Chương VIII
Biến cố dồn dập

     ng Lê Dũng bực dọc đi lại trong phòng khách. Giờ này đã gần đến lúc đi làm mà tên Hớn không có ở nhà. Hồi sáng, lúc ở Ty Cảnh sát về hắn đi đâu mất cho mãi tới bây giờ vẫn không thấy tăm dạng. Ông cau có nói:
- Hừ! Cái thằng mắc dịch đó đi đâu suốt cả buổi sáng. Nó không nhớ đến bổn phận của mình nữa. Thật quá sức, hết chỗ nói rồi.
Ngồi ở chiếc ghế dựa, bà Lê Dũng đưa mắt nhìn chồng bảo:
- Nó về từ bữa cơm trưa ông à.
- Tại sao nó không đem xe ra đưa tôi tới công trường chứ?
Bà Lê Dũng nói giọng úp mở:
- Trời sập nó cũng chưa chắc nhớ tới giờ làm việc của ông.
Thắc mắc, ông Lê Dũng hỏi:
- Ủa! Vậy chứ nó làm gì?
- Nó say mèm nằm lăn lóc ra đất, hỏi sức đâu dậy nổi.
- Hừ! Quả thật thằng này hư đốn quá trời. Có lẽ tôi phải tống cổ không cho nó làm việc trong nhà này. Chính nó gây cho mình không biết bao điều phiền toái giờ lại say sưa, chẳng đếm xỉa gì đến chủ nhà. Hiện giờ nó ở đâu?
Bà Lê Dũng đưa tay chỉ về phía garage nói:
- Nằm ở dưới nhà xe. Ông xuống đó đánh thức nó dậy.
Tức tốc, ông Lê Dũng đi nhanh về phía nhà xe. Gần đến cửa ông đã nghe giọng nói lè nhè của Hớn vọng lại. Hắn đang cố kể lể một chuyện gì mà ông không được rõ vì giọng nói của một người say rượu rất khó nhận biết.
Mở cửa, ông Lê Dũng bước vào. Trước mặt ông, tên Hớn đang cựa mình trên chiếc ghế bố cũ mèm đặt cạnh xe. Hắn nghêu ngao vừa nói, hát, cười tạo thành một chuỗi âm thanh chói tai, khó nghe. Hơi rượu xông lên tận mũi nồng nặc. Ông Lê Dũng đưa tay nắm vai hắn lay mạnh nói:
- Hớn! Tỉnh dậy đi nào.
Hớn mệt mỏi giương đôi mắt nhìn ông:
- Ủa!... Ông... chủ... đó... à?
- Phải, tôi đây. Anh thức dậy đi chứ. Biết mấy giờ rồi không?
Hắn khoát tay tỏ vẻ bất cần giờ giấc. Hắn lè nhè nói:
- Biết giờ... để... làm gì? Nằm... ngủ... như vầy... có phải... sướng... hơn... không?
Không chịu được thái độ của tên tài xế, ông Lê Dũng gằn giọng nói:
- Anh không cảm thấy xấu hổ để tôi phải chờ đợi chỉ vì anh say mèm ở đây à? Nếu không nghĩ tình anh giúp việc cho gia đình tôi có lẽ tôi đã đuổi anh ngay từ bây giờ. Tại sao lúc này anh lại thay đổi nhiều như thế? Từ xưa đến giờ chưa có lúc nào tôi thấy anh tệ như thế này cả. Đây là lần đầu tiên nên tôi tạm tha cho anh một phen. Mai mốt đừng làm như vầy nữa, tôi buồn lắm.
Hớn vênh mặt trả lời:
- Tôi say sưa gì... mặc kệ. Ông đừng xía vào thêm rắc rối. Không chờ... đến lúc ông đuổi... tôi cũng... Biết rằng ông... không còn tín cẩn nữa... ở lại thêm vô ích.
Tuy tức giận trước lời nói vô lễ của Hớn nhưng ông vẫn bình tĩnh. Ông nén cơn giận vì nghĩ rằng lúc này men rượu đã điều khiển Hớn, hắn không còn đủ lý trí phán đoán điều nào phải, điều nào quấy. Ông từ tốn bảo hắn:
- Lẽ ra tôi không thể chấp nhận câu nói của anh vừa rồi. Nhưng vì anh đang say sưa nên tôi bỏ qua. Lần sau nên cẩn thận lời nói. Bây giờ đưa chìa khóa xe để tôi đi làm. Chiều về tôi hy vọng anh sẽ tỉnh lại và đừng bao giờ tái diễn trò này nữa.
Hớn vẫn không thèm giao chìa khóa xe. Ông Lê Dũng phải cho tay vào túi hắn lục lọi để tìm. Ông mở máy và cho xe từ từ ra khỏi garage. Trong tiếng máy nổ ông còn nghe giọng Hớn nói với theo:
- Đi đâu thì đi cho khuất. Ở đây... lải nhải... thêm nhức đầu.

*

Chiều về, lúc đem xe vào garage, ông Lê Dũng không còn thấy tài xế Hớn nằm ở đó nữa. Hắn đã biến mất không lý do. Bà Lê Dũng bảo rằng không hiểu hắn đi từ lúc nào và hắn cũng không cho bà biết hắn đi đâu.
Một tia sáng lóe lên trong đầu óc. Ông Lê Dũng chú ý ngay đến sự bỏ đi này. Ông vội vàng vào nhà trong quay số điện thoại đến văn phòng viên Thanh tra.
- Alô!... Cho tôi gặp ông Thanh tra cảnh sát... À! Ông Thanh tra đó à? Tôi là Lê Dũng ở biệt thự Mỹ Hà.
- Có chuyện gì quan trọng thế?
Ông Lê Dũng bảo:
- Tên tài xế Hớn đã âm thầm bỏ trốn. Tôi nghĩ rằng nó biết trước âm mưu bị bại lộ nên trốn đi. Tôi thông báo cho Thanh tra hay để kịp thời đối phó.
- Phải đấy. Tôi sẽ cho làm các “nút chặn” để chận bắt lại hắn. Nhưng chúng tôi muốn được biết hắn ra đi vào khoảng nào để liệu tính.
- Hồi 3 giờ trưa, trước khi đi làm tôi còn thấy hắn say khướt trong nhà xe. Lúc 6 giờ chiều về nhà thì đã hay tin hắn bỏ trốn.
- Tốt lắm. Ông cứ an tâm. Chúng tôi sẽ tìm ra tung tích của hắn.
Gác ống điện thoại xuống, ông Lê Dũng lên lầu thay đồ và dùng cơm chiều. Ông đặt tất cả hy vọng vào cuộc lùng kiếm của cảnh sát vì mọi điều bí mật đều do Hớn mang theo. Nếu hắn trốn thoát, sẽ không tài nào điều tra được manh mối nội vụ.
Nhưng thời gian nặng nề trôi qua. Đồng hồ gõ tám tiếng rời rạc mà tên Hớn vẫn biệt tăm. Điều này chứng tỏ cảnh sát chưa tìm ra tung tích của hắn. Ông Lê Dũng cảm thấy một niềm thất vọng nhỏ nhen nhúm trong lòng.
Tiếng bà Lê Dũng đột ngột vang lên giữa bầu không khí yên lặng:
- Giờ này thằng Hớn vẫn chưa về, lấy ai đi rước Mỹ Hà đây? Tám giờ rồi, có lẽ chuyến xe từ Đà Lạt về đã tới bến. Thiệt bực mình hết sức. Để con nhỏ đi một mình về nhà trong đêm tối, tôi không an tâm tí nào.
Sực nhớ ra bức điện tín của Mỹ Hà gởi về chiều hôm qua, ông ngồi bật dậy:
- Ồ! Mải lo nghĩ tôi quên khuấy đi mất con gái cưng của mình.
- Ừ! Ông nên thay đồ đi rước con kẻo nó chờ tội nghiệp.
Vừa định bước lên phòng thay áo, ông Lê Dũng bỗng đứng khựng lại vì một giọng nói trong trẻo từ cửa vang lên:
- Con về tới rồi nè. Ba má khỏi nhọc công đi rước.
Bà Lê Dũng quay lại nhìn Mỹ Hà đang tươi cười bước vào. Nàng tươi trẻ trong chiếc jupe rực rỡ. Mỹ Hà chạy xô tới ôm mẹ, miệng nói huyên thuyên:
- Xa má mấy hôm con nhớ quá nên không chịu nổi, phải về ngay.
Bà Lê Dũng sung sướng ôm con vào lòng mắng yêu:
- Thôi đi cô. Đã lên tới Đại học rồi còn làm nũng. Không sợ con nít cười cho à?
- Con khỏi sợ đi. Trong nhà này đâu có trẻ nít để cười con.
Lời nói của Mỹ Hà khiến bà Lê Dũng cảm thấy hãnh diện. Vì tuy chỉ có cô con gái độc nhất nhưng Mỹ Hà lại đẹp và thông minh. Ông Lê Dũng hỏi con:
- Sao không chờ ba tới đón về?
- Con chờ mỏi cả chân mà không thấy xe đến. Đang lo sợ, may có cô bạn lái xe đi ngang chở con về đấy.
Đang lúc cả nhà trò chuyện, chuông điện thoại reo vang. Ông Lê Dũng mừng rỡ vì hy vọng có tin tức về tài xế Hớn. Bà Lê Dũng nhận thấy nét mặt ông rạng rỡ bỗng dịu lại và có vẻ thất vọng nhiều. Chuyện gì đã khiến ông Lê Dũng thay đổi thái độ?
Đặt ống điện thoại xuống, ông buồn bã báo tin:
- Ông Thanh tra vừa cho tôi hay một tin thật bất ngờ: Thằng Hớn chết rồi. Người ta tìm được xác nó trong vườn bưởi cách đấy một giờ.

*

Mọi người sửng sốt với nguồn tin mới nhất này. Ông Lê Dũng cảm thấy tất cả đều sụp đổ trước mắt ông. Thủ phạm bị giết chết để giấu nhẹm, mọi chuyện chôn kín dưới đáy mồ. Hớn chết đi, cuộc điều tra thật sự rẽ sang một hướng mới vất vả hơn nếu không muốn nói là đi đến chỗ thất bại, không thể sửa lại được.
Cuộc điều tra đang tiến hành mau chóng và sắp sửa đến kết quả thì kẻ tình nghi độc nhất bị đồng bọn hạ thủ. Từ lúc này sẽ không còn hy vọng khai thác thêm những chi tiết quan trọng từ Hớn, một thủ phạm nhúng tay vào vụ trộm và ma quái xảy ra tại ngôi biệt thự.
Người sửng sốt nhiều nhất là Mỹ Hà vì nàng vừa đến nơi chẳng hay biết gì cả. Tự dưng nhận được tin người tài xế chết và ba má nàng không tỏ vẻ ngạc nhiên mà chỉ hơi thoáng buồn. Nàng hỏi:
- Chuyện gì kỳ lạ vậy ba má? Con chẳng hiểu gì cả. Tại sao Hớn lại chết?
Ông Lê Dũng thấy cần phải cho Mỹ Hà hay mọi việc. Ông bảo con gái khoan vào phòng và ngồi đó nghe ông kể. Ông bảo:
- Trong thời gian con ở Đà Lạt, nhà này xảy ra biết bao nhiêu việc lạ lùng. Ba nói ra đây để liệu xử trí.
Mỹ Hà thắc mắc:
- Chuyện gì xảy đến cho gia đình ta?
- Nhà mình bị bọn gian cạy cửa lẻn vào nhà và người bị tình nghi chính là thằng Hớn.
Ngạc nhiên, Mỹ Hà hỏi:
- Chú Hớn hiền và trung thành với gia đình mình lắm kia mà?
Ông Lê Dũng trả lời con:
- Phải. Nó có hiền lành và chất phác thật. Nhưng đã lừa dối mình. Đến khi cớ sự xảy ra có ai dè. Ngoài ra nó còn giả dạng ma quỷ để nhát ba và má suốt mấy ngày gần đây. Ba, lúc đầu, nghĩ rằng chính nó là thủ phạm các hiện tượng ma quái. Nhưng giờ nghĩ lại... có thể thằng Hớn không hay biết gì về vụ ma quỷ cả, nó chỉ có tội cạy cửa và đào nhà mình.
- Nghĩa là ba tin có ma thật chứ không do người tạo ra?
Ông Lê Dũng gật đầu đáp:
- Đúng thế.
- Nhưng ba dựa vào đâu để tin rằng giữa thời đại này lại có ma?
- Nhiều yếu tố lắm. Điển hình là vụ hồn ma viên mật thám hiện ra tại phòng khách này. Ba thấy rõ ràng bóng ma đi xuyên qua cánh cửa khóa kín để ra vườn hoa và biến mất. Người phàm như thằng Hớn không thể nào làm được chuyện đó.
Mỹ Hà vẫn chưa tin:
- Làm sao có chuyện vô lý thế?
Bà Lê Dũng thêm vào:
- Tuy vô lý nhưng nó có thật. Chính mắt ba má thấy ma. Do đó má khuyên con, ngay bây giờ, để ba chở đến ở tạm nhà dì Năm ít hôm, chờ tình hình trở lại yên tĩnh rồi về.
Mỹ Hà cười nói:
- Má e con thấy ma rồi sợ à? Con không ngán ma quỷ đâu.
- Con nên nhớ rằng bệnh tim của con chỉ tạm lắng dịu. Nó có thể bộc phát mạnh mẽ nếu con gặp một cơn khủng hoảng hay xúc động.
Mỹ Hà không đồng ý đề nghị của mẹ, nàng nói:
- Con không muốn xa má đâu. Vả lại làm gì có chuyện ma. Ba má cho phép con ở lại đây để xem mặt mũi con ma ra thế nào.
Biết tánh con gái bướng bỉnh, ông Lê Dũng đành chấp thuận vì nếu có bắt buộc, Mỹ Hà cũng sẽ khóc lóc để được như ý muốn. Ông gật đầu:
- Ừ! Thôi nếu con muốn, ba cho phép.
Mỹ Hà sung sướng tung tăng chạy lên lầu. Nàng hồi hộp mở cửa phòng sau mấy ngày xa vắng. Căn phòng vẫn nguyên vẹn không có gì thay đổi. Chiếc bàn trang điểm kê đối diện với cửa ra vào bị một lớp bụi mỏng bám làm mờ tấm kính soi mặt.
Nàng lấy khăn lau nhẹ lớp bụi và ngồi xuống chải lại mái tóc. Bỗng nàng giật mình nhìn vào gương há hốc mồm. Trong gương nàng trông thấy một người với vẻ mặt ghê rợn, mặc áo tang trắng đầy vết máu. Hắn giơ cao đôi tay khẳng khiu, xanh xao như chụp bổ xuống. Nàng quay lưng về phía cửa, chết trân nhìn vào gương. Bóng ma chậm chạp tiến sát đến sau nàng...
Từ dưới nhà, ông bà Lê Dũng giật mình vì tiếng hét của con. Hai người chạy nhanh lên lầu. Mỹ Hà nằm sóng soài trên sàn nhà.
Ông Lê Dũng đỡ con dậy. Mỹ Hà ú ớ nói không ra lời, tay nàng chỉ về phía cửa rồi ngất xỉu trên tay cha.