Dịch giả: Cô Liêu
Chương VIII

     raber dừng lại trước một căn nhà. Trời tối cho nên không nom rõ số nhà. Một người đứng gần cửa vào hỏi:
- Ông hỏi gì?
- Đây có phải là số nhà 22 đường Marie?
- Phải. Ông hỏi ai?
- Bác sĩ Kruse.
- Kruse? Ông muốn hỏi gì bác sĩ?
Graber nhận ra trong tối đôi giầy ủng và y phục Mật vụ. Y nghĩ thầm: “À ra thế! Một nhân viên Mật vụ ranh mãnh!”
Y vừa đẩy cửa vừa nói:
- Để tôi sẽ nói thẳng với bác sĩ.
Y thấy mệt mỏi, mỏi mệt sâu xa hơn sự mỏi mệt ghi dấu vết vào hai mắt trũng sâu và các khớp xương lỏng lẻo. Suốt ngày hôm nay y đã tìm kiếm, thám người này người khác nhưng không biết được gì cả. Cha mẹ y không có họ hàng ở tỉnh này, láng giềng quen biết đều mất tích. Bottcher nói có lý: sự đảo lộn thật là sâu xa. Mọi người ngậm miệng vì sợ Mật vụ, họ chỉ cho biết những tin tức mờ mịt rồi bảo mình đi hỏi những người cũng không hay biết gì mấy.
Lên hết cầu thang thì thấy một hành lang tối. Bác sĩ Kruse ở tầng lầu nhất. Y vẫn chữa bệnh cho mẹ mình. Có lẽ ông ta biết địa chỉ mới của cha mẹ.
Một người đàn bà vẻ mặt thản nhiên, không biết bao nhiêu tuổi ra mở cửa:
- Ông muốn hỏi bác sĩ Kruse?
- Vâng.
Bà ta lẳng lặng ngó Graber, không dẹp chỗ cho y bước vào. Graber nóng ruột:
- Ông ta có nhà không?
Người đà bà không trả lời. Hình như bà ta đợi một tiếng động gì ở nhà dưới.
- Ông đến thăm bệnh à?
- Không, tôi có việc riêng.
- Việc riêng à?
- Vâng, tôi có việc riêng. Thưa bà là bà Kruse?
- May mà không phải.
Graber ngó kỹ con người kỳ dị. Suốt ngày hôm nay, sợ hãi, căm thù và dối trá hiện ra trước mắt y dưới đủ mọi hình tướng, nhưng kết cục người đàn bà này quả là cái gì mới mẻ.
- Thưa bà tôi không biết ở đây có chuyện gì, tôi cũng không muốn biết. Tôi chỉ muốn hỏi bác sĩ Kruse, thế thôi!
- Bác sĩ Kruse không còn ở đây nữa.
Người đàn bà nói câu ấy với giọng căm thù, gắt gỏng đột ngột.
- Tên bác sĩ còn ở ngoài cửa kia.
Graber chỉ biển đồng ghi giờ thăm bệnh.
- Đáng ra cái biển đồng này phải tháo đi lâu rồi.
- Nhưng biển vẫn còn đấy. Trong nhà còn ai là thân quyến của bác sĩ không?
Người đàn bà lặng yên, Graber muốn mắng cho mụ ta một câu rồi bỏ đi thì trong nhà có tiếng cửa mở. Một luồng sáng soi rõ hành lang. Có tiếng người hỏi:
- Ai hỏi tôi đấy?
- Có. Tôi muốn hỏi thăm ai biết bác sĩ Kruse. Nhưng sao mà khó khăn thế.
- Tôi là Elisabeth Kruse.
Graber quay lại nhìn người đàn bà trước mặt. Bà ta vội vàng lui vào, vừa đi vừa la:
- Thắp đèn sáng quá. Cấm xài nhiều điện như thế.
Graber đứng đợi. Một người con gái chừng hai mươi tuổi hiện ra dưới vùng sáng. Y thoáng nhìn thấy đuôi lông mày cong như vòng cung, cặp mắt tối và đợt tóc nâu mềm mại rũ xuống vai. Rồi người con gái đến gần y trong bóng tối hành lang.
- Ba tôi không làm việc nữa.
- Tôi không đến thăm bệnh, chỉ đến hỏi một việc riêng.
Mặt người con gái bỗng biến sắc. Nàng liếc nhìn xem người đàn bà đã đi hẳn chưa, rồi mở mau cửa:
- Ông vào mau đi.
Nàng theo sau vào căn phòng có ánh sáng. Nàng quay lại ngó y thay cho câu hỏi. Hai mắt không còn tối nữa, hai mắt sáng long lanh.
- Hình như tôi có quen ông. Ông có học trường trung học ở đây không?
- Có. Tôi tên là Graber.
Graber cũng nhớ ra. Một cô học sinh gầy ốm, tóc nhiều quá và mắt lớn quá. Mẹ nàng chết từ lúc nàng còn nhỏ. Nàng đến ở với họ hàng tại một tỉnh khác.
- Cô Elisabeth, nom cô khác ngày xưa quá, tôi không nhận ra.
- Lần cuối cùng gặp anh ở nhà trường đã sáu bảy năm rồi. Coi anh cũng khác nhiều.
- Không nhiều như cô.
Hai người nhìn nhau không nói gì.
- Ở đây có chuyện gì vậy? Người canh chừng cô như gác dinh đại tướng.
Elisabeth mỉm cười chua chát:
- Không phải như đại tướng mà như tù binh.
- Tại sao? Tại sao vậy? Thưa cô...
Nàng vội giơ tay bảo im:
- Đợi một chút.
Nàng đi quanh bàn đến bên cái máy hát. Một điệu nhạc quân hành vang lên.
- Bây giờ thì có thể nói chuyện được.
Graber nhìn nàng, không hiểu. Có lẽ Bottcher nói có lý. Trong tỉnh này mọi người đều hóa điên hết.
- Thế này là nghĩa lý gì? Thôi làm ơn làm phước dẹp thứ nhạc quân hành đi, tôi đã ngán quá rồi. Tốt hơn hết là cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì ở đây. Tại sao người ta canh chừng cô?
Elisabeth tiến lại gần:
- Người đàn bà rình nghe trộm. Nó do thám. Vì thế phải để âm nhạc che lấp tiếng nói.
Elisabeth đưa mặt bối rôi nhìn lên Graber. Bất thần nàng nghẹn ngào.
- Ba tôi làm sao? Anh biết tin gì mới à?
- Không. Tôi muốn hỏi ba cô có một việc. Ba cô đâu rồi?
- Anh không biết à?
- Không. Tôi muốn hỏi xem ba cô có biết địa chỉ của cha mẹ tôi không. Cha mẹ tôi đã mất tích.
- Thế thôi à?
Graber mở to mắt nhìn Elisabeth.
- Tôi chỉ muốn biết thế thôi.
Người thiếu nữ trở lại bình tĩnh.
- Anh nói đúng. Tôi cứ tưởng anh đem tin của ba tôi.
- Ông nhà ở đâu?
- Ở trại tập trung. Từ bốn tháng nay. Có người tố cáo. Khi anh nói anh đến hỏi ba tôi, tôi tưởng anh có tin tức gì.
- Nếu có tôi đã nói ngay.
Elisabeth lắc đầu:
- Đừng có nói trước mặt con mụ già ấy. Phải cẩn thẩn mới được.
Graber nghĩ thầm: “Cẩn thận! Mình nghe thấy người ta nói đến cẩn thận với đủ các giọng”! Bài nhạc quân hành xoang xoảng như binh khí đụng nhau vang khắp phòng.
- Bỏ đĩa hát đi được không?
- Được, nhưng anh nên đi về thì hơn, anh cũng biết sẽ nguy hiểm cho anh.
- Tôi không phải là chó săn. Người đàn bà ấy là ai. Nó tố cáo ba cô phải không?
Elisabeth đưa tay nhấc kim máy hát nhưng vẫn để cho đĩa quay. Căn phòng yên lặng, rồi bỗng nổi lên tiếng còi hụ rên rỉ.
- Báo động! Lại báo động!
Có người gõ vào cửa kính
- Tắt đèn đi. Suốt ngày thắp đèn! Lúc nào cũng để đèn sáng quá! Biết mà! Có gì lạ lạ!
Graber mở cửa ra hỏi:
- Lạ lạ cái gì?
Người đàn bà đã chạy ra đầu đằng kia hành lang. Ba ta lắp bắp mấy tiếng không nghe rõ rồi biến mất.
Elisabeth đẩy Graber ra một bên và đóng cửa lại
- Nó là gì mà nó hống hách thế? Ai cho nó lại ở đây?
- Ủy ban Gia cư. Tôi được giữ lại căn phòng nay cũng là may rồi.
Ngoài phố ồn ào. Có tiếng trẻ con kêu, đàn bà gọi. Còi báo động Elisabeth cầm lấy cái áo mưa choàng lên vai.
- Phải xuống hầm núp.
- Còn đủ thì giờ mà. Tại sao cô còn ở đây? Sống với con mẹ chó săn ấy khác nào sống trong địa ngục!
Ngoài cửa lại có tiếng thét: “Tắt đèn đi!”
Elisabeth tắt đèn rồi đến gần cửa sổ:
- Tại sao tôi ở lại đây? Vì tôi không muốn đi trốn.
Nàng mở cửa. Tiến còi hụ tràn vào inh tai. Thân hình nàng nổi bật trên nền trời mờ trong khi nàng lấy đinh đóng chặt cánh cửa sổ.
Như vậy bom nổ đỡ làm vỡ kính. Rồi nàng trở lại bên Graber. Hầu như tiếng kêu đẩy nàng đi như một đợt sóng vô hình. Nàng nói qua tiếng còi vang động:
- Tôi không muốn đi trốn! Anh hiểu không?
Graber trông rõ mắt nàng. Mắt nàng lại trở lại tối sầm như lúc trước trong hành lang. Khóe nhìn kia âm ỉ một sức mạnh vô bờ của nghị lực, của say mê. Y cảm thấy hình như mình phải chống lại tất cả, sóng đời gay cấn hằn thù, khuôn mặt với hai mắt quyến rũ kia, tiếng còi hụ nhức nhối nọ, cảnh đảo lộn kinh khủng diễn ra dưới cửa sổ.
- Trời! Tôi không hiểu, ở lại đây chỉ làm cô điêu đứng mà không ích gì. Không chịu đựng nổi thì phải bỏ đi. Tôi học được điều đó ở ngoài mặt trận.
Nàng vẫn ngó y chăm chú
- Thế thì bỏ đi. Bỏ đi, để cho tôi yên thân.
Nàng muốn đẩy y ra để bước ra phía cửa. Y nắm lấy tay nàng. Nàng vùng mình giằng ra. Y không ngờ nàng khỏe đến thế.
- Đợi tôi với. Đợi tôi đi với cô.
Tiếng còi vây bọc lấy họ như một trận bão vô hình. Cả căn nhà rung chuyển, phòng ốc, hành lang, cầu thang, tiếng kêu đập vào tường rồi dội lại, tuôn đi ào ào khắp phía, không ai thoát được tay nó; nó chui qua lỗ tai, qua làn da, thấu vào trong người làm sôi máu sùng sục, làm giật gân phừng phừng, nó bít chặt lấy óc không cho suy nghĩ gì nữa.
- Cái còi ở chỗ nào vậy? Nó làm hóa điên mất!
Cửa đóng lại với một tiếng động. Tiếng còi nhỏ đi.
- Còi ở ngay góc phố. Mình phải xuống hầm công cộng. Hầm nhà không chịu nổi bom.
Từng chiếc bóng đen mang theo ba-lô với va-li hấp tấp xuống cầu thang. Một chiếc đèn bấm bật sáng soi rõ mặt Elisabeth trong giây lát. Một tiếng nói vọng đến: “Đến đây với chúng tôi nếu cô có một mình”.
- Cám ơn! Tôi không đi một mình.
Cửa lại mở, những bóng đen chạy xô vào cửa. Người ở trong nhà chạy túa ra ngoài như đứa trẻ đổ trong hộp đồ chơi ra một đống con chì. Trưởng xóm ra lệnh. Một người đàn bà mặc chiếc áo trong nhà bằng lụa đỏ chót tất tả chạy qua, tóc tung bay trước gió lộng. Những ông bà già rảo bước đi men bờ tường, vừa đi vừa nói, nhưng cảm tưởng như những cái miệng héo hon lặng lẽ nhai những lời nói đã tắt ngúm.
Hai người đến công trường, trước cửa hầm núp đông nghẹt người ồn ào. Trưởng xóm chạy tới chạy lui như những con chó chăn cừu, cố gắng lập trật tự.
Elisabeth có vẻ như ung dung không vội vàng. Graber đề nghị:
- Ta thử đi luồn phí bên cạnh lối vào.
Nàng lắc đầu:
- Đứng ở đây.
Đám đồng chảy cuồn cuộn như thác xuống hầm. Graber nhìn Elisabeth. Hầu như tất cả sự vật này không liên hệ gì đến nàng nữa.
- Cô can đảm thật!
Nàng đưa mắt nhìn Graber:
- Không, tôi sợ. Tôi sợ cái hầm.
Một người trưởng xóm la:
- Sao còn đứng đây! Chờ được giấy mời chánh thức mới xuống à?
Hầm rộng lắm, thấp và tối, có nhiều cột chống cho thêm chắc, có nhiều lối ra vào, lại có đèn sáng. Trong hầm có ghế dài, nhưng người ta mang theo nệm, mền, ghế xếp văn hóa... dần dần việc tổ chức cũng đem lại trật tự. Graber nhìn quanh với con mắt hiếu kỳ. Đây là lần thứ nhất y ở dưới hầm với dân chúng, lần thứ nhất y gần gũi với đàn bà con nít ở ngay tại nước Đức.
Ánh sáng xanh lơ làm mặt người nhợt nhạt, nom như một tốp người chết đuối. Người đàn bà mặc áo đỏ ngồi cách y không xa, áo đỏ ngả ra màu tím và tóc có ánh xanh xanh. Y nhìn Elisabeth. Mặt Elisabeth cũng hóa ra xám xịt, ngơ ngác, hai mắt sâu hoắm dưới hai cái hố tối đen, mớ tóc mất cả tươi sáng và trở nên mờ nhạt. Y thầm nghĩ: “Những người chết đuối, chết đuối vì dối trá và sợ sệt, họ bị xua đuổi xuống dưới lòng đất, họ trở nên thù ghét ánh sáng, thù ghét sự thật quang minh chính đại”.
Một người đàn bà ngồi thu hình trước mặt Graber với hai đứa con, hai đứa con nép vào lòng bà ta. Khuôn mặt hai đứa trẻ mất hết thần sắc, chỉ có hai mắt còn chút sinh khí. Trong ánh sáng mờ, những cặp mắt mở lớn quay ra phía cửa khi đợt súng cao xạ hoạt động ráo riết, trở lại đưa quanh trần nhà thấp, bờ tường bê-tông, rồi lại quay ra phía cửa. Hai đứa trẻ cứ theo tiếng nổ mà tìm chỗ đặt mắt nhìn. Đó là cặp mắt những con vật bị tê liệt hay bị sa bẫy, những cặp mắt vừa đưa nhanh vừa ngơ ngác phản chiếu đóm sáng ngọn đèn mờ. Hai đứa không nhìn thấy Graber, cả người mẹ với hai đứa con ngồi cạnh y cũng thế, chúng không còn sức lực để nhận ra ai, nói điều gì; trong người chúng vẫn có một sự chăm chú nghĩ đến cái nguy hiểm vô hình mà chúng không ý thức được, cái nguy hiểm đó có thể là một tiếng nổ dữ dội đem lại cái chết trong nháy mắt. Những đứa trẻ đã lớn rồi, chúng không thể không biết đến sự nguy hiểm, cũng không thể giả bộ can đảm vô ích, chúng sáng suốt nhưng chúng không có phương thế tự vệ...
Graber cũng nhận thấy thái độ đành chịu buông xuôi trong khi vẫn sáng suốt như thế không phải chỉ là thái độ của trẻ con; phần lớn những người thuộc thành phần dân sự ở trong hầm này đều để lộ thái độ ấy. Cặp mắt họ cũng thế. Khuôn mặt và thân thể họ ngay đơ ra. Họ lắng nghe bằng cả hai tai, bằng cái lưng khom, bằng hai đầu gối chụm lại, bằng hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Họ nghe ngóng, người ngay đơ không chút cử động, chỉ có hai mắt theo dõi tiếng nổ lúc dồn dập lúc thưa thớt như những mệnh lệnh ghê sợ.
Bây giờ Graber cũng bắt đầu lo sợ như họ.
Không biết có cái gì làm thay đổi luồng không khí nặng nề. Bề ngoài vẫn nổ ầm ầm nhưng trong có luồng không khí mát không biết từ đâu đưa lại. Những khuôn mặt đông cóng bắt đầu có chút sinh khí. Hầm núp không còn là viện bảo tàng trưng bày những hình sáp, bây giờ là những người trở lại cuộc sống và hy vọng. Mỗi cái mặt nạ dần dần trở lại mặt người, cặp mắt nọ gặp cặp mắt kia. Một ông già ngồi gần Elisabeth nói:
- Họ đi xa rồi.
- Họ có thể trở lại lắm. Đã có lần thế rồi. Bất thần họ trở lại vào lúc kéo còi hết báo động.
Hai đứa trẻ bắt đầu đứng lên ngồi xuống. Một người ngáp dài. Một con chó không biết ở đâu ra chạy quanh hầm dò dẫm. Thỉnh thoảng có người đã mở khăn gói lấy thức ăn ra. Một người đàn bà to lớn bỗng la lớn:
- Chết rồi! Quên tắt hơi bếp lò! Đồ ăn cháy thành than mất còn gì. Có thế mà anh cũng không nhớ!
- Bà đừng lo. Có còi báo động là người ta khóa hơi.
- Cũng không hơn gì, khi có hơi thì hơi lại xông ra khắp nhà. Còn khổ hơn.
- Không phải cứ báo động là khóa hơi, chỉ khi ném bom mới khóa hơi.
Elisabeth lấy trong bóp ra gương lược và chải lại mớ tóc. Cái lược nom như thỏi mực khô dưới ánh sáng xanh mờ, nhưng mớ tóc lượn sóng dưới bàn tay Elisabeth.
- Làm sao ra ngoài mau mau đi, ngồi đây như nghẹt thở!
Phải đợi chờ nửa giờ nữa. Rồi cửa hầm mở. Họ đứng dậy kiếm lối ra. Vài ngọn đèn bọc kín soi sáng mội cửa ra vào. Bên ngoài ánh trăng rọi xuống thềm. Bước đi mỗi bước, Elisabeth có cảm tưởng như mình hồi sinh. Quầng đen dưới hai con mắt biến mất, nàng không còn nước da chì, tóc nàng ánh lên tia sáng ấm nước da trở lại tươi tắn. Hầu như trời trả lại cho nàng cái xác phàm, mạnh mẽ hơn, rắn chắc hơn trước. Nàng hít một hơi dài, không khí trời đêm, như để vội hưởng chút an nghỉ trời dành cho.

*

Họ dừng lại trước cửa hầm. Elisabeth có cử chỉ rũ đầu phủi vai nhưcon vật bị nhốt lâu ngày vừa được thoát thân.
- Gớm! Sao mà tôi ghét những cái hố chung thế!
Nàng lắc đầu hất mớ tóc trên vai.
- Ngồi trong hầm như cái hang làm người ta nghẹt thở. Chẳng thà ở giữa đống đá vụn lại hơn, ít ra người ta còn thấy trời ở trên đầu!
Graber nhìn nàng mà phải khen thầm. Ra khỏi cái hầm bê-tông như lối vào âm ti, nàng có một vẻ mạnh bạo và man rợ khác thường.
- Có về nhà không?
- Thì hẳn rồi, biết đi đâu bây giờ? Đi thơ thẩn trong các phố tối tăm à? Tôi làm thế đã nhiều rồi.
Họ đi qua công trường Karl. Gió lộng quanh người như con vật quen thuộc.
- Cô không thể đi ở chỗ khác được thật à?
- Đi đâu được. Anh biết đâu có phòng không?
- Không.
- Tôi cũng vậy. Trong tỉnh này có hàng ngàn người không nhà. Tôi không biết đi đâu bây giờ.
- Hẳn rồi. Bây giờ đã muộn rồi.
Elisabeth đứng lại:
- Vả chăng tôi cũng không muốn đi chỗ khác, tôi có cảm tưởng như bỏ liều cha tôi.
Hai người lại bước đi, Graber đã bắt đầu khó chịu với cô gái cứng cổ và không quen này. Y nhọc mệt và xao xuyến, bất thần y cảm thấy như cha mình đang ở khu Haken chờ đợi mình đến.
- Thôi, xin từ biệt cô, tôi có hẹn với người ta giờ đã trễ rồi. Chào cô.
- Chào anh Graber.
Y nhìn theo nàng đi khuất vào trong tối. Y nghĩ thầm: “Đáng lẽ mình đưa cô ta về nhà thì phải”. Nhưng điều đó không quan trọng. Y nhớ lại hồi nhỏ y ác cảm với Elisabeth.
Y quay lại đi về hướng Haken. Phố xá vắng vẻ không một bóng người. Chỉ có ánh sáng trăng và sự yên lặng lạnh lùng của những nơi mới đổ nát. cảnh đổ nát đứng sững ngoài trời như vang âm của một tiếng kêu câm lặng. Sự yên lặng của nhưng cảnh điêu tàn cổ xưa thì lại khác.

*

Bottcher đã đứng trước thềm tòa thị sảnh. Trên đầu y, đầu một máng nước mưa hình con vật nhăn nhó dưới ánh sáng trăng.
- Anh có tin tức gì không?
- Không. Thế anh?
- Tôi cũng không. Chắc chắn là không có ở bệnh viện. Tôi đã đi gần hết các bệnh viện. Trời! Thật là thê thảm. Đàn bà, con nít, khác hẳn ở trại lính. Đi đâu uống chút la de đi.
Hai người đi qua công trường Hitler. Tiếng giầy vang trên hè phố.
- Lại mất toi thêm một ngày nữa. Chẳng còn bao lâu sẽ hết phép mà vợ vẫn không thấy.
Bottcher đẩy cửa một cái quán và kéo Graber vào một bàn gần cửa sổ. Màn cửa buông kín cẩn thận. Bottcher có vẻ quen biết quán này từ lâu. Người nữ chiêu đãi đem hai chai rượu ra, không đợi gọi. Y nom theo hút, cô gái to đồ sộ, mỗi bước đi người núng na núng nính.
- Thế là mình vẫn ngồi đây một mình, lúc này vợ mình cũng ngồi một mình ở một xó nào đấy, ít ra tôi cũng hy vọng còn được như thế. Như vậy có đáng hóa điên không?
- Tôi không biết. Nếu biết rằng cha mẹ tôi sống mà ngồi uống bia ở một nơi nào đó thì tôi cũng đủ sung sướng rồi.
- Thì đã hẳn. Cha mẹ khác vợ chồng. Cha mẹ thì chỉ cần biết còn mạnh khỏe là đủ, nhưng vợ thì còn phải...
Họ gọi hai ly khác và lấy thức ăn ra. Cô nữ chiêu đãi lượn quanh bàn dòm ngó xúc xích và thịt mỡ của họ. Bottcher uống một hớp lớn và nói giọng chua chát:
- Như anh cũng còn là may, anh chỉ việc ăn no rồi đi kiếm một cô gái điếm mà quên việc đời...
- Anh làm thế không được sao?
Bottcher lắc đầu. Graber nhìn y mà ngạc nhiên, y không ngờ anh lính già này trung thành với vợ như thế.
- Họ gầy gò quá. Cái khổ là tôi chỉ thích những người mập mạp. Tôi chẳng thiết nhưng người gầy gò, mình có cảm tưởng như ngủ với cái cán chổi vậy. Phải mũm mĩm mới được. Nếu không tôi chẳng thiết gì cả.
- Thế thì cô kia kìa. - Graber ra hiệu cho y ngó thấy cô nữ chiêu đãi.
- Lầm rồi, anh! Mập mạp cũng có năm bảy đường mập mạp! Đấy là miếng thịt đông núng na núng nính. Tôi không nói đến chuyện đẹp xấu vội. Cô này nom như cái gối nhồi chứ không như vợ tôi, một cái giường lò xo chắc chắn! Úi chà! Khi mà mụ ta nổi tam bành thì cả nhà rung chuyển như một cái quán lò rèn. Khung ảnh treo tường rung rinh! Một người như thế không phải cứ ra đầu phố là có ngay.
Y ngừng nói, ngồi mơ màng. Bỗng dưng Graber ngửi thấy mùi hoa tím thoang thoảng. Y tìm quanh thì thấy một chậu hoa để trên bờ cửa sổ. Hương hoa ngào ngạt tỏa ra từng đợt gợi lại mộng mơ, tuổi trẻ, kỷ niệm êm đềm xa xưa. Mỗi làn hương thơm lại làm y ủy mị và mệt nhọc như vừa đeo ba-lô trên lưng đi một quãng đường dài trên tuyết. Y đứng dậy:
- Anh đi đâu?
- Tôi cũng không biết nữa, cứ đi xem đến đâu thì đến.
- Anh đã đến trung tâm chưa?
- Rồi. Đã xin được chỗ ở trong trại.
- Được rồi, cố xin ở phòng 18.
- Đồng ý.
Mắt Bottcher dõi theo người nữ chiêu đãi mà không vui thích lắm.
- Tôi còn ngồi đây chút nữa. Cho ly nữa cô!
Graber thủng thẳng về trại, về đêm hơi lạnh, ở một góc phố, đường rây xe điện cong lên vì một hố bom. Mặt trăng tỏa ánh sáng trong xanh xuống cửa vào và cửa sổ những căn nhà đổ. Y nghe rõ tiếng vang bước đi của mình như có người đi sau. Cái gì cũng trống rỗng, lạnh lùng và sáng lấp lóe.
Trại ở một chỗ đất cao ven thành phố, còn nguyên vẹn, không có vết tích bom đạn. Cái sân trắng xóa dưới ánh trăng nom như phủ tuyết, Graber bước vào cổng. Y có cảm tưởng như đã hết phép rồi. Quá khứ như tan biến mất và bây giờ như trở ra mặt trận. Nhưng đây là một mặt trận khác hẳn, không có súng có bom, nhưng không kém phần nguy hiểm.