Dịch giả: Cô Liêu
Chương XXIII

     ửa sổ trông lên trời vằng vặc sao, xung quanh là giàn nho từng chùm trái mọng khẽ rung rinh lặng lẽ như quả lắc đồng hồ.
- Bây giờ em không khóc nữa, mà em có khóc anh cũng đừng để ý. Không phải em khóc đâu, có cái gì mạnh mẽ hơn em mà em không cưỡng lại được. Nhiều khi, mình chỉ biết làm thế thôi, nhưng em không buồn, em sung sướng là khác.
Vai nàng đặt trong vòng tay chàng, đầu nàng nép chặt xuống đầu chàng. Cái giường rất rộng, gỗ hồ đào, đóng kiểu thôn dã, đầu giường nhô lên như một bức tường. Trong góc phòng kê một cái tủ áo cũng bằng gỗ hồ đào, trước cửa sổ có cái bàn và hai chiếc ghế. Dưới bóng đèn điện, một chiếc vòng hoa cô dâu lâu ngày đã ngả ra màu vàng, trên tường một cái gương lớn phản chiếu ánh sáng rung rinh ngoài cửa sổ.
Nàng nhắc lại:
- Em rất sung sướng. Mấy tuần nay xảy ra biết bao nhiêu chuyện em không nhớ hết được. Em thử nhớ lại mà không nhớ nổi. Đêm nay anh phải kiên nhẫn với em một chút.
- Giá trước khi đi, anh có thể mang em đến một làng nào ở ngoài tỉnh.
- Anh đi rồi thì ở đâu em cũng không cần.
- Em nghĩ lầm, làng xóm không bị bom.
- Bom mãi cũng có ngày phải chấm dứt chứ, trong tỉnh này không còn căn nhà nào nguyên vẹn. Vả chăng còn làm ở xưởng thì cũng không thể đi đâu xa. Giá được ở căn phòng xinh xắn của bà quán này!
Nàng bình tĩnh lại, hơi thở không dồn dập nữa:
- Em đã tỉnh ngộ rồi, em không còn điên loạn nữa. Em sung sướng nhưng sự vui sướng mong manh bất định! Thực không phải là thứ sung sướng yên ổn, chắc chắn như hạnh phúc của loài bò.
- Chắc chắn thì ai không muốn.
- Em không biết. Nhưng em cho rằng mình có thể hãy tạm vài phút chơi xuân kẻo già!
- Anh cũng vậy. Người ta kén cá chọn canh chỉ vì người ta không biết tìm ra mà hưởng.
- Mười năm hạnh phúc có bảo đảm, nhàm chán và trưởng giả như hạnh phúc của loài bò - em nghĩ rằng cả đời sống mà như thế cũng không đáng khinh bỉ.
Graber cười:
- Chính đời sống mãnh liệt khốn nạn này làm cho chúng ta nhớ cuộc sống trưởng giả. Nhưng ông cha chúng ta không nghĩ như thế, ông cha chúng ta chán ghét hạnh phúc của loài bò và khao khát phiêu lưu!
- Bây giờ chúng ta trở lại những người giản dị.
Với sở thích giản dị, Elisabeth nhìn chàng:
- Anh thèm ngủ lắm phải không? Một đêm ngủ một giấc thẳng đến sáng không vẩy tai. Biết đến bao giờ anh ngủ được như thế vì chiều mai anh phải đi rồi.
- Lúc đi đường ngủ cũng được. Cũng phải đi vài ngày mới đến nơi.
- Nhưng ít có hy vọng kiếm được cái giường.
- Ít thật. Từ ngày mai, may mắn lắm là kiếm được một mảnh ván hay một ổ rơm. Nhưng được cái người ta quen ngay. Không có gì quan trọng, sắp đến mùa hạ rồi. Chỉ có mùa đông ở bên Nga mới khổ sở thôi.
- Có lẽ phải sống một mùa đông nữa ở bên ấy.
- Nếu cứ lui binh mãi thì chẳng bao lâu sẽ về đến Ba Lan, có thể về đến nước Đức vào mùa đông sau. Sẽ bớt lạnh hơn, vả chăng mình cũng quen với cái lạnh nhà.
Y nghĩ thầm: “Bây giờ chắc nàng sẽ hỏi bao giờ mình lại nghỉ phép nữa. Mình muốn nàng đã hỏi rồi! Nàng sẽ hỏi những câu không thể tránh được và mình trả lời những câu nàng đã biết rồi. Thôi đừng có những chuyện ấy nữa. Mình ngồi đây mà nghĩ tới chuyện ra đi rồi, bây giờ mình như người bị lột da, hơi đụng một tí là đau nhói”.
Y đưa mắt nhìn cây nho trinh tuyết ngoài cửa sổ rồi nhìn bóng phản chiếu trong gương, y có cảm tưởng như một sự bí mật lớn đang quanh quất gần cửa sổ, lúc nào cũng có thể xuất lộ thình lình.
Bỗng dưng họ nghe tiếng còi báo động.

*

- Ở đây thôi. Em không muốn mặc áo vào để chạy xuống hầm núp.
- Tùy em.
Graber ra chỗ cửa sổ. Y đẩy lui bàn vào và đứng ngó ra ngoài. Đêm sáng sủa và yên lặng. Vườn sáng trăng. Ban đêm gợi giấc mơ màng và cũng đem lại cho phi công điều kiện lý tưởng để dội bom. Y trông thấy bà quán chạy ra vườn, người nhợt nhạt vì sợ hãi.
Trông thấy Graber bà ta nói lớn qua tiếng còi vang động:
- Tôi định kêu ông!
Graber gật đầu. Y còn nghe nói thêm:
- Hầm núp ở đường Leibnitz.
Y lại gật đầu. Rồi y thấy bà ta trở vào nhà. Y đợi một phút. Bà ta không thấy ra nữa. Bà ta cũng không xuống hầm núp. Y không lấy làm lạ. Căn nhà và mảnh vườn này không phải như đã có phép bí mật che chở rồi ư? Y đã cảm thấy như mình ở một khu yên tịnh giữa sự náo động của toàn tỉnh. Cây cối đứng cạnh gác đằng sau bãi cỏ ánh bạc mờ. Bụi cây đứng ngay đơ bất động, cả đến chùm nho cũng không rung rinh trong không khí lặng lẽ. Hòn đảo bình yên tắm ánh trăng xanh được bao vây bằng một bức tường vô hình chặn đứng bão tố.
Graber quay lại. Elisabeth giật bắn người lên. Ánh sáng mờ chiếu xuống hai vai, bóng tối nhạt làm cho cái ngực nhỏ và cao như nở thêm. Cái miệng tối đen và hai mắt sáng như trong veo. Người nàng thẳng đẵng, hai tay chống xuống gối như người bất thần ở thế giới khác đến, Graber thấy nàng cũng có cái bí mật giá băng như mảnh vườn thiêm thiếp ngủ dưới trăng.
Graber nói để phá tan sự yên lặng.
- Bà quán cũng ở lại trong nhà.
- Lại đây anh.
Đi qua trước tấm gương, y trông thấy khuôn mặt mình, khuôn mặt một người khác rồi.
- Lại đây anh.
Nàng nhắc lại.
Graber cúi xuống gần. Elisabeth ôm lấy người chàng.
- Mặc kệ nó, muốn ra sao thì ra.
- Không sao đâu. Ít ra đêm nay.
Không biết sao y nói được dõng dạc như thế. Có lẽ nhờ mảnh vườn sáng trăng, tấm gương phản chiếu khuôn mặt y khác đi, hai vai rực rỡ như ngọc trai của vợ mới cưới và sự yên tịnh bất thần nhập vào tận thâm tâm mình.
- Không thể xảy ra cái gì được.
Nàng đẩy chăn mền ra làm rớt xuống đất. Nàng đã bỏ hết quần áo, một thân hình tuyệt mỹ với hai chân thon và chắc, đường lượn trên vai trên ngực như sóng dợn, cái lưng ong xinh xắn và vòng háng nở nang. Không phải vóc dáng con gái nữa, nàng đã trở thành đàn bà.
Nàng nép người vào chàng, chàng cảm thấy sự hiện hữu của hàng ngàn bàn tay nhỏ giữ lấy chàng, vuốt ve chàng từ trong thâm sâu thớ thịt. Không phải hình thức ái ân sôi nổi như những ngày đầu, bây giờ một nhịp điệu êm ái phát ra từ mỗi nhịp tim lôi cuốn theo nó cả lời nỉ non, cả hình hài hữu hạn của con người, cả chân trời đầy đe dọa, cả ý thức về hiện hữu tại thế...

*

Graber ngửa mặt lên. Hình như y mới ở thật xa trở về. Y lắng tai nghe. Y vắng mặt ở thế gian đã bao lâu? Bên ngoài không một tiếng động. Tưởng như giác quan mình lầm lẫn, y tiếp tục lắng nghe. Không có gì cả, không có tiếng còi, không có tiếng xe cứu hỏa, không có tiếng nổ. Y nhắm mắt lại và nằm xuống. Rồi lại trỗi dậy.
- Phi cơ không đến rồi.
- Có chứ.
Hai người lại nằm gần nhau. Graber có thể trông rõ chăn mền dưới đất, tấm gương và cửa sổ mở. Trước y còn tưởng rằng đêm dài vô tận, nhưng bây giờ y đã cảm thấy thời gian trôi lặng lẽ. Chùm nho lắc lư ngoài khung cửa, bóng in trong gương cũng rung rinh, một tiếng nổ từ chân trời xa vọng lại. Y quay lại với vợ. Nàng đã nhắm mắt. Miệng nàng hé mở, nàng thở chậm và đều. Nàng còn thơ thẩn trong mơ trong khi y đã trở lại với thực tại. Xưa nay nàng vẫn thế, nàng bám riết lấy mơ mộng lâu mới trở về. Y nghĩ thầm: “Mình cũng muốn quên mình như thế, quên hẳn mình rất lâu!”. Y thèm muốn tâm hồn nàng, yêu nàng và kinh sợ nàng một chút vì nàng gạt bỏ được hết một cách dễ dàng như thế. Nàng xa vắng, nàng ở trong một vũ trụ khác mà y không thể đi theo được dù có được cũng chỉ trong khoảnh khắc mà thôi; chính vì thế mà y sợ. Bất thần, y thấy mình cô độc lạ lùng, thấy mình kém nàng nhiều.
Nàng mở mắt ra.
- Phi cơ đâu cả rồi?
- Không biết.
Nàng giơ tay lên vuốt tóc:
- Em thấy đói.
Graber trỗi dậy đi tìm vài hộp đồ ăn:
- Anh cũng đói, nhưng thiếu gì đồ ăn.
- Đây có thịt ngỗng và thịt bê lạnh. Có cả ba tê gan, thỏ và mứt.
- Ăn ba tê với mứt.
Graber mở hộp đồ ăn, để cho Elisabeth nằm dài không động đến tay chân. Y thích vậy, y không muốn thấy một người đàn bà của ban đêm và của bí mật bỗng dưng biến thành bà nội trợ đảm đang.
- Anh thấy hơi hơi thẹn vì lấy những đồ ăn này của Binding. Đối với Binding anh đã lãnh đạm quá.
- Có lẽ, nhưng Binding đã không được tử tế với nhiều người khác. Như vậy cũng có bù trừ. Anh có đi đưa đám không?
- Không. Có nhiều đảng viên mặc đồng phục quá. Anh chỉ để ý đến lời ông Hildebrandt. Ông nói rằng chúng ta phải noi theo cuộc đời gương mẫu của Binding, phải nghe lời cuối cùng của Binding. Ông ta muốn nói đến cuộc chiến tranh ác liệt chống lại kẻ thù. Nhưng ý muốn cuối cùng của Binding hơi khác. Binding mặc áo mát trong nhà hú hí với một cô tóc vàng cũng mặc áo ngủ.
Graber đổ thịt và mứt ra hai cái đĩa của bà quán cho mượn. Rồi cắt bánh và mở hai chai rượu. Elisabeth trở dậy đi lại trong phòng không mặc quần áo.
- Coi em không còn là cô thợ ngồi vá áo nhà binh. Coi em như người hàng ngày tập thể thao.
Nàng cười:
- Người ta chỉ tập thể thao khi nào thất vọng.
- Thật ư? Anh không nghĩ đến điều ấy.
- Một liều thuốc rất hay: tập cho đến mệt lử, chạy cho đến rời rụng hai chân, rửa nhà, làm giường đến mười lượt chải tóc đến sướt da đầu v.v...
- Có hết thất vọng không?
- Hết, nhưng chỉ công hiệu với sự thất vọng đã lâu thôi khi người ta không muốn suy nghĩ gì cả. Nhưng nếu mới bị thất vọng thì chỉ có một phương thuốc là mặc kệ nó muốn ra sao thì sao.
- Rồi sao nữa?
- Phải đợi đời sống tự nó trở lại dần dần. Đây em nói đời bình thường còn để cho người ta kịp thở chứ không phải đời sống lúc này.
Graber nâng ly.
- Theo ý anh thì chúng ta với tuổi của chúng ta, chúng ta biết hơi nhiều quá về sự thất vọng. Ta hãy quen đi.
- Vâng, nhưng chúng ta cũng biết khá nhiều về sự quên. Ta cũng phải quên cả sự quên.
- Trái lại, trong ước vọng của chúng ta, chúng ta không quên bà quản gia nhà anh Binding đã cho những hộp thức ăn này không quên bà chủ quán đã cho căn buồng và mảnh vườn này.
Họ uống cạn ly rượu nho mát mẻ thơm tho. Graber rót lần nữa. Trăng chiếu vào ly làm bật ánh lửa vàng.
- Anh yêu quý của em, ngồi gần nhau nói chuyện với nhau lúc đêm tối thú vị thật!
- Ban đêm em là đứa con của Thượng đế đầy tuổi trẻ và sinh lực, ban ngày em là cô thợ vá áo nhà binh, còn anh là một tên lính...
- Ban đêm người ta trở lại là con người xưa nay vẫn thế, ban ngày người ta là người mà xã hội đã làm méo mó...
- Có lẽ.
Graber nhìn bánh, rượu và đĩa thức ăn.
- Nhưng chúng ta đã sống hời hợt! Chúng ta chỉ biết đến đêm là ăn với ngủ.
- Còn yêu nhau nữa, đâu có hời hợt.
- Còn uống rượu nữa.
- Còn uống rượu nữa.
Nàng nhắc lại và đưa ly ra.
Graber cười.
- Đáng lẽ buồn rầu và tư lự, đáng lẽ nói những chuyện thâm thúy cao siêu, chúng ta ngốn hết nửa kí lô gan thỏ, chúng ta thấy đời sống tuyệt diệu và cám ơn Trời.
- Như thế có hơn không?
- Sự thật là thế. Khi không còn trông mong gì ở đời thì đời cho mình cái gì mình cũng cứ cho là phép lạ mà phép lạ phát không.
- Anh học điều ấy ở mặt trận phải không?
- Không, học ở đây đấy.
- Cũng là nguyên tắc hay, không cần biết gì hơn.
- Chỉ cần một chút may mắn nữa thôi.
- Chút may mắn ấy chúng mình có không?
- Có, chúng mình có cái gì con người hằng ao ước.
- Em có buồn không, nếu một ngày kia hết may mắn.
- Không hết được, chỉ thay đổi hình dạng thôi.
Nàng nhìn chàng. Chàng nói:
- Anh nói dối đó, thực ra anh buồn lắm, anh tự hỏi không biết mình có chịu nổi phút chia tay ngày mai không. Anh muốn nghĩ xem làm thế nào để khỏi buồn, anh chỉ thấy một cách là nếu không gặp em, như vậy, anh không buồn, anh sẽ thấy trống rỗng và lạnh lùng với hết thảy và lúc ra đi sẽ còn khổ hơn lúc trở về. Nghĩ như vậy thì buồn không phải là buồn nữa mà là một thứ hạnh phúc đen, mặt trái của hạnh phúc.
Nàng đứng dậy.
- Có lẽ anh nói không rõ. Em có hiểu anh nói gì không?
- Em hiểu, anh nói dễ hiểu lắm, không ai nói được rõ hơn. Vả chăng em biết trước rằng anh sẽ nói thế.
Nàng lại gần chàng, chàng ôm nàng trong tay. Bất thần nàng không có tên nữa, đồng thời nàng có hết các tên ở trên đời. Có một cái gì hiển nhiên và ghê gớm xuất hiện như một mặc khải; tất cả đều hiện ra bộ mặt trơ như đá của vĩnh cửu, đi rồi về, có mặt rồi vắng mặt, sống và chết, quá khứ và tương lai, quanh đi quẩn lại đâu vẫn đấy có gì là lạ đâu - Bỗng dưng y cảm thấy đất dưới chân như trôi tuột đi, mình thụt xuống một vực thẳm với người yêu trong tay. Y nhắm mắt lại để cho mình tan biến vào trong nàng.

*

Đây là buổi chiều cuối cùng. Hai người ngồi trong vườn. Con mèo đi qua như một cái bóng. Nó sắp đẻ con, nó như nhờ một sự bí mật lớn lao của tạo hóa mà sống tách biệt khỏi cuộc đời, nó không để ý đến ai cả.
Bỗng dưng nàng thỏ thẻ:
- Em muốn có một đứa con.
Graber nhìn nàng kinh ngạc:
- Có lẽ em muốn nghe anh nói sẽ hôn em, sẽ tỏ ra cảm động và âu yếm. Nhưng em ạ, anh không thể làm thế được. Điều ấy lạ lùng quá. Không mấy khi anh nghĩ đến cả!
- Chả cần nghĩ đến. Mấy lại anh cũng chẳng cần để ý. Em nói vậy chứ không chắc đâu.
- Một đứa con! Đến thời kỳ chiến tranh sau nó sẽ bằng tuổi chúng mình thời chiến tranh này. Anh nghĩ đến tất cả những cái khổ sở cho nó khi chào đời!
Con mèo cái lại đi ra, nó tiến về phía bếp.
- Ngày nào cũng có trẻ ra đời.
Graber nghĩ đến phong trào “Thanh niên Hitler” và những đứa trẻ đã tố cáo cha mẹ mình với Cảnh sát Mật vụ.
- Nhưng sao em lại nói đến những chuyện ấy? Có phải chỉ là ước vọng không?
- Hay là anh không muốn có con.
- Anh không biết. Thời bình thì có lẽ muốn. Anh chưa kịp nghĩ chín. Chung quanh chúng ta cái gì cũng thối nát cũng bị đầu độc, phải nhiều năm nữa mới gột rửa được ám khí này. Đời thế này thì có còn làm gì?
- Chính thế.
- Thế là thế nào?
- Để nuôi con và không cho nhiễm độc xã hội. Nếu những người sống dưới chế độ này không muốn có con thì tất cả đều suy sụp. Nếu thế hệ sau chỉ là con những tên tàn ác thì ai là người xây dựng xã hội?
- Vì thế mà em muốn có con?
- Không phải, đó chỉ là một ý nghĩ trừu tượng, em nghĩ đến một cách bất thần mà thôi.
Graber yên lặng. Y không biết nói sao để trả lời nàng.
- Em đi nhanh quá anh theo không kịp. Anh chưa kịp nghĩ hết về sự kiện làm chồng, em đã tống ngay cho chuyên làm cha.
Vợ chàng cười mà rằng:
- Anh không nghĩ đến điều chính. Vì yêu anh nên muốn có con với anh, anh hiểu không? Thôi để bây giờ em đi lo bữa ăn tối với bà chủ quán. Phải làm một bữa thịnh soạn bằng đồ hộp.

*

Còn một mình Graber ngồi lại trong vườn. Trên trời mây nhuốm hồng tỏa khắp nơi. Một ngày đã hết, một ngày ăn gian của Nhà nước. Y đã tự kéo dài nghỉ phép thêm hai mươi bốn giờ. Đã tối rồi, còn một giờ nữa phải ra đi.
Y lại trại một lần chót, vẫn không thấy tin tức của cha mẹ. Y đã làm tất cả cái gì có thể làm được cho Elisabeth. Bà quán sẵn lòng để cho nàng ở. Y đã xem xét hầm nhà, cũng khá vững nhưng không đủ sâu để làm hầm núp chắc chắn. Y cũng đến xem hầm núp công cộng khu ấy, cũng tốt như phần nhiều hầm khác trong tỉnh. Y ngồi ngả ra ghế bành, trong lòng thỏa mãn. Từ dưới bếp đưa lên tiếng bát đĩa lách cách. Mấy ngày nghỉ thật là lâu và y đã sống trọn vẹn những ngày ấy! Ba năm nghỉ phép chứ không phải ba tuần. Hẳn là cái gì y cũng làm một cách hấp tấp có khi xây nhà trên bãi cát, nhưng y không muốn nghĩ tới nữa.
Y không nghe tiếng nói của Elisabeth. Chợt nhớ lại những lời nàng nói về đứa con. Một bức vách đã bất thần sụp đổ, để lộ ra một mẩu tương lai bất định giống như một góc vườn. Không bao giờ y có sức lực để dám cả gan một mình đi vào mảnh đất lạ ấy. Hằn là lúc về phép y có mơ màng sẽ để lại cái gì là của riêng mình và mang tên tuổi mình - nhưng ý nghĩ chưa bao giờ phiêu lưu quá xa như thế. Y ngước mắt nhìn những cành xoan dần dần chìm vào trong tối. Trời! Viễn tưởng về thế hệ tương lai có thể kéo mình đi xa! Mới đầu y chỉ nghĩ đến một chút hạnh phúc trôi qua, một chút giành giựt của chiến tranh giữa hai chuyến tàu đi về nghỉ phép. Bây giờ thì hạnh phúc ấy hàm chứa một lời hẹn trở về, hy vọng hạnh phúc bình thản và thỏa mãn, tương lai trinh nguyên mà có lẽ đứa con sau này sinh ra sẽ bước vào đời với những bước tin tưởng. Trước những ảo ảnh mênh mang ấy y bỗng thấy lòng mình trìu mến một cách kỳ dị, không biết sao y thấy mình chấp nhận những hứa hẹn muôn thuở lừa phỉnh và thô lậu.

*

- Sáu giờ thì tàu chạy. Anh đã thu xếp cả rồi, bây giờ anh phải đi. Em đừng ra ga. Anh muốn từ biệt em ở đây để giữ lại hình ảnh khu vườn làm khung cảnh cuối cùng sống với em. Chúng ta nên tránh sự chen chúc ở sân ga và cái bịn rịn những phút cuối cùng. Lần trước mẹ anh đưa anh đến ga, anh không thể làm yên lòng bà cụ được. Cả hai mẹ con đều đau khổ. Phải lâu ngày mới quên được, mà sau này nghĩ đến mẹ, chỉ thấy kỷ niệm một bà cụ già mặt mũi nhếch nhác, mồ hôi nhễ nhại nhìn theo con tàu chạy miết. Anh không muốn thấy mẹ trong trí nhớ dưới cảnh đau thương ấy. Em hiểu không?
- Hiểu.
- Như vậy em cũng không nên thấy anh lếch thếch bị với súng nặng như con lừa chở gạo, anh đã trở lại là một con số trong quân đội rồi. Chúng ta nên từ biệt nhau trong lúc chúng ta thảnh thơi như lúc này. Em cầm lấy số tiền này, anh trữ sẵn cho em. Ngoài mặt trận anh không cần.
- Em không cần. Tiền lương cũng đủ rồi.
- Ở mặt trận không có dịp tiêu tiền. Em dùng để may áo, em may cái áo dài vô ích và vớ vẩn cho hợp với cái mũ hôm trước. Như vậy anh sẽ vui sướng đem lại chút vui sướng cho em.
- Em sẽ mua đồ gửi cho anh.
- Không, đừng gửi gì cả. Ở đấy ăn uống tử tế hơn ở nhà. Đừng quên mua áo dài. Ngồi xem em mua mũ anh đã hiểu đôi chút. Em hứa với anh là em sẽ mua chiếc áo dài, chiếc áo vô ích chứ không phải chiếc áo để mặc làm việc. Có đủ tiền không?
- Đủ, có thể mua thêm đôi giày nữa.
- Thế thì tuyệt, mua thêm đôi giày dạ hội.
- Đồng ý, giày cao gót, nhẹ như lông. Em sẽ đi giày ấy để ra đón anh lúc anh về.
Graber lấy trong bị ra bức hình khung thếp vàng tính mang về cho mẹ.
- Một kỷ niệm của nước Nga.
Nàng lùi lại một bước, biến sắc mặt:
- Không, không, đem cho người khác đi, giữ nó mình có cảm tưởng như xa lìa hẳn.
Y nhìn bức hình:
- Anh tìm thấy trong một căn nhà bị phá hủy. Có lẽ nó không hên, nhưng anh không nghĩ đến.
Y xếp lại vào bị bức hình về thánh Nicalas xung quanh là một bầy thiên thần.
Nàng đề nghị:
- Hay là để mang tặng nhà thờ, chúng ta đã ngủ nhờ một đêm.
Graber nghĩ thầm: “Hôm qua thì còn gần nhưng sang hôm nay đã là một kỷ niệm xa xôi”.
Y trả lời nàng:
- Họ không lấy đâu. Người Nga theo tôn giáo khác người Đức. Những người bảo vệ giáo điều của ông Trời Tình Yêu có quan niệm hẹp hòi lắm.
Y nghĩ rằng có thể mang vùi vào đất nhà thờ với hộp cốt của bác sĩ Kruse. Nhưng có lẽ như thế lại thêm tội phạm thượng chứ ích gì.

*

Y không quay lại nữa. Y bước đi không chậm mà cũng không nhanh. Bị trên vai thì nặng mà phố dài đi mãi không hết. Khi đã rẽ sang phố khác, sự thật để lại sau mình đã trở thành giấc mơ. Vài phút trước, y còn ngây ngất mùi hương thơm của mớ tóc Elisabeth, bây giờ chỉ còn mùi cháy khét lẹt lẫn với mùi thịt người chết đã rữa phảng phất trong khí trời nặng nề.
Y đi qua thành. Một bên lối đi trồng bồ đề cháy rụi, đen thui, bên kia cây xanh tốt. Dưới bãi sông lủng củng những gạch ngói, rơm, bao tải, giường gãy, dầm nhà cháy dở. Y nghĩ thầm: “Nếu có còi báo động thì mình phải xuống hầm và có cớ để nhỡ tàu. Bất thần mình trở về thì Elisabeth sẽ vui sướng biết bao?”. Tự hỏi vậy nhưng không có câu trả lời. Nhưng biết đâu cái gì đã êm dịu rồi đây lại không trở thành nguyên nhân những đau khổ khác, vả chăng mộng mị như thế để làm gì? Gặp báo động tàu sẽ không chạy, y cũng lại lên tàu khi hết báo động.
Y trở lại đường phố trước đây đã đặt chân lần đầu tiên khi về tỉnh nhà. Chiếc xe buýt vẫn đậu chỗ ấy. Y leo lên xe, mười phút sau xe chạy. Nhà ga lại dời đi một lần nữa, bây giờ là một cái kho chứa đồ, nóc lợp tôn, quét vôi xanh và nâu. Một tấm vải màu xám che một phía căn nhà tạm cất. Để che mắt phi công địch, người ta ngụy trang thành một cái trại bằng gỗ ở thôn quê với đầu một con bò bằng gỗ thò ra ngoài. Hai con ngựa gìa ăn cỏ trong bãi cỏ có đường rầy đi qua.
Chuyến tàu đã tập họp được đủ các toa, một vài toa có đeo biển: Dành cho quân nhân nghỉ phép. Một người đứng xét giấy tờ. Anh ta không nhận ra Graber đến trễ một ngày. Graber trèo lên tàu và tìm được một chỗ ở gần cửa sổ. Lát sau ba người nữa bước vào, một hạ sĩ quan, một binh nhất và một người lính pháo binh ngồi được một tí thì giở bánh ra ăn. Một xe đồ ăn do hai cô đeo phù hiệu Quốc xã đẩy đến sân ga.
Người hạ sĩ quan bảo anh binh nhất:
- Người ta cho uống cà phê, anh thấy không?
- Không phải mang cho bọn mình đâu. Đấy là cho tân binh lần thứ nhất ra trận. Lúc nãy tôi nghe họ nói thế. Còn đọc diễn văn nữa. Đối với chúng ta thì kém phần long trọng.
Một đám người tị nạn xếp hàng hai ngoài sân ga. Người ta gọi tên. Người nào cũng có bọc hành lý ở dưới chân, họ hình như bị thôi miên bởi chiếc xe đồ ăn. Một vài sĩ quan mật vụ xuất hiện, họ đi giày bóng và mặc quần kỵ mã, nom như những con cò. Ba người nghỉ phép nữa tiến vào trong toa. Một người mở cửa sổ nghiêng mình ra ngoài. Một người đàn bà dắt đứa trẻ đứng ở sân ga. Graber nhìn đứa trẻ rồi người đàn bà. Bà ta người bé nhỏ, mi mắt chảy xệ, ngực lép kẹp, người bó trong cái áo hè đã phai màu, in hình vẽ cối xay gió.
Y nhìn sự vật thấy hiện ra rõ nghĩa khác thường, đáng lo ngại là khác.
Người đàn bà nói:
- Thôi anh đi nhé!
- Cứ vững tâm, mình về nói tôi gửi lời chào cả nhà.
- Vâng.
Hai người yên lặng nhìn nhau. Đoàn quân nhạc hàng tỉnh đến đứng xếp hàng ở sân ga.
- Ngấy quá. Những khối thịt trẻ măng để làm mồi cho súng cối được hân hạnh quân nhạc đón chào! Tôi tưởng những trò hề này đã chấm dứt lâu rồi.
- Cho tụi mình một hớp cà phê có phải... Dầu sao thì mình cũng ra tiền tuyến.
- Đợi đến chiều sẽ được ăn xúp.
Tiếng hô nổi lên. Tân binh đi bước đều tiến lại. Phần nhiều còn trẻ măng. Tuy nhiên cũng lẫn vào một vài người nhiều tuổi và lực lưỡng hơn; hẳn là họ ở giới Mật vụ phái sang.
- Này coi mấy thằng nhãi kia, chưa phải cạo râu nữa. Trông mong vào chúng mà giữ vững phòng tuyến!
Tân binh đi lại ngoài ga. Hạ sĩ quan hô lệnh. Rồi yên lặng trở lại. Có người đứng ra nói lời hiệu triệu.
Anh binh nhất bảo người đang cúi xuống với vợ:
- Đóng cửa vào!
Người này không trả lời. Tiếng nói diễn giả lại vang lên, khô khan, đanh thép. Graber tựa mình vào lưng ghế nhắm mắt lại. Người tên là Heinrich vẫn nhoài người ra ngoài với vợ. Y không nghe tiếng bảo đóng cửa. Y nhìn vợ một cách hơi ngây ngô, vợ cũng nhìn y. Graber nghĩ bụng: “Mình bảo Elisabeth đừng ra ga thế mà hay”.
Diễn giả đọc xong bài diễn văn. Đoàn quân nhạc trỗi một loạt những bài quân hành. Mấy bản nhạc chỉ chơi một bản một đoạn nên xong ngay. Trong toa tàu không ai nhúc nhích. Anh binh nhất thò tay ngoáy mũi rồi nhìn xem ngón tay thế nào. Tân binh lên tàu, theo sau là các cô cứu thương. Một vài phút sau người ta đẩy ra chiếc xe không.
- Đồ đĩ, họ phó thác mặc trời cho những thằng già như chúng mình!
Người pháo binh ngừng ăn một lát hỏi lại:
- Anh bảo gì?
- Tôi bảo, đồ đĩ!
Người pháo binh cắn một miếng bánh khác.
- Đồ heo!
- Heo à?
Người hạ sĩ quan nói rồi đưa mắt tìm người biểu hiện đồng tình. Người kia có vẻ quên rồi, người đứng gần cửa sổ vẫn quay ra với vợ.
- Sao mãi không đi thế này, hơn sáu giờ rồi.
- Có lẽ còn đợi một ông tướng.
- Tướng tá họ đi bằng máy bay.
Phải đợi thêm nửa giờ nữa.
Thỉnh thoảng Heinrich lại nhắc vợ:
- Mình đi về thôi.
- Đợi một lát nữa cũng được.
- Về còn cho con ăn chứ!
- Suốt buổi tối hôm nay lúc nào ăn chả được.
Một hồi yên lặng nữa, rồi Heinrich lại nói:
- Mình nhớ nói chuyện với Joseph.
- Em không quên đâu.
Anh pháo binh ăn xong đánh rắm kêu vang, thở khoan khoái rồi ngả ngửa người ra ngủ. Hình như con tàu chỉ đợi có hiệu lệnh ấy để bắt đầu chuyển bánh.
- Mình nói lại tôi gởi lời chào cả nhà nhé!
Đoàn tàu dần dần tăng tốc lực. Marie chạy theo bên cửa sổ.
- Coi chừng thằng nhỏ!
- Mình cũng nên cẩn thận.
- Được rồi, được rồi!
Graber trông qua cửa kính thấy bộ mặt của người đàn bà sắt lại. Bà ta chạy theo, làm như tất cả đều tùy thuộc vào một giây theo dõi chồng. Thình lình y trông thấy Elisabeth. Nàng đứng đằng sau một cái kho cho nên trước không trông thấy được. Y còn ngờ ngợ, nhưng sau nhận ra ngay khuôn mặt nàng. Khuôn mặt một người chết rồi. Y chạy thốc ra cửa sổ kéo vai Heinrich lại.
- Cho tôi nhìn chút!
Bất thần y quên hết. Y không hiểu tại sao mình lại ra ga. Y không hiểu gì nữa cả.
Bây giờ phải gặp nàng với bất cứ giá nào. Y chưa nói được điều định bụng nói với nàng hơn cả.
Y lay mãi Heinrich nhưng anh này lấy sức đứng chặn hết cửa sổ, khuỷu tay chặn lối Graber định tiến lại.
Heinrich nói lớn qua tiếng tàu ầm ầm:
- Hôn Liese cho tôi nhé!
- Cho tôi nhìn ra với nào, vợ tôi đứng kia.
- Viết thư ngay nhé!
Graber cố sức mà không lay được anh lính đồ sộ quay lưng lại, anh ta làm hiệu cho vợ đã khuất rồi. Tàu đi vào khúc đường vòng. Graber nhìn qua đầu Heinrich vẫn thấy Elisabeth. Nàng đứng một mình gần cái kho, nom chỉ còn bé bằng cái châm. Y đưa tay qua đầu Heinrich vẫy. Có lẽ nàng trông còn thấy rõ người nhưng không thể phân biệt ra ai. Một dãy nhà xuất hiện, che khuất hẳn nhà ga.
Heinrich thong thả rời khỏi cửa sổ.
Graber nổi khùng định xạt Heinrich, nhưng vừa nói được:
- Đồ...
Y ngậm miệng lại liền. Heinrich quay lại, nước mắt chảy ròng ròng trên mặt. Graber lùi lại một bước, lẩm bẩm:
- Bẩn thỉu, bẩn thỉu!
Anh hạ sĩ khó chịu:
- Ôi dào! Lắm chuyện!