Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương 5

     hị không mệt đấy chứ? Vậy em cứ nói tiếp nhé!
Em mới xa nhà có một thời gian ngắn, thế mà hình như lúc em bước qua cánh cổng quen thuộc, trăng đã khuyết cả trăm lần từ khi em bước lên kiệu hoa. Em chan chứa hy vọng không phải là ít, mà lo sợ cũng nhiều. Hôm ấy trở về, tuy mang danh là gái đã có chồng, tóc kết bím nay đã cuốn lên thành búi, trán không còn để kiểu tóc trinh nữ xõa xuống nữa, nhưng em tự biết mình vẫn còn nguyên con gái như trước, chỉ có sợ sệt hơn, cô đơn hơn và mất đi rất nhiều tin tưởng.
Mẹ em chống chiếc điếu trúc dài bịt bạc ra tận sân trước đón em. Em thấy mẹ em có vẻ mệt nhọc và hơi yếu hơn trước, có lẽ tại hàng ngày em không trông thấy mẹ em chăng. Dẫu sao đi nữa thì nét buồn trong ánh mắt của mẹ em đã lôi em tới gần mẹ em, cho nên sau khi cúi đầu chào xong, em dám nắm cả tay người.  Để đáp lại, mẹ em khẽ bóp tay em rồi hai mẹ con dắt nhau cùng đi vào sân trong.
Ôi! Sao em nóng nhìn ngắm tất cả mọi vật ở trong nhà thế! Em ức tưởng phải có một cái gì biến đổi lớn lắm. Nhưng mọi vật vẫn như cũ, thứ tự, trầm tĩnh như thường ở trong sân, trừ có những tiếng cười của lũ con các cô vợ lẽ, vẻ lăng xăng của bọn nô bộc bận rộn cười và reo mừng khi trông thấy em. Ánh nắng đầu thu rọi ngang dẫy tường hoa và những viên gạch bóng láng ở sân, và lấp lánh chói lọi trên ngọn cây, hồ nước. Tất cả cửa ra vào và cửa sổ đục chữ triệu ở hướng nam các phòng đều mở tung ra để lấy hơi nóng và ánh sáng. Mặt trời soi qua, rọi lên những đồ gỗ chạm trổ và những cây xà nhà sơn son thếp vàng. Em vẫn biết là chỗ của em không còn ở đấy nữa, nhưng đấy mới thực là nhà của em và tâm hồn em vẫn gởi yên ở đấy.
Em chỉ thấy thiếu có một thứ, một khuôn mặt xinh đẹp thích trêu chọc mọi người.
Em hỏi: "Đệ Tứ Phu Nhân đâu nhỉ?"
Mẹ em gọi một con hầu lại nhồi thuốc lào vào điếu rồi hờ hững đáp:
"Lã Mai ấy à? Mẹ cho dì ấy về quê thăm nhà, để thay đổi không khí."
Nghe giọng mẹ em, em biết là không nên hỏi thêm nữa. Cho mãi tới chiều tối, khi em sửa soạn đi ngủ trong phòng cũ của em hồi còn nhỏ, mụ Vương Đại Ma vào chải đầu kết tóc cho em như mụ vẫn làm trước kia. Rồi trong lúc nói chuyện nọ chuyện kia mụ mới kể cho em biết cha em đương định lấy thêm một người vợ lẽ nữa, một thiếu nữ Bắc Kinh từng theo học ở Nhật bổn, và Đệ Tứ Phu Nhân, khi nghe biết chuyện này, có bao nhiêu ngọc đeo tai quý nhất đem ra nuốt hết. Nàng không nói cho ai biết, mãi hai hôm sau thấy nàng lên cơn đau quá, mẹ em mới khám phá ra. Nàng thoi thóp gần chết, mời cụ lang tới lấy kim đâm vào cổ tay và mắt cá nàng cũng chẳng làm được gì. Một người láng giềng khuyên đưa nàng đi nhà thương ngoại quốc, nhưng mẹ em cho là không thể được. Mình có biết gì về những người ngoại quốc đâu. Vả lại, họ làm sao hiểu được người Trung Hoa đau làm sao? Bác sĩ ngoại quốc có thể hiểu được bệnh tật của người nước họ là những người hết sức đơn giản và dã man so với người Trung Hoa vô cùng phức tạp và học vấn cao thâm. Nhưng tình cờ lúc ấy anh của em lại về nhà để dự Lễ Trung Thu, anh ấy tự ý đi mời một nữ bác sĩ ngoại quốc tới.
Nàng đem theo một dụng cụ có một cái ống dài lòng thòng trông rất kỳ cục đút vô cuống họng Đệ Tứ Phu Nhân, thế là những bông tai hút lên ngay lập tức. Ai cũng phải ngạc nhiên, riêng người ngoại quốc ấy vẫn thản nhiên gói dụng cụ lại rồi đi.
Các bà vợ lẽ khác giận Đệ Tứ Phu Nhân lắm vì nàng đã nuốt những viên ngọc quý. Bà béo hỏi nàng:
"Thế cô không nuốt được một hộp đầu que diêm sao? Có mua cũng chỉ mất mười đồng xẻng chứ bao nhiêu!"
Đệ Tứ Phu Nhân không đáp. Họ bảo trong khi dưỡng sức không ai thấy nàng ăn uống hay nói năng gì cả. Nàng nằm lì trên giường và buông rèm xuống. Nàng bị mất nhiều sĩ diện vì tự tử mà không chết. Thấy thế mẹ em thương hại và cho đi xa để khỏi bị các cô vợ lẽ khác chế giễu.
Những chuyện như vậy chỉ là những chuyện ngồi lê đôi mách nhảm nhí không thể nào đem ra nói trong câu chuyện giữa mẹ em với em được. Nhưng chỉ vì em nặng tình đối với gia đình nên cảm thấy cần phải biết hết chi tiết mọi chuyện, và để ý nghe Vương Đại Ma nói. Già ở với gia đình em đã lâu năm cho nên chuyện gì cũng biết. Thực ra già đã theo hầu mẹ em từ nơi quê nhà xa xôi ở Sơn Tây về nhà chồng, và chính tay già đã đỡ đẻ cho mẹ em. Bao giờ mẹ em qua đời, Vương Đại Ma sẽ về ở với vợ anh ruột của em để nuôi các cháu nội của mẹ em.
Chỉ có mỗi một chuyện em nghe có lẽ quan trọng hơn hết là anh em đã quyết định xuất ngoại qua Mỹ quốc để học thêm! Mẹ em không nói một tí gì về chuyện này với em, nhưng Vương  Đại Ma ngay sáng hôm đầu em về thăm nhà, đem nước nóng vào cho em, đã rỉ tai nói cho em biết rằng cha em đã chế giễu anh em có những tư tưởng mới, nhưng cuối cùng đã thuận cho anh ấy đi vì cho con du học ngoại quốc đã thành một mốt và các bạn cha em đều theo. Mẹ em biết chuyện buồn lắm Vương Đại Ma bảo trong đời bà chưa bao giờ buồn như vậy trừ có lần cha em lấy người vợ lẽ thứ nhất. Khi thấy anh em sắp đi thật sự, bà bỏ không ăn uống gì luôn ba ngày và không nói năng với ai một câu. Sau cùng, thấy anh em sẽ vượt Thái Bình Dương với bất cứ giá nào, bà năn nỉ anh ấy trước hết hãy cưới vợ, lấy người đã hứa hôn của anh để sinh lấy một đứa con trai. Mẹ em nói:
"Nếu con đã không chịu hiểu rằng huyết nhục của con không phải là của riêng con, nếu con đã ương ngạnh và bất chấp những nguy hiểm ở cái xứ dã man ấy và không nghĩ gì tới những bổn phận của con, thì ít nhất con hãy truyền dõi tông đường của con cho một người khác, để nếu con có chết đi nữa - ới con ơi là con! - ít nhất cũng còn được trông thấy đứa cháu nội!"
Nhưng anh em đã trả lời bướng bỉnh:
"Con không muốn lấy vợ. Con chỉ muốn học thêm về khoa học và nghiên cứu tất cả những gì liên quan với khoa học. Sẽ không có gì xảy ra cho con đâu, mẹ ạ. Đợi khi con trở về, chứ còn bây giờ thì không - bây giờ thì không!"
Thế rồi mẹ em gởi thư cho cha em, giục ông phải bắt con trai lấy vợ. Nhưng cha em không chú ý gì đến việc này cả, vì ông còn đương mãi thu xếp lấy vợ lẽ mới, vả anh em đã thuyết phục được ông rồi.
Em đồng tình với mẹ em. Chúng em là dòng dõi chót của cha em, vì ông em chỉ có một mình cha em là con trai. Các con trai khác của mẹ em đều chết non cả, vậy thì bắt buộc anh em phải có con trai sớm ngày nào hay ngày ấy, để cho mẹ em có thể làm xong đầy đủ bổn phận đối với tổ tiên. Cũng vì thế cho nên cha em mới hứa hôn cho anh ấy ngay từ khi còn bé với con gái họ Lý. Em không biết mặt chị ấy, nhưng em có nghe chị ấy không đẹp thực. Nhưng điều ấy có quan trọng gì so với những điều ước nguyện của mẹ em?
Trong bao nhiêu ngày, em lo buồn cho mẹ em vì anh em trái lời mẹ em. Song mẹ em không hề nói gì em về chuyện này. Người giống như các bà mẹ khác, chỉ chôn chặt nỗi buồn trong thâm tâm. Tính người như vậy, khi người thấy không thể tránh khỏi đau khổ, thì người ngậm miệng không bao giờ nói nữa. Cũng vì thế cho nên em sống quanh quẩn với những bộ mặt cùng những bức tường thân thuộc, và quen với tính im lặng của mẹ em, dần dần em không nghĩ tới anh em nữa.
Đương nhiên cái ý nghĩ đầu tiên em thấy trong con mắt mọi người là cái ý nghĩ mà em lo sợ và trông chờ: Những ước vọng của em có một đứa con trai ra làm sao? Ai cũng hỏi câu ấy, nhưng em đánh trống lảng, chỉ nghiêm trang cúi đầu nhận những lời chúc tụng của mọi người. Không một ai biết chuyện chồng em không lưu tâm đến em không một ai cả. Thế nhưng em không thể lừa dối được mẹ em!
Một đêm sau khi về thăm nhà được bảy hôm, em ngồi chơi ở bậc cửa trông ra cái sân lớn. Trời chạng vạng sắp tối, các con hầu người ở đang bận sửa soạn cơm chiều, mùi cá rán và vịt quay thơm lừng lên. Lúc ấy sắp tối hẳn, trong sân cúc năm nay xem chừng sẽ trổ rất nhiều bông. Tình yêu gia đình và cảnh vật cũ sưởi ấm lòng em. Em nhớ em đặt tay lên những nét chạm ở cánh cửa, em âu yếm cả những nét chạm ấy, em cảm thấy ở nơi đó em được an toàn, nơi mà tuổi thơ ấu của em đã trôi đi nhẹ nhàng đến nỗi khi em biết ra thì đã mất rồi. Tất cả cái gì cũng đáng yêu: bóng tối lặng lẽ phủ lên những mái nhà cong, những ngọn nến bắt đầu sáng lung linh trong các phòng, mùi đồ ăn thơm ngon, và tiếng trẻ con đua nhau nói, và những bước giầy vải êm chúng giẫm trên sàn gạch… A! Em là con gái một gia đình Trung Hoa cổ, có những phong tục cổ, đồ đạc cổ, bạn bè thân thích cũ mà tình nghĩa đối với nhau đã được thử thách nhiều, yên ổn, chắc chắn! Ở nơi đây em biết lề lối sống ra làm sao!
Rồi em nghĩ tới chồng em, lúc ấy ngồi ở bàn làm việc một mình, trong ngôi nhà ngoại quốc, mặc bộ âu phục, trông giống người ngoại quốc về mọi phương diện. Làm sao em có thể phù hợp với đời sống của chàng? Chàng không cần đến em. Cổ em nghẹt nước mắt, em không thể khóc được. Em thực là cô đơn, cô đơn hơn hồi còn con gái nhiều. Thế rồi, như em đã nói với chị, em hy vọng vào tương lai, chị ạ. Bây giờ tương lai đến rồi đấy. Nhưng toàn là tân khổ. Nước mắt em cố nuốt vào nhưng nó cứ trào ra. Em quay mặt về phía bóng tối, sợ ánh nến chiếu vào má lộ ra là em khóc. Vừa lúc ấy tiếng cồng nổi lên gọi em vào ăn cơm. Em vội lau nước mắt và lẻn về chỗ của em.
Mẹ em đã lui về phòng riêng nghỉ sớm, các cô vợ lẽ cũng ai về phòng nấy. Em đương ngồi một mình uống nước trà thì Vương Đại Ma bất chợt tới bảo em:
"Bà cho mời cô vào".
Em ngạc nhiên nói:
"Ô kìa, bà nói bà muốn về nghỉ sớm và có bảo muốn nói chuyện gì với em đâu!"
Vương Đại Ma nhắc lại:
"Nhưng bà cho mời cô vào. Tôi vừa ở trong phòng bà ra đây".
Nói xong già đi ngay không giải thích thêm một điều gì.
Khi già đã đi xa ra ngoài sân rồi, em vén màn gấm lên bước vào phòng mẹ em. Em ngạc nhiên thấy mẹ em nằm trên giường và chỉ thắp có một cây nến cao đặt ở bàn bên cạnh. Suốt đời em từ trước chưa bao giờ thấy mẹ em nằm như vậy. Trông người rất yếu mệt. Hai mắt nhắm lại, đôi môi lợt lạt và trễ xuống. Em khẽ bước lại đứng ở cạnh giường. Mặt mẹ em hoàn toàn thất sắc khuôn mặt thật là nghiêm, đẹp và buồn vô hạn.
Em khẽ nói: "Mẹ!"
Người đáp: "Con!"
Em còn đương do dự không biết ý mẹ em muốn em ngồi hay đứng, thì mẹ em giơ tay ra hiệu bảo em ngồi xuống mép giường cạnh người. Em tuân lời và ngồi im đợi nghe mẹ em nói. Em nghĩ thầm: "Chắc mẹ đương buồn về anh mình ở xứ xa lạ".
Nhưng không phải mẹ em nghĩ tới anh em; mẹ em khẽ quay mặt nhìn em và nói:
- Mẹ biết mọi việc của con không được hoàn hảo, có phải không con? Từ hôm con về nhà tới giờ mẹ nhận thấy con đã mất cái tư thái bình tĩnh thỏa mãn ngày trước. Tâm trí con không được yên, và nước mắt con mau lẹ lắm. Tựa hồ như con có điều gì lo nghĩ u buồn mà không nói ra. Con có điều gì thế? Có phải tại con chưa có thai không? Nếu vậy, con phải kiên tâm. Ngày trước mẹ phải đợi hai năm mới sinh được một đứa con trai cho cha con.
Em không biết nói với mẹ em ra làm sao. Một sợi tơ tuột ra khỏi cái trướng thêu, em nhặt lấy vò rối trên tay cũng như em đương vò rối tư tưởng trong đầu óc.
Cuối cùng mẹ em nói giọng có vẻ hơi nghiêm:
"-Nói đi chứ!"
Em nhìn mẹ em, và…nước mắt, ôi, nước mắt đến bực mình! Nó làm cho em không thốt nên lời. Nó cứ dâng lên, dâng lên mãi cho tới lúc em tưởng chừng như mình nghẹt thở không thể sống được. Rồi nó bật ra thành tiếng nức nở, và em vùi đầu xuống cái chăn mẹ em đương đắp.
Em vừa khóc vừa nói: "Ôi! Con không hiểu anh ấy muốn nói cái gì. Anh ấy bảo con phải bình đẳng với anh ấy, mà con thì không hiểu bình đẳng ra làm sao! Anh ấy chê chân con xấu và vẽ những bức hình ấy! Không hiểu sao anh ấy lại biết, vì không bao giờ, không bao giờ con để cho anh ấy trông thấy cả!"
Mẹ em ngồi bật dậy, ngạc nhiên, hai mắt tròn xoe trên khuôn mặt tái xanh. Mẹ em nói:
- Bình đẳng với anh ấy à? Anh ấy nói thế là nghĩa lý gì? Làm sao con có thể bình đẳng với chồng của con được?
Em nức nở nói:
- Ở Tây phương đàn bà như vậy.
- Ừ, nhưng ở đây mình là những người hiểu biết cả. Còn bàn chân con? Tại sao anh ấy lại vẽ bàn chân con? Như thế có ý nghĩa gì?
Em khẽ đáp: "Để chứng tỏ rằng bàn chân con xấu".
- Bàn chân con à? Thế thì con vô ý thức quá, mẹ cho con tất cả hai chục đôi giầy. Chắc là con không khéo chọn.
- Anh ấy có vẽ bên ngoài đâu - Anh ấy vẽ xương, quặp hẳn lại.
- Xương à! Có ai trông thấy xương bàn chân phụ nữ  đâu? Mắt đàn ông có thể trông qua thịt ư?
- Anh ấy bảo mắt anh ấy có thể trông thấy được vì anh ấy là y khoa bác sĩ Tây phương.
- Ái chà, đáng thương cho con của mẹ!
Mẹ em lại nằm xuống, lắc đầu thở dài và nói tiếp:
- Nếu anh ấy biết quỷ thuật Tây phương…
Rồi em kể hết cho đến khi thốt ra những lời chua chát này:
- Anh ấy cũng chẳng thiết gì đến chuyện có con trai. Anh ấy không yêu con. Mẹ ơi, mẹ! Con vẫn còn là con gái!
Cả hai mẹ con đều im lặng một lúc lâu. Em lại vùi mặt xuống chăn.
Em thấy hình như mẹ em khẽ đặt tay lên đầu em một lúc - Em không chắc lắm, vì mẹ em không phải là người ưa để lộ tình cảm ra ngoài bằng cử chỉ. Nhưng cuối cùng, mẹ em ngồi thẳng người lên và bảo em:
- Mẹ không thể nào tin được rằng mẹ đã có điều gì sơ xuất trong việc dạy dỗ con. Mẹ chắc chắn con không thể nào không làm hài lòng một người chính nhân quân tử Trung Hoa mình. Phải chăng là tại con lấy phải một tên mọi rợ? Nhưng chồng con là dòng dõi họ Khổng! Ai lại có thể ngờ được? Đó là tại những năm ở hải ngoại. Mẹ cầu cho anh con chết  đi hơn là ra ngoại quốc!
Mẹ em lại nhắm mắt nằm xuống, khuôn mặt gầy đanh lại.
Một lát sau mẹ em nói tiếp, giọng cao nhưng yếu như người suy nhược:
- Dầu sao đi nữa, con ạ, ở đời này đàn bà chỉ có một đường để mà theo - chỉ có một đường để mà theo bất cứ bằng giá nào, là phải làm vừa lòng chồng mình. Mẹ không thể nào chịu đựng  được nỗi bao nhiêu công lao mẹ săn sóc dạy dỗ con đều là công toi. Mà con cũng không còn thuộc về gia đình này nữa, con thuộc về gia đình chồng con. Con không thể lựa chọn gì hơn là làm theo ý anh ấy. Nhưng, hãy khoan! Con hãy cố hết sức cám dỗ một lần nữa xem. Mặc đồ lục ngọc và đồ đen vào. Thoa nước hoa sen. Cười, nhưng đừng có cười trơ tráo, mà phải e lệ hứa hết thẩy mọi điều. Con cũng có thể vuốt tay anh ấy, níu lấy một lúc. Nếu anh ấy cười, thì con phải vui tươi luôn. Nhưng nếu anh ấy vẫn không xúc động, thì chẳng còn gì khác hơn là cúi đầu tuân theo ý muốn của anh ấy.
Em khẽ hỏi:
- Tháo băng chân ra ư, hở mẹ?
Mẹ em im lặng một lúc, rồi thẫn thờ nói:
- Ừ, tháo băng chân ra. Thời buổi đã đổi thay rồi. Thôi con đi nghỉ.
Rồi mẹ em xoay mặt vào tường.