Chương Kết

     guyễn giật mình, giụi vội điếu thuốc đang cháy dở. Một chiếc xe đò cũ kỹ vừa đậu lại trước cổng nhà chàng, và Uyển đang bước xuống. Nguyễn chạy vội ra:
- Anh tưởng sáng mai em mới xuống?
Uyển mỉm cười nhìn chồng; những nét mệt mỏi của cuộc hành trình như đã lặn hết trên khuôn mặt trắng hồng của nàng:
- Về tới Sàigòn thấy ồn ào, xô bồ là em muốn về đây ngay... Vả lại... nhớ anh muốn chết luôn!
Nguyễn cười:
- Sao em không đi chuyến xe sớm? Về muộn thế này đường sá nguy hiểm lắm đấy.
- Em đi sớm lắm chứ. Nhưng xui ơi là xui, dọc đường chiếc xe bị hư máy hai bà lần. Nóng ruột kinh khủng.
Chiếc xe đò đã lại chuyển bánh, để lại phía sau đám bụi mù.
Nguyễn cúi xuống xách hai chiếc giỏ căng phồng đồ vật bên trong:
- Em mua gì mà nặng thế này?
- Em đâu có mua. Giỏ xanh xanh kia là quá ba má gửi xuống biếu thầy mẹ dưới này. À, mai chúng mình lên thăm thầy mẹ nhé, cả tuần nay mình không ghé lại rồi đó.
- Được. Thế còn cái giỏ này?
- Mẹ gửi cho riêng anh đó.
- Gì vậy?
- Đủ thứ: bánh ngọt, sữa, chuối...
- Trời! Làm như anh còn con nít mà phải sữa với bánh ngọt để dỗ. Còn ở đây là vựa trái cây mà mẹ cho chuối!
- Em cũng nói vậy nhưng mẹ bảo tao biết thằng Nguyễn nó thích loại chuối này nên tao mua cho nó ăn. Còn nữa, bánh ngọt, mẹ bảo để anh tẩm bổ... Thấy mẹ cưng con rể chưa?
- Trước khi được cưng anh đã phải mất ba bốn năm liền để thuyết phục, lấy lòng chứ bộ. Dễ dàng gì đâu!
- Em biết rồi!
- Nghĩ lại nhiều lúc anh vẫn buồn cười. Cứ hai ngày anh lại phải đến “trình diện” mẹ một lần ra cái điều ta đây không... thay lòng đổi dạ. Nhiều lúc thèm hút thuốc hay muốn uống ly la-ve cũng không dám... Đó là chưa kể phải dùng “miệng lưỡi ngoại giao” để... thay đổi thành kiến của mẹ vợ tương lai. Khổ ơi là khổ!
- Khổ thì... mới lấy được em chứ bộ!
- Thế mà “thiên hạ” đâu có thương. Nào là mỗi lần thi rớt lại đổ tội “người ta”, nào là không chịu “người ta” học Y Khoa, nào là sợ về quận lỵ sống... làm “người ta” phải năn nỉ muốn gẫy lưỡi luôn, nào là...
Uyển đứng khựng lại, dậm chân phụng phịu:
- Em hổng chịu đâu. Chọc quê em hoài! Tại hồi đó “người ta” chưa biết chứ bộ! Em bắt đền cho xem, nào... nào...
Nguyễn cười thành tiếng, đặt chiếc giỏ xuống, vòng tay ôm vai vợ âu yếm:
- Thôi cho anh xin! Em vẫn có tật... nhõng nhẽo như ngày nào!
- Thèm nhõng nhẽo!
- Thì... nũng nịu vậy!
Uyển đi sát hơn vào bên Nguyễn. Hai vợ chồng vừa bước lên thềm nhà thì có tiếng đẩy cổng, rồi tiếng gọi thất thanh phía sau:
- Bác sĩ! Bác sĩ!
Cả Nguyễn và Uyển đều quay lại. Một thanh niên tất tưởi chạy vào, khuôn mặt hằn nét lo sợ, giọng nói đứt quãng:
- Bác sĩ! Bác sĩ... cứu mẹ... tui với!
Nguyễn nhẩy lại xuống sân, ôn tồn hỏi:
- Bà cụ làm sao?
- Thưa... mẹ tui... bị xỉu!
- Tại sao bị vậy?
- Dạ... mẹ tui bịnh cả tuần nay... Xin bác sĩ đến liền, kẻo... không kịp!
Nguyễn quay lại nhìn vợ. Uyển mỉm cười, dịu dàng:
- Để em vào lấy túi thuốc cho anh nhé.
Trong khi Uyển vào nhà trong, Nguyễn thân mật đặt tay lên vai người thanh niên đồng nội:
- Cậu an tâm. Chắc bà cụ không sao đâu. À, mấy bữa nay cậu đã cho bà cụ uống thuốc gì chưa?
Thanh niên ngập ngừng, tay cuốn tròn vạt áo đen, hơi cúi đầu:
- Dạ... chưa!
- Sao không đưa bà cụ đi chữa sớm hơn?
- Da... thưa bác sĩ... em nghèo lắm.
Uyển đã trở ra, đưa cho chồng chiếc túi trắng có hình chữ thập đỏ:
- Lát nữa anh về em sửa soạn bữa cơm xong cho mà xem. Tối nay em sẽ nấu một món mà anh thích nhất.
Nguyễn gật đầu cười nụ rồi cùng người thanh niên đi nhanh ra đường.
Mặt trời đã xuống sau hàng dừa. Uyển đứng nhìn theo chồng; tâm hồn nàng thanh thoải và bằng an vô cùng. Phía xa, bóng Nguyễn đã chập vào làm một với chiếc bóng của người nông dân quê mùa, in đậm nét trên nền trời xám đục...
Hoài Mỹ
Sàigòn, 4-74
HẾT

Xem Tiếp: ----