Dịch giả: Trương Bảo Sơn
Chương 8

     m biết lấy lời gì để tả những ân tình đầu tiên của chồng em ban cho em để. Chị hiểu đây? Khi lòng chàng xúc động làm sao tự em lại biết?
A! Làm sao đất lạnh kia lại biết lúc mặt trời gặp sóng xuân tình đến quyến rũ mình khai hoa nở nhị? Làm sao biển kia lại biết trăng kia hấp dẫn mình?
Em không hiểu ngày giờ đã trôi đi ra làm sao. Em chỉ biết rằng em đã hết cô  đơn. Chàng ở đâu là nhà em ở đó. Em không còn nghĩ gì đến nhà mẹ em nữa.
Trong những giờ đằng đẳng vắng mặt chàng em suy nghĩ tất cả những lời chàng nói. Em nhớ đến đôi mắt, khuôn mặt, làn môi cong của chàng và những lúc lật trang sách đặt trên bàn trước mặt chúng em, bàn tay chàng thỉnh thoảng lại chạm vào bàn tay em. Buổi chiều khi chàng ngồi bàn việc trước mặt em, em thường liếc nhìn trộm chàng, và khi chàng dạy em học mỗi khi chàng ngó em lòng em lại rộn lên một niềm vui sướng.
Ngày đêm, lúc nào em cũng nhớ tới chàng chẳng khác gì con sông lớn về mùa xuân chảy đầy vào những con sông đào khô cạn vì tiết đông, và tràn ra khắp cánh đồng, làm cho vạn vật chứa chan sinh khí và sanh hoa kết trái, nỗi niềm em tưởng nhớ chàng cũng vậy, nó cũng lấp trống tất cả nỗi lòng cô đơn khát vọng của em.
Ai là người có thể hiểu được cái sức mạnh ấy trong một người đàn ông với một thiếu nữ? Nó bắt đầu do một sự tình cờ đôi mắt gặp nhau, một cái nhìn miên man bẽn lẽn và rồi bất chợt bùng lên thành một ngọn lửa bừng bừng cháy không tắt. Thoạt tiên mấy ngón tay chạm nhau nhưng rút về thật nhanh, và rồi hai lòng cùng ùa lại quấn quít lấy nhau.
Nhưng chị ơi, ngay cả với chị em biết nói làm sao đây? Lúc bấy giờ là lúc em sung sướng nhất. Những lời em nói bây giờ đây là những lời hồng hỉ.  Đến cuối tháng Một, em biết khi mùa gặt tới, là lúc phong phú nhất của một năm mà cũng là lúc em sẽ mãn nguyệt khai hoa đấy, chị ạ.

*

Khi em báo cho chồng em hay tin em đã làm tròn bổn phận đối với chàng, chàng vui sướng lắm. Chàng chính thức báo hỉ với cha mẹ chàng trước nhất, rồi đến bạn hữu chàng, tất cả mọi người đều mừng cho chúng em. Còn cha mẹ em đương nhiên là không trực tiếp quan tâm tới vấn đề, nhưng em cũng quyết định vào dịp Tân Niên về thăm nhà, em sẽ nói với mẹ em.
Bây giờ mới tới lúc khó khăn nhất cho em. Từ trước tới nay em chỉ là người không có gì là quan trọng trong gia đình nhà chồng. Em chỉ là vợ một người con thứ. Từ khi chúng em dọn đi ở riêng, em gần như không có phận gì ở trong đại gia đình ấy. Có hai lần vào dịp lễ đã được chỉ định, em về thăm mẹ chồng và dâng trà hầu bà, nhưng bà đối với em rất thờ  ơ, tuy nhiên không đến nỗi hắt hủi. Bây giờ em bỗng thành sứ giả của định mệnh. Em mang trong người em niềm hy vọng của gia đình: một đứa con nối dõi tông đường. Chồng em có tất cả năm anh em trai mà không một người nào có con trai cả. Nếu con em là con trai, thì trong gia tộc nó sẽ đứng hàng thứ hai sau người anh trưởng của chồng em, và sẽ thừa kế gia sản. Ôi! Thực là đau khổ cho người mẹ chỉ có quyền giữ con trong có mấy ngày đầu, thực là quá ngắn ngủi! Nó sẽ phải giữ địa vị nó trong đời sống của đại gia đình rất sớm. Nó chỉ là con của em một thời gian hết sức ngắn. Ôi! Phật Quan Âm, lạy Phật phù hộ cho đứa con thơ của con!
Giờ phút sung sướng đến ngây ngất của hai vợ chồng em lần đầu tiên nói chuyện về đứa con đã bị ngay nỗi lo âu đến ám ảnh. Em đã nói với chị đó là lúc khó khăn nhất cho em.  Ấy là vì em được mọi người chỉ bảo cho quá nhiều điều. Mà những điều quan trọng nhất là của bà mẹ chồng đáng kính của em.
Khi bà được tin vui mừng của em, bà cho người gọi em đến. Từ trước em về thăm bà, chỉ được bà tiếp theo nghi thức ở trong phòng khách, vì từ khi chúng em dọn đi ở riêng bà tỏ ra vẻ kiêu kỳ đối với chúng em. Lần này con hầu cố nhiên là đã được lệnh của bà, dẫn em vào tận gia đường ở sân thứ ba.

*

Tới nơi, em thấy mẹ chồng em đã ngồi ở bàn uống trà đợi em. Mẹ chồng em là một bà già bệ vệ, phốp pháp, có đôi bàn chân nhỏ xíu từ lâu đã không mang vững con người quá nặng đồng cân của bà. Bây giờ mỗi lần đi dù chỉ một bước, bà cũng phải vịn vào hai con hầu lực lưỡng luôn luôn đứng chực sẵn ở sau lưng ghế của bà. Đôi bàn tay bà cũng nhỏ, đeo đầy nhẫn vàng và mũm mĩm đến nỗi trông những ngón tay tựa hồ như cắm chặt cứng vào nắm thịt múp míp. Lúc nào bà cũng cầm một cái điếu ống dài bằng bạc trơn, bọn con hầu phải luôn tay rịt thuốc bào vào điếu và châm bằng cái nùi giấy lúc nào cũng cháy âm ỷ và chỉ khẽ thổi một cái là bùng lửa lên để cho bà dùng.
Em đi thẳng ngày đến trước mặt bà và cúi đầu chào. Bà cười, cái cười nó làm cho đôi vành môi nhỏ hẹp biến đi mất trong đôi má núng nính những thịt, rồi bà cầm tay em vỗ vỗ mấy cái.
Bà nói giọng khàn khàn:
- Con dâu mẹ ngoan lắm, con dâu mẹ ngoan lắm.
Đã từ lâu cổ bà bị những cục mỡ lấp đi nên giọng nói nghe như người mắc bệnh suyễn.
Em biết em đã làm vui lòng bà. Em rót trà vào chén rồi hai tay nâng lên đưa mời, bà tiếp lấy uống. Rồi em ngồi xuống một chiếc ghế nhỏ ở bên cạnh. Nhưng bà không chịu để em tự hạ mình như thế, mặc dầu trước kia em ngồi chỗ nào bà cũng chẳng quan tâm tới. Bà vừa cười vừa ho ra hiệu cho em ngồi lại gần bà ở phía bên kia bàn, em lẳng lặng làm theo ý bà.
Bà cho  đi mời các cô nàng dâu khác, tất cả đều kéo đến chúc mừng em. Có ba cô chưa thụ thai lần nào, mặc dầu cưới đã lâu năm, với ba cô ấy, em là người vừa đáng ghét vừa đáng trách. Thực thế, cô nàng dâu trưởng, người cao, mặt vàng khè, lúc nào cũng đau ốm, lắc la lắc lư cái người rên rĩ than thân trách phận:
- Ái da, ái da - cuộc đời tân khổ - số phận hẩm hiu.
Mẹ chồng em thở dài, nghiêm nghị lắc đầu, để cho cô nàng dâu trưởng khóc lóc cho vơi ưu sầu trong khoảng thời gian bà hút hai điếu thuốc lào, xong bà bảo nàng nín khóc để bà muốn nói chuyện với em. Mãi sau em mới biết là ông anh trưởng của chồng em vừa cưới thêm một cô vợ lẽ, vì cô vợ không sinh đẻ gì cả. Chính câu chuyện đó đã làm cho người đàn bà đáng thương kia càng thêm ai oán, vì nàng yêu chồng và mãi đến lúc đó nàng mới hiểu những lời cầu khẩn và lễ vật của nàng không được thần thánh để ý tới.
Mẹ chồng em bảo ban em nhiều điều hay lắm. Trong có một điều bà bảo em đừng có may sắm bất cứ một chiếc quần chiếc áo gì trước khi sinh con. Đấy là theo tục ở quê nhà tại An-Huy, người ta tin rằng làm như vậy thì các hung thần không biết sắp có chuyện sinh  đẻ, và tìm cách sát hại người đàn ông mới ra đời. Nghe nói tục lệ ấy, em liền hỏi:
- Thưa mẹ, như vậy đứa hài nhi sinh ra trần truồng kia lấy gì mà mặc?
Bà dằn giọng nói:
- Lấy quần áo cũ nhất của bố nó mà quấn. Làm như vậy có khước. Đẻ sáu đứa con trai mẹ đều làm như vậy và đứa nào cũng sống cả.
Các chị em dâu của em cũng bảo cho em rất nhiều cách, người nào cũng nói cho em rõ phong tục riêng của quê nhà mình về việc sinh đẻ, nhất là dặn em sau khi sinh xong phải ăn một thứ cá gì đó và uống nước đường cát vàng. Chỉ dẫn cho em như vậy xong, người nào cũng hả được lòng ghen tỵ đối với em.

*

Chiều đến em trở về nhà, sung sướng được gia đình chồng ân cần săn sóc tới mình, em kể hết cho chồng em nghe những phương pháp mọi người dạy em nuôi con. Nhưng em giật mình sợ hãi thấy chàng bỗng nổi giận lên. Chàng lấy tay vò đầu và đi đi lại lại trong phòng.
Chàng la lên:
- Vô nghĩa lý…vô nghĩa lý… vô nghĩa lý! Toàn là những lời dối trá…Toàn là những chuyện mê tín…Không thể thế  được, không thể thế được!
Chàng đứng lại, nắm vai em và nghiêm nghị nhìn vào mặt em lúc đó đương ngửng lên nhìn chàng.
Chàng nói giọng cương quyết:
- Em hãy hứa với anh rằng em sẽ hoàn toàn nghe theo lời chỉ dẫn của anh đi! Em phải cẩn thận nghe lời anh! Quế Lan, em hứa với anh đi, nếu không anh thề là sẽ không có đứa con thứ hai nữa!
Trong lúc kinh hoàng, em còn biết làm gì hơn là hứa nhận?
Thấy em hứa một cách do dự, chàng bình tĩnh lại và nói:
- Mai anh sẽ dẫn em đến một gia đình Tây phương, để em coi gia đình ông giáo cũ của anh là một người Mỹ. Anh muốn em xem người Tây phương săn sóc con cái ra làm sao, không phải để em nhắm mắt bắt chước họ đâu nhưng để em có thể mở rộng tư tưởng ra.
Em cố tuân theo lời chồng em. Nhưng có một việc em đã bí mật làm giấu chàng. Hôm sau mới tang tảng sáng em đã lẻn ra khỏi nhà dắt theo có một con hầu. Trời còn sớm đến nỗi mới chỉ có mỗi đứa bé đi học nghề gì đó vừa ngáp vừa vương vai trong bóng sương mờ. Em vào tiệm mua một thẻ hương rồi đi ra chùa thắp hương cắm trước tượng Phật Quan Âm đen và bé nhỏ. Người vẫn phù hộ cho người ta có con trai và sinh đẻ dễ dàng. Em cụng đầu xuống thềm đá hoa lễ Phật. Mặt đá còn ướt sương đêm. Em lẩm nhẩm khấn những điều tâm nguyện và đứng lên chiêm ngưỡng đức Phật. Người không đáp lời em. Cái bát nhang thì đầy những tàn hương lạnh mà các bà mẹ khác đã thắp trước em để cầu khẩn những lời ước nguyện như em. Em cắm chặt những nén hương của em thắp xuống bát nhang, và để cho nó cháy trước mặt Phật, rồi em ra về.
Chồng em giữ đúng lời hứa, hôm sau dẫn em đi thăm nhà người bạn ngoại quốc của chàng. Em không thể không tò mò và cũng hơi sợ nữa. Bây giờ nghĩ tới em buồn cười quá, chị của em ạ!
- Từ trước em có tới nhà một người ngoại quốc nào bao giờ. Em đâu có dịp. Em chưa từng đi rong phố và ở nhà mẹ em có ai giao thiệp với người ngoại quốc bao giờ đâu. Cha em đã gặp họ, cố nhiên, trong khi ông đi du lịch, và có coi họ ra gì đâu, họa chăng ông chỉ buồn cười về cái phong thái tầm thường và những cử chỉ cục cằn thô lỗ của họ. Chỉ có anh ruột em là khâm phục họ một cách lạ lùng. Anh ấy thường gặp họ ở Bắc Kinh, và ở trường học của anh có mấy người ngoại quốc là giáo sư của anh. Một lần trước ngày cưới, nghe anh em nói, anh em đã đến chơi nhà những người ngoại quốc, em phục anh ấy táo tợn quá.
Nhưng ở trong nhà mẹ em thì không có những sự giao thiệp như vậy. Một đôi khi, một con hầu đi ra đường mua các thức lặt vặt gặp người ngoại quốc, nó về tíu tít kể những điểm lạ về họ, nào nước da trắng bệch, nào đôi mắt xanh lơ kỳ dị. Bao giờ em cũng tò mò nghe và thấy rờn rợn sợ như khi nghe Vương Đại Ma kể chuyện ma quái cổ tích. Thực thế, bọn con ở còn thì thầm nói với nhau về những yêu thuật của người ngoại quốc, họ có phép thu hồn người ta bằng một cái máy nhỏ đặt trong một cái hộp đen mà họ ghé có một con mắt nhìn vào. Khi có tiếng kêu tách một cái ở bên trong, thì người ta thấy ngực hơi yếu đi một cách kỳ quái và sau đó sẽ bị chết vì bịnh tật hay tai nạn.
Nhưng khi nghe em kể lại tất cả những câu chuyện đó, chồng em phá lên cười. Chàng hỏi:
- Thế sao anh ở nước họ mười hai năm rồi mà vẫn trở về sống nhăn?
Em đáp:
- À, đó là tại anh khôn… anh học được yêu thuật của họ.
Chàng bảo:
- Em đi rồi tự em coi xem họ ra làm sao. Họ cũng là đàn ông, đàn bà như tất cả mọi người.
Thế là ngay ngày hôm ấy, chúng em đi. Chúng em vào một cái vườn có cỏ cây, có hoa lá. Em ngạc nhiên không ngờ vườn đẹp và người Tây phương cũng hiểu giá trị của tạo vật như thế. Đương nhiên là cách trình bầy không được thanh nhã, không có sân và hồ cá vàng gì cả, cây thì trồng chẳng ra hàng lối và hoa thì tùy sức mọc lung tung. Em phải thú thực khi đến trước cửa nhà họ, nếu không có chồng em bên cạnh thì em đã bỏ chạy rồi.
Cửa chợt bật mở từ bên trong, và một con "quỷ đực ngoại quốc" cao lớn đứng lù lù ở đó mặt bè bè toác miệng cười lên đến tận mang tai. Em biết là đàn ông vì họ mặc quần áo giống chồng em; nhưng em sợ quá, đầu họ thay vì có tóc  đen và chải ngay ngắn như người mình, thì lại xù lên một mớ như lông cừu đỏ! Mắt họ thì giống như viên đá cuội tô màu nước biển, và mũi thì gồ lên như cái núi ở giữa mặt. Ồ trông họ kinh lắm kia, kinh hơn cả ông Bắc Thần ở cổng chùa!
Chồng em thì can đảm. Trông thấy ông ta chàng không bối rối chút nào; chàng giơ bàn tay ra, người ngoại quốc kia chợp ngay lấy và lắc lên lắc xuống. Chồng em không lấy thế làm ngạc nhiên, chàng quay lại giới thiệu em. Người ngoại quốc toác miệng ra cười và có vẻ như cũng muốn nắm lấy bàn tay em. Nhưng em ngó vào bàn tay của ông ta chìa ra, nó to lớn và xương xẩu, đầy lông dài, đỏ, và những chấm đen. Em đút bàn tay em vào ống tay áo và cúi đầu chào, ông ta lại càng cười toác thêm ra, và mời chúng em vào.
Chúng em bước vào qua một cái tiền phòng nhỏ như của chúng em, tới một cái phòng khác. Cạnh cửa sổ có một người ngồi, em đoán biết ngay là một người  đàn bà ngoại quốc. Ít nhất bà ta cũng mặc một cái áo dài chứ không mặc quần, và thắt một cái giải ở ngang lưng. Tóc bà ta màu úa tuy vậy trông đỡ xấu hơn tóc ông chồng, vì nó mượt và chải tử tế. Cái mũi của bà ta cũng cao, nhưng không đến nỗi quặp lại như của chồng; bàn tay thì lớn, móng tay ngắn và vuông. Em ngó hai bàn chân bả, thấy nó dài như cái néo đập lúa.
Em nghĩ thầm: "Bố mẹ như thế này thì không biết lũ quỷ con ra làm sao?"
Tuy nhiên, em phải nhận rằng những người ngoại quốc này cũng lễ độ. Mỗi cử chỉ lầm lẫn của họ lại càng tỏ ra họ thiếu giáo dục. Họ đưa mời trà bằng một tay và thường mời em trước chồng em. Người chồng lại còn đi tới mức nói chuyện thẳng ngay vào mặt em! Em cho đó là một điều khiếm nhã.  Đáng lẽ ông ta phải lịch sự coi như không có mặt em ở đó, và để cho vợ tiếp em thì mới phải.
Em thiết tưởng cũng không thể trách họ được. Thế nhưng chồng em bảo họ ở đây đã mười hai năm, thì ít ra cũng phải học được ít nhiều điều gì chứ. Chị thì không kể rồi, cố nhiên là như vậy, vì chị đã ở đây luôn, bây giờ cũng như người đồng chủng với em rồi.
Nhưng trong cuộc thăm viếng này thú vị nhất là lúc chồng em xin bà ta cho em xem mấy đứa trẻ và quần áo của chúng - Chàng giải thích để họ hiểu rằng chúng em sắp có con và chàng muốn cho em xem những phương pháp nuôi con của Tây phương. Bà ta đứng ngay dậy và bảo em theo lên gác. Em sợ không dám đi một mình với bà nên ngó chồng em cầu cứu, nhưng chàng chỉ gật đầu bảo em cứ đi.
Ấy thế mà lên đến gác, em quên hết sợ. Bà ta đưa em vào một cái phòng đầy ánh sáng mặt trời, có một cái lò đen sưởi ấm. Có một điều lạ rõ ràng họ muốn cho gian phòng có hơi nóng, thế mà lại để bỏ ngõ một cửa sổ để cho hơi lạnh ở ngoài luôn luôn lùa vào. Nhưng những chi tiết này lúc đầu em không để ý thấy, vì em còn mãi ngắm ba đứa trẻ ngoại quốc chơi dưới sàn gác. Em chưa bao giờ thấy những của quỷ bé nhỏ kỳ dị ấy!
Trông bề ngoài chúng có vẻ khỏe mạnh mập mạp, nhưng đầu tóc đứa nào cũng bạc trắng. Điều này xác nhận những lời người ta đã nói với em rằng người ngoại quốc bản tính trái ngược hẳn người Trung quốc, mới sinh ra tóc trắng như bông, càng lớn tuổi thì tóc càng xẫm màu lại. Nước da mấy đứa trẻ trắng hết sức. Em chắc là chúng nó tắm bằng một thứ thuốc gì đó nhưng đến lúc bà mẹ dẫn em coi cái phòng ngày nào bà ta cũng tắm rửa khắp người cho chúng, em mới vỡ lẽ ra rằng vì bị tắm rửa nhiều quá da dẻ chúng mới mất màu đi.
Bà mẹ cũng đưa cho em xem quần áo của chúng. Tất cả quần áo lót mình đều trắng, và quả thực đứa bé nhất mặc toàn đồ trắng suốt từ đầu đến chân. Em hỏi bà mẹ có phải nó để tang một người thân thuộc nào không vì màu trắng là một màu đau buồn, nhưng bà trả lời không phải như vậy mà để giữ cho đứa trẻ được sạch sẽ. Em cho màu sẫm có lẽ sạch hơn vì màu trắng dễ bẩn. Nhưng em chỉ nghĩ bụng thế thôi chứ không nói ra.
Rồi em coi giường nằm của chúng. Lại toàn màu trắng thế có buồn không? Em không hiểu sao họ dùng nhiều đồ trắng như thế. Cố nhiên một đứa trẻ cần phải mặc quần áo, nhưng chỉ nên mặc những màu vui mắt, như đỏ, vàng và xanh tươi! Người Trung Quốc cho trẻ con mặc quần áo đỏ từ đầu tới chân để biểu hiện cho sự vui vẻ chúng đã đem lại cho cha mẹ. Nhưng người ngoại quốc thực chẳng có cái gì hợp với thiên nhiên cả.
Có một điều lạ em khám phá thêm được là người đàn bà nuôi con lấy. Em chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ nuôi lấy con em. Và những phụ nữ giầu sang hay có địa vị không có lệ ấy, thiếu gì vú em để làm công việc đó.
Về nhà, em kể hết chuyện cho chồng em nghe. Cuối cùng em nói:
- Bà ấy lại còn nuôi con lấy nữa. Ông bà ấy nghèo lắm sao?
Chồng em nói:
- Nuôi con lấy rất tốt. Em cũng sẽ nuôi lấy con.
Em hết sức ngạc nhiên hỏi:
- Sao, em ấy à?
Chàng nghiêm nghị đáp:
- Phải.
Em cãi lại:
- Như thế thì trong hai năm em làm sao sinh được đứa nữa.
Chàng nói luôn:
- Phải như thế mới được, vả lại những lý do em đưa ra chẳng có nghĩa gì cả.
Có lẽ chàng nói cũng đúng. Dẫu sao đi nữa, em nhận thấy trong mỗi gia đình thế nào cũng có nhiều đứa trẻ phải chết, không thể tránh được, và thế nào cũng có vài ba đứa là con gái, như vậy gia đình em sẽ không có nhiều con trai như em hằng ao ước. Em bao giờ cũng thấy chồng em kỳ cục, như vậy chị có ngạc nhiên về em không hở chị?

*

Hôm sau em đến chơi với bà Lưu để kể câu chuyện đi viếng thăm gia đình ngoại quốc cho bà ấy nghe. A! Giá trời cho em sinh được đứa con trai như mấy đứa con bà - cứng cáp hồng hào, mắt sáng ngời! Chúng nó thực là đẹp, nước da vàng, mặc quần áo đỏ cải hoa trông thực là kháu khỉnh.
Em thở dài một cái nhẹ cả người đi và nói:
- Bà vẫn giữ cổ tục của ta.
Bà đáp:
- Vâng…Không…bà coi!
Bà kéo đứa con lớn lại cho em xem và tiếp:
- Bà coi, bên trong tôi cho lót toàn trắng… đồ lót có thể tháo ra giặt. Mình xem người ngoại quốc có cái gì hay có thể học được thì học, còn cái gì không thích hợp thì bỏ đi.
Ở nhà bà Lưu ra, em đi thẳng đến hiệu bán tơ lụa. Em mua lụa đỏ và hồng, hạng thật mềm, nhung đen để may áo trấn thủ, và đoạn để khâu mũ. Thực là khó chọn, vì em muốn mua thứ thiệt tốt cho con trai em. Em bảo người bán hàng lấy cho em xem hết thứ nọ đến thứ kia, những thứ lụa họ gấp lại gói trong những bao giấy màu sẫm và xếp trên những cái giá cao đến trần nhà. Người bán hàng đã già thở phì phò và càu nhàu khi em lớn tiếng bảo:
- Cho tôi xem thứ khác nữa đi… thứ lụa có thêu hoa đào ấy!
Em thấy lão lẩm bẩm nói gì về thói kiêu ngạo của phụ nữ, em mới bảo:
- Không phải tôi mua cho tôi đâu, cho con trai tôi đấy.
Nghe nói thế, lão mới cười một cách tinh quái và đem cho em tấm lụa đẹp nhất, lão vẫn giấu mãi cho đến bây giờ. Lão nói:
- Bà lấy tấm này đi. Tôi giữ cho bà thẩm phán đấy, nhưng nếu để may cho con trai bà thì cứ lấy đi. Dẫu sao thì bà ấy cũng chỉ là một người đàn bà mà thôi.
Đúng là thứ lụa mà em muốn kiếm. Giữa những đống lụa chói lọi vứt tung trên quầy hàng, tấm lụa này nổi bật lên với cái màu hồng rất sang trọng. Em mua ngay và không hỏi gì đến giá cả, tuy em biết lão già tinh quái kia thấy em ham mua thế nào cũng tính cao lên. Em cắp luôn tấm lụa về và nghĩ thầm: "Chiều nay mình cắt ngay tấm lụa này ra may một cái áo và một cái quần thật xinh. Mình sẽ tự tay khâu lấy. Ai mà mó vào con mình, mình ghen cho phải biết!"
Ồ em sướng quá, em có thể thức suốt đêm để may cho con trai em! Em khâu cho nó một đôi giầy có thêu mặt hổ phù. Em lại mua cho nó cả một sợi dây bạc nữa cho nó thích.