Cổ tích

     ng ngoại ơi! Sao cuộc đời thật không có ông Bụt cô Tiên hở ông?
Ông ngoại ngẩng đầu lên. Cô bé Hạ Chi nhìn ông chăm chăm đợi câu trả lời. Ông ho húng hắng, bối rối trước đôi mắt trong veo. Rồi chòm râu bạc rung nhẹ theo nụ cười móm mém:
- Có đó cháu à!
- Ở đâu, ông? Sao cháu chẳng thấy?
- Kìa! Hãy nhìn thằng bé bên kia đường. Cháu thấy gì không?
Hạ Chi thấy gì? Một thằng bé trong bộ quần áo cũ mèm, vành mũ cong queo để lộ khuôn mặt bụi bặm, đôi dép dưới chân mòn vẹt và đỏ quạch. Nó ngồi bệt trên vỉa hè, lưng dựa vào mảng tường vôi in đầy dấu bàn tay, mắt lơ láo nhìn quanh.
- Thằng Vinh đầu bò chứ ai. Nhưng cháu muốn thấy ông Bụt cô Tiên mà.
- Cháu hãy là cô Tiên của nó đi! Cháu mở tủ lạnh lấy thức ăn, đập con heo đất mua bộ áo quần hoặc đôi giày tặng nó. Cháu nói sao cho nó chịu nhận và cháu sẽ là cô Tiên của nó.
Hạ Chi bối rối. Cô Tiên là như vậy sao?
- Nhưng... Cô Tiên phải có hào quang...
- Khi cháu là cô Tiên của thằng Vinh, nó sẽ thấy hào quang quanh cháu.
Được trở thành cô Tiên là một điều thú vị lạ lùng. Có bé hỏi câu quan trọng nhất:
- Nhưng... lỡ mẹ cháu la?
-... Không sao. Mẹ không biết đâu.
Lẽ ra phải nói “mẹ không la đâu” nhưng ông ngoại không thể nói vậy được. Bằng câu trả lời “mẹ không biết đâu”, ông đã đồng lõa với cô bé trong việc lén mẹ lấy thức ăn trong tủ lạnh đem cho thằng bé nổi tiếng đầu bò trong khu phố.
Hạ Chi đâm ra ngượng ngùng khi thằng Vinh đầu bò thường nhìn cô với một kiểu nhìn thấp thoáng nụ cười trong mắt. Khuôn mặt bụi bặm của nó tươi tỉnh hẳn lên khi cô bé ngang qua, hình như có câu chào hỏi thầm thì trong gió. Có lần đang cãi nhau với mấy đứa bụi đời, thằng Vinh vội ngậm miệng lại khi thấy Hạ Chi từ đằng xa. Lần đầu tiên trong cuộc sống vỉa hè, nó chịu nhịn đứa khác.
- Lỡ mưa xuống, bạn ở đâu? - Hạ Chi hỏi.
- Thì... cũng tìm ra một chỗ mà ở. Còn... Chi nói chuyện với tui không sợ mẹ la hả?
- Mẹ tôi thường vắng nhà.
Những câu trao đổi luôn châm dứt bằng việc thằng Vinh vò nhàu cái mũ trước khi chụp lên đầu:
- Thôi, Chi đi đi! Lỡ có ai thấy họ nói Chi chới với thằng bụi đời... Tui cũng không lấy quà của Chi nữa đâu.
- Sao vậy?
- Mỗi lần nhận quà của Chi, tui thấy sao sao đó.
- Bạn mà không nhận tôi buồn ghê lắm - Cô Tiên nhỏ xịu mặt.
- Thôi đừng buồn, đưa đây tui cầm.
Mân mê cái mũ mới trong tay, thằng Vinh lúng búng:
- Khi nào trên trường có đứa ăn hiếp Chi, cứ nói cho tui biết.

*

- Lúc cháu rót nước cho ông uống thuốc hoặc cháu quạt cho ông ngủ... cháu cũng là cô Tiên của ông đó!
Ông ngoại hôn lên trán cô bé và vuốt ve mái tóc tơ óng mượt bằng bàn tay run run. Ông yêu lắm rồi, ánh thương yêu trìu mến và cả bứt rứt hiện lên trong đôi mắt mờ đục:
- Ông muốn làm điều gì hay cho cháu. Hạ Chi thích gì nhất?
Cô bé mười ba bối rối. Nhưng cô bé đã có sẵn câu trả lời:
- Cháu muốn nhìn thấy vầng hào quang của mẹ.
Mặt ông ngoại nhăn nhúm lại. Giọt nước mắt đùng đục ứa ra đuôi mắt:
- Mẹ sẽ là cô Tiên của cháu, Hạ Chi! Một ngày nào đó... Rồi sẽ có ngày cháu hiểu đươc mẹ. Cháu hãy là cô Tiên của mẹ.
Hạ Chi rất muốn làm cô Tiên của mẹ nhưng mẹ không cần điều đó. Mẹ liếc mắt qua học bạ của bé:
- Đứng nhất hả? Tốn bao nhiêu tiền của cho ăn học mà học không nên thân thì chỉ là đồ con bò.
Cô bé co rúm người lại. Cô bé không muốn là “đồ con bò”.
Mẹ thờ ơ liếc mắt qua giấy mời họp phụ huynh học sinh:
- Họp với hành!
Có lần Hạ Chi vẽ tặng mẹ bức tranh Hàng Cau Quê Ngoại - Cô bé là một cây cọ non xuất sắc của câu lạc bộ năng khiếu. Bức tranh được vẽ với bao hy vọng sẽ làm cho mẹ vui lòng. Và hình như mẹ cũng có xúc động, nhưng chỉ một chút thôi. Rồi mẹ quên ngay bức tranh chứ không mua kính lồng khung treo lên tường phòng khách như đã hứa. Hàng Cau Quê Ngoại cuộn tròn rồi lãng quên.
Mẹ không thương mình! Cô bé lờ mờ nhận ra điều tàn nhẫn đó.
Có lần điện cúp, ông ngoại bảo cô bé lấy quạt giấy ra quạt cho mẹ. Mẹ phẩy tay:
- Thôi, nóng nực thím.
Mẹ cũng không cần mình! Cô bé cảm nhận một cách tuyệt vọng.
May mà còn có ông ngoại và thế giới cổ tích của ông!
Nhưng ông sắp mất rồi. Cô bé co người lại mỗi khi nghe tiếng ông thở hổn hển trên giường. Mái tóc ông nhúm nhó như nắm bông.
- Hạ Chi, ông có cái này cho cháu - Ông ngoại mò mẫm trong lưng lấy ra một túi vải nhỏ. Ông lộn trái cái túi, lấy ra một đôi bông tai kiểu dáng xa xưa - Của bà ngoại để lại đó. Cháu cất giấu thật kỹ phòng sau này. Ông tiếc là không có thêm gì cho cháu. Hạ Chi, hãy nhớ...
- Nhớ gì hở ông?
- Tội nghiệp. Nếu ông còn sống thêm được nữa thì chẳng bao giờ ông nói - Ông ngoại áp đôi tay cô bé vào gò má nhăn nheo - Đừng bao giờ nói với ai, kể cả mẹ, hãy cất giấu nơi nào chỉ mình cháu biết.
- Mẹ không thương cháu phải không ông? - Câu hỏi ấm ức bao ngày tháng bật ra thành lời đẫm nước mắt.
- Sẽ có lúc cháu hiểu điều đó. Nhớ lời ông nói đây, cháu yêu quý của ông... Mai này dù cho cuộc đời có đưa đẩy đến đâu thì...
Cô bé không nghe hết điều ông nói và cũng không kịp hiểu hết.
Đám tang ông diễn ra lặng lẽ, có thằng Vinh lò dò đi theo sau một khoảng xa xa.
Ngôi nhà chỉ còn lại bà mẹ và cô bé. Mẹ buôn bán ngoài chợ suốt cả ngày, rồi còn đi thu tiền hàng tiền họ đến khuya mới về. Giữa ngôi nhà trở nên thênh thang hơn vì cô đơn, cô bé khóc hết nước mắt. Tiếng chuột chạy, tiếng mèo kêu, tiếng guốc ai gõ rất gần và tiếng gió lùa qua ô cửa...
Anh công an khu vực buộc phải chú ý đến ngôi nhà này vì các ô cửa sổ luôn sáng ánh đèn, ánh sáng lóe lên từ những khung kính giữa đêm khuya đầy vẻ bất ần. Và trước cổng luôn là thằng Vinh đầu bò nổi tiếng ngổ ngáo nửa nằm nửa ngồi, đôi chân bẩn thỉu thập thò dưới giàn hoa tím.
Một đêm anh công an nghe được đoạn đối thoại giữa hai đứa:
- Mẹ Chi đêm nào cũng đi đến khuya lắc khuya lơ vậy hả?
- Ừ!
- Tui thấy mẹ Chi không giống mẹ người ta - Giọng thằng bé vang lên rành rỏi giữa bóng tôi ngả xuống của trụ cổng sừng sững vuông vức - Nếu không có họ hàng thì cũng kiếm một người làm để coi nhà coi cửa với Chi chớ.
- Tôi không biết! - Câu trả lời ước sũng - Bạn tốt với tôi quá. Nếu không có bạn chắc tôi không dám ở nhà đâu.
- Không ở nhà thì đi đâu?
- Tôi không biết. Cứ chạy đại ra đường đông người...
- Bộ Chi tưởng ra đường sướng lắm hả?
- Sao bạn ra đường vậy?
- Không biết. Lớn lên thấy mình ở sẵn ngoài đường rồi.
Im lặng một chút.
- Hay là... bạn vào nhà tôi ngủ.
- Không được đâu. Lỡ mẹ Chi về thấy thì sao?
- Mẹ tôi không để ý đâu. Về nhà là mẹ tôi đi ngủ ngay.
- Thôi... tui ngủ đây quen rồi. Chi vô ngủ đi. Tui hứa là không bỏ đi bất chừng đâu mà sợ.
- Để tôi lấy cho bạn cái mền.
Thằng Vinh ậm ừ như muốn từ chối nhưng tiếng muỗi vo ve rất rõ nên khi Hạ Chi đem cái mền ra thì nó im lặng cầm lấy.
Anh công an trở thành nhân chứng của tình bạn giữa hai đứa bé. Đêm đêm, khi đi tuần khu vực, thế nào anh cũng dừng lại dưới hiên nhà kế bên lắng nghe hai đứa trò chuyện. Đứa bên trong cánh cổng cao cao những hàng song, đứa ngoài bóng đêm xào xạc. Đứa thanh mảnh trong những bộ váy áo màu sáng, chùm tóc nhổng đuôi gà lúc lắc dải nơ, đôi bàn tay vịn hàng song sắt ngón trắng trẻo thon thon; đứa đen đủi trong bộ áo quần nhàu nát, mớ tóc xù ra như rễ tre và giọng nói sớm khàn đi. Nhưng hai đứa có chung một thứ là sự đơn độc. Và có chung một điều nữa là thế giới cổ tích ông ngoại để lại khiến cho đứa này lấp lánh hào quang trong mắt đứa kia.
Một buổi tối anh công an quyết định đến gần hai đứa bé. Anh xuất hiện giữa ánh đèn đường vàng vàng từ xa hắt tới, cây đèn pin trên tay anh mở một vùng sáng rộng đủ soi bóng cả ba.
Thằng Vinh bật người ra sau, khuôn mặt đang thư giãn hiền hòa vụt bặm lại căng thẳng, nó lùi hai bước.
- Cứ tự nhiên, Vinh. Chú chỉ đến chơi với hai đứa thôi.
Nó không tin, lùi một bước nữa, quai hàm cứng lại. Nó sợ anh công an đã đành mà sợ nhất là Hạ Chi nhìn thấy nó bị công an lôi đi. Chiều nay nó vừa đánh nhau với bọn xóm trên một trận.
- Chú công an ơi! - Hạ Chi kêu lên.
- Chú chỉ... Vinh... đừng sợ! - Anh công an đưa tay trong một cử chỉ thân thiện.
Bao nhiêu là hoài nghi trong đôi mắt đen quen nhìn đời bất trắc, thằng Vinh quay lưng bỏ chạy.
Bên trong song cửa sắt, Hạ Chi bật khóc.
- Cháu yên tâm ngủ đi. Chú sẽ thay Vinh đứng đây cho đến khi mẹ cháu về.

*

Giờ đây là một tình bạn giữa ba người. Anh công an nhanh chóng hiểu được cô bé đã có một ông ngoại tuyệt vời như thế nào. Anh phác một kế hoạch: Đề nghị bà mẹ của cô bé cho phép sử dụng ngôi nhà rộng để mở lớp học tình thương cho trẻ em vỉa hè.
- Chú làm thầy giáo hả? - Thằng Vinh hỏi.
- Có thể là chú hay một người khác.
- Nếu người khác dạy, cháu không rủ mấy đứa học đâu - Thằng Vinh nói cương quyết.
- Ừ! Thì chú dạy.
Nhưng mẹ Hạ Chi quay ngoắt người khi anh vừa thốt lên đề nghị. Sự từ chối quyết liệt khiến anh ngạc nhiên. Địa điểm không phải là điều quá khó khăn, có thể mở lớp tại Ủy ban phường cũng được. Nhưng anh muốn mở tại nhà cho Hạ Chi bớt đơn độc. Vậy mà...
Nỗi nghi ngại hình thành và lớn dần trong anh công an. Anh nhanh chóng khám phá ra sự sang giàu của ngôi nhà chỉ là lớp vỏ mỏng manh. Gian hàng tạp hóa của bà tạo dựng từ những món nợ to lớn và ngôi nhà đã bị cầm cố từ lâu. Đơn thưa kiện bà lừa đảo gửi đến công an ngày một nhiều. Số phận của cô bé Hạ Chi chỉ cách số phận thằng Vinh một bước ngoặt. Đây quả là một đòn trời giáng đối với cô bé thích chuyện cổ tích.
- Hạ Chi, cháu thích gì nhất? - Anh ân cần hỏi. Anh thật lòng muốn làm một điều gì cho cô bé, thật lòng không muốn trên đường đi tuần ban đêm có thêm một đứa bé co ro trên vỉa hè.
Hạ Chi ngước mắt nhìn anh công an. Trước lúc mất, ông ngoại cũng hỏi câu này. Cô bé tưởng như ông đang hiển hiện đâu đây.
- Nói đi, Hạ Chi, cháu thích gì nhất?
Cô bé nhè nhẹ lắc đầu. Cô bé đã trả lời câu hỏi này với ông ngoại rồi. Tuyệt vời như ông ngoại mà không đưa mẹ đến gần cô bé được thì chú công an này làm sao...

*

- Chi oán chú lắm - Thẳng Vinh bật ra, mắt nó tối sầm.
- Chú biết! - Anh công an buồn rầu gật đầu.
- Chi nói chú giả bộ làm thân rồi kêu người bắt mẹ Chi đi tù!
Chưa bao giờ gánh nặng của bổn phận lại đè lên vai anh công an đến thế. Miệng anh đắng ngắt:
- Mẹ Chi bị bắt là do nợ nần quá lớn.
- Nhưng ngôi nhà bị người ta chiếm rồi. Giờ Chi ở đâu?
- Chuyện ngôi nhà đợi pháp luật xử. Trước mắt, hai đứa đến với chú.
Thằng Vinh nhìn anh dò xét. Nó muốn tin anh, nhưng cô bạn nhỏ của nó đâu rồi?
Hai người tìm thấy Hạ Chi bên mộ ông ngoại, ông Bụt thân thương của cô bé! Bộ đồ màu hồng bê bết đất và găm đầy gai cỏ. Cô bé khóc đến kiệt sức. Anh công an cúi xuống, cô bé không giãy ra nổi nhưng đôi mắt nhìn anh tuyệt vọng đến nỗi anh khựng tay lại.
Hai vai cô bé co lại như một con ốc nhỏ xíu giữa những ngôi mộ nhấp nhô.
- Để tui dắt Chi về! - Thằng Vinh cầm tay cô bạn nhỏ.
Căn phòng của anh công an nhỏ xíu. Một cái giường cá nhân, một cái tủ gỗ, một cái bàn nhỏ và vài cuốn sách...
- Hạ Chi ngủ trên giường, Vinh và chú nằm dưới đất. Cứ như vậy đã. Mai mốt tính sau.
Đi làm về, anh công an nhìn thấy một giỏ thức ăn to tướng trên bàn.
- Gì vậy hai đứa?
- Ngày mai cháu đi thăm mẹ! - Hạ Chi nói nhỏ.
Anh công an thở dài:
- Sáng mai cháu đi học, rồi chiều chú chở đi.
- Không. Cháu không đi học nữa đâu.
- Cháu phải đi học!
- Cháu nghỉ! - Cằm cô bé nhô ra.
- Cháu phải đi học. Không phải chỉ có chú muốn mà Vinh cũng muốn vậy nữa - Anh công an nhìn Vinh cầu cứư. Thằng Vinh xộc hai bàn tay vào nhau:
- Đi học là đúng rồi. Không đi học thì đi đâu?
- Còn bạn thì sao? Bạn có cần học đâu?
- Đó là tại... từ nhỏ đến giờ đâu có ai biểu tui đi học.
Hạ Chi lúc lắc mái tóc rồi cạp mắt xuống:
- Mai đi học về cháu đến trại giam luôn.
- Chú đến trường đón cháu, hai chú cháu mình cùng đi.
- Cháu đi một mình!
- Cháu không nên đến đó một mình.
- Nhưng cháu không muốn đi với chú đến chỗ mẹ cháu - Cô bé nghẹn ngào.
Thằng Vinh rụt rè:
- Tui đi với Chi được không?
Đường đến trại giam không giống đường đến trường học, không giống đường đến nhà văn hóa học lớp năng khiếu. Mồ hôi Hạ Chi túa ra, gót chân cô bé nhức nhối. Cô bé thở phì phò...
Thằng Vinh ái ngại:
- Phải đi xe thồ thôi, tui có tiền nè.
Hai đứa đi đến góc đường gần nhất. Hai ba cái xe thồ nằm song song bên nhau, những ông tài xế sụp mũ khuất gần hết khuôn mặt, cổ áo dày cộm che sát cằm.
- Chú xe thồ ơi!
Người tài xế xe thồ hất mũ lên.
Hạ Chi sững sờ lùi lại - Thầy giáo chủ nhiệm!
Làm sao lại có thể thế này? Thầy giáo nghiêm trang trên bục, áo sơ mi trắng tinh. Lời giảng sang sảng giữa lớp.
Thầy đó sao? Cái mũ rộng vành màu xám và cái áo khoác ngoài màu xanh lá bám đầy bụi. Bàn tay dò cây bút đỏ trong sổ điểm, khiến bao học sinh hồi hộp giờ đặt lên yên xe dường như quá mệt mỏi và chẳng còn mấy uy lực. Mới sáng nay, bàn tay này vừa khoanh tròn một điểm 0 như bỏng lửa vì Hạ Chi không thuộc bài.
- Thưa thầy... - Hạ Chi lắp bắp.
- Em đi đâu về đường này?
Giọng nói thân thuộc vang lên là giọt cuối cùng làm tràn ly thương tổn. Đúng là thầy rồi! Cô bé không làm sao hiểu kịp. Gió cuốn những trang đời bay qua rất vội và cô bé bay vèo từ cổ tích đến sự thật trần trụi không kịp nghĩ suy.

*

Thầy giáo làm tiếp điều mà anh công an đành phải dừng lại. Mẹ cô bé cuối cùng cũng đã thôi câm lặng. Bà nhìn thầy giáo bằng đôi mắt của một kẻ không còn mấy thiết tha với cuộc đời:
- Tóm lại là thầy muốn gì ở tôi?
Giữa khung cảnh ảm đạm của khu nhà thám nuôi phạm nhân, vai người đàn bà rũ xuống. Bà không có dáng vẻ của tay trùm làm ăn. Không có vẻ hằn học của một kẻ sa cơ thất thế. Ở bà là một sự buông xuôi cay đắng.
- Dạo này Hạ Chi học sút ghê gớm.
- Chẳng lẽ tôi xin ra tù để học giùm nó hay sao?
- Ngày ngày Hạ Chi chỉ nghĩ đến một việc là lần tới mua cái gì đi thăm bà. Tôi nghĩ... bà nên viết cho con gái vài dòng.
- Vậy ra đồ ăn gửi vào đây là của nó à?
- Chứ bà nghĩ của ai? Còn ai khác biết được bà thích gì và không thích gì?
Điều gì đó thoảng qua khuôn mặt hốc hác của người đàn bà.
- Tiền đâu nó có?
- Trước khi mất, ông ngoại tặng cho Hạ Chi đôi bông tai của bà ngoại. Cô bé đã bán đi để mua quà thăm bà.
- Cả ba tôi cũng không thương tôi - Bà ôm mặt - Ông đã tặng cho con bé mà không để lại cho tôi chút gì!
- Ông cụ đã để lại cho bà rất nhiều, đó là những gì ông dạy dỗ và tặng cho con gái của bà.
- Nó không phải là con của tôi - Nuớc mắt ràn rụa trên mặt người đàn bà - Tôi không được trời cho có con. Tôi xin nó về nhưng chồng tỏi vẫn bỏ đi với người khác. Tôi khổ lắm. Tôi muốn giàu, thật giàu để có cái gì đó với đời này... Nhưng chẳng có cái gì là của tôi cả. Chồng không, con không, của cải không...
Thầy giáo đã biết điều này. Thầy cúi đầu đợi người đàn bà nguôi nước mắt:
- Tôi nghĩ rằng bà có điều quý nhất. Một đứa con hiếu thảo nhất cũng không thể yêu thương cha mẹ nhiều hơn tình yêu của Hạ Chi dành cho bà. Tôi có đem theo giấy bút đây...

HẾT


Xem Tiếp: ----