Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương 2

     m nhớ chưa bao giờ nghe thấy mẹ em nói nhiều như thế, Chị ạ. Sự thực, người ít nói lắm trừ khi người mắng hay sai bảo điều gì.  Đúng thế, vì trong đám khuê phòng gia đình em không một ai bằng mẹ em cả; mẹ em là Đệ Nhất Phu Nhân là Bà Lớn về địa vị cũng như về khả năng thiên phú. Chị đã gặp mẹ em lần nào chưa, Chị nhỉ? Chị có nhớ không dáng người mảnh khảnh, gương mặt xanh xanh điềm tĩnh trông như tạc bằng ngà. Em nghe nói hồi còn trẻ, chưa cưới, mẹ em đẹp lắm, mày ngài, môi đỏ như bông mộc qua. Ngay bây giờ mặt bà tuy không còn vẻ tươi nữa nhưng vẫn giữ nguyên cái khuôn bầu dục đúng y như ở trong những bức cổ họa. Còn đôi mắt của mẹ em thì Đệ Tứ Phu Nhân là người khéo mồm khéo miệng, một hôm bảo em:
"Đôi mắt của Đệ Nhất Phu Nhân là những viên ngọc ảo não, những viên ngọc huyền, chết vì đã trãi qua quá nhiều đau khổ."
A, mẹ em!
Trong lúc em còn nhỏ, không ai có thể ví được với mẹ em. Người hiểu biết rất nhiều, cử chỉ hết sức trang nghiêm và tự nhiên khiến các bà vợ lẽ và con cái rất sợ. Bọn gia nô không ưa, nhưng rất kính phục mẹ em. Em thường nghe chúng lẩm bẩm vì đến những đồ thừa lặt vặt ở trong bếp chúng ăn cắp cũng không qua khỏi mắt mẹ em. Tuy nhiên mẹ em không bao giờ mắng chúng ầm ĩ như mấy bà vợ lẽ khi tức giận. Khi mẹ em gặp một việc gì không được hài lòng, mẹ em rầy la rất ít, nhưng lời nào thốt ra cũng gay gắt miệt thị, như nước đá lạnh đâm buốt vào da, vào thịt người ta.

*

Mẹ em đối với anh em và đối với em rất tốt, nhưng lúc nào cũng trang nghiêm và kín đáo đúng với địa vị của bà ở trong gia đình. Tất cả có sáu con thì bốn người bị thần thánh bắt đi ngay từ khi còn nhỏ, cho nên mẹ em rất quý anh em, cậu con trai duy nhất của bà. Trong khi mẹ em đã sinh được con trai nối dõi tông đường cho cha em, thì trên phương diện pháp lý, cha em không thể viện cớ gì đế trách cứ mẹ em được. Hơn nữa, trong lòng mẹ em cũng thầm hãnh diện vì có cậu con trai ấy.

*

Chị đã gặp anh em bao giờ chưa? Anh ấy giống mẹ em, người mảnh khảnh, xương nhỏ, cao và thẳng như cây trúc non. Lúc còn bé chúng em bao giờ cũng ở cạnh nhau. Chính anh ấy đã khai tâm cho em viết chữ bằng bút lông lên cuốn vở đầu tiên của em. Nhưng vì anh ấy là con trai mà em là con gái, cho nên năm anh lên chín và em lên sáu thì gia  đình không để cho anh ở trong biệt khu của phụ nữ nữa mà đưa anh ra ở chung một khu phòng với cha em. Từ đó chúng em ít gặp nhau, vì lớn lên anh coi việc đến thăm phụ nữ là một việc hổ thẹn; vả lại mẹ em cũng không thúc giục anh làm việc ấy.
Còn em, đương nhiên là em không bao giờ được phép lai vãng tới chổ nam giới ở. Lúc đầu, khi người ta đưa anh đi ở riêng biệt xa bọn phụ nữ chúng em, có một chiều em đi lẩn trong bóng tối đến cánh cổng vòng nguyệt ăn thông vào biệt khu của nam giới ở, tựa lên bức tường đối diện, ngó vào trong sân, hy vọng có thể trông thấy anh em ở trong vườn. Nhưng em chỉ thấy toàn những nam bộc đi đi lại lại vội vã bưng những món ăn bốc khói nghi ngút. Khi họ mở cửa vào khu phòng của cha em, thì những tiếng cười ở bên trong vang ra, lẫn có tiếng một người đàn bà ca hát, giọng cao và mong manh. Khi những tấm cánh cửa nặng đóng lại, thì trong vườn lại im lặng như tờ.
Em đứng rình nghe tiếng cười của các tân khách, để xem anh em có ở trong đám vui nhộn ấy không, chợt em thấy cánh tay bị giật mạnh một cái. Thì ra là Vương Đại Ma người nữ bộc chánh của mẹ em, Già Vương la em:
"Nếu tôi còn bắt gặp lần nữa, tôi sẽ mách bà cho mà xem! Từ xưa chưa ai thấy một người con gái mà lại đi ngó trộm đàn ông khiếm nhã như thế bao giờ!"
Em xấu hổ chỉ dám khẽ nói một câu để bào chữa:
"Tôi chỉ tìm anh tôi thôi mà."
Nhưng Già Vương trả lời cương quyết:
"Anh cô bây giờ cũng là đàn ông rồi."
Thế là từ đó em rất ít gặp anh em.
Nhưng em nghe nói anh ham học và sớm thông đạt cả Tứ Thư và Ngũ Kinh, đến nỗi cha em về sau phải chiều theo lời năn nỉ của anh, cho phép anh vào học tại một trường ngoại quốc ở Bắc Kinh. Lúc cưới em thì anh ấy đương theo học tại trường Quốc Gia Đại Học Bắc Kinh và trong bức thư nào anh cũng năn nỉ xin phép sang du học bên Mỹ. Thoạt tiên cha mẹ em không muốn nghe nói tới chuyện đó, nhất là mẹ em thì không bao giờ chấp thuận cả. Nhưng cha em thì rất ghét bị quấy rầy và em thấy nếu anh em cứ làm phiền cha em, thì rất có thể anh sẽ được phép.
Trong hai kỳ nghỉ hè về ở nhà, trước khi trở lại trường, anh em nói chuyện rất nhiều về một cuốn sách mà anh gọi là "Khoa Học". Mẹ em phiền lòng về chuyện này lắm, vì mẹ em không thấy những tri thức Tây phương có ích lợi gì cho một người quý phái Trung Hoa. Lần cuối cùng về thăm nhà, anh em ăn bận như người ngoại quốc, mẹ em giận lắm. Khi anh ấy bước vào phòng, người rầu rĩ với một vẻ xa lạ, mẹ em nện mạnh chiếc gậy xuống đất và la:
"Thế là nghĩa lý gì? Thế là nghĩa lý gì? Từ nay đừng có bao giờ lởn vởn đến trước mặt ta trong bộ quần áo rởm đời ấy!"
Anh em  đành phải mặc quần áo cũ, tuy nhiên anh ấy cũng tức bực, đợi đến hai ngày sau, bị cha em chế diễu và bắt buộc anh mới chịu. Mẹ em rất có lý. Anh em mặc quần áo tầu vào, trông có vẻ đường bệ của một học giả; còn mặc bộ quần áo kỳ quặc kia, để thò hai ống chân ra, trông chẳng ra cái gì cả; ở nhà chưa ai từng trông thấy nói đến bao giờ.
Trong hai kỳ về thăm nhà ấy, ngay cả với em, anh em cũng ít nói chuyện. Em không biết anh ấy thích đọc những sách gì, vì em bận sửa soạn nhiều việc cần thiết cho hôn lễ của em nên không có thời giờ rảnh rỗi học thêm về kinh điển nữa.
Đương nhiên là hai anh em không bao giờ bàn đến chuyện hôn nhân của anh ấy vì giữa một thanh niên với một thiếu nữ mà nói đến chuyện ấy thì không tiện một chút nào cả. Qua câu chuyện bọn nữ bộc đã nghe trộm được em chỉ biết anh ấy hết sức phản đối không chịu cưới vợ, mặc dầu đã ba bốn phen mẹ em cố tình quyết  định ngày hôn lễ. Lần nào anh ấy cũng thuyết phục được cha em đình việc cưới xin lại để cho anh theo đuổi thêm sự học. Tất nhiên em biết chuyện anh đã được hứa hôn với cô con gái thứ hai gia đình họ Lý, một gia đình giầu, có địa vị tiếng tăm lớn ở đô thị. Ba đời trước, ông trưởng tộc họ Lý và ông trưởng tộc nhà em làm quan cai trị hai huyện giáp ranh nhau trong một tỉnh.
Cố nhiên là chúng em không biết mặt vị hôn thê của anh ấy. Công việc do cha em thu xếp từ khi anh ấy chưa đầy tuổi tôi. Vì thế cho nên hai gia đình không tiện đi lại với nhau trước ngày lễ cưới của anh em. Ngay đến chuyện người vị hôn thê ấy cũng không ai nói tới, trừ có một lần em nghe Vương Đại Ma bàn ra tán vào, với mấy nữ bộc khác:
"Có điều đáng tiếc là tiểu thư họ Lý lại lớn hơn cậu ấm nhà những ba tuổi. Chồng bao giờ cũng phải hơn vợ ngay cả về tuổi cũng vậy. Nhưng nhà người ta cổ phong, lại giầu này, lại…"
Thấy em, Già Vương im ngay và tiếp tục làm việc.
Em không hiểu sao anh em lại từ chối lấy vợ, người vợ lẽ thứ nhất của cha em, nghe chuyện cười nói:
"Chắc ở Bắc Kinh cậu ấm đã kiếm được cô gái Mãn Châu đẹp nào rồi."
Nhưng em tin chắc anh em không yêu gì khác bằng yêu sách.
Vì thế, em lớn lên cô đơn trong khuê phòng.

*

Mấy bà vợ lẽ cố nhiên là cũng có con; nhưng em biết mẹ em chỉ coi mấy người con ấy như bao nhiêu cái miệng khác mẹ em phải nuôi mà thôi, hàng ngày bà phải phát lương thực gạo, muối, dầu, mỡ, cho họ ăn, và sai người cắt cho đủ số vải xanh trơn may quần áo cho họ, còn ngoài ra mẹ em không quan tâm đến họ.
Còn mấy bà vợ lẽ thực ra chỉ là mấy ả dốt nát, hơi một chút thì cãi lộn nhau, và ghen tương nhau đến chết về ngôi thứ chiếm được trong lòng sủng ái của cha em. Trước hết họ khêu gợi sở thích của cha em bằng một thứ nhan sắc chóng tàn phai như những bông hoa người ta hái về mùa xuân, khi nào cái nhan sắc mong manh ấy hết thì cha em cũng hết ưu đãi.
Nhưng hình như không bao giờ họ nhận thấy họ đã hết xuân, và mấy hôm trước ngày cha em đến với họ thì họ bận rộn tíu tít lau chùi nữ trang, sửa soạn áo quần. Ngày Tết hay hôm nào được bạc, cha em cho họ tiền, nhưng họ đem tiêu phí phạm ngu xuẩn vào mấy món kẹo, bánh hay rượu họ ưa thích; rồi đến trước ngày cha em tới không có tiền, họ lại đi vay, đi mượn của bọn tôi tớ để mua giầy mới hay trâm lược. Bọn tôi tớ thấy cô vợ lẽ nào mất ân sủng của cha em thì chúng khinh khi và làm khó dễ hết sức.
Cô vợ lẽ nhiều tuổi nhất, người béo phị, bao nhiêu nét thanh tao đều bị lấp hết dưới những ụ thịt ở hai bên má, không còn giữ  được vẽ gì hơn là hai bàn tay xinh đẹp mà ả rất hãnh diện.  Ả rửa tay bằng dầu, nhuộm hồng hai lòng bàn tay và vẽ son lên những chiếc móng bầu dục trơn bóng, rồi xức nước hoa mộc lan thơm nồng nặc. Đôi khi mẹ em ngán cái tính hợm hĩnh rỗng tuếch của cô vợ hai này, mẹ em chơi ác bắt làm những công việc vá may hay giặt giũ cực nhọc. Cô ả mập này không dám trái lệnh, mà chỉ than thở ngầm với các cô vợ lẽ khác, đổ cho mẹ em ghen và muốn phá hoại nhan sắc của cô ấy. Cô ả vừa nói vừa nâng niu bàn tay, ngắm nghía từng chút một để xem làn da mịn có bị xây xát hay lên chai không. Em sợ không dám đụng vào bàn tay cô ả, mỗi khi nắm phải thấy nó nóng và nát nhẽo ra.
Cha em  đã hết quyến luyến cô ả từ lâu rồi, nhưng đêm nào ngủ ở phòng cô ta, cha em lại cho tiền, để tránh khỏi phải nghe cô ả khóc lóc ầm ỉ ở ngoài sân và trách móc phiền nhiễu. Dẫu sao cha em cũng nể cô ta một đôi chút vì ít ra cô ta cũng có hai con trai với cha em rồi.
Hai cậu ấm này cũng mập y như mẹ, thấy mặt là thấy ăn với uống.
Chúng ăn no ở nhà trên với những đứa khác rồi lại mò xuống nhà dưới tranh ăn chỗ cơm thừa canh cặn với bọn tôi tớ. Chúng sợ mẹ em nên đề phòng xảo quyệt lắm vì mẹ em ghét nhất là thói tham  ăn. Chính mẹ em không bao giờ ăn hơn một bát cơm khô với một chút cá kho hay một miếng thịt gà thịt vịt nguội bé tí xíu, và uống một ngụm trà ướp hoa.
Em không nhớ chuyện gì hơn về cô Đệ Nhị Phu Nhân này, ngoài chuyện cô ta lúc nào cũng sợ chết. Cô ta ăn rất nhiều bánh vừng ngọt đẩm dầu, đến khi đau ốm lại nằm rên rỉ lo sợ, và cầu đến mấy ông sư, hứa cúng trâm ngọc vào đền chùa nếu thánh thần chữa cho cô ta khỏi bệnh. Song đến khi khỏi bệnh, cô ta lại ăn bánh nữa và giả bộ quên mất lời đã hứa.
Cô vợ lẽ thứ hai, tức Đệ Tam Phu Nhân là một người buồn tẻ, ít nói và ít để ý đến chuyện gia đình. Nàng có năm con, toàn gái trừ có đứa út; thành ra tinh thần nàng bị suy yếu và con người nàng âu sầu ảo não.
Nàng chẳng thiết tha gì đến mấy đứa con gái. Chúng bị bỏ rơi và đối xử chẳng hơn gì mấy đứa nô lệ cha mẹ em mua về làm tôi đòi. Suốt ngày nàng quanh quẩn ở một góc sân có ánh nắng nuôi đứa con trai, một thằng bé cục mịch vàng bủng lên ba tuổi mà chưa biết đi biết nói, lúc nào cũng mếu máo và bám lấy hai cái vú chẩy xệ xuống của mẹ.
Người vợ lẽ em ưa hơn cả là người thứ ba, một vũ nữ bé nhỏ người Tô Châu. Nhủ danh nàng là La Mai và nàng đẹp như bông mai thật, bông mai mỗi đầu xuân tới lại gài những cánh vàng phơn phớt lên những cành trơ trụi lá. Nàng chẳng khác gì những cánh hoa ấy, mảnh mai dễ thương tai tái vàng. Nàng không hay thoa phấn lên má như những người khác mà chỉ hơi tô đậm thêm đôi lông mày nhỏ và bôi một chút son lên làn môi dưới của nàng thôi. Lúc đầu, chúng em ít khi gặp nàng vì cha em rất hãnh diện về sắc đẹp của nàng đi đâu cũng đem nàng theo.
Năm ngoái trước ngày cưới em, nàng ở nhà chờ sinh đứa con đầu lòng. Thằng bé dễ thương, kháu khỉnh và mũm mĩm, nàng ẵm nó lên trao vào tay cha em. Thế là nàng đã đền bù lại tình thương yêu và những đồ nữ trang cha em đã cho nàng.
Trước khi đẻ đứa con này, Đệ Tứ Phu Nhân thường bị khích động mạnh, nàng cười luôn miệng và cười khanh khách. Đi đến đâu nàng cũng được người ta khen đẹp; thực thế, em chưa từng thấy người nào đẹp hơn nàng. Nàng mặc áo đoạn xanh màu ngọc và nhung huyền, tai đã xinh đeo ngọc lại càng xinh thêm. Nàng có vẻ hơi khinh bọn em, mặc dầu nàng thường chia cho rất nhiều kẹo bánh người ta tặng nàng trong những bữa tiệc, đêm đêm nàng được dự với cha em còn chính nàng gần như không ăn gì cả  — một chiếc bánh vừng buổi sáng khi cha em đi khỏi, và buổi trưa một bát cơm với một miếng măng hay một miếng thịt vịt kho nhỏ.
Nàng thích rượu ngoại quốc nên thường tán tỉnh cha em mua cho thứ rượu vàng lợt bốc tăm lăn tăn trắng như bạc từ dưới đáy ly lên. Rượu này làm cho nàng cười nói luôn miệng và mắt long lanh như pha lê  đen.
Những lúc ấy, nàng làm cho cha em vui lắm và giục nàng khiêu vũ và ca cho cha em nghe.
Những lúc cha em mở tiệc như vậy, mẹ em chỉ ngồi trong phòng riêng đọc những lời Khổng giáo. Còn em là một thiếu nữ, em cũng muốn biết trong những buổi dạ hội ấy có những gì, em muốn ngó xem, như trước kia có một lần đi tìm anh em, em đã ngó như vậy, qua những lỗ chạm ở cánh cổng vòng nguyệt vào trong khu phòng nam giới. Nhưng mẹ em không bao giờ cho phép làm như vậy, nếu em trái lời thì xấu hổ lắm.
Ấy thế mà một đêm — nghĩ tới bây giờ em vẫn còn xấu hổ vì đã không vâng lời cha mẹ — em lại lần theo ánh trăng mùa hạ tới ngó qua khe cổng nhìn vào phòng cha em. Không hiểu sao em lại làm thế — em có nghĩ gì đến anh của em nữa đâu. Hình như có một sự khao khát mơ hồ lạ lùng làm cho em bồn chồn suốt cả ngày nóng nực dài đăng đẳng hôm ấy; đêm tới mùi hoa sen nồng ngát, sự yên lặng trong khu phòng phụ nữ hình như một cái gì chết chóc. Lúc ngó trộm như vậy, tim em đập mạnh. Cửa phòng mở tung, và ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn rọi ra ngoài sân nóng, không một làn gió, ở trong nhà, em thấy đàn ông ngồi ăn uống quanh những chiếc bàn vuông, người hầu bưng thức ăn đi lại tíu tít. Sau mỗi chiếc ghế đàn ông ngồi lại có hình bóng gầy như liễu của một thiếu nữ. Nhưng bên cạnh cha em, người đàn bà duy nhất được ngồi vào bàn ăn là La Mai. Em trông thấy nàng rất rõ, mặt quay về phía cha em cười tươi như một bông hoa bằng sáp. Nàng nói gì rất khẽ môi chỉ hơi mấp máy và tất cả bọn đàn ông cười vang lên, thế mà nét mặt nàng vẫn thản nhiên cái miệng vẫn chỉ khẽ cười tinh quái như cũ.
Lần này chính mẹ em bắt gặp em. Mẹ em ít khi ra khỏi nhà, đi dạo ở ngoài sân, nhưng đêm ấy nóng quá buộc mẹ em không ở mãi trong nhà được, mắt mẹ em tinh lắm, trông thấy em ngay. Mẹ em bắt em phải trở về phòng lập tức, và lấy quạt đánh mạnh vào mu bàn tay em, rồi khinh bỉ hỏi em muốn xem gái điếm làm việc hay sao. Em xấu hổ khóc ròng.
Hôm sau mẹ em sai người đóng một tấm mắt cáo đồ mồi mờ đục vào cánh cổng vòng nguyệt và từ đó không bao giờ em ngó trộm như thế nữa.
Nhưng mẹ em đối với Đệ Tứ Phu Nhân vẫn không kém phần tử tế.
Tất cả nô bộc trong nhà đều lớn tiếng khen mẹ em khoan dung, song em thì chắc rằng mấy bà vợ bé khác đều mong mẹ em ác nghiệt như những bà vợ cả khác. Có lẽ mẹ em đã tiên đoán được những việc có thể xảy ra.
Sau khi sinh đẻ xong, Đệ Tứ Phu Nhân tưởng rằng thế nào cha em đi đâu cũng sẽ đem nàng đi theo như trước. Thành thử nàng không chịu nuôi con lấy, sợ kém mất vẻ đẹp đi. Nàng giao con cho một mụ gia nô khỏe mạnh có một đứa con gái nhưng cố nhiên là con bé này không được người ta để cho sống. Mụ gia nô này người đần độn, miệng hôi thối, nhưng thằng bé suốt đêm rúc vào vú mụ ngủ và suốt ngày được mụ bế ẵm. Mẹ nó ít khi nhìn tới nó, trừ khi gặp ngày hội, nàng mặc cho nó chiếc áo đỏ, đi cho nó đôi giầy mặt hổ phù và chơi với nó một chốc, một lát. Hễ nó khóc là nàng vội đẩy ngay cho mụ kia bế.
Thằng bé không giúp cho nàng đủ sức cầm chân được cha em. Trên pháp lý mặc dầu nàng đã đền đáp được những ân sủng của cha em, nhưng hàng ngày nàng cũng như mấy người khác vẫn tìm hết mánh khóe để mê hoặc cha em. Song mánh khóe cũng vô ích. Nàng không còn đẹp như hồi chưa sinh đẻ. Gương mặt ngọc mịn màng của nàng đã kém vẻ thanh xuân.
Nàng vẫn mặc áo màu lục ngọc, đeo hoa tai và cười khanh khách. Cha em vẫn ra vẻ sủng ái nàng như thường; chỉ có điều là lần sau đi chơi cha em không đem nàng theo nữa.
Trông nàng ngẩn ngơ điên cuồng mà sợ. Mấy bà vợ lẽ khác làm ra bộ an ủi nàng, nhưng trong lòng thì sướng thầm và cười như nắc nẻ. Mẹ em tỏ ra tử tếvới nàng hơn trước. Em nghe Vương Đại Ma tức giận cằn nhằn:
"À, phải, nhà ta lại sắp phải nuôi thêm một mụ ăn không ngồi rồi nữa!"
Từ hôm ấy trở đi, Đệ Tứ Phu Nhân sinh ra phiền muộn, cáu kỉnh và hết sức chán cái  đời sống vô vị trong khuê phòng. Nàng đã quen thú vui yến tiệc và được đàn ông tán tụng, nay đâm ra ưu sầu và định tự tử nữa.
Nhưng đó là sau khi em đi ở riêng rồi mới xảy ra. Tuy nhiên, đừng tưởng chúng em sống ở nhà như vậy là buồn lắm đâu. Sự thực sung sướng lắm,
Chị ạ, xung quanh láng giềng ai cũng đố kị với mẹ em. Cha em thì không ngớt kính phục mẹ em về trí thông minh và tài  điều khiển công việc nội trợ. Không bao giờ mẹ em phiền trách cha em một điều gì.
Vì thế cho nên hai ông bà sống với nhau rất đường hoàng và êm ấm.

*

Ôi ngôi nhà yêu quý của em! Cả một quãng thiếu thời của em hiện ra trước mắt như những bức hình chói lọi bên ngọn lửa. Nào những sân vườn em thường ngắm những nụ sen nở tung cánh ra trong hồ lúc chiều tà, và những bông mẫu đơn nở ở trước thềm; nào những phòng ốc trẻ con lăn lộn trên sàn gạch, và những ngọn nến cháy chập chờn trước những thần linh thổ địa; nào khu phòng riêng của mẹ em, bây giờ nghĩ lại, em còn thấy hình ảnh trắc diện của người trang nghiêm, xinh đẹp cúi xuống đọc sách, và cuối phòng có kê một chiếc giường lớn vây trướng gấm xung quanh.
Nhưng em thích hơn hết là gian phòng khách trang nghiêm, với những chiếc ghế bành lớn, trường kỷ gỗ trắc, chiếc bàn dài chạm trổ, và những tấm rèm lụa đỏ treo ở cửa ra vào. Phía trên bàn treo một bức họa vua Cao Tổ nhà Minh — bộ mặt cương cường với chiếc cằm như thạch khối — và hai bên bức họa treo những bức liễn vàng. Tất cả mé nam khách đường là những khung cửa sổ chạm trổ căng giấy lụa. Loại giấy này chiếu vào cái vẻ trang nghiêm âm u của gian phòng khách một thứ ánh sáng êm dịu của nguyệt trường thạch quang, soi mãi lên những chiếc xà lớn sơn son thếp vàng trên trần nhà. Ngồi yên lặng trong khách đường này của tổ tiên em, và ngắm ánh hoàng hôn lắng xuống trong bóng tối tịch mịch đối với em luôn luôn như ngồi nghe một bản nhạc.
Ngày mồng hai Tết Nguyên Đán là ngày các bà mệnh phụ chọn để tới thăm nhau, gian khách đường được trang hoàng mỹ lệ. Một đoàn các bà ăn bận lộng lẫy tiến vào trong ánh sáng dìu dịu của năm mới; có đèn sáng, có tiếng cười và những mẫu chuyện xã giao kiểu cách. Bọn nữ bộc đưa mời các bà dùng những chiếc bánh nhỏ xếp trong những khay sơn son. Mẹ em chủ tọa những buổi ấy một cách rất trang nhã. Những cây xà nhà cổ từ mấy trăm năm đã quen ngó thấy cảnh ấy — những bộ tóc đen, những cặp mắt huyền, lụa là sặc sỡ, trâm lược bằng châu, ngọc, hột xoàn giắt trên mái tóc, và lam ngọc, vàng y lấp lánh trên những bàn tay nõn như ngà.
Ôi! Ngôi nhà yêu quý của em — yêu quý không biết nói sao cho xiết!
Em còn nhớ bóng hình em, vẻ đoan trang, níu lấy tay anh, em đứng nhìn ngọn lửa ở ngoài sân thiêu hóa mấy vị Táo Quân. Người ta đem bôi mật vào làn môi giấy của Táo Quân để mấy vị này về chầu thượng đế, với những lời lẽ ngọt ngào và quên tấu trình những trận cãi lộn của bọn nô bộc và những thói ăn vụng đồ ăn của chúng. Nghĩ tới hành trình của những vị Táo Quân sứ giả tới những nơi xa vời không ai biết tới mà bọn em kính sợ. Bọn em im lặng không nói chi cả.
Em nhớ tới những ngày Hội múa Rồng, em mặc chiếc áo Tết đẹp nhất bằng lụa hồng thêu hoa đào, nôn nao mong cho chóng tới chiều để anh em dẫn đi coi thuyền rồng ở trên sông.
Em nhớ tới chiếc đèn kiểu bông sen treo lủng la lủng lẳng mà chị vú già nuôi em đã cho dịp Hội Hoa Đăng, ban đêm đốt nến đỏ bên trong, em thích chí cười như nắc nẻ.
Em lại nhớ tới khi em chậm bước đi bên cạnh mẹ em vào ngôi chùa lớn, xem mẹ em thắp hương cắm vào bình. Em quỳ cạnh mẹ trước bàn thờ Phật và sợ lạnh người đi.

*

Chị ơi, em hỏi Chị, sống với những năm tháng như vậy, em làm sao có thể được đào tạo cho hợp với một người đàn ông như chồng em? Bao nhiêu tài năng của em chẳng dùng được vào việc gì. Em thầm tính mặc một chiếc áo lụa màu thanh thiên,  đính cúc đen làm bằng bạc rất khéo. Tóc em sẽ giắt bông lài và chân đi đôi giầy mũi nhọn bằng đoạn đen thêu bông xanh. Khi chàng vào, em sẽ chào đón niềm nở. Nhưng đến lúc ấy thì mắt chàng vội nhìn lảng sang những đồ vật khác — những bức thư trên bàn, cuốn sách — và em bị lãng quên.
Em âm thầm băn khoăn lo sợ. Em nhớ lại một hôm trước ngày cưới em. Hôm ấy mẹ em đích thân thảo vội hai bức thư, một cho cha em và một cho mẹ chồng tương lai em; và sai lão già gác cổng đem đi gấp. Chưa bao giờ em thấy mẹ em bối rối như thế. Hôm ấy em nghe bọn nô bộc thì thầm với nhau rằng vị hôn phu của em định thoái hôn vì em thiếu học và bó chân. Em òa lên khóc, bọn nô bộc sợ hãi và thề rằng không phải chúng nói chuyện em mà là chuyện cô con gái thứ hai của Bà Đào. Bây giờ nhớ lại chuyện ấy em bối rối hết sức. Phải chăng đó là chuyện về em? Lũ nô bộc chuyên môn nói dối! Song em đâu có phải là kẻ vô học. Em đã được học cẩn thận đủ tất cả công việc nội trợ và cách giữ gìn bản thân em. Về đôi bàn chân của em, chắc chắn không một ai có thể thích đôi bàn chân to lớn cục mịch như con nhà nông nô. Vậy chuyện bọn nô bộc nói không phải chuyện em — vâng không thể nào là chuyện em được.