- 1 -


- 3 -

     háng ngày đều đặn trôi qua. Xem cung cách chủ nhà đối đãi với đứa cháu mồ côi bạc phước, chị bếp lấn áp nó hơn lên. Tuy cũng là người đi làm mướn nhưng chị ta thuộc hạng người ngoa ngoắt, ton hót, khác hẳn tính u già. U già luôn luôn bênh vực Tâm, còn chị thì không. Mỗi lần cậu mợ sắp đánh Tâm, đang giận Tâm, luôn luôn u dùng đủ lời lẽ để làm dịu họ xuống cũng như an ủi Tâm để Tâm bớt tủi khổ đôi phần. Chị bếp trái lại, chị ta có vẻ hả hê mỗi khi thấy Tâm bị rầy la, đánh đập, như tuồng chị cũng ghét cái mầu da đen đủi của Tâm, như tuồng Tâm là con chó ghẻ, quẩn chân chị, làm bẩn lây cả chị, người tớ gái nhà quan, dù là ông quan đã hồi hưu!
Chị ta biết cách nịnh nọt làm vui lòng mợ Tâm, chị ta lại trẻ trung nhanh nhẹn khác hẳn u già. U già, tuy cũng là tôi tớ trong nhà nhưng vì là người làm trung tín lâu năm, được bà ngoại Tâm tin cẩn, cho nên mợ Tâm vẫn phải nể nang đôi chút, và đó chính là điều mà mợ Tâm rất bực bội, nén lòng chờ cho đến khi bà ngoại Tâm nằm xuống mới có dịp trả thù. Và cách cư xử của mợ làm cho u già tủi thân, không chịu nổi, phải xin thôi. Mợ hài lòng lắm, mợ có thể - sau khi u về quê rồi - quên đi một ngày giỗ, dù quên thật hay vờ quên, cũng không ai nhắc đến, làm mợ phải áy náy đôi hôm.
Về phần cậu Tâm, quyền hạn của ông trong nhà thu hẹp dần lại cho đến năm Tâm mười hai tuổi thì ông chỉ còn chú ý đến mấy chậu cảnh, chậu hoa. Nếu họ hàng gần xa có nhắc đến thời cậu thét ra lửa, ông chỉ thở phào thốt ra những lời chán chường cuộc đời ô trọc, ra vẻ đã mũ ni che tai, thoát vòng thế tục chi đây.
Cậu ghét nhất là khi nghe ai bàn đến vấn đề chính trị, vì theo cậu chuyện đó rất rối rắm, rất nhức đầu. Cậu nói một thời làm quan giúp nước, khổ nhọc vì trên vua, dưới dân, bây giờ cậu có quyền được nghỉ ngơi, không ai có quyền quấy rầy cậu nữa. “Mỗi người một thời thôi chứ”.
Với những người thân trong gia dình, nhất là với mợ, cậu vẫn nói toạc ra rằng, cậu biết tất mọi việc, và nếu thời cơ, chính quyền trong tay cậu như thời xưa thì phải biết, song cậu quá chán cái nhố nhăng của bọn trẻ ngày nay nên cậu giả cách như tai điếc, mắt ngơ đi cho xong! Mợ rất không hài lòng lối xử thế của cậu Tậm. Mợ lúc nào cũng luyến tiếc cái thời vàng son của một bà vợ quan ngày trước. Rồi thì để trút những bực tức đó, chỉ có mỗi một chỗ, một người, một đứa bé hèn mọn cô đơn không thể phản kháng lối đối xử tàn nhẫn của mợ, đó là Tâm! Phải! Tâm! Đứa cháu mồ côi của chồng mợ! Đứa bé như cái gai trước mắt mợ, lúc nào mợ cũng xem như mợ đã thi ân quá nhiều đối với nó, muốn hành hạ cho bõ tức, dù là nó chẳng có lỗi gì, ngoài cái lỗi là đen đủi xấu xí, và trót sinh trong ngưỡng cửa của đại gia này!
Càng lớn, Tâm càng cảm thấy lạc loài trong ngôi nhà rộng với những kẻ liên hệ huyết thống về phía mẹ. Con bé đáng thương câm lặng như chiếc bóng trong nhà, nó thui thủi với những công việc ngày càng nặng nhọc và sự đối xử ngày càng lạt lẽo, ghẻ lạnh của mợ và các anh chị. Tâm đã đủ khôn để biết rằng không mong trông cậy gì vào ông cậu, vì ông chỉ có danh mà không có thực trong nhà - ngày trước, ông còn bênh vực nó đôi câu, dù nó thừa biết rằng không phải vì thương nó mà vì nó siêng năng, giỏi giắn - Bây giờ thì không.
Tâm làm việc khổ nhọc hơn tôi tớ mà không được công xá, vì mang danh là cháu ruột nhà quan. Có ai lại trả công cho cháu ruột như trả công cho tôi tớ bao giờ?
Sau hai năm xảy ra trận đòn vì ăn chịu, Tâm trở thành một con bé khác: nó không còn nhát sợ, ngơ ngác, nó lì lợm, cứng đầu. Nó phản ứng lại sự đối xử tàn ác bằng sự lạnh lùng, bướng bỉnh. Tâm chai vì đòn bọng, song nó vẫn nhạy cảm mỗi khi bị nhiếc móc về nguồn gốc mơ hồ của cha nó, người mà nó không biết rõ hình dáng ra sao.
Đói, Tâm sẵn sàng ăn vụng và đi chợ, Tâm đã biết ăn bớt vài đồng. Ờ! Tại sao mình lại ngu si chịu lép hoài như vậy chớ? Tâm tự hỏi. Một lần, mợ Tâm chưởi bới nhiếc móc đến cha nó, nó đã phản ứng lại bằng cách trả lời dõng dạc:
- Con có lỗi thì mợ cứ đánh mắng con, cha con có ăn gì của mợ đâu mà mợ nhiếc mắng cha con?
Mợ Tâm đã khựng lại một giây, đỏ bừng mặt vì tức, mãi sau mới quát lên:
- Con Mọi Đen! Ai cho phép mi hỗn xược như rứa?
- Không ai cho phép, mà con tức nên con nói, mợ cứ đánh con đi!
Lần khác, mợ Tâm bóng gió đến mẹ Tâm, con bé lại nói:
- Mợ cứ chưởi đi! Mẹ con là em ruột của chồng mợ, mợ biết mà!
Mợ tức lặng đi, bà không ngờ con mọi đen lại nói được những câu ghê gớm như thế, mợ càng ghét nó hơn.
Dạo này, mỗi bận đánh hay chưởi mắng Tâm xong, mợ Tâm thường thở dài sườn sượt, có khi bà phải nằm mất một buổi. Sau đó, bà thường đay nghiến cậu Tâm, rằng cháu ông hung ác, tìm cách giết khéo bà mà ông cũng đồng lõa không có thái độ rõ ràng dứt khoát. Khốn nỗi: chồng bà đã thực sự gác ngoài tai mọi việc đời, nên ông vẫn lặng lẽ, không phản ứng. Bà nhiều lần muốn tống cổ Tâm đi, song bây giờ Tâm trở nên cần thiết cho gia đình bà, chị bếp đã thôi việc mà bà không muốn thuê người thay. Tâm hỗn xược, cứng đầu đấy, nhưng được việc, lại khỏi tốn khoản tiền công.
Tâm khỏe mạnh, tháo vát, giỏi giắn, siêng năng. Hàng xóm đã có đôi người ao ước được có đứa tớ gái như nó! Tâm biết mình không phải là thỏi vàng quí giá nhưng vô dụng, mà là thỏi sắt được trui rèn trong lửa đỏ, và những thảm nhục đã giúp nó chóng trưởng thành.
Khi hai người con trai lớn của cậu mợ đi Sàigòn học và một người đi lính thì Tâm được đãi ngộ khá hơn: mỗi lần các anh ấy về, họ nhìn Tâm bằng đôi mắt bao dung rộng lượng. Họ không những bỏ hẳn thái độ tàn ác ngày trước mà còn khuyên mẹ nên tử tế với “Em Tâm”. EM TÂM! Tiếng em lọt tai con bé lần thứ nhất làm nó ngơ ngác bàng hoàng, tưởng mình nghe lầm chứ không phải là sự thực!
Tâm không hiểu cái nước Sàigòn rộng lớn hay những bộ quân phục đã có uy lực làm cho các anh nó thay đổi tính tình? Dù sao đi nữa thì Tâm cảm thấy vui hơn trong những ngày họ có mặt, và nó ao ước họ đừng ra đi nữa, như vậy nó sẽ sung sướng về phần tinh thần được đôi chút, dù rằng về phương diện khác, nó vất vả hơn vì sự có mặt của họ mang thêm nhiều việc làm cho nó.
Song thực tế không giống như ý muốn của đứa trẻ mồ côi và nhiều bất hạnh: họ lại ra đi, người thì vài tuần, người thì sau mấy tháng hè. Bà mợ có dịp hành hạ, nhiếc nhóng nó như tuồng để bù lại những ngày có mặt các con: vì nể họ mà dịu dàng với nó đôi phần! Tâm không ngạc nhiên, nó đã quen với lối đối xử bất công của bà rồi, quen từ lâu lắm. Nó hiểu rằng khác máu tanh lòng, nó không có liên hệ gì về tình cốt nhục với bà, bà không thương nó. Huống chi ngoài sự lỏng lẻo về tình cốt nhục, nó lại mang cái mầu da đen đủi khó ưa!
Bà mợ nó vốn cũng con nhà quan ngày trước, quen thói khệnh khạng, trưởng giả, thích sai bảo mà không bao giờ tự tay làm lấy, dù là những công việc nhẹ nhàng hay việc riêng mà mọi người vẫn làm lấy cho mình. Bà gội đầu ư? Tâm phải lo sắp sẵn từ cái khăn bông, nồi nước bồ kết, phải nhớ chuẩn bị lược, gương và nước chanh để dội lại trước khi xả sạch tóc, và chính đôi tay đen đủi của nó lau khô từ ngọn cho đến gốc tóc của bà. Khi bà tắm, Tâm có phận sự kỳ cọ cho bà. Lỡ tay nước nóng già một tị hay pha nguội đi một chút thì những lời chưởi bới thô lỗ, cục cằn từ miệng bà tuôn ra xối xả, ào ào cũng như khi nó đã xoa xà phòng kỳ cọ cho bà xong rồi và dội nước vậy!
Người đàn bà ích kỷ đó không bao giờ chịu khó suy nghĩ bất cứ một vấn đề gì. Bà không bao giờ coi Tâm như một con người, chứ đừng kể đến chuyện khoan dung, thương xót. Với một con mọi đen như nó, được ra vào, lên xuống trong nhà bà, đã là một đại hạnh rồi, nó được ăn cơm thừa canh cặn giống như con chó bà nuôi để giữ nhà - nhưng nó phải cho chó ăn trước - còn muốn gì hơn? Bà rất bực mình mỗi khi có ai vô tình hay cố ý hỏi bà về nguồn gốc con bé da đen này. Bà vẫn cố gắng bằng mọi cách để khi có khách đến nhà, nó không phải chường mặt ra, vì như thế khách có thể gạn hỏi lôi thôi. Nhưng đôi khi những lệnh của bà ra phản lại ý muốn của bà. Chẳng hạn như sai con bé mở cửa cho khách, rồi sau đó khi khách về, bà gắt gỏng đay nghiến nó sao lại thò mặt cho khách thấy? Lúc còn bé dại, Tâm chỉ lặng lẽ khóc vì tủi thân, về sau lớn lên, già giặn và khôn ra, nó không khóc nữa mà bẻ lại, không kiêng nể.
Phản ứng của đứa trẻ bất hạnh tuy thay đổi, trước sau đều làm bà ngạc nhiên và bực bội như nhau: ngày trước thấy nó khóc, bà bực bội: vì sao nó lại cũng có được những tình cảm tế nhị như hạng người cao quí, như bà? Mọi đen mà cũng biết tủi thân ư? Sau này, thái độ bướng bỉnh của nó làm bà bực tức hơn song cũng kể từ đó, bà đâm ra bận tâm về nó nhiều hơn. Và gặp những lúc nó phát điên lên như thế (bà vẫn dùng hai tiếng phát điên để nói về nó mỗi khi nó quá khổ sở hay tức tối không nhẫn nhục nổi) bà đành nghiến răng chịu thua. Trước hết vì theo lời bác sĩ khuyên, thì những cơn nóng giận rất có hại cho sức khỏe của chính bà, thứ hai: bà hiểu rằng con giun xéo lắm cũng quằn, huống con mọi đen kia không hẳn là một con giun hèn mọn, nếu bà cay nghiệt quá, nó có thể liều lĩnh bỏ đi. Rời khỏi nhà bà, nó trở thành một thứ người ngợm thế nào bà không mảy may quan tâm đến, điều này, điều bà lo ngại là bà sẽ đỏ con mắt cũng không tìm ra tên đầy tớ nào giỏi giang như thế để thay vào chỗ trống do nó gây ra.
Giữa người mợ dâu và đứa cháu chồng, sự oán hận, ghét bỏ ngày càng chồng chất.
Tuy thế, mỗi khi có các anh về, không khí nghi kỵ, thù hận lại nhạt đi đôi chút, cho đến khi họ ra đi, mọi sự lại tiếp tục, không thay đổi.
Trừ người chị gái lớn đã lấy chồng xa, hai cô nhỏ còn đi học cũng trở nên dễ dãi đối với con em họ xấu số: hai cô này tuy không có được thái độ khoan dung như các anh, song đang vào tuổi học hành, sống với bạn bè, nhà trường và sách vở nhiều hơn, họ không có gì phải xung đột với nó, họ lại sai phái nó được nhiều việc, dù không tử tế với nó, họ cũng không có gì đến nỗi nghiệt ngã như mẹ. Họ không hoài công bênh vực nó một lời khi mẹ họ la lối, đánh đập Tâm, song họ đã bỏ cái thói a dua, bắt nạt hay thóc mách làm cho nó bị đánh mắng như thuở bé. Họ thừa hiểu nó cần thiết trong nhà họ, nó có ích hơn con chó, song họ chưa bao giờ thấy cần phải xét lại lối cư xử với nó như các anh trai.
Một đôi khi, Tâm đã dám nhìn thẳng vào mặt họ mà cười, và những lúc ấy, nó không bị mắng như ngày trước mà chỉ phải nghe hai cô giễu nó:
- Mi làm ta tưởng mi là ông Ba Bị chớ!
Rồi hai cô chị vỗ thùm thụp vào lưng nhau cười khùng khục làm Tâm lại toét miệng cười theo.