mới hồi xảy ra cuộc cách mạng thứ nhất; tóc đen chải mượt xứng với cái đầu ngẩng cao lên. Em thấy anh đẹp trai lắm. Bọn đàn bà trong nhà thấy anh đều xuýt xoa khen ngợi. Đệ Nhị Phu Nhân thì lẩm bẩm:
"A, cậu ấy giống cha như đúc, trông chẳng khác gì hồi ông cụ với tôi mới thương yêu nhau."
Rồi anh em xuất ngoại du học và em không gặp anh nữa. Hình ảnh anh ấy không còn rõ nét ở trong đầu óc em, em thấy nó mơ hồ với tất cả những vẻ xa lạ bao quanh anh ấy, em không thể nào tưởng tượng thấy rõ ràng được nữa.
Em ngồi ở trong phòng đợi chồng em về, hai tay em nắm chặt bức thư của mẹ em, em nhận thấy anh em như một người xa lạ em chưa từng quen biết.

*

Buổi trưa, chồng em về, em vừa chạy ra đón chàng, vừa khóc, bức thư vẫn cầm ở trong tay giăng ra đàng trước. Chồng em ngạc nhiên hỏi:
- Kìa chuyện gì thế? Chuyện gì thế?
- Anh đọc cái này… anh đọc mà coi!
Nhìn vẻ mặt của chàng trong lúc đọc thư, em lại òa lên khóc nức nở.
Chàng vò bức thư trong tay, lẩm bẩm nói:
- Thằng xuẩn…Điên! Điên! Sao lại có thể hành động như vậy được? Phải đấy, em về với mẹ em ngay đi. Em phải về an ủi mẹ đi.
Khi em vừa bước vào trong cửa nhà mẹ, em cảm thấy một bầu không khí im lặng đè nặng lên mọi vật, tựa hồ như một lớp mây che lấp mặt trăng. Đầy tớ ra vào bận rộn vừa làm việc vừa thì thầm mặt mày ngơ ngác. Vương Đại-Ma cùng về với em lúc đi đường khóc đến nỗi sưng cả mắt lên.
Đệ Nhị và Đệ Tam Phu Nhân ngồi ở trong "Sân Lệ Liễu" với mấy đứa con. Thấy em ẵm cháu vào, hai người chỉ chào em sơ một câu vì vội hỏi thăm ngay thằng bé:
Dì Hai mập reo lên: "A! Kháu quá!", rồi Dì soa mấy ngón tay đẹp mũm mĩm lên má nó vuốt ve hít hơi ở hai bàn tay bé nhỏ của nó. "Úi cha thơm quá!" Rồi nàng ngẩng lên nhìn em vẻ mặt nghiêm trọng hỏi: "Mợ đã biết chuyện chưa?"
Em gật đầu hỏi:
- Mẹ tôi đâu?
Nàng đáp:
- Ba ngày hôm nay bà ở yên trong phòng riêng không nói năng với một ai cả. Mỗi ngày bà chỉ ra phòng ngoài hai lần để cắt đặt công việc cho mọi người và phát cơm gạo rau thịt, xong rồi bà lại trở về phòng riêng. Môi bà nín lặng như môi tượng đá, và ánh mắt bà làm chúng tôi phải ngó đi chỗ khác. Chúng tôi không dám hỏi han gì bà. Không biết bà nghĩ những gì. Bà nói gì mợ kể lại cho chúng tôi nghe với nhớ.
Rồi nàng gật đầu, cười, làm điệu để lấy lòng em nhưng em lắc đầu từ chối. Thấy vậy nàng nói tiếp:
- Ít nhất mợ cũng để hòn ngọc lưu ly này lại đây chơi với chúng tôi.
Nàng giơ tay ra đón con em, nhưng em ngăn lại:
- Không. Tôi phải ẵm vào thăm mẹ tôi, để cho bà vui và khuây khỏa cơn buồn đi.
Em đi qua phòng khách, vào trong "Sân Mẫu Đơn", qua phòng giải trí của phụ nữ, và rụt rè đứng trước cửa phòng mẹ em. Thường thường ở cửa phòng chỉ treo một tấm màn bằng đoạn màu hồng, nhưng hôm nay cánh cửa lại đóng kín. Em khẽ gõ bàn tay lên cánh cửa. Không thấy trả lời, em lại gõ lần nữa. Sau em phải gọi: "Thưa mẹ, con đây ạ!" Lúc ấy em mới thấy tiếng mẹ em đáp nghe như từ ở nơi xa xôi nào vẳng lại:
"Con vào đây với mẹ".
Em đẩy cửa bước vào thấy mẹ em đương ngồi bên chiếc bàn gỗ trắc chạm. Khói trầm tỏa từ một chiếc lư đồng đặt trước Chư Thần treo trên tường.  Đầu mẹ em hơi cúi, hai tay buông thõng xuống, một tay cầm một cuốn sách. Thấy em vào, mẹ em nói:
"Con về đấy à! Mẹ đương cố đọc bộ Kinh Dịch. Nhưng hôm nay mẹ chẳng thấy có điều gì có thể an ủi được mẹ". Mẹ em vừa lắc đầu vừa nói có vẻ như mơ hồ, và cuốn sách rơi bịch xuống sàn, mẹ em cũng bỏ mặc nó nằm đó không buồn nhặt lên.
Thái độ uể oải ấy làm em lo sợ, vì mẹ em vốn là người bình tĩnh, tự tin và đầy quả cảm. Bây giờ em mới nhận ra mẹ em sống cô đơn đã quá lâu. Em tự trách mình đã quá mê mãi với hạnh phúc bên chồng con quá lâu! Đã bao nhiêu ngày em không về thăm mẹ. Em phải làm cách nào để cho mẹ em được khuây sầu giải muộn đây? Em đặt con em đứng trên đôi cẳng chân mũm mĩm của nó, em khoanh tay nó lại, bắt nó cúi đầu xuống trước mặt mẹ em, và khẽ bảo nó:
"Lạy bà ạ, nói đi con!"
Nó nhìn bà không cười, bập bẹ thưa: "Bà ạ!"
Em  đã nói với chị là từ hồi cháu mới được ba tháng đến giờ mẹ em mới lại thấy nó, và chị biết đấy, nó xinh ghê lên được! Ai thấy mà chẳng thương! Mẹ em nhìn cháu một lúc, rồi đứng lên đi mở cái tủ thếp vàng, lấy ra một chiếc hộp sơn son đựng đầy kẹo vừng nho nhỏ. Mẹ em bốc một nắm nhét đầy vào hai tay cháu. Thấy kẹo, cháu cười rộ lên, mẹ em cưng cháu khẽ cười bảo:
"Ăn đi cháu! Ăn đi cục cưng của bà, ăn đi!"
Thấy mẹ em hơi vui vui, em nhặt cuốn sách lên, rồi rót một chén nước trà hai tay dâng lên mời.
Lúc ấy mẹ em mới bảo em ngồi xuống; thằng bé bò chơi dưới sàn nhà; mẹ em và em ngồi nhìn nó. Em đợi mẹ em nói trước, vì em không biết ý người có muốn nhắc đến chuyện anh em hay không. Mẹ em cũng không đề cập đến ngay. Mẹ em nói: "Con của con đó."
Em nhớ lại đêm hôm em kể cho mẹ em nghe nỗi đau buồn của em. Bây giờ thì sự vui tươi của bình minh đã tới rồi. Em mỉm cười đáp:
- Thưa mẹ vâng.
Mắt vẫn không rời thằng bé, mẹ em hỏi:
- Con có sung sướng không?
- Chồng con là một ông hoàng hết lòng tử tế đối với một người vợ tầm thường như con.
Mẹ em nhìn cháu, mơ màng nói:
- Thằng bé là kết tinh của sự tận thiện tận mỹ. Mẹ xem tướng nó thực là mười phần được cả mười. Không một điểm nào đáng chê cả. A! –Mẹ em thở dài băn khoăn- anh con hồi còn bé cũng vậy. Giá nó chết ngay đi hồi bấy giờ, có phải mẹ còn thương nhớ nó là một đứa trẻ đẹp trai và hiếu thảo không!
Em hiểu ngay là mẹ em muốn nói đến anh em. Nhưng em vẫn đợi xem cho rõ xu hướng mẹ em ra sao. Một lát sau mẹ em nhìn em hỏi:
- Con nhận được thư mẹ?
Em cúi đầu đáp:
- Con nhận được thư mẹ do già Vương trao cho sáng hôm nay.
Mẹ em lại thở dài và đứng dậy đi tới bàn giấy mở ngăn kéo lấy ra một bức thư khác. Em đứng yên, đợi người quay lại. Khi người đưa bức thư cho em, em giơ hai tay ra đón lấy. Người bảo:
- Con đọc đi.
Đó là bức thư của một người bạn họ Chu của anh em, cùng đi từ Bắc-Kinh sang Mỹ với anh em. Theo lời yêu cầu của anh em, anh Chu Quốc Định này viết thư về để báo cho hai Cụ biết tin con trai Cụ đã theo phong tục Tây phương đính hôn với con gái một giáo sư đại học của anh  ấy. Anh ấy, con trai của hai Cụ, gửi lời về kính thăm hai Cụ và thỉnh cầu hai Cụ hãy từ hôn với con gái họ Lý, một sự việc chỉ mới nghĩ tới thôi mà cũng đã làm cho anh ấy đau khổ. Trong mọi công việc, anh ấy đều nhận thấy cái đức độ cao thâm của hai Cụ thân sinh, và lòng thương yêu vô bờ bến của hai Cụ đối với anh ấy, đứa con không xứng đáng của hai Cụ. Dẫu sao, anh ấy cũng muốn trình bầy rõ ràng rằng anh ấy không thể nào lấy được người đã đính hôn với anh theo phong tục Trung quốc, vì thời thế đã thay đổi; anh ấy là một người tân thời, và quyết ý theo phương thức hôn nhân tân thời hoàn toàn tự do, tự quyết.
Bức thư kết cấu bằng nhiều câu lễ phép, tỏ lòng tôn kính và hiếu thảo của anh em đối với cha mẹ. Nhưng dẫu sao bức thư cũng trình bầy minh bạch sự quyết tâm của anh em. Sở dĩ anh phải nhờ bạn viết thay, chỉ vì ảnh muốn tránh cho cha mẹ và cho chính anh khỏi bối rối vì những điều có thể xúc phạm một cách trực tiếp. Đọc xong bức thư, lòng em giận anh sôi lên; em gấp lại trao trả mẹ em, không nói gì cả.
Mẹ em nói: "Nó điên rồi. Mẹ đã gửi điện tín bắt nó phải về ngay lập tức."
Em biết mẹ em bối rối lắm! Vì mẹ em cổ hết sức. Khi người ta dựng lên trên đường phố của cái đô thị đẹp cổ kính của chúng em, những chiếc cột cao giăng giây thép ngang dọc như mạng nhện giăng trên cành cây, mẹ em cho là họ xúc phạm đến thánh hiền. Mẹ em giận nói:
"Tổ tiên mình chỉ dùng bút lông và thoi mực, còn mình là bọn con cháu bất tài vô dụng, có gì quan trọng cần nói với nhau hơn những lời trang nghiêm của các cụ mà cần phải nhanh với chóng?"
Và khi nghe người ta bảo tiếng nói có thể truyền đi được ở dưới biển, mẹ em kêu:
"Mình có gì để giao thiệp với giống người dã man ấy? Thần thánh đã chẳng linh thiêng sinh ra biển để ngăn cách mình với giống người ấy sao? Đem kết hợp những cái thần thánh linh thiêng đã ngăn cách ấy, chẳng là đắc tội bất kính với thần thánh sao!"
Nhưng bây giờ chính mẹ em cần gấp đến sự nhanh chóng đó! Mẹ em buồn rầu nói:
"Mẹ tưởng không bao giờ mẹ cần dùng tới những thứ ấy của ngoại quốc. Nếu con trai của mẹ cứ ở trong nước nhà thì mẹ đâu có cần đến thứ ấy. Nhưng khi đã giao thiệp với giống người dã man ấy thì đành phải tòng quyền vậy."
Em nói để an ủi Người:
"Thưa mẹ, chẳng nên ưu phiền quá. Anh con là người biết tuân lời cha mẹ. Anh con sẽ nghe ra và hết đam mê đeo đuổi người đàn bà ngoại quốc ấy."
Nhưng mẹ em lắc  đầu chống tay ôm trán. Thấy vậy, em chợt cảm thấy lo lắng. Mẹ em có vẻ đau thật sự rồi! Mẹ em vốn dĩ đã gầy bây giờ lại gầy hơn, và bàn tay chống đỡ đầu của mẹ em run lên. Em vừa cúi xuống để xem cho kỹ, thì người chậm rãi nói; giọng nghe uể oải yếu ớt:
"Mẹ đã nghiệm thấy từ lâu, khi người đàn bà đã lọt vào trái tim người đàn ông, thì mắt người này quay ngược vào trong và một thời gian không trông thấy gì khác mà chỉ nhìn thấy có người đàn bà ấy thôi."
Nghỉ một lát rồi mẹ em lại nói tiếp, nhưng bà tiếng nói nghe chỉ còn như những tiếng thở dài: "Cha con… chẳng phải là người được thiên hạ tôn trọng là gì? Ấy thế mà đã bao lâu nay mẹ đành cam chịu điều này, là mỗi khi cha con thấy người đàn bà nào có nhan sắc là ông khao khát, si cuồng một thời gian và không còn hiểu thế nào là phải trái nữa. Ngoài mấy cái miệng vô dụng đã rước về nhà làm vợ bé, cha con còn quen biết hàng tá ca nhi. Ở nhà đã có ba cô đấy, đáng lẽ ra còn một cô nữa định đem từ Bắc-Kinh về nhưng chỉ vì khi điều đình gần xong thì cha con hết ham. Cha như vậy, thì con làm sao mà khôn hơn được? Cái giống đàn ông!..."
Mẹ em bỗng nổi nóng lên. Bà bĩu môi đến nỗi cái miệng đầy khinh khi của bà trông tựa hồ như một sinh vật hẳn hoi. "Những tư tưởng thầm kín ở trong lòng họ bao giờ cũng cuộn lại như những con rắn quấn quanh mình một người đàn bà nào đó."
Em ngồi nghe mẹ em nói mà phát hoảng. Từ xưa mẹ em không hề bao giờ nói đụng đến cha em và mấy cô vợ lẽ ở trước mặt em. Em chợt nhìn sâu vào tận đáy lòng mẹ em. Nỗi cay đắng đau khổ đã thành những ngọn lửa thiêu đốt tâm can Người. Em không biết nói thế nào để an ủi Người… Em, người yêu của chồng em: em cố tưởng tượng chàng lấy một người vợ Hai, mà không thể được. Em chỉ có thể nhớ tới những phút yêu đương của chúng em, và em vô tình đưa mắt nhìn con chúng em từ nãy vẫn nghịch mấy viên kẹo vừng. Em phải nói sao để an ủi mẹ em? Mà em thấy em muốn nói quá.
"Có lẽ người đàn bà ngoại quốc đó…" Em rụt rè mãi, nhưng vừa mở miệng thì mẹ em đập mạnh cái điếu cầy xuống đất, cái điếu bà vừa cầm ở bàn lên và hai tay run rẩy nhét vội thuốc vào. Bà cắt lời em:
"Không nói đến người đàn bà ấy nữa. Mẹ đã bảo thế. Bây giờ nó phải vâng lời mẹ. Nó phải về và lấy con gái họ Lý, người đã hứa hôn với nó, và nó phải sinh con đầu lòng với người ta. Nó làm tròn bổn phận đối với Tổ Tiên đi rồi muốn lấy ai làm vợ thứ thì lấy. Mẹ chả biết có thể trông mong nó hoàn toàn hơn bố nó không? Nhưng thôi, con ra ngoài chơi, đừng nói gì nữa. Mẹ mệt quá rồi. Để cho mẹ nằm nghỉ một lát."
Em không thể nói gì thêm. Em thấy mặt mẹ em tái nhợt đi, người cong lại như một cây lau tàn úa. Em ẵm con em lên rồi đi ra.
Về nhà, em khóc lóc kể cho chồng em biết rằng em không biết làm cách nào cho mẹ em khuây bớt sầu muộn. Chàng nắm tay em an  ủi, và khuyên em cố chờ tới khi anh em về. Nghe chàng nói những lời ngọt ngào như vậy, em lại chứa chan hy vọng về tương lai. Nhưng sáng hôm sau, khi chàng đi làm vắng, em lại cảm thấy nghi ngờ. Em không quên được mẹ em!
Với tất cả những nỗi u sầu trong đời mẹ em bao năm nay, mẹ em chỉ nuôi mỗi một hy vọng lớn về tương lai - hi vọng của hết thẩy mọi người đàn bà: là đứa cháu đích tôn để nương dựa tuổi già và làm tròn phận sự đối với gia đình. Không hiểu sao anh em lại có thể coi tình dục vơ vẩn trọng hơn mạng sống của mẹ? Em phải trách anh em mới được. Em sẽ kể hết những lời mẹ em nói cho anh ấy nghe. Em sẽ nhắc cho anh ấy nhớ anh ấy là con trai duy nhất của mẹ em. Rồi em bảo:
"Anh có thể nào đặt con một người ngoại quốc lên đùi mẹ được không?"