Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Phần I - Chương 1
LỜI CỦA MỘT PHỤ NỮ TRUNG HOA

     HỮNG ĐIỀU NÀY, em có thể nói ra với chị, chị ạ, chứ ngay với đàn bà nước em, em cũng không thể nói ra với ai được, vì người ta không thể hiểu nỗi những xứ xa lạ mà chồng em đã ở suốt mười hai năm. Ngay cả với đàn bà ngoại quốc không hiểu biết nước em, và nếp sống của dân tộc em đã có từ triều đại xưa, em cũng không thể nói thẳng ra được. Còn chị? Tuy chị là người của những xứ mà chồng em đã sang ở học sách Tây phương, nhưng chị đã ở đây từ bé tới giờ, suốt đời đã sống chung đụng với người nước em, chị sẽ hiểu. Em nói sự thật. Em đã gọi chị là Chị, coi như chị ruột, nên em sẽ kể hết cho chị nghe.
Chị biết tổ tiên em đã sống năm trăm năm ở trong đô thị cổ kính này ở Trung Quốc. Các vị tôn nghiêm ấy, không một vị nào theo mới - ngay đến bản thân của các cụ, các cụ cũng không muốn thay đổi. Cụ nào cũng sống một cách thầm lặng, trang nghiêm, tự tin ở lòng chính trực của mình. Cho nên cha mẹ em cũng dạy dỗ em theo những nề nếp cổ truyền đáng kính ấy. Không bao giờ em có ý nghĩ em có thể ước ao đổi khác. Em không có ý nghĩ ấy và em thấy hình như tất cả những ai thiệt là người đều phải giống như em. Giá em có thoáng nghe nói, như từ xa xôi bên ngoài những bức tường vây quanh sân nhà em, có những người đàn bà khác em, những người đàn bà đi lại tự do như đàn ông, em chẳng bao giờ để ý tới họ. Em sống, như em đã nói, theo đường lối tổ tiên em đã thừa nhận. Chẳng bao giờ em để ý đến một điều gì ở bên ngoài. Em chẳng mong ước gì cả. Nhưng bây giờ đã đến lúc em hết sức chú ý tới những nhân vật kỳ dị này - những phụ nữ mới này - và em tìm cách bắt chước họ. Không phải vì em đâu mà vì chồng em đấy, Chị ạ.
Chàng cho là em không đẹp! Chẳng qua là tại chàng đã vượt Bốn Biển tới những xứ ngoài kia và học được ở những nơi xa xôi ấy cách ưa chuộng những cái mới và nếp sống mới.
Mẹ em là một hiền phụ. Hồi em lên mười, không còn là một con nít nữa và đã trở nên một thiếu nữ, mẹ em có nói với em câu này:
"Đàn bà con gái, trước mặt đàn ông, phải biết im lặng như bông hoa và có cơ hội thuận tiện thì nên rút lui sớm chừng nào hay chừng nấy, không có băn khoăn bối rối chút nào."
Em nhớ lời mẹ dạy. Vì thế cho nên trước kia đứng trước mặt chàng, bao giờ em cũng cúi đầu, chắp tay. Chàng nói gì em cũng không trả lời. Nhưng nay em sợ chàng ngán sự im lặng của em.
Khi em cố moi đầu óc tìm xem có cái điều gì khả dĩ làm cho chàng vui lòng, thì em thấy đầu óc em bỗng dưng trống rỗng, trơ trụi như một ruộng lúa sau mùa gặt. Khi em ngồi thêu thùa một mình, em nghĩ được không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp để nói với chàng. Em sẽ tỏ cho chàng biết em yêu chàng không kể sao cho xiết. Xin lỗi chị, em sẽ không dùng những lời trơ trẽn, bắt chước kiểu Tây phương tham lam, nhưng những lời kín đáo, chẳng hạn như:
"Chàng ơi, chàng có nhận thấy cảnh bình minh hôm nay thế nào không? Đất cằn cỗi tựa hồ như vươn lên đó ánh dương. Tối tăm. Rồi một vừng ánh sáng lóe ra như một khúc nhạc tưng bừng! Lang quân yêu kính của thiếp ơi! Thiếp chính là thứ đất cằn ấy đương chờ đợi ánh dương của chàng đấy!
Hoặc lúc chiều hôm chàng bơi thuyền trên Hồ Sen thì nói như thế này:
"Dòng nước đục lờ kia sẽ ra sao, nếu không được mặt trăng hút dâng lên? Lớp sóng kia sẽ ra sao, nếu không được ánh trăng soi dõi lung linh? Lang quân ơi hỡi Lang quân, xin chàng hãy bảo trọng mình vàng, trở về khang an với thiếp. Nếu không, e rằng vắng chàng, thiếp sẽ như dòng nước đục lờ kia mất!"
Nhưng đến khi chàng trở về, mặc bộ y phục kỳ lạ kia, em không thể nói với chàng những lời như thế nữa. Có thể là em đã lấy phải một người ngoại quốc chăng? Chàng ít lời và chỉ nói hời hợt ngoài miệng, đưa mắt nhìn em thoáng một cái rồi thôi, cho dẫu em có mặt chiếc áo màu hoa đào và cài những trâm ngọc trên bộ tóc mới chải của em cũng thế thôi.
Đó là nỗi buồn phiền của em. Mới cưới được một tháng mà đối với con mắt chàng, em không còn vẻ gì đẹp cả.

*

Em suy nghĩ đã ba hôm nay rồi, Chị ạ. Em phải dùng mánh khóe và tìm cách để chồng em chú ý tới em. Em chằng thuộc vào dòng họ những phụ nữ được đức ông chồng sủng ái là gì? Suốt một trăm năm nay, không một ai kém nhan sắc, trừ có một người tên là Quý-Mỹ đời Tống, bị rỗ vì lên đậu năm mới ba tuổi. Tuy nhiên, người ta cũng chép lại rằng nàng có cặp mắt đen lánh như hạt nhãn và giọng nói cảm xúc lòng các chàng trai, như ngọn gió thổi trong bụi trúc về mùa xuân. Chồng nàng yêu dấu nàng vô cùng, mặc dầu có tới sáu người thiếp xứng đáng với sự giàu sang và địa vị của chàng, nhưng không một người nào được chàng yêu quý bằng nàng. Và nội tổ em là Dương Quý Phi - người mang một con bạch tước ở cổ tay - đã nắm giữ triều chính trong hai bàn tay thơm ngát của bà, vì Hoàng đế - Đức Thiên tử - đã say mê sắc đẹp của bà. Em là người nhỏ nhất trong những nhân vật đáng kính ấy, ít ra em cũng có máu huyết của các vị ấy trong máu huyết của em, và xương tủy các vị ấy trong xương tủy của em.
Em đã soi mình trong tấm gương đồng. Nếu em có nói với Chị rằng em thấy nhiều người không đẹp bằng em, chính là vì chồng em chứ không phải vì em chút nào. Em thấy đôi mắt em đường nét rất rõ ràng, lòng đen lòng trắng phân minh; em thấy tai em rất xinh, vành tai ép sát hai bên đầu một cách rất khéo léo, cho nên đeo những bông tai bằng vàng dát ngọc rất xứng; em thấy miệng em cũng rất xinh, làn môi rất hợp với khuôn mặt trái xoan. Em chỉ ao ước nước da em bớt xanh đi một chút, và đường lông mày kéo dài ra độ vài ly nữa về phía thái dương thì thích quá. Em bôi vào lòng bàn tay một chút phấn hồng xoa lên má để sửa cho nước da bớt xanh. Một ngọc bút thấm đẫm mực đen làm cho đôi lông mày em hoàn mỹ.

*

Đến khi thầy bói chọn ngày cưới cho em, đến khi những chiếc rương sơn son đã chứa đầy ních lên tận miệng, chăn mền và gấm đỏ tươi chất đống trên bàn, và bánh cưới xếp cao lên như những cái đỉnh, mẹ em cho người gọi em vào phòng riêng. Em rửa tay, vuốt tóc cho mượt rồi tới phòng mẹ em. Người đương ngồi uống trà trên chiếc ghế gỗ trắc chạm trổ. Cái điếu cày dài bằng trúc bịt bạc dựng ở cạnh tường, vừa tầm tay người. Em đứng cuối gầm đầu xuống trước mặt người,  không dám ngẩng lên nhìn. Dẫu sao, em vẫn cảm thấy người đương ngắm em suốt từ đầu tới chân. Cái nhìn đầm ấm bao la xuyên qua không khí im lặng, thấm vào tận đáy lòng em. Một lúc sau, mẹ em bảo em ngồi xuống. Tay nghịch đĩa hạt dưa đặt trên cái bàn ở bên cạnh, vẻ mặt mẹ em trầm lặng với những nét buồn khó hiểu người vẫn thường có. Mẹ em là người rất khôn ngoan, Người bảo em: "Quế Lan, con gái mẹ sắp sửa lấy người mà cho con đã hứa hôn từ trước khi sinh ra con. Cha con và cha cậu ta là anh em kết nghĩa với nhau. Hai người đã hứa gả con cho nhau để kết chặt tình huynh đệ. Chồng sắp cưới của con lúc đó mới lên sáu. Con sinh ra trong khoảng năm đó. Thế là số phận con đã định từ bấy giờ và con được dưỡng dục với mục đích ấy."
"Suốt mười bảy năm nuôi nấng con, mẹ luôn luôn nghĩ tới cái ngày cưới của con hôm nay. Trong mọi điều dạy dỗ con, mẹ luôn luôn lưu tâm tới hai người là: mẹ chồng và chồng con. Đối với mẹ chồng con là mẹ đã dạy con cách pha trà và dâng trà mời một người trọng tuổi, thái độ con phải gìn giữ trước mặt người ta; Phải biết im lặng khi người ta nói, cho dẫu người ta khen mình hay chê mình cũng vậy. Nói tóm lại mẹ đã dạy con hết điều, để con biết phục tùng, như một bông hoa chịu đựng cơn mưa cũng như cơn nắng."
"Đối với chồng, mẹ đã dạy con cách trang điểm, cách ăn nói không phải bằng lời nhưng bằng mắt, bằng cử chỉ và cách... thôi, những chuyện này đến giờ đến lúc chỉ có hai vợ chồng với nhau, con sẽ hiểu."
"Như vậy, con đã thấu triệt hết thẩy những bổn phận của một người đàn bà cao quý. Cách làm bánh mứt, nấu các món ăn ngon con đã biết cả, và con có thể làm cho chồng con khao khát và lưu ý bởi giá trị của con. Luôn luôn phải biết dùng tài khéo léo thay đổi món ăn để cám dỗ chồng."
"Tất cả những thái độ và nghi thức xã giao như phép tới lui chào hỏi các bậc bề trên, cư xử với người dưới, cách lên kiệu, phép chào mẹ chồng trước công chúng, tất cả những điều ấy con đã biết. Tư cách của một bà chủ nhà, những nụ cười ngoại giao, nghệ thuật bới tóc cài trâm, giắt hoa, vẽ môi son, móng tay, dùng nước hoa, tiểu xảo mang giày trên đôi bàn chân xinh xắn của con - A! Đôi bàn chân của con đã tốn không biết bao nhiêu là nước mắt! Nhưng mẹ chưa từng thấy đôi bàn chân nào nhỏ như vậy trong thế hệ của con. Lúc mẹ bằng tuổi con, chân mẹ cũng không thể xinh hơn thế được. Mẹ chỉ mong bên họ Lý lưu tâm tới những bức thư của mẹ, bó thật chặt đôi bàn chân của con gái họ đã hứa gả cho anh con, con trai mẹ. Nhưng mẹ vẫn thắc mắc điều đó vì nghe nói cô ấy học cả Tứ Thư, mà đối với phụ nữ thì học vấn không bao giờ đi đôi với sắc đẹp cả. Mẹ phải nhắn bà mối về việc này một lần nữa mới được."
" Còn về phần con, nếu con dâu mẹ cũng được như con thì mẹ chẳng phải phàn nàn nhiều. Con đã được huấn luyện chơi Cổ Thụ Cầm từ bao thế hệ nay giới phụ nữ đã gẩy đàn này để cho Đức lang quan giải trí mua vui. Ngón tay cho rất khéo léo và móng tay con dài. Con đã được học những bài thơ kiệt tác của những thi hào tài danh nhất thời xưa, con lại có thể ngâm lên rất hay theo tiếng Thụ Cầm của con. Mẹ xem mẹ chồng con không thể tìm thấy một khuyết điểm nào trong tác phẩm của mẹ. Trừ phi con không sinh được con trai! Nhưng mẹ sẽ sửa lễ đi cầu thần nếu qua năm đầu mà con chưa thụ thai."
Máu bốc lên mặt em. Em không thể nhớ em không biết chuyện sin con đẻ cái và thân phận của một người làm mẹ vào hồi nào. Những chuyện mong mỏi sinh con trai ở trong một gia đình như gia đình nhà em, với một người cha có tới ba vợ lẽ chỉ chuyên lo việc thụ thai và sinh đẻ là những chuyện quá thường, không chút gì là huyền bí cả. Nhưng cứ nghĩ tới việc ấy đối với em... song mẹ em không trông thấy má em đỏ bừng lên. Mẹ em đương mãi suy nghĩ điều gì và tay lại mân mê nghịch mấy hạt dưa.
Rồi mẹ em lại nói: "Chỉ có mỗi một điều là chồng con đã xuất ngoại tới những xứ xa lạ. Cậu ta lại học cả nghề y sĩ ngoại quốc nữa. Mẹ không biết… Nhưng thôi. Thời gian sẽ cho ta biết. Thôi con có thể trở về phòng riêng của con."