Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương 7

     ây giờ nghĩ lại, em biết chính bắt đầu từ chiều hôm ấy chồng em đã để ý đến em. Hình như trước bữa đó, chúng em không có chuyện gì để nói với nhau cả. Tư tưởng của chúng em không bao giờ hợp nhau. Em chỉ có thể ngắm chàng, ngạc nhiên mà không hiểu chàng; còn chàng thì không bao giờ để ý ngắm nhìn em. Khi nói chuyện với nhau thì giữ lễ như đối với người xa lạ, em thì rụt rè bẽn lẽn, chàng thì quá ư lễ phép. Nhưng bây giờ thấy em cần đến chàng, chàng mới để ý đến em, lúc nói chuyện, chàng hỏi han em và để ý nghe em trả lời. Còn về phần em, tấm lòng yêu chàng đương run rẩy lo sợ nay bỗng trở nên kiên trì quí mến. Em không ngờ rằng một người đàn ông có thể cúi xuống âu yếm một người đàn bà đến như thế.
Khi hỏi chàng cách bỏ băng bó chân, em tưởng chàng chỉ bảo cho em phương pháp theo sự hiểu biết về y khoa của chàng thôi. Em có ngờ đâu chàng lại thân đi lấy một chậu nước nóng và một cuộn băng trắng tinh. Em xấu hổ vì để cho chàng trông thấy chân em. Từ khi em lớn lên đủ sức tự săn sóc bàn chân mình, em không hề để cho ai trông thấy.  Đến lúc chàng đặt cái chậu xuống sàn và quỳ xuống nâng hai bàn chân em lên, toàn thân em đỏ bừng lên.
Em nói, giọng yếu ớt:
- Không. Anh để em làm lấy.
Chàng đáp:
- Em khỏi quan tâm. Em nhớ anh là y khoa bác sĩ mà.
Em vẫn từ chối.
Chàng nhìn thẳng vào mặt em, cương quyết nói:
- Quế Lan, anh biết em đã hy sinh nhiều để chiều theo ý anh làm việc này. Để anh cố sức giúp em. Anh là chồng em kia mà.
Em đành chịu, không nói một lời. Chàng nâng chân em lên và nhẹ nhàng tháo giầy và bít tất và vải quấn bên trong ra. Vẻ mặt chàng trông buồn và nghiêm.
Chàng khẽ nói, giọng xúc cảm:
- Bó như thế này chắc em đã đau lắm!
Thực là cả một thời thơ ấu đáng thương mà chẳng ích lợi gì!
Nghe chàng nói, nước mắt em ứa ra. Chàng đã làm cho tất cả sự hy sinh của em thành ra vô dụng, và bây giờ lại đòi một sự hy sinh nữa!

*

Vì khi chân em đã được ngâm rửa và bó lại lỏng hơn, em đau không thể chịu được. Sự thực, lúc tháo băng ra đau không kém gì lúc bó băng lại. Bàn chân quen bị bó chặt, bây giờ giản dần dần ra một chút, và máu bắt đầu lưu thông.
Ban ngày có nhiều lúc em tháo băng ra  để co chặt lại cho đỡ đau; nhưng đến lúc nghĩ rằng chiều về chàng sẽ biết, em lại phải nới ra, hai tay em sợ run lên. Em chỉ có cách ngồi lên chân và lắc lư người mới nghỉ được một chút.
Em chẳng còn để ý đến vẻ mặt em khi ở trước mặt chàng, hay là ngó vào gương xem mặt mũi có tươi tỉnh gọn gàng không. Đến chiều, hai mắt em xưng lên vì khóc nhiều, và giọng nói khàn khàn đầy nước mắt mà em không làm cách nào nhịn được. Lạ nhất là sắc đẹp em không làm chuyển được lòng chàng, nhưng nỗi đau buồn của em  đã làm cho chàng xúc động! Chàng an ủi em như một đứa trẻ, còn em thì cứ níu chặt lấy chàng, trong lúc đau đớn, em không còn biết chàng là ai nữa.
Chàng nói:
- Chúng mình cùng chịu đau khổ với nhau, Quế Lan ạ. Thấy em đau, anh cũng khổ tâm lắm. Em hãy cố nghĩ rằng làm việc này không phải vì riêng gì chúng mình, nhưng vì tất cả mọi người nữa - một sự phản kháng đối với một tập tục cổ hủ.
Em nức nở:
- Không. Em chỉ vì anh mới làm việc này. Chỉ vì anh em mới làm một phụ nữ tân thời.
Chàng cười, và nét mặt tươi lên một chút, như lúc chàng nói chuyện với người đàn bà kia. Đó là phần thưởng cho nỗi đau khổ của em. Sau đó, em thấy hình như không có điều gì là khó khăn cực khổ cho lắm.

*

Và quả thực, khi da thịt hồi phục lại, em bắt đầu thấy dễ chịu hẳn đi. Em còn trẻ, cho nên chân chưa bị hư. Thường thường, chân các bà già, bó hay bị thối, có khi rụng rời ra. Chân em chỉ mới bị liệt đi thôi. Em bắt đầu đi lại dễ dàng, trèo thang không khó khăn nữa. Em thấy tất cả thân thể em đều khoẻ mạnh hơn trước. Một buổi chiều, em chạy sộc vào phòng chồng em mà không để ý là mình chạy. Chàng nhìn lên ngạc nhiên, nét mặt nở ra một nụ cười tươi.
Chàng reo lên:
- Em chạy đấy à? Hay quá, thế là chúng mình qua được giai đoạn khó khăn nhất; vị đắng cay đã nuốt trôi hết rồi.
Em nhìn xuống chân ngạc nhiên. Và em nói:
- Nhưng chân em chưa lớn bằng chân bà Lưu.
Chàng đáp:
- Không, chân em không thể lớn bằng chân bà ấy được  đâu. Chân bà ấy là chân tự nhiên. Chân em chỉ lớn đến thế được thôi.
Em hơi buồn thấy chân mình không thể lớn được bằng chân bà Lưu. Nhưng em nghĩ ra một cách. Vì những đôi giầy thêu của em từ nay không dùng được nữa em quyết sẽ đi mua giầy da như của bà Lưu. Thế là hôm sau, em cùng đi với một con hầu tới một hiệu giầy mua một đôi giầy theo ý em. Nó dài hơn chân em đến hai đốt tay nhưng em lấy bông gòn nhét chặt vào mũi giầy để đi; không ai có thể bảo rằng em đã bó chân.
Em nóng lòng muốn khoe với bà Lưu, nên hỏi chồng em xem hôm nào em có thể đi thăm đáp lễ bà.
Chàng nói:
- Mai anh sẽ đi với em.
Em ngạc nhiên thấy chàng có ý muốn đi ngoài phố với em. Chắc chắn đi như vậy không tiện một chút nào, em hơi bối rối, nhưng em  đã quen nhiều với những công việc kỳ cục của chàng rồi.
Thế là hôm sau chúng em đi thăm bà Lưu, và chàng đối xử với em hết sức tử tế trước mặt nàng. Sự thực, có một hai lần chàng làm cho em ngượng, chẳng hạn như chàng để cho em đi trước chàng vào trong phòng của bà Lưu. Lúc đó em không hiểu ý nghĩa ra làm sao. Khi về nhà chàng mới giảng giải cho em biết đó là theo phong tục Tây phương.
Em hỏi:
- Sao lại thế? Hay tại em nghe nói đàn ông ở bên ấy kém đàn bà?
Chàng đáp:
- Không phải như vậy đâu.
Rồi chàng giải thích cho em nghe.  Đó là căn cứ theo một phép lịch sự cổ từ thời xửa thời xưa. Em ngạc nhiên hết sức, vì từ trước em không biết rằng ngoài dân tộc Trung Hoa ra cũng có những dân tộc cổ khác, ý em muốn nói là những dân tộc văn minh. Nhưng hình như người ngoại quốc cũng có lịch sử và văn hóa của họ. Vậy họ không hẳn là dã man.
Chồng em hứa sẽ đọc cho em nghe một vài cuốn sách nói về họ.
Đêm ấy khi đi ngủ, em thấy sung sướng. Tân thời một chút cũng hay. Vì không những em đi giầy da ngày hôm ấy, mà em còn không tô son điểm phấn, trâm cài lược giắt nữa. Trông em rất giống bà Lưu. Em chắc chắn chồng em nhận thấy như vậy.

*

Em thấy một khi em chịu thay đổi như vậy, một đời sống mới hình như mở rộng ra trước mặt em. Buổi chiều, chồng em bắt đầu chuyện trò với em. Chàng biết đủ mọi thứ.  Ố-ồ! Những chuyện chàng kể cho em về những xứ lạ và người xứ ấy thực là kỳ quặc! Chàng cười thấy em la lên:
- Ố-ồ! Buồn cười quá nhỉ! Ố-ồ! Kỳ quặc quá nhỉ!
Chàng vì một cớ gì đó có vẻ vui lắm, cười nói:
- Mình đối với họ kỳ quặc cũng chẳng kém gì!
Em càng ngạc nhiên hơn nữa, vội hỏi:
- Sao! Họ thấy mình kỳ quặc à?
Chàng vẫn cười đáp:
- Cố nhiên. Em có nghe họ nói chuyện với nhau mới biết được! Họ cho quần áo của mình kỳ quặc; mặt mũi, đồ ăn, thức dùng, và tất cả những việc mình làm, họ đều cho là kỳ quặc hết. Họ không cho rằng những dân tộc có cái bộ dạng như người mình và những phong tục tập quán như người mình, có thể hoàn toàn là một loài người như họ.
Nghe nói em ngẩn người ra. Sao họ lại có thể cho cái bộ dạng, quần áo, cách ăn ở kỳ cục của họ cũng có nhân tính như dân tộc em được?
Em trảlời một cách trang nghiêm:
- Nhưng người mình xưa nay vẫn làm những việc như vậy, vẫn có những phong tục tập quán và bộ dạng như vậy, tóc đen, mắt đen...
- Đúng thế! Họ cũng vậy!
- Em cứ tưởng họ đến đây để học cái văn minh của người mình. Mẹ em bảo thế.
- Mẹ nhầm đấy. Anh cho là họ có ý tới  đây để dạy cho người mình văn minh đấy. Sự thực họ cũng học hỏi người mình nhiều lắm, nhưng họ cũng như em không ngờ đến những điều người mình cần phải học hỏi ở như họ.
Những lời chàng nói thật là hết sức mới lạ và lý thú. Chuyện về những người ngoại quốc ấy em nghe mãi mà không thấy chán! Em thích nghe nhất là những sự phát minh kỳ diệu của họ; như: cái nút chỉ vặn một cái mà phun ra nước nóng hay nước lạnh, cái lò không đốt bằng than củi mà phát ra hơi nóng - họ gọi là tự chuyển thủy và tự chuyển khí. Em lại còn ngạc nhiên về chuyện những cái máy chạy trên mặt biển, bay trên trời, hay lặn dưới nước và không biết bao nhiêu là những cái lạ như thế nữa!
Em băn khoăn hỏi:
- Anh có chắc không phải là ảo thuật đấy chứ? Trong cổ thư có nói đến những chuyện lạ về đất, nước, lửa, nhưng toàn là những phép của những nhân vật gọi là địa tiên.
Chàng đáp:
- Không. Chắc chắn là không. Khi mình hiểu cách làm như thế nào thì thấy nó giản dị vô cùng. Đó là khoa học...
Lại cái khoa học ấy nữa? Em liên tưởng ngay tới anh ruột em. Vì cái khoa học  ấy mà anh em bỏ cả xứ sở, bây giờ đương sống ở những nước xa lạ ấy, ăn thực phẩm của họ, uống nước của họ, những thứ mà anh em không quen dùng từ khi mới sinh ra đời. Em đâm ra tò mò muốn biết cái khoa học ấy và xem hình dạng nó ra làm sao. Nhưng khi em nói với chồng em thì chàng lăn ra cười.
Chàng trêu em, nói:
- Em thực là trẻ con! Nó đâu có phải là một vật em có thể rờ mó, cầm được ở trong tay để xem như một thứ đồ chơi.
Rồi thấy em nghe không hiểu gì cả, chàng đi lại tủ sách lấy ra mấy cuốn có hình ảnh và giảng cho em rất nhiều điều mới lạ.
Sau đó, chiều chiều chàng dạy cho biết cái khoa học  ấy. Em không còn lấy làm lạ chuyện anh ruột em say mê khoa học và bất cần cả ý nguyện của mẹ để vượt Thái Bình Dương tầm học! Chính em cũng say mê và cảm thấy mình trở nên thông thái một cách lạ lùng, đến nỗi sau em phải nói cho người khác biết. Vì không có ai khác nên em đành kể với bà bếp già của em!
Em hỏi bà bếp già:
- Bà có biết quả đất tròn và nước đại Trung Quốc của mình hóa ra không ở giữa, mà chỉ chiếm được có một phần đất và nước ở trên mặt đất cùng với nhiều quốc gia khác không?
Bà già đương ngồi vo gạo ở trong sân bếp, ngừng tay lắc giá gạo và nhìn em hoài nghi. Bà đâu có chịu bị thuyết phục dễ như vậy, bà hỏi em:
- Ai bảo mợ thế?
Em quả quyết đáp:
- Cậu bảo thế. Bây giờ bà có tin tôi không?
Bà bếp vẫn hoài nghi đáp:
- Ồ, cậu thì học rộng biết nhiều. Nhưng mợ cứ nhìn cũng có thể thấy đất không tròn. Mợ coi, mợ cứ thử leo lên nóc chùa trên núi Bắc Đẩu thì thấy ngay hàng muôn dặm núi non, đồng ruộng, sông hồ, tất cả đều phẳng như mặt đĩa chè kho, trừ có núi, còn ai có thể bảo tất cả đều tròn! Còn nước mình, tất nhiên phải ở giữa, nếu không, tại sao cổ nhân hiền triết là những vị thông đạt mọi chuyện, đều gọi là Trung Quốc?
Nhưng em vội nói tiếp:
- Hơn thế nữa, đất rộng đến nỗi phải đi mất một tuần trăng mới tới phía bên kia, và khi ở bên đây tối, thì ở bên kia có mặt trời sáng.
Bà bếp già đắc ý reo lên:
- Bây giờ tôi biết là mợ lầm rồi. Nếu mất một tuần trăng mới đi tới các nước kia, thì tại sao một quãng ngắn từ núi Tử San đến Tây San, mặt trời đi có một tiếng đồng hồ, trong khi người ta phải đi mất cả một ngày?
Nói xong bà ta lại khỏa cái giá vo gạo xuống nước.
Nhưng quả thực em không thể trách bà ta dốt; vì trong tất cả những điều kỳ ngộ chồng em kể; em thấy có điểm này lạ lùng nhất: ấy là người Tây phương cũng có ba nguồn ánh sáng lớn ở trên trời như người nước em là ánh sáng mặt trời, mặt trăng và sao. Trước kia em vẫn cứ tưởng Bàn-Cổ, là ông Tạo Hóa, đã sinh ra ba thứ ấy riêng cho người Trung Quốc. Nhưng chồng em là một nhà bác học. Cái gì chàng cũng hiểu biết, và chỉ cái gì có thực mới nói ra thôi.