Tám

     a hôm trước ngày thi thì tôi bị đau. Tôi ít ngủ hẳn đi và thỉnh thoảng cứ như muốn sốt vào buổi chiều. Cố gắng hết sức, nhưng tôi cũng gục xuống bàn và bị ru đi trong cơn sốt.
Chị Hà đưa tay lên trán tôi:
- Em phải nghỉ đi.
- Nhưng nhìn tới sách vở em sợ quá.
- Cố lên chứ biết làm sao được. Thi xong em xin ba mẹ cho đi xa nghỉ ít tuần mà dưỡng sức.
Chị Hà trách móc tôi:
- Chú thì cứ phải nhốt riêng ở một nơi thì họa may mới có người bảo được chú. Ăn uống thất thường, ngủ nghỉ thất thường. Tôi bảo chú nhớ, có thân không lo mai này cho nằm một xó mà khóc. Tôi biết, chú mà phải nằm một xó, thế nào cũng khóc..
Tôi biết là chị Hà... dọa tôi, nhưng tôi vẫn lo. Thứ hai thi thì chiều thứ sáu tôi lên cơn sót nặng, tuy thế tôi vẫn ôm lấy cuốn sách. Chị Hà bắt tôi đi bác sĩ ngay buổi tối hôm ấy và tôi có phần bớt mệt hơn. Nằm vùi suốt ngày thứ bảy, đến chiều tôi làm như đã khỏe, đi lên đi xuống nhà luôn và cố ý để cho chị Hà nhận ra điều đó. Buổi tối tôi lôi hết sách vở ra và xếp thật ngay ngắn trên bàn. Tôi đã tưởng không kịp ôn hết một lượt, nhưng may quá, cũng chỉ còn lại ít bài mà tôi cho rằng chả bao giờ thi. Có điều là toán của tôi hơi yếu, mới chỉ ôn lại một số rất ít. Tôi lật ra xem lại những phần gạch đỏ “có thể thi” rồi đi ngủ sớm hơn thường ngày.
Buổi sáng chủ nhật, tôi nói với chị Hà:
- Chị Hà à, em đi chơi một chút nhé.
Chị Hà nhìn tôi và hỏi đã khỏe chưa. Tôi đáp là chả khỏe rồi cũng phải khỏe để mai đi thi chứ. Thôi nhìn tôi, chị Hà vừa xắt những miếng cà-rốt rơi vào chiếc rổ, chị bảo là, Huy lớn rồi đó, không phải ai lo nhiều cho Huy nữa đâu. Chị tôn trọng những ý nghĩ, những quan niệm của riêng em. Chị tin rằng mọi điều em xử sự đều đúng. Có một điều chị muốn nói là dạo này Huy hình như có nhiều thay đổi mới lắm mà Huy chả nói gì với chị. Chị đợi đó.
Tôi thấy run quá. Có lẽ chả ai có thể giấu diếm được chuyện gì lâu bao giờ. Nhưng tôi biết sao để bắt đầu kể cho chị Hà nghe được bây giờ, trong khi chính tôi cũng còn bối rối nữa. Thấy tôi yên lặng chị Hà bảo, ừ, Huy đi đi, nhớ trưa về sớm, hôm nay có gia đình anh chị Khang xuống ăn cơm đó.
- Nhỡ trưa em không về.
Tôi ngập ngừng mãi mới nói được điều tôi ngại ngùng nãy giờ. Chị Hà nhìn tôi tủm tỉm cười:
- Thế nào là nhỡ?
-...
- Thế nào là nhỡ, hở thầy giáo?
Tôi ngượng lắm, song tôi vẫn bậm môi nhìn chị Hà, và chị cười với tôi, ý tứ, dọ hỏi. Suốt quãng đường sang nhà Chi, tôi nghĩ những gì đâu đâu, không hẳn là lo lắng, không hẳn là bối rối. Tôi vừa bị giao động mạnh. Đứng trước hai cánh cổng lớn nhà Chi một lúc lâu tôi mới nghĩ là phải bấm chuông. Chi chạy ra đón tôi. Mười ngày rồi tôi không sang, không nói chuyện và ngậm kẹo với cô bé, Chi vẫn hiền, vẫn ríu rít như chim.
- Chi biết thế nào anh Huy cũng tới nè.
Tôi nhìn lên cao, trên những chùm lá cây ngọc lan, trên những cụm mây trắng mới buổi sáng mà đã rủ nhau lang thang. Buổi sáng chủ nhật. Hay nhỉ, nói thế nhỡ người ta không tới thì sao nào.
- Chi đang làm gì thế hở?
- Chi đang đọc báo và chờ anh ạ.
- Chao ơi - Tôi reo lên - ngoan nhỉ.
Chi nắm tay tôi và dắt tôi vào nhà, tôi giống như một người anh đi xa trở về nhà vậy. Chi hỏi tôi:
- Anh Huy học xong bài chưa?
- Xong hết cả rồi.
- Anh Huy học khuya lắm hở?
- Không.
Bỗng Chi dứt tay khỏi tay tôi, cô bé đứng lại nhìn chăm chăm vào mặt tôi:
- Anh Huy đau phải không?
Tôi lắc đầu:
- Anh đâu có đau. Sao Chi hỏi vậy?
- Chi biết.
Tôi vẫn giấu Chi.
- Anh khỏe mà.
- Chi thấy tay anh nóng như người đau. Anh Huy xòe tay cho Chi coi.
Chi bắt tôi xòe cả hai bàn tay ra, mắt cô bé nhìn tôi như thầy thuốc nghe ngóng người bệnh.
- Anh Huy có hút thuốc nhiều không?
Tôi lại lắc đầu lần nữa.
- Thật không anh?
- Thật.
- Chi sợ anh hút thuốc lắm. Sao Chi thấy anh lạ quá ạ.
Tôi lặng thinh, không biết sao tôi lại dối Chi như thế. Nhưng rõ ràng là Chi không nghi ngờ gì cả. Chi ríu rít:
- Anh nhớ anh đã nói gì đó nhé.
Tôi giật mình:
- Anh nói gì nào?
- Ngày mai anh thi phải không?
- Không biết nữa.
- Anh hay vờ, - Chi chu môi - đi thi mà không biết ngày thi của mình thì còn ai biết nữa.
- Có người khác nhớ cho anh.
- Ai vậy anh?
Tôi nhìn vu vơ, tôi không nói. Trên cành cây cao, tôi sợ có con chim giật mình. Tôi lảng đi chuyện khác, tôi hỏi Chi:
- Mấy hôm nay Chi làm gì?
- Nghỉ học, buồn thấy mồ đi ấy anh Huy ạ. Nhưng Chi làm thêm được mấy bài tập khó. Mẹ bảo, lớn lên Chi sẽ đàn hay hơn mẹ.
- Anh biết.
- Anh biết sao?
- Anh biết những ai có ngón-tay-của-con-búp-bê-nhồi-bông thì sẽ đàn hay lắm.
Thế là tôi bị những-ngón-tay-của-con-búp-bê-nhồi-bông ấy cấu lia lịa.
- Anh Huy ngạo Chi hén.
Chúng tôi đi loanh quanh hết các lối trong vườn, những phần nắng sáng còn nguyên tươi mát trong các lùm cây. Chi reo lên:
- Anh Huy làm quên chuyện. Anh có nhớ đã nói gì với Chi không?
- Nói bao giơ?
- Hôm nọ anh Huy bảo, trước ngày thi anh Huy sẽ sang chơi với Chi nguyên một ngày. Anh Huy nhớ không?
- Ơ, hay nhỉ, đó là ý kiến của Chi chứ.
- Còn ý kiến của anh Huy?
Chi nhìn tôi, cô bé ngả đầu cho mái tóc ngắn chạm xuống vai, mái tóc rủ rê chim muông ấy với khóe răng khểnh của Chi làm ý nghĩ của tôi bay đi đâu mất.
- Anh không có ý kiến.
Vừa lúc ấy mẹ Chi đến với chúng tôi. Chi reo lên:
- Mẹ à, anh Huy bằng lòng vậy rồi.
- Chi muốn nói sao?
- Hôm nay anh Huy sẽ ở chơi với con trọn một ngày.
Tôi không cải chính, tôi lặng thinh cho những giòng nước ấm của con suối chảy len lỏi trong tâm hồn. Tôi theo Chi và mẹ vào nhà, để mặc cho nắng buổi sáng tung tăng một mình trên những ngọn cây ngoài vườn.
Hết một buổi sáng, tôi và Chi chúi đầu xem chung truyện tranh, chơi đomino, đổ cá ngựa và tôi dạy Chi chơi ô chữ trong một tờ tạp chí. Hết một buổi sáng, chúng tôi ngồi ngậm táo tàu cười nói vui vẻ và Chi dắt tôi xuống bếp, cô bé khoe tài nấu bếp bằng món “bỏ cơm vô chảo rôi đập một quả trứng”, Chi cho tôi ăn cơm chiên trứng. Hết một buổi sáng, khi cơn sốt vẫn còn xa tôi. Cho đến buổi chiều.
Buổi chiều, tôi nói với Chi:
- Chi à, Chi đàn cho anh nghe đi.
- Chi đàn dở lắm, anh cười Chi cho mà xem. Để bao giờ đã kìa.
- Bao giờ là... đến bao giờ?
- Khi Chi lớn.
Tôi cười khẽ:
- Lâu quá, nhỡ Chi quên thì sao?
- Thì có anh nhắc Chi.
- Nhỡ anh cứ giả vờ quên?
- Thì có mẹ nhắc chúng ta.
- Nhỡ mẹ cũng quên luôn?
Im lặng, Chi ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu:
- Chi không quên đâu anh Huy ạ.
Lúc ấy, đôi mắt Chi sáng như những đốm sao ở trên trời. Nhưng trời chưa vào đêm nên những vì sao ấy sáng một mình, khiêm nhượng ở một góc vườn địa đàng nào đó, trong tâm hồn tôi. Tôi nghiêng đầu, bắt chước lối rủ rê của Chi, rủ rê chim muông đậu xuống vườn.
- Nhớ nhé.
- Vâng ạ.
Chi ngồi xuống ghế đàn, dáng tinh anh như một con chim khuyên đậu trên cành đầy hoa trái.
- Bây giờ thì anh Huy nghe bài “con chim chuyền trên cành cây” nhé.
Mười ngón tay con-búp-bê-nhồi-bông của Chi lướt dài trên suốt những phím ngà, đó là bài “con chim chuyền trên cành cây” của Chi. Chi chạy lại bên cửa sổ ngồi với tôi. Chúng tôi cười vui như sóc.
Vừa vặn một buổi chiều.
Buổi chiều đang chia phần ngoài vườn, những phần nắng là của tôi và những phần râm mát là của Chi. Thế rồi những phần nắng đem cơn sốt đến đốt trong đầu óc bệnh hoạn của tôi, không ngờ.
Tôi hỏi Chi:
- Mẹ hẹn lát đưa anh em mình đi phố phải không Chi?
- Vâng ạ, nhưng chắc là anh với Chi nhỡ tàu mất, vì mẹ bận khách rồi.
- Ai vậy Chi?
- Đố anh Huy.
- Ông Chương phải không?
Chi quay phắt lại nhìn tôi:
- Sao anh Huy biết?
- Mẹ bảo. Hôm nọ mẹ cho anh xem đồ án ông Chương vẽ. Mẹ sắp xây một cái cô nhi viện nhỏ phải không Chi?
- Vâng ạ, mẹ làm việc chung với mấy bà bạn nữa. Dạo này mẹ có vẻ bận rộn. Chi sợ mẹ bỏ Chi một mình lắm cơ.
Chi vịn tay vào khung cửa sổ nhìn xuống vườn. Tôi thấy, hình như Chi hơi hơi buồn thì phải. Nét buồn của cô gái bé nhỏ như một sợi khói mỏng vướng vào mắt. Chi xịu mặt, giọng Chi nhỏ đi:
- Anh Huy ạ, mẹ hay quên lắm cơ, Chi cứ phải nhắc hoài mẹ mới nhớ chải tóc cho Chi mỗi khi ngủ dậy. Mấy hôm nay Chi làm lấy những công việc ấy.
Rồi sợi khói mỏng cũng đủ làm cay mắt Chi, tôi không dỗ Chi kịp thì Chi đã khóc rồi.
- Như thế thì càng thích Chi ạ.
- Thích sao cơ?
- Chải tóc một mình thì được tha hồ ngắm gương chứ sao?
Chi chồm lên cấu tôi.
- Không đúng thế à?
- Anh Huy chỉ hay trêu Chi thôi.
Tôi ngồi sát bên Chi lúc Chi vùng vằng quay đi. Buổi chiều còn đầy ngoài vườn. Và phần nắng của tôi vẫn đầy hơn phần mát của Chi. Tôi hỏi Chi:
- Chủ nhật vừa rồi mẹ có dẫn Chi đi chơi đâu không?
- Có anh ạ, nhưng không phải đi chơi, mẹ với Chi đi thăm Viện Dục Anh.
- Vui không?
- Chi thích lắm thế nào Chi cũng bắt mẹ dẫn Chi đi nữa.
Và Chi vui vẻ kể bao nhiêu là chuyện, Chi bảo, Chi ngồi đút cơm cho những đứa nhỏ với lại cầm chổi quét nhà đến đỏ ửng cả hai bàn tay. Chi kể cho tôi nghe:
- Anh Huy nghe Chi kể chưa nhỉ...
- Kể gì hở Chi?
- Đứa con mà mẹ nhận nuôi đó.
- Nó lớn không?
- Nhỏ thôi.
- Chừng bao nhiêu tuổi?
- Chi quên không hỏi mẹ. Nhưng nếu mà nó đi giày thì có lẽ cũng đứng cao bằng Chi.
- Vậy hở?
Tôi im lặng nghe Chi kể tiếp:
- Trông nó hiền lành dễ thương ghê lắm anh Huy ạ. Suốt một buổi sáng Chi với nó chơi đuổi bắt quanh quanh ngoài hành lang, cho tới giờ ăn cơm trưa ở đấy.
- Vậy hở.
Chi thích thú kể:
- Tội nghiệp ghê lắm, anh Huy biết không, bao nhiêu đứa trẻ mà có một xoong cơm thôi. Chúng tranh nhau khóc um sùm. Bọn con trai còn đánh nhau nữa, nhưng thằng bé mà mẹ nhận làm con nuôi đó, nó ngồi riêng một góc, chẳng nói nửa lời. Nó hiền đến như vậy đó anh, Chi hỏi mãi nó mới chịu nói.
- Vậy hở.
Chi cười:
- Anh Huy biết nó nói sao không?
- Nó bảo là “áo cô đẹp quá”.
Chi lại khúc khích cười. Thấy tôi lặng thinh Chi giật mình quay sang hỏi:
- Anh Huy làm sao vậy?
Tôi lắc đầu
- Có làm sao đâu. Chi kể tiếp đi.
Chi vùng vằng:
- Rõ là anh Huy... anh Huy nhức đầu phải không?
- Ừ, ừ, anh hoi nhức đầu một chút.
Môi Chi phụng phịu:
- Thế mà anh làm Chi sợ.
Tôi yên lặng. Tôi vừa nhặt ở đâu một mảnh thủy tinh sắc nhọn, tôi sợ mảnh thủy tinh ấy vỡ ra trong lòng bàn tay tôi.
- Anh Huy.
Chi níu lấy vai áo tôi:
- Anh không thích nghe Chi kể chuyện hở?
- Chi kể tiếp đi.
- Sao anh không cười.
Tôi gượng cười:
- Anh được khen như Chi anh cũng thích lắm.
- Anh biểt hôm đó Chi mặc áo gì không?
- Không.
- Chi mặc áo hồng, cái áo có hai chiếc túi ở đằng trước mà anh thích đó anh.
- Vậy hở.
Tôi lặng thinh. Cơn sót bốc lửa hừng hực trong đầu tôi. Rõ ràng là tôi đang cố gắng lắm. Huy ơi! Huy ơi! Tôi gọi tôi, nhưng những tảng đá nặng nề không nhúc nhích cứ chở về đầy những nghĩ ngợi. Phải bình thường, Huy ơi! Huy ơi! Tôi biết là trong người tôi không được khỏe lắm. Tôi tới đứng ở cửa, lối ra chiếc sân vuông nhìn xuống dưới vườn. Tôi mong đợi một cơn gió, tôi mong đợi một giòng suối đến rũ sạch những bụi cát nghĩ ngợi này. Tôi ngậm môi chợt thấy môi đắng. Tôi nhớ là mình đang bệnh.
Cơn gió nhỏ chầm chậm tìm đến, lúc Chi bước đến bên tôi. Hết một buổi chiều, rồi những tia nắng quái cũng trốn nhanh. Bây giờ không còn phần nắng nào của tôi trong vuờn. Chỉ ngập những phần bóng mát của Chi.
- Anh ạ.
Chi gọi vậy, và khi tôi quay lại, Chi níu cổ tôi xuống và nhét vào miệng tôi một trái táo tàu. Chúng tôi cười được ngay.
- Ra ngoài sân đi anh.
Chi và tôi bước ra ngoài sân, nắng vẫn còn nằm lại trên những viên gạch ấm dưới chân chúng tôi. Chi ngồi trên chiếc ghế đu đong đưa đôi chân và tôi đứng tựa người vào lan can gần đấy. Tôi nhìn xuống dưới vườn, dưới những cành đại gầy mờ mờ những đốm hoa trắng ngà.
- Lại đây mà xem. - Tôi gọi Chi và Chi đến bên tôi - Có bao giờ Chi đứng một mình ở đây vào buổi tối không?
- Đứng một mình ở đây à, Chi sợ lắm.
- Sợ gì?
- Sợ gió, gió rào rào ở dưới vườn dễ làm Chi giật mình. Những lần mẹ đi, còn mình Chi ở nhà, Chi đóng cửa phòng và nằm đọc sách, khi mẹ về thế nào mẹ cũng phải lau nước mắt cho Chi.
- Mau nước mắt như thế đó.
Như con mèo, Chi nép bên tôi.
- Chi có nhiều bạn ở trường không?
- Chi chả chơi thân với ai cả.
- Sao vậy?
Chi không nói gì, một lúc lâu, Chi gọi tôi:
- Anh Huy à.
- Chi nói gì hả?
- Học thi xong rồi, mỗi ngày anh Huy sang chơi với Chi nhé.
Có những sợi tóc mềm của Chi vừa lùa vào mặt tôi.
- Nha, anh Huy.
Tôi cúi xuống trên mái tóc Chi:
- Chi quên anh là thầy giáo mà. Mẹ là bà hiệu trưởng, bà hiệu trưởng có quyền la thầy giáo nếu thầy giáo để học trò hư.
- Anh nói vậy đó à.
Chi ngả đầu trên vai tôi, cho mái tóc mềm Chi đậu xuống bờ ái ngại, cuống quýt của tâm hồn tôi.
- Chi sẽ xin mẹ, thầy giáo phải sang sớm để ăn sáng với Chi ở ngoài vườn cơ.
- Rồi Chi pha cà phê sữa thật nóng cho anh.
- Vâng.
Bóng mát phủ kín những rtghĩ ngợi của tôi. Tôi không muốn đi thi. Tôi không thích sách vở, bút thước. Tôi không cần biết thêm điều gì. Thế giới xung quanh của tôi thu nhỏ lại, khi thế giới ước mơ tôi mở rộng, bao la.
- Chủ nhật tới anh Huy thi xong chưa nhỉ?
- Chưa, phải chủ nhật tới nữa cơ.
- Thì chủ nhật tới nữa anh Huy đi với mẹ, với Chi nhé.
- Đi đâu?
- Đi thăm Viện Dục Anh. Anh Huy thích đi không?
- Chưa nói trước được, nhỡ ra...
Chi xịu mặt:
- Chi biết rồi.
- Biết gì?
- Anh Huy nhiều bạn bè lắm phải không?
Tôi đặt ngón tay trỏ lên trán Chi:
- Nhiều lắm.
- Chi biết.
- Chi biết nhiều lắm là bao nhiêu không?
- Bao nhiêu?
Tôi đưa một ngón tay.
Con mèo khi biết được những ngón tay ve vuốt chiều chuộng, nó làm nũng hơn. Con mèo Chi ngả hẳn đầu lên vai tôi:
- Có một thôi, thế mà anh cũng chả chiều được phải không anh?
Phải không anh, những ngón tay khờ khạo tôi chưa biết làm rối mái tóc Chi, tôi chỉ muốn là cơn gió hiền lành về qua mái tóc, ngoan ngoãn ấy và tiếng gió ru thành tiếng vi vu vi vu. Buổi chiều huyền hoặc nào đó, tôi mơ thấy mái tóc Chi là một cánh đồng.
Tôi tưởng mảnh thủy tinh vỡ đã rớt ra khỏi bàn tay tôi. Nhưng chính lúc ấy cơn sốt của tôi tìm lại.
- Quên mất.
Chi làm tôi giật mình, khi Chi ngửng phắt lên:
- Đứa bé con nuôi của mẹ đó anh, Chi chưa nói tên của nó cho anh Huy nghe phải không?
- Chưa.
Chi vui vẻ kể chuyện:
- Tên nó là Tuấn, tên Chi đặt cho nó đó. Tên Tuấn nghe hay không anh?
- Hay lắm.
Chi mừng rỡ:
- Không phải tên nó vậy đâu, tại Chi hỏi nó chả trả lời gì cả Chi gọi đại nó là Tuấn, nó cười anh ạ.
- Nó thích lắm phải không Chi?
Chi cười:
- Tên Tuấn nghe hay và thông minh anh nhỉ?
- Ừ. Tên Tuấn nghe hay và thông minh lắm.
Chiều dẫn nắng đi ngủ cả, để cơn sốt tôi bừng thức dậy. Không ngờ. Tôi thấy chóng mặt và như bị cuốn vào giữa cơn lốc bệnh hoạn nào. Mặt tôi nóng ran, mảnh thủy tinh lại vỡ ra trong tay tôi.
- Ừ, tên Tuấn nghe hay và thông minh lắm.
- Anh Huy, - Chi gọi tôi - anh Huy làm sao vậy?
- Anh về.
Chi không kịp giữ lấy tay tôi, bước chân Chi không đuổi kịp bước chân tôi, tôi bước như nhảy xuống những bậc thang.
- Anh về.
Đèn nhà dưới đã bật sáng, có lẽ mẹ Chi vẫn còn đang bận khách. Bước lạc trong nhà Chi, chân tôi dẫm bừa trên những lối trong vườn. Cơn lốc xoáy tròn, cơn lốc mang đi xa, cơn lốc cuốn tung tôi lên cao và vật nát tôi trong cơn bệnh hoạn này. Quần áo rách tả tơi, tay chân xây xước rớm máu, làm như tôi không còn biết gì nữa. Tôi muốn cắm đầu chạy một mạch về nhà. Nhưng khi vừa ra tới cổng, tôi giật mình quay lại thấy Chi đang ngồi cúi mặt xuống, ở chiếc ghế đá trong vườn, bên lối đi. Giây phút, cơn mưa rào đổ xuống như thác lũ. Nhanh bằng một chợp mắt, cơn sốt của tôi tan biến đi, run rẩy. Tôi bước chậm đến sau chiếc ghế đu, những viên sỏi dưới chân tôi cũng lặng câm, lạnh lắm. Tôi gọi khẽ:
- Chi à.
Chi ngửng lên, hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Mãi tôi mới nói được:
- Chi giận anh lắm phải không?
Chi lắc đầu, cô bé nấc lên, những giọt nước mắt đầu tiên rơi vào đời tôi, rớt trên tuổi lớn lên của tôi làm tôi cuống quýt.
- Chi à.
- Dạ.
Giọng Chi đọng nước mắt. Tôi đặt hai tay lên đôi vai nhỏ bé của Chi, dỗ dành:
- Cho anh xin đi.
Chi níu lấy tay tôi, cô bé lại nấc lên:
- Anh Huy hết thương Chi rồi phải không?
Tôi cúi thật thấp trên mái tóc Chi, mái tóc con búp bê đã rối mất trong nước mắt. Tôi nói thật nhanh trong mái tóc ấy:
- Anh vẫn thương Chi mà.
Cơn gió nào tìm về xôn xao trong những cành lá của cây hoàng hậu trên đầu chúng tôi. Có lẽ hơi thở lúc này của tôi vẫn còn đầy hơi nóng của cơn bệnh.
- Chi thấy anh Huy lạ quá làm Chi sợ.
Tôi không giấu diếm Chi nữa, tôi vòng ra đằng trước chiếc ghế đu và ngồi xuống bên Chi. Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ của cô bé đặt lên trán tôi:
- Chi xem trán anh này, anh đau đó Chi ạ.
- Chi biết ngay mà. Anh đau lâu chưa?
- Gần một tuần nay rồi.
- Thế mà anh cứ giấu Chi.
Chi ngả đầu trên vai tôi. Trong bóng tối của những chùm lá cây hoàng hậu, đôi môi phụng phịu dễ thương của Chi để tôi thèm về tung hết cả những sách vở bút thước compas, tung hết cả những con số, những chữ nghĩa bay lên trời. Tôi muốn quên hết cả bạn bè tôi, tương lai tôi.
- Anh Huy nhé, anh Huy đừng làm Chi sợ nữa anh Huy nhé.
Tôi cúi xuống hôn nhẹ lên trán Chi. Anh thương bé lắm, Chi ạ.