Quê nhà yêu dấu

     ng đến khách sạn vào buổi trưa, giờ vắng khách nhất. Ông chậm rãi bước qua ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn quanh và mỉm cười với tôi, nụ cười ngượng ngùng, hồn hậu, vô số nếp nhăn chạy quanh khóe môi và đuôi mắt:
- Chào cháu!
Thường thì khách gọi tôi bằng “cô”.
- Chào bác!
Ánh cười trong mắt chùng lại khi tôi nói giá phòng:
- Luôn là đắt hơn so với người mình trong nước, tại sao?

*

Chẳng thương gia cũng chẳng phải khách du.
“Tôi có thể giúp gì cho ông không?” - Tôi sẽ nói với cái câu quen thuộc và nụ cười nghề nghiệp trên môi. Nhiệm vụ của tôi là làm hài lòng khách. Nhưng tôi biết làm gì đây cho một người trở về sau hai mươi năm xa cách, không mong gì hơn là gặp lại quê nhà?
Quê nhà! Trước nhất là một người thân đón ông ở phi trường và một mái nhà cho ông ngả lưng sau mấy mươi giờ dằng dặc tiếp những chuyến bay. Ai đón ông? Chiếc taxi và người tài xế cúi chào rất đúng nghi thức. Mái nhà chờ ông là khách sạn của tôi với giá phòng dành cho Việt kiều. Tour du lịch đi quanh những danh thắng trong tỉnh, điểm đến điểm dừng đã được lên kế hoạch và đánh dấu rất đậm trên bản đồ.
“Tôi có thể giúp gì cho ông không?”
Không! Tôi không thể làm được gì cho ông cả. Thuở ông ra đi tôi còn bé xíu. Những ngôi nhà, những con đường, những góc phố, những hàng cây... ngày xưa của ông giờ đã đổi thay. Bạn bè ông... đường đời phiêu bạt đó đây.
- Cháu đi với bác một chút được không? Cho có bạn...
“Cho có bạn” - Ông nhìn tôi ngượng nghịu, tha thiết, vẻ gì đó như khẩn cầu. Ánh đèn hắt vào mắt ông đốm sáng kiến tôi nghĩ đến sao Hôm sao Mai.
Những con đường bình thường tôi vẫn đi qua chợt rộn ràng tiếng chân ký ức của ông, ngập tràn hình ảnh và màu sắc, tình yêu và nước mắt...
- Cháu biết không, hồi đó...
Ông bắt đầu và tôi im lặng lắng nghe.
- Trước kia, chỗ này là...
Quê nhà của ông là cây chùm ruột chua chua trưa hè nghiêng nghiêng bóng nắng, là hương hoa dạ lý mênh mang ngõ hẹp, những mái nhà thấp mưa tí tách ngoài hiên, có cây trứng cá rụng từng trái tròn tròn nhẻ xíu, ngậm vào miệng chưa cắn đã tan ra vị ngọt li ti trên đầu lưỡi.
Giọng thì thầm khàn khàn của ông như một lời van vỉ, và thời gian mủi lòng quay lại. Tôi thấy ông thuở nào cùng vợ làm lụng, nuôi bầy con lớn khôn. Sáng, trưa, chiều... ngày ngày... bà gánh hàng ra chợ, ông làm thư ký cho một hãng buôn.
- Hồi đó ông mơ gì nhỉ?
- Bác chỉ mong con cái học hành giỏi giang, và có tiền sửa lại cái nhà.
Con ông bây giờ đã thành đạt, và có cả ngôi biệt thự ở Cali. Sao lòng ông không yên?
- Cháu biết không...
Tôi đang nhận biết, ông đang giúp tôi nhận Kiết. Một ông già ngậm ngùi nỗi lý hương cho tôi được biết người ta ray rứt đến thế nào vì nhung nhớ.
Quê nhà ông gặp lại là những ngôi nhà cao tầng sừng sững, cột điện nối tiếp cột điện xuyên dài con đường thênh thang dấu bụi.
- Mọi thứ giờ đã hiện đại hơn nhiều - Ông rút khăn chậm nước mắt rồi mỉm cười - Mình giàu hơn xưa phải không cháu?
- Mưa kìa bác, mình về thôi! - Tôi nhắc khẽ. Đêm buông và mưa nhẹ, vai áo ông lắc rắc những hạt nước li ti lóng lánh dưới ánh đèn đường. Trong cái áo len màu sẫm này, ông khác hẳn người đàn ông trong bộ veston xuất hiện ngày đầu tiên.

*

Nỗi nhớ của ông là gánh chè đậu đen, tiếng rao lanh lảnh cắt ngang giấc trưa ngắn ngủi, từng, hạt bùi bùi nhai chung với đá rau ráu mát rượi. Nỗi nhớ của ông là ổ bánh mì nhai vội vàng trước cổng trường với món nước tương đặc biệt và giá tiền rất đỗi bình dân.
Gánh chè không còn nữa nhưng bánh mì vẫn còn đây, nép trong con hẻm đôi diện cổng trường Bồ Đề cũ. Một điều kỳ lạ là thời gian và bao biến động dường như bất lực trước xe bánh mì này. Vẫn màu sơn trầy trụa lem nhem lộ rõ thớ gỗ cũ kỹ, vẫn bà bán vóc người thấp đậm từ từ chan tương vào ổ bánh “Đợi nghe... chịu khó đợi nghe... Tôi không làm ẩu được”. Chầm chậm, thủng tha thủng thẳng... bà làm từng ổ... từng ổ... bất kể khách chờ quanh xe sốt ruột nhìn đồng hồ.
Bà ngạc nhiên và bối rối khi nhìn thấy một ông già sang trọng đứng sựng trước xe nhìn bà trân trối.
- Ăn với bác một ổ nghe cháu - Ông nói, mắt nhòa lệ.
Tôi cắn ngập qua ổ bánh, nước tương quả là độc đáo. Con đường ngược lối đi làm nên tôi không biết có xe bánh mì này. Vậy mà nó hiện diện ở đây bao năm tháng, là chứng nhân thầm lặng của bao đổi thay và là kỷ niệm của một kẻ tha hương.
- Ngày xưa, mỗi lần đưa con đi học, bác thường dừng lại đây ăn một ổ, vừa ngon vừa rẻ.
Con của ông có còn nhớ?

*

Điểm đến là hồ Lăk. Du khách xôn xao khi biết đây đã từng là nơi ngơi nghỉ của một ông vua. Rồi ai nấy ngậm ngùi khi nhìn thấy tòa nhà hoang phế gai cỏ rậm rì. Đường lên tòa nhà đường bệ một thời là con dốc uốn quanh triền đồi vắng ngắt, hai hàng sứ im lìm tỏa nhánh tơ nhện giăng đầy, khuôn viên đầy vết phân bò khô. Ôi! Rêu phong! Tòa nhà chỉ còn trơ khung sườn và những bậc thang dày bụi đất. Mảnh tường tróc lở nham nhở nguệch ngoạc vài hàng thơ của khách lãng du.
Tôi và ông trèo lên tầng trên, những bậc thang dưới chân rung rung. Ô cửa sổ nhìn xuống mặt hồ lấp lánh nắng trời lăn tăn những vòng sóng rực rỡ. Cây Kơ nia nghiêng nghiêng triền đồi vút lên cao.
Ông nâng máy hình lên rồi hạ xuống.
- Sao bác không chụp?
Ông im lặng thở dài.
Gió lộng thúc giục chiều trôi, ráng chiều đỏ rực một góc hồ. Cậu bé người M’Nông mình trần đen bóng như một pho tượng gỗ cùng chiếc thuyền độc mộc vun vút lướt qua vùng ráng chiều soi bóng, mây trời lô nhô.
- Đẹp quá hả cháu? - Ông thầm thì.
Gió... Gió... Mớ tóc trước trán ông rung rung. Tôi quấn tóc lại nhét vào mũ. Cậu bé M’Nong cắm sào giữa hồ, bắt đầu vớt rong. Trên đầu cậu, cò bay về thật nhiều. Bóng trắng lả qua mặt hồ những đốm sáng như sao sa rồi tung cao xóa dần trong gió. Ông xoay ống kính đuổi theo những cánh cò. Trời chiều nghiêng vai.
- Đẹp quá cháu ơi!
Vâng, đẹp! Lúc này tôi có thể hiểu được ông đôi chút. Rất đẹp! Con thuyền gầy, cánh cò trắng bay và bóng núi lao xao cùng bầy trẻ trần truồng vung văng ven hồ la đà tiếng gió đùa qua hàng trúc vàng óng...
- Bác chụp cháu một tấm hình nghe? Cháu hãy xõa tóc ra... vậy đó... cháu dễ thương quá!
Rất nhiều khách du khen tôi dễ thương. Tôi đã quen nghe những lời khen vội vàng đến vội vàng đi. Những gặp gỡ, quen biết rồi quên lãng. Ngày mai taxi đưa ông ra phi trường, chấm dứt tour. Ông về Cali, tôi ở lại. Có thể nào chìm vào lãng quên lời khen chiều nay? Một lời khen khắc khoải trên đỉnh đồi này, giữa làn gió trở mùa lành lạnh rong rêu. Một lời khen được thốt lên từ một ông già nặng lòng hoài nhớ. Có phải một chút nỗi nhớ của ông vương vấn dáng dấp một mái tóc thề?
- Cháu biết không... Hồi đó...
Hình như tôi đã chớm biết. Nhưng có làm gì được hơn nữa đâu. Ngày mai ông về Cali...
- Chưa, bác xin gia hạn thêm vài ngày nữa. Bác nghe nói mùa thu Hà Nội đẹp lắm.
Vâng! Mùa thu Hà Nội đẹp tuyệt vời! Nhưng vài ngày níu kéo rồi cũng trôi qua.
- Sao bác không xin hồi hương? - Tôi hỏi. Cảm thấy mơ hồ không nên hỏi vậy.
Cò từ đâu bay về nhiều quá.
-... Làm sao được cháu? Mọi sự đã rồi... gia đình, công việc...
- Vợ bác là người Mỹ? - Tôi lại hỏi một câu không nên hỏi.
- Bà sau này là người Tàu. Cháu biết không, vừa đặt chân đến đất Mỹ, ngày ngày bác xô cổng nhà người ta xin được làm công quét lá. Có người rất kỹ tính, lá vàng dày đặc cả sân vẫn bảo đợi khi nào cây hết lá rồi hẵng dọn luôn một thể. Nhiều lần, rất nhiều lần bác đợi chiếc lá cuối cùng rơi.
- Vì vậy nên đêm qua bác yêu cầu mở cửa khách sạn để bác ra cho người quét rác tiền?
- À... đó là... bác già nên hay nhớ mông lung, nghe tiếng chổi sột soạt... - Ông cười buồn - Có lẽ bác không đi Hà Nội... dù bác rất muốn. Bên đó, buổi tối mấy đứa con của bác có bao giờ chịu ở nhà đâu. Chắc bà ấy đang cô đơn lắm.
Im lặng một chút, ông cầm tay tôi:
- Cháu đưa bác ra phi trường nhé?
Một ngày cuối năm, tôi nhận được một tấm thiệp từ bên kia bờ đại dương xa xôi. Ngay lập tức tôi nhận ra ông giữa bộn bề sổ sách thư tín...
Tôi cùng tấm thiệp đi long rong trên đường. Rồi tôi dừng lại trước một shop sang trọng, nơi này ngày xưa là ngôi nhà của ông.
- Cháu biết không - Tôi nghe giọng ông thì thào đâu đây - Hồi đó chỉ là căn nhà ván lợp tôn, trước sân bác trồng hoa mười giờ.
Tôi bước vào shop, lựa một tấm thiệp xuân... Mai vàng nhiều quá... Mai vàng rực rỡ kiêu sa.
Có tấm thiệp nào in những dây hoa màu tím bò loăng quăng bờ rào không?
Daklak - 12.1995