Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương XIV

     m không thể đợi đến lúc chị rảnh được, chị ạ. Em đã đi bộ đến. Em để con em ở nhà, ấn nó vào tay chị vú, mặc cho nó la lúc thấy em đi. Thôi, khỏi pha trà. Em phải đi ngay. Em chạy đến đây chỉ để nói với chị.
Họ đã về rồi. Anh em và cái cô ngoại quốc  ấy, họ về tới rồi. Họ vừa về được hai tiếng và đã ăn cơm với chúng em. Em đã gặp cô ấy rồi. Em đã nghe cô ấy nói nhưng em chẳng hiểu cô ấy nói gì cả. Cô ấy lạ đến nỗi dù không muốn, em vẫn cứ chòng chọc nhìn cô ấy.
Họ đến đúng lúc chúng em ngồi ăn sáng. Người gác cổng chạy vụt vào gặp tụi em, anh ta cũng chẳng ngừng lại để cúi đầu chào chúng em nữa và hổn hển lắp bắp:
- Có một người đàn ông ở ngoài cổng với một người nữa tôi chưa bao giờ biết. Tôi cũng không biết người này là đàn ông hay đàn bà nữa. Người cao như đàn ông thế mà mặt thì lại giống mặt đàn bà.
Chồng em nhìn em và đặt đũa xuống. Chàng lặng lẽ nói để trả lời cái nhìn kinh ngạc của em:
- Họ đến đấy.
Chính chàng đi ra ngoài cổng rồi bọn họ bước ngay vào trong nhà. Em đứng dậy đón họ, và khi em trông thấy hình dáng cao lớn của người ngoại quốc đó, lời nói khô đi trong miệng em. Em gần như không trông thấy anh em nữa. Em chỉ còn thấy có chị ấy, người ngoại quốc ấy. Em thấy chị ấy cao lớn và mảnh dẻ trong một thứ áo xanh sẫm dài thõng xuống quá đầu gối.
Nhưng chồng em không bối rối chút nào. Chàng mời họ ngồi vào bàn với tụi em rồi gọi thêm trà và cơm. Em chẳng nói gì cả. Em chỉ ngồi chăm chăm ngó chị ấy. Ngay đến bây giờ, em cũng chỉ nói đi nói lại được rằng:
- Chúng ta sẽ phải làm gì đối với người đàn bà ngoại quốc này? Làm sao chị ấy lại có thể nhập vào cuộc sống của chúng ta được?
Em quên phứt rằng anh em yêu chị ấy. Vì ngạc nhiên nên em bối rối về sự hiện diện của chị ấy ở đây, ở nhà em. Nó y như một giấc mộng mà cho dẫu là mộng thật đi nữa nó vẫn có vẻ khó tin và mau qua, bởi vì nó không thực một chút nào.
Chị hỏi chị ấy trông thế nào à? Em cũng không biết làm sao để nói với chị, tuy nhiên, như em đã nói, em chỉ nhìn chị ấy từ lúc chị ấy bước vào. Để em nghĩ xem chị ấy như thế nào?
Chị ấy cao hơn anh em. Tóc bị cắt xén đi. Vậy mà tóc không nằm gọn hai bên tai, nó cứ như bị gió bốn phương thổi bù lên, nó lại hung hung, trông như màu rượu cao hổ cốt. Mắt chị ấy như mặt bể bị bão, và chị ấy cười có vẻ khó khăn.
Lúc trông thấy chị, em tự hỏi ngay: Chị ấy có đẹp không? Và em trả lời: Chị ấy không đẹp. Lông mày chị ấy thô chứ không phải là mày ngài như mình thích. Nó đậm và thô trên cặp mắt đăm chiêu. Bên bộ mặt của chị ấy, bộ mặt của anh em có vẻ trẻ, má phính và xương cốt thanh tú hơn. Thế mà chị ấy mới có hai mươi - trẻ hơn anh em bốn tuổi.
Còn bàn tay chị ấy thì…- nếu đặt tay chị ấy cạnh tay anh em rồi che hai người đi, thì em sẽ bảo tay anh em là tay đàn bà. Tay anh em mềm và vàng. Dưới làn da, xương cổ tay chị ấy gồ lên, và cổ tay chị ấy nặng hơn cổ tay em nhiều. Lúc chị ấy nắm tay em, em thấy lòng bàn tay chị ấy sần sùi và cứng. Sau bữa ăn, lúc chỉ còn có hai đứa chúng em, em nói với nhà em điều  đó. Chàng nói đó là tại một trò chơi gọi là quần vợt mà đàn bà ngoại quốc hay đấu với bọn đàn ông - em chắc là để giải trí. Đàn bà ngoại quốc theo đuổi ái tình một cách kỳ ghê.
Bàn chân chị ấy ít nhất cũng lớn hơn bàn chân anh em đến năm phân, đúng như thế đấy. Điều đó chắc làm cho cả hai người bối rối lắm?
Còn anh em thì mặc quần áo Tây phương, và em thấy anh ấy có vẻ ngoại quốc lắm. Anh ấy cử động nhanh và cử động luôn chân luôn tay. Nhìn anh ấy, em không thể tìm thấy cái tuổi thơ ấu vàng son, cái dáng cúi xuống trẻ trung xưa kia của anh đâu nữa. Bây giờ, đầu anh ấy ngửng thẳng lên và khi không nói thì nghiêm lại. Anh ấy không đeo nhẫn hay một thứ trang sức nào hết ngoài một cái nhẫn vàng trơn ở ngón thứ ba một bàn tay. Chiếc nhẫn chẳng cẩn ngọc châu hay một cái gì hết. Bộ quần áo Tây phương cứng ngắc, sẫm màu càng làm nổi rõ nước da tái của anh.
Ngay lúc anh ngồi cũng là kiểu người ngoại quốc, đầu gối nọ để lên đầu gối kia. Anh nói tiếng ngoại quốc với chồng em và chị ấy chẳng khó khăn gì cả, lời nói tuôn ra khỏi miệng như cuội rơi trên đá.
Anh em thay đổi hoàn toàn. Ngay mắt cũng thay đổi. Nó không nhìn xuống nữa, nhanh và không sợ sệt. Anh nhìn thẳng vào người anh nói chuyện. Anh đeo cái kính kỳ cục làm bằng vàng và một thứ mai con gì màu sẫm. Cặp kính làm anh trông già đi.
Nhưng môi anh vẫn là cặp môi của mẹ em - mỏng, thanh và lúc không nói thì mím lại. Chỉ trên môi anh em mới còn lại dấu vết của thời thơ ấu cứng đầu, cứng cổ mỗi khi anh bị ai ngăn anh làm theo ý thích. Do chỗ đó em đã nhận ra anh của em.
Em nghĩ rằng trong bọn mấy người chỉ còn em và cháu là người Trung Hoa. Bọn họ ngồi trong nhà em, mặc quần áo ngoại bang, nói tiếng ngoại bang với nhau. Em và cháu chẳng hiểu họ nói gì.
Hai người sẽ  ở lại nhà em cho đến khi cha em và mẹ em nhận họ. Nếu mẹ em biết em để cho họ tá túc ở đây, chắc bà sẽ giận cái căn nhà bất hiếu bất mục này lắm. Em run quá. Nhưng chồng em muốn vậy thì phải thế. Vả dù sao đi nữa thì đây chẳng phải là anh của em, người cùng một mẹ sinh ra với em sao?

*

Khi mọi người cùng ngồi xuống ăn cơm, chị ấy không thể ăn bằng đũa. Em phải lấy tay áo che miệng cười, vì chị ấy cầm đũa không bằng cả thằng con trai em với bàn tay nhỏ. Chị ấy nắm chặt đôi đũa, lông mày nhíu lại tỏ ra nhiệt thành cố gắng muốn học. Nhưng tay chị ấy không khéo léo sử dụng những vật nhỏ bé. Chị ấy chẳng biết gì cả.
Giọng chị ấy nói, chị ơi, không giống giọng một người đàn bà nào mà em đã nghe cả. Mình vẫn thích nghe giọng đàn bà nhẹ và dịu như một dòng nước nhỏ róc rách chảy giữa hai phiến đá hay như tiếng ríu rít của những con chim nhỏ trong đám sậy. Còn giọng chị ấy trầm và nặng, vì chị ấy ít nói nên ai cũng ngừng lại để nghe. Đó là cái giọng phong phú của giống sơn ca mùa gặt về mùa đông, lúc lúa chỉ còn đợi cắt và bó lại. Khi chị ấy nói với anh em và chồng em, lời nói tuôn ra thành từng tràng, nhanh. Chị ấy không nói với em vì em và cô không hiểu nhau.
Chị ấy cười hai lần, cái cười tươi sáng và nhanh, thoát ra từ cặp mắt như một ánh nắng bạc trên dòng nước sôi nổi. Khi chị ấy cười, em hiểu chị ấy muốn nói: "Liệu chúng ta có là bạn với nhau được không?" Rồi chúng em nhìn nhau ngờ vực.
Và em thầm trả lời: "Khi nào chị nhìn con em, em sẽ biết chúng ta có là bạn được không."
Em mặc cho cháu cái áo lụa đỏ và quần xanh lá cây. Em đi cho cháu đôi giầy thêu hoa đào nở, và đội cho cháu cái mũ không vành, chung quanh đính những tượng phật nhỏ bằng vàng. Cổ cháu đeo dây chuyền bạc.
Lúc ăn mặc như vậy, trông cháu như một ông hoàng, rồi em dẫn cháu đến với chị ấy. Cháu đứng trước mặt chị ấy, hai chân dang ra và nhìn chị ấy một cách ngạc nhiên. Em bảo cháu chào, cháu chắp hai tay lại cúi đầu, sự cố gắng làm cháu loạng choạng.
Chị ấy chăm chú nhìn cháu mỉm cười. Khi cháu chào, chị ấy cười lớn, tiếng cười trầm như tiếng chuông. Rồi chị ấy có kêu lên một tiếng lạ tai ngọt ngào, nhắc cháu lên ôm sát vào người và đặt môi lên cổ mịn màng của cháu. Mũ cháu rơi xuống và chị ấy nhìn em qua đầu cháu. Chà, cái nhìn ấy - chị ạ - cái nhìn như có ý nói rằng:
- Tôi muốn có một đứa con như cháu!
Em mỉm cười như trả lời:
- Chúng ta sẽ là bạn.
Em bắt đầu hiểu tại sao anh em yêu chị ấy.

*

Hai người đến đây đã được năm ngày. Họ vẫn chưa đến trình diện với cha mẹ em. Nhà em và anh em ngồi nói chuyện hàng giờ với nhau bằng tiếng ngoại quốc một cách lo lắng. Em không hiểu họ kết luận ra sao. Việc gì cần giải quyết sẽ được giải quyết từ từ. Trong khi đó, em quan sát cô gái ngoại quốc kia.
Nếu chị hỏi em nghĩ gì về chị ấy, thưa chị, em không biết được. Chắc chắn là chị ấy không giống đàn bà xứ mình. Cử chỉ nào của chị ấy cũng tự do, không dè dặt, trông nhanh nhẹn và duyên dáng. Cái nhìn của chị ấy thẳng và không sợ sệt. Mắt chị ấy tìm mắt anh em không chút e thẹn. Chị ấy nghe bọn đàn ông nói chuyện, nói xen vào một lời linh động, rồi họ cười với nhau. Cái ấy quen thuộc với đàn ông y như Đệ Tứ Phu Nhân - Dì Bốn em.
Tuy nhiên, giữa hai người có một sự khác nhau. Em thấy Dì Bốn ở trước mặt đàn ông tuy có nhan sắc bảo đảm cho Dì, nhưng bên trong vẫn ẩn một sự gì lo âu sợ hãi. Em cho là vì Dì ấy tuy đang ở thời kỳ xuân sắc nhất nhưng vẫn sợ đến lúc sắc đẹp bắt đầu phai tàn đi và sẽ không còn gì để lôi cuốn bọn đàn ông đến với bà nữa.
Còn người ngoại quốc này thì chẳng sợ gì hết, tuy không đẹp như Dì Bốn. Chị ấy không có ý lo sợ gì cả. Chị ấy coi như chị ấy có quyền được hưởng sự chú ý của đàn ông. Chị ấy không cố gắng thu hút đàn ông phải nhìn mình, để ý đến mình. Chị ấy có vẻ như muốn nói:
"Tôi thế này đây, đúng như mọi người thấy đấy. Tôi không cần phải điểm trang cho khác đi."
Em cho chị ấy kiêu hãnh lắm. Ít nhất thì hình như chị ấy vô tâm một cách kỳ lạ, chẳng quan tâm tới những khó khăn chị ấy đã đem đến gia đình chúng em. Chị ấy lơ lững chơi với con em, chị ấy đọc sách - chị ấy mang theo nhiều hòm sách lắm - rồi chị ấy viết thư. Trời ơi lá thư của chị ấy! Em liếc nhìn qua vai chị ấy thì thấy trang giấy đầy những nét lớn dài nghêu ngao, nét nọ móc vào nét kia. Em chẳng thể hiểu một tý gì về những nét ấy cả. Nhưng chị ấy thích nhất là ngồi ngoài vườn mơ mộng, chẳng làm gì hết. Em chưa bao giờ trông thấy chị ấy thêu thùa cả.
Một hôm, chị ấy và anh em đi từ sáng sớm tới trưa mới về, đầy người bụi bậm bẩn thỉu. Em rất ngạc nhiên và hỏi chồng em hai người đi đâu về mà người ngợm bẩn thỉu như vậy. Chồng em trả lời:
- Họ vừa làm một việc mà người Tây phương gọi là "đi tản bộ".
Em tò mò hỏi:
"Đi tản bộ" là gì?
Chồng em nói:
- Đó là đi bộ thật nhiều và thật nhanh tới một nơi nào xa. Hôm nay anh chị ấy lên tới tận ngọn Núi Tím.
Em càng ngạc nhiên hỏi tiếp:
- Tại sao vậy?
- Họ coi đó là một cái thú.
Kỳ thật. Ở đây, dù là đàn bà nhà nông cũng coi đi xa như vậy là một sự khó nhọc. Khi em hỏi anh em chuyện này thì anh trả lời:
- Ở bên nước chị ấy, đời sống chị ấy rất tự do. Ở trong cái vườn nhỏ sau những bức tường cao này chị ấy cảm thấy bó buộc.
Nghe nói vậy, em ngạc nhiên quá. Em thấy hình như lối sống hiện tại của chúng em đã tự do tân tiến hết sức và thoát khỏi mọi sự ràng buộc cổ xưa. Bức tường quanh vườn chỉ để ngăn cho cách biệt với bên ngoài; mà nó cũng không ngăn nổi bọn bán rau, bán kẹo rong ngó vào. Em nghĩ:
- Không biết ở những nơi thâm cung kín cổng cao tường như nhà bố mẹ em thì chị ấy làm thế nào?
Nghĩ vậy, nhưng em không nói ra.

*

Chị ấy tỏ tình yêu anh em một cách rất tự nhiên thành thật. Chiều hôm qua, tất cả bọn chúng em ngồi chơi hóng gió mát ở ngoài vườn. Em ngồi ở chỗ quen của em trên chiếc đôn sứ, hơi cách xa chổ đàn ông ngồi. Chị ấy đến ngồi cạnh em, trên cái lan can bằng gạch xây quanh sân, nét mặt tươi cười quen như mỗi lần hai chị em ngồi riêng với nhau, chị ấy chỉ hết thứ này đến thứ kia, trong ánh tối chạng vạng, hỏi tên mỗi thứ và bắt chước em, nhắc lại từng tên một. Chị ấy học rất nhanh, và khi đã nghe đúng rồi thì không bao giờ quên nữa. Chị ấy nhắc đi nhắc lại mỗi tiếng dịu dàng, thưởng thức âm điệu của nó, và mỉm cười nghe em rụt rè sửa lại giọng cho chị ấy. Hai chị em cứ tiêu khiển như vậy trong khi anh em và chồng em nói chuyện với nhau.
Nhưng khi bóng đêm đã xuống, không thể phân biệt rõ cây với hoa và đá, chị ấy trở nên im lặng và bồn chồn. Chị ấy quay sang nhìn anh em. Cuối cùng, chị ấy đứng phắt dậy, uốn éo đi lại gần anh em, tà áo mỏng tung lên phất phới như sương mù. Chị ấy cười, khẽ nói gì với anh em, rồi đứng cạnh anh em, công nhiên nắm lấy tay anh.
Em phải ngoảnh mặt đi.
Khi em vờ xem chiều góc, liếc mắt nhìn thì thấy chị ấy ngồi xụp xuống sân, nép mình bên ghế và kề má vào bàn tay của anh em! Em thấy tội nghiệp cho anh em. Chắc anh em phải ngượng về lối tỏ tình như vậy của một người đàn bà. Trời tối nên em không trông thấy rõ nét mặt của anh em, mọi người đều ngưng không nói chuyện nữa. Chỉ còn nghe thấy tiếng sâu hè kêu ri-rỉ ở ngoài vườn. Em đứng dậy đi vào trong nhà.
Mấy phút sau chồng em vào, em bảo:
- Chị ấy sao mà khiếm nhã thế!
Nhưng chàng chỉ cười.
- Ồ, không… chỉ có em thì mới thấy thế!
Em tức quá, quay lại hỏi chồng em:
- Thế anh có muốn em níu lấy tay anh ở trước công chúng không?
Chàng lại cười, nhìn em, đáp:
- Không, vì nếu em làm như thế thì mới thực là khiếm nhã.
Em biết là chàng nhạo em, nhưng bắt đầu từ lúc  đó, em không hiểu tại sao em lại không nói thêm gì nữa.
Em thật không hiểu những cử chỉ tự do của chị ấy. Nhưng thực là kỳ cục, khi em nghĩ lại, em không thấy những cử chỉ ấy có gì là xấu cả. Chị ấy tỏ tình yêu anh em giản dị như một đứa trẻ đối với bạn nó. Không có gì là giấu giếm và gian giảo cả. Kỳ cục quá! Chẳng giống đàn bà nước mình một chút nào.
Chị ấy chẳng khác gì một chùm hoa cam dại, tinh khiết, nồng cay, mà không có hương thơm.

*

Cuối cùng ba người đã đồng ý với nhau theo một kế hoạch. Chị ấy sẽ mặc áo Trung Hoa, và tất cả cùng đi tới cha mẹ em. Anh em đã dạy chị ấy nghi thức cúi chào hai cụ. Em thì đi trước để báo tin và dâng lễ vật.
Nghĩ đến giờ phút ấy mà suốt đêm em không ngủ được. Môi em se lại, em định le lưỡi ra liếm, song lưỡi cũng khô cứng ở trong miệng. Chồng em cười nói những lời quả quyết để khích lệ em, nhưng khi vắng mặt chàng em lại lo sợ. Em từ trước tới nay không bao giờ cưỡng lời mẹ em, thế mà bây giờ em công khai đứng về phe chống đối mẹ em.
Không biết em lấy can đảm ở đâu ra mà dám hành động như vậy? Từ trước em vốn nhút nhát, giá mình em thì em chỉ thấy hành động như vậy là tai hại. Ngay bây giờ em đã thấy rõ tâm trạng của mẹ em, mình em thì chắc em sẽ cho mẹ em là hữu lý với phong tục tập quán của dân tộc em.
Chính chồng em đã làm cho tính tình em biến cải, khiến em tuy có lo sợ đấy nhưng cũng dám bênh vực tình yêu chống lại tổ tiên em. Nhưng em sẽ run quá.
Tất cả chỉ có mỗi một mình cô gái ngoại quốc kia là bình tĩnh.